Books support us in our solitude and keep us from being a burden to ourselves.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: Trần Hùng
Số chương: 41 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 5
Cập nhật: 2024-09-01 17:39:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tần III
. KHUYÊN YÊN ĐÁNH TỀ
(Tần khách khanh Tạo thuế Nhương Hầu)
Khách khanh của Tần tên là Tạo bảo Nhương Hầu:
- Tần phong ông đất Đào, ông nhờ thế lực của Tần mà phục chế các nước khác được vài năm. Việc đánh Tề mà thành, Đào (được đất của Tề) mà thành nước vạn cổ xe, đứng đầu các nước nhỏ mà chầu thiên tử, thiên hạ tất nghe, sự nghiệp như ngũ bá. Đánh Tề mà không thành, Đào sẽ bị các nước láng giềng ghét mà không chống cự nổi. Cho nên đánh Tề là cái lẽ tồn vong của Đào. Ông muốn thành công, sao không sai người qua bảo tướng quốc nước Yên như vầy: “Thánh nhân không tạo được thời thế, nhưng thời thế tới thì không bỏ lỡ. Vua Thuấn tuy hiền, nếu không gặp vua Nghiêu thì không được làm thiên tử; vua Thang, vua Vũ tuy hiền, nếu không gặp Kiệt, Trụ thì không lập được nghiệp vương, cho nên hiền như Thuấn, Thang, Vũ mà không gặp thời thì cũng không thành đế, vương. Nay đánh Tề, là thời cơ lớn của ông đấy. Nhân sức của thiên hạ mà đánh nước thù địch là Tề, rửa cái nhục của Huệ Vương, lập được cái công của Chiêu Vương, trừ được cái hại cho vạn đời; đó là cái lợi lâu dài của Yên và là cái danh lớn của ông. Kinh Thư có câu: “Trồng đức không gì bằng tưới bón nó; trừ hại không gì bằng trừ cho hết”. Ngô không diệt Việt thì Việt tất diệt Ngô; Tề không diệt Yên thì tất diệt Tề. Tề bị Yên diệt, Ngô bị Việt diệt, đó là do trừ hại mà không trừ cho hết. Không nhân thời này mà lập công cho ông, trừ hại cho ông, nếu Tần bỗng vì việc khác xảy ra mà về phía Tề, Tề với Triệu liên hiệp, thì Tề thù ông tất sâu. Mang mối thù ông, họ sẽ đánh Yên, sau ông có hối cũng không kịp. Ông nên dốc hết binh của Yên mà đánh gấp Tề đi, thiên hạ sẽ theo ông; như cùng nhau báo cái thù cha con. Nếu diệt được Tề, ông sẽ được phong đất ở Hà Nam, thành nước lớn, tiếp thông với Trung Quốc, phía nam liên kết với nước lân cận là Đào, đời đời khỏi lo. Xin ông chuyên tâm vào việc đánh Tề mà đừng lo gì khác nữa.
8. PHẠM TUY DÂNG THƯ LÊN TẦN CHIÊU VƯƠNG
(Phạm Tử nhân Vương Kê nhập Tần)
Phạm Tử theo Vương Kê vô Tần, dâng thư lên Tần Chiêu Vương:
- Thần nghe rằng bậc minh chủ trị nước, kẻ có công thì được thưởng, có tài thì được dùng, kẻ khó nhọc nhiều thì được bổng hậu, kẻ có công nhiều thì được tước cao, giỏi trị dân thì được chức lớn, cho nên kẻ vô tài thì không dám nhận chức mà kẻ có tài không dám lẫn trốn. Nếu đại vương cho lời nói của thần là phải thì xin thi hành cho thêm lợi; không thi hành thì giữ thần ở lại lâu không ích gì.
Tục ngữ có câu: “Bực dung chủ thưởng kẻ mình yêu mà phạt kẻ mình ghét”. Bực minh chủ thì không vậy, thưởng thì tất thưởng kẻ có công, trị thì tất trị kẻ có tội. Nay bụng của thần không chịu nổi dao dùi, lưng của thần không chịu nổi búa rìu, thần đâu dám đem việc còn khả nghi mà trình bày để thử thách đại vương. Đại vương tuy cho thần là hèn mọn mà khinh bỉ làm nhục thần, không trọng dụng thần, nhưng người đã đảm bảo cho thần ở trước mặt đại vương có thể nào phản phúc, trước sau bất nhất được không?
Thần nghe nói nước Chu có ngọc Chỉ Ách, nước Tống có ngọc Kết Duyên, nước Lương có ngọc Huyền Lê, nước Sở có ngọc Hoà Phát, bốn bảo vật đó, đều có danh trong thiên hạ mà bọn thợ thì không biết là quí. Vậy thì cái mà bậc thánh vương bỏ đi, không đủ để làm lợi cho quốc gia ư?
Thần nghe nói muốn khéo làm lợi cho nhà thì cướp của nước, muốn khéo làm lợi cho nước thì cướp của chư hầu.
Trong thiên hạ có bực minh chủ thì chư hầu không dám chuyên làm lợi cho mình.
Tại sao vậy? Là do lẽ khinh trọng vậy. Bậc lương y biết con bệnh sống hay chết, bậc thánh chúa biết rõ được sự thành bại, lợi thì làm, hại thì bỏ, còn ngờ thì cứ thử qua, tuy Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang tái sinh cũng không sửa được chính sách của bậc đó. Những lời cực thâm thuý thì thần không dám chép lại trong thư này, còn những lời thô thiển thì không đáng đại vương đọc. Hay là thần ngu mà lời không hợp với lòng đại vương chăng, hay là người giới thiệu hèn mọn, không đáng nghe chăng? Nếu không phải vậy thì cái chí của thần là xin đại vương du lãm còn dư thì giờ gia ân cho thần được ra mắt đại vương.
Thư dâng lên, vua Tần mừng, cảm tạ Vương Kê, rồi sai người đánh xe đón Phạm Tử.
9. PHẠM TUY THUYẾT VUA TẦN
(Phạm Tử chí) – QC – BC
Phạm Tuy tới, vua Tần Chiêu Vương xuống thềm mà đón, kính cẩn dùng lễ tân chủ mà tiếp. Phạm Tuy từ tạ, khiêm nhượng. Hôm đó tiếp kiến Phạm Tuy, các bề tôi ở triều Tần đều kinh dị biến sắc. Vua Tần đuổi hết kẻ tả hữu ra ngoài, trong cung không còn ai.
Vua Tần quỳ xuống hỏi:
- Tiên sinh có điều gì dạy bảo quả nhân không?
Phạm Tuy đáp: Dạ, dạ.
Một lát vua Tần lại hỏi. Phạm Tuy lại đáp: Dạ, dạ. Như vậy ba lần. Vua Tần quỳ mọp xuống hỏi:
- Tiên sinh không muốn dạy bảo quảnhân chăng?
Phạm Tuy tạ tội:
- Đâu dám vậy. Thần nghe xưa Lữ Thượng lúc gặp vua Văn Vương chỉ là một lão đánh cá, câu bên bờ phía bắc sông Vị, như vậy giao tình còn sơ lắm. Nhưng khi Lữ Thượng bàn bạc xong thì Văn Vương phong ngay làm thái sư mà mời ngồi chung xe về triều, là vì lời của Lữ Thượng thâm thiết. Sau quả nhiên Văn Vương nhờ Lữ Thượng mà thành công, gồm thâu thiên hạ, lên ngôi đế vương. Giá trước kia Văn Vương sợ Lữ Thượng mà không nghe lời thâm thiết của ông thì nhà Chu không có cái đức làm thiên tử mà vua Văn, vua Võ không dựng vương nghiệp được.
Nay thần là người lạ tới đây, đối với đại vương còn là sơ tình, mà những điều thần muốn bày tỏ là để củ chính sự tình của vua tôi, xen vào tình cốt nhục của người; thần nguyện tỏ tấm lòng trung thành ngu muội mà chưa biết rõ lòng đại vương, vì vậy đại vương hỏi ba lần mà thần không dám đáp. Không phải là thần sợ mà không dám nói, thần biết rằng, hôm nay nói thì ngày mai sẽ bị giết, biết vậy nhưng thần không hề sợ chết. Đại vương tin mà thi hành lời của thần, thì chết thần đâu có sợ, bị trục xuất thần đâu có lo, phải sơn mình thành thằng cùi, xoã tóc thành thằng điên, thần đâu có lấy làm nhục. Thánh như ngũ đế mà còn chết, nhân như tam vương mà còn chết, hiền như ngũ bá mà còn chết, mạnh như Ô Hoạch mà còn chết, dõng như Mạnh Bôn, Hạ Dục mà còn chết, ai mà thoát khỏi chết đâu; chịu cái thế tất nhiên để giúp Tần được chút nào chăng, đó là cái ước nguyện lớn của thần, có gì mà lo?
Ngũ Tử Tư trốn trong đãy mà qua thoát cửa Chiêu Quan, đêm đi, ngày núp ở Lăng Phù, không có gì để bỏ vô miệng, bò lết đi không nổi, vỗ bụng làm trống, thổi ống tiêu mà xin ăn ở chợ nước Ngô mà sau phục hưng được nước Ngô, giúp Hạp Lư làm được nghiệp bá. Nếu thần được dâng mưu như Ngũ Tử Tư rồi có bị đày trong ngục tối suốt đời, không được gặp lại đại vương nữa, thì là mưu kế của thần được thi hành rồi, có gì mà buồn?
Kỉ Tử, Tiếp Dư, mình sơn như cùi, tóc xoã như điên mà không ích gì cho vua Ân, nước Sở. Nay nếu thần được có cái hành vi của Kỉ Tử, Tiếp Dư, có thể giúp được cho bực quân chủ hiền minh, thì đó là cái vinh lớn của thần, có gì mà nhục?
Thần sợ là chỉ sợ sau khi thần chết rồi, thiên hạ thấy thần tận trung mà thân bị giết, ai cũng câm miệng chùn chân, không dám tới giúp Tần nữa.
Bệ hạ trên thì sợ uy thái hậu, dưới thì bị kẻ gian thần mê hoặc, ở trong chốn thâm cung, không rời khỏi tay thái bảo, thái phó, suốt đời mê hoặc, không phân biệt được đâu là gian trá; hoạ mà lớn thì tôn miếu sụp đổ, nhỏ thì bản thân hoá cô lập mà lâm nguy, đó là điều thần sợ vậy. Còn như cái cảnh thần bị khốn cùng, nhục nhã, tử vong, thì thần đâu có sợ. Thần chết mà nước Tần được thịnh trị thì chết mà hơn sống.
Vua Tần quỳ xuống, nói:
- Sao tiên sinh lại nói thế! Nước Tần ởchỗ hẻo lánh, quả nhân ngu muội, tiên sinh hạ cố mà tới đây, đó là Trời vì quả nhân mà làm rầy tiên sinh để bảo tồn tôn miếu của tiên vương. Quả nhân được tiên sinh dạy bảo, thế là Trời quý tiên sinh mà không bỏ kẻ cô độc này vậy! Sao tiên sinh lại nói thế! Bất kỳ việc lớn việc nhỏ, trên từ thái hậu, dưới tới đại thần, có điều gì xin tiên sinh cứ dạy hết cho, chứ đừng nghi ngờ quả nhân.
Phạm Tuy lạy hai lạy, vua Tần cũng lạy hai lạy.
Phạm Tuy nói:
- Nước của đại vương, bắc có Cam
Tuyền, Cốc Khẩu, phía nam có sông Kinh, sông Vị, phía hữu có Lũng, Thục, phía tả có Quan Bản; chiến xa có ngàn cổ, quan lính hăng hái có trăm vạn. Dùng số quân lính dũng cảm, số xe và ngựa chiến đông đảo của Tần mà đánh chư hầu thì không khác gì xua chó nước Hàn mà săn bầy thỏ què, có thể dựng nghiệp bá vương được. Nay trái lại, Tần đóng cửa ải mà không dám đem binh ra Sơn Đông, đó là tại Nhương Hầu mưu tính việc nước mà không trung, mà kế của đại vương hỏng rồi.
Vua Tần nói:
- Xin được nghe kế nào hỏng.
Tuy đáp:
- Đại vương vượt qua Hàn, Ngụy đểđánh nước Tề mạnh, kế đó hỏng. Nếu ra quân ít thì không đủ để đánh bại Tề, nếu ra quân nhiều thì có hại cho Tần. Tần đoán ý đại vương là muốn ra quân ít, mà dùng hết quân của Hàn, Ngụy, như vậy là bất nghĩa. (Lại thêm) ngay như những nước liên hợp với mình cũng không thể thân được, vậy thì vượt qua nước người ta để đánh nước khác là điều có nên không? Như vậy là mưu tính không kỹ.
Xưa Tề thắng Sở, quân Sở tan, tướng Sở chết, mở rộng cả ngàn dặm, kết quả là chút đất nhỏ hẹp ở ngoài cũng không được: có phải là Tề không muốn được đất đâu, vì hình thế mà không thể chiếm được đấy. Chư hầu thấy Tề tỏ vẻ mệt mỏi, vua tôi không thân với nhau, mới đem binh đánh, vua nhục mà quân tan, thiên hạ cười cho; sở dĩ vậy là vì đánh Sở để cho Hàn, Ngụy béo bở. Thế là đưa đao cho giặc, cấp lương cho trộm vậy.
Tốt hơn là đại vương liên kết với nước ở xa mà đánh nước ở gần, được tấc đất nào thì tấc đất ấy là của đại vương, được thước đất nào thì thước đất ấy cũng của đại vương. Nay không dùng chính sách đó mà đi đánh nước ở xa, chẳng phải là lầm ư?
Vả lại, xưa kia, đất Trung Sơn rộng năm trăm dăm, Triệu riêng chiếm cứ, công thành danh toại, lại thêm lợi, thiên hạ không nước nào hại Triệu được. Nay Hàn, Ngụy là những nơi ở khoảng giữa, là cái chốt của thiên hạ, nếu đại vương muốn dựng nghiệp bá, thì phải thân thiện với miền trung gian, coi đó là cái chốt của thiên hạ, để uy hiếp Triệu, Sở. Triệu mà mạnh thì Sở dựa Triệu; Sở, Triệu dựa vào nhau thì Tề rất sợ; sợ thì tất nhún lời và tặng Tần nhiều tiền của để thờ Tần. Tề mà dựa vào Tần thì Hàn, Ngụy có thể diệt được.
Vua Tần bảo:
- Quả nhân muốn thân với Ngụy, nhưngNgụy là nước đa trá, quả nhân không thân với được. Xin hỏi muốn thân với Ngụy thì phải làm sao?
Phạm Tuy đáp:
- Nhún lời và tặng nhiều tiền của đểthờ; không được thì cắt đất mà dâng, không được nữa thì đem binh đánh.
(Vua Tần sau đem binh đánh đất Hình Khâu, hạ được Hình khâu và Ngụy xin quy phục).
Phạm Tuy bảo:
- Địa thế của Tần, Hàn xen lẫn nhaunhư bức thêu, Tần mà có đất của Hàn như gỗ mà có sâu mọt, người mà có bệnh ở tim, bụng. Thiên hạ có biến, thì làm hại cho Tần không gì bằng Hàn. Đại vương thu phục Hàn là hơn cả.
Vua Tần hỏi:
- Quả nhân muốn thu phục Hàn, Hànkhông nghe thì phải làm sao?
- Đem quân đánh Huỳnh Dương thì đường Thành Dịch bị nghẽn, phía bắc cắt đường Thái Hàng thì binh Thượng Đảng không xuống được, một lần đánh Huỳnh Dương mà nước đó bị cắt làm ba, Hàn thấy nước mình tất mất, sao lại không nghe? Hàn mà chịu quy phục thì nghiệp bá thành được.
Vua Tần khen phải.
Phạm Tuy bảo:
- Thần ở Sơn Đông, chỉ nghe nói Tềcó Điền Đan chứ không nghe nói có vua; chỉ nghe nói Tần có thái hậu, Nhương Hầu, Kinh Dương, Hoa Dương chứ không nghe nói có vua. Thống trị trong nước thì gọi là vua, có uy quyền cho sống hay bắt chết thì gọi là vua. Nay thái hậu chuyên quyền không đoái gì tới đại vương, Nhương Hầu đi sứ ra ngoài mà không báo cho đại vương hay, Kinh Dương, Hoa Dương dùng hình phạt mà không kiêng kị gì cả. Có đủ bốn vị quí nhân đó mà nước không nguy thì là việc chưa từng thấy. Vua ở dưới bốn vị đó, cho nên bảo là không có vua; như vậy thì quyền làm sao không nghiêng mà lệnh làm sao xuất phát từ vua được? Thần nghe nói người khéo trị nước, ở trong thì củng cố cái uy, ở ngoài thì làm cho quyền mình được tôn trọng. Nhương Hầu tự ý đi sứ, thế là nắm cái tôn nghiêm của đại vương mà chia sẻ chư hầu, cắt hợp thiên hạ, đánh dẹp các nước, không ai dám không nghe. Đánh mà thắng, tấn công mà chiếm được thì lợi về đất Đào; mà Tần sẽ mệt mỏi, bị chư hầu chế phục. Đánh mà thua, thì gây oán với trăm họ mà hoạ quy về xã tắc. Kinh Thi có câu: “Trái mà sai quá thì cành tất gẫy toác ra, cành gẫy toác ra thì ruột cây bị thương; kinh đô mà lớn quá thì nguy cho nước, bề tôi mà uy quyền quá thì vua bị khinh rẻ”. Náo Xỉ nắm quyền của Tề, rút gân của Mẫn Vương, treo lên cái rường nhà tôn miếu, rồi Mẫn Vương chết; Lý Đoái chuyên quyền ở Triệu, bắt vua ăn bớt đi, trăm ngày rồi chết vì đói. Nay thái hậu, Ngụy Hầu chuyên quyền, Cao Lăng, Kinh Dương phụ lực, rốt cuộc rồi không còn vua Tần nữa; như vậy có khác gì hạng Náo Xỉ, Lý Đoái? Nay thần thấy đại vương lẻ loi ở triều miếu, và thần lo rằng đời sau, người làm vua nước Tần không phải là con cháu đại vương đâu!
Vua Tần sợ, bèn truất phế thái hậu, đuổi Nhương Hầu, đày Cao Lăng, Kinh Dương ra ngoài cửa ải.
Chiêu Vương bảo Phạm Tuy:
- Xưa vua Tề được Quản Trọng, gọi Quản Trọng là Trọng phủ, nay tôi được tiên sinh, cũng xin gọi là phủ.
10. BỀ TÔI MẠNH QUÁ THÌ NGUY CHO VUA – C18,12-55
(Ưng Hầu vị Chiêu Vương)
Ưng Hầu hỏi Tần Chiêu Vương:
- Đại vương có nghe truyện thần bụi cây (ở Hằng Tư) không? Ở Hằng Tư có một thiếu niên bạo gan, rủ bụi cây đánh bạc, bảo: “Ta mà thắng bụi cây thì bụi cây phải cho ta mượn thần bụi cây trong ba ngày; nếu ta thua thì bụi cây muốn làm gì ta tuỳ ý”. Nói rồi, tay trái nó gieo con thò lò thay bụi cây, tay phải nó gieo cho nó, nó thắng bụi cây, bụi cây cho nó mượn thần bụi cây trong ba ngày. Khi hết hạn, bụi cây lại đòi thì nó không trả.
Năm ngày sau bụi cây khô; bảy ngày sau, bụi cây chết.
Nước Tần là bụi cây của đại vương, quyền thế là thần của đại vương, cho người khác mượn cái thần đó, có thể không nguy được không? Thần chưa từng thấy ngón tay mà lớn hơn cánh tay, cánh tay mà lớn hơn bắp vế; nếu có như vậy thì bệnh tất nặng lắm. Một trăm người kiệu một cái bầu mà chạy nhảy không bằng một người bưng nó mà đi; nếu một trăm người kiệu một cái bầu thì cái bầu tất tan tành. Nay nước Tần, Hoa Dương dùng, Nhương Hầu dùng, thái hậu dùng, đại vương cũng dùng nữa; nó không phải là một đồ dùng như cái bầu (ai cũng uống được) thì phải thôi đi; nếu nó là một đồ dùng như cái bầu ai cũng uống được, thì thế nào nó cũng tan tành.
Thần nghe nói rằng trái mà sai quá thì cành tất gãy toác ra, cành gãy toác ra thì ruột cây bị thương; kinh đô mà lớn quá thì nguy cho nước; bề tôi mà mạnh quá thì nguy cho vua. Nay trong ấp của đại vương, từ kẻ lương được một đấu trở lên, cho đến quan uý, quan nội sử có người nào không phải là người của quan tướng quốc không? Nước mà bình yên thì thôi, nước mà loạn lạc thì thần tất mong được thấy đại vương độc lập ở triều đình. Thần trộm lo thay đại vương, sợ rồi vạn đời sau, người làm chủ nước Tần này không phải là con cháu đại vương đâu.
Thần nghe rằng người xưa khéo trị nước, có quyền uy ở trong thì kiểm soát kẻ phụ tá, ở ngoài thì ban bố hiệu lệnh ra bốn cõi; chính trị không loạn không nghịch, sứ giả cứ theo đường thẳng mà đi, không dám làm khác. Nay sứ giả của thái hậu làm chia rẽ các chư hầu, mà con dấu làm tin do Nhương Hầu phát ra, thiên hạ đều công nhận; ông ta thao túng cái uy thế của một đại quốc, ép buộc trưng binh để đánh chư hầu; khi chiến thắng, chiếm được đâu thì bao nhiêu cái lợi thu về đất Đào của ông ta cả. Tiền bạc tơ lụa vô hết trong kho thái hậu, còn lợi trong nước thì chạy vào Hoa Dương cả. Cái mà cổ nhân gọi là cái đạo hại vua diệt nước, tất phải bắt đầu như vậy.
Ba vị quý nhân đó làm khánh kiệt quốc gia để tự củng cố cho mình thì mệnh lệnh làm sao còn do đại vương xuất phát được nữa? Làm sao quyền không bị phân tán? Thế là quả thực đại vương chỉ giữ được một phần ba thôi!.
11. ĐỪNG TẤN CÔNG ĐẤT
MÀ NÊN TẤN CÔNG NGƯỜI – C18,13-120
(Tần công Hàn)
Tần đánh Hàn, vây thành Hình, Phạm Tuy bảo Tần Chiêu Vương:
- Có kẻ tấn công người, có kẻ tấn công đất đai. Nhương Hầu mười lần đánh Ngụy mà không làm hại được Ngụy, không phải là vì Tần yếu mà Ngụy mạnh, chỉ vì Nhương Hầu tấn công đất đai mà đất đai là cái mà bậc vua chúa rất quí. Nhân thần là kẻ vui vẻ chết vì vua chúa. Tấn công cái mà bậc vua chúa rất quí (tức đất đai), thì phải chiến đấu với những kẻ vui vẻ chết vì vua chúa, vì vậy mà mười lần đánh vẫn không thắng được.
Nay đại vương đánh Hàn, vây thành Hình, thần xin đại vương đừng riêng tấn công đất mà tấn công người của Hàn. Đại vương đánh Hàn, vây thành Hình, xin cứ nói là tấn công Trương Nghi. Nếu quyền lực của Trương Nghi lớn, hắn sẽ (thuyết vua Hàn) cắt đất để chuộc tội với đại vương; mấy lần cắt đất thì Hàn làm sao còn tồn tại được? Nếu quyền lực của Trương Nghi yếu thì vua Hàn sẽ đuổi Trương Nghi đi mà dùng một kẻ không bằng Trương Nghi để thương thuyết với ta, như vậy đại vương đòi Hàn cái gì cũng được hết.
13. CÁC KẺ SĨ TRONG THIÊN HẠ TRANH NHAU ĂN
(Thiên hạ chi sĩ hợp tung)
Các kẻ sĩ trong thiên hạ theo chính sách hợp tung, họp nhau ở Triệu, muốn đánh Tần. Tể tướng Tần là Ưng Hầu (tức Phạm Tuy), bảo vua Tần:
- Đại vương đừng lo, thần xin giải tán họ. Kẽ sĩ trong thiên hạ không có gì oán Tần, họ họp nhau mà muốn đánh Tần là mong được phú quí đấy thôi. Đại vương thấy bầy chó của đại vương không? Nằm thì cùng nằm, dậy thì cùng dậy, đi thì cùng đi, ngừng thì cùng ngừng, không cắn nhau. Nhưng ném cho chúng một khúc xương thì chúng vùng dậy mà nhe răng ra cắn nhau. Tại sao vậy? Tại tranh ăn.
Vua Tần bèn sai Đường Tuy đem theo đội âm nhạc với năm ngàn nén vàng, lại đất Vũ An bày tiệc ăn uống. Bảo người Hàm Đan: Ai muốn vàng thì lại mà lấy. Những mưu sĩ hợp tung tuy không phải ai cũng được tặng vàng, nhưng kẻ nào đã được tặng thì thân với Tần như thể anh em.
Phạm Tuy lại bảo Đường Tuy: “Ông muốn lập công cho Tần thì đừng kể tới tiền nong, tiêu tiền cho hết thì công ông càng nhiều. Nay sai người lại đem năm ngàn nén vàng giao cho ông nữa”.
Đường Tuy bèn ra đi, tới Vũ An, tiêu chưa hết ba ngàn nén mà kẻ sĩ mưu hợp tung trong thiên hạ đã tranh nhau rồi.
17. THÁI TRẠCH THUYẾT PHẠM TUY – C19,19-21
(Thái Trạch kiến trục ư Triệu)
Thái Trạch bị đuổi ở Triệu, Hàn và Ngụy, đi đường bị kẻ giật mất nồi bát. Nghe tin Ưng Hầu, tể tướng nước Tần, đương thẹn thùng vì hai người Ưng Hầu tiến cử, Trịnh An Bình và Vương Kê đều bị trọng tội; bèn đi qua phía tây, vô Tần. Trước khi yết kiến Chiêu Vương, Thái Trạch muốn chọc giận Ưng Hầu, sai người phao tin rằng: “Khách của nước Yên là Thái Trạch là kẻ sĩ tuấn kiệt hùng biện, ông ấy mà yết kiến vua Tần thì thế nào vua Tần cũng dùng làm tể tướng, và Phạm Tuy sẽ mất chức”.
Ưng Hầu nghe vậy, sai người vời Thái Trạch. Thái Trạch vô vái Ưng Hầu. Ưng Hầu vốn đã không vui, khi yết kiến Ưng Hầu, Thái Trạch lại có vẻ ngạo mạn. Ưng Hầu trách:
- Ông thường tuyên bố rằng sẽ thay tôilàm tể tướng nước Tần, phải vậy chăng?
- Phải?
Ưng Hầu nói:
- Xin cho nghe vì lẽ gì.
Thái Trạch đáp:
- Ôi! Sao ngài hiểu chậm thế! Bốn mùathay phiên nhau, thành công rồi thì đi. Sống ở đời, chân tay khoẻ mạnh, tay mắt sáng suốt, thánh trí, có phải là sở nguyện của kẻ sĩ không?
- Phải.
- Giữ vững nhân nghĩa, hành đạo, banđức trong thiên hạ, thiên hạ vui vẻ kính yêu, mong được một bậc quân vương như vậy, đó chẳng phải là nguyện vọng của những biện sĩ thông minh ư?
- Phải.
Thái Trạch nói tiếp:
- Phú quí vinh hiển, sử trị vạn vật, vạnvật đều mãn nguyện; được sống hết tuổi trời, không phải chết yểu. Thiên hạ nối giềng mối của mình, giữ sự nghiệp của mình mà truyền hoài cho các đời sau. Danh tiếng hoàn toàn tốt đẹp, ơn huệ lưu đến ngàn đời, tiếng ca tụng không bao giờ tuyệt, khi nào thiên hạ dứt thì mới dứt. Như vậy chẳng phải là cái biểu trưng của đạo, mà thánh nhân gọi là điềm lành, việc tốt đấy ư?
Ưng Hầu đáp:
- Phải.
- Còn như Thương Quân ở Tần, Ngô Khởi ở Sở, đại phu Chủng ở Việt, chết đi như họ có nên không?
Ưng Hầu biết rằng Thái Trạch muốn thuyết cho mình bí, nên hỏi vặn:
- Có gì là không nên? Công Tôn Ưởngthờ Hiếu Công, tận tâm không ai hơn, chỉ lo cho công nghĩa chứ không nghĩ đến tư lợi, thưởng phạt theo đúng phép mà nước rất yên ổn, đem hết tài năng, tỏ hết tình trong trắng mà chịu lời oán trách, là lừa gạt bạn cũ để bắt sống công tử Cung của Ngụy; vì Tần mà bãi tướng, phá quân của địch, cướp đất ngàn dặm. Ngô Khởi thờ Điệu Vương, không để việc riêng làm hại việc công, lời gièm pha không che lấp được lòng trung, ngôn hạnh nghiêm trang, không cẩu hợp, làm việc nghĩa thì chẳng kể lời khen chê, nhất định làm cho Sở thành một nước bá chủ hùng cường, không từ tai hoạ. Quan đại phu Chủng thờ Việt Vương, vua gặp cảnh khốn nhục mà vẫn giữ lòng tận trung, vua tuy mất nước mà hết lòng thờ chứ không bỏ; công nhiều mà không khoe, giàu sang mà không kiêu ngạo sơ suất, ba ông đó đều là tận trung, tận nghĩa. Bậc quân tử sát thân thành danh, cứ theo đúng điều nghĩa dù có chết cũng không ân hận, như vậy có gì là không nên?
Thái Trạch đáp:
- Vua mà thánh, bề tôi mà hiền là cáiphúc của thiên hạ; vua mà sáng suốt, bề tôi mà trung thì là cái phúc của nước; cha mà từ, con mà hiếu, chồng mà trí, vợ mà trinh, thì là cái phúc của nhà. Tỉ Can trung mà không bảo tồn được nhà Ân, Tử Tư trí mà không bảo tồn được nhà Ngô; Thân Sinh hiếu mà nước Tần loạn; như vậy là có trung thần, hiếu tử mà quốc gia bị diệt, loạn. Tại sao vậy? Tại không có bực minh quân, hiền phụ nghe lời những người đó, cho nên thiên hạ thương cho bọn bề tôi và con bị vua, cha giết hoặc làm nhục đó. Còn đợi tới lúc chết rồi mới rõ được lòng trung mà để danh ở đời (thì là vụng), cho nên Vi Tử không đáng gọi là nhân, Khổng Tử không đáng gọi là thánh mà Quản Trọng không đáng gọi là tài.
Ưng Hầu khen là phải. Được một lát, Thái Trạch lại hỏi:
- Người ta có thể nguyện làm được như Thương Quân, Ngô Khởi, quan đại phu Chủng, làm bề tôi hết lòng, tận lực, nhưng Hoành Yêu thờ Văn Vương, Chu Công giúp Thành Vương, chẳng phải là trung ư? Lấy cái lẽ vua tôi mà bàn thì Thương Quân, Ngô Khởi, đại phu Chủng với Hoành Yêu, Chu Công, nên như người nào?
Ưng Hầu đáp:
- Thương Quân, Ngô Khởi, đại phu Chủng không bằng hai ông kia.
- Vậy thì chúa công của ngài nhân từvà thân với trung thần, không gạt bạn cũ, so với Tần Hiếu Công, Sở Điệu Vương, Việt Vương ai hơn?
- Chưa biết được.
- Chúa công của ngài thân với trung thần không bằng Tần Hiếu Công, Sở Điệu Vương, Việt Vương; ngài vì chúa công của ngài mà trị loạn, trừ hoạn nạn, mở rộng đất để trồng trọt, làm cho quốc gia giàu có, chúa mạnh, uy quyền trùm hải nội, công lao tỏ rõ ra ngoài vạn dặm, nhưng không hơn được Thương Quân, Ngô Khởi, quan đại phu Chủng. Mà tước vị bổng lộc của ngài cao, nhà riêng của ngài giàu hơn ba ông kia. Như vậy mà ngài chưa lui về, tôi trộm lo rằng nguy cho ngài đấy. Ngạn ngữ có câu: “Mặt trời tới đỉnh đầu rồi thì xế, mặt trăng tròn rồi thì khuyết”. Vật thịnh rồi suy, đó là lẽ thường trong thiên hạ. Tiến thoái, vơi đầy, biến hoá đó là lẽ thường của thánh nhân.
Xưa kia Tề Hoàn Công chín lần họp chư hầu, thu phục thiên hạ, tới khi họp ở Quỳ Khâu, có vẻ kiêu căng, chín nước bèn làm phản không phó hội. Ngô Vương là Phù Sai vô địch trong thiên hạ, khinh chư hầu, xâm lấn Tề, Tấn rồi thân chết nước tan; Hạ Dục, Thái Sử Khải la hét làm cho tam quân phải sợ mà thân chết vì kẻ thất phu. Những người đó đều là không biết đạo rút lui khi đã cực thịnh.
Thương Quân vì Hiếu Công chỉnh đốn cán cân quả cân, sửa lại độ lượng, điều lý nặng nhẹ, chia xẻ đất ruộng bằng bờ thiên bờ mạch, dạy dân cày cấy, tập trận; cho nên khi dấy binh thì đất mở rộng thêm, hưu binh thì nước giàu thêm, mà Tần hoá ra vô địch trong thiên hạ, chư hầu phải sợ uy. Nhưng công thành mà bị xe ngựa phanh thây.
Nước Sở, quân lính cầm kích có tới trăm vạn. Bạch Khởi đem vài vạn quân đánh nhau với Sở, một trận lấy được Yên, Dĩnh, một trận nữa đốt Di Lăng, phía nam thôn tính Thục, Hán, lại vượt qua Hàn, Ngụy mà đánh nước Triệu hùng cường, phía bắc chôn sống Mã Phục, giết trên bốn chục vạn dân, máu chảy thành sông, tiếng nổi như sấm, giúp Tần dựng được nghiệp đế. Từ đó về sau Triệu, Sở khiếp sợ, qui phục, không dám đánh Tần, là nhờ thế mạnh của Bạch Khởi. Một mình ông ta hạ được hơn bảy chục thành rồi mà phải tự đâm cổ ở Đỗ Bưu.
Ngô Khởi giúp Sở Điệu Vương, truất kẻ vô tài, phế kẻ vô dụng, rút bớt những quan chức không cần thiết, bịt những lời xin xỏ ở nhà riêng, thống nhất phong tục nước Sở, phía nam đánh Dương Việt, phía bắc thôn tính Trần, Thái, phá tan thế tung và thế hoành, khiến cho bọn biện sĩ không còn mở miệng được nữa; công thành rồi mà bị phanh thây.
Đại phu Chủng giúp Việt Vương khẩn hoang lập ấp, vỡ đất trồng lúa, đem sức quân tướng bốn phương đánh nước Ngô hùng cường mà lập nghiệp bá cho Việt, sau bị Câu Tiễn đập chết.
Bốn ông đó công thành rồi mà không lui về nên mới bị hoạ như vậy, đó đúng như lời: “Duỗi mà không biết co, tiến nhưng không biết lui”. Phạm Lãi biết lẽ đó, nên siêu nhiên tị thế, làm ông Chu ở huyện Đào mà được sống lâu.
Ngài có xem người ta đánh bạc không? Hoặc muốn đánh một canh bạc lớn, hoặc muốn chia làm nhiều canh bạc nhỏ, lẽ đó ngài đã biết rõ. Nay ngài làm tể tướng nước Tần, tính ngồi hoài không dời chiếu, từ chỗ lang miếu mà ức chế chư hầu, khai thác cái lợi đất Tam Xuyên để làm đầy kho ở Nghi Dương, thông đường hiểm trở Dương Trường, chặn cửa
Thái Hàng, lại cắt đường của hai họ Phạm, Trung Hàng, mở đường sạn đạo ngàn dặm, thông tới đất Thục, Hán, khiến cho thiên hạ đều sợ Tần. Nhưng Tần đã được thỏa mãn rồi, công của ngài đã đến cực điểm, nay là lúc Tần muốn chơi canh bạc nhỏ đây, như vậy mà ngài không lui về, thì sẽ như Thương Quân, Bạch Khởi, Ngô Khởi, đại phu Chủng đấy. Sao lúc này ngài không giao lại tướng ấn cho bậc hiền giả nhận lấy?
Nên có đức liêm của Bá Di, được giữ hoài chức Ưng Hầu, đời đời xưng “cô” mà thọ như Kiều, Tùng, ai mà hại ngài được? Sao, ngài lựa đường nào?
Ưng Hầu đáp: “Phải”, rồi mời Thái Trạch lên ngồi, đãi làm thượng khách. Ít ngày sau Ưng Hầu vô triều, tâu với Tần Chiêu Vương:
- Có người khách mới ở Sơn Đông qua, tên là Thái Trạch, vào bậc biện sĩ. Thần đã thấy rất nhiều người, không ai bằng ông ta, thần cũng không bằng.
Vua Tần vời Thái Trạch vô cung bàn luận, rất mừng, phong làm khách khanh.
Ưng Hầu cáo bệnh, xin trả tướng ấn. Chiêu Vương rán lưu lại. Ưng Hầu viện lẽ bệnh nặng, được từ chức.
Chiêu Vương lại thích kế hoạch của Thái Trạch, phong ông ta làm tể tướng. Khi Tần thu phục được nhà Chu ở phía đông, Thái Trạch còn làm tể tướng. Vài tháng sau, có người ghét ông ta, ông ta sợ bị vua giết, cáo bệnh, trả lại tướng ấn, được phong làm Cương Thành Quân, ở nước Tần trên mười năm, thờ Chiêu Vương, Hiếu Văn Vương, Trang Tương
Vương, sau cùng thờ Thuỷ Hoàng Đế, vì Tần mà đi sứ qua Yên ba năm, và Yên sai thái tử Đan qua làm con tin ở Tần.
Chiến Quốc Sách Chiến Quốc Sách - Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê Chiến Quốc Sách