Số lần đọc/download: 1965 / 4
Cập nhật: 2016-02-08 22:08:54 +0700
Chương 11
C
hánh nguyên soái An-nam đạo-hành-doanh mã bộ quân đô tổng quản Quách Quì im lặng nhìn phó nguyên soái Triệu Tiết. Tiết quay nhìn phó đô tổng quản Yên Đạt. Đạt nhìn lại hai vị chánh phó soái. Viên tùy tướng ngại ngùng nhắc lại câu nói không biết là lần thứ mấy: - Dạ, bẩm bên Giao Chỉ muốn phái sứ giả sang xin nghị hòa!
Những đuôi mắt soái lặp lại vòng nhìn cũ...
Kể từ lúc đại binh thoát qua đường hẻm Vạn Linh, chín đạo quân Tống ồ ạt dồn về bờ sông Như Nguyệt - Thành Thăng Long chỉ còn 40 dặm tưởng như đã nằm gọn trong tầm tay. Quân tướng Tống tưởng tượng trước cái thú được nghỉ ngơi và tha hồ chiếm đoạt. Thứ gạo hương ở đồng bằng bên kia mới nghĩ đến đã thấy thơm nhức hai cánh mũi. Cửa hoàng thành mở tung đón họ vào cùng với mùa xuân trong tiếng pháo giao thừa giòn giã. Hai hàng voi đeo chuông vàng quì mọp chào mừng dưới chân họ.
Những chiếc khay lớn dát vàng cẩn ngọc trai, sóng sánh ly rượu nồng nàn và bao trùm lên là tiếng lanh canh không dứt của trân châu trên vai, trên tóc, trên xiêm áo các cô nàng cung nữ mỹ miều...
Song hơn một tháng nay họ bị đóng đinh trên bờ Bắc. Sáng bảnh mắt dậy mới qua một đêm, những hạt trân châu long lanh trong giấc mơ khoái lạc của họ đã biến thành hằng hà sa số nấm độc sặc sỡ đủ màu mọc quanh chỗ họ nằm. Những gò mối ở đâu trong lòng đất đùn lên như nấm mồ hoang và hoa rêu xanh lẹt đóng từng chùm trên đồ binh khí. Cái nóng bắt đầu lột trần họ ra như nhộng. Nước nôi ăn uống hóa thành kim chích đau quặn ruột gan. Một tay họ cố xua từng đám mây ruồi vàng dày đặc lăn xả vào thân hình lở loét, tay kia bịt mũi để khỏi phải ngửi mùi nồng nặc bốc lên từ lớp bùn đóng váng trong ruộng lầy. Ngựa chiến trong chuồng bị toác móng chốc chốc lại hí lên thảm thiết.
Nhưng bi đát hơn hết là cái đói. Chín đạo quân cạn lương. Quá nửa số binh tải lương bị rải xác dọc đường từ biên giới đến Lạng Giang. Dân phu Giang Nam, Hồ Nam bị bốc đi như những chùm bông cao lương rụng dần trên đất lạ. Nhiều lính Tống xua ngựa chiến vào rừng, lén lút xả thịt rồi bảo đó là thịt hươu.
Nguyên soái Quách Quì nóng lòng đóng mảng kết bè đánh ba trận thăm dò song đều thất bại. Ông ta đành gửi chút hy vọng cuối cùng vào đạo thủy binh của Dương Tùng Tiên. Theo lệnh ông ta, một nóc vọng lâu cao vót được dựng lên. Từ đấy hướng mắt về biển Đông, quân tuần phòng có thể nhìn thấy bóng thủy binh của Dương Tùng Tiên từ đường sông Bạch Đằng kéo vào Như Nguyệt.
Nhưng tin tức đạo thủy binh càng trông càng bặt tăm cá. Quách Quì đâm lẩn thẩn nhớ lại lời truyền từ xưa về tài thủy chiến của người Giao. Họ thường lặn xuống nước đội thuyền địch lên để lật úp. Có ông Đỗ Mục nào đó còn nói người Việt đi chìm dưới đáy biển năm mươi dặm mà không cần thở. Tuy không tin lắm vào lời ngoa truyền ấy, Quách Quì cũng bắt đầu thấy lo ngại cho số phận đạo thủy binh Tống. Nhưng tên lính tuần phòng mặt nở như hoa chạy vào báo tin vui. Nguyên soái Quách Quì lật đật leo lên nóc vọng lâu, mừng quá suýt rơi giày. Đằng xa, phía chân trời quả có bóng thuyền chiến thuyền Tống đang đi tới. Bất giác Quách Quì nắm chặt tay lại tưởng như đã nắm gọn được cả thành Thăng Long. Song ông ta lại phải xòa tay ra giụi mắt đôi ba lần. Chiến thuyền đi đầu đúng là của quân nhà. Nhưng sao... đi sau là cả đoàn thuyền chiến của địch? Dưới lá cờ Tống sao có nhiều bóng người lơ lửng trên cột buồm? Thuyền đến càng gần, Quách Quì càng nhức mắt. Hỡi ôi! Đúng là thủy binh nhà bị bại rồi. Kẻ địch bắt được thuyền, giong qua mũi ông ta lại còn đem tù binh Tống treo lên cột buồm. Bọn chúng lướt qua vừa chỉ trỏ, vừa quát tháo, chửi mắng om sòm. Nguyên soái vội bịt tai lại, tiu nghỉu bước xuống vọng lâu. Ông ta đâu biết đội thủy binh còm cõi của Dương Tùng Tiên đã nhiều lần bị tướng Lý Kế Nguyên chặn đánh tan tác trên dòng Đông kênh. Điều đáng nực cười là Dương Tùng Tiên quá lo xa, sợ quân Việt một khi bị Quách Quì đuổi rát sẽ trốn xuống phương Nam nên vội cử hai tướng Phàn Thật và Hoàng Tông Khánh cưỡi thuyền vượt biển vào nước Chiêm khuyên vua Chiêm nên đưa quân án ngữ trước các đường quan yếu - Nếu biết được điều này chẳng hiểu Quách nguyên soái ta có cười nổi không?
Thế là giấc mộng Nam chinh của nguyên soái Quách Quì đã hoàn toàn tan vỡ. Thành Thăng Long ở ngay trước mắt mà không có lương ăn, không có thuyền qua. Làm sao chắp cánh để bay sang được? Quách Quì cảm thấy mình đang cơn khát xé họng mà thành Thăng Long chập chờn như một rừng mơ mọng nước trong ảo ảnh hoang đường...
Tâm trạng Quách Quì như đang ngồi trên đống than hồng. Còn nán lại ngày nào trên đất lửa này là còn nướng thêm quân ngày ấy. May thay sứ giả Giao Chỉ xin sang đúng lúc. Vậy mà hai vị phó soái của ông lại điềm nhiên ngồi nhìn. Ông đứng lên trước lúc viên tùy tướng sắp nhắc lại không biết lượt thứ mấy câu nói ban nãy, giọng dõng dạc: - Tình thế ba quân đang quẫn bách - Thân ta làm tướng ra ngoài ải phải biết tùy nghi định liệu. Ngươi hãy cho mở rộng cổng doanh để ta tiếp sứ của Càn Đức.
Lần đầu nguyên soái Quách Quì thấy phó soái Triệu Tiết không cãi cù cưa như mọi lần. Ông ta đâu biết chút hy vọng dùng kế nội gián của Triệu Tiết đã cứng lạnh theo xác Vệ Uông phơi ngoài đầu làng Như Nguyệt.
Trong lúc ấy, quan chiêu thảo Kiều Văn Ung, người được cử làm chánh sứ qua doanh Tống đang lắng nghe từng tiếng những lời dặn dò cuối cùng của Thái Úy Lý Thường Kiệt.
- Quan chiêu thảo đi sứ lúc này là đúng thời cơ đấy. Song muốn cho Quách Quì thuận đình chiến lui quân về nước thì ta phải mở đường cho y.
- Thưa Thái Úy, như vậy là ta chịu qui hàng nhận phần bại trận ư? - Kiều Văn Ung rụt rè hỏi.
- Quách Quì rút đại binh về là họ chịu bại rồi. Trong cuộc chiến này, nhà Tống tốn bao nhiêu của, chết bao nhiêu quân để gặt hái được gì nào? Họ chỉ mong được một chữ thắng thôi. Song ta cần quái gì thứ phù tự phù danh ấy? Họ được tiếng thắng mà bên trong rõ ràng họ bại. Ta chịu tiếng thua nhưng thực sự ta thắng. Vì vậy ta phải giữ thể diện cho họ. Họ nước lớn, ta nước nhỏ. Họ cầu hư danh, ta cầu sự sinh tồn của dân tộc.
Thái Úy trầm ngâm đặt cốc rượu xuống bàn rồi đột nhiên nhìn vào mắt Kiều Văn Ung: - Quan chiêu thảo có biết lòng lão phu mơ ước gì không? - Kiều Văn Ung đang ngập ngừng định nói thì ông đã tiếp lời - Lão phu hằng mong làm sao bên cạnh ta có một người bạn chứ không phải một kẻ thù...
- Trời ơi! - Kiều Văn Ung không giấu được sửng sốt - Họ cứ muốn xâm lấn ta thì làm sao họ thành bạn ta được?
- Nếu ta biết làm cho họ thấy chán ngán vì xâm chiếm và mệt mỏi vì cừu thù, thì lúc ấy họ sẽ chịu sống yên lành với ta. Đó là kế lo cho trăm đời về sau đấy. Vì vậy trước mắt ta phải biết chịu nhún nhường đẻ Quách Quì rút quân về nước. Rồi mọi việc khác sẽ dần dà rút theo chân quân Tống.
Thái Úy đứng lên rút trong tập văn án mật ra một phong thư trao cho Kiều Văn Ung: - Đây là bức cẩm nang ta giúp Quách Quì rút lui không đỏ mặt và để y có đường ăn nói với vua Tống - Ông liếc mắt nhìn về phía bên kia sông - Hình như cờ Tống đã vẫy mừng đón sứ. Ta tin ở tài biện thuyết của quan Chiêu thảo!
Kiều Văn Ung và lão tướng Trần Nậm, hai người thợ cả xây lũy Như Nguyệt, ngồi thuyền sứ sang sông. Nguyên soái Quách Quì đón họ vào hổ trướn, gươm giáo chói lòa. Cuộc thương nghị tuy không khí bên ngoài đượm vẻ sát phạt nhưng lúc vào đề lại xuôi chiều mát mái.
Nguyên soái Quách Quì ngồi chồm tới hếch miệng lên như uống từng lời nói của quan chiêu thảo Kiều Văn Ung: - Nếu nguyên soái rút đại binh về, lập tức chúa nước tôi sẽ sai sứ sang tạ tội, chịu nhường phần đất bị Tống chiếm và trở lại tu cống như xưa.
Phó nguyên soái Triệu Tiết bỗng cười gằn: - Đâu có dễ dàng như vậy! Các người vô cớ dám phạm tới đất Trời, giết hại bao dân lành của nước Thiên tử. Nay quan quân triều đình vào trong cõi, thế bức, chúa các người mới chịu qui hàng. Đâu chỉ nhờ một vài lời trong biểu mà xóa tội được.
Lão tướng Trần Nậm vụt đứng dậy, tròn mắt xừng râu: - Về! Ta về thôi? Họ đã giết tướng ta, thu đất ta, thế còn chưa đủ sao? Được cứ để họ ở đây. Dăm ba ngày nữa, ta sẽ kéo quân sang nhổ sạch rễ cái đám cỏ hôi này!
Quách Quì vội đưa tay cản: - Khoan! Đó là lời của phó soái. Bản chức là chánh soái mới có quyền định đoạt trong việc này - Ông ta nhìn Kiều Văn Ung với cặp mắt khẩn khoản kêu xin sự thông cảm - Quanh Chánh sứ chắc cũng thấy trong lời nói của phó soái ta có phần nào đúng chứ? Chính vì tại chúa các ông đánh Tống trước nên mới gây ra vụ can qua này...
- Không đúng! Chúa tôi không hề có ý đánh Tống! - Kiều Văn Ung quả quyết nói.
- Thế ai có ý muốn đánh Tống? - Quách Quì hỏi dồn.
- Chính người Tống muốn chúng tôi đánh Tống.
Kiều Văn Ung lặng lẽ rút lá thư của Từ Bá Tường ra trao cho Quách Quì. Nguyên soái cứng họng nhưng trong bụng thì vui như mở cờ. Còn phó nguyên soái Triệu Tiết đỏ bừng mặt lên rồi tái nhợt đi như người lên cơn sốt.
Trong cuộc hội tướng, Quách Quì khẳng khái công bố: - Ta không đạp đổ được sào huyệt giặc, bắt được Càn Đức để báo mệnh triều đình, đó là tại trời! Thôi, ta đánh liều một thân ta chịu tội với Thiên tử để mong cứu sống hơn 10 vạn nhân mạng.
Nhưng khi đại binh lếch thếch kéo về đến Biện Kinh, Quách Quì điểm lại quân số chỉ thấy còn sống sót trên 2 vạn người. Dân phu chết hơn 10 vạn. Tiền phí tổn cả thảy mất trên 5 triệu lạng vàng.
Và ngày 25 tháng 2 năm Đinh Tị ấy, Tể tướng Ngô Sung hí hởn thay mặt quần thần dâng biểu mừng vua Tống "đã dẹp yên An-nam, lấy được đất Quảng Nguyên". Bách quan thừa biết Tống thua đậm vẫn phải bấm bụng lên tiếng tung hô. Vua Tống miệng ngậm bồ hòn nhận lời chúc tụng.