They say love is blind…and marriage is an institution. Well, I’m not ready for an institution for the blind just yet.

Mae West

 
 
 
 
 
Tác giả: Charles Dickens
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Đình Chi
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 59 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 37
ho rằng Chủ nhật là ngày thích hợp nhất để hỏi ý kiến tại Walworth
của ông Wemmick, tôi dành buổi chiều Chủ nhật tiếp theo cho cuộc hành
hương tới Lâu Đài. Khi tới trước các công sự bảo vệ, tôi thấy quốc kỳ Liên
hiệp Anh đang tung bay còn cầu rút được kéo lên; không hề ngã lòng trước
màn thể hiện sự kháng cự đầy thách thức này, tôi rung chuông cửa, và được
Người Già đón vào theo cách hòa bình nhất trên đời.
“Thưa ngài,” ông lão nói, sau khi đã kéo cầu rút lên, “con trai tôi nghĩ
rất có thể ngài sẽ tình cờ ghé thăm, và để lại lời nhắn là nó sẽ sớm quay về
sau cữ đi dạo buổi chiều. Con trai tôi đi dạo rất đều đặn. Con trai tôi luôn đều
đặn trong mọi thứ.”
Tôi gật đầu với ông lão như chính Wemmick hẳn cũng sẽ làm thế, và
chúng tôi cùng đi vào ngồi xuống bên lò sưởi.
“Thưa ngài, ngài đã làm quen với con trai tôi tại văn phòng, tôi đoán
vậy có phải không?” ông già vừa hỏi theo kiểu líu ra líu ríu vừa hơ tay bên
ngọn lửa hừng hực. Tôi gật đầu. “Ái chà! Tôi nghe được rằng con trai tôi là
một tay cừ khôi trong công việc của nó, phải vậy không thưa ngài?” Tôi gật
đầu quả quyết. “Phải rồi; người ta kể với tôi thế mà. Nó làm nghề luật phải
không?” Tôi gật đầu còn chắc chắn hơn. “Điều làm chuyện đó càng đáng
ngạc nhiên hơn với con trai tôi,” ông lão nói, “là nó không hề được dạy dỗ để
làm nghề luật, mà để đóng thùng rượu.”
Tò mò muốn biết ông lão làm thế nào biết được thông tin về danh tiếng
của ông Jaggers, tôi hét lớn cái tên đó với ông cụ. Ông lão càng làm tôi rối
tinh lên thêm bằng cách cười hồ hởi và đáp lại rất vui vẻ, “Không, chắc rồi;
ngài đúng.” Và cho tới tận bây giờ tôi vẫn chịu không hiểu nổi ý ông lão, hay
lúc ấy ông cụ nghĩ tôi đang pha trò gì.
Vì không thể ngồi đó mà gật đầu lia lịa với ông lão mãi được mà không
thử cố gắng lần nữa thu hút sự chú ý của cụ, tôi liền gào toáng lên hỏi liệu có
phải ông lão cũng từng làm nghề đóng thùng rượu hay không. Bằng cách
nhắc đi nhắc lại cái nghề đó vài lần, đồng thời vỗ vỗ lên ngực ông lão để liên
hệ nó với ông cụ, cuối cùng tôi cũng thành công trong việc làm cho ý của
mình được hiểu.
“Không,” ông lão nói, “bốc xếp kho, bốc xếp kho. Đầu tiên là ở trên
kia,” ông lão có vẻ muốn chỉ lên ống khói, nhưng tôi tin ông muốn nói với tôi
về Liverpool, “rồi sau đó ở khu City ngay London đây. Thế nhưng, vì tôi bị
khuyết tật - vì tôi bị nặng tai, thưa ngài…”
Tôi thể hiện sự kinh ngạc tột bậc bằng các động tác kịch câm.
“… Phải phải, nặng tai; khi tình trạng khuyết tật đó ập xuống tôi, con
trai tôi đi vào ngành luật, và nó chăm lo cho tôi, rồi dần dần từng tí từng tí
một gây dựng nên cơ ngơi lịch sử đẹp đẽ này. Nhưng hãy quay lại chuyện
ngài vừa nói, ngài biết đấy,” ông lão nói tiếp, một lần nữa lại hào hứng bật
cười, “điều tôi muốn nói là, Không, chắc chắn rồi, ngài đúng.”
Tôi đang khiêm tốn tự hỏi liệu sự khéo léo tột bậc của mình có thể cho
phép tôi nói ra điều gì đó làm ông lão thích thú dù chỉ bằng một nửa sự hào
hứng tưởng tượng này hay không thì giật mình bởi một tiếng cạch đột ngột
vang lên trên tường ở một bên lò sưởi, đồng thời một cánh cửa gỗ nhỏ có ghi
từ “JOHN” trên đó mở lật xuống như có bóng ma. Ông lão nhìn theo ánh mắt
tôi và phấn khởi reo lên, “Con trai tôi về rồi!” và cả hai chúng tôi cùng đi ra
cầu rút.
Quả là đáng tiền khi được thấy Wemmick vẫy tay chào tôi từ bên kia
con hào trong khi chúng tôi có thể bắt tay nhau qua nó một cách hết sức dễ
dàng. Người Già phấn khởi vận hành cây cầu rút đến mức tôi không định ngỏ
lời giúp đỡ ông cụ mà chỉ đứng im cho đến khi Wemmick đã đi qua và giới
thiệu tôi với cô Skiffins: người phụ nữ đi cùng với ông ta.
Cô Skiffins có vẻ ngoài như tạc bằng gỗ, và cũng giống người bạn
đồng hành của mình, thuộc về ngành bưu vụ. Cô có vẻ trẻ hơn Wemmick
chừng hai hay ba tuổi, và tôi đoán là cô cũng sở hữu tài sản có thể mang theo
người. Cách cắt may từ eo trở lên của chiếc áo người phụ nữ đang mặc, cả
đằng trước lẫn đằng sau, làm thân hình cô trông giống hệt như cái diều của
một cậu bé; và tôi có thể nói chiếc váy của cô có phần hơi thái quá trong sắc
cam của nó, và đôi găng tay cô đi có màu lục hơi quá đậm. Nhưng người phụ
nữ dường như là một nhân vật dễ mến, và tỏ ra rất trân trọng Người Già.
Không mất mấy thời gian để tôi khám phá ra cô là một vị khách quen của
Lâu Đài; vì khi chúng tôi đi vào và tôi đang khen ngợi Wemmick về cách
thức thông minh ông nghĩ ra để báo mình đã về với Người Già, ông liền đề
nghị tôi dành một khoảnh khắc chú ý tới phía bên còn lại của lò sưởi, rồi biến
mất. Ngay sau đó một tiếng cạch vang lên, và một cánh cửa nhỏ nữa mở ra
với hai từ “Cô Skiffins” trên đó; sau đó cánh cửa ghi “Cô Skiffins” đóng lại
và cánh cửa “John” mở ra; rồi cả “Cô Skiffins” và “John” cùng mở ra với
nhau, và cuối cùng đồng thời đóng lại. Lúc Wemmick quay lại sau khi điều
khiển những cơ cấu cơ khí này, tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ lớn lao dành cho
chúng, còn ông ta nói, “À, cậu biết đấy, chúng vừa thú vị vừa có ích cho
Người Già. Và có thánh George chứng giám, có một điều cũng đáng nhắc
đến, đó là trong tất cả những người từng đến trước cửa nhà tôi, bí mật về các
lẫy kéo này chỉ có Người Già, cô Skiffins và tôi biết!”
“Và ông Wemmick đã chế tạo ra chúng,” cô Skiffins nói thêm, “bằng
chính hai bàn tay của ông ấy, từ ý tưởng do chính ông ấy nghĩ ra.”
Trong khi cô Skiffins tháo mũ ra (cô vẫn giữ nguyên đôi găng màu lục
trong suốt buổi tối như một dấu hiệu bên ngoài chứng tỏ có khách tới nhà),
Wemmick mời tôi cùng đi dạo một vòng quanh khu tư gia để thấy hòn đảo
này trông ra sao vào mùa đông. Nghĩ rằng ông ta làm thế để cho tôi cơ hội
được biết các cảm nghĩ tại Walworth của mình, tôi liền tranh thủ dịp may
ngay khi chúng tôi ra khỏi Lâu Đài.
Đã cẩn thận ngẫm nghĩ về chuyện này từ trước, tôi tiếp cận chủ đề của
mình như thể chưa từng đả động tới nó trước đây. Tôi cho Wemmick biết
mình đang lo lắng cho Herbert Pocket, và kể với ông ta chúng tôi đã gặp
nhau lần đầu tiên như thế nào, đã đánh nhau ra sao. Tôi nói qua về nhà
Herbert, về tính cách cậu, về chuyện cậu không có nguồn sống nào ngoài
những gì có được nhờ trông chờ vào ông bố; một nguồn sống rất không chắc
chắn và không đều đặn. Tôi bóng gió ám chỉ tới những lợi ích tôi đã nhận
được từ cậu trong giai đoạn đầu còn non nớt thiếu hiểu biết, và thú thực tôi sợ
rằng mình đã báo đáp lại khá tệ, cũng như chuyện rất có thể Herbert đã xoay
xở khá hơn nếu không có tôi và những gia tài trong tương lai của tôi. Cố
không nhắc gì đến cô Havisham, tôi vẫn đề cập tới khả năng mình đã cạnh
tranh vận hội với cậu, cũng như khẳng định chắc chắn việc cậu có một tâm
hồn cao thượng, vượt xa bên trên bất cứ nghi ngờ, thù oán hay mưu mô nhỏ
mọn. Vì tất cả những lý do kể trên (tôi nói với Wemmick), và cũng vì cậu là
người bạn đồng hành thân thiết của tôi, cũng như vì tôi rất quý Herbert, tôi
mong vận may của mình đem đến ít nhiều may mắn cho cậu, và chính vì thế
tôi tìm kiếm lời khuyên từ kinh nghiệm và hiểu biết về con người và chuyện
làm ăn của Wemmick về cách tốt nhất tôi có thể thử dùng những gì mình có
để giúp Herbert một nguồn thu nhập tức thời - chẳng hạn như 100 bảng một
năm, để giúp cậu phấn chấn nuôi hy vọng - và dần dần mua cho cậu một cổ
phần nho nhỏ nào đó. Nói tóm lại, tôi cầu khẩn Wemmick hãy hiểu sự giúp
đỡ của tôi luôn phải được cung cấp mà không để Herbert biết hay nghi ngờ,
và tôi không còn ai khác trên thế gian này để tìm kiếm lời khuyên. Cuối cùng,
tôi đặt tay lên vai ông và nói, “Tôi không thể không bày tỏ với ông, cho dù
tôi biết việc này chắc chắn rất phiền hà cho ông; nhưng đó là lỗi của ông vì
đã dẫn tôi đến đây.”
Wemmick im lặng một lát, rồi nói với vẻ bắt đầu, “Thế này nhé, cậu
Pip, cậu biết đấy, tôi phải nói với cậu một điều. Cậu đúng là người quá tốt.”
“Hãy nói ông sẽ giúp tôi được làm điều tốt đi,” tôi nói.
“Rất tiếc,” Wemmick lắc đầu đáp, “đó không phải nghề của tôi.”
“Đây cũng không phải nơi làm việc của ông,” tôi nói.
“Cậu nói đúng,” ông đáp lại. “Nói rất trúng đích. Cậu Pip, tôi sẽ thử
nghĩ xem sao, và tôi cho rằng tất cả những thứ cậu muốn đều ít nhiều có thể
làm được. Skiffins (đó là anh trai cô ấy) là một kế toán và người đại diện. Tôi
sẽ gặp cậu ấy và tìm cách giúp cho cậu.”
“Xin cảm ơn ông vô cùng.”
“Ngược lại,” ông Wemmick nói, “tôi cảm ơn cậu, vì cho dù chúng ta
đang hoàn toàn nói chuyện riêng tư trong tư cách cá nhân, có lẽ phải nói nó
đã làm đầu óc tôi thanh thản, không còn bị Newgate ám ảnh nữa.”
Sau khi trò chuyện thêm một lúc nữa với tinh thần tương tự, chúng tôi
trở vào Lâu Đài và bắt gặp cô Skiffins đang pha trà. Nhiệm vụ nướng bánh
mì đầy trách nhiệm được giao phó lại cho Người Già, và ông lão đáng mến
chăm chú vào nó đến mức dường như với tôi ông cụ ít nhiều đang có nguy cơ
khiến đôi mắt mình tan chảy. Điều chúng tôi sắp thực hiện không phải một
bữa ăn trên danh nghĩa mà là một thực tế sống động. Người Già chuẩn bị một
đống lớn bánh mì nướng phết bơ, cao đến mức tôi hầu như không thể nhìn
thấy ông cụ đằng sau đống bánh trong lúc chúng đang được nướng dần trên
một giá sắt treo vào thanh đỡ cao nhất trong lò; trong khi đó, cô Skiffins hãm
một bình trà thật to, đến mức con lợn nhốt sau nhà trở nên cực kỳ phấn khích,
không ngớt bày tỏ mong ước được tham dự vào cuộc vui.
Lá cờ đã được kéo lên, khẩu súng đã được bắn vào đúng thời điểm, và
tôi cảm thấy bị tách rời khỏi phần còn lại của Walworth cũng triệt để như thể
con hào quanh nhà phải rộng đến ba mươi foot và sâu cũng từng ấy. Không
có điều gì quấy rầy sự bình lặng tại Lâu Đài, ngoài những lần thỉnh thoảng
bật mở ra của hai cánh cửa John và Cô Skiffins: hai cánh cửa nhỏ này là nạn
nhân của một khiếm khuyết nào đó cứ thỉnh thoảng lại xảy ra, làm tôi mất
thoải mái một cách đầy thông cảm cho tới khi đã quen với chuyện này. Từ
cách bày biện sắp xếp chỉn chu ngăn nắp của cô Skiffins, tôi đoán cô vẫn hay
pha trà vào mọi tối Chủ nhật; và tôi cũng dám ngờ rằng đồ cài áo cổ điển
người phụ nữ đang mang trên người, thể hiện hình nhìn nghiêng của một
người đàn bà không đáng ao ước chút nào với cái mũi rất thẳng và một vầng
trăng đầu tháng, chính là một món tài sản có thể mang theo người mà
Wemmick đã tặng cho cô.
Chúng tôi ăn hết chỗ bánh mì nướng, uống hết trà, và thật vui được
thấy tất cả chúng tôi đều ấm áp, bóng nhẫy sau bữa tối. Đặc biệt là Người
Già, bóng như bôi dầu, có thể tưởng nhầm ông cụ là vị thủ lĩnh già của một
bộ lạc man di nào đó. Sau một lát ngồi nghỉ, cô Skiffins - vì sự vắng mặt của
cô hầu gái bé nhỏ, cô này có vẻ luôn quay về với gia đình vào các buổi chiều
Chủ nhật - đứng dậy đi rửa bộ đồ trà với phong thái yểu điệu vụng về không
làm bất cứ ai trong chúng tôi phiền lòng. Sau đó, cô lại đi đôi găng tay vào,
chúng tôi cùng tới ngồi quanh lò sưởi, và Wemmick nói, “Bây giờ, Bố Già,
đọc báo cho chúng con nào.”
Wemmick giải thích với tôi trong khi Người Già đeo kính lên rằng đây
là một thông lệ, và việc được đọc thành tiếng các tin tức khiến ông cụ vô
cùng hài lòng. “Tôi sẽ không đưa ra một lời xin lỗi,” Wemmick nói, “vì ông
ấy không thể có được nhiều niềm vui cho lắm - bố làm được chứ, Bố Già?”
“Được rồi, John, được rồi!” ông lão đáp khi nhận ra con trai đang nói
với mình.
“Chỉ cần thỉnh thoảng gật đầu khi ông cụ ngước nhìn lên khỏi tờ báo
thôi,” Wemmick nói, “bố tôi sẽ hạnh phúc như một ông vua vậy. Tất cả mọi
người đang chú ý đây, Bố Già.”
“Được rồi, John, được rồi!” ông lão hân hoan đáp lại, thật bận rộn và
vui vẻ, một cảnh tượng thật sự thú vị.
Cảnh Người Già đọc báo làm tôi nhớ lại những buổi học tại nhà bà cô
ông Wopsle, với cảm giác thích thú đặc biệt như thể tôi đang nhìn trộm qua
lỗ khóa vậy. Vì ông lão muốn để nến sát bên mình, và vì ông luôn ở trong
tình trạng sắp sửa không chạm đầu mình thì cũng gí tờ báo vào lửa, người
đọc báo cũng cần được cẩn thận trông coi chẳng khác gì một xưởng thuốc
súng. Nhưng Wemmick vẫn không biết mệt mỏi và rất dịu dàng mà trông
chừng, vậy là Người Già cứ thế đọc tiếp, không hề biết vô số lần được con
trai cứu nguy. Bất cứ lúc nào ông lão nhìn chúng tôi, tất cả chúng tôi đều thể
hiện sự quan tâm và kinh ngạc tột độ, và gật đầu cho tới khi cụ tiếp tục.
Vì Wemmick và cô Skiffins ngồi cạnh nhau, còn tôi ngồi trong một
góc tối, tôi quan sát thấy miệng ông Wemmick chậm rãi dãn dần ra, cho thấy
rõ ràng ông này đang chậm rãi dần dần luồn cánh tay vòng quanh eo cô
Skiffins. Sau một hồi, tôi thấy bàn tay ông xuất hiện ở phía bên kia người cô
Skiffins; song đúng vào khoảnh khắc đó, cô Skiffins dứt khoát chặn ông này
lại bằng chiếc găng tay màu lục, gỡ tay ông chủ nhà ra như thể đó là một món
trang phục, rồi vô cùng thận trọng đặt nó xuống mặt bàn phía trước cô. Vẻ
điềm tĩnh của cô Skiffins trong khi làm việc này là một trong những cảnh
đáng chú ý nhất tôi từng nhìn thấy, và nếu có thể nghĩ hành động này đi liền
với sự đãng trí, chắc hẳn tôi đã cho rằng cô Skiffins thực hiện nó một cách vô
thức.
Dần dần, tôi để ý thấy cánh tay Wemmick lại bắt đầu biến mất, và dần
dà tan biến khỏi tầm nhìn. Không lâu sau, miệng ông ta lại bắt đầu dãn rộng
ra. Sau một quãng hồi hộp mà về phía tôi có thể nói là căng thẳng tới mức
gần đau đớn, tôi thấy bàn tay Wemmick xuất hiện bên phía kia người cô
Skiffins. Ngay lập tức, cô Skiffins chặn nó lại với sự dứt khoát của một võ sĩ
quyền Anh điềm tĩnh, gỡ bỏ nó ra như một vành đai hay một sợi thắt lưng rồi
đặt nó xuống bàn. Coi cái bàn làm đại diện của con đường đức hạnh, tôi hoàn
toàn có lý khi nói rằng trong quãng thời gian Người Già đọc báo, cánh tay
Wemmick đã liên tục chệch bước khỏi con đường đức hạnh đó rồi lại được
cô Skiffins đưa về đúng chỗ.
Cuối cùng, Người Già cũng đọc say sưa đến độ hơi gật gà ngủ. Đây là
lúc để Wemmick mang ra một cái ấm nhỏ, một khay đựng ly, và một cái chai
màu đen đậy nút bần có bọc nắp sứ, trên nhãn có hình một chức sắc nhà thờ
với khuôn mặt đỏ ửng niềm nở đầy xã giao. Nhờ sự giúp đỡ của mấy thứ này,
tất cả chúng tôi đều có chút đồ uống cho ấm người, kể cả Người Già, ông lão
đã nhanh chóng tỉnh lại. Cô Skiffins pha đồ uống, và tôi thấy cô cùng
Wemmick uống chung một ly. Tất nhiên tôi biết không nên ngỏ lời đưa cô
Skiffins về nhà, và trong hoàn cảnh khi ấy tôi nghĩ tốt nhất mình nên về đầu
tiên; tôi làm đúng như thế, niềm nở chào tạm biệt Người Già và trải qua một
buổi tối vui vẻ.
Chưa hết một tuần thì tôi nhận được một lá thư của Wemmick gửi từ
Walworth tới, cho hay ông ta hy vọng đã đạt được ít nhiều tiến triển trong
vấn đề được chúng tôi trao đổi riêng tư trên tư cách cá nhân, và ông ta rất vui
nếu tôi có thể lại tới gặp ông ta để bàn về chuyện đó. Thế là tôi lên đường trở
lại Walworth, và rồi lại quay lại một lần, rồi lần nữa, đồng thời còn gặp ông
ta trong các cuộc hẹn ở khu City vài lần, nhưng không bao giờ đả động gì về
chủ đề này với ông ta tại hay gần Little Britain. Kết quả là chúng tôi tìm được
một người trẻ tuổi đáng tin cậy, là thương gia hay người kinh doanh bảo hiểm
tàu biển, mới bước vào làm ăn chưa lâu và đang cần những bộ óc thông minh
trợ giúp, muốn có thêm vốn, và theo thời gian cũng như hiệu quả kinh doanh
rồi sẽ muốn có một đối tác. Anh này và tôi đã ký những điều khoản thỏa
thuận bí mật mà Herbert chính là đối tượng, và tôi trả cho anh ta một nửa
khoản tiền 500 bảng tôi nhận được, đồng thời cam kết chịu các khoản chi phí
khác: một số sẽ phải thanh toán vào thời điểm cụ thể từ nguồn thu nhập của
tôi; một số khác, tùy thuộc vào chuyện tôi được nắm giữ tài sản của mình.
Anh trai cô Skiffins thực hiện cuộc thương thuyết. Wemmick là nguồn cảm
hứng cho cả quá trình, song không bao giờ trực tiếp xuất hiện.
Tất cả được thu xếp rất khéo léo, vì thế Herbert không hề có chút nghi
ngờ nào về chuyện tôi nhúng tay vào. Tôi sẽ không bao giờ quên được khuôn
mặt rạng rỡ của cậu khi trở về nhà vào một buổi chiều, rồi kể với tôi, như một
tin tức kinh thiên động địa, về việc cậu đã tình cờ gặp một người tên là
Clarriker (chính là vị doanh nhân trẻ kia), rồi chuyện Clarriker đã tỏ ra cực kỳ
có thiện cảm với cậu, và cuối cùng là niềm tin của Herbert rằng cơ hội cuối
cùng đã hiện ra. Ngày qua ngày, khi hy vọng của cậu lớn dần lên, khuôn mặt
rạng rỡ hơn, Herbert hẳn đã nghĩ về tôi như một người bạn ngày một thêm
thân thiết, vì tôi đã phải cực kỳ khó khăn kìm những giọt nước mắt đắc thắng
khi thấy cậu hạnh phúc đến thế. Cuối cùng, khi chuyện làm ăn được thu xếp
xong, và ngày hôm ấy Herbert bước chân vào Hãng Clarriker, rồi dành trọn
buổi tối trò chuyện với tôi trong tâm trạng tràn ngập hào hứng và thành công,
tôi đã thực sự khóc khi lên giường ngủ, khi nghĩ rằng những triển vọng của
tôi đã làm được điều tốt cho ai đó.
Một sự kiện lớn lao trong đời tôi, ngã rẽ của đời tôi, giờ đây sắp mở ra
trước mắt tôi. Nhưng trước khi kể về nó, trước khi tôi chuyển sang tất cả
những thay đổi nó tạo ra, tôi cần phải dành một chương cho Estella. Cũng
không phải là quá nhiều cho chủ đề đã bấy lâu chất chứa trong tim tôi.
Great Expectations (Tiếng Việt) Great Expectations (Tiếng Việt) - Charles Dickens Great Expectations (Tiếng Việt)