Số lần đọc/download: 4862 / 269
Cập nhật: 2017-09-14 01:43:31 +0700
Chương 33
B
ẢNG LIỆT KÊ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ VÀO THĂM MAX VANDENBURG
Hans Hubermann: 2 lần
Rosa Hubermann: 2 lần
Liesel Meminger: 3 lần
Khi trời sáng, Liesel mang cho anh cuốn sổ phác thảo từ dưới tầng hầm lên và đặt nó trên chiếc bàn cạnh giường ngủ. Con bé cảm thấy rất tồi tệ vì đã lén xem nó năm ngoái, và lần này thì nó luôn đóng chặt quyển sách lại, không chú ý đến nội dung quyển sách nữa.
Khi Bố bước vào, con bé không quay người lại để nhìn vào mặt ông, mà lại nói, giọng nói vắt ngang qua người của Max Vandenburg, và con bé như đang nói chuyện với bức tường vậy. “Tại sao con lại phải mang đám tuyết đó xuống cơ chứ?” con bé hỏi. “Nó đã bắt đầu tất cả những chuyện này, có phải không Bố?” Con bé siết chặt tay lại, như để cầu nguyện. “Tại sao con lại phải đắp thằng người tuyết đó cơ chứ?”
Bố, nhờ phẩm chất chịu đựng vốn có của ông, vẫn rất cứng rắn. “Liesel,” ông nói, “con phải làm như thế.”
Trong nhiều giờ đồng hồ liền, con bé ngồi bên cạnh Max, trong khi anh vừa ngủ vừa run rẩy.
“Đừng chết,” nó thì thầm. “Làm ơn đi Max, đừng chết nhé.”
Anh là thằng người tuyết thứ hai bị tan chảy ra trước mắt con bé, nhưng chỉ có điều lần này lại khác. Nó thực sự là một nghịch lý.
Càng lạnh bao nhiêu, anh càng tan chảy ra nhiều bấy nhiêu.
MƯỜI BA MÓN QUÀ
Đó là hình ảnh Max lúc mới đến, và hình ảnh ấy đã lại xuất hiện một lần nữa.
Những cái lông vũ trở thành những món tóc cứng tua tủa. Gương mặt trơn nhẵn lại trở nên thô ráp. Bằng chứng con bé cần đã ở đó. Anh vẫn còn sống.
Trong những ngày đầu tiên, con bé ngồi đó và nói chuyện với anh. Vào ngày sinh nhật của mình, nó bảo với anh rằng có một cái bánh khổng lồ đang đợi anh trong nhà bếp, giá như anh có thể tỉnh dậy mà nhìn xem.
Không có ai thức dậy cả.
Cũng chẳng có cái bánh nào.
. MỘT TRÍCH ĐOẠN LÚC ĐÊM KHUYA.
Rất lâu sau này tôi mới nhận ra rằng mình đã thực sự ghé thăm nhà số 33 phố Thiên Đàng vào khoảng thời gian đó. Hẳn lúc ấy phải là một trong những lúc mà con bé không ở bên cạnh anh ấy, vì tất cả những gì tôi nhìn thấy chỉ là một người đàn ông đang nằm trên giường. Tôi quỳ xuống. Tôi đã chuẩn bị sẵn sang để luồn tay mình vào bên trong những tấm mền. Sau đó, đã có một sự hồi sinh – một sự chống trả dữ dội lại sức nặng của tôi. Tôi rút lui, và với rất nhiều công việc đang chờ tôi phía trước, thật là hay khi bạn bị đuổi đi như thế trong cái căn phòng nhỏ tăm tối ấy. Thậm chí tôi còn dừng lại một lát, mắt nhắm lại để lòng mình thanh thản trước khi ra ngoài.
Vào ngày thứ năm, mọi người rất phấn khích khi Max mở mắt ra, dù chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi thôi. Những gì mà anh thấy phần lớn (và đó hẳn phải là một cận cảnh đáng sợ lắm) là Rosa Hubermann, gần như là đang tống cả một mớ súp vào miệng anh. “Nuốt đi,” bà khuyên anh. “Đừng nghĩ gì cả. Chỉ việc nuốt thôi.” Ngay lúc mà Mẹ rút cái tô lại, Liesel cố nhìn gương mặt anh lần nữa, nhưng chỉ có một cái lưng của người đút súp cản tầm nhìn của nó.
“Anh ấy vẫn còn tỉnh chứ.”
Khi quay lại, Rosa không cần phải trả lời câu hỏi này.
Sau gần một tuần, Max tỉnh lại lần thứ hai, lần này có Liesel và Bố đang ở trong phòng. Cả hai bố con đều đang quan sát thân người nằm trên giường thì có một tiếng rên khẽ. Nếu có thể, thì Bố đã rơi thẳng dậy, ra khỏi cái ghế.
“Thôi mà,” Liesel thốt lên. “Hãy tỉnh dậy đi, Max, đừng ngủ nữa mà.”
Anh nhìn con bé một lúc, nhưng không có nhận thức gì cả. Cặp mắt anh nhìn con bé như thể nó là một cái gì đó bí ẩn và khó hiểu lắm. Và rồi cặp mắt ấy khép lại.
“Bố ơi, có chuyện gì thế?”
Hans lại thả phịch người xuống ghế.
Sau đó, ông gợi ý rằng có lẽ con bé nên đọc sách cho Max nghe. “Coi nào, Liesel, bây giờ thì con đã đọc tốt lắm rồi – ngay cả khi chúng ta không biết gì về xuất xứ của quyển sách đó.”
“Con đã nói với Bố rồi mà. Một bà xơ trong trường đã đưa nó cho con.”
Bố giơ tay lên tỏ vẻ đồng ý một cách đầy miễn cưỡng. “Bố biết, bố biết.” Ông thở dài, từ một độ cao nào đó. “Chỉ có điều…” Ông chậm chạp lựa lời để nói. “Đừng có để bị bắt.” Đây là lời nói của một người đã ăn trộm một người Do Thái.
Kể từ ngày hôm đó trở đi, Liesel đọc quyển Người huýt sáo to thành tiếng cho Max, trong khi anh vẫn nằm trên giường của con bé. Có một điều rất đáng buồn là con bé cứ phải bỏ qua nhiều chương sách, vì rất nhiều trang vẫn còn bị dính chặt lại với nhau. Quyển sách vẫn chưa khô hẳn. Dù vậy, con bé vẫn chật vật đọc tiếp, cho đến lúc nó đã đọc gần được ba phần tư quyển sách. Quyển sách ấy dày ba trăm chín mươi sáu trang.
o O o
Trong thế giới bên ngoài căn nhà ấy, mỗi ngày Liesel đều vội vã lao từ trường về nhà với hy vọng Max sẽ khá hơn. “Anh ấy có tỉnh dậy không? Anh ấy có ăn gì không?”
“Đi ra ngoài đi,” Mẹ nài nỉ nó. “Con đang gặm thủng một cái lỗ trong dạ dày của ta khi cứ léo nhéo như thế mãi đấy. Đi ra. Ra ngoài kia mà chơi bóng đá đi, vì Chúa.”
“Vâng, thưa Mẹ.” Con bé đã chuẩn bị mở cửa rồi. “Nhưng Mẹ sẽ gọi con và cho con biết nếu anh ấy tỉnh dậy, có phải không Mẹ? Mẹ chỉ cần nói gì đó cho con biết thôi. Hãy hét lên như thể con đã làm điều gì sai trái ấy. Cứ việc nguyền rủa con. Mọi người sẽ không nghi ngờ gì cả đâu, Mẹ đừng lo.”
Ngay đến Rosa cũng phải bật cười trước câu nói đó. Bà đứng chống nạnh và giải thích rằng Liesel vẫn chưa đủ lớn để tránh được một trận đòn vì đã nói năng như thế. “Và hãy ghi một bàn thắng đi đấy,” bà đe dọa, “còn không thì đừng có thò mặt về nhà.”
“Dĩ nhiên rồi, thưa Mẹ.”
“Ghi hai bàn đấy nhé, Đồ con lợn!”
“Vâng, thưa Mẹ.”
“Và đừng có trả lời lại nữa!”
Liesel cân nhắc chuyện đó, nhưng rồi con bé chạy vụt ra đường, để đứng đối mặt với Rudy trên con phố trơn trượt vì bùn đất.
“Đến lúc rồi, đồ gãi mông ạ.” Thằng nhóc chào đón nó theo thông lệ khi chúng tranh nhau quả bóng. “Cậu đã ở xó xỉnh nào thế hả?”
Nửa giờ đồng hồ sau, khi quả bóng bị đè bẹp dí bởi một chiếc xe hơi hiếm hoi chạy qua phố Thiên Đàng, Liesel đã tìm thấy món quà đầu tiên của nó dành cho Max Vandenburg. Sau khi đã quyết định là quả bóng không thể sử dụng được nữa, lũ trẻ lần lượt quay về nhà trong sự phẫn nộ và chán nản, để mặc quả bóng nằm rúm ró trên mặt đường lạnh lẽo, nham nhở. Liesel và Rudy vẫn đứng bên chỗ xác chết của quả bóng ấy. Trên quả bóng có một cái khe rách toạc, trông như cái mồm của nó vậy.
“Cậu có muốn nó không?” Liesel hỏi.
Rudy nhún vai. “Tớ muốn gì ở cái quả bóng bẹp dí như một đống cứt này cơ chứ? Chẳng có cách nào để bơm khí vào bên trong nó được nữa, có phải không hả?”
“Câu có muốn nó hay không?”
“Không, cảm ơn.” Rudy thận trọng lấy chân khều khều vào quả bóng, như thể nó là một con thú đã chết vậy. Hay là một con thú có thể đã chết rồi.
Khi thằng bạn đã về nhà, Liesel nhặt quả bóng lên rồi cặp nó dưới nách. Con bé có thể nghe thằng kia gọi vọng theo. “Này, Đồ con lợn.” Con bé chờ đợi. “ĐỒ CON LỢN!”
Nó đành phải đầu hàng. “Cái gì?”
“Tớ có một cái xe đạp không có bánh ở đây, trong trường hợp cậu muốn có nó.”
“Cứ giữ lấy cái xe đạp phải gió của cậu đi.”
Từ vị trí của mình trên phố, điều cuối cùng mà con bé nghe được là tiếng cười của cái đồ con lợn ấy, thằng Rudy Steiner.
Về nhà, con bé đi thẳng vào phòng ngủ. Nó mang quả bóng cho Max và đặt nó ở phía chân giường.
“Em xin lỗi,” con bé nói, “chẳng nhiều nhặn gì. Nhưng khi anh tỉnh dậy, em sẽ kể anh nghe tất cả về nó. Em sẽ kể cho anh nghe rằng đó là một buổi chiều có màu xám xịt nhất mà anh có thể hình dung ra, và có một chiếc xe hơi không bật đèn pha đã cán thẳng lên quả bóng. Sau đó người đàn ông trong xe mở cửa ra rồi gào lên với tụi em. Và sau đó hắn ta hỏi đường đi. Cái gã loạn thần kinh…”
Tỉnh dậy đi! Con bé muốn thét lên.
Hay lay gọi anh ấy.
Nhưng nó đã không làm thế.
Tất cả những gì Liesel có thể làm là nhìn quả bóng và lớp da xác xơ, nhăn nheo của nó. Đó là món quà đầu tiên trong số rất nhiều món quà mà con bé sẽ tặng cho anh.
MÓN QUÀ TỪ THỨ 2 ĐẾN THỨ 5
Một dải ruy băng, một quả thông.
Một cái nút, một hòn đá.
Quả bóng đã cho con bé một ý tưởng.
Bất cứ khi nào con bé đi đến trường hay đi từ trường về nhà, Liesel đều để mắt tìm kiếm những món đồ đã bị bỏ đi mà có thể đáng giá với một người đang hấp hối. Ban đầu con bé tự hỏi tại sao điều đó lại quan trọng đến như vậy. Làm sao mà một thứ tưởng chừng như nhỏ nhặt đến thế lại có thể mang lại cho người ta cảm giác thoải mái dễ chịu được? Một sợi ruy băng trong máng nước. Một quả thông nằm lăn lóc trên mặt đường. Một cái nút đang nằm vật vạ trong góc lớp. Một viên đá tròn và dẹt nhặt từ dưới sông. Nếu không gì khác, thì điều đó cho thấy rằng con bé đã rất quan tâm đến anh, và chúng có thể sẽ mang đến cho hai người bọn họ đề tài gì đó để nói chuyện khi Max tỉnh dậy.
Khi ở một mình, con bé thường mường tượng ra những cuộc trò chuyện đại loại thế này.
“Thế tất cả những thứ này là gì đây?” hẳn Max sẽ hỏi. “Đống rác này nghĩa là sao vậy?”
“Đống rác ư?” Con bé hình dung ra cảnh mình đang ngồi bên cạnh giường. “Đây không phải là rác đâu Max. Đây là những thứ đã làm cho anh tỉnh dậy.