Số lần đọc/download: 0 / 14
Cập nhật: 2024-09-01 17:39:54 +0700
Tần V
(Bộc Dương nhân Lữ Bất Vi)
Người đất Bộc Vương tên là Lữ Bất Vi, buôn bán ở Hàm Đan, gặp công tử Tần là Dị Nhân làm con tin ở Triệu, về nhà hỏi cha:
- Làm ruộng thì lời gấp mấy?
- Gấp mười.
- Buôn bán châu ngọc thì lời gấp mấy?
- Gấp trăm.
- Buôn vua để lập quốc thì lời gấp mấy?
- Vô kể.
- Nay tận lực lao khổ làm ruộng màkhông được no cơm ấm áo; còn lập vua dựng nước thì ân huệ có thể lưu lại đời đời. Con xin đi làm việc đó.
Con vua Tần là Dị Nhân làm con tin ở Triệu, ở tại Liêu Thành, Lữ Bất Vi bèn tới đó, thuyết phục Dị Nhân:
- Tử Hệ có địa vị nối ngôi, lại có mẹ được vua yêu; còn ông không có mẹ được vua yêu mà lại đem gởi ở một nước ngoài không biết lòng dạ ra sao. Ngày nào mà có sự bội ước giữa Tần và Triệu thì thân ông rẻ như đất bùn. Tôi khuyên ông nên xin về nước để sau được ngôi Tần. Tôi xin vì ông mà vận động. Tần tất cho người đón ông về.
Rồi Lữ thuyết với em trai hoàng hậu nước Tần là Dương Tuyền Quân:
- Tội của ông đáng chết! Ông hay không? Kẻ môn hạ của ông thì không ai là không ở chức vị cao, còn kẻ môn hạ của thái tử thì không có người giàu sang; phủ của ông chứa trân châu bảo ngọc, tuấn mã của ông đầy chuồng ở phía ngoài, mỹ nữ của ông chật nhà ở phía sau. Tuổi của vua đã cao, ngày nào mà vua băng hà, thái tử lên nối ngôi, thì ông nguy như trứng để đầu đẳng không thọ hơn loài hoa bông bụt đâu. Tôi có một kế khiến cho ông giàu sang ngàn vạn năm, vững như núi Thái Sơn có bốn ngọn núi chầu bốn bên, tuyệt nhiên không còn lo nguy vong nữa.
Dương Tuyền Quân đương ngồi trên chiếu, tụt xuống, hỏi kế đó ra sao. Bất Vi đáp:
- Tuổi vua năm nay đã cao! Hoàng hậukhông có con. Tử Hệ có địa vị nối ngôi, Sĩ Sương lại phụ tá; ngày nào vua băng, Tử Hệ lên ngôi, Sĩ Sương cầm quyền, thì cửa cung hoàng hậu tất ngập cỏ bồng cỏ cảo. Công tử Dị Nhân là người hiền tài, bị bỏ ở nước Triệu, không còn mẹ ở trong nước, ngỏng cổ nhìn về phương tây, chỉ mong được dịp về. Nếu hoàng hậu có xin vua mà lập làm thái tử thì công tử Dị Nhân không có nước mà hoá có nước, hoàng hậu không có con mà hoá có con.
Dương Tuyền Quân bảo:
- Phải.
Rồi vô nói với hoàng hậu. Hoàng hậu xin vua Triệu cho đón Dị Nhân về. Vua Triệu chưa cho đi.
Bất Vi vô tâu vua Triệu:
- Công tử Dị Nhân là con cưng của vua Tần, không còn mẹ ở trong nước, nhưng hoàng hậu muốn dựng làm con. Nếu Tần muốn diệt Triệu, không vì đại vương có công tử Dị Nhân mà diên trì kế hoạch, thì đại vương chỉ là ôm đứa con tin vô ích; nếu Triệu cho công tử Dị Nhân về nước để được lên ngôi, lại sai người long trọng đưa về thì công tử Dị Nhân không dám vong ơn bội nghĩa, như vậy là đại vương dùng ơn nghĩa mà kết hiếu với Tần. Vua Tần già rồi, một ngày kia mà mất, thì lúc đó dù đại vương có giữ Dị Nhân cũng không đủ để buộc mối tình của Tần.
Vua Triệu bèn cho Dị Nhân về nước.
Dị Nhân về tới nơi, Bất Di bảo ông ta bận y phục nước Sở mà yết kiến thái hậu, thái hậu thấy vậy rất vui lòng, khen là khôn ngoan, bảo: “Ta là người nước Sở”.
Và coi Dị Nhân là con, đổi tên là Sở.
Vua Tần bảo Dị Nhân đọc sách, Dị Nhân đáp:
- Thần từ nhỏ bị bỏ ở nước ngoài, không có quan sư phó dạy bảo, không được tập đoc.
Vua Tần thôi không bắt đọc nữa, nhưng giữ lại. Một lát sau, Dị Nhân tâu:
- Đại vương đã từng dừng xe ở Triệu, kẻ hào kiệt ở Triệu biết rành đại vương không phải là ít. Nay đại vương trở về nước, họ đều hướng về phía tây, ngóng đại vương. Đại vương không sai một sứ giả tới uỷ lạo họ, thần sợ họ tất có lòng oán. Nên ra lệnh cho cửa ải ở biên giới đóng sớm mà mở trễ.
Vua Tần cho là phải, khen kế đó là lạ. Hoàng hậu khuyên vua lập Dị Nhân làm thái tử. Vua bèn vời tể tướng vô, ra lệnh rằng: “Con quả nhân không ai bằng Sở, ta lập nó làm thái tử”.
Công tử Sở lên ngôi rồi, dùng Bất Vi làm tể tướng, gọi là Văn Tín Hầu, thực ấp được mười hai huyện Lam Điền. Hoàng hậu được phong Hoa Dương thái hậu. Các nước chư hầu đều đem đất dâng Tần.
6. CAM LA THUYẾT TRƯƠNG ĐƯỜNG VÀ VUA TRIỆU – C21,6-82
(Văn Tín Hầu dục công Triệu)
Văn Tín Hầu muốn đánh Triệu để mở rộng đất Hà Gian, sai Cương Thành Quân Thái Trạch qua thờ vua Yên. Ba năm sau, thái tử Yên qua làm con tin ở Tần, Văn Tín Hầu nhân đó xin cho Trương Đường làm tể tướng nước
Yên, có ý muốn dụ Yên cùng với Tần đánh Triệu để mở rộng đất Hà Gian. Trương Đường từ chối, đáp:
- Muốn qua Yên thì phải qua Triệu; người nước Triệu treo giải ai mà bắt được Đường tôi thì sẽ được thưởng trăm dặm đất.
Văn Tín Hầu bỏ ra về, vẻ mặt không vui. Thiếu thứ tử là Cam La hỏi:
- Sao quân hầu có vẻ không vui nhưvậy?
Văn Tín Hầu đáp:
- Ta sai Cương Thành Quân Thái Trạch qua thờ vua Yên ba năm, thái tử Yên đã vô Tần để làm con tin, nay tự ta tới xin Trương Khanh qua Yên làm tể tướng mà ông ta không chịu đi.
Cam La bảo:
- Thần xin đi thuyết ông ta.
Văn Tín Quân mắng:
- Ta đích thân mời mà không được, ngươi mời làm sao được? Cam La đáp:
- Xưa Hạng Thác mới bảy tuổi mà làm thầy Khổng Tử; nay tôi đã được mười hai tuổi rồi. Xin ông cứ thử cho tôi đi, chứ sao vội mắng tôi như vậy?
Cam La yết kiến Trương Đường, hỏi:
- Công của ông với công của Vũ An Quân, ai hơn?
Đường đáp:
- Vũ An Quân chiến thắng không biếtbao nhiêu trận, phá thành chiếm ấp không biết bao nhiêu chỗ. Công của tôi không bằng công Vũ An Quân.
Cam La hỏi:
- Vậy là ông biết rõ rằng công ông không bằng công Vũ An Quân ư?
- Biết rõ.
Cam La lại hỏi:
- Ưng Hầu với Văn Tín Hầu, làm tể tướng ở Tần, ai được chuyên dùng?
- Ưng Hầu không được chuyên dùng bằng Văn Tín Quân.
- Vậy là ông biết rõ rằng Ưng Hầu không được chuyên dùng bằng Văn Tín Hầu ư?
- Biết rõ.
Cam La lại hỏi:
- Ưng Hầu muốn đánh Triệu, Vũ An Quân không chịu ra khỏi Hàm Dương bảy dặm, Ưng Hầu bóp cổ Vũ An Quân cho chết. Nay Văn Tín Hầu đích thân mời ông làm tể tướng nước Yên mà ông không chịu đi, tôi không biết ông sẽ chết ở nơi nào đây?
Đường đáp:
- Xin nghe lời em nhỏ này mà đi.
Ra lệnh cho lấy xe trong kho, lấy ngựa trong chuồng, vàng lụa trong phủ. Ngày đi đã định, Cam La bảo Văn Tín Hầu:
- Xin cho tôi mượn năm chiếc xe, tôivì Trương Đường mà qua báo trước vua Triệu.
Cam La qua yết kiến vua Triệu. Vua Triệu ra đón ở ngoài thành. Tâu với vua Triệu:
- Đại vương nghe tin thái tử Đan nướcYên vô Tần làm con tin không?
- Có.
- Nghe Trương Đường qua làm tướngquốc nước Yên không?
- Có.
- Thái tử Yên vô Tần là Yên không gạt
Tần; Trương Đường qua làm tướng quốc nước Yên là Tần không gạt Yên. Tần và Yên không gạt nhau mà đánh Triệu, Triệu tất nguy. Tần Yên không gạt nhau, chỉ là muốn đánh Triệu để mở rộng đất Hà Gian chứ không có lẽ gì khác. Nay đại vương tặng thần năm thành để mở rộng đất Hà Gian thì thần xin Tần trả thái tử Yên về nước, khiến cho Tần giúp cường quốc là Triệu tấn công nhược quốc là Yên.
Vua Triệu lập tức cắt năm thành để mở rộng đất Hà Gian và Tần trả thái tử Yên về nước. Rồi Triệu đánh Yên, được ba mươi sáu huyện Thương Cốc, cắt mười một thành tặng Tần.
8. DIÊU CỔ ĐÁP VUA TẦN
(Tứ quốc vi nhất)
Bốn nước (Yên, Triệu, Ngô, Sở) liên kết với nhau để tính đánh Tần. Vua Tần với quần thần tân khách gồm sáu chục người để hỏi:
- Bốn nước liên kết với nhau để tínhchiếm Tần, quả nhân bị áp bức ở trong triều mà trăm họ chia rẽ ở ngoài nước, làm sao bây giờ?
Quần thần làm thinh, Diêu Cổ đáp:
- Cổ tôi xin đi sứ bốn nước để phá mưu của họ mà dẹp được binh đao.
Vua Tần bèn cho Diêu Cổ trăm chiếc xe, ngàn cân vàng, lại ban mủ áo và cây kiếm để đeo. Diêu Cổ cáo từ, đi sứ, phá được mưu bốn nước, dẹp được việc binh đao, thân thiện với bốn nước, báo tin cho vua Tần hay, vua Tần rất mừng. Cổ được phong làm thiên hộ hầu, chức là thượng khanh.
Hàn Phi hay tin đó, tâu với vua Tần:
- Cổ đem châu báu, phía nam đi sứ Kinh, Ngô, phía bắc đi sứ ở vùng Yên, Đại. Sau ba năm, tình giao thiệp với các nước vị tất đã thân mà châu báu trong nước thì không còn gì. Như vậy là Cổ dùng quyền của đại vương, bảo vật của quốc gia mà tự kết giao với chư hầu, xin đại vương xét lại. Vả lại tên lính giữ cửa của nước Lương đó đã ăn cướp ở Lương; lại có lần làm bề tôi ở Triệu mà bị đuổi, rồi phải làm tên lính giữ cửa. Quân cướp lớn ở Lương, kẻ bề tôi bị đuổi ở Triệu mà đem bàn việc xã tắc với hắn thì còn đâu cái phép nghiêm khắc đối với quần thần.
Vua Tần bèn vời Diêu Cổ vô, hỏi:
- Ta nghe ông lấy tiền bạc của quả nhân mà kết giao với chư hầu, có vậy không?
- Có.
- Thế thì còn mặt mũi nào mà nhìn quảnhân nữa?
- Tăng Sâm có hiếu với cha mẹ, thiênhạ ai cũng muốn có con là Tăng Sâm, Tử Tư trung với vua, vua trong thiên hạ ai cũng muốn có bề tôi là Tử Tư; con gái mà trinh tiết, khéo léo thì thiên hạ ai cũng muốn cưới về làm vợ. Nay Cổ tôi trung với đại vương mà đại vương không biết, bây giờ Cổ tôi không về thờ bốn nước kia thì còn đi đâu? Nếu Cổ tôi không trung với đại vương thì vua bốn nước kia còn dùng cái thân của Cổ này làm gì? Vua Kiệt nghe lời gièm pha mà giết lương tướng, vua Trụ nghe lời gièm pha mà giết trung thần, rồi đến nổi thân chết, nước mất; nay đại vương nghe lời gièm pha thì không có bề tôi trung đâu.
Vua Tần bảo:
- Ông đã làm tên lính coi cửa, làm têncướp lớn ở Lương, làm bề tôi của Triệu mà bị đuổi.
Diêu Cổ đáp:
- Thái Công Vọng bị vợ đuổi ở Tề, làm tên đồ tể bỏ đi ở Triều Ca, là kẻ bề tôi bị đuổi ở Tử Lương, người đất Cức Tân ghét không thèm mướn, nhưng vua Văn Vương tin dùng mà dựng nên nghiệp vương; Quản Trọng là con buôn tham bỉ, là con người u uất bất đắc chí ở Nam Dương, làm tù nhân của Lỗ rồi được thả, vua Tề Hoàn Công tin dùng mà dựng được nghiệp bá. Bách Lý Hề là tên ăn xin ở đất Ngu, Mậu Công đem năm bộ da dê chuộc về, vua Tần Mục công dùng làm tể tướng mà thống chế được Tây Nhung; vua Tần Văn Công dùng tên cướp ở Trung Sơn mà thắng ở thành Bộc; bốn kẻ sĩ đó đều xấu xa đê tiện, bị thiên hạ phỉ báng, mà bực minh chúa tin dùng là vì biết rằng có thể giúp mình lập công được. Còn như hạng Biện Thuỳ, Vụ Quang, Thân Đổ Địch, thì bực nhân chủ có dùng họ được không? Cho nên bực minh chủ dùng người thì không nệ người đó dơ bẩn, không quan tâm tới chỗ xấu của người đó, chỉ xét người đó có giúp được cho mình không, nhờ vậy mà bảo tồn được xã tắc. (Bọn có tài ấy) tuy người ngoài có kẻ phỉ báng thì cũng không nghe; còn kẻ có tiếng tăm là cao khiết, mà không có lấy một chút xíu công lao thì cũng không thưởng. Vì vậy mà quần thần không dám dùng cái danh hão mà mong được vua thưởng.
Vua Tần khen:
- Phải.
Rồi lại dùng Diêu Cổ mà giết Hàn Phi.