Nguyên tác: Mạn Mạn Thanh La
Số lần đọc/download: 1359 / 11
Cập nhật: 2015-10-27 20:40:09 +0700
Chương 37
L
ưu Giác trở về vương phủ, Lưu Anh nhìn thấy chàng thì ngạc nhiên, phấn khởi reo to: "Chúa thượng không sao rồi ư? Tiểu thư đâu?".
Lưu Giác mỉm cười: "Nàng ấy không sao, lão vương gia đâu?".
"Lão vương gia đã biết trước chúa thượng không hề gì, đang đợi chúa thượng trong thư phòng".
Biết trước không hề gì? Lưu Giác cảm thấy ông già sắp thành tinh thì phải. Đẩy cửa thư phòng, chàng reo lên: "Ông già, con trai ông đau sắp chết đây!".
An Thanh vương quẳng cuốn sách trong tay, chạy đến: "Sao thế? Con trai?".
Lưu Giác ngả đầu lên vai ông: "Bị Tử Ly quất ba mươi roi, huynh ấy ra tay không nhẹ tý nào".
"Ồ, không hề gì, trở về là tốt, trở về là tốt!". An Thanh vương cười khì khì, thuận tay ôm chàng vào lòng, bàn tay se sẽ vỗ lưng chàng. Lưu Giác rên rỉ: "Ai ôi, ông già! Cha không phải cha ruột của con rồi!".
"Hừ, nghịch tử! A La của con đâu?". An Thanh vương không thấy A La, vội hỏi.
Lưu Giác cười hì hì: "Tử Ly đã nhận A La là nghĩa muội, phong làm công chúa, một tháng nữa sẽ đích thân làm chủ hôn gả A La cho con!".
An Thanh vương không nói gì, ngước mắt nhìn con trai, mặt tối sầm, không còn nụ cười hiền từ thường ngày: "Vậy mà con vẫn cười được?".
Lưu Giác thôi cười, nghiêm nghị: "Cha, Tử Ly không đưa A La vào suối băng, huynh ấy lựa chọn chịu hình phạt long biện. Con quả thực rất khâm phục. Chuyện này... Tử Ly là hoàng đế, chúng ta không nên đòi hỏi quá khắt khe với người ta, đúng không?".
An Thanh vương hạ giọng hỏi: "Con trai, cái giá này, con tình nguyện gánh lấy?".
"Cha à, con tình nguyện! Tử Ly là hoàng đế, bất luận vì A La hay vì muốn để con suốt đời chịu ơn đức huynh ấy. Tử Ly... từ nay hàng năm đều phải chịu đựng đau đớn giày vò thân xác bởi hậu quả của cực hình long biện. Cái giá đó Tử Ly cho là đáng, con cũng không phải là người vong ân phụ nghĩa". Lưu Giác nghiêm túc trả lời.
"Con trai, con hiểu thì tốt, cha chỉ nhắc con một câu. A La được phong công chúa vào lúc này là có nhiều nghi ngại, danh phận này e là không bình yên". An Thanh vương thầm tán thưởng Tử Ly tìm biết cách để củng cố vững chắc đế vị của mình, cũng khâm phục dũng khí chịu đựng cực hình long biện của chàng, chàng quả xứng với ngai báu này. Đồng thời ông cũng có dự cảm mơ hồ bất an trước việc làm này của tân vương. Ông nhìn Lưu Giác, con trai ông chọn cô dâu này sao mà khổ thế? An Thanh vương nheo mắt, con trai năm nay hai mươi lăm tuổi, đường đường khí phách nam nhi, mắt mũi nét nào ra nét đó, thần thái này sao càng nhìn càng giống mẹ nó? Ông ngây ra nhìn, mắt lim dim suy nghĩ, riêng cái tên Bình Nam vương, chỉ cần đánh tiếng e là bao bậc danh gia Phong thành có con gái tới tấp cầu thân, chọn lựa hoa mắt! An Thanh vương có phần xót xa thương con trai số khổ, đột nhiên nói: "Hay là chúng ta không chọn A La? Đằng nào cha cũng không ưa Lý tướng!".
Lưu Giác nghe vậy sững người, vẻ giận dỗi: "Ông già, chuyện này đâu phải... nếu có thể nói không lấy là không lấy, hà tất con phải vất vả vào cung đưa nàng đi?".
"A La kể cũng tốt, cha cũng thích nó, nhưng sau này... nếu nói nó xinh đẹp, nhìn lâu cũng chỉ như đóa hoa, tính tình cũng tốt. Hay là ta cưới cho con luôn một lúc tám cô, mười cô như nó, hoặc là xinh đẹp, hoặc là tốt tính, rồi lấy tất cả ưu điểm của họ dồn vào một người để mà nhìn ngắm!". An Thanh vương càng nói càng hưng phấn.
Lưu Giác nhăn nhó: "Cha, vậy thì cha cũng chặt con làm nhiều mảnh, đông một mảnh tây một mảnh để tám cô, mười cô kia mỗi người nhặt một mảnh? Thực ra, A La...". Khuôn mặt đẹp của chàng giãn ra trong nụ cười êm dịu, "Nghìn người trong thiên hạ không bằng một A La. Cha à, lòng con không phải đá, không thể chuyển. Lòng con không phải chiếu, không thể cuộn. Bất luận sau này thế nào, con cũng chịu được!".
An Thanh vương nhìn con trai, khuôn mặt già phấn khởi cười tựa đóa hoa: "Tốt, đàn ông có cái nên làm, có cái không. Cái được, cái mất đều gánh được, chịu được! À, Ly vương đã trao chức đô đốc Phong thành cho Thành Tư Duyệt, con mắt nhìn người của hắn quả không tồi. Ám Dạ... đợi hắn hoàn tất những việc này, cũng nên biến mất".
Lưu Giác cười hì hì: "Biết rồi, Ám Dạ có gia đình, không thể cả đời là Ám Dạ của vương phủ. Đến khi chàng ta có con, cũng đến lúc để y hưởng niềm vui gia đình, chúng con chẳng phải là anh em rể sao?".
"Còn nữa, Xích Phong hồi báo, Hạ vương ngay từ mười năm trước đã có tiếp xúc với họ Vương. Đừng coi thường Hạ quốc nhược tiểu, bọn họ luôn có ý đồ mở mang bờ cõi. Thất hồn ngọc dẫn hương chắc chắn do Hạ vương trao cho Vương Yến Hồi. Họ Vương đã đổ, Vương Yến Hồi tự vẫn để lại một nước cờ bí mật cho Thanh vương Lưu Giám, lại thêm anh ta lấy công chúa Khởi quốc, e là ẩn họa không nhỏ. Ta thấy Ly vương không hẳn không biết chuyện, tất cả những chuyện này rất có thể cũng nằm trong dự liệu của chàng ta?".
Lưu Giác trầm tư hồi lâu, nói: "Con hiểu ý cha, lần này A La được phong công chúa, một tháng nữa gả cho vương phủ, rất có thể hôn lễ của chúng con chính là cơ hội. Con sẽ cho người bảo vệ nàng ấy".
"Vậy thì tốt, con đến Tùng phong đường để Lưu Anh xem vết thương cho. Ta cần sai bảo vài việc chuẩn bị cho hôn sự".
Ngày hôm sau, thánh chỉ và lễ vật đồng thời được chuyển đến Lý phủ. Lý tướng cười không ngậm được miệng, tíu tít sai người nhận lễ chuẩn bị lo hỷ sự.
Trong một thời gian ngắn, khắp triều đều biết, Ninh quốc có thêm một vị công chúa, những người chưa gặp A La đều mong được chiêm ngưỡng nhan sắc công chúa Thanh La. Tin nhanh chóng truyền đi, trở thành chủ đề bàn luận mới của Phong thành sau chuyện tân vương đăng cơ.
Minh Châu cũng rất hiếu kỳ, bám lấy Thanh vương Lưu Giám hỏi: "Nghe nói công chúa vừa được phong là tiểu muội của thứ phi Thanh Lôi. Thứ phi dù lãnh đạm, năm xưa cũng không làm gì được nàng ấy, rút cuộc công chúa là người thế nào? So với thần thiếp thế nào?".
Nhớ lại nhan sắc của A La trong lần nhìn thấy ở Đông cung, lại nhìn đôi mắt Minh Châu, Lưu Giám khẽ buông một câu: "Đến lễ sắc phong nàng khắc biết".
Thanh Lôi cả ngày âm thầm không nói. Nàng và Lưu Giám đã là phu thê kết tóc, trong hoạn nạn càng thể hiện chân tình, trong lòng cũng biết Lưu Giám có ý đồ đoạt lại vương vị, lấy Minh Châu chỉ là để mượn binh lực của Khởi quốc do vậy trước mặt Minh Châu nàng rất mực ôn hòa. Nhưng nghe tin A La được phong công chúa, nhìn biểu hiện trên mặt Lưu Giám, lòng nàng vẫn trào lên nỗi chua xót.
Lưu Giám mỉm cười quàng tay ôm Thanh Lôi: "Lôi Nhi, lẽ nào không tin ta? Chỉ là, ta thấy tiểu muội của nàng e là làm công chúa không được bình yên mấy ngày".
Thanh Lôi kinh ngạc: "Điện hạ sao lại nói thế?".
Lưu Giám mỉm cười bí hiểm: "Hôn lễ của Thanh La sẽ là thời cơ tốt nhất của chúng ta". "Điện hạ, Thanh Lôi có câu này không biết có nên nói không". Thanh Lôi ngẩng đầu thận trọng nhìn Lưu Giám, thấy chàng cúi đầu lắng nghe, liền bạo dạn: "Cả nhà chúng ta sống vui vẻ thế này, thực ra cũng không hẳn không phải là phúc, hà tất...".
"Im mồm! Lôi Nhi bụng dạ đàn bà! Thân nam nhi sống thế này khác nào chết? Huống hồ, trong tay ta có không ít quân bài!". Trong lúc kích động, ngữ khí của Lưu Giám đã trầm trọng, vẻ tự tin trên mặt chàng khiến Thanh Lôi cảm thấy hình như chàng vẫn là thái tử điện hạ năm xưa.
Thanh Lôi ngây người nhìn khuôn mặt tuấn tú của chàng, thở dài: "Lôi Nhi chỉ nói vậy thôi, cho dù điện hạ làm gì, Lôi Nhi cũng đứng về phía chàng".
Trong lòng Lưu Giám vốn đã không vui, nghe nàng nói vậy, lại không nén được, mềm giọng: "Đừng quá lo lắng, ta tất có chủ trương".
Trần quốc Sở Nam vẫn còn lưu lại Phong thành, lấy cớ chiêm ngưỡng phong cảnh Ninh quốc, hàng ngày lang thang đến những chốn vui chơi tửu lầu, trà quán của Phong thành. Anh ta nghe đồn Ninh quốc vừa có thêm một nàng công chúa một tháng nữa sẽ gả cho Bình Nam vương, bất giác nhớ lại nữ nhân bạo gan khác thường, một nụ cười khiến anh ta ngơ ngẩn trong một đêm ở thành Lâm Nam ngày nào, Sở Nam thậm chí cũng không hối hận anh ta đã mất hồn vì nụ cười đó. Miệng nở nụ cười bí hiểm, Sở Nam nâng ly uống cạn, lẩm bẩm: "Không biết có phải vị công chúa đó không?".
Bảy ngày sau, Ly vương hạ chỉ mở đại yến, sắc phong công chúa, văn võ bá quan cùng phu nhân có thể gặp mặt, Sở Nam cũng được mời.
A La vẫn ở trong điện Ngọc Hoa. Nghe tin nàng được Tử Ly nhận làm nghĩa muội, phong làm công chúa, ban hôn cho Bình Nam vương, Cố Thiên Lâm lòng lại tràn hy vọng, muốn tiếp cận A La.
Đối với Cố Thiên Lâm, A La luôn cảm thấy có điều áy náy, nhìn thấy vẻ buồn thảm trong mắt nàng, luôn muốn làm điều gì cho nàng. Một hôm, A La bất chợt nghĩ đến thiên "Trường môn oán phú(7)" của Trần A Kiều thời Hán mà nàng đã đọc và lén chép lại, nhưng vẫn chưa có cơ hội đưa cho Cố Thiên Lâm.
Tử Ly sắc phong cho nàng, còn mở tiệc, muốn nàng xuất hiện với thân phận công chúa, khiến A La thấy hơi bất an, luôn cảm thấy quá phù phiếm phô trương. Còn Tử Ly lại cười dịu dàng: "Không để phu nhân văn võ bá quan nhìn thấy công chúa xinh đẹp, đại ca quả thật không cam lòng".
Câu nói ấy khiến A La bật cười. Nàng cũng rất muốn bù đắp cho Tử Ly, liền nhận lời.
Cố Thiên Lâm khẳng khái nhận trách nhiệm trang điểm cho A La. Nàng nói đùa Tử Ly: "Vương thượng hãy đợi chứng kiến bá quan nhìn thấy công chúa của chúng ta, con mắt sẽ nổ thế nào".
Tử Ly cười lớn: "Vậy thì phiền hoàng hậu vất vả. Nếu được như lời hậu nói, quả nhân sẽ trọng thưởng!".
"Ồ? Thần thiếp có thể bạo gan hỏi một câu, vương thượng định ban thưởng gì cho thần thiếp?".
Tử Ly nhìn nàng: "Quả nhân sẽ hòa một khúc tiêu cầm với hoàng hậu được không?".
Cố Thiên Lâm ngạc nhiên sung sướng, chàng có ý gì? Lẽ nào chàng... Mặt nàng vụt đỏ, cúi người hành lễ: "Thần thiếp mong chờ tiếng tiêu của vương thượng".
Nhìn Cố Thiên Lâm rảo bước khỏi ngự thư phòng, Tử Ly thôi cười, ánh mắt lộ vẻ đau khổ. Chàng sao không biết tâm tư Cố Thiên Lâm, chàng sao không hiểu ánh mắt của Cố tướng và Cố Thiên Tường. Sống với hoàng hậu đã ba năm, nhưng vẫn chưa có người nối dõi, sao có thể được? Ninh quốc cũng cần người kế thừa ngôi báu. Chàng ngồi trên ngai vàng cười đau khổ, đây là sự bất lực của bậc đế vương! Với người mình yêu lại phải công khai phô ra sắc đẹp của nàng, phơi bày trước những con mắt tham lam; đối với người mình không yêu, lại phải tỏ ra ân cần chiều chuộng để nàng sinh con cho mình.
A La... Tử Ly bỗng hơi hối hận, không muốn để nàng xuất hiện trước mọi người. Nhưng thánh chỉ đã ban, không cho phép chàng hối hận. Tử Ly thở dài, thì thầm: "Phụ hoàng, Tử Ly làm vậy là đúng hay sai?".
Sau khi tắm nước thơm, các cung nữ choàng lên người A La chiếc váy thêu phượng thất bảo. Đây là triều phục mùa hè của công chúa Ninh quốc. Nền sa màu hồng nhạt, sau lưng là một con chim phượng hoàng thêu chỉ vàng gắn vô vàn những viên ngọc nhỏ, đang giương cánh như sắp bay lên, lại còn bảy chiếc đuôi phượng thêu trên đuôi váy dài ba thước kéo lê trên đất, khi bước đi, cánh phượng dập dờn như sắp bay, sống động như thật. Còn chưa vấn tóc cho A La, Cố Thiên Lâm đã nhìn đến ngơ ngẩn, mỉm cười: "Thì ra tiểu muội lại đẹp mê hồn đến thế!".
A La đỏ mặt: "Thiên Lâm tỷ tỷ lại đùa muội rồi, muội nên trang điểm như cũ thì hơn".
"Không được!" Cố Thiên Lâm cười, ấn nàng ngồi trước đài gương, "Ta và vương thượng đã có hẹn, nếu muội khiến cho toàn điện sững sờ, vương thượng, sẽ... sẽ rất vui". Nói xong mặt nàng chợt đỏ bừng.
"Đại ca hẹn gì với tỷ?". A La nhìn gương mặt ửng hồng của Thiên Lâm hỏi.
Cố Thiên Lâm hơi cúi đầu, dũng cảm nói: "Vương thượng sẽ hòa tấu tiêu cầm với ta!".
A La cười khúc khích: "Vì khúc tiêu cầm đó, A La cũng nên trang điểm thật đẹp mới được". Nói xong nàng ngồi thẳng ngay ngắn, lòng thầm cầu mong Tử Ly sớm nhìn thấy ưu điểm của Cố Thiên Lâm, cầu cho chàng được hạnh phúc.
Di Tâm điện lại mở đại yến, phu nhân của văn võ bá quan tụ tập ở ngự hoa viên chờ đợi xem mặt tân công chúa, sau khi nàng ra mắt bá quan.
Lần thứ hai Sở Nam bước vào Di Tâm điện, anh ta đưa mắt nhìn quanh, không thấy Bình Nam vương Lưu Giác. Thì ra Tử Ly đã có chỉ, để Lưu Giác khỏi thấy khó xử, chàng không tham dự tiệc. Lưu Giác đành dặn dò Thành Tư Duyệt chú ý theo dõi mọi động tĩnh.
Giờ Thân, tiếng chuông ngân vang, Ly vương giá đáo, bá quan khấu đầu. Nhiều người sắc mặt đã có vẻ sốt ruột ngóng chờ,
Tử Ly mỉm cười: "Hôm nay mở tiệc mời bá quan và Sở Nam vương tử, chính là vì công chúa Thanh La vừa được quả nhân sắc phong. Trước khi đăng cơ, quả nhân không may lâm nạn, công chúa xả thân cứu mạng, cho nên ta đã nhận nàng là nghĩa muội, sắc phong công chúa. Hôm nay mở tiệc là để công chúa ra mắt tân khách cùng văn võ bá quan, truyền chỉ, mời công chúa!".
Nội thị hô to: "Truyền hoàng hậu, công chúa vào điện!".
Cùng với tiếng hô, hoàng hậu Cố Thiên Lâm thân chinh khoác tay A La khoan thai tiến vào Di Tâm điện. Hai người - một người mình vận triều phục thêu con chim phượng hoàng vàng chói, một người nền váy màu hồng nhạt, dưới ánh nến huy hoàng, hai con chim phượng hoàng dập dờn giương cánh như sắp bay. Cố Thiên Lâm quốc sắc thiên hương, khí độ phi phàm. A La kiều diễm bẩm sinh, nhan sắc khuynh thành. Trên búi tóc đen mướt cuốn cao cài chiếc trâm vàng hình phượng hoàng ngậm ngọc. Hai chuỗi ngọc lộng lẫy rủ xuống từ hai cánh chim, một viên minh châu lớn kẹp trong miệng chim rủ xuống vầng trán rộng thanh khiết sáng ngời, cặp lông mày thanh tú rõ ràng. Trên khuôn mặt tựa ngọc tạc nổi bật đôi mắt lóng lánh như thủy tinh, dường như đã làm lu mờ ánh sáng của cả tòa đại điện tráng lệ. Khi gót sen khẽ bước, chiếc váy rung rinh, đôi cánh phượng dập dờn muốn bay. Tất cả quan khách ngây ngất nhìn theo, tiếng ngọc bội rung rinh theo mỗi bước chân, hút mọi ánh mắt ngây dại.
Cả trăm người trong tòa đại điện bỗng chốc im phăng phắc, chỉ có những ánh mắt sững sờ kinh ngạc. Cố tướng cũng có phần ngỡ ngàng, một người đàn bà như thế, chẳng trách! Lời cảm thán kẹt nơi cổ họng, Lý tướng cũng ngẩn người không kém, trước mắt vụt hiện khuôn mặt tựa đóa phù dung của thất phu nhân. Lớp băng lạnh cố hữu trên khuôn mặt Cố Thiên Tường cơ hồ tan biến, lòng xúc động thầm ghen với Lưu Giác.
Sở Nam há mồm, hơi thở như ngưng lại. Chính là nàng ta, chính là nữ nhân đã cười như đóa hoa nở trong một đêm tối trời ở thành Lâm Nam ngày trước. Chính nữ nhân đó sau khi trang điểm đích thực là giai nhân tuyệt thế. Sở Nam phút chốc hồn siêu phách lạc, đầu óc mụ mị, trong mắt trong lòng lúc này chỉ có bóng giai nhân vịn tay hoàng hậu đi đến.
Hai mỹ nữ dìu nhau vào đại điện, gót ngà từ từ lướt, cúi gập người hành lễ với Ly vương, giọng nói trong như tiếng chuông bạc của A La vang lên: "Bái kiến vương huynh!".
Tử Ly cười, từ ngai vàng bước xuống, dìu hai người đứng dậy: "Miễn lễ!". Chàng một tay dắt hoàng hậu, một tay dắt A La trở về ngai vàng, hai người lần lượt ngồi xuống hai bên chàng.
Nội thị hô: "Bá quan triều bái!".
Bá quan nhất tề rời chỗ, quỳ phục xuống, miệng hô: "Hoàng hậu thiên tuế, công chúa thiên tuế!".
Sau khi bá quan đứng dậy, Sở Nam mới định thần trở lại, phất ống tay áo dài hành lễ với A La: "Công chúa quả nhiên tuyệt thế giai nhân, từng cứu mạng bệ hạ, cũng từng mỉm cười hóa nguy thành an! Sở Nam kính lễ!".
A La mỉm cười đáp lại: "Điện hạ đa lễ rồi, Thanh La nghe nói Trần quốc nhị điện hạ gan dạ dũng mãnh, võ nghệ xuất chúng, hôm nay diện kiến, quả nhiên khí độ phi phàm!". Nàng thầm giật mình, Sở Nam này chính là người áo đen bịt mặt đột nhập quán rượu Thường Lạc ở Lâm Nam đêm đó, nàng nhận ra đôi mắt hoang dã tựa mắt thú dữ đó!
Tử Ly cười ngất: "Thanh La đâu chỉ mỉm cười hóa nguy thành an, nói là khuynh thành khuynh quốc cũng không quá!". Giọng chàng lộ vẻ tự hào, chợt chuyển chủ đề: "Quả nhân đã ban hôn ước công chúa cho Bình Nam vương, Sở Nam vương tử nếu không vội hồi hương xin mời ở lại uống ly rượu mừng".
Sở Nam nhìn khuôn mặt kiều diễm của A La, nghĩ đến thân hình như ngọc tạc dưới làn áo mỏng bay bay, tỏa hào quang ma quái trong màn đêm thành Lâm Nam ngày trước. Lần thứ hai gặp lại, cũng khiến anh ta tim giật thót như vậy. Đang ngơ ngẩn, nghe tiếng Tử Ly, hàng mày rậm của anh ta nhướn lên, mỉm cười: "Chúc mừng công chúa, Sở Nam nhất định quấy quả một ly rượu hỷ mới chịu hồi hương".
Gương mặt của A La ửng đỏ, nàng giận dỗi liếc nhìn Tử Ly. Trong vẻ giận dỗi có phần nũng nịu, Sở Nam ngây người nhìn, người vụt nóng bừng, thầm nghĩ giá nàng ta chịu nhìn mình như thế, có chết cũng cam lòng.
A La tươi cười cúi người hành lễ với Tử Ly: "Vương huynh, Thanh La và hoàng hậu xin cáo từ".
Tử Ly cười ưng thuận. Khi ánh mắt Cố Thiên Lâm và Tử Ly gặp nhau, mặt nàng thoắt đỏ, biết chàng rất hài lòng với việc trang điểm cho Thanh La, lòng nàng rộn ràng niềm vui, lại khoác tay A La, thong thả rời cung điện.
Nhìn bóng người xa dần, Sở Nam một hơi uống cạn ly rượu, cảm thấy rượu hôm nay nặng hơn lần trước, vị cay nóng xộc thẳng vào tim. Nghĩ tới giai nhân đó sắp thuộc về Bình Nam vương, chợt bâng khuâng tiếc nuối, một ý nghĩ vụt lóe trong đầu anh ta.
Lưu Giám khẽ cười, nói: "Vương thượng đúng là có mắt nhìn. Nhận một nghĩa muội tuyệt sắc vô song. Chỉ có điều, nhanh chóng gả cho Bình Nam vương như thế, đại huynh này vạn phần lưu luyến".
Tử Ly mỉm cười ôn dịu: "Là đại ca chỉ mong hoàng muội được hạnh phúc, chỉ cần A La vui, quả nhân cũng vui. Cho dù có gả hay không, hoàng muội đều là báu vật của quả nhân. Nếu Thanh vương lưu luyến hoàng muội, vậy chuyện xuất giá lần này xin giao cho Thanh vương lo liệu, nhất định không được qua loa".
Lưu Giám vội đứng dậy nhận lời, trong đầu lóe lên bao dự định.
A La và hoàng hậu bước vào ngự hoa viên, dưới chân vẫn là con đường phát sáng như lần vào cung ngày nào. Các vị phu nhân của bá quan tụ tập ở đây khiến nàng nhớ đến dạ yến đêm Trung thu mấy năm trước. Hồi đó nàng đâu có nghĩ có ngày nàng trở thành công chúa Ninh quốc, chỉ một lòng muốn giấu mình thật kỹ, khiến mình trở nên càng nhỏ bé, mờ nhạt càng tốt. Nghĩ đến lúc Lưu Giác nhận ra nàng, giở trò điểm huyệt khiến nàng không thể mở miệng, bất giác bật cười khúc khích.
Cố Thiên Lâm nghe thấy, khẽ hỏi: "Muội nghĩ đến dạ yến đêm Trung thu phải không?". Chính nàng cũng đang nghĩ đến chuyện đó, nhớ lại khi ấy nàng đang cùng Lý Thanh Lôi đua tài, đua sắc, nhưng không ngờ lương duyên cả đời thực ra lại ở tứ điện hạ bấy lâu vẫn ẩn trong bóng tối. Lấy chàng, nàng lại trở thành hoàng hậu.
"Tỷ đoán đúng, chính trong dạ tiệc đó muội đã bị Lưu Giác tìm thấy. Chàng giận lắm. Đã tìm suốt nửa năm mới biết muội là ai". Mắt A La long lanh, hồ hởi nói cười.
Cố Thiên Lâm dừng bước, giơ tay nắm lấy tay A La: "A La, muội có biết muội có nụ cười mê hồn thế nào không?... Ôi, ta không xứng với vương thượng, lại không ngờ, trong lòng muội đã sớm có Bình Nam vương như vậy. Ta đoán, khi muội nghĩ đến vương thượng, cũng không có thần sắc thế này". Trên mặt A La, trong mắt A La lúc này rạng ngời niềm vui, niềm vui từ trong đáy lòng. Nàng hiểu, đó là nụ cười không thể kìm chế mỗi khi nghĩ đến người mình yêu, niềm vui trào lên từ sâu thẳm đáy mắt. Chỉ cần nhìn mắt A La là biết nàng đang say đắm trong tình yêu.
A La ngây người, thế ư? Lúc đó nàng đã thích Lưu Giác rồi sao? Mặt nàng lại cười thỏa mãn, ngượng nghịu nói: "Không giấu tỷ tỷ, lúc đó muội hoàn toàn không nghĩ đến tình yêu, tâm tư muội khi ấy không để ở đây".
Cố Thiên Lâm bật cười: "Cho nên ta mới ghen với muội, muội vô tình mà có tình yêu thân thành...".
"Tỷ đừng buồn, có vài điều A La luôn muốn nói. Thế giới này là thế giới của đàn ông, yêu và không yêu đều do đàn ông làm chủ. Nhưng, muội biết có câu nói "đàn ông theo đuổi đàn bà cách cả ngọn núi, đàn bà theo đuổi đàn ông chỉ cách một bức màn". Nếu tỷ thích một người, hãy vứt bỏ thiên kiến thế tục, mạnh dạn thích người đó. Nên biết, hạnh phúc là của mình, không phải để cho thiên hạ xem". A La nghiêm túc nhìn Cố Thiên Lâm, "Chờ đợi quá lâu, người sẽ mệt, lòng sẽ chán chường, tỷ hãy suy nghĩ. Mặc dù A La luôn được cho, sau đó mới bù đắp, nhưng cũng biết tình yêu giữa hai người thực ra không phải hoàn toàn thuần tuý, dùng một chút thủ thuật cũng không hẳn không hay".
Cố Thiên Lâm kinh ngạc lấy tay bịt miệng A La. Trời ơi, Thanh La công chúa đang khuyên nàng bất chấp tứ đức, vứt bỏ đoan trang, theo đuổi lấy lòng vương thượng? Có thể nói ra những lời táo bạo như vậy, quả thực không giống thiên kim xuất thân từ tướng phủ.
A La khẽ cười: "Tỷ đừng ngạc nhiên, lời thực lòng muội đã nói rồi, A La luôn khác người thường, nếu Lưu Giác nạp thêm thê thiếp, muội sẽ bỏ chàng ra đi".
Cố Thiên Lâm lại kinh ngạc, trong suy nghĩ của nàng, dự định lớn nhất cũng chỉ là được sủng ái hơn một chút. Nàng cười khúc khích, ghé tai A La: "Nếu Bình Nam vương nghe thấy, không hiểu sẽ nổi cơn thịnh nộ thế nào!".
Hai người nhìn nhau cười, đi vào phòng tiệc.
Thị cung hô báo: "Hoàng hậu giá đáo! Công chúa giá đáo!".
Hai người an tọa, phu nhân bá quan quỳ phục thỉnh an: "Hoàng hậu nương nương thiên tuế! Công chúa thiên tuế!".
Cố Thiên Lâm cười: "Bình thân, hôm nay chỉ để chư vị phu nhân gặp gỡ công chúa Thanh La của chúng ta, chư vị cứ vui vẻ thoải mái, không cần đa lễ".
"Tạ ơn nương nương!".
Các vị phu nhân đứng dậy trở về chỗ, A La cảm thấy mọi ánh mắt bên dưới hướng vào mình, không nén được cười. Trong bữa tiệc Trung thu lần đó nàng chỉ thổi một điệu sáo bình thường, Vương hoàng hậu khi đó đã bình phẩm, sắc tài của nàng tầm thường, những người tham dự bữa tiệc đó lần này chắc kinh ngạc không ít.
Minh Châu xuất hiện với thân phận chính phi của Thanh vương Lưu Giám, tròn mắt nhìn Thanh La ngồi ở ghế chủ nhà, hồi lâu sau mới hiểu câu Lưu Giám nói "đến lúc đó khắc biết" nghĩa là gì, đó là vẻ đẹp không thể hình dung. Con người Thanh La có một khí chất đặc biệt, không tôn quý vương giả, nhưng khác thường, thậm chí vượt xa Cố hoàng hậu ngồi bên. Nàng kinh ngạc phát hiện, đôi mắt Thanh La rất giống mắt mình, vóc dáng cũng ngang ngang. Trong đầu nảy ra một ý.
Khi đến đây nàng loáng thoáng nghe các phu nhân truyền tai nhau, vị công chúa này không có tài, nghĩ đến điệu múa của mình, bỗng muốn chơi trội, rụt rè nói: "Thần thiếp là Minh Châu - vương phi của Thanh vương, lần đầu được chiêm ngưỡng thiên nhan công chúa, lại nghe nói công chúa là tiểu muội của lương đệ Thanh Lôi, tiếng đàn phi phàm, nay bạo gan mời công chúa, không biết có thể cho Minh Châu cùng chư vị phu nhân được thưởng thức một khúc?".
Cố Thiên Lâm chỉ biết mình và Lý Thanh Lôi thiên về đàn, Thanh La thiên về sáo, nhưng không biết nàng còn biết chơi đàn, cũng thấy hiếu kỳ, mắt nhìn A La như có ý hỏi.
A La lòng xáo động, nghĩ tới khúc "Trường Môn phú" đã chép định tặng Cố Thiên Lâm, bèn cười nói nhỏ: "Tỷ nên nghe kỹ khúc này, ca từ của nó, tiệc tàn muội sẽ tặng cho tỷ". Nói đoạn rời chỗ ngồi, giơ tay điều chỉnh cầm âm, khúc "Trường môn phú" thê lương từ những ngón tay tràn ra, uyển chuyển du dương, trùng trùng điệp điệp.
Cố Thiên Lâm không biết tự lúc nào lệ đã thấm mi, khi khúc đàn vừa dứt mới gạt nước mắt, cười: "Tiếng đàn của công chúa thật tuyệt vời, khiến bản cung thất lễ, trong bữa tiệc thế này nên vui mới phải, ta phạt công chúa ba chén, chư vị phu nhân thấy thế nào?". Mọi người bên dưới đồng thanh tán thưởng. A La cười nâng ly uống cạn, nói nhỏ: "A La vì tỷ tỷ, cuối cùng lại bị phạt, thật không công bằng. Tiệc xong, muội sẽ kể lai lịch khúc này".
Cố Thiên Lâm cười ưng thuận.
Ca vũ nổi lên, xua tan không khí thê lương vừa rồi. Minh Châu nhẩm tính, còn trên dưới hai mươi ngày nữa là đến hôn lễ của công chúa, đây là thời cơ rất tốt, bèn mỉm cười nói: "Nghe tin công chúa sắp thành hôn, thần thiếp đến từ Khởi quốc, thảo nguyên Khởi quốc có một loài kỳ hoa, gọi là Nguyệt sương hoa vô cùng quý hiếm. Nghe nói sau khi dùng có thể giải bách độc, kỳ hoa này trăm năm mới nở, chỉ không quá một khắc lại tàn, người có duyên mới hái được trên thảo nguyên tuyết phủ. Rất may vương huynh của thần thiếp nhắn lời, người có một bông, sẽ đưa đến Ninh quốc vào ban đêm, đó là lễ vật mừng đại hôn của công chúa".
Kỳ hoa giải độc? A La phấn khởi, nói: "Đã vậy Thanh La xin cảm tạ Thanh vương phi". Minh Châu cười thầm, nếu không cần mượn hôn lễ của ngươi để hành sự, kỳ hoa này Khởi vương cũng không nỡ đưa ra. Từ khi rời yến tiệc đến lúc lên giường, trong đầu Sở Nam chỉ có bóng hình giai nhân Thanh La, trằn trọc không thể chợp mắt.
Lòng thầm kinh ngạc, nàng ta sắp gả cho Bình Nam vương Lưu Giác, sao mình lại si mê nàng ta? Nghĩ đến Lưu Giác, Sở Nam trầm ngâm hồi lâu, sai thuộc hạ: "Chuẩn bị danh thiếp đưa đến Bình Nam vương, bản vương muốn giao đấu với hắn!".
Sở Nam bụng nghĩ, Lưu Giác trúng một nhát kiếm của mình, mặc dù lúc đó hắn chiến đấu khá lâu trên tường thành, công lực đã yếu hơn mình vài ba phần. Lần này chính thức giao đấu, phải đánh tan nhuệ khí của hắn để hả giận.
Lúc này vết thương Lưu Giác đã bình phục, không được gặp A La, lòng sầu muộn, ngày ngày đếm đốt ngón tay, danh thiếp của Sở Nam đưa vào, đúng lúc chàng đang cần giải khuây. Lưu Giác cười ranh mãnh, lần trước chàng trúng một nhát kiếm của Sở Nam, lần này chàng sẽ phục thù.
Hai người hẹn giao đấu ở ngoại ô phía nam. Tử Ly được tin báo cũng cười, đây lại là cơ hội! Chàng đến tìm A La nói: "Không phải đại ca không muốn hai người gặp nhau, chỉ là tổ chế có quy định, trước đại hôn, công chúa không được gặp riêng phò mã, có điều, Bình Nam vương muốn giao chiến với vương tử Sở Nam, ta đã nhận lời làm trọng tài, đến lúc đó sẽ lén đưa muội đi, thế nào?".
A La rất vui, nhiều ngày không gặp Lưu Giác, nàng rất nhớ chàng. Nàng nhìn Tử Ly cười sung sướng: "Đại ca tốt quá!".
Tử Ly lại xót xa, đã bao giờ thấy A La vui như vậy vì chàng chưa? Nụ cười đông cứng trên mặt rồi lập tức trở lại bình thường, chàng mỉm cười: "Vậy được, muội cải trang thành thị vệ. Ấy, chỉ có điều, một thị vệ tuấn tú như thế, thật đáng tiếc".
Ngày hai mươi ba tháng năm, Tử Ly chỉ mang một trăm cận vệ, đến phía nam ngoại ô xem giao đấu.
Trên ngọn đồi phía đối ngạn sông Đô Ninh, Lưu Giác vận áo choàng rộng màu bạc, tay cầm trường kiếm, lơ đãng ngồi sưởi nắng. Sở Nam áo đỏ bó sát thân, trán thắt dải lụa, tóc búi sau gáy, mang đội cận vệ phóng ngựa đến, nhìn từ xa trông rất uy phong lẫm liệt.
Lưu Giác cười cười hỏi Huyền Y: "Bản vương và hắn ai phong độ hơn?".
"Chúa thượng có muốn nghe lời nói thật?".
"Đương nhiên!".
"Chúa thượng giống tao nhân thưởng xuân trên thanh lâu, đâu có uy phong như Sở Nam điện hạ!" Huyền Y nghiêm túc trả lời.
"Tiểu tử ngươi biết gì? Cái đó gọi là chọc tức đối phương để tiết kiệm công sức! Tốt nhất phải chọc hắn tức gần chết đã". Lưu Giác nheo mắt, thần sắc lơ đãng, "Thực ra nên đem theo Linh Long mới phải, để nàng ta gảy khúc đàn cho bản vương nghe".
Huyền Y nghĩ một lát, trả lời: "Tốt nhất chúa thượng dẹp ngay ý định, trong trướng của vương thượng có một cận vệ cực giống công chúa, nếu để công chúa nhìn thấy Linh Long cô nương, e là...".
Lời chưa dứt, Lưu Giác "soạt" một tiếng đứng phắt dậy, mắt nhìn về phía vương trướng của Tử Ly cách đó hai mươi trượng, quả nhiên thấy một cận vệ đứng cạnh Tử Ly, không phải A La thì ai? Chàng vội vàng chỉnh lại khăn áo, trợn mắt lườm Huyền Y: "Sao không nói sớm?".
Huyền Y nén cười, nói nhỏ: "Chúng thuộc hạ cảm thấy bộ dạng chúa thượng cố tình thể hiện để chọc giận Sở Nam vương tử thế này là rất tốt, như vậy cho dù không thắng hắn cũng đỡ mất mặt".
"Các ngươi!". Lưu Giác nghiến răng.
Huyền Y vừa nhìn Sở Nam một mình cưỡi ngựa phi lên đồi vừa nói nhỏ: "Thuộc hạ chúc chúa thượng chiến thắng! Nhân tiện báo chúa thượng hay, Phong thành vừa mở cá cược. Lão vương gia mua một phiếu hai ngàn lạng cược vương tử Sở Nam thắng, Huyền Y mua một phiếu năm lạng, cược chúa thượng thắng!". Miệng nói đến câu mua phiếu cược năm lạng, người đã lùi về sau bay xuống dốc.
Lưu Giác tức đến đầu bốc khói, ông già! Xem con trai đánh bại Sở Nam thế nào, để ông thua sạch cho coi! Năm lạng, Huyền Y, ngươi giỏi lắm, bản vương chỉ đáng giá năm lạng bạc ư?
Sở Nam phi ngựa lên dốc, "hù" một tiếng, kéo giật dây cương, ngựa chồm hai vó trước, người nhanh nhẹn nhảy xuống, chắp tay hành lễ: "Bình Nam vương chớ nên tiếc sức! Hôm nay Ly vương đích thân làm trọng tài, mong Bình Nam vương đừng làm vương thượng mất mặt!".
Lưu Giác còn đang bực mình bởi chuyện cá cược của An Thanh vương và Huyền Y, nhìn thấy Sở Nam, hất hàm, nói với anh ta: "Lần trước chiến đấu kiệt sức, bị ngươi đâm trúng một nhát, bản vương độ lượng không đâm trả, chỉ để ngươi nhận thua kẻo làm tổn thương hòa khí hai nước".
Sở Nam cười sằng sặc: "Vậy còn phải chờ xem Bình Nam vương có bản lĩnh đó không. Lấy được giai nhân nhưng chưa hẳn tránh được lưỡi kiếm của bản vương. Hay là nếu ngươi thua, hãy để ta làm phò mã, thế nào?". Ngữ khí Sở Nam kiêu căng tột độ.
Lưu Giác nghe vậy cơn giận bừng bừng, trường kiếm nhằm vào Sở Nam, lạnh lùng: "Vì câu này của ngươi, bản vương thu lại câu vừa rồi. Có bản lĩnh bao nhiêu mang hết ra, đừng trách bản vương mạnh tay". Chàng nghĩ, ngữ ngươi mà cũng có ý định nhòm ngó A La? Mắt chàng quét về phía vương trướng, từ xa bắt gặp ánh mắt quan tâm của A La, cười khẩy nhìn Sở Nam: "Bắt đầu đi!".
Sở Nam rút đoản kiếm: "Xin mời!".
Trường kiếm trong tay Lưu Giác vạch một vệt sáng, cuộn người vọt lên, lưỡi kiếm đâm ra, khí thế như núi nặng, ép về phía Sở Nam. Sở Nam hừ một tiếng, đoản kiếm bắt ra những tia sáng lạnh, hai thanh kiếm va đập trên không, phát ra âm thanh chói tai. Hai người đều là cao thủ. A La không nhìn ra thân thủ ai hơn, chỉ thấy hai người bay qua bay lại rất đẹp mắt, nàng lo lắng cho Lưu Giác, quay đầu hỏi Tử Ly: "Đại ca, công lực của ai hơn?".
Tử Ly cười: "Muội lo à? Đừng lo, thực lực tương đương, đợi họ đánh một lúc nữa, ta sẽ bảo dừng lại, tuyên bố hòa là xong".
Quả nhiên sau mấy chục chiêu, không phân thắng bại, Tử Ly đưa mắt ra hiệu cho một cận vệ. Cận vệ vội chạy ra, nói to: "Vương thượng có chỉ, hai vị dừng chiến!".
Lưu Giác và Sở Nam nghe vậy, nhìn nhau, hai thanh kiếm chạm nhau, mỗi người vọt ra một phía. Sở Nam vẫn hận nói: "Bình Nam vương võ nghệ không tồi, lại có thể thủ hòa với bản vương!".
"Điện hạ cũng không kém, có thể xuất năm chục chiêu dưới tay bản vương, nhát kiếm lần trước bị đâm không oan". Lưu Giác cười đáp lời.
Hai người lao xuống núi, đi đến vương trướng gặp Tử Ly. A La bất chấp mình mang trang phục cận vệ, tươi cười chạy ra ngoài trướng, đứng đợi Lưu Giác.
Sở Nam ngẩn người, A La hôm nay, toàn thân ngời ngời tuấn tú, mắt sáng long lanh, đôi đồng tử lóng lánh đợi chờ. Anh ta ngoái nhìn Lưu Giác, nỗi ghen tuông trào lên trong lòng, bước đến trước trướng cúi đầu thi lễ với Tử Ly: "Bệ hạ hậu ái, hôm nay Sở Nam thủ hòa". Nói đoạn mắt không kìm được liếc ra ngoài trướng.
Lưu Giác nhìn A La, chớp mắt, cùng vào trướng thi lễ: "Thần Lưu Giác bái kiến vương thượng, phong cảnh ở đây thật đẹp, thần muốn mời thị vệ của vương thượng cùng đi săn vài con thỏ dâng vương thượng".
Tử Ly nhìn A La, lại nhìn mặt Sở Nam, giọng ôn hòa: "Đi sớm về sớm!".
"Tạ ơn vương thượng!". Lưu Giác mừng quýnh lui ra, hất hàm cười với A La.
Huyền Y dắt ngựa đến, hai người nhảy lên ngựa, cùng mấy binh sĩ Ô y kỵ phóng đi. Khi đã đi khá xa vương trướng, Lưu Giác đưa mắt nhìn Huyền Y, Huyền Y hiểu ý, nói: "Săn thỏ đâu cần chúa thượng động tay, chúa thượng cứ ngồi nghỉ chờ ở đây".
A La mỉm cười, xuống ngựa, cùng Lưu Giác tản bộ bên bờ suối.
Lưu Giác không kìm được choàng tay ôm nàng, A La né người, "Bình Nam vương cẩn trọng một chút, dù thích đàn ông cũng không nên động đến cận vệ của vương thượng!".
"Nha đầu ngốc! Lại dám nói thế, lại đây nào!". Chàng cười.
A La ngó nghiêng thấy không có ai, liền bước đến ôm lấy Lưu Giác, dụi đầu vào ngực chàng.
"Nhớ ta không? Hả?". Lưu Giác dịu dàng.
A La ngẩng đầu mặt ửng hồng, mắt long lanh, cười ngây ngất: "Ồ, còn những mười ngày nữa mới có thể xuất cung, từ đó sẽ tự do!".
"A La, là nàng muốn ra khỏi cung hay là muốn lấy ta?".
"Ra khỏi cung!".
"Câu trả lời này không hay, nói lại đi!". Lưu Giác lắc đầu.
"Vậy được, thiếp muốn lấy chàng, từ đó chàng sẽ là bát cơm của thiếp, ngân lượng của thiếp, bát cơm vàng của thiếp! Cuối cùng thiếp đã trở thành bà vợ chua ngoa, tác oai tác quái!". A La đắc ý chắp tay vào eo, vênh mặt với chàng.
Lưu Giác bật cười, lại kéo đầu nàng vào ngực, tì cằm lên đầu nàng, thầm thì: "Nhất định không được xảy ra chuyện gì nữa, nếu không ta sẽ phát điên mất".
Trong vương trướng, Tử Ly nhàn tản nhìn Sở Nam đang lầm lì uống rượu, chàng cười nhạt: "Sau hôn lễ của Bình Nam vương, điện hạ sẽ về nước phải không?".
"Vâng, bệ hạ, Sở Nam đã lang thang ở Phong thành quá lâu rồi, thuyền đã chuẩn bị xong, lần này về bằng đường thủy".
Sở Nam cười trả lời, trong đầu lại hiện lên hình bóng A La. Đột nhập vào cung là không thể, phải làm thế nào mới đưa được nàng ta về Trần quốc? Cơ hội ở đâu, liệu có vì thế dẫn tới chiến tranh giữa hai nước không? Không sao, đằng nào khai chiến cũng là chuyện sớm muội, bắt nàng ta còn có thể làm con tin.
"Những ngày sắp tới trong cung bận rộn, chuẩn bị cho hôn lễ của Thanh La công chúa, quả nhân khó dành thời gian chăm sóc vương tử, giờ xin kính vương tử một chén, coi như tiễn biệt".
"Không dám, thần bạo gan hỏi bệ hạ, trước đại hôn, công chúa liệu có quay về tướng phủ?".
"Công chúa sẽ được gả từ vương cung. Thanh vương đã sắp đặt hoàn tất, vương tử có thể vào cung dự lễ, cũng có thể đến thẳng phủ An Thanh vương chúc mừng!". Tử Ly mỉm cười trả lời.
Sở Nam nhìn trời, đứng dậy: "Sở Nam nhất định vào cung dự lễ, bây giờ xin cáo lui, nhờ bệ hạ chuyển lời đến Bình Nam vương, võ công của vương gia Sở Nam khâm phục, sau này nếu có cơ hội lại giao đấu".
Nhìn Sở Nam rời đi, khóe miệng Tử Ly hiện lên nụ cười, nghĩ tới A La, lòng lại ảm đạm, đứng lên ra lệnh: "Để lại năm người hộ tống công chúa hồi cung, khởi giá!".
Chàng trầm ngâm ngồi trong kiệu, để chàng ở lại nhìn A La và Lưu Giác âu yếm quyến luyến, chàng không làm được.
Khi hai người mang theo mấy con thỏ quay về vương trướng, một thị vệ bước tới bẩm báo: "Vương thượng đã hồi cung, sai chúng thuộc hạ hộ tống công chúa! Vương thượng có lời nhắn, phong cảnh đẹp, công chúa hiếm hoi mới có dịp du ngoạn bên ngoài, chỉ cần trở về trước khi đóng cổng thành là được".
A La sung sướng nhảy lên: "Chúng ta đi nướng thỏ!".
Lưu Giác nhướn mày, cố kìm chế cảm giác bất an mơ hồ trong lòng, mỉm cười đuổi theo A La.
Màn đêm dần buông. Lưu Giác ôm chặt A La: "A La, nếu ngày mai chúng ta chia lìa, ta làm sao tìm được nàng?".
"Chẳng may có chuyện... chàng hỏi Tử Ly xin con chim ưng đó".
"Nếu chim ưng bị bắn chết?".
"Thiếp sẽ cho chàng ký hiệu phương hướng, để chàng đến tìm thiếp, còn nhớ những chữ cái thiếp dạy chàng không?". A La cười vui vẻ: "Thiếp chẳng lo gì, sao chàng căng thẳng thế?".
Lưu Giác trầm ngâm, "Ta không nói ra được, luôn cảm thấy bất an. Ta sẽ cho người bảo vệ nàng".
A La cười khanh khách: "Đúng là chàng mắc chứng căng thẳng tiền hôn nhân!".
"Chứng căng thẳng tiền hôn nhân là gì?".
"Chính là, chúng ta luôn gặp trắc trở, cho nên lúc sắp thành hôn, chàng lo lắng, sợ xảy ra chuyện".
Lưu Giác thầm thì: "Mong sao chỉ là như thế". Chàng lấy ra chuỗi ngọc phỉ thúy đeo vào cổ A La, dặn dò: "Bên trong viên ngọc rỗng, có để pháo hiệu của Ô y kỵ, giống như pháo hiệu trong khuyên tai của nàng, ngộ nhỡ có chuyện, nàng phải phát tín hiệu đấy.
A La nép vào chàng: "Mong sao không có chuyện gì, chúng ta sẽ được bên nhau như thế này, sau này có dịp rỗi rãi chúng ta đi thăm mẹ thiếp, đi chơi khắp nơi hay biết mấy".
"Nhất định thế, hãy tin ta!". Lưu Giác kiên định trả lời. Theo phân tích các nguồn tin tình báo, ngày tổ chức hôn lễ nhất định sẽ có biến cố, chàng đã lệnh cho người ở vương cung theo sát bảo vệ A La, bây giờ chàng đã không thể chịu đựng nếu mất nàng lần nữa.
Chú thích:
7. Nguyên Trần A Kiều hoàng hậu bị hoàng đế Hán Vũ đế chán ghét, đày ra Trường môn. Sống lẻ loi, nàng không biết làm thế nào để tỏ hết nỗi lòng, mong nhà vua hồi tâm se lại mối tơ duyên. Nghe nói Tư Mã Tương Như có văn tài, nàng nhờ người đem một trăm lạng vàng đến, nhờ Tương Như viết một bài thơ dâng Hán Vũ đế. Tương Như bằng lòng, viết bài phú "Trường môn phú", lời lẽ ai oán, tình cảm tha thiết, Hán Vũ đế đọc bài phú, cảm động liền vời Trần A Kiều về, phục ngôi hoàng hậu