Nguyên tác: “The Money Changers”
Số lần đọc/download: 266 / 9
Cập nhật: 2020-06-28 13:34:23 +0700
Chương 2
T
ừ khi Hội đồng quản trị thông qua đề án của ông, Alex Vandervoort không lúc nào bỏ phí thời gian. Trong bốn tháng rưỡi ngày nào ông cũng bàn bạc với một số cán bộ nhà băng, với các cố vấn bên ngoài hoặc với các chủ thầu xây dựng. Công việc tiến hành đêm ngày, cả kỳ nghỉ cuối tuần và ngày lễ, bởi Alex Vandervoort quyết tâm chuẩn bị xong mọi thứ trong mùa hè, để đến giữa mùa thu các chi nhánh mới mở có thể hoạt động.
Tổ chức lại mạng lưới các tài khoản tiết kiệm là việc dễ dàng nhất. Các công trình điều tra nghiên cứu do Alex Vandervoort đề xướng, đã cho phép ông tổ chức bốn hình thức gửi tiền tiết kiệm, và nhìn toàn bộ, có khả năng đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho nhà băng. Còn lại việc tiến hành chiến dịch quảng cáo, phổ biến những điều mới mẻ kia cho đông đảo dân chúng. Bất kể động cơ họ là gì, nhưng phải thừa nhận hãng quảng cáo Austin đã phát huy được tài năng xung quanh chủ đề:
NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI SỐ MỘT
BẢO ĐẢM TRẢ CHO ÔNG (BÀ) TIỀN GỬI TIẾT KIỆM.
Đầu tháng Tám, báo chí đăng hai trang liền về lợi ích của chi tiêu tiết kiệm và về món quà của Ngân hàng Thương mại số Một trao tặng cho những người gửi tiền tiết kiệm. Báo chí còn công bố địa điểm của tám mươi chi nhánh nhà băng trên địa bàn bang và thông báo rằng các chi nhánh đều có tặng phẩm, nước giải khát và những lời "khuyên thần tình" cho bất cứ ai đến mở một tài khoản mới.
Tất nhiên giá trị của quà tặng tuỳ thuộc vào số tiền gửi ban đầu và vào thời hạn mà khách hàng hứa chưa đụng đến số tiền đó, để nó nằm yên không rút đồng nào. Quảng cáo còn được tiến hành qua những mẫu ngắn trên truyền hình và phát thanh, xoay quanh chiến dịch này.
Còn về chín chi nhánh mới mở - các cửa hàng tiền tệ như cách nói của Alex - thì hai chi nhánh đã mở cửa vào tuần lễ cuối cùng của tháng Bẩy, ba chi nhánh vào tuần đầu tháng Tám và bốn chi nhánh khác bắt đầu tiếp khách hàng trước ngày mồng một tháng Chín. Tất cả đều nằm tại các toà nhà thuê, chỉ cần sửa sang đôi chút và trang bị thêm không nhiều là bắt đầu hoạt động được rồi.
Công thức "cửa hàng tiền tệ" được dân chúng chấp nhận ngay, và các chi nhánh mới này thu hút sự chú ý của dân chúng trong vùng. Bộ mặt mới mẻ của chúng có giá trị quảng cáo đến mức bản thân Alex cũng không ngờ. Alex Vandervoort nhìn thấy danh tiếng của ông tăng nhanh như diều, mặc dù ông không hề có dụng ý tạo nên.
Một nữ phóng viên của tờ Times Register được giao nhiệm vụ viết bài về các chi nhánh mới, đã tỷ mẩn lục lại hồ sơ lưu trữ và phát hiện mối liên quan giữa Alex với vụ "bao vây” chi nhánh trung tâm của nhà băng hồi tháng Hai năm trước, đã trao đổi với Tổng biên tập và cả hai đều cho rằng Alex Vandervoort có thể là đề tài cho một bài tường thuật lý thú.
“Khi quý vị độc giả nghĩ đến một nhà kinh doanh ngân hàng hiện đại, xin đừng quan niệm đấy là một ông lớn bệ vệ, trịnh trọng mặc bộ đồ âu phục mầu lam đậm, miệng mím chặt và luôn miệng nói: Không được! Xin quý vị độc giả nên nhìn vào Alex Vandervoort.
Ông Vandervoort, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ, không có dáng vẻ của một chủ nhà băng. Bộ âu phục trên người ông được may theo những kiểu thời trang mới nhất của hiệu Esquire. Mỗi khi ai xin mở tài khoản, dù số tiền hết sức nhỏ, ông đều trả lời "Vâng", trừ một vài ngoại lệ hãn hữu. Vandenvoort tin vào sự để dành, sự tiết kiệm trong chi tiêu. Ông cho rằng ngày nay chúng ta ít thận trọng trong chi tiêu hơn các thế hệ cha ông trước kia.
Một nét đặc sắc nữa của Alex Vandervoort là ở chỗ ông là một chuyên gia hàng đầu trong kỹ thuật ngân hàng hiện đại. Kỹ thuật này chúng ta đã thấy nhũng biểu hiện đầu tiên, ngay trong tuần này, qua hoạt động của các chi nhánh nhà băng mới được khai trương ở các thị trấn ngoại thành.
Bộ mặt mới của nhà băng lồ lộ trong các chi nhánh đó, trông không có dáng dấp của một nhà băng chút nào. Không ai ngạc nhiên, bởi ông Vandervoort (con người không có vẻ chủ nhà băng, như chúng tôi đã nói ở trên) là người chỉ huy chủ chốt của việc trang hoàng các chi nhánh đó.
Tuần này chúng tôi đã cùng với ông Vandervoort đi một vòng thăm các chi nhánh mới mở, mà ông gọi là các "cửa hàng tiền tệ", là "nhà băng của những người tiêu dùng" trong tương lai. Và chúng tôi đều thấy điều mong muốn của ông Vandervoort đang trở thành hiện thực.”
Trưởng phòng đối ngoại Dick French đã tổ chức một cuộc phỏng vấn. Alex Vandervoort cùng nhà báo Jill Peacock đến thăm một chi nhánh nhà băng mới khai trương nằm trong một khu đông dân ở ngoại thành. Các chi nhánh này được trang trí nhẹ nhàng có thẩm mỹ, đóng vai trò quan trọng gần như các hiệu bán thuốc trong vùng. Đồ đạc chính ở trụ sở mỗi chi nhánh là hai két tiền tự động, nhãn Docutel bằng thép không rỉ. Các khách hàng tự điều khiển chúng.
Mỗi két tự động có một bảng điều khiển và một màn hình, nối liền với mạng lưới máy vi tính nằm trong trụ sở của Trung tâm nhà băng ở Toà Tháp cao ốc.
Alex nói:
- Thời đại ngày nay, khách hàng đòi hỏi phải được phục vụ đến nơi đến chốn. Chính vì vậy họ muốn chi nhánh nhà băng mở cửa nhiều giờ hơn và vào thời gian thuận tiện nhất cho họ. Các cửa hàng tiền tệ như thế này sẽ hoạt động hai mươi tư trên hai mươi tư, vào tất cả mọi ngày, kể cả chủ nhật, ngày nghỉ.
Nữ phóng viên Peacock hỏi:
- Vậy các nhân viên lúc nào cũng phải túc trực ở đây sao?
- Không. Chỉ một nhân viên làm nhiệm vụ trả lời những câu khách hàng cần hỏi. Nhưng anh ta chỉ trực ở đây ban ngày, còn ban đêm cửa cứ mở và các khách hàng tự động điều khiển lấy.
- Ông không sợ kẻ gian sao?
- Các két tiền tự động được chế tạo kiên cố như một pháo đài và lắp các hệ thống báo động có thể có. Alex mỉm cười đáp. - Ngoài ra chúng tôi còn bố trí máy quay hình. Tuy nhiên, chúng tôi quan tâm đến bảo vệ chỉ là một phần, phần quan trọng hơn đối với chúng tôi là giúp khách hàng làm quen với hệ thống mới mẻ này.
Nhà báo nữ Peacock nhận xét:
- Khá nhiều khách hàng đã thành thạo cách điều khiển két tự động rồi đấy.
- Đúng vậy.
Lúc này, chín giờ rưỡi sáng, có chừng trên một chục khách đến chi nhánh nhà băng và một số khác đang lục tục đến. Đa số là phụ nữ.
Alex nói:
- Những cuộc điều tra về thị trường của chúng tôi tiến hành cho thấy nữ giới tiếp nhận nhanh hơn nam giới những cách thức mới mẻ trong lĩnh vực thương mại. Chính vì vậy các cửa hiệu bán lẻ luôn luôn cải tiến cách thức phục vụ khách hàng. Nam giới về mặt này chậm hơn và thường là phụ nữ phải chỉ dẫn cho họ.
Đã hình thành dòng người xếp hàng dài trước mỗi két tiền tự động. Tuy nhiên mỗi người làm rất nhanh, không ai phải chờ đợi lâu. Khách đưa lọt tấm thẻ căn cước tài chính bằng chất dẻo vào khe rồi ấn một nút. Một số khách gửi vào bằng tiền mặt hoặc ngân phiếu. Một số khác rút tiền ra. Một số khác nữa đến để kết toán thẻ tín dụng hoặc thanh toán các biên lai. Bất kỳ nội dung công việc ra sao, máy tự động nhận giấy tờ và tiền, cũng như nhả tiền ra nhanh như chớp.
Nữ phóng viên Peacok trỏ một két tự động, hỏi:
- Ông nhận thấy khách hàng làm quen với cách sử dụng máy tự động này nhanh hơn ông dự kiến hay chậm hơn?
- Đại đa số làm quen rất nhanh. Nói chung phần lớn nhanh hơn so với dự đoán của tôi. Thông thường lần đầu tiên họ rất bỡ ngỡ, nhưng khi đã hiểu rồi thì do thích thú, họ tiếp thu rất nhanh.
- Tuy nhiên tôi nghe nhiều người nói rằng con người ta tiếp xúc với nhau thích thú hơn tiếp xúc với máy. Vậy tại sao các ông lại thay nhân viên bằng máy tự động ạ?
- Nhận định bà đưa ra tuy có đúng, nhưng ngoài quy luật đó còn có quy luật là khách hàng của chúng tôi thích sự kín đáo. Thanh toán với máy họ thấy thoải mái hơn với nhân viên nhà băng.
Trong bài báo đăng trên số ra ngày Chủ nhật liền sau đấy, nữ ký giả Peacock viết:
“Về mặt kín đáo thì rõ ràng khách hàng rất vừa lòng. Khi cần vay một số tiền, nếu đến nhà băng và đưa yêu cầu ra với nhân viên, khách hàng thường ngại ngùng, nhưng bây giờ đưa yêu cầu với máy, họ thoải mái hơn rất nhiều. Và khi phải trò chuyện với quan chức nhà băng qua máy viễn đàm có trang bị màn hình, họ vẫn thấy thoải mái vì vị quan chức hiện ra trên màn hình mang tính chất của một con người chung chung, và ở cách xa khách hàng hàng bao nhiêu cây số.”
Alex giải thích:
- Từ đây đến đại bản doanh của nhà băng đặt trong thành phố là hai mươi tám cây số. Nhân viên hiện ra trên màn hình để trả lời những câu hỏi của khách hàng, thật ra ngồi trong phòng kiểm tra tại toà Tháp cao ốc. Tại đây nhân viên của chúng tôi có thể tiếp xúc ngay lập tức với khách hàng, tại những chi nhánh nào có trang bị hệ thống viễn đàm như chi nhánh này.
- Nhà băng đã biến đổi kiểu này nhanh như thế nào?
- Về mặt kỹ thuật thì chúng tôi tiến nhanh hơn kỹ thuật chinh phục vũ trụ. Kể từ khi phát minh ra tài khoản luân chuyển thì đây là phát minh lớn nhất. Sau đây mười năm, thậm chí có thể sớm hơn, mọi dịch vụ ngân hàng đều được tiến hành theo cách tự động.
- Đến lúc đó còn cần người để làm giao dịch viên nữa không?
- Sẽ còn cần một thời gian, nhưng nghề đó tương lai dứt khoát sẽ biến mất. Chẳng bao lâu nữa cảnh tượng nhân viên giao dịch tính toán rồi đưa tiền cho khách hàng tại quầy, sẽ trở thành cổ lỗ giống như các cô bán hàng xén ngày xưa, ngồi cân ít đường, ít đỗ, ít bơ rồi bỏ vào các túi bằng giấy, gói lại đưa khách hàng...
- Nghe mà thấy buồn. - Bà Peacock nói.
- Đúng thế. Tiến bộ và văn minh bao giờ cũng kéo theo một vài hiệu quả phụ làm người ta buồn.
Bài báo viết tiếp:
“Tôi hỏi khoảng một chục khách hàng xem họ có thích kiểu “cửa hàng tiền tệ" này không thì không chừa một ai, tất cả đều thích. Căn cứ vào dòng người xếp hàng trước két tiền tự động, tôi thấy rõ ràng niềm thích thú đó đã lan rộng ra đông đảo dân chúng trong vùng. Theo ông Vandervoort thì vì gây được dân chúng niềm yêu mến các “cửa hàng tiền tệ" mà nhà băng tiến hành cuộc vận động tiết kiệm cũng thuận lợi hơn rất nhiều”.
Các "cửa hàng tiền tệ" tạo thuận lợi cho cuộc vận động gửi tiền tiết kiệm, hay cuộc vận động gửi tiền tiết kiệm tạo thuận lợi cho hoạt động của các cửa hàng tiền tệ? Vấn đề rất khó trả lời dứt khoát.
Nhưng Ngân hàng Thương mại số Một đã đạt được những mục tiêu đề ra, thậm chí còn vượt xa những thục tiêu đó với tốc độ thần kỳ. Như Alex nói với Margot, nguyện vọng của dân chúng phù hợp kỳ lạ với các ý định của nhà băng.
- Thôi đừng bàn chuyện nhà băng nữa mà uống nước quả ép đi. - Margot nói.
Buổi sáng Chủ nhật được nán lại trong căn hộ của người tình khiến Alex thấy khoan khoái vô cùng. Khoác tấm áo choàng mặc nhà ra ngoài bộ đồ ngủ, ông đang đọc bài báo ngày Chủ Nhật của nữ ký giả Peacock trong tờ Sunday Times Register. Trong lúc đó Margot Bracken sửa soạn bữa điểm tâm.
Lát sau, Alex hớn hở ngồi ăn; trong khi Margot thì đọc bài báo.
- Được đấy nàng nói. - Em mừng cho anh.
Nàng đặt báo xuống, nghiêng đầu hôn ông.
- Nhưng lần trước em đã "tuyên truyền" quá tồi cho anh trên mặt báo.
- Thì đã sao! - Margot cười vui vẻ. - Báo chí là như thế bốc người ta lên, rồi lại dìm người ta xuống. Rất có thể chỉ ngày mai thôi, báo chí sẽ lại lên án anh và nhà băng của anh thậm tệ.
Alex thở dài, nói rất khẽ:
- Bao giờ em cũng đúng.
Nhưng lần này thì nàng nói sai.
Báo chí tại bốn chục thành phố khác đã tóm được và đăng lại bài của nữ ký giả Jill Peacock. Các hãng thông tấn cũng loan truyền bài báo đó. Ban biên tập Báo Wall Street Journal cử phóng viên đến điều tra, và sau đấy Ngân hàng Thương mại số Một cùng Alex Vandervoort trở thành đề tài cho một cuộc điều tra đăng trên trang nhất về tự động hoá ngành ngân hàng. Một loạt báo chí, hãng thông tấn khác cũng bắt chước và số báo Chủ nhật của tờ New York Times còn gọi Alex Vandervoort là "nhà hoạt động tài chính cách mạng" và viết thêm "Chúng ta sẽ còn nghe nói đến ông nhiều nữa sau này". Dưới tiêu đề ấy là một bài phỏng vấn dưới hình thức hỏi đáp, thoạt tiên về vấn đề tự động hoá các nhà băng, rồi đến những vấn đề mang tính khái quát hơn.
Hỏi: Ông cho rằng điều tê hại nhất hiện nay trong ngành ngân hàng là gì?
Đáp: Những người kinh doanh nhà băng chúng tôi đã sống dễ dàng quá lâu rồi. Chúng tôi quen lo đến lợi ích của chúng tôi mà quan tâm quá ít đến lợi ích của khách hàng.
Hỏi: Ông có thể nêu lên thí dụ?
Đáp: Khách hàng của nhà băng, đặc biệt là các khách hàng cá nhân, cần được hưởng lãi suất cao.
Hỏi: Cụ thể là như thế nào?
Đáp: Nhiều mặt lắm. Chẳng hạn lãi suất tiền gửi tiết kiệm và gửi có kỳ hạn phải được nâng cao hơn. Chúng tôi cũng cần trả tiền lãi cho các tài khoản luân chuyển, nghĩa là các tài khoản ngân phiếu.
Hỏi: Xin bàn đến tài khoản tiết kiệm. Một điều luật của liên bang Hoa Kỳ qui định mức tối đa cho lãi suất của các tài khoản tiết kiệm do các nhà băng chi trả.
Đáp: Đúng thế, điều luật ấy nhằm bảo vệ các quỹ tiết kiệm và tín dụng. Xin mở ngoặc: một điều luật khác lại cấm các quỹ đó dễ dàng cấp sổ séc cho khách hàng. Đấy là để bảo vệ các nhà băng. Tốt nhất không nên quan tâm đến các nhà băng và các quỹ tín dụng nữa mà nên quan tâm hơn đến các cá nhân khách hàng.
Hỏi: Theo ông quan tâm đến các cá nhân có nghĩa là cho họ hưởng lãi suất tối đa và tạo mọi thuận lợi khác cho họ?
Đáp: Đúng thế. Vấn đề lớn nhất và cũng là sai lầm tệ hại nhất của chúng ta trên tư cách quốc gia, là mọi thứ đều chống lại từng cá nhân mà lo quá nhiều cho lợi ích của những thiết chế lớn: các doanh nghiệp lớn, các nhà băng lớn, lo cho chính quyền mạnh. Các cá nhân muốn cải thiện cuộc sống đều vấp phải rất nhiều khó khăn. Thỉnh thoảng xẩy ra nhũng tai hoạ như lạm phát, đồng tiền mất giá, khủng hoảng kinh tế, nghèo đói, tăng thuế, thậm chí chiến tranh... thì các thiết chế lớn không thiệt thòi, mà bao khó khăn vất vả đổ hết lên đầu các cá nhân dân chúng.
Hỏi: Ông nói có lý. ông thấy trong lịch sử có lần nào tình hình giống như ông nói không?
Đáp: Có chứ. Nói thế này chắc các vị sẽ lấy làm lạ nhưng tôi thấy đó là tình hình nước Pháp thời gian liền ngay sau cách mạng. Mặc dù lộn xộn và kinh tế suy sụp, mỗi người vẫn tưởng tình hình sẽ tiếp diễn như trước kia. Nhưng hoàn toàn không phải: quần chúng nổi loạn, lật đổ các bạo chúa. Tôi không bảo tình hình đất nước ta lúc này giống thời kỳ đó của nước Pháp, nhưng xét về nhiều mặt, chúng ta đang sống trong một chế độ mang nhiều tính chất bạo chúa, áp bức các cá nhân riêng lẻ. Nếu chúng ta thật sự coi trọng tự do cá nhân của từng con người riêng lẻ, thì đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ lại và quan tâm nhiều hơn đến các cá nhân.
Hỏi: Trường hợp cá nhân ông, có lẽ ông đang tăng cường sự phục vụ của nhà băng cho các cá nhân khách hàng?
Đáp: Đúng thế.
o O o
- Tuyệt vời đấy, anh yêu. Em tự hào về anh và em càng yêu anh hơn – Margort reo lên sau khi đọc bài phỏng vấn mà báo New York Times gửi bản in thử đến trước khi in chính thức. - Chưa bao giờ em đọc được thứ gì thẳng thắn hơn. Nhưng rồi các nhà băng khác sẽ căm ghét anh cho mà xem. Họ muốn moi gan anh ra để ăn sáng ấy chứ.
- Một số nhà băng thì đúng hơn. Không phải tất cả!
Tuy nhiên sau khi đọc lại những câu hỏi đáp và sau khi cơn phấn khởi qua đi, Alex bỗng thần người ra: ông cảm thấy một nỗi lo trỗi dậy trong đáy lòng.