In reading, a lonely quiet concert is given to our minds; all our mental faculties will be present in this symphonic exaltation.

Stéphane Mallarmé

 
 
 
 
 
Tác giả: Charles Dickens
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Đình Chi
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 59 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 38
ếu có lúc nào đó ngôi nhà cũ kỹ trầm lặng nằm gần chỗ cung điện cũ
ở Richmond bị ma ám sau khi tôi qua đời, chắc chắn hồn ma ám nó sẽ là của
tôi. Ôi, đã bao đêm, bao ngày linh hồn không biết bình yên trong tôi ám ảnh
ngôi nhà ấy khi Estella sống ở đó! Để thể xác tôi lại chỗ của nó, linh hồn tôi
luôn lang thang, lang thang, lang thang quanh ngôi nhà ấy.
Vị phu nhân Estella được gửi đến sống cùng, bà Brandley, là một bà
góa có một cô con gái lớn hơn Estella vài tuổi. Bà mẹ trông khá trẻ, còn cô
con gái lại khá già; bà mẹ có nước da hồng hào, còn làn da cô con gái lại
vàng vọt; bà mẹ có thiên hướng phù phiếm nhẹ dạ, cô con gái lại ngả về thần
học. Hai mẹ con sống trong một vị thế có thể gọi là tốt, đi thăm nhiều người,
cũng lại được nhiều người tới thăm. Rất ít, nếu thực sự có, trao đổi cảm xúc
diễn ra giữa họ và Estella, nhưng sự hiểu biết đã được thiết lập rõ ràng về
chuyện họ cần thiết cho cô, cũng như cô cần thiết cho họ. Bà Brandley từng
là bạn cô Havisham trước khi cô Havisham thu mình lại biệt lập.
Ở trong cũng như ở ngoài nhà bà Brandley, tôi đã phải chịu đựng đủ
hình thức và mức độ hành hạ Estella có thể gây ra cho tôi. Bản chất mối quan
hệ giữa tôi và cô, đặt tôi vào vị thế của một người quen nhưng lại không cho
phép tôi được ưa thích, đã khiến tôi rất rối trí. Cô lợi dụng tôi để bỡn cợt
những người ái mộ khác, cô biến chính sự quen biết giữa cô và tôi làm cái cớ
để luôn coi thường sự thành tâm tôi dành cho cô. Cho dù nếu tôi có là thư ký,
người hầu, anh em cùng cha khác mẹ hay một người họ hàng nghèo khó của
cô, cho dù tôi có là em trai người chồng đã được chỉ định cho cô - thì tôi cũng
không thấy hy vọng của mình xa vời như khi tôi ở gần bên cô nhất. Đặc
quyền được gọi tên cô một cách thân mật và nghe cô gọi lại mình theo cách
tương tự, trong hoàn cảnh đó, đã trở thành một yếu tố làm thử thách tôi phải
chịu đựng càng thêm nặng nề; và trong lúc nghĩ cách xưng hô đó gần như
khiến những anh chàng khác theo đuổi cô hóa điên, tôi biết quá rõ là nó cũng
gần như làm chính tôi hóa điên.
Cô không lúc nào thiếu người ái mộ. Không nghi ngờ gì nữa, sự ghen
tuông đã khiến tôi nhìn nhận bất cứ ai lại gần cô là một kẻ ái mộ; nhưng
không cần đến thế cũng đã có quá đủ bọn họ rồi.
Tôi vẫn hay gặp cô tại Richmond, vẫn hay nghe nói về cô trong thành
phố, cũng thường đưa cô và hai mẹ con bà Brandley đi thuyền trên sông; có
những buổi đi chơi dã ngoại, những ngày hội, buổi xem kịch, opera, hòa
nhạc, những bữa tiệc, những dịp giải trí đủ loại nơi tôi theo đuổi cô - và tất cả
đều trở thành nỗi khổ ải với tôi. Tôi chưa bao giờ có lấy nổi một giờ hạnh
phúc bên cô, ấy thế nhưng tâm trí tôi suốt hai mươi bốn giờ mỗi ngày đều vẩn
vơ quanh niềm hạnh phúc được có cô ở bên tôi tới lúc lìa đời.
Trong suốt giai đoạn quan hệ này của chúng tôi - và nó đã diễn ra, như
sắp sửa được thấy, được một thời gian dài theo những gì tôi nghĩ lúc ấy -
thường thì cô hay dùng giọng điệu quen thuộc nhắc nhở rằng mối liên kết
giữa hai chúng tôi là do người khác ép buộc. Có những lúc cô lại đột ngột
thôi không dùng đến giọng điệu đó nữa, cũng như tất cả những giọng điệu đa
dạng còn lại của cô, và có vẻ thương hại tôi.
“Pip, Pip,” cô nói vào một buổi tối trong một lần ngừng giọng điệu kia,
lúc chúng tôi ngồi tách riêng ra bên một khung cửa sổ tối đen của ngôi nhà tại
Richmond, “anh sẽ không bao giờ chịu hiểu lời cảnh cáo sao?”
“Về cái gì kia?”
“Về em.”
“Ý em là lời cảnh cáo đừng để bị em thu hút ư, Estella?”
“Ý em ư! Nếu anh không biết ý em là gì thì anh mù quáng mất rồi.”
Tôi những muốn đáp lại rằng nói chung tình yêu vốn nổi tiếng mù
quáng, nhưng vì lý do tôi luôn bị kìm nén - và đây không phải là nỗi khổ sở
duy nhất tôi phải chịu - bởi cảm giác ép buộc cô thừa nhận tôi là không cao
thượng, khi cô biết không thể lựa chọn gì khác ngoài nghe lời cô Havisham.
Tôi luôn lo sợ rằng ý thức này về phía cô đã đặt tôi vào một bất lợi nghiêm
trọng với lòng kiêu hãnh của cô, biến tôi thành mục tiêu của một cuộc phản
kháng nổi loạn trong trái tim cô.
“Dù gì đi nữa,” tôi nói, “vừa rồi anh cũng không hề nhận được bất cứ
lời cảnh cáo nào, vì lần này chính em đã viết thư bảo anh tới gặp em.”
“Đúng thế,” Estella nói, với nụ cười dửng dưng lạnh lẽo luôn làm tôi tê
buốt.
Sau khi nhìn ra bầu trời chạng vạng bên ngoài một lát, cô nói tiếp:
“Cô Havisham mong muốn có em ở bên tại Satis một ngày. Anh phải
đưa em tới đó, và đưa em trở về đây, nếu anh vui lòng. Bà ấy muốn em
không đi đường một mình, và không muốn tiếp đón cô hầu gái của em, vì bà
luôn thấy ghê sợ một cách nhạy cảm khi phải nghe những người như thế nói
với mình. Anh có thể đưa em đi chứ?”
“Anh có thể đưa em đi không ư, Estella!”
“Vậy là anh có thể? Vào ngày kia, nếu anh sẵn lòng. Anh sẽ dùng tiền
túi của em để thanh toán mọi chi phí, anh nghe thấy điều kiện để đi rồi chứ?”
“Và cần phải tuân thủ,” tôi nói.
Đây là tất cả sự chuẩn bị tôi nhận được cho chuyến thăm đó, hay cho
những lần tương tự khác: cô Havisham không bao giờ viết thư cho tôi, và tôi
thậm chí còn chưa từng thấy qua nét chữ viết tay của bà. Chúng tôi đi về thị
trấn hai ngày sau, và chúng tôi tìm thấy bà trong căn phòng nơi tôi gặp bà lần
đầu tiên, và không cần phải nói, vẫn chẳng có thay đổi nào tại Satis.
Bà chủ nhà còn yêu thích Estella một cách kinh khủng hơn so với trước
đây, khi tôi lần cuối cùng thấy họ ở bên nhau; tôi nhắc lại tính từ kể trên một
cách thận trọng, vì thực sự có điều gì đó kinh khủng trong ánh mắt và những
cái ôm hôn hào hứng của bà. Bà mê mẩn trước vẻ đẹp của Estella, trước từng
lời cô nói, từng cử chỉ của cô, và ngồi gặm chính những ngón tay đang run
rẩy của mình trong lúc ngắm nhìn cô, như thể bà đang ngấu nghiến tạo vật
xinh đẹp bà đã nuôi dưỡng thành.
Từ Estella, bà quay sang nhìn tôi với cái nhìn dò xét như muốn soi mói
vào tận trái tim tôi để tìm kiếm những vết thương tại đó. “Cô bé cư xử với
cậu thế nào, Pip; cô bé cư xử với cậu thế nào?” bà hỏi lại tôi, với vẻ háo hức
của một mụ phù thủy, bất chấp Estella đang ngồi nghe đó. Nhưng khi chúng
tôi ngồi cạnh lò sưởi cháy bập bùng của bà vào buổi tối, cô Havisham trở nên
thật lạ lùng; vì khi đó, giữ lấy bàn tay Estella bằng cách dùng cánh tay bà kéo
lại và nắm chặt lấy nó trong bàn tay mình, cô Havisham gặng hỏi từ Estella,
bằng cách nhắc lại những gì cô gái đã kể với bà trong những lá thư đều đặn
gửi về, tên họ và địa vị của những người đàn ông cô đã hớp hồn; và trong khi
cô Havisham bám riết lấy chủ đề này với sự quyết liệt của một tâm hồn đã bị
trọng thương và trở nên bệnh hoạn, bà ngồi đó với bàn tay còn lại nắm lấy
cây can chống, cằm tựa lên nó, đôi mắt vô hồn long lanh nhìn tôi trừng trừng
như một hồn ma.
Trong cảnh tượng này tôi thấy rõ - cho dù sự vỡ lẽ làm tôi đau đớn, và
làm cho cảm giác phụ thuộc, thậm chí là mất mặt, nó đánh thức dậy thật cay
đắng - tôi thấy rõ Estella đã được nuôi dạy để thực hiện cuộc báo thù cô
Havisham dành cho đàn ông, và cô gái sẽ không được dành cho tôi cho tới
khi cô đã thực hiện được nó ở mức độ nhất định. Tôi thấy rõ trong chuyện
này một lý do cho việc trước đó Estella được ấn định dành cho tôi. Cử cô gái
đi để quyến rũ, giày vò và làm trò tai quái, cô Havisham đã cho Estella lên
đường kèm theo sự đảm bảo quái ác rằng cô nằm ngoài tầm với của tất cả
những kẻ ái mộ, và tất cả những ai dám thử đặt cược đều chắc chắn sẽ thua
trắng tay. Tôi còn nhìn thấy trong chuyện này cả tôi nữa cũng bị hành hạ bởi
mưu tính bệnh hoạn ẩn chứa dưới lớp vỏ từ tâm này, cho dù phần thưởng đã
được dành cho tôi. Tôi thấy ở đây lý do mình bị ngăn cản lâu đến vậy, cũng
như lý do khiến người cựu giám hộ của tôi đã từ chối chính thức thừa nhận
một dự định như thế. Nói tóm lại, tôi nhận ra trong chuyện này vai trò của cô
Havisham trong lúc bà đang hiện diện ở đó vào thời điểm ấy trước mắt tôi,
cũng như bà từng luôn hiện ra trước mắt tôi; và tôi nhìn thấy trong chuyện
này hình hài rõ ràng của ngôi nhà tối tăm bệnh hoạn nơi cuộc đời bà bị giấu
kín khỏi mặt trời.
Những cây nến thắp sáng căn phòng của bà được cắm trên những chiếc
giá gắn vào tường. Chúng được đặt cao so với sàn nhà, và cháy dần với vẻ
ảm đạm đều đều của ánh sáng nhân tạo trong bầu không khí hiếm khi được
làm mới. Trong khi tôi nhìn quanh về phía chúng, và những quầng sáng nhợt
nhạt chúng tạo ra, rồi về phía cái đồng hồ đã dừng chạy, về những món trang
phục cô dâu ố vàng tàn tạ nằm rải rác trên bàn và dưới sàn, cũng như chính
thân hình quái gở của bà chủ nhà với cái bóng chập chờn như hồn ma được
ánh lửa hắt lên trần và tường phòng, tôi thấy trong mọi thứ điều mà tâm trí tôi
đã nhận ra, nhắc lại và ném trả cho tôi. Dòng suy nghĩ của tôi lao sang căn
phòng lớn ở bên kia chiếu nghỉ cầu thang, nơi chiếc bàn được bày sẵn, và tôi
thấy sự thật được viết ra, đúng như bản chất của nó, trên đám mạng nhện rũ
xuống từ vật nằm ở giữa bàn, từ đám nhện đang bò đi trên khăn trải bàn, trên
dấu vết để lại của đám chuột khi chúng giấu trái tim nhỏ bé đang đập gấp gáp
của mình sau các tấm ván ốp, cũng như trong từng bước dò dẫm rồi dừng lại
của những con bọ rùa dưới sàn.
Và tình cờ trong cuộc về thăm này vài lời gay gắt đã vang lên giữa
Estella và cô Havisham. Đây là lần đầu tiên tôi từng thấy hai người bất đồng.
Chúng tôi đang ngồi bên lò sưởi, như tôi vừa mô tả lúc trước, và cô
Havisham vẫn đang dùng cánh tay kéo tay Estella lại, và bàn tay bà vẫn nắm
chặt lấy bàn tay cô gái, thì Estella bắt đầu dần dần tách mình ra. Trước đó đã
hơn một lần cô thể hiện vẻ nóng nảy đầy cao ngạo, và kỳ thực có vẻ đang
chịu đựng sự trìu mến dữ dội từ bà chủ nhà hơn là chấp nhận hay đáp lại nó.
“Cái gì!” cô Havisham nói, đôi mắt trừng lên nhìn cô gái, “con thấy
chán ta rồi sao?”
“Con chỉ thấy hơi chán chính mình một chút thôi,” Estella đáp, gỡ tay
ra rồi đi tới chỗ bệ lò sưởi lớn, đứng đó nhìn xuống ngọn lửa.
“Nói sự thật đi, đồ vô ơn!” cô Havisham hét lên, bực bội nện cây can
xuống sàn, “cô thấy chán ta rồi.”
Estella nhìn bà chủ nhà với vẻ hết mực bình thản, rồi lại nhìn xuống
ngọn lửa. Thân hình duyên dáng và khuôn mặt xinh đẹp của cô thể hiện sự
dửng dưng đầy tự chủ trước cơn nóng giận của người đối thoại với mình, một
thái độ gần như tàn nhẫn.
“Đồ gỗ đá!” cô Havisham hét lên. “Cô, cô là kẻ có trái tim băng giá!”
“Cái gì?” Estella nói, vẫn giữ nguyên thái độ dửng dưng trong lúc tựa
người vào cái bệ lò sưởi đồ sộ và chỉ cử động đôi mắt, “chẳng lẽ mẹ lại trách
móc con vì tỏ ra lạnh lùng sao? Mẹ ư?”
“Cô không phải thế sao?” Câu vặn hỏi vang lên dữ dội.
“Mẹ nên biết,” Estella nói. “Con là những gì mẹ đã làm ra. Hãy đón
nhận mọi lời khen, hãy đón nhận mọi chê trách; hãy đón nhận mọi thành
công, hãy đón nhận mọi thất bại; nói tóm lại, hãy đón nhận con.”
“Ôi, nhìn nó, nhìn nó mà xem kìa!” cô Havisham cay đắng thốt lên.
“Hãy nhìn xem nó mới sắt đá, mới vô ơn làm sao, ở ngay nơi nó đã được nuôi
nấng nên người! Nơi ta đón nó vào khuôn ngực khốn khổ này khi ta lần đầu
tiên ứa máu vì những nhát đâm phải nhận, và cũng là nơi biết bao năm ta đã
yêu thương chăm sóc nó!”
“Ít nhất con cũng không phải là một bên của cái giao kèo này,” Estella
nói, “vì nếu con có thể có tiếng nói gì lúc nó được định đoạt, thì con đã cố
làm như vậy rồi. Nhưng mẹ còn muốn có gì ở con nữa? Mẹ đã rất tốt với con,
con nợ mẹ mọi thứ. Mẹ muốn có gì?”
“Tình yêu,” người phụ nữ còn lại nói.
“Mẹ có nó rồi đấy.”
“Ta không có,” cô Havisham nói.
“Mẹ nuôi,” Estella vặn lại, vẫn luôn duy trì được sự duyên dáng thoải
mái trong thái độ, không bao giờ cao giọng trong khi người đối thoại làm
vậy, cũng không bao giờ nổi nóng hay mềm lòng, “mẹ nuôi, con đã nói là con
nợ mẹ mọi thứ. Tất cả những gì con có đều đương nhiên thuộc về mẹ. Tất cả
những gì mẹ trao cho con, mẹ đều có thể yêu cầu có lại. Ngoài chúng ra, con
không còn gì nữa. Và nếu mẹ đòi hỏi con trao cho mẹ thứ mẹ chưa bao giờ
dành cho con, khi đó lòng biết ơn và bổn phận của con cũng không thể làm
được điều bất khả.”
“Ta chưa bao giờ dành cho nó tình yêu ư!” cô Havisham kêu lên, phẫn
nộ quay sang tôi. “Chẳng lẽ ta chưa bao giờ dành cho nó một tình yêu cháy
bỏng, không thể tách rời khỏi ghen tuông vào mọi lúc, khỏi nỗi đau như cắt
hay sao, trong khi nó nói với ta như thế! Hãy cứ để nó gọi ta là kẻ điên, hãy
cứ để nó gọi ta là kẻ điên đi!”
“Tại sao con lại phải gọi mẹ là kẻ điên,” Estella đáp lại, “trong bao
nhiêu người, sao lại là con chứ? Chẳng lẽ còn có ai khác trên đời này biết
được những mục đích mẹ nhắm đến rõ bằng nửa con hay sao? Chẳng lẽ còn
có ai trên đời biết mẹ có trí nhớ dai dẳng đến thế nào rõ bằng nửa con hay
sao? Con, người đã ngồi trước chính cái lò sưởi này trên cái ghế đẩu nhỏ bé
hiện đang ở bên cạnh mẹ kia, để nghe những lời mẹ dạy và ngước mắt nhìn
lên khuôn mặt mẹ, trong khi khuôn mặt mẹ thật xa lạ và làm con sợ phát
khiếp!”
“Lãng quên nhanh quá!” cô Havisham rên rỉ. “Thời gian bị lãng quên
nhanh quá!”
“Không, không bị lãng quên,” Estella bẻ lại, “không bị lãng quên, mà
được nâng niu trong trí nhớ con. Đã khi nào mẹ thấy con làm sai lời mẹ dạy
chưa? Đã khi nào mẹ thấy con không lưu tâm đến bài học của mẹ chưa? Đã
bao giờ mẹ thấy con chấp nhận ở đây,” cô đưa bàn tay lên áp vào ngực, “bất
cứ thứ gì mẹ loại trừ chưa? Hãy công bằng với con.”
“Thật kiêu ngạo, thật kiêu ngạo!” cô Havisham rên rỉ, đưa cả hai bàn
tay lên giật vò mái tóc xám của mình.
“Ai đã dạy con phải kiêu ngạo?” Estella đáp lại. “Ai đã khen ngợi con
khi con thuộc bài?”
“Thật tàn nhẫn, thật tàn nhẫn!” cô Havisham rên lên, lặp lại hành động
lúc trước.
“Ai đã dạy con phải tàn nhẫn?” Estella đáp lại. “Ai đã khen ngợi con
khi con thuộc bài?”
“Nhưng lại kiêu ngạo và tàn nhẫn với ta!” cô Havisham gần như rít lên
trong khi đưa thẳng hai cánh tay ra. “Estella, Estella, Estella, kiêu ngạo và tàn
nhẫn với ta sao!”
Estella nhìn mẹ nuôi cô một khoảnh khắc với chút ngẫm nghĩ bình
thản, nhưng ngoài ra không hề bị tác động gì hơn; khi khoảnh khắc ấy trôi
qua, cô lại nhìn xuống ngọn lửa.
“Con không thể nghĩ ra,” Estella nói, ngước mắt lên sau một lát im
lặng, “vì sao mẹ lại vô lý như thế khi con về gặp mẹ sau một thời gian xa
nhau. Con chưa bao giờ quên những bất công mẹ phải chịu và nguyên nhân
gây ra chúng. Con chưa bao giờ phản bội mẹ hay những lời mẹ dạy. Con
chưa bao giờ để lộ ra bất cứ sự yếu đuối nào để phải trách cứ bản thân.”
“Chẳng nhẽ đáp lại tình yêu của ta cũng là sự yếu đuối sao?” cô
Havisham kêu lên. “Nhưng phải rồi, phải rồi, nó sẽ gọi cái đó như thế!”
“Con bắt đầu nghĩ,” Estella nói, như thể đang suy tư, sau một khoảnh
khắc bình thản ngẫm nghĩ nữa, “là con gần như đã hiểu làm sao chuyện lại
thành ra như thế này. Nếu mẹ đã nuôi dạy cô con gái nuôi của mẹ hoàn toàn
trong bóng tối tù hãm của những căn phòng này, và không bao giờ cho cô ấy
biết còn có một thứ như ánh sáng ban ngày, thứ cô ấy chưa bao giờ được thấy
chiếu lên khuôn mặt mẹ - nếu mẹ đã làm như thế, rồi sau đó, vì một mục đích
lại muốn cô ấy hiểu về ánh sáng ban ngày và biết mọi thứ về nó, liệu mẹ có
nên thất vọng và tức giận hay không?”
Cô Havisham, hai bàn tay ôm lấy đầu, ngồi đó khe khẽ rên rỉ, và cựa
mình trên ghế, nhưng không đưa ra câu trả lời nào.
“Hay,” Estella nói, “nói thế này sẽ gần đúng hơn - nếu mẹ đã dạy cô
ấy, từ khi bắt đầu có trí khôn, với tất cả nỗ lực và nhiệt huyết, rằng có một
thứ như ánh sáng ban ngày tồn tại, song nó được tạo ra để trở thành kẻ thù, kẻ
hủy diệt cô ấy, và cô ấy phải luôn luôn quay lưng lại với nó, vì nó đã hủy
hoại mẹ và sẽ hủy hoại cô ấy; nếu mẹ đã làm như vậy, để rồi sau đó, vì một
mục đích, lại muốn cô ấy đón nhận ánh sáng ban ngày một cách tự nhiên và
cô ấy không thể làm điều đó, liệu mẹ có nên thất vọng và tức giận hay
không?”
Cô Havisham ngồi lắng nghe (hay dường như là vậy, vì tôi không thể
trông thấy mặt bà) nhưng vẫn không trả lời.
“Vậy nên,” Estella nói, “con cần được đón nhận đúng như con đã được
tạo nên. Thành công không phải của con, thất bại không phải của con, nhưng
cả hai kết hợp với nhau đã tạo nên con.”
Cô Havisham đã ngồi xuống, tôi cũng không rõ bằng cách nào, trên sàn
nhà, giữa những món đồ cô dâu đã phai màu rải khắp nơi. Tôi lợi dụng
khoảnh khắc đó - ngay từ đầu tôi đã tìm kiếm một thời điểm như thế - để rời
khỏi phòng, sau khi đã giơ tay ra dấu đề nghị Estella chú ý đến bà. Khi tôi ra
khỏi phòng, Estella vẫn đang đứng bên cái lò sưởi lớn, như cô vẫn đứng suốt
từ nãy. Mái tóc xám của cô Havisham xõa tung ra sàn, giữa những mảnh vụn
rách nát khác của cùng một cô dâu, một cảnh tượng thật thê thảm khi phải
chứng kiến.
Tôi dạo bước dưới bầu trời sao suốt hơn một giờ liền với trái tim ngập
tràn thất vọng, đi vòng quanh sân, trong xưởng ủ bia, và trong khu vườn bị bỏ
hoang. Khi cuối cùng cũng thu được đủ can đảm để quay trở lại căn phòng,
tôi thấy Estella đang ngồi kề bên đầu gối cô Havisham, khâu lại vài mũi trên
một trong những món đồ cũ nát đang muốn rách tan thành từng mảnh, và kể
từ dạo đó tôi vẫn thường hay bị nhắc nhớ về chúng khi thấy những lá cờ cũ
phai sờn người ta treo lên trong các nhà thờ lớn. Sau đó, Estella và tôi lại chơi
bài như ngày nào - chỉ có điều giờ đây chúng tôi đã thành thạo hơn nhiều, và
chơi các loại bài kiểu Pháp - và cứ như thế buổi tối trôi qua, rồi tôi lên giường
ngủ.
Tôi nằm ngủ trong ngôi nhà nằm tách biệt riêng ở phía sân đối diện.
Đây là lần đầu tiên tôi từng ngả lưng tại Satis, và giấc ngủ từ chối bén mảng
lại gần tôi. Cả nghìn cô Havisham tới ám ảnh tôi. Bà lúc ở bên này cái gối
của tôi, lúc ở bên kia, lúc ở trên đầu giường, lúc lại ở dưới chân giường, đằng
sau cánh cửa nửa khép nửa mở dẫn sang phòng thay đồ, trong phòng thay đồ,
trong căn phòng phía trên đầu, trong căn phòng bên dưới - ở khắp nơi. Cuối
cùng, khi buổi đêm chậm chạp nhích dần tới hai giờ, tôi cảm thấy mình hoàn
toàn không thể chịu nổi nơi này với tư cách một chỗ ngủ nữa, và tôi cần phải
dậy. Thế là tôi bật dậy, mặc quần áo vào, ra ngoài đi ngang qua sân vào lối đi
dài lát đá, đinh bụng ra phía sân ngoài đi dạo để đầu óc dịu xuống. Nhưng
vừa đặt chân lên lối đi tôi đã vội thổi tắt ngay cây nến của mình; vì tôi thấy
cô Havisham đang đi dọc theo nó như một bóng ma, vừa đi vừa khe khẽ
khóc. Tôi theo sau bà từ xa, và thấy bà đi lên cầu thang. Bà cầm trên tay một
cây nến không cắm vào giá, có lẽ bà đã lấy nó xuống từ một trong những giá
nến tại phòng mình, và trở thành một vật thể siêu nhiên bí hiểm dưới ánh
sáng của nó. Đứng dưới chân cầu thang, tôi cảm nhận được thứ không khí ẩm
mốc của căn phòng bày tiệc cưới dù không thấy bà mở cửa, rồi nghe thấy bà
bước đi trong đó, rồi đi ngang qua tới phòng bà, rồi lại quay trở lại căn phòng
kia, không lúc nào ngừng khóc khe khẽ. Sau một lúc, tôi cố loay hoay trong
bóng tối thử ra ngoài hoặc quay trở lại, nhưng không thể làm được cả hai cho
tới khi vài tia sáng ban ngày rọi vào chỉ cho tôi thấy nên đặt tay vào đâu.
Trong suốt quãng thời gian trước đó, mỗi khi xuống dưới chân cầu thang, tôi
lại nghe thấy tiếng bước chân cô Havisham, thấy ánh sáng cây nến của bà
lướt qua phía trên, và nghe thấy tiếng khóc khe khẽ không ngừng của bà.
Trước khi chúng tôi rời đi ngày hôm sau, sự bất đồng giữa bà và
Estella không tái hiện nữa, và nó cũng không lần nào tái hiện trong những dịp
tương tự; theo như những gì tôi còn nhớ được rõ nhất, có tất cả bốn dịp tương
tự như thế. Và thái độ cô Havisham dành cho Estella cũng không hề thay đổi,
ngoại trừ việc tôi tin có thêm thứ gì đó giống như sợ hãi được bổ sung thêm
vào những đặc điểm trước đây.
Tôi không thể khép lại trang này của cuộc đời mình mà không viết lên
đó cái tên của Bentley Drummle; hay cũng có thể nói tôi sẽ rất vui nếu được
làm thế.
Vào một dịp nọ, khi bầy Chim Sẻ tụ tập khá đông đảo, và cảm hứng
được đốt nóng dần lên theo cách quen thuộc bằng việc chẳng ai đồng ý với ai,
chú Sẻ chủ tịch kêu gọi Khu Rừng trật tự, vì ông Drummle vẫn chưa nâng
cốc uống mừng sức khỏe một quý cô; theo quy chế thiêng liêng của hội, hôm
đó đến lượt anh chàng thô lỗ phải làm việc này. Tôi nghĩ đã thấy anh ta liếc
mắt đểu cáng không chút thiện ý về phía tôi trong khi các bình rượu được
chuyền tay, nhưng vì giữa chúng tôi chẳng có chút yêu mến nào, chuyện đó
cũng dễ xảy ra. Tôi kinh ngạc đầy phẫn nộ khi anh ta kêu gọi cả hội chứng
kiến mình uống mừng “Estella!”
“Estella nào?” tôi hỏi.
“Không phải chuyện của cậu,” Drummle vặc lại.
“Estella người ở đâu chứ?” tôi hỏi. “Cậu nhất thiết phải nói ra địa
điểm.” Anh ta đúng là phải làm vậy, với tư cách một chú Sẻ.
“Người ở Richmond, thưa các quý ông,” Drummle nói, làm tôi ngớ
người không hỏi được gì nữa, “và là một người đẹp vô song.”
Anh ta biết mới nhiều làm sao về những người đẹp vô song, gã bần tiện
khốn khổ! tôi thì thầm với Herbert.
“Tôi biết quý cô này,” Herbert nói sang bên kia bàn, khi chầu uống
mừng đã được hưởng ứng.
“Thật sao?” Drummle hỏi lại.
“Và tôi cũng vậy,” tôi nói thêm, mặt đỏ lựng.
“Thật sao?” Drummle hỏi. “Ôi, Chúa ơi!”
Đây là cách trả miếng duy nhất - ngoại trừ dùng ly hay bát đĩa - mà kẻ
nặng nề kia có thể đưa ra; nhưng tôi vẫn điên tiết lên như thể từ câu nói ấy
chĩa ra vô vàn gai nhọn tinh quái, và tôi lập tức đứng bật dậy nói tôi chỉ có
thể thấy đó là hành động khinh suất của quý ông Sẻ đây khi đi xuống Khu
Rừng đó - chúng tôi luôn dùng cách nói đi xuống Khu Rừng đó, như một
cách diễn đạt rõ ràng theo kiểu Nghị viện - xuống Khu Rừng đó, đề nghị
nâng cốc vì một quý cô anh ta chẳng biết gì. Tới đây, ông Drummle lên tiếng
hỏi ý tôi nói vậy là sao? Tôi liền dành cho anh ta câu trả lời thật cực đoan là
tôi tin anh ta biết phải tìm tôi ở đâu rồi đấy*.
Pip thách đấu tay đôi với Drummle.
Liệu có thể tiếp tục mà không cần đổ máu sau chuyện này ở một quốc
gia Kitô giáo hay không là câu hỏi khiến các chú Sẻ bất đồng ý kiến. Cuộc
tranh cãi về nó quả thực đã trở nên sôi nổi đến mức ít nhất có sáu vị thành
viên đáng kính nữa, trong khi cuộc tranh luận diễn ra, nói với sáu người khác,
rằng họ tin những người kia biết phải tìm họ ở đâu. Tuy nhiên, cuối cùng tất
cả đi đến quyết định (Khu Rừng đóng vai Tòa án Danh dự) là nếu ông
Drummle có thể mang tới một bằng chứng dù nhỏ nhất từ quý cô để thể hiện
ông ta có vinh hạnh quen biết nàng, thì ông Pip cần phải bày tỏ sự hối tiếc,
với tư cách một quý ông và một chú Sẻ, “vì đã để mình rơi vào một cơn nóng
nảy”. Ngày hôm sau được ấn định cho việc trình ra bằng chứng (nếu không
danh dự của chúng tôi sẽ bị nguội lạnh do chậm trễ), và đến hôm sau
Drummle xuất hiện cùng một lời xác nhận viết tay của Estella, khẳng định cô
đã có hân hạnh khiêu vũ cùng anh ta vài lần. Lời xác nhận khiến tôi chẳng
còn lựa chọn nào ngoài bày tỏ sự hối tiếc “vì đã để mình rơi vào một cơn
nóng nảy”, và dẹp đi hoàn toàn, vì không còn lý do gì để lưu lại nữa, ý tưởng
tôi sẽ được tìm đến ở nơi nào đó. Tiếp theo, Drummle và tôi ngồi hằm hè
nhau thêm một giờ đồng hồ nữa, trong khi cả bầy Sẻ trong Khu Rừng hăng
hái thỏa sức đôi co với nhau, để rồi cuối cùng việc thúc đẩy tình thân hữu
được tuyên bố là đã tiến triển với tốc độ đáng kinh ngạc.
Tôi kể ra chuyện này một cách bông lơn, song nó chẳng hề bông lơn
chút nào với tôi. Vì tôi không thể nào mô tả cho đủ cảm giác đau khổ nó gây
ra cho tôi khi nghĩ Estella từng dành bất cứ thiện cảm nào cho một kẻ vụng
về cục cằn, hậu đậu đáng khinh miệt, dưới mức trung bình rất xa. Vào lúc
này, tôi tin có lẽ nhờ vào ngọn lửa thuần khiết của sự hào phóng và không vị
kỷ trong tình yêu tôi dành cho cô mà tôi có thể chịu đựng được ý nghĩ cô hạ
mình trước con chó săn đó. Tất nhiên kiểu gì tôi cũng sẽ đau khổ dù cô có thể
hiện cảm tình với ai đi nữa; nhưng một đối tượng xứng đáng hơn chắc hẳn sẽ
gây ra cho tôi một kiểu và mức độ phiền muộn khác hẳn.
Tôi dễ dàng biết ra, và tôi đã nhanh chóng tìm ra, là Drummle đã bắt
đầu theo sát cô, còn cô cho phép anh ta làm thế. Một thời gian ngắn sau, anh
ta vẫn luôn theo đuổi cô, tôi và anh ta chạm mặt nhau hằng ngày. Anh ta trụ
lại với sự cương quyết ù lì, và Estella níu giữ anh ta lại; lúc bằng sự cổ vũ,
lúc bằng sự xua đuổi, lúc gần như tâng bốc anh ta, lúc công khai khinh
thường anh ta, lúc tỏ ra biết rõ anh ta, lúc lại chẳng nhớ anh ta là ai.
Tuy nhiên, Nhện, như ông Jaggers từng gọi anh ta, đã quen với việc ẩn
mình chờ đợi, và sở hữu đầy đủ sự kiên nhẫn của giống loài mình. Thêm vào
đó, anh ta có sự tin tưởng đần độn vào túi tiền của bản thân và danh vọng gia
đình mình, thứ đôi khi quả thực đem lại lợi thế cho anh ta - gần như chiếm vị
trí của sự tập trung và kiên định với mục đích. Vậy là Nhện, nhờ vào việc gan
lì theo dõi Estella, đã qua mặt được rất nhiều anh chàng côn trùng sáng láng
hơn, để rồi thường bung mình ra rơi xuống đúng thời điểm.
Trong một Vũ hội Cộng đồng tại Richmond (hồi ấy gần như ở đâu
cũng có các Vũ hội Cộng đồng), tại đó Estella đã làm lu mờ mọi nhan sắc
khác, anh chàng Drummle ngớ ngẩn đã bám dính lấy cô, và nhận được sự
chấp thuận từ phía cô rõ ràng đến mức tôi quyết định phải nói chuyện với cô
về anh ta. Tôi tận dụng cơ hội tiếp theo; đó là lúc cô đang đợi bà Brandley
đưa về nhà, và đang ngồi tách biệt ra giữa mấy bình hoa, sẵn sàng ra về. Tôi
đang ở cạnh cô, vì gần như tôi luôn tháp tùng họ đến và rời khỏi những nơi
như thế.
“Em có mệt không, Estella?”
“Khá mệt, Pip.”
“Hẳn là em mệt rồi.”
“Hãy nói là khá mệt thôi, em không thể mệt được; vì em còn lá thư gửi
về Satis cần viết trước khi em đi ngủ.”
“Để kể lại màn khải hoàn tối nay sao?” tôi nói. “Quả thực là một màn
nhạt nhẽo, Estella.”
“Ý anh là sao? Em không hề biết đã có màn khải hoàn nào.”
“Estella,” tôi nói, “hãy nhìn anh chàng trong góc đằng kia xem, người
đang nhìn chúng ta đó.”
“Sao em lại phải nhìn anh ta?” Estella đáp lại, đôi mắt cô thay vì thế
hướng vào tôi. “Có gì ở anh chàng trong góc đằng kia - theo như cách anh nói
- để em cần phải nhìn chứ?”
“Quả thực, đó chính là câu hỏi anh muốn hỏi em,” tôi nói. “Vì anh ta
đã bám riết lấy em cả buổi tối.”
“Những con nhậy và đủ loại sinh vật xấu xí khác,” Estella đáp, đồng
thời liếc mắt nhìn về phía anh chàng nọ, “luôn bu quanh một cây nến cháy
sáng. Cây nến có thể làm gì được chứ?”
“Không,” tôi đáp, “song chẳng lẽ Estella không thể làm gì sao?”
“Được rồi!” cô bật cười nói sau một khoảnh khắc, “có thể lắm. Được.
Bất cứ điều gì anh muốn.”
“Nhưng, Estella, em hãy nghe anh nói. Anh thấy rất khổ sở khi em lại
khuyến khích một kẻ gần như ai cũng khinh bỉ như Drummle. Em biết anh ta
bị khinh bỉ mà.”
“Thế thì sao?” cô hỏi.
“Em biết rõ bên trong con người anh ta cũng tệ hại như bên ngoài. Một
kẻ khiếm khuyết, xấu tính, thấp hèn, ngu ngốc.”
“Thế thì sao?” cô hỏi.
“Em biết anh ta chẳng có gì để khoe khoang về mình ngoài tiền và một
chuỗi tổ tiên lố bịch đầu óc lẫn cẫn; nào, có phải thế không?”
“Thế thì sao?” cô lặp lại; và mỗi lần Estella nhắc lại mấy từ này, đôi
mắt đáng yêu của cô lại mở to ra thêm.
Để vượt qua khó khăn khi gặp phải những câu đáp lại đơn điệu như
thế, tôi giành lấy nó từ cô, nhắc lại nó thật nhấn mạnh, “Thế thì sao! Đó chính
là lý do khiến anh khổ sở.”
Đến lúc này, nếu tôi có thể tin cô ưu ái Drummle ít nhiều với ý tưởng
để khiến tôi - tôi - phải khổ sở, hẳn tôi đã đón nhận tình cảnh ấy với tâm
trạng nhẹ nhõm hơn; nhưng với cách thức quen thuộc của mình, cô đẩy tôi ra
xa hoàn toàn khỏi câu hỏi, đến mức tôi không thể tin nổi vào ý tưởng nào như
thế.
“Pip,” Estella nói, đưa mắt nhìn quanh phòng, “đừng ngốc nghếch như
thế về ảnh hưởng của chuyện đó tới anh. Nó có thể ảnh hưởng tới người khác,
mà cũng có thể vốn có dụng ý như vậy. Không đáng phải bàn cãi về nó.”
“Có, có đấy,” tôi nói, “vì anh không chịu nổi người ta có thể nói, ‘Cô ta
ném cả sự duyên dáng hấp dẫn của mình vào một kẻ cục mịch thô lỗ, kẻ thấp
kém nhất trong đám đông.’”
“Em có thể chịu được,” Estella nói.
“Ôi! Đừng kiêu hãnh thế, Estella, và đừng cứng nhắc thế.”
“Anh ta gọi tôi là kẻ kiêu hãnh và cứng nhắc chỉ trong một câu nói!”
Estella kêu lên, hai bàn tay xòe ra. “Và trong câu trước đó trách móc tôi hạ
mình với một kẻ thô lỗ cục mịch!”
“Chắc chắn em đã làm thế,” tôi nói, có phần vội vã, “vì anh đã thấy em
dành cho anh ta những cái nhìn và nụ cười ngay tối nay, những thứ em chưa
bao giờ dành cho… anh.”
“Vậy anh muốn em,” Estella nói, đột ngột quay lại với một cái nhìn
chăm chú nghiêm khắc, nếu không phải là giận dữ, “lừa lọc và giăng bẫy anh
sao?”
“Chẳng lẽ em đang lừa lọc và chăng bẫy anh ta sao, Estella?”
“Đúng thế, và nhiều người khác nữa - tất cả bọn họ trừ anh. Nhưng bà
Brandley kia rồi. Em sẽ không nói gì nữa.”
Và bây giờ, sau khi đã dành một chương cho chủ đề luôn chất chứa
trong tim mình, và thường xuyên làm nó nhói đau hết lần này tới lần khác,
không còn gì ngăn cản tôi đi tiếp tới biến cố vốn đã treo lơ lửng trên đầu tôi
còn lâu hơn từ trước; biến cố đã bắt đầu được chuẩn bị để diễn ra từ trước khi
tôi biết trên thế gian này có Estella, vào những ngày trí tuệ trẻ thơ của cô bắt
đầu bị bàn tay tàn phá của cô Havisham bẻ cong đi.
Trong câu chuyện kể phương Đông, tảng đá nặng nề sẽ rơi xuống
giường ngủ của vị quốc vương được từ từ tạc thành tại mỏ đá, đường hầm
dành cho sợi thừng sẽ giữ lấy nó được từ tốn trổ qua hàng dặm đá, tảng đá
được từ từ nâng lên và gắn khít vào trần, sợi thừng được buộc vào nó, luồn
qua hàng dặm hốc ngầm tới chỗ vòng sắt lớn. Tất cả được chuẩn bị sẵn sàng
với vô vàn công sức, và khi thời khắc điểm, vị quốc vương bị đánh thức giữa
đêm khuya, lưỡi rìu đã mài sắc để chặt lìa sợi thừng khỏi vòng sắt được đặt
vào tay ông ta, và ông ta vung nó lên chém, vậy là sợi dây đứt và lao tuột đi,
trần nhà ập xuống. Ở trong trường hợp của tôi cũng tương tự; mọi công việc,
gần hay xa, nhằm hướng tới đoạn kết, đã được hoàn tất; và vào đúng khoảnh
khắc ra đòn, mái tòa pháo đài của tôi lại đổ ập xuống đầu tôi.
Great Expectations (Tiếng Việt) Great Expectations (Tiếng Việt) - Charles Dickens Great Expectations (Tiếng Việt)