Số lần đọc/download: 3614 / 73
Cập nhật: 2016-02-18 21:13:13 +0700
Chương 3
N
ửa năm đã trôi qua, Lý Trọc vẫn chưa có dịp đánh nhà thơ Triệu, đánh cho ra bản sắc của nhân dân lao động. Lý Trọc cũng quên tuột lời hứa của mình với dân chúng thị trấn Lưu. Lý Trọc càng ngày càng bận. Lý Trọc đã làm xưởng trưởng Xưởng phúc lợi. Khi Lý Trọc vừa vào xưởng, hai anh chàng thọt làm xưởng trưởng và xưởng phó. Chưa được sáu tháng, hai anh chàng thọt đều sẵn sàng tự nguyện phục tùng sự chỉ huy của Lý Trọc.
Cậu lúc này mới hai mươi tuổi, đã là một xưởng trưởng. Khi Xưởng phúc lợi vốn chỉ có hai anh thọt, ba anh ngố, bốn anh mù, năm anh điếc, năm nào cũng lỗ vốn, năm nào cũng đến chỗ ông Đào Thanh xin cứu trợ.
Kinh phí dân chính ông Đào Thanh nắm giữ vốn đã ít, năm nào cũng phải giật gấu vá vai. Xưởng phúc lợi do chính tay ông Đào Thanh gây dựng nên, ông chỉ mong nó giải quyết được vấn đề ăn của mười bốn người tàn tật. Ông Đào Thanh nhận Lý Trọc là vì bà Lý Lan đã cúi rập đầu với ông đến toé máu trán. Không ngờ năm đầu tiên vào xưởng, Lý Trọc đã làm cho Xưởng phúc lợi chuyển lỗ thành lãi. Không những giải quyết được tiền lương của mười bốn người tàn tật, mà còn nộp lên trên một khoản lãi năm vạn bẩy ngàn hai trăm hai mươi bốn đồng. Năm thứ hai càng giỏi hơn, nộp lên chỗ ông Đào Thanh những hơn một trăm năm mươi ngàn đồng tiền lãi. Lợi nhuận bình quân đầu người đạt tới mười ngàn đồng. Trông thấy ông Đào Thanh, ông chủ tịch huyện tươi cười hớn hở, khen là Cục trưởng dân chính giầu nhất toàn Trung Quốc. Sau đó lặng lẽ đề nghị ông Đào Thanh bỏ ra một ít lợi nhuận từ Xưởng phúc lợi nộp lên, để ông lấp lỗ hổng tài chính trong huyện.
Vì thế, ông Đào Thanh đã lên chức cục trưởng. Đã mấy năm, ông không đến thăm Xưởng phúc lợi. Hôm nay tan cuộc họp, ông đi dạo, tiện chân ghé vào thăm. Từ lâu ông Đào Thanh biết hai anh chàng thọt xưởng trưởng xưởng phó Xưởng phúc lợi đã không quản lý xưởng, đặt ra hai chức này, chỉ là để làm vị, hữu danh vô thực, Lý Trọc trên thực tế đã là một xưởng trưởng. Ông Đào Thanh còn biết, vào Xưởng phúc lợi chưa đầy sáu tháng, Lý Trọc đã dẫn hai anh thọt, ba anh ngố, bốn anh mù, năm anh điếc đến hiệu ảnh, chụp một tấm ảnh kỷ niệm toàn gia đình Xưởng phúc lợi, sau đó đem theo tấm ảnh này, đi ô tô đường dài đến Thượng Hải. Trước khi lên ô tô, Lý Trọc đã mua tại cửa hàng điểm tâm của bà Tô mười chiếc bánh bao làm lương khô. Lý Trọc bôn ba ở Thượng Hải hai ngày, đi đến bảy cửa hiệu và tám công ty. Đưa ảnh chụp kỷ niệm cả gia đình Xưởng phúc lợi cho mọi người xem, chỉ từng người trên ảnh, nói với từng vị lãnh đạo các cửa hàng và công ty, anh nào què thọt, anh nào ngớ ngẩn, anh nào mù, anh nào điếc. Cuối cùng chỉ vào mình trong ảnh, nói:
- Chỉ còn lại một người này, không thọt, không ngớ ngẩn, không mù, cũng không điếc.
Ở đâu Lý Trọc cũng được người ta đồng tình. Sau khi ăn xong mười cái bánh bao, Lý Trọc đã có trong tay bản hợp đồng dài hạn gia công hộp giấy của một công ty cỡ bự. Sau đó Xưởng phúc lợi mới có cảnh huy hoàng hôm nay.
Khi ông Đào Thanh đi vào Xưởng phúc lợi, anh chàng thọt xưởng phó vừa từ nhà vệ sinh đi ra. Ông Đào Thanh hỏi xưởng trưởng ở đâu? Xưởng phó thọt trả lời, xưởng trưởng đang làm việc trong phân xưởng. Ông Đào Thanh giục anh ta đi gọi về, rồi bước vào phòng làm việc của xưởng trưởng. Ông trông thấy bức ảnh chụp kỷ niệm toàn gia đình Xưởng phúc lợi treo trên tường. Ông còn nhớ, lần trước đến thăm, trong phòng này có hai chiếc bàn, hai anh chàng thọt đang đánh cờ, vừa đánh vừa hoãn, vừa hoãn vừa chửi nhau. Bây giờ chỉ còn một cái bàn. Ông thấy hơi là lạ, có lẽ nào xưởng trưởng thọt đã đuổi xưởng phó thọt ra khỏi phòng làm việc? Ông Đào Thanh vừa ngồi xuống ghế, Lý Trọc đã chạy vào. Chưa bước vào cửa, Lý Trọc đã rối rít cất tiếng chào:
- Đào Cục trưởng! Đào cục trưởng đã đến thăm!
Trông thấy Lý Trọc, ông Đào Thanh cũng mừng lắm. Ông cười nói với Lý Trọc:
- Cậu làm khá lắm.
Lý Trọc khiêm tốn lắc đầu trả lời:
- Vừa bắt đầu, còn phải cố gắng, thưa Cục trưởng. Ông Đào Thanh gật đầu tán thành, hỏi Lý Trọc có hài lòng với công tác hiện nay không? Lý Trọc gật đầu rối rít, cậu bảo rất thích. Nói chuyện với Lý Trọc một lát, ông Đào Thanh nhìn ra ngoài cửa, thầm nghĩ sao mãi chưa thấy xưởng trưởng thọt trở về? Phân xưởng ở ngay bên cạnh, xưởng trưởng thọt đi chậm một chút, cũng nên có mặt rồi. Ông Đào Thanh hỏi Lý Trọc:
- Xưởng trưởng của các cậu sao mãi không thấy về?
Nghe vậy, Lý Trọc ngớ người, sau đó giơ ngón tay chỉ vào mũi mình, nói:
- Em về rồi đây, em là xưởng trưởng.
- Cậu là xưởng trưởng ư? - Ông Đào Thanh ngạc nhiên. Ông hỏi - Tại sao tôi không biết?
Lý Trọc cười trả lời:
- Cục trưởng công tác bận quá. Em cũng ngại lên quấy rầy Cục trưởng, nên chưa báo cáo.
Ông Đào Thanh sa sầm nét mặt. Ông hỏi Lý Trọc:
- Thế hai cậu xưởng trưởng xưởng phó trước kia đâu?
Lý Trọc lắc đầu đáp:
- Đã thôi cả rồi ạ! ông Đào Thanh đã rõ, tại sao phòng làm việc chỉ còn một chiếc bàn. Ông chỉ chiếc bàn hỏi Lý Trọc:
- Đây là bàn làm việc của cậu?
Lý Trọc gật đầu đáp:
- Vâng!
Ông Đào Thanh nghiêm nghị nói:
- Bổ nhiệm bãi miễn xưởng trưởng phải thông qua tổ chức, đầu tiên là lãnh đạo Cục dân chính thảo luận thông qua, sau đó báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện phê chuẩn...
Lý Trọc gật đầu lia lịa. Cậu vui vẻ nói với ông Đào Thanh:
- Đúng, đúng, Cục trưởng nói đúng, Cục trưởng hãy chính thức bãi miễn xưởng trưởng cũ, sau đó chính thức bổ nhiệm em làm xưởng trưởng.
Ông Đào Thanh sa sầm nét mặt nói:
- Tôi không có quyền ấy.
- Đào cục trưởng khiêm tốn quá! - Lý Trọc cười hì hì, chỉ tay vào ông Đào Thanh nói - Ai làm xưởng trưởng Xưởng phúc lợi, chẳng phải Cục trưởng nói một câu là xong đó sao.
Ông Đào Thanh nhăn nhó nói:
- Cậu không hiểu gì về quy chế.
Cảnh tượng tiếp sau đó, càng khiến ông khóc dở mếu dở. Anh chàng Lý Trọc tự phong làm xưởng trưởng dẫn ông Đào Thanh đi thăm phân xưởng dán hộp giấy. Mười bốn người tàn tật luôn mồm gọi Lý Trọc là "Lý xưởng trưởng", cho dù hai anh thọt vốn là xưởng trưởng xưởng phó, cũng cung kính gọi "Lý xưởng trưởng". Đứng bên cục trưởng Đào Thanh, xưởng trưởng Lý Trọc vỗ tay bôm bốp. Mười bốn người tàn tật cũng bôm bốp vỗ tay theo. Lý Trọc còn chê tiếng vỗ tay chưa giòn, hò hét mười bốn trung thần dưới quyền:
- Đào cục trưởng đến thăm anh em chúng ta. Nào, chúng ta hãy vỗ tay thật to, thật giòn như đốt pháo!
Mười bốn trung thần vỗ tay thục mạng. Mười bốn đôi tay vỗ đến nỗi nẩy cả người lên. Lý Trọc vẫn còn bảo chưa đủ, vung tay nói:
- Hô to lên, hoan nghênh Đào cục trưởng!
Hai anh thọt và bốn chàng mù hô đến khản cổ rát họng:
- Hoan hô Đào cục trưởng!
Năm anh điếc há mồm cười, không biết hai chàng thọt và bốn chàng mù đang hò hét những gì. Lý Trọc vội vàng chạy đến để năm anh điếc xem mồm mình. Mồm Lý Trọc cứ há ra ngậm vào như mồm cá ngớp mặt nước, cuối cùng đã làm cho năm chàng mù bắt chước đúng khẩu hình. Trong năm anh điếc có ba người còn câm, chỉ có hai anh điếc không câm nói ra tiếng. Tiếng "Hoan nghênh Đào Cục trưởng" vang lên nghe đinh tai nhức óc. Lý Trọc vô cùng hài lòng, giơ cả hai ngón tay cái lên khen. Sau đó Lý Trọc lại phát hiện ra vấn đề mới. Ba anh chàng dở hơi không biết nói "Đào Cục trưởng", mà cứ hét tướng "Hoan nghênh Lý xưởng trưởng", khiến Lý Trọc rất xấu hổ. Lý Trọc vội đến trước ba anh chàng ngớ ngẩn dạy họ hô "Hoan nghênh Đào Cục trưởng" như dạy họ hát. Hai cánh tay Lý Trọc bắt nhịp cứ giơ lên hạ xuống, khản cả giọng. Nhưng ba anh chàng dở hơi vẫn còn hô "Hoan nghênh Lý xưởng trưởng". Ông Đào Thanh không nhịn nổi, cười ha ha. Lý Trọc ngượng nghịu nói:
- Đào cục trưởng cho em một ít thời gian, lần sau Cục trưởng đến, em bảo đảm anh em sẽ biết hô "Đào Cục trưởng".
- Khỏi cần - Đào Cục trưởng xua tay bảo - Anh em hô "Lý xưởng trưởng" nhanh gọn đáo để.
Khi ra khỏi phân xưởng, ông Đào Thanh nhìn hai anh thọt xưởng trưởng xưởng phó, nói với Lý Trọc:
- Mình cứ tưởng hai anh lãnh đạo này đặt ra để làm vị. Bây giờ mới biết ngay đến làm vị cũng không phải.
Hai tháng sau, Lý Trọc chính thức được gọi lên phòng làm việc của ông Đào Thanh. Ông Đào Thanh đọc cho Lý Trọc nghe một lượt Giấy quyết định bổ nhiệm của Uỷ ban hành chính huyện phê chuẩn. Lý Trọc xúc động đến nỗi mặt đỏ tưng bừng. Lý Trọc nói với ông Đào Thanh, ba anh chàng dở hơi của Xưởng phúc lợi đã hô được "Đào Cục trưởng" một cách nhanh gọn. Ông Đào Thanh cười hì hì, sau đó nói với Lý Trọc một cách ý vị. Chính thức bổ nhiệm cậu làm xưởng trưởng gặp sức cản rất lớn, bởi vì Lý Trọc trước kia đã từng phạm sai lầm. Giống như nói chuyện với người tâm phúc của mình, ông Đào Thanh khẽ bảo Lý Trọc, người ngoài ai cũng bảo Lý Trọc là họ hàng ruột thịt của ông. Ông yêu cầu Lý Trọc từ nay trở đi phải chú ý đến hình tượng của mình, sửa đổi những thói xấu ngông cuồng. Cuối cùng ông Đào Thanh giao chỉ tiêu nộp lãi cho Lý Trọc. Ông giơ hai ngón tay, bảo:
- Năm nay cậu phải nộp lên hai trăm ngàn đồng.
Lý Trọc giơ ba ngón tay:
- Em nộp lên ba trăm ngàn, không đạt chỉ tiêu này, em xin từ chức. Ông Đào Thanh gật đầu hài lòng. Lý Trọc cuộn tờ giấy quyết định bổ nhiệm của Uỷ ban nhân dân huyện phê chuẩn, định bỏ vào túi. Ông Đào Thanh chỉ giấy bổ nhiệm hỏi:
- Cậu làm gì vậy?
Lý Trọc đáp:
- Em đem về nhà.
Ông Đào Thanh lắc đầu, bảo:
- Đúng là cậu không hiểu gì về quy chế, giấy bổ nhiệm này phải đưa sang Ban Tổ chức lưu hồ sơ, hiện giờ cậu đã là cán bộ nhà nước.
- Em là cán bộ nhà nước rồi sao? - Lý Trọc nghệt mặt ra. Cậu nói - Vậy em càng nên đem về cho anh Tống Cương xem. Ông Đào Thanh nhớ tới cậu bé Tống Cương, vừa đáng thương, lại vừa đáng yêu mười hai năm trước. Lưỡng lự một lát, ông đã đồng ý cho Lý Trọc đem tờ giấy bổ nhiệm về nhà cho Tống Cương xem. Nhưng ông yêu cầu buổi chiều phải giao trả. Khi bước ra khỏi cửa, Lý Trọc cúi gập lưng chào ông. Lý Trọc nói một cách chân thành:
- Cảm ơn Đào Cục trưởng đã cho em làm xưởng trưởng!
Ông Đào Thanh vỗ vai Lý Trọc nói:
- Cảm ơn gì, cậu đều đã tiền trảm hậu tấu.
Nghe bốn chữ "tiền trảm hậu tấu", Lý Trọc cười hì hì. Khi bước ra khỏi Cục dân chính, một lần nữa buột ra khỏi mồm Lý Trọc, bốn chữ "tiền trảm hậu tấu" đã hoàn toàn biến mùi.
Lý Trọc cầm tờ giấy bổ nhiệm của Uỷ ban nhân dân huyện trong tay, gặp ai quen trên đường cũng giở ra cho xem, giương giương tự đắc nói với họ, bây giờ cậu đã là Lý xưởng trưởng. Khi gặp anh Đồng thợ rèn trên cầu, Lý Trọc kéo anh ngồi phốc lên lan can, làm ra vẻ, giảng giải mình đã làm xưởng trưởng Xưởng Phúc lợi như thế nào. Lý Trọc nói với anh Đồng, thực tế mình đã làm xưởng trưởng Xưởng Phúc lợi từ lâu. Lý Trọc vẩy vẩy tờ giấy bổ nhiệm trong tay, nói:
- Tờ giấy này chỉ là cho một danh phận.
- Đúng! - Anh Đồng thợ rèn đáp một tiếng, nói tiếp - Giống như giấy đăng ký kết hôn ấy mà, thằng chó nào còn nín được đến ngày cưới, có mà ngủ với nhau từ đời tám hoánh. Giấy đăng ký kết hôn chỉ cho cái danh phận, gọi là hợp pháp hoá.
- Đúng! Tức là hợp pháp hoá - Lý Trọc cũng kêu lên, nói với anh Đồng thợ rèn - Nói theo lối của Đào Cục trưởng, thì em đã làm phễnh bụng con gái nhà người ta, con gái nhà người ta chỉ có thể gả cho em, đấy gọi là tiền trảm hậu tấu.
Khi Lý Trọc về đến nhà, Tống Cương đã nấu cơm trưa đâu vào đấy, bát đũa cũng sắp sẵn, ngồi trước mâm chờ Lý Trọc. Tiểu nhân đắc chí, Lý Trọc ngồi xuống cạnh bàn, khinh khỉnh nhìn cơm canh trên mâm, lủng bủng nói:
- Đường đường là một Lý Xưởng trưởng hẳn hoi, ngày nào cũng ăn cơm độn rau nát...
Tống Cương không biết Lý Trọc đã là xưởng trưởng chính thức. Tống Cương cứ tưởng thằng em vẫn là xưởng trưởng tự phong, cười hì hì một tiếng, bưng bát lên ăn. Lúc này Lý Trọc mới giở tờ giấy quyết định bổ nhiệm ra, giơ vào trước mắt Tống Cương. Tống Cương vừa nhai cơm, vừa đọc xong tờ giấy, sung sướng quá, nhảy quớ lên. Tống Cương nói ồm ồm, cơm và thức ăn đang đầy mồm, khiến lời nói không chính xác. Tống Cương nhè cơm rau ra lòng bàn tay, thở sâu một hơi, reo lên:
- Lý Trọc, em đúng là...
Bình tĩnh, tự tin, Lý Trọc đã uốn nắn lời nói của Tống Cương:
- Là Lý xưởng trưởng.
- Lý xưởng trưởng, em đúng là Lý xưởng trưởng!
Tống Cương sướng quá, nhảy tâng tâng trong nhà, luôn mồm kêu "Lý xưởng trưởng", nắm tay đang bóp cơm rau, đấm ba quả liền vào trúng ngực Lý Trọc. Cơm rau trong nắm tay bắn tung toé, bắn cả vào mặt Lý Trọc. Lý Trọc lau mặt, cười khoái chí. Nắm đấm của Tống Cương vẫn giáng vào ngực thằng em. Lý Trọc nhảy lên, né tránh quả đấm của ông anh. Giống như khi Tống Cương xách túi du lịch từ nhà quê trở về, hai anh em nhảy tâng tâng, nô đùa trong nhà. Lần này là Tống Cương đuổi đánh Lý Trọc. Thằng em chạy lung tung khắp nhà, tránh quả đấm của ông anh. Ghế bị hai anh em đẩy đổ chỏng chơ ra nền nhà. Bàn cũng bị xẹo xọ. Cơm và thức ăn trong bát vãi hết ra mâm. Đến lúc này, Tống Cương mới thôi đuổi đấm. Nhớ đến nắm tay vẫn còn bám cơm rau vừa nhổ ra, Tống Cương lấy dẻ lau tay, thu dọn cơm và thức ăn, dựng ghế đổ lên, sau đó làm một động tác rất điệu "xin mời", nói với Lý Trọc đang vừa cười vừa thở hổn hển:
- Lý xưởng trưởng, mời ăn cơm.
Lý Trọc vừa thở, vừa lắc đầu nói:
- Em đường đường là Lý xưởng trưởng, phải ăn mì Tam Tiên.
Tống Cương sáng mắt lên, vẫy tay bảo:
- Đúng, ăn mì Tam Tiên, chúc mừng.
Tống Cương có vẻ xem thường, liếc mắt nhìn cơm rau trên mâm một cái, vỗ vai Lý Trọc đi ra cửa. Sau khi khoá cửa đi được mấy bước, Tống Cương dừng lại, hỏi Lý Trọc bao nhiêu tiền một bát mì Tam Tiên? Lý Trọc bảo ba hào rưỡi một bát. Tống Cương quay về, đứng sát vào cửa, cởi quần dài, thọc tay vào quần lót tìm một lát, móc ra bảy hào bỏ vào túi áo, rồi tươi tỉnh bước đi. Tống Cương vừa đi, vừa nói với Lý Trọc:
- Bây giờ em là xưởng trưởng, anh là anh trai của xưởng trưởng, anh không thể cứ thò tay vào đũng quần trước mặt người khác. Anh không thể để em trai xưởng trưởng của mình mất mặt.
Giống như anh hùng chiến thắng trở về, hai anh em nhà họ sóng vai đi trên phố lớn thị trấn Lưu chúng tôi. Trong tay Lý Trọc vẫn cầm tờ giấy quyết định bổ nhiệm. Tống Cương hai lần dừng chân, yêu cầu Lý Trọc cho xem lại. Đứng trên phố lớn, Tống Cương đọc to nội dung giấy bổ nhiệm như đọc thơ. Đọc xong, với niềm sung sướng tận đáy lòng, Tống Cương nói với Lý Trọc:
- Anh vui mừng lắm, em ạ!
Hai anh em đi vào khách sạn Nhân Dân. Bước qua cửa chính khách sạn, Tống Cương nói với người đàn bà viết phiếu trong quầy:
- Hai bát mì Tam Tiên.
Tống Cương đi đến trước quầy viết phiếu, móc túi áo lấy ra bảy hào chuẩn bị sẵn, vỗ mạnh lên quầy, khiến cho người đàn bà viết phiếu giật mình, ca cẩm:
- Mới có bảy hào chỉ, cho dù là mười đồng, cũng không cần đập mạnh như thế.
Hai anh em ăn xong mì Tam Tiên, mồ hôi mồ kê nhuễ nhại ra về. Dọc đường Lý Trọc ba lần giở giấy bổ nhiệm cho người quen xem. Tống Cương cũng hai lần đứng lại dõng dạc đọc. Về đến nhà, Tống Cương nói, để mình cất giữ giấy này, sợ Lý Trọc giữ, về sau sẽ thất lạc. Nghe Tống Cương nói vậy, với giọng nói sặc mùi Đào Cục trưởng, với nét mặt đầy vẻ Đào Cục trưởng, Lý Trọc nói:
- Đúng là anh không hiểu gì về quy chế. Giấy bổ nhiệm này phải đem đến Ban tổ chức lưu hồ sơ. Em bây giờ đã là cán bộ nhà nước.
Lời nói của Lý Trọc khiến Tống Cương càng phấn khởi. Tống Cương cảm thấy em trai mình rất giỏi giang. Anh nâng niu tờ giấy bổ nhiệm trên tay, đọc lần cuối cùng như nuốt từng chữ. Đọc xong nghĩ ngay đến chuyện sau này không bao giờ được đọc nữa, vẻ mặt Tống Cương tỏ ra tiếc nuối. Tống Cương chợt loé lên một ý nghĩ, lập tức lấy ra một tờ giấy trắng, dùng mực đen nắn nót chép lại tờ giấy quyết định bổ nhiệm, vẽ lại cẩn thận con dấu. Lý Trọc cứ rối rít khen Tống Cương vẽ con dấu còn thật hơn con dấu thật. Vẽ xong, Tống Cương cười như trút được gánh nặng, trả Lý Trọc tờ giấy bổ nhiệm, cầm tờ của mình, nói một cách đắc ý:
- Từ nay trở đi chúng ta có thể xem tờ này.
Tiền lương của hai anh em do Tống Cương quản lý. Chi tiêu thứ gì Tống Cương đều bàn với Lý Trọc, phải được Lý Trọc đồng ý. Sau khi Lý Trọc chính thức làm xưởng trưởng, Tống Cương tự quyết định sắm cho thằng em đôi giày da đen. Tống Cương bảo, Lý Trọc là xưởng trưởng rồi, không thể cứ đi mãi đôi giày đá bóng cũ rách, nên đi một đôi giày da đen bóng loáng. Thấy ông anh mua cho mình, Lý Trọc mừng lắm. Lý Trọc bấm ngón tay, tính từ bí thư chủ tịch huyện cho đến các cục trưởng, từ các cục trưởng đến các xưởng trưởng mấy xưởng lớn, Lý Trọc nói, những người có chức danh, có thân phận của thị trấn Lưu, ai ai cũng đi giày da đen. Lý Trọc đắc ý:
- Em cũng là một người có danh phận.
Chiếc áo len trên người Lý Trọc cũng đã rách, hơn nữa lẫn lộn mấy loại màu. Đó là chiếc áo len khi còn sống, bà Lý Lan tháo sợi từ mấy cái áo len cũ đan cho con. Tống Cương ra phố mua cho em bảy lạng rưỡi sợi len mới màu vàng nhạt, đi làm về, bắt đầu đan áo len cho Lý Trọc. Tống Cương vừa đan, vừa dí sát lên người Lý Trọc đánh dấu so thử, một tháng sau đan xong. Lý Trọc mặc vào người rất vừa. Trước ngực còn có đường chỉ gợn sóng. Trên gợn sóng còn có một con thuyền căng buồm. Tống Cương bảo, con thuyền căng buồm trước ngực tượng trưng cho tiền đồ rộng lớn của Lý Trọc. Lý Trọc vui sướng, cứ reo toáng lên.
- Anh Tống Cương! Anh giỏi quá! Anh cũng biết làm công việc của đàn bà.
Lý Trọc đi giày da đen, mỗi lần ra ngoài đều diện bộ quần áo Tôn Trung Sơn vải ka ki màu lam thẫm, cài kín từng cái cúc, ngay đến cúc trang trí cũng cài vào. Từ sau khi mặc áo len mới màu vàng nhạt Tống Cương đan, Lý Trọc không bao giờ cài cúc áo Tôn Trung Sơn, cứ phanh hẳn ngực ra đi trên phố, để ai cũng trông rõ con thuyền căng buồm và gợn sóng trên áo len mới. Hai tay Lý Trọc xỏ vào túi quần. Vạt áo chắn sau cánh tay, Lý Trọc ưỡn bộ ngực nở nang bước đi, gặp ai cũng nhếch mép tủm tỉm cười.
Đàn bà con gái trên thị trấn Lưu chúng tôi, xưa nay chưa bao giờ trông thấy trên áo len còn đan được thuyền căng buồm. Trông thấy Lý Trọc, họ xúm vào xem. Năm sáu bàn tay cùng một lúc mó vào áo len mới của Lý Trọc, nghiên cứu xem con thuyền đan thế nào. Họ cứ xuýt xoa tấm tắc khen. Họ bảo:
- Ở trên còn có buồm.
Lý Trọc ngửa mặt cười hì hì, cứ để mặc cho các bà các chị thưởng thức, nghe họ khen áo len mới. Họ hỏi Lý Trọc, ai đan khéo tay thế? Lý Trọc kiêu hãnh trả lời:
- Anh Tống Cương. Ngoài không biết đẻ con, anh Tống Cương cái gì cũng biết.
Đàn bà con gái thị trấn Lưu chúng tôi, sau khi khen hình vẽ chiếc thuyền và cánh buồm, bắt đầu nghiên cứu con thuyền trên áo len là loại gì? Họ hỏi Lý Trọc:
- Thuyền đánh cá phải không?
- Thuyền đánh cá ư? - Lý Trọc bực bội nói - Đây là con tàu tiền đồ rộng lớn.
Câu hỏi tầm thường của các chị các cô khiến Lý Trọc rất bực, đẩy tay họ ra, cậu nghĩ cho họ thưởng thức chiếc áo len có con tàu tiền đồ rộng lớn, quả thật chẳng khác nào đàn gẩy tai trâu. Lý Trọc tức tối đã bỏ đi, còn quay lại trêu họ một câu:
- Bọn bay, ừ, ngoài biết đẻ con, còn biết cái đếch gì?