Love is hard to get into, but even harder to get out of.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: Trần Hùng
Số chương: 41 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 5
Cập nhật: 2024-09-01 17:39:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tề II
. TRƯƠNG NGHI LẬP MƯU ĐỂ ĐƯỢC VŨ VƯƠNG TIN DÙNG
(Trương Nghi sự Tần Huệ Vương)
Trương Nghi thờ Tần Huệ Vương. Huệ Vương mất, Vũ Vương lên ngôi. Kẻ tả hữu của Vũ Vương ghét Trương Nghi, tâu với Vũ Vương:
- Nghi thờ tiên vương mà không trung…
Nói chưa hết câu thì sứ giả của Tề cũng vừa tới để trách Vũ Vương sao dùng Trương Nghi làm tể tướng. Trương Nghi nghe được, bảo Vũ Vương:
- Nghi tôi có một kế ngu, xin dâng đạivương.
Vũ Vương hỏi:
- Kế ra sao?
Đáp:
- Tính việc xã tắc, thì có gây đại biến ở phía đông, đại vương mới có cơ hội cắt được nhiều đất. Nay vua Tề (Mẫn Vương) rất ghét Nghi tôi, Nghi tôi ở đâu thì tất đem binh đánh đó, cho nên Nghi tôi xin đem cái thân bất tài này qua Lương, như vậy Tề tất đem quân đánh Lương. Quân Tề và quân Lương cầm chân nhau ở dưới thành, đại vương thừa lúc đó đánh Hàn, vô đất Tam Xuyên, đem binh ra khỏi ải Hàm Cốc, chẳng cần đánh cũng chiếm được Chu, chở hết đồ tế tự, bắt được thiên tử, lấy bản đồ cùng sổ sách, thế là thành nghiệp đế vương.
Vua Tần khen hay. Rồi sửa soạn cho ba chục binh xa để Trương Nghi qua Lương.
Tề quả nhiên đem binh đánh Lương, vua Lương lo sợ. Trương Nghi bảo:
- Xin đại vương đừng lo, tôi có kế làmcho Tề phải lui binh.
Rồi sai một người tay chân tên là Phùng Hỉ qua Sở, rồi từ Sở qua Tề. Xong công việc Tề, Sở rồi, Phùng Hỉ nhân cơ hội, bảo vua Tề:
- Đại vương rất ghét Nghi, nhưng (chính) đại vương đã uỷ thác Nghi cho vua Tần một cách thực là trọng hậu.
Vua Tề hỏi:
- Quả nhân rất ghét Nghi, Nghi ở đâuthì quả nhân đem quân đánh đó, vậy thì làm sao bảo là quả nhân uỷ thác Nghi cho vua Tần?
Đáp:
- Chính vậy là uỷ thác Nghi đấy. KhiNghi ra khỏi Tần, có hứa với vua Tần rằng: “Mưu tính giúp đại vương thì có gây biến ở phía đông, đại vương mới có cơ hội cắt được nhiều đất. Vua Tề rất ghét Nghi tôi; Nghi tôi ở đâu thì tất đem quân đánh đó; cho nên Nghi tôi xin đem cái thân bất tài này qua Lương, như vậy Tề tất đem quân đánh Lương. Quân Tề và quân Lương cầm chân nhau ở dưới thành, không dám nghỉ ngơi, đại vương thừa lúc đó đánh Hàn, vô đất Tam Xuyên, đem binh ra khỏi ải Hàm Cốc, chẳng cần đánh cũng chiếm được Chu, chở đồ tế tự, bắt được thiên tử, lấy bản đồ cùng sổ sách, thế là thành nghiệp đế vương”. Vua Tần cho kế đó là phải, sửa soạn cho ba chục binh xa để Nghi qua Lương. Quả nhiên Tề đánh Lương. Thế là đại vương ở trong tự làm cho mình suy nhược mà đánh nước liên kết với mình, mở rộng đất của nước giáp ranh với mình để tự hại mình, mà làm cho Nghi được vua Tần càng tin. Vậy thần bảo rằng đại vương uỷ thác Nghi cho vua Tần.
Vua Tề bảo: Phải.
Rồi thôi không đánh Lương nữa.
4. VẼ RẮN THÊM CHÂN – C26,4-18
(Chiêu Dương vi Sở phạt Ngụy)
Chiêu Dương vì Sở mà đánh Ngụy, phá quân giết tướng, chiếm được tám thành, rồi chuyển quân qua đánh Tề. Trần Chẩn do vua Tề (Mẫn Vương) sai qua yết kiến Chiêu Dương, lạy Chiêu Dương hai lạy, mừng Chiêu Dương đã chiến thắng Ngụy, rồi đứng dậy hỏi về pháp lệ của Sở:
- Phá quân giết tướng thì được chứctước gì?
Chiêu Dương đáp:
- Chức thì là Thượng trụ quốc, tước thì là Thượng chấp khuê.
- Cao sang hơn chức đó là chức gì?
- Chỉ có chức lệnh doãn mà thôi!
Trần Chẩn bảo:
- Chức lệnh doãn sang thật, nhưng vuaSở không đặt hai chức lệnh doãn. Tôi xin trộm đưa tỉ dụ này để ông hiểu. Sở có người cúng giỗ xong rồi cho bọn người nhà một chén rượu. Bọn người nhà bảo nhau: “Mấy người uống thì không đủ, một người uống thì dư. Bây giờ đây, chúng ta vẽ một con rắn trên đất, ai vẽ xong trước thì được uống”. Một người vẽ xong trước, lấy rượu uống, tay trái cầm chén, tay phải vẽ thêm vào hình con rắn, bảo: “Tôi có thể vẽ thêm chân cho nó”. Vẽ chưa xong thì một người khác đã vẽ xong rắn, giật lấy chén rượu, bảo: “Rắn vốn không có chân, sao anh lại vẽ chân cho nó?”. Rồi uống hết chén rượu, thế là người vẽ rắn thêm chân kia mất uống. Nay ông giúp Sở mà đánh Ngụy, phá quân, giết tướng, được tám thành mà quân lính không suy nhược; ông lại muốn đánh Tề, Tề sợ ông lắm, vì vậy danh ông vang lừng, như vậy là đủ rồi, còn chức không thể cao hơn được nữa. Ông cầm quân lần nào cũng thắng mà không biết dừng lại, tới khi thân chết rồi, tước về người sau, thì có khác gì vẽ rắn thêm chân không?
Chiêu Dương cho là phải, lui binh về.
7. TÔ TẦN THUYẾT VUA TỀ GIÚP TRIỆU
(Tần công Triệu Trường Bình)
Tần đánh Triệu ở Trường Bình. Tề, Sở cứu Triệu. Vua Tần nghĩ: “Tề, Sở cứu Triệu, nếu họ đoàn kết với nhau thì mình lui binh, không thì mình đánh”.
Triệu thiếu lương thực, xin Tề giúp lúa, Tề không chịu, Tô Tần bảo vua Tề:
- Nên giúp đi để lui binh của Tần, không giúp thì binh Tần không lui. Như vậy là Tần mưu tính đúng, mà Tề, Yên mưu tính sai. Vả lại Triệu đối với Yên, Tề, được hai nước đó che cho như răng có môi, môi hở thì răng lạnh. Hôm nay mà mất Triệu thì ngày mai tới phiên Tề, Sở. Lại thêm cái việc cứu Triệu phải cẩn thận như việc bưng vò nứt, tưới cái nồi nóng. Cứu Triệu là một việc nghĩa cao thượng, lui được binh Tần là có tiếng tăm rỡ ràng. Được cái ân nghĩa là cứu Triệu khỏi mất nước, và cái uy danh là lui được binh Tần, không lo việc đó mà chỉ nghĩ tiếc lúa thì là tính sai việc nước.
TỀ III
1. MƯU MÔ TÔ TẦN – C27,1-105
(Sở vương tử)
Vua Sở (Hoài Vương) mất, thái tử (Hoành) làm con tin ở Tề. Tô Tần bảo Tiết Công:
- Sao ông không giữ thái tử lại để chiếm lấy phía đông của Sở?
Tiết Công đáp:
- Không nên. Ta mà giữ thái tử lại, đất Dĩnh Trung lập vua khác thì ta có con tin cũng như không, mà lại mang tiếng làm điều bất nghĩa trong thiên hạ.
Tô Tần bảo:
- Không phải vậy. Đất Dĩnh Trung màlập vua khác thì ông sẽ bảo vua mới: “Tặng tôi miền phía đông, tôi sẽ vì đại vương mà giết thái tử; nếu không thì tôi sẽ đem binh ba nước qua Sở mà cùng lập thái tử lên ngôi”. Như vậy, Sở tất nghe mà ta chiếm được phía đông của Sở (miền giáp giới Tề).
Mưu đó của Tô Tần: 1. Có thể giúp Tô Tần xin (Tiết Công) đi được; 2. Có thể khiến cho vua Sở phải vội vàng đem tặng (Tề) miền phía đông; 3. Có thể giúp Tề cắt thêm đất của Sở; 4. Có thể làm cho thái tử trung với Tề mà khiến Sở cắt thêm đất cho Tề; 5. Có thể vì vua Sở đuổi gấp thái tử; 6. Có thể làm cho thái tử trung thành và phải trốn đi gấp; 7. Có thể làm cho có người nói xấu Tô Tần với Tiết Công; 8. Có thể làm cho Tô Tần được phong ở Sở; 9. Có thể khiến người thuyết Tiết Công nên thân thiện với Tô Tần; 10. Lại có thể khiến Tô Tần tự biện hộ với Tiết Công (Là vì như sau: )
1. Tô Tần bảo Tiết Công:
- Tôi nghe nói mưu mà tiết lậu thì việctất hỏng, tính toán rồi mà không quyết thi hành thì danh không thành. Nay ông giữ thái tử lại để bắt chẹt Sở phải tặng phía đông của Sở. Nếu Sở không gấp tặng phía đông thì là Sở tính thay đổi kế hoạch; thay đổi kế hoạch thì ông tuy giữ con tin cũng như không, mà lại mang tiếng với thiên hạ.
- Phải. Vậy làm cách nào bây giờ?
- Tôi xin vì ông mà qua Sở, khiến Sởphải vội đem quân vô đất các nước phía đông. Sở mà chịu tặng thì mưu kế của ông không thể nào thất bại được.
- Phải.
Rồi Tô Tần qua Sở.
Vì vậy mà bảo rằng: “Mưu của Tô Tần giúp cho Tô Tần có thể xin Tiết Công đi được”.
2. Tới Sở, Tô Tần bảo vua Sở :
- Tề muốn suy tôn thái tử mà lập làmvua Sở. Tôi xét ra thì Tiết Công giữ thái tử lại là để bắt Sở phải tặng Tề miền phía đông. Nay đại vương không gấp tặng miền phía đông, thì thái tử sẽ tặng Tề một số đất bội đất đại vương tặng để Tề suy tôn mình lên làm vua Sở.
Vua Sở đáp:
- Xin vâng lệnh ông.
Rồi đem dâng Tề miền phía đông.
Vì vậy mà bảo rằng: “Mưu của Tô Tần khiến vua Sở phải vội đem tặng miền phía đông”.
3. Tô Tần về Tề, bảo Tiết Công:
- Sở phải ở vào cái thế phải cắt nhiềuđất cho ta.
Tiết Công hỏi:
- Sao vậy?
- Xin ông cho thái tử hay đầu đuôi mọisự, khiến thái tử thưa với vua để tỏ lòng trung với ông. Rồi cho Sở hay việc đó, thế là Sở phải cắt thêm đất cho Tề.
Vì vậy mà bảo rằng: “Mưu của Tô Tần có thể giúp cho Tề cắt thêm đất của Sở”.
4. Rồi Tô Tần lại bảo thái tử:
- Tề ủng hộ thái tử mà muốn lập thái tử làm vua, vua Sở xin cắt đất để giữ thái tử lại; Tề chê cắt đất ít, thái tử sao không cắt đất gấp bội để tặng Tề? Như vậy Tề tất ủng hộ thái tử.
Thái tử đáp: Phải. Rồi cắt gấp bội đất Sở để cho Tề rộng thêm.
Vua Sở nghe tin, đâm lo, lại cắt thêm đất để dâng Tề, mà vẫn còn sợ việc không thành.
Vì vậy mà bảo rằng: “Mưu của Tô Tần khiến cho Sở tặng thêm đất cho Tề”.
5. Rồi Tô Tần lại bảo Sở:
- Tề sở dĩ dám đòi cắt nhiều đất như vậy là vì nắm được thái tử; nay Tề đã được đất rồi mà vẫn không ngừng là vì dùng thái tử để mặc cả với đại vương. Tôi có thể làm cho thái tử phải đi. Thái tử mà đi thì Tề không còn nói gì được nữa, tất không còn đòi đại vương cắt thêm đất nữa. Sau đó, đại vương nên qua đất Tề mà kết giao, Tề tất chịu, như vậy là đại vương đuổi được kẻ thù mà kết thân được với Tề.
Vua Sở rất mừng, đáp: Xin đem nước mà theo kế ông.
Vì vậy mà bảo rằng: “Mưu của Tô Tần có thể vì vua Sở đuổi gấp thái tử”.
6. Rồi Tô Tần lại bảo thái tử:
- (Hiện nay) người có quyền tài chế Sở là vua Sở, còn thái tử chỉ có cái danh mà không có thực, Tề dùng để bắt chẹt Sở thôi. Tề chưa chắc là tin lời thái tử mà Sở tặng Tề gì thì cái đó thấy rõ. Sở mà kết giao với Tề được thì thái tử tất nguy! Xin thái tử tính đi.
Thái tử đáp: Xin nhận lệnh ông.
Rồi cho đánh xe, đi ngay tối hôm đó.
Vì vậy mà bảo rằng: “Mưu của Tô Tần có thể làm cho thái tử trốn đi gấp”.
7. Tô Tần sai người nói với Tiết Công:
- Người khuyên ông giữ thái tử lại là Tô Tần. Tô Tần không thành tâm vì ông đâu, mà làm lợi cho Sở đấy. Tô Tần sợ ông hay điều đó, cho nên bắt Sở cắt nhiều đất để xoá hết dấu vết đi (để ông khỏi nghi). Nay khuyên thái tử đi, cũng lại là Tô Tần nữa mà ông không hay. Tôi trộm vì ông mà lấy làm ngờ.
Tiết Công rất giận Tô Tần.
Vì vậy mà bảo rằng: “Mưu của Tô Tần có thể làm cho có người nói xấu Tô Tần với Tiết Công”.
8. Tô Tần lại sai người nói với vua Sở:
- Người khiến cho Tiết Công giữ thái tử lại là Tô Tần, ủng hộ đại vương lên thay thái tử ở Sở cũng lại là Tô Tần; bày mưu cắt đất để kết chặt Sở với Tề, cũng lại là Tô Tần, trung với đại vương mà làm cho thái tử phải ra đi, cũng lại là Tô Tần. Nay người ta nói xấu Tô Tần với
Tiết Công, trách Tô Tần là bạc bẽo với Tề mà đôn hậu với Sở. Xin tâu đại vương hay điều đó.
Vua Sở đáp:
- Xin nhận lệnh ông.
Rồi phong cho Tô Tần làm Vũ Trinh Quân.
Vì vậy mà bảo rằng: “Mưu của Tô Tần làm cho Tô Tần được phong ở Sở”.
9. Tô Tần lại sai Cảnh Lí nói với Tiết Công:
- Ông sở dĩ được kính trọng trong thiên hạ, là nhờ thu phục được nhiều kẻ sĩ trong thiên hạ mà có quyền lớn ở Tề. Nay Tô Tần là bậc biện sĩ trong thiên hạ, ít có người tài như ông ta. Ông không trọng Tô Tần thì là bao vây, ngăn lấp kẻ sĩ trong thiên hạ, không có lợi cho con đường tiến ngôn của kẻ sĩ. Như vậy có kẻ không phục ông mà suy tôn Tô Tần, và thế của ông nguy mất. Nay Tô Tần được vua Sở trọng mà ông không sớm thân với Tô Tần thì ông thành kẻ thù của Sở. Cho nên ông nên thân với Tô Tần, quí trọng ông ta, như vậy là được nước Sở.
Nhờ vậy mà Tiết Công lại quí trọng Tô tần.
Vì vậy mà bảo rằng: “Mưu của Tô Tần có thể làm cho Tô Tần thuyết phục Tiết Công để Tiết Công trọng Tô Tần”.
(Và 10. Như vậy ta đoán được Tô Tần tự biện hộ được với Tiết Công ra sao).
2. ĐOÁN TÂM LÝ VUA
(Tề Vương phu nhân tử)
Vợ vua Tề (Uy Vương) mất, có tới bảy mỹ nữ đều được vua yêu. Tiết Công muốn biết vua sẽ lựa người nào, dâng vua bảy đôi hoa tai, riêng một đôi đẹp hơn cả. Hôm sau, thấy đôi bông đó được ai đeo thì khuyên vua lựa người đó.
3. TÔ ĐẠI CAN MẠNH THƯỜNG QUÂN – C28,3-13
(Mạnh Thường Quân nhập Tần)
Mạnh Thường Quân muốn vô nước Tần, có cả ngàn người can mà ông không nghe. Tô Tần muốn ngăn, Thường Quân bảo: “Về nhân sự, tôi đã được nghe hết rồi; chỉ còn chưa được nghe quỉ sự thôi”
Tô Đại đáp:
- Tôi tới đây chủ ý là không dám nóivề nhân sự mà chỉ nói về quỉ sự vậy.
Mạnh Thường Quân bèn tiếp. Tô Đại bảo:
- Hôm nay, khi lại đây, tôi có đi ngang qua miền Tri Thượng, được nghe một tượng nặn bằng đất và một tượng được đẽo bằng cành đào nói chuyện với nhau. Tượng bằng cành đào bảo tượng bằng đất: “Anh vốn là đất ở bờ phía Tây, được nặn thành hình người; tới tháng tám, mưa xuống, nước sông Tri dâng lên thì anh sẽ rã rời, tan nát”. Tượng bằng đất đáp: “Không phải vậy. Tôi là đất ở bờ phía tây, tôi rã rời, tan nát thì lại thành đất bờ phía tây. Còn anh là cành đào ở biển đông. Người ta đẽo trổ anh thành hình người, mưa xuống, nước sông Tri dâng lên, cuốn anh mà chảy đi, anh sẽ phiêu bạt, chưa biết ra sao đâu!”.
Nay Tần là nước bốn bề đều có những chỗ hiểm yếu, khác gì miệng cọp, ông mà vô đó thì tôi không biết ông sẽ ra ngả nào!
Mạnh Thường Quân bèn thôi, không qua Tần nữa.
10. THUẦN VU KHÔN VỚI KẺ SĨ
(Thuần Vu Khôn nhất nhật nhi kiến thất sĩ)
Thuần Vu Khôn một ngày mà dắt bảy kẻ sĩ vô yết kiến Tề Tuyên Vương. Tề Tuyên Vương bảo Thuần Vu Khôn:
- Ông lại đây! Quả nhân nghe nói rằngngàn dặm mà có được một kẻ sĩ thì cũng như là kẻ sĩ đứng kề vai nhau rồi; trăm đời mà có được một vị thánh thì cũng như là các vị thánh nối gót nhau rồi. Nay ông chỉ trong một buổi sáng mà dắt bảy kẻ sĩ vô đây, như vậy kẻ sĩ chẳng phải là nhiều ư?
Thuần Vu Khôn đáp:
- Không phải vậy. Loài chim cùng cánh với nhau thì đậu chung với nhau; loài thú cùng chân với nhau thì cùng chạy với nhau. Tìm sài hồ và cát cánh ở nơi đất ẩm thấp ngập nước thì mấy đời cũng không được một cây, nếu tìm ở phía bắc núi Dịch Thử, núi Lương Phủ thì đem xe tới mà chở cũng không hết. Vật nào cũng có đồng loại. Khôn tôi là đồng loại của bậc hiền giả. Nhà vua mà nhờ Khôn tôi cầu kẻ sĩ thì cũng như vốc nước ở sông, lấy lửa ở đồ đánh lửa. Rồi đây Khôn tôi còn gặp nhiều kẻ sĩ nữa, chứ nào chỉ có bảy kẻ sĩ mà thôi.
11. CHÓ ĐUỔI THỎ, NÔNG PHU BẮT ĐƯỢC CẢ HAI
(Tề dục phạt Ngụy)
Tề muốn đánh Ngụy. Thuần Vu Khôn bảo Tề Tuyên Vương:
- Con lư ở nước Hàn là loài chó chạy nhanh trong thiên hạ; con thuân ở Đông Quách là loài thỏ nhanh nhẹn trong hải nội. Con lư nước Hàn đuổi con thỏ Đông Quách, ba lần chạy vòng quanh núi, năm lần leo núi; thỏ phía trước đã khốn đốn mà chó phía sau cũng mệt đừ; cả chó lẫn thỏ đều kiệt sức, đều lăn ra chết. Lão nông phu trông thấy chẳng phí một chút sức mà bắt được cả hai. Nay Tề và Ngụy cầm cự nhau lâu làm cho binh sĩ khốn đốn, dân chúng khổ sở; tôi e rằng nước Tần và nước Sở hùng cường kia đứng ở phía sau sẽ thừa cơ mà thành công như lão nông phu mất.
Vua Tề sợ, lui binh, cho tướng sĩ nghỉ ngơi.
Chiến Quốc Sách Chiến Quốc Sách - Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê Chiến Quốc Sách