Số lần đọc/download: 1178 / 7
Cập nhật: 2017-04-18 08:47:09 +0700
Chương 36 - Phi Tuần Tác Chiến Vfa-228 – Marauders (Quân Cướp) Vịnh Bengal Thứ Hai, 1 Tháng 12, 06:26 Giờ Địa Phương
T
hiếu Úy Rob “Monk” Monkman dìu chiếc Boeing F/A-18E Super Hornet bị thương của gã chậm rãi quẹo phải và cố gắng lờ đi các rung động càng lúc càng mạnh đang chấn động chiếc tiêm kích. Chiếc hàng không mẫu hạm chỉ còn cách hơn 95 km một chút thôi. Gần về đến nhà rồi. Gần đến nhà rồi…
Gã không cảm thấy mình như một nhà sư tý nào vào lúc này. Sự bỡn cợt khoác lác về cao thủ Thiếu Lâm của gã dường như đi vắng mất rồi. Lúc này đây, gã chỉ cảm thấy mình là tên Robby Monkman tầm thường, và gã đang khiếp đảm đến nổi muốn đái ra quần rồi.
Gã phớt lờ vô số tín hiệu cảnh báo đỏ nhấp nháy trên màn hình trước mặt. Cái màn hình tinh thể lỏng ấy được thiết kế để gã có thể điều khiển bằng đầu ngón tay và chỉ báo hầu hết mọi hệ thống trên máy bay, nhưng gã đã không còn theo dõi được số lượng cảnh báo tán loạn trên đó nữa. Chiếc Hornet của gã bị thương nặng, ít nhất gã cũng biết được điều ấy. Gã cũng biết gã không hi vọng gì có thể sắp xếp được vô số bản tin trong trí để hiểu được một cách rõ ràng là mọi thứ đã tệ hại như thế nào.
Hệ thống phi hành kỹ thuật số của chiếc Super Hornet có khả năng phát hiện các hư hỏng do chiến đấu và tự động điều chỉnh để bù vào phần hư hỏng. Có lẽ nó đang làm tốt phần hành ấy, bởi vì chiếc máy bay của Monk bị trúng một quả tên lửa đã hơn một giờ rồi mà gã vẫn còn trên không trung.
Động cơ bên phải đã tắt ngúm và gã đã bị mất cả đống nhiên liệu, nhưng hệ thống điều khiển fly-by-wire (hệ thống điều khiển thông qua máy vi tính, chứ không phải trực tiếp do người điều khiển) có khả năng dư thừa bốn lần, vẫn còn làm theo mệnh lệnh của gã nếu gã không cưỡng ép máy bay quá sức. Lúc gã trải qua khóa huấn luyện sơ cấp để lái tiêm kích Hornet tại NAS Lemoore (NAS: Naval Air Station, căn cứ không quân Hải quân) và khóa huấn luyến cao cấp ở NAS Fallon, người ta đã nói qua là chiếc Super Hornet bền bỉ như thế nào rồi. Quả thật, chiếc máy bay này thật xứng với danh tiếng có thể chịu đòn của nó.
Tuy nhiên, cho dù khung máy bay được chế tạo bền chắc như thế nào, các hệ thống được thiết kế thừa khả năng ra sao cũng đã không cứu mạng gã Poker được. Rob đã trông thấy quả tên lửa không-đối-không Trung quốc đâm thẳng vào buồng kính của chiếc Hornet của Poker, khiến cả phần buồng lái của chiếc tiêm kích ấy nổ tung thành mảnh vụn titanium. Và Rob đã đảo chiếc Hornet của chính mình quay lại nhanh chóng để thấy phần còn lại của chiếc máy bay của viên phi công dẫn đội của gã đâm vào biển.
Không có ghế lái được bắn ra. Không có chiếc dù nào mở bung ra. Mà gã cũng không nghĩ là sẽ thấy dù. Gã đã biết ngay khi quả tên lửa đánh trúng rằng Owen ‘Poker’ Dowell đã chết rồi.
Nhưng mà tâm tư đau buồn vừa thoáng qua tâm trí của Rob đã tan biến ngay. Gã đã quay sự chú ý và phẫn nộ vào lũ con hoang Trung quốc đã vừa bắn gục bằng hữu và thầy của gã.
Rob không rõ vì sao đám phi công Trung quốc lại khai hỏa. Đây chỉ là một cuộc bay chặn thông lệ: hai chiếc F-18 của Hải quân chặn hai cặp Bogies ở phần rìa của vòng đai phòng thủ 480 km của toán tuần tra không phận.
Họ đã đến gần đối phương đủ để nhận diện chúng là những chiếc J-15 Trung quốc, xác nhận báo cáo của chiếc E-2D Hawkeye đang thi hành nhiệm vụ cảnh báo sớm cho phi đoàn của tàu sân bay Midway.
Trong suốt tuần qua, đã có ít nhất là hằng chục vụ ngăn chặn như vậy, khi mà quân Trung quốc thăm dò vòng đai phòng thủ 480 km của chiếc USS Midway. Nhưng mà đám Bogies Trung quốc luôn luôn quay đầu đi và chưa từng có dấu hiệu bất ổn nào cả.
Thế rồi chúng lại bắn hạ Owen Dowell không một lời cảnh báo. Trước đó không có ra-đa phát sóng mạnh lên, không có cảnh báo bị hệ thống kiểm soát vũ khí tỏa định gì hết. Chỉ có một quả cầu lửa đột ngột khi gã Poker lảnh một quả tên lửa ngay vào mặt. Có lẽ cái này có nghĩa là quả tên lửa Trung quốc là một loại tên lửa tầm nhiệt, hay một loại nào khác không cần phải phát sóng để tìm mục tiêu, bằng không các cảm biến trên hai chiếc Super Hornet đã cảnh báo rồi.
Rob mặc kệ các thứ chi tiết kỹ thuật. Gã chỉ chăm chú vào việc trả đũa những thằng... giảo hoạt đã giết Poker mà thôi.
Lúc này, trong khi bay về chiếc Midway, Rob không còn nhớ gì mấy về cuộc giao chiến nữa. Gã biết mình đã bắn hạ hai Bogies và làm thiệt hại một chiếc thứ ba. Gã biết mình đã dính đạn trong lúc hỗn chiến.
Gã biết hai cánh trống rỗng không còn một món vũ khí và khẩu súng 20 mm hết sạch đạn rồi. Phần lớn chi tiết của cuộc cẩu chiến (*) đã phai nhạt cùng với cơn phẫn nộ, nhưng mà gã quả thật đã bắn hết sạch thùng đạn vào lũ con hoang kia rồi.
(* ND: cẩu chiến, dogfight. Từ này bắt nguồn từ Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918) để dùng chỉ chiến đấu giữa máy bay. Khi chiến đấu, hai bên đều tìm cách tiến vào yếu điểm của đối phương, tức là sau lưng; do đó, cả hai sẽ thi hành những động tác nhào lộn, truy đuổi, … rất giống hai con chó đánh nhau. Ngày nay, chiến đấu trên không vẫn không mấy thay đổi: sau khi bắn xong tên lửa điều khiển bằng ra-đa ở tầm xa, hai bên sẽ dùng đến tên lửa tầm nhiệt, rồi súng. Khi lọt vào tầm tên lửa tầm nhiệt, chính là lúc bắt đầu cẩu chiến. Máy bay tiêm kích được thiết kế để thay đổi tư thế và phương hướng nhanh hơn, để mau chóng tìm đến yếu điểm của đối thủ: sau lưng)
Gã kiểm tra khoảng cách với tàu sân bay. Đã đến giờ báo cáo rồi. Do đó, gã bấm nút nói. “Tấn Công. Hai Không Chín ở 84. Một động cơ, tình trạng bốn chấm ba.”
Bản báo cáo của gã, đối với người không ở trong nghề phi hành thì có vẻ như mật mã, nhưng lại cho bộ chỉ huy Tấn Công mọi thứ mà họ cần biết: Monk đã ở 84 km cách chiếc tàu sân bay, chỉ còn một động cơ và 4,300 cân nhiên liệu.
Tấn Công trả lời lập tức. “Roger, Hai Không Chín. Nháy Ident (**) đi.”
Monk bật nút cho hệ thống IFF phát ra mạnh thêm (** IFF: Identification Friend-Foe, nhận diện bạn hay địch. Mọi máy bay quân sự đều có trang bị thiết bị phát tín hiệu để nhận diện địch-bạn). Như thế, ký hiệu của máy bay gã sẽ thoáng nhấp nháy trên màn hình theo dõi trên tàu sân bay, để xác nhận lai lịch của gã và làm cho máy bay của gã dễ được theo dõi hơn trong các ký hiệu ra-đa hỗn loạn trên bầu trời nhộn nhịp.
Gã lại kiểm tra tình trạng nhiên liệu. Thật là khít khao. Một chiếc Super Hornet mạnh khỏe sẽ đốt khoảng 1.100 cân dầu trong một lần hạ cánh bình thường. Monk không rõ mức tiêu thụ dầu hiện tại của mình, nhưng mà máy bay của gã rõ ràng là không được mạnh khỏe rồi và mức tiêu thụ dầu chắc chắn sẽ cao hơn bình thường.
Gã đã sống sót qua cuộc cẩu chiến và đã cà nhắc lết về nhà. Lẽ nào đã đến gần tàu sân bay đến thế, để rồi hết dầu trước khi hạ cánh? Như thế, không phải là mỉa mai lắm sao?
Gã không có cách nào biết được khung máy bay bị hư hại đến đâu, hay lồng kính có mở ra hay không nếu gã phải nhảy dù. Nếu lồng kính bị kẹt, chiếc ghế ngồi có trang bị động cơ phản lực nhiên liệu đặc sẽ dập gã vào lớp nhựa acrylic trong và dày với một gia tốc 13G. Y như lời gã Poker đã chết thường nói, ‘cục thịt băm đặt trên đường xa lộ cao tốc’.
Gã lắc đầu thật nhanh để làm tâm trí trong sáng một chút. Đã đến lúc ngừng suy tư về những thứ tệ hại có thể xảy ra. Gã phải tập trung vào việc duy trì chiếc máy bay trên không trung. Bay, định hướng, liên lạc. Đó là những thứ mà gã cần làm. Bay, định hướng, liên lạc. Quên đi những thứ có thể lấy mạng mình.
Tiếng nói của phi đoàn trưởng vang lên trên điện đài. “Hai Không Chín, Barnstormer đây. Được rồi anh bạn, bắt đầu danh sách nhé.”
Trên tàu sân bay, Chuck ‘Barnstormer’ Barnes đang cầm một quyển NATOPS chỉ dẫn và liệt kê các tiết mục cần kiểm tra cho tiêm kích F/A-18E. Như mọi phi công trong Hải quân khác, Monk có một bản bỏ túi của quyển sách này trong buồng lái, nhưng nội dung của bản liệt kê được soạn ngắn lại tới mức tối thiểu để có thể sử dụng nhanh chóng và dễ dàng. Điều khiển một chiếc máy bay phản lực không chừa lại cho bạn bao nhiêu thời giờ để mà đọc những bài viết kỹ thuật dài lê thê, do đó các tình huống bị hư hại nhiều nơi không được ghi vào đó. Các trường hợp khẩn cấp cở lớn phải dùng đến quyển NATOPS nguyên bản, và Chuck Barnes đã sẵn sàng dìu dắt Monk qua bản liệt kê những thao tác kiểm tra và các phương sách khẩn cấp.
Sau khi đã làm xong tất cả những gì có thể làm qua bản liệt kê ấy, Monk đã bay đến địa điểm cách tàu 40 km. Bây giờ là lúc chuyển qua Trung Tâm Kiểm Soát Không Lưu.
Gã lại bấm nút nói. “Marshal, Hai Không Chín cách bốn không. Một động cơ, ba chấm bảy.”
“Roger một động cơ.” Marshal đáp. “Chúng tôi sẽ đưa bạn đến trực tiếp.”
Đây là một quyết định làm gã cảm thấy an ủi, mặc dù là đương nhiên. Monk được cho phép vượt qua phương thức bay để kiểm soát thông lưu, được gọi là ‘stack’ (đống: máy bay bay vòng, hay xếp hàng chờ hạ cánh, theo một thứ tự ưu tiên nào đó, như tình trạng nhiên liệu, cấp bực hành khách, v.v.) và trực tiếp tiến hành quá trình hạ cánh.
Gã đã không còn đủ nhiên liệu để đợi chờ đến phiên trong stack nữa, cho dù là gã không phải bay chỉ với một động cơ. Như thường lệ, có một chiếc máy bay tiếp tế dầu đang bay quanh tàu sân bay ở độ cao 3.000 bộ. Thể lệ thông thường là hẹn gặp nhau với chiếc máy bay tiếp tế dầu, chuyển vào một ít dầu, rồi mới tiến hành hạ cánh với một lượng dầu an toàn. Tuy nhiên một trong những dấu hiệu màu đỏ đang nhấp nháy trên màn hình của Monk cho gã biết rằng nhiều thành phần trong hệ thống dầu của chiếc Super Hornet, kể cả ống tiếp dầu có thể co ra thụt vào, đã không vượt qua kiểm tra. Quyết định không mạo hiểm tiếp dầu đã được cấp trên đặt ra rồi.
Khi còn cách xa 8 km, Monk chỉ còn lại 3.200 cân dầu. Rõ ràng là gã sẽ phải móc dính ngay tại lần đầu hạ cánh. Nếu gã móc hụt sợi cáp trong lần đầu, có thể là gã còn đủ dầu để thử lần thứ hai. Nhưng mà chắc chắn người ta sẽ phải căng lưới cho lần thứ hai.
(ND: máy bay đáp xuống tàu sân bay được trang bị một móc thép; tàu sân bay có ba sợi cáp để máy bay hạ cánh và một tấm lưới để cản máy bay nếu cần. Tuy nhiên dùng lưới sẽ làm máy bay hư hại, nên nếu không móc được ba sợi cáp, phi công sẽ thử quay lại và hạ cánh lần nữa. Lưới chỉ để dùng trong trường hợp khẩn, khi máy bay bị hư hại hệ thống hạ cánh hay phi công bị thương.)
Không một phi công Hải quân nào lại muốn hạ cánh kiểu ấy cả, khi mà máy bay của mình bị lưới ny-lông chụp cứng như một con ruồi sa lưới nhện. Tuy hạ cánh như thế không hay tý nào, nhưng cũng còn đỡ hơn là phải nhảy dù.
Bây giờ thì chiếc tàu sân bay đã ở trong tầm mắt, một khối đen nhỏ nơi xa.
Khi còn cách 1,2 km Monk trông thấy quả ‘banh’, tên gọi bộ đèn màu Fresnel của hệ thống đáp máy bay. Quả bóng vàng cam nằm hơi phía dưới dãy đèn xanh lục nằm ngang, cho thấy là gã đang ở vị trí hơi thấp, nhưng hướng bay thì tốt.
Gã tăng thêm lực vào cái động cơ còn lại và bấm nút nói. “Marauder Hai Không Chín, Super Hornet ‘banh’, hai chấm tám, một động cơ.”
Viên sĩ quan chỉ huy hạ cánh đáp. “Roger ‘banh’.”
Chiếc tàu sân bay chỉ vài phút trước còn trông nhỏ xíu bây giờ đang to lên nhanh chóng, nhưng Monk tập trung vào quả banh, hướng tiếp cận và góc độ máy bay. Quả banh, phương hướng, góc độ. Không còn gì khác. Giống y như khi huấn luyện vậy. Quả banh… Phương hướng… Góc độ…
Thanh âm của viên sĩ quan chỉ huy hạ cánh vang lên trong tai nghe. “Thêm chút sức lực.”
Monk ấn cần tăng thêm lực vào động cơ và máy bay của gã bay thẳng lại một chút. Vài giây sau, bánh xe của gã đâm sầm xuống sàn tàu. Gã lập tức nhấn cần tăng lực, cái động cơ duy nhất còn lại hú lên hết mức để dự trù trường hợp gã bắt hụt các sợi cáp và phải bốc lên lại.
Móc thép sau đuôi bắt được sợi cáp thứ hai. Không phải là một cuộc hạ cánh hoàn hảo gì, nhưng cũng được. Thân thể gã lao ra phía trước chống lại dây an toàn trong khi sợi cáp làm chiếc máy bay giảm tốc độ, rồi khiến nó ngừng hẳn lại.
Gã đã hạ cánh rồi.
Một gã thủy thủ mặc sơ-mi vàng chạy về phía gã, ra hiệu giảm lực động cơ. Monk hạ lực động cơ xuống trở lại bình thường và tiếng nói của sĩ quan không lưu vang lên trong tai. “Hai Không Chín, Boss đây. Chúng tôi sẽ tắt máy cho anh ngay bây giờ.”
Monk tiếp nhận lệnh tắt máy, ra hiệu đã hiểu khi gã sơ-mi vàng ra dấu đã chêm bánh, rồi tắt máy. Sự yên lặng trong buồng lái làm gã cảm thấy như bị điếc.
Toán nhân viên trên sân bay đã bắt đầu xông đến máy bay của gã, lái xe kéo đến để lôi chiếc máy bay bị thương của Monk về vị trí đậu đã được chỉ định.
Thế rồi, với chiếc máy bay đã đáp xuống an toàn, bàng quang của Monk xả ra và gã tiểu tiện ngay trong bộ đồ phi hành.
Thế này thì hay rồi… Rồi đây gã sẽ nghe kể về chuyện này cho đến hết sự nghiệp của mình. Sẽ không ai nhắc nhở gì đền hai chiếc Bogies mà gã đã bắn hạ, hay chiếc thứ ba mà gã đã bắn thủng lỗ chỗ, hay việc mà gã duy trì một chiếc máy bay hư hại nặng nề trên không suốt 480 km rồi thành công một cuộc hạ cánh khó khăn. Gã sẽ chỉ nghe người ta nói đến chuyện gã đái dầm trong tả.
Tuy nhiên không ai nhắc đến bộ đồ phi hành sủng nước tiểu. Không ai chế nhạo gã đã đái dầm. Không ai có ý đổi biệt hiệu của gã thành ‘Cái Bô’ hay ‘Thằng mặc tả’. Nếu mà sự kiện Rob không kiểm soát được bàng quang của mình được người ta bàn thảo qua, thì gã không nghe qua bao giờ.
Mà không ai còn gọi gã là tay mơ nữa.