Vấn đề không phải ở chỗ bạn đang gặp khó khăn mà chính ở chỗ bạn xem khó khăn là một vấn đề.

Theodore Rubin

 
 
 
 
 
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: Trần Hùng
Số chương: 41 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 5
Cập nhật: 2024-09-01 17:39:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tề IV
. PHÙNG HUYÊN LÀM THỰC KHÁCH NHÀ MẠNH THƯỜNG QUÂN
(Tề nhân hữu Phùng Huyên) – QC– BC
Nước Tề có một người tên là Phùng Huyên nghèo khổ thiếu thốn, không thể tự mưu sinh được, cậy người lại xin Mạnh Thường Quân cho được ăn nhờ trong nhà. Mạnh Thường Quân hỏi: “Ông khách thích cái gì?”. Đáp: “Khách không có sở thích nào cả”. Hỏi: “Khách có tài năng gì không?”. Đáp: “Khách không có tài năng gì cả”. Mạnh Thường Quân cười rồi nhận cho: “Được”.
Kẻ tả hữu trong nhà Mạnh Thường Quân thấy chủ mình khinh rẻ người khách đó, nên cho khách ăn rau cỏ. Ở được ít lâu, Phùng Huyên dựa cột, gõ nhịp vào thanh kiếm mà hát: “Kiếm dài ơi, về đi thôi! Ăn không có cá”. Kẻ tả hữu thưa với Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân bảo: “Dọn cá cho ông ấy”. Từ đó đãi Phùng Huyên vào hàng khách ở trong nhà.
Được ít lâu, lại gõ nhịp vào thanh kiếm mà hát: “Kiếm dài ơi, về đi thôi! Đi không có xe”. Kẻ tả hữu đều cười, rồi thưa với Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân bảo: “Đánh xe cho ông ấy”. Từ đó đãi Phùng Huyên vào hàng môn khách có xe. Vậy là Phùng Huyên ngồi lên xe, giơ cao thanh kiếm, lại chơi bạn bè, bảo: “Ông Mạnh Thường Quân đãi tôi vào bậc khách”.
Được ít lâu lại gõ nhịp vào thanh kiếm mà hát: “Kiếm dài ơi, về đi thôi! Không có gì gởi về nhà”. Kẻ tả hữu đều ghét là tham, không biết thế nào là đủ. Mạnh Thường Quân hỏi: “Ông Phùng còn người thân không?”. Đáp: “Còn mẹ già”. Mạnh Thường Quân sai người chu cấp thực dụng, không để thiếu thốn. Từ đó Phùng Huyên không hát nữa.
Sau, Mạnh Thường Quân giở sổ ra, hỏi các môn khách: “Vị nào quen việc kế toán, có thể vì Văn đi thu tiền nợ ở đất Tiết không?”. Phùng Huyên viết tên mình vào sổ, đáp: “Tôi đi được”. Mạnh Thường Quân lấy làm lạ hỏi: “Vị này là ai vậy?”. Kẻ tả hữu đáp: “Là người gõ kiếm hát: “Kiếm dài về đi thôi” đó”. Mạnh Thường Quân cười bảo: “Ông khách quả có tài năng, tôi đã phụ ông ta, không thường hội diện”. Xin mời lại gặp mặt và tạ lỗi: “Văn tôi mệt mỏi về việc quan, lo lắng quá nên tâm thần mê loạn, tính lại vốn nhu nhược, mê muội, chìm đắm vào việc quốc gia, đến nổi đắc tội với tiên sinh, tiên sinh chẳng lấy làm nhục, lại có ý thay tôi qua đất Tiết thu nợ giùm chăng?”. Phùng Huyên đáp: “Tôi xin đi”. Như vậy rồi sửa sang xe, ngựa, hành trang, chở theo những trái khoán, khế ước. Khi từ biệt, hỏi: “Nợ thu hết rồi, tôi mua gì mang về?”. Mạnh Thường Quân đáp: “Tiên sinh coi nhà này thiếu thứ gì thì mua thứ đó”.
Phùng Huyên dong ngựa tới đất Tiết, sai một viên thư lại gọi dân tới, ai thiếu nợ thì đối chiếu với tờ khoán. Đối chiếu xong cả rồi, Phùng Huyên đứng dậy, thác lời Mạnh Thường Quân, cho hết số nợ, rồi đốt tờ khoán đi. Dân đều hô vạn tuế.
Lại dong ngựa vội về Tề, sáng sớm xin vô yết kiến Mạnh Thường Quân.
Mạnh Thường Quân lấy làm lạ sao mà đi mau vậy, mặc áo đội mũ ra tiếp, hỏi: “Nợ thu được hết không? Sao mà về nhanh thế?”. Đáp: “Thu hết rồi”. Hỏi: “Mua gì về?”. Phùng Huyên đáp: “Ngài bảo: “Coi nhà này thiếu thứ gì thì mua thứ đó”. Thần nghĩ trong cung của ngài chứa đầy châu báu, ngoài chuồng đầy cả ngựa, chó, hậu đình chật cả mỹ nữ, nhà ngài có thiếu chỉ là thiếu “nghĩa” thôi, nên thần đã trộm phép mua “nghĩa” về”. Mạnh Thường Quân hỏi: “Mua “nghĩa” là làm sao?”. Đáp: “Nay ngài có đất Tiết nhỏ hẹp đó, đã không vỗ về yêu dân mà lại đi cướp cái lợi của dân, nên thần thác rằng ngài ra lệnh cho dân hết số nợ, rồi đốt các tờ khoán, dân hoan hô ngài vạn tuế. Thần mua “nghĩa” về cho ngài là thế”. Mạnh Thường Quân không vui, bảo: “Được! Thôi tiên sinh về nghỉ!”.
Khoản một năm sau, Tề Vương bảo Mạnh Thường Quân: “Quả nhân không dám dùng bề tôi của tiên vương làm bề tôi cho mình”. Mạnh Thường Quân về đất Tiết, chưa tới, còn cách trăm dặm, dân đất Tiết dắt già bồng trẻ đi đón rước đầy đường suốt ngày. Mạnh Thường Quân quay lại bảo Phùng Huyên: “Tiên sinh mua “nghĩa” cho Văn này, đến hôm nay tôi mới được thấy”. Phùng Huyên đáp: “Thỏ khôn phải có ba hang mới có thể thoát chết được. Nay chỉ mới có một hang, chưa thể gối cao mà ngủ yên, tôi xin vì ngài đào thêm hai hang nữa”.
Mạnh Thường Quân cấp cho Phùng Huyên năm chục cổ xe, năm trăm cân vàng, qua phía tây du thuyết ở nước Lương. Phùng Huyên tâu với vua Lương:
“Vua Tề đuổi bậc đại thần là Mạnh Thường Quân; nước chư hầu nào đón trước được ông ấy thì sẽ giàu có mà binh mạnh”. Như vậy vua Lương mới bỏ trống chức vị cao nhất, đem vị đương thời tướng quốc xuống làm thượng tướng quân, sai sứ mang ngàn cân vàng, trăm cổ xe lại đón Mạnh Thường Quân, Phùng Huyên dong về trước, khuyên Mạnh Thường Quân: “Ngàn cân vàng là vật trọng, trăm cổ xe là chức cao. Vua Tề tất hay tin này”. Viên sứ nước Lương ba lần về không, vì Mạnh Thường Quân cố từ không chịu đi.
Tề hay tin, vua tôi đều sợ hãi, sai quan thái phó đem ngàn cân vàng, hai cổ xe đẹp bốn ngựa, một thanh gươm của vua đeo và một phong thư lại tạ lỗi với Mạnh Thường Quân. Thư rằng: “Quả nhân gặp vận bất tường, quỉ thần tôn miếu giáng hoạ, nên bị bọn nịnh thần mê hoặc, đắc tội với ông. Quả nhân vô dụng, xin ông đoái nghĩ tới tôn miếu của tiên vương, tạm trở về nước mà thống trị vạn dân, được chăng?”. Phùng Huyên khuyên Mạnh Thường Quân: “Ngài nên xin những đồ tế tự tiên vương rồi lập tôn miếu ở đất Tiết”. Tôn miếu cất rồi, Phùng Huyên về báo cáo với Mạnh Thường Quân: “Ba hang đã đào xong, ngài tạm có thể gối cao mà sống vui”.
Mạnh Thường Quân làm tướng quốc mấy chục năm, không gặp một cái hoạ nhỏ nhặt nào cả, là nhờ mưu của Phùng Huyên vậy.
2. CÔNG TÔN HOẰNG ĐI SỨ TẦN
(Mạnh Thường Quân vi tung)
Mạnh Thường Quân mưu tính hợp tung, (người nước Tề là) Công Tôn Hoằng bảo Mạnh Thường Quân:
- Sao ông không sai người quan sát vua Tần (Chiêu Vương) trước đã. Nếu vua Tần là hạng quân chủ có đức đế vương thì ông chỉ lo rằng không được làm bề tôi ông ta, đâu có rảnh mà nghĩ đến chuyện hợp tung để làm khó ông ta; còn nếu như vua Tần là hạng quân chủ bất tiếu thì lúc đó ông tính chuyện hợp tung để làm khó ông ta, cũng không trễ.
Mạnh Thường Quân:
- Phải. Vậy xin nhờ ông đi giùm choviệc đó.
Công Tôn Hoằng vâng lời, dùng mười chiếc xe, qua Tần. Chiêu Dương nghe tin, muốn dùng lời lẽ làm nhục Công Tôn Hoằng.
Công Tôn Hoằng vào yết kiến. Chiêu Vương hỏi:
- Đất của Tiết Công được bao nhiêu?
Công Tôn Hoằng đáp:
- Trăm dặm.
Chiêu Vương cười, bảo:
- Đất của quả nhân rộng ngàn dặm, màquả nhân chưa dám gây khó với ai. Nay đất Tiết của Mạnh Thường Quân chỉ có một trăm dặm mà muốn gây khó với quả nhân, có thể nào được không?
- Mạnh Thường Quân biết trọng người,đại vương không biết trọng người.
- Mạnh Thường Quân trọng người rasao?
Công Tôn Hoằng đáp:
- Hạng người giữ chính nghĩa, khônglàm bề tôi các vị thiên tử (không có đức), không làm bạn với các vua chư hầu (không có đức), đắc chí thì làm nhân chủ mà không thẹn, không đắc chí thì không chịu làm bề tôi, hạng người đó, (Mạnh Thường Quân) có được ba vị; hạng người về việc trị nước có thể làm thầy Quản Trọng, Thương Ưởng, bàn bạc về nghĩa lý, nghe điều phải rồi thi hành, hạng người được như vậy, (Mạnh
Thường Quân) có tới năm vị; hạng người đi sứ tới triều một vua uy nghiêm của một nước vạn thặng, bị vua đó làm nhục mà lui ra tự sát để lấy máu mình vấy vào áo vua đó, như tôi đây, hạng người đó, (Mạnh Thường Quân) có được mười người.
Chiêu Vương cười, xin lỗi:
- Sao khách lại có thái độ như vậy?Quả nhân chỉ là đàm đạo với khách thôi mà. Quả nhân quí Mạnh Thường Quân, muốn được tiếp đãi ông ấy, xin khách bày tỏ giùm ý muốn của quả nhân với ông ấy.
Công Tôn Hoằng đáp:
- Xin vâng.
Có thể bảo là Công Tôn Hoằng không chịu nhục. Chiêu Vương là vua một nước lớn, Mạnh Thường Quân chỉ là vua một nước nhỏ có ngàn cổ xe. Dựng được cái danh nghĩa cho một nước nhỏ mà làm cho nước lớn không thể xúc phạm được, như vậy là làm hết trách nhiệm của một vị sứ giả.
3. MẠNH THƯỜNG QUÂN CHƯA BIẾT TRỌNG KẺ SĨ – C29,3-39
(Lỗ Trọng Liên vị Mạnh Thường Quân)
Lỗ Trọng Liên bảo Mạnh Thường Quân:
- Ông chưa thật trọng kẻ sĩ. (Ông thử nghĩ) Ung Môn Tử nuôi Tiêu Diệc, Dương Đắc Tử nuôi… chia cơm xẻ áo với nhau nên người nào cũng có kẻ sĩ chết vì mình. Nay nhà ông giàu hơn hai ông đó, mà ông chưa có một kẻ sĩ nào hết lòng hi sinh cho ông cả.
Mạnh Thường Quân đáp:
- Chỉ vì Văn tôi chưa gặp được bậc sĩđó, nếu gặp được thì sao các bậc đó lại không hết lòng hi sinh cho tôi?
Lỗ Trọng Liên bảo:
- Trăm con ngựa trong chuồng của ôngđều bận áo thêu và ăn lúa ngon, có phải con nào cũng là loài kì lân, lục nhĩ cả đâu. Mười nàng phi trong hậu cung của ông đều bận gấm lụa, ăn gạo quí thịt ngon, có phải người nào cũng là Mao Tường, Tây Thi cả đâu? Mĩ nhân và ngựa thì ông lựa ở thời này, vậy kẻ sĩ hà tất phải đợi người thời cổ! Cho nên tôi bảo rằng ông chưa thực trọng kẻ sĩ.
4. ĐÀM THẬP TỬ KHUYÊN MẠNH THƯỜNG QUÂN
NÊN QUÊN OÁN – C29,4-19
(Mạnh Thường Quân trục ư Tề)
Mạnh Thường Quân bị đuổi ở Tề, sau lại trở về Tề, (người nước Tề là) Đàm Thập Tử đi đón ở bờ cõi, hỏi Mạnh Thường Quân:
- Ông có lòng báo oán các sĩ, đại phucủa nước Tề không?
Mạnh Thường Quân đáp:
- Oán!
- Ông có ý muốn giết họ ư?
- Giết!
- Có những sự thể tất phải đến, có những tình lý cố nhiên bất biến, lẽ đó, ông biết không?
- Không.
Đàm Thập Tử bảo:
- Ai cũng phải chết, đó là sự thể tấtphải đến; mình giàu sang thì người ta bu lại, mình nghèo hèn thì người ta lảng ra, đó là một tình lý cố nhiên bất biến. Có những sự thể tất phải đến, những tình lý cố nhiên bất biến là vậy đó. Tôi xin lấy một ví dụ: chợ buổi sáng sớm thì đông người, chiều tối thì vắng vẻ, không phải là vì lẽ buổi sáng người ta yêu chợ mà buổi chiều người ta ghét chợ; chỉ vì lẽ còn nhu cầu (mua bán) thì người ta còn tới chợ, hết nhu cầu (đó) thì người ta bỏ về. Vậy xin ông đừng oán.
Mạnh Thường Quân bèn đem chẻ những bản tre khắc tên năm trăm người mà ông oán, rồi thôi không nói tới việc đó nữa.
5. NHAN XÚC THUYẾT TỀ TUYÊN VƯƠNG
(Tề Tuyên Vương kiến Nhan Xúc) – QC – BC
Tề Tuyên Vương vời Nhan Xúc (người nước Tề) lại bảo:
- Xúc lại đây!
Xúc cũng bảo:
- Vua lại đây!
Tuyên Vương không vui. Kẻ tả hữu của nhà vua bảo Nhan Xúc:
- Vua là bậc quân thượng, Xúc là kẻbề tôi. Vua bảo Xúc: lại đây, Xúc cũng bảo vua: lại đây, như vậy có phải lẽ không?
Xúc đáp:
- Vua bảo Xúc: “Lại đây”, mà Xúc lạithì là Xúc mộ quyền thế; Xúc bảo vua “lại đây” mà vua lại thì là vua chuộng kẻ sĩ; để cho Xúc mang tiếng mộ quyền thế thì không bằng để cho vua được tiếng chuộng kẻ sĩ.
Tuyên Vương giận tím mặt, bảo: - Vua quí hay kẻ sĩ quí?
- Kẻ sĩ quí chứ! Vua đâu có quí.
- Có chứng cứ gì không?
- Có chứ! Xưa kia, Tần đánh Tề, ralệnh: “Trong khoảng năm chục bước chung quanh mộ Liễu Hạ Quí, ai mà dám vô đốn củi thì bị tội chết, không tha”. Lại ra lệnh: “Ai mà chặt được đầu vua Tề thì được phong làm vạn hộ hầu, thưởng ngàn nén vàng”. Do đó mà xét thì cái đầu một ông vua còn sống, có khi không bằng nấm mồ một kẻ sĩ đã chết.
Tề Tuyên Vương làm thinh, vẻ không vui. Kẻ tả hữu đều nói:
- Xúc lại đây! Xúc lại đây! Đại vươngchiếm cứ một nước ngàn cổ xe, đúc những cái chuông nặng ngàn thạch treo trên những cái giá nặng vạn thạch, kẻ sĩ trong thiên hạ người nào mà nhân nghĩa thì đều lại phục dịch, người nào mà minh trí thì cũng đều lại yết kiến để đàm luận; đông tây nam bắc, người bốn phương đều qui phục; vạn vật không thiếu thứ gì mà trăm họ đều kính mến. Nay có một kẻ sĩ dù có cao thượng cũng chỉ gọi là một kẻ sĩ “thất phu”, đi thì đi bộ, ở thì ở chỗ đồng ruộng, thô lậu quê mùa, nhà cửa tồi tàn, như vậy thì kẻ sĩ rất đổi là ti tiện vậy!
Xúc đáp:
- Không phải vậy. Xúc nghe hồi xưa,vua Đại Vũ làm chủ vạn nước chư hầu là nhờ đâu? Nhờ vua Đại Vũ có đức dày và được kẻ sĩ giúp sức. Cho nên vua Thuấn ở chốn đồng ruộng dấy lên, xuất thân nơi thô lậu quê mùa mà sau làm thiên tử. Đến đời vua Thang, chư hầu chỉ còn có ba ngàn nước. Hiện nay quay mặt về phía nam mà tự xưng “quả nhân” chỉ còn hai mươi bốn người. Do đó mà xét thì chẳng phải là do chính sách khác nhau, người tốt kẻ xấu ư? Lần lần mà bị diệt vong, cái lúc mà bị diệt vong, không còn thân thuộc gì nữa thì dù muốn có một căn nhà tồi tàn, phỏng có được không? Cho nên Dịch Truyện chẳng từng có câu này đấy ư?: “Ở ngôi cao không có cái thực mà thích cái danh, thì thế nào cũng có những hành động kiêu xa, ngạo mạn, mà hễ kiêu xa ngạo mạn thì cái hoạ tất sẽ theo sau”. Thế cho nên không có cái thực mà thích cái danh thì tất bị tước đoạt, không có đức hạnh mà lại muốn có phước thì tất bị vướng mắc; không có công lao mà muốn hưởng lộc thì tất bị nhục, hoạ tất thâm! Cho nên có câu rằng: “Khoe công thì không thành, nguyện vọng hão huyền thì không đạt”. Đó đều là chỉ thích cái hư danh đẹp đẽ mà không có thực đức. Vì vậy mà vua Nghiêu có chín người phụ tá, vua Thuấn có bảy người bạn hiền, vua Vũ có năm vị trọng thần, vua Thang có ba vị phụ bật; từ xưa tới nay, không có ai không có thực đức mà thành danh trong thiên hạ bao giờ. Vì vậy bậc quân vương không hổ thẹn vì phải học hỏi kẻ dưới; nhờ học hỏi kẻ dưới mới hoàn thành được đạo đức mà lưu danh lại đời sau, đó là trường hợp vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ, vua Thang, và Văn Vương nhà Chu. Cho nên bảo rằng: “Cái không có hình thể là chủ của cái có hình thể; cái không có đầu mối là gốc của mọi sự thể”. Trên thì xét được nguồn, dưới thì thông được dòng, bậc thánh nhân hiểu rõ đạo lý thì có gì mà chẳng tốt lành! Lão Tử nói: “Tuy sang mà phải lấy hèn làm gốc, tuy cao mà phải lấy thấp làm nền; vì vậy bậc vương hầu mà tự xưng là “cô”, “quả”, “bất cốc” là lấy sự ti tiện làm gốc đấy. Kẻ cô, quả là kẻ ti tiện, khốn khổ, ở địa vị thấp, mà bậc vương hầu tự xưng như vậy, há chẳng phải tự hạ mình mà tôn quí kẻ sĩ đấy ư? Vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, vua Thuấn truyền ngôi cho vua Vũ, vua Chu Thành Vương trọng dụng ông Chu Công Đán mà đời đời được khen là minh quân, là vì các ông ấy hiểu rõ rằng kẻ sĩ đáng quí.
Tuyên Vương nói:
- Ôi! Người quân tử, có cách nào làmnhục được đâu, quả nhân đã tự chuốc lấy cái nhục. Nay đã được nghe lời người quân tử và nghe hành vi của kẻ tiểu nhân, xin được làm học trò của tiên sinh. Xin Nhan tiên sinh cùng đi chơi với quả nhân, ăn thì tất có thịt bò, thịt dê, thịt lợn, đi thì tất có xe, vợ con tiên sinh đều được tặng y phục đẹp đẽ.
Nhan Xúc từ tạ, đáp:
- Ngọc sinh ở núi, đem nó mà chế tạothì nó tất vỡ, lúc đó không phải là nó không quí, nhưng không còn được vẹn cái mộc mạc tự nhiên của nó nữa. Kẻ sĩ sinh ở chỗ thô lậu quê mùa, được tuyển dụng làm quan, thì không phải là không vinh hiển, nhưng không còn được vẹn cái bản chân nữa. Xúc tôi xin được về, ăn trễ thì cũng ngon như ăn thịt, thủng thẳng đi bộ thì cũng thích như ngồi xe, không tội thì cũng sướng như kẻ tôn quí, lấy sự thanh tĩnh, chính trực làm vui. Đặt ra hiệu lệnh là nhà vua, tận trung, trực ngôn là Xúc tôi; đạo lý gì cần nói thì Xúc tôi đã nói rồi, nay xin nhà vua cho phép lui ra, thong dong mà trở về nơi cố hương.
Nói rồi vái hai vái, từ biệt mà đi.
Xúc là người tri túc, phục hồi được thiên chân, như cục ngọc chưa đẽo, vì vậy mà suốt đời không bị nhục.
6. VƯƠNG ĐẨU YẾT KIẾN TỀ TUYÊN VƯƠNG – C29,6-2
(Tiên sinh Vương Đẩu)
Ông Vương Đẩu (người nước Tề) tiến tới cửa cung, đòi yết kiến Tề Tuyên Vương. Tề Tuyên Vương sai sứ giả ra mời vào, Vương Đẩu bảo (sứ giả nói lại):
- Đẩu tiến tới trước để ra mắt vua, làĐẩu thích quyền lợi; vua tiến tới trước để đón Đẩu là vua chuộng kẻ sĩ; ý vua ra sao?
Sử giả trở vô báo Tề Tuyên Vương, vương bảo:
- Phiền tiên sinh đợi một chút, quả nhân xin ra đón!
Tề Tuyên Vương bèn tiến ra cửa cung để đón Vương Đẩu rồi cùng vô. Vương bảo:
- Quả nhân được kế thừa tôn miếu của tiên vương mà giữ gìn xã tắc, nghe tiếng tiên sinh nói ngay can thẳng mà không kiêng nể.
Vương Đẩu đáp:
- Lời đồn đó quá. Đẩu sinh ở đời loạn,thờ ông vua loạn, đâu dám nói ngay can thẳng.
Tuyên Vương có sắc giận, không vui.
Được một lát, Vương Đẩu bảo:
- Xưa, tiên vương Hoàn Công chín lần hội họp chư hầu khuông chính thiên hạ, được thiên tử phong đất, lập làm thái bá, nay sở thích của nhà vua có bốn điều giống tiên vương.
Tuyên Vương vui vẻ hỏi:
- Quả nhân ngu xuẩn, giữ nước Tề màchỉ lo giữ không nổi, sao mà có được bốn điểm giống tiên vương?
Vương Đẩu đáp:
- Không phải vậy. Tiên vương thích ngựa, nhà vua cũng thích ngựa; tiên vương thích chó, nhà vua cũng thích chó; tiên vương thích rượu, nhà vua cũng thích rượu; tiên vương ham sắc, nhà vua cũng ham sắc, duy có điều tiên vương thích kẻ sĩ, nhà vua không thích kẻ sĩ Tuyên vương hỏi:
- Đời này không có kẻ sĩ thì làm sao quả nhân mến kẻ sĩ được?
Vương Đẩu đáp:
- Đời này không có loài ngựa tốt kì lân, lục nhĩ, mà xe nhà vua cũng đã có đủ ngựa; đời này không có loài Đông Quách, tuấn lư mà nhà vua cũng đã có đủ chó săn; đời này không có Mao Tường, Tây Thi mà trong cung nhà vua cũng đã đầy mỹ nhân. Chẳng qua nhà vua không thích kẻ sĩ, nếu thích thì lo gì không có kẻ sĩ.
Vua bảo:
- Quả nhân lo việc nước mà yêu dân,vẫn mong được kẻ sĩ để trị nước.
Vương Đẩu đáp:
- Nhà vua lo việc nước và yêu dân không bằng yêu một thước sa mỏng.
Vua hỏi:
- Ý muốn nói gì vậy?
Vương Đẩu đáp:
- Nhà vua sai người làm cái mũ thì không dùng kẻ tả hữu được sủng ái mà dùng một người thợ làm mũ, là vì đâu? Là vì người thợ đó biết làm mũ. Nay nhà vua trị nước Tề, hễ ai không phải là kẻ tả hữu được sủng ái thì nhà vua không dùng, cho nên tôi bảo rằng nhà vua yêu nước không bằng yêu một thước sa mỏng.
Tuyên Vương tạ lỗi, đáp:
- Quả nhân có tội với quốc gia.
Rồi lựa năm kẻ sĩ, cho làm quan. Nhờ vậy nước Tề rất bình trị.
7. TRIỆU UY HẬU HỎI THĂM NƯỚC TỀ – M176
(Tề vương sử sứ giả)
Vua Tề (tên là Kiến) sai sứ giả qua thăm Triệu Uy hậu (vợ Triệu Huệ Văn Vương). Thư chưa mở, Uy hậu hỏi sứ giả:
- Năm nay được mùa không? Dân chúng không sao chứ? Nhà vua cũng không sao chứ?
Sứ giả không vui, bảo:
- Tôi phụng mệnh tới vấn an thái hậu,thái hậu không hỏi thăm vua trước mà hỏi thăm mùa màng và dân chúng trước, như vậy chẳng phải là hỏi thăm cái ti tiện trước, hỏi thăm ngôi tôn quí sau ư?
Uy hậu đáp:
- Không phải vậy. Không có mùa màngthì làm sao có dân? Không có dân thì làm sao có vua? Thế thì sao lại có cái lẽ bỏ gốc mà hỏi thăm ngọn trước.
Rồi lại hỏi thăm thêm:
- Tề có một vị xử sĩ là Chung Li Tử, ông ấy mạnh giỏi chứ? Ai có lương thực thì ông ấy giúp lương thực cho, ai không có lương thực thì ông ấy cũng giúp lương thực cho; ai có quần áo thì giúp quần áo cho, ai không có quần áo thì cũng giúp quần áo cho; như vậy là ông ấy giúp vua Tề nuôi dân, sao mà đến bây giờ vẫn không giao chức vụ gì cho ông ấy? Ông Diệp Dương Tử mạnh giỏi chứ? Ông ấy là người thương xót những kẻ quan, quả, cô, độc, giúp đỡ những kẻ khốn cùng, thiếu thốn, như vậy là giúp vua Tề cứu vớt, an ủi nhân dân, sao mà đến bây giờ vẫn không giao chức vụ gì cho ông ấy? Cô Bắc Cung Anh Nhi Tử mạnh giỏi chứ? Cô ấy lột hết cả trâm, vòng, ở vậy cho tới già để nuôi cha mẹ, như vậy là làm gương cho dân chúng, cảm hoá dân chúng giữ đạo hiếu, sao mà đến bây giờ không phong cho cô ta làm mệnh phụ! Hai vị sĩ đó không được nhận chức vụ gì cả, một cô gái hiếu hạnh đó không được phong làm mệnh phụ thì làm sao vua Tề trị được nước, nuôi nấng được muôn dân? Tử Trọng ở Ô Lăng còn sống không? Hắn là người, trên thì không biết thờ vua, dưới thì không biết tề gia, ở giữa thì không biết kết giao với chư hầu, như vậy là thống suất nhân dân mà hoá ra vô dụng, sao mà đến bây giờ vẫn chưa giết hắn đi?
9. QUẢN YÊN TRÁCH KẺ SĨ – M176
(Quản Yên đắc tội)
Quản Yên (người nước Yên) bị tội với vua Tề Tuyên Vương, hỏi kẻ tả hữu:
- Các ông có ai cùng với tôi trốn quacác nước chư hầu không?
Kẻ tả hữu làm thinh không đáp.
Quản Yên khóc ròng, bảo:
- Buồn thay! Kẻ sĩ sao mà dễ được vàkhó dùng đến thế!
Điền Nhu đáp:
- Kẻ sĩ ba bữa ăn không được no, màông thì ngỗng vịt ăn không hết; mỹ nữ trong hậu cung, thì bận là lụa, phủ sa, the mà kẻ sĩ không có áo để mặc. Vả lại của cải là cái mà ông khinh (nghĩa là vung phú), còn cái chết là cái mà kẻ sĩ trọng. Ông đã không thể đem cái ông khinh để tặng kẻ sĩ mà lại đòi kẻ sĩ đem cái họ trọng để thờ ông. Đâu phải là kẻ sĩ dễ được mà khó dùng!
Chiến Quốc Sách Chiến Quốc Sách - Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê Chiến Quốc Sách