Có tiền và có những thứ tiền có thể mua được là điều tốt, tuy nhiên, đôi khi cũng nên xem lại và đảm bảo rằng mình không mất những thứ mà tiền không mua được.

George Horace Lorimer

 
 
 
 
 
Tác giả: Athur Hailey
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: “The Money Changers”
Dịch giả: Vũ Đình Phòng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 58 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 266 / 9
Cập nhật: 2020-06-28 13:34:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ếu như bài phỏng vấn kia được đăng không phải trên báo New York Times, thì anh sẽ bị đóng đinh lên cây thập tự như đấng Cứu thế vậy! - Lewis d’Orsey kêu lên. - Nếu anh nói vẫn những điều như thế nhưng lại đăng trên một tờ báo khác, thì Hội đồng quản trị chỗ anh sẽ tống cổ anh ra khỏi cửa như tống cổ một tên cùng khổ. Báo Times khoác lên lời lẽ của anh một tấm áo đáng kính, và chính tôi đang tự hỏi tại sao họ lại đăng của anh như vậy.
- Lewis! Anh có ngừng ba hoa một lúc để uống ly rượu vang kia không đấy? - Edwina nói.
- Anh không ba hoa...
Hôm nay trông Lewis hình như gầy gò ốm yếu hơn mọi khi. Ông nói tiếp:
- Anh chỉ nêu quan điểm của anh đối với tờ New York Times. Anh cho rằng nó được người ta đánh giá cao một cách không xứng đáng. Tờ báo đó chính là biểu tượng cho sự ngu xuẩn Hoa Kỳ.
- Anh ghét nó vì số lượng in của nó gấp nhiều lần số lượng in tờ Thư báo của anh chứ gì? - Margot nói.
Alex và Margot đang ăn tối ở nhà vợ chồng d’Orsey. Ánh sáng các ngọn nến chiếu xuống những ly pha lê và dao mạ bằng bạc. Cửa sổ mở rộng đón những ánh đèn ngoài phố. Bên dưới, dòng sông tạo thành một vệt đen ngăn đôi hai phần rực sáng của thành phố. Từ hôm bài phỏng vấn Alex Vandervoort được đăng đã một tuần trôi qua.
Lewis xiên miếng thịt bò rồi dè bỉu trả lời Margot:
- Tờ Thư báo của tôi ra hai tuần một kỳ là thể hiện chất lượng cao và tầm trí thức vượt trội. Các báo hàng ngày, kể cả tờ Times đều ở tầm rất thấp.
- Anh cứ công kích cả hai vị khách là thế nào nhỉ? Có thôi cái trò ấy đi không? - Edwina nói rồi quay sang Alex:
- Nguyên trong tuần vừa rồi, hàng chục khách hàng nói với tôi rằng họ đã đọc những câu anh trả lời báo Times. Họ rất thán phục anh là đã nói thẳng. Thế còn thái độ của các sếp ở Toà Tháp thì thế nào?
- Tán thành.
- Tôi biết ít nhất cũng có một người không tán thành.
- Chị nói đúng, - Alex cười. - Roscoe không cầm đầu đám người reo hò hoan nghênh tôi.
Vài ngày nay, thái độ Roscoe Heyward cau có hẳn lên. Alex đoán ông ta tự ái không phải chỉ vì chiến dịch quảng cáo không đề cao tên tuổi ông ta, mà còn vì số tài khoản tiết kiệm tăng rất nhanh và các "cửa hàng tiền tệ” rất được dân chúng hoan nghênh. Hai đề án mà Roscoe đã bỏ phiếu chống.
Còn một điều nữa làm Roscoe Heyward không vui đó là những tiên đoán của Heyward và đám thân cận ông ta về khoản mười tám triệu đô la của các quỹ tiết kiệm và tín dụng gửi vào Ngân hàng Thương mại số Một đã không thành hiện thực.
Edwina nói:
- Trừ Roscoe, những người khác nói chung đều ủng hộ anh, tôi nghe đồn như thế, Alex.
- Rất có thể đấy chỉ là sự thán phục trong chốc lát, sẽ chóng tàn.
- Sẽ lâu dài thì có! - Margot nói.- Em thấy lúc nãy anh Lewis nhìn cuộc đời hơi đen tối đấy.
Alex cười. Trong tuần qua ông được động viên qua lời khen ngợi của những người ông quý mến, như Tom Straughan, Orville Young, Dich French và Edwina, cũng như một loạt người khác trong đó có các nhân viên trẻ mà nhiều người Alex còn chưa biết tên.
Một số thành viên của Hội đồng quản trị cũng gọi điện cho ông. Họ nói:
- Đấy là những câu trả lời nâng uy tín cho nhà băng chúng ta.- Câu của Leonard Kingswood.
Đôi khi Alex đi trong Toà Tháp cao ốc mà cảm thấy mình giống như kẻ chiến thắng trở về: các nhân viên và thư ký tươi cười niềm nở chào ông.
Lewis d’Orsey nói:
- Alex, nhân nói về nhân lực trong nhà băng, tôi sực nhớ là nhà băng đang thiếu một người cần thiết phải đặt ngồi trong đại bản doanh... Đấy là Edwina. Đã đến lúc cô ấy cần được thăng chức. Các anh làm chuyện đó càng muộn bao nhiêu nhà băng càng thiệt thòi bấy nhiêu.
- Lewis? Anh nói thế mà không xấu hổ à? - Edwina kêu lên.
Dưới làn ánh sáng lờ mờ của những ngọn nến, mọi người vẫn thấy mặt Edwina đỏ bừng. Bà nói thêm:
- Chúng ta ngồi đây là những người thân tình, cho nên loại ý kiến như của anh là không hợp thời tý nào. Alex, tôi xin lỗi hộ Lewis nhé.
Vẫn hoàn toàn bình thản, Lewis ngước mắt lên trên đôi mắt kính hình bán nguyệt, nói:
- Em xin lỗi, đấy là chuyện của em! Còn anh thì chẳng xin lỗi đâu. Anh biết rõ khả năng của em hơn ai hết. Hơn nữa anh có thói quen thích vạch ra những điều người khác chưa nhìn thấy.
Margot reo lên:
- Hoan hô anh Lewis lần nữa? Alex, anh thấy sao? Bao giờ các anh mới chịu triệu chị Edwina của em, lên ngồi một cái ghế nào đó trong cơ quan lãnh đạo nhà băng ở Toà Tháp cao ốc?
Edwina giận dữ thét lên:
- Cô có im đi không, Margot? Cô đẩy tôi vào thế kẹt đấy.
Alex nói:
- Không phải đâu, chị Edwina. - Ông nhấp một chút rượu rồi nói tiếp: - Chà, rượu Bourgogne năm 62 không kém gì năm 61 đúng không nhỉ?
- Đúng. - Lewis nói. - Tôi may mắn mua được rất nhiều chai của cả hai năm đó.
- Chị Edwina ạ, đúng là bốn chúng ta đều là thân thiết với nhau, cho nên có thể nói thẳng, không phải e ngại gì. - Alex nói, - Quả thật đã nhiều lúc tôi nghĩ đến chuyện đề bạt chị. Tôi rất muốn giao cho chị một trọng trách nào đó. Nhưng phải là khi nào tôi có quyền quyết định kia. Chị biết rồi đấy, mọi thứ còn phải chờ kết quả bỏ phiếu của Hội đồng sau đây vài tháng.
- Tất nhiên rồi. - Edwina nói.
Từ ngày Ben Rosselli qua đời, thậm chí trước đó nữa, Edwina đã hiểu rằng việc Alex lên chức Tổng giám đốc sẽ tạo điều kiện cho bà tiến lên trên đường sự nghiệp.
Nhưng nếu Roscoe Heyward lên chức đó thì bà không thể hy vọng thăng thêm một cấp nào nữa.
Alex Vandervoort nói:
- Tôi còn muốn cho Edwina ngồi vào ghế thành viên Hội đồng điều hành ấy chứ.
- Ít nhất thì đấy cũng là một câu nói? - Margot reo lên. - Một câu nói giá trị là một bước tiến trên con đường giải phóng phụ nữ.
Edwina lạnh lùng phản đối:
- Đừng! Đừng gắn tôi vào cái phong trào đó. Tất cả những thành công của tôi cho đến ngày hôm nay đều do tự tôi. Tôi đã đàng hoàng đọ sức với nam giới. Cái phong trào gọi là "giải phóng phụ nữ" kia chỉ là một thứ giả tạo. Nó đẩy phụ nữ lên chỉ với lý do họ là phụ nữ. Nó không tạo nên sự bình đắng nam nữ mà còn làm tổn hại cho sự bình đẳng ấy.
- Chị nói không đúng! - Margot bực tức bác bỏ.- Chị có thể nói như thế vì chị là người có tài năng đặc biệt và chị cũng gặp may nữa.
Đây không phải chuyện may rủi. Tôi đã làm việc cật lực.
- Chị bảo không do gặp may ư?
- Có nhưng không đáng kể.
- Vai trò may rủi ở đây đóng vai trò quan trọng bởi chị là nữ. Theo như chúng ta đều biết thì ngày trước nghề chuyên gia ngân hàng chỉ dành cho nam giới và cũng phải nói thêm rằng tình trạng đó không hề có nguyên nhân nào đáng viện ra. Nguyên nhân về vốn sống chăng? Không phải. Trường hợp này, nguyên nhân vốn sống chỉ là do nam giới thổi phồng lên để gạt nữ giới ra ngoài. Trong nhà băng, có công việc nào đó đòi hỏi phải có thân thể cường tráng, có chất nam giới đâu? Nghề nhà băng chỉ cần bộ óc thông minh, là thứ mà đôi khi nữ giới có nhiều hơn nam giới. Mọi công việc đều tiến hành trên giấy tờ, trong đầu óc và trong các cuộc bàn bạc. Lao động chân tay duy nhất trong nhà băng chỉ là chuyển những bao tiền từ kho bạc lên xe tải bọc thép và chuyển ngược lại, mà việc đó thì chắc chắn phụ nữ cũng làm được.
Edwina nói:
- Tôi không phản đối, nhưng cô lạc hậu rồi đấy, Margot. Những phụ nữ như tôi đã vượt khỏi cái sự "chỉ đàn ông làm được" ấy. Cái sự "chỉ đàn ông” ấy ngày nay lỗi thời rồi. Không ai cần đến phong trào "giải phóng phụ nữ" nữa, ít nhất thì tôi, tôi không cần đến nó.
- Kiểu suy nghĩ cho rằng một số ngành hoạt động chỉ dành riêng cho nam giới, chưa phải đã lỗi thời như chị nói đâu.- Margot cãi. - Nếu không thì chị đã ngồi một cái ghế tại Toà Tháp Cao ốc từ lâu rồi.
- Edwina đuối lý rồi! - Lewis cười khúc khích.
Margot kết luận:
- Còn rất nhiều phụ nữ khác cần đến phong trào giải phóng phụ nữ trong ngành ngân hàng. Và sự cần thiết đó còn kéo dài lâu. Ngả người ra lưng ghế, Alex thích thú nghe cuộc tranh luận có Margot tham gia. Ông nói:
- Thú vị thật. Bốn chúng ta ngồi với nhau tha hồ thoải mái trò chuyện, nghĩ gì nói nấy, không phải e dè gì hết.
Lewis tán thành:
- Bản thân tôi cũng nghĩ gì là phát ra. Tôi là người nổ phát súng đầu tiên, gây nên cuộc tranh luận này, vậy xin cho tôi được kết luận: tôi rất mừng thấy Alex dự định như vậy về chuyện sự nghiệp của Edwina.
- Tôi tán thành. Tôi cũng có lời cảm ơn anh đấy, Alex. - Edwina nói. - Nhưng thôi, ta không bàn chuyện này thêm nữa!
Margot chuyển sang chuyện khác. Nàng kể về một vụ án do nàng đứng ra kiện một hãng buôn lớn chuyên gian lận của khách hàng. Khi khách hàng nào phát hiện ra, lãnh đạo hãng buôn bèn xin lỗi, đổ cho là do sơ xuất. Nhưng hầu như tất cả các khách hàng khác đều không phát hiện thấy.
Margot nói:
- Khi họ thấy bản kê các thứ hàng họ mua trong biên lai, họ chỉ nhìn số tiền tổng cộng bên dưới, bởi họ nghĩ máy tính đã cộng thì không thể sai được. Họ hoàn toàn không ngờ rằng máy tính cũng đã được chương trình hoá từ trước để cộng sai, tăng thêm tổng số tiền lên chút ít. Bằng cách gian lận đó, hãng buôn đã ăn cắp hàng chục ngàn đô la và em đã chứng minh trước toà sự gian lận đó.
Margot kể rằng để thu thập chứng cớ, nàng đã sử dụng một thám tử tư, không ngoan và có rất nhiều đầu mối, tên anh ta là Vemon Jax. Và nàng ca ngợi anh ta hết lời.
Lewis nói:
- Tôi có biết anh ta. Anh ta đã tiến hành điều tra cho công ty S.E.C. về một vụ gian lận mà tôi phát hiện cho họ. Vemon Jax là loại người thế này! - Lewis giơ ngón tay cái lên, ý nói viên thám tử tư đó thuộc loại "siêu”.
Ăn xong, mọi người đứng dậy, Lewis mời Alex:
- Anh vào phòng giấy của tôi, ta hút thuốc và nhâm nhi cô-nhắc. Edwina rất ghét mùi khói thuốc.
Hai người đàn ông cáo lui rồi theo thang gác xuống tầng dưới, nơi đặt phòng làm việc của Lewis d’Orsey. Vào đến nơi, Alex đưa mắt nhìn bao quát.
Gian phòng rất rộng, hai bức tường phủ kín những giá đựng sách. Bức tường thứ ba là những ngăn tủ đựng các loại báo và tạp chí. Mặt tường thứ tư mở ra một sân nhỏ lợp kính. Trong phòng có ba bàn giấy, bàn nào cũng chất đầy sách và giấy tờ, chỉ trên một bàn có chiếc máy chữ điện.
Lewis giải thích:
- Khi một bàn bừa bộn quá, không thể làm việc được tôi bèn chạy sang bàn thứ hai và khi bàn thứ hai cũng vậy tôi sang bàn thứ ba. Một cánh cửa mở thông sang phòng đựng hồ sơ lưu trữ đồng thời là nơi nữ thư ký riêng của Lewis ngồi. Ông sang đó và lúc quay vào, cầm hai bình rượu và một chai Courvoisier.
Alex nói:
- Tôi cứ thắc mắc do đâu mà Thư Báo của anh vẫn nhiều người đặt mua?
- Có nhiều loại báo bằng thư như của tôi lắm, nhưng thư báo của tôi được các chuyên gia đánh giá là tốt nhất.
Lewis đưa ly cô-nhắc cho Alex rồi trỏ hộp xì gà, nói:
- Anh dùng đi, Alex. Đây là loại Macanudos, thứ xì gà tốt nhất thế giới, giá rất đắt, nhưng tôi hạ giá chúng bằng cách trốn thuế thu nhập.
- Anh làm thế nào trốn được?
- Anh nhìn cái nhẫn này. Tôi mua loại nhẫn này bằng giá gần như cho không, rồi thay chúng bằng những chiếc nhẫn có khắc dòng chữ tên của tờ thư báo của tôi: The d’Orsey Newsletter. Đấy coi là khoản chi quảng cáo, được tính là khoản chi cho việc hành nghề và tất nhiên không nằm trong thu nhập. Mỗi lần ngồi thả khói điếu xì gà này, tôi lại nghĩ, ông cậu Sam cho không tôi điếu xì gà đó!
Không bình luận gì thêm, Alex nhấc điếu xì gà đưa lên mũi ngửi vẻ thành thạo. Đã từ lâu Alex thôi không phê phán đạo đức việc trốn thuế. Quốc Hội đã tạo thuận lợi cho nó, đến mức không ai còn có thể phê phán những người lợi dụng sơ hở của luật pháp Hoa Kỳ nữa.
- Trở lại câu hỏi của anh ban nãy, tôi xin trả lời rằng. Tôi không giấu mục đích của tôi khi phát hành những bản thư báo kia.
Lewis châm điếu xì gà cho Alex rồi tự châm cho mình, hít một hơi, từ từ nhả khói, nói tiếp:
- Thư báo của tôi giúp người giầu giầu thêm hoặc ít nhất thì cũng giữ được tài sản của họ.
- Tôi hơi nghi ngờ điều đó.
- Đáng buồn là trong nghề của tôi, có rất nhiều thằng bịp và lang băm, chúng làm hại người đứng đắn và hiểu biết như tôi. Nhiều thư báo tự nhận là "tâm sự”, nhưng thực chất chúng nhặt tin trên các báo chí đã xuất bản, chứ không có tý gì của riêng chúng, do đó chúng không có chút giá trị nào hết. Một số báo kiểu thư này lại nhận tiền của các doanh nghiệp và phục vụ cho họ: Trong tất cả các thư báo chỉ có chừng dăm tờ đáng đọc và tờ của tôi là tờ giá trị nhất.
Điều khẳng định của Lewis làm Alex thấy ngán ngẩm. Ông không chịu nổi những quan điểm cực hữu của Lewis. Nhưng ông nghĩ, cũng chẳng đáng quan tâm. Mặt khác, những ý kiến quái đản Lewis đưa ra cũng phần nào giúp ông nhìn một số vấn đề rõ hơn.
- Anh có đặt mua tờ thư báo của tôi đấy chứ?
- Nhà băng có mua.
- Đây là bản in của số ra gần đây nhất. Anh cầm lấy mặc dù sáng Thứ hai này anh vẫn có nó.
- Cảm ơn. - Alex nói rồi đỡ tờ báo.
Báo in thạch bản mầu xanh nhạt gồm bốn trang khổ nhỡ gấp lại làm tư, trông không có gì hào nhoáng. Chữ là chữ đánh máy rồi đem nhân bản. Hình dáng tồi tàn nhưng nội dung đã bù lại được.
Anh làm thế nào mà bao giờ anh cũng nói có lý? Anh có bí quyết gì không? - Alex hỏi.
- Bộ óc tôi làm việc như một cái máy vi tính, chứa đầy các thông tin suốt ba chục năm nay. - Lewis lại hút thuốc rồi nói tiếp: - Mọi thông tin về tài chính dù nhỏ nhất cũng được tôi xếp vào trong cái đầu này. Tôi có thể thực hiện một sự so sánh về bất cứ mặt nào, giữa nơi này và nơi khác, giữa quá khứ và tương lai. Tôi còn có một phẩm chất mà không máy vi tính nào có, đó là một thiên tài bẩm sinh!
- Vậy tại sao anh lại ra tờ báo bằng thư này? Tại sao anh không dùng thiên tài đó vào việc kinh doanh?
- Thì việc này tôi cũng kiếm khá tiền đấy chứ.
- Nếu tôi nhớ không sai thì giá mua dài hạn cả năm là...
- Ba trăm đô la tờ báo ra hai tuần một kỳ của tôi. Hai trăm đô la một giờ trả lời khách đến hỏi ý kiến.
- Số lượng khách mua dài hạn là bao nhiêu?
- Đó là điều bí mật, tôi cần giữ kín.
- Xin lỗi tôi quá tò mò
- Không sao. Nếu ở địa vị anh, tôi cũng tò mò như vậy.
Tối nay Lewis có vẻ thoải mái hơn mọi khi. Ông nói tiếp:
- Thôi được, tôi lộ bí mật ra với anh. Mà tôi cũng chẳng phải xấu hổ. Số khách mua dài hạn của tôi là năm ngàn.
Alex nhẩm tính nhanh và huýt sáo thán phục. Thu nhập hàng năm của Lewis lên đến triệu rưỡi đô la.
Lewis nói:
- Mỗi năm tôi xuất bản một cuốn sách và mỗi tháng tôi tiếp khách hàng đến hỏi ý kiến hai chục lần. Tiền nhuận bút và thù lao bù toàn bộ chi phí. Tờ thư báo ra hai tháng một kỳ cho tôi khoản thu ròng.
- Thật đáng kinh ngạc.
Tuy vậy trong thâm tâm, Alex thấy chuyện đó không đáng ngạc nhiên gì mấy, bởi những người làm theo lời khuyên của Lewis lại thu được gấp hàng trăm lần số tiền họ chi cho ông ta. Bên cạnh đó, tiền đặt mua các tờ thư báo và tiền thù lao những buổi trả lời khách hàng đến gặp và hỏi ý kiến, đều không được Lewis kê vào bản khai thu nhập, do đó ông không phải đóng thuế.
Alex hỏi:
- Anh có phương hướng chung nào để khuyên khách hàng khi họ muốn dùng tiền tiết kiệm của họ để đầu tư không?
- Có chứ! Bản thân anh cũng đã tính toán chán chuyện đó!
- Nhưng nếu người khách kia chưa biết gì hết?
- Thì họ phải học! Học đâu phải chuyện khó đến nỗi không thể làm được. Vả lại làm đồng tiền của mình sinh sôi nẩy nở cũng là một cái khoái chứ. Tất nhiên có thể theo những lời khuyên, nhưng phải theo một cách thận trọng và phải biết lựa chọn những chuyên gia nào để nghe. Chỉ sau một thời gian họ biết ngay được là ai khuyên đúng và ai khuyên sai. Rồi cần phải đọc sách báo, nhất là đọc những thứ như tờ thư báo của tôi, tuy nhiên phải biết tỉnh táo, đừng dựa hoàn toàn vào ai, nhất là bọn cố vấn thị trường chứng khoán. Nghe theo bọn chúng là cách tốt nhất để mất sạch mọi vốn liếng. Nhất là đừng giao phó việc quản lý tiền bạc cho một nhà băng nào đó.
- Anh không thích việc quản lý chăng?
- Chao ôi, Alex! Anh thừa biết là lợi nhuận của phòng quản lý tiền tệ ở nhà băng các anh và các tổ chức tín dụng khác rồi. Khủng khiếp. Người gửi những khoản tiền lớn còn được các anh quan tâm đôi chút, còn khách hàng nhỏ, gửi ít tiền, thì các anh gộp cả lại và trao cho những kẻ kém cỏi quản lý, và tất nhiên họ quản lý rất tồi.
Alex Vandervoort nhăn mặt nhưng không phản đối. Tuy nói hơi quá nhưng điều Lewis nhận xét nhìn chung là chính xác. Hai người lặng lẽ nhấm nháp cô-nhắc và hút xì gà hảo hạng, không ai nói một lời.
Alex lật trang tờ thư báo của Lewis, liếc qua.
Theo thói quen nghề nghiệp, ông chú ý đến một bảng tổng vốn liếng của mỗi người:
PhăngThụy Sĩ 40%
Florin Hà Lan 25%
Mác Đức 20%
Đôla Canada 10%
Silling Áo 5%
Đôla Mỹ 0%
Lewis khuyên độc giả của ông giữ 40 phần trăm tiền dưới hình thức vàng: vàng ròng hoặc tiền vàng, hoặc cổ phần tại các mỏ vàng. Mục cổ phần của doanh nghiệp nào nên bán đi hoặc nên mua vào, Alex đọc lướt thấy một câu ông đặc biệt chú ý:
"Cổ phần Tập đoàn SuNatCo: bán ngay lập tức.”
Alex ngạc nhiên hỏi:
- Lewis! Chỗ này anh nhắc đến Tập đoàn SuNatCo, và anh khuyên bán ngay các cổ phần của họ nếu độc giả hiện đang có. Tại sao vậy? Bao nhiêu năm nay, các lời khuyên của chuyên gia là với cổ phần của tập đoàn siêu quốc gia này nên giữ và mua dài hạn.
Lewi suy nghĩ mốt chút rồi mới nói:
- Tập đoàn này làm tôi lo hộ. Các thông tin do nhiều nguồn khác nhau tôi thu lượm được, những nguồn không hề liên quan đến nhau, rồi những nhận xét vụn vặt rải rác khiến tôi ngầm thấy tập đoàn này vừa bị thua lỗ những khoản rất lớn, nhưng họ giấu rất kỹ. Các bản cán cân thu chi, các bản kết toán định kỳ đều do họ bịa ra. Tôi còn nghe tin là ở Washington, George Quartermain đang vận động chính quyền liên bang Hoa Kỳ hỗ trợ tài chính cho họ. Như thế có nghĩa, tập đoàn SuNatCo đang nguy cấp. Để thận trọng, tôi khuyên các độc giả của tôi nên tháo chạy cho mau.
- Nhưng đây mới là một số tin đồn. Thì doanh nghiệp nào chẳng bị có tiếng đồn là thua lỗ này nọ. Thông tin của anh có chỗ nào anh khẳng định là chính xác không?
- Không. Nhưng trực giác bảo tôi là tập đoàn đó đang xuống dốc, tốt nhất là nếu ai có cổ phần của họ nên bán tháo ngay, càng sớm càng tốt. Bởi nhiều khi tôi tin vào trực giác, vào linh tính của tôi. Mũi tôi khá thính.
Lewis giụi điếu xì gà vào gạt tàn, đặt ly rượu xuống bàn, nói:
- Ta ra với hai chị em họ chứ?
- Đúng thế,- Alex đi theo Lewis nhưng đầu óc vẫn quanh quẩn suy nghĩ về tập đoàn SuNatCo.
Nhà Băng Nhà Băng - Athur Hailey Nhà Băng