Số lần đọc/download: 4267 / 143
Cập nhật: 2016-02-24 12:08:21 +0700
Chương 4
V
ua Thuận Tôn ngồi tĩnh toạ dưới gốc cây. Cô cung nữ Uyển Nhi rón rén bưng mâm cơm đặt trên chiếc bàn gỗ gần đó, cô thấy nhà vua nhắm mắt, thở đều đều nên không dám làm kinh động. Con vượn trắng bám sát nhà vua như hình với bóng. Lúc này nó cũng lặng lẽ ngồi vắt vẻo trên cành cây sát cạnh. Thấy cô cung nữ còn ngần ngừ, con vật nhăn nhó, nhe răng làm mặt xấu Nó không muốn có ai bên nhà vua. Uyển Nhi lặng lẽ lui ra xa, ngồi ở chiếc cầu đá vắt qua con ngòi. Nhiệm vụ của cô là ngồi ở đấy.
Khi Thuận Tôn ra lập am tĩnh tu, nhà vua cho bọn thái giám, cung nữ trở về hết, và chỉ giữ lại một mình nàng Trần Ngọc Kiểm. Sau đó không hiểu sao Ngọc Kiểm phải đổi đi rồi bị giết, Uyển Nhi đang hầu hạ hoàng hậu lại được chuyển sang đây. Ông Nguyễn Cẩn nói với nàng:
- Nhà ngươi phải biết giữ mồm giữ miệng. Những chuyện ở đây phải biết giữ kín trong lòng, không được kể với ai ngay cả với người thân. Hàng ngày hầu hạ nhà vua. Có ai đến thăm vua, phải báo ngay cho ta.
Uyển Nhi chăm sóc Thuận Tôn rất chu đáo. Đáng lẽ ra thức ăn của nhà vua phải do bọn đầu bếp trong hoàng cung nấu, nhưng Thuận Tôn lại ưng những món ăn do tay nàng làm. Chao ôi. Nhà vua sao đổi thay đến thế. Không thèm làm vua, lại muốn đi tu. Không thèm gấm vóc lụa là, chỉ khoác lên người một bộ đồ trắng vải thô. Không thèm nem công, chả phượng, chẳng màng long tu, yến xào; mà chỉ đòi nàng nấu cho bát canh cua đồng, đĩa rau muống luộc xanh biếc với quả cà giòn tan...
Uyển Nhi thở dài. Chợt thấy thương ông vua trẻ. Số phận một cung nữ đã đáng thương, song số phận ông vua kia còn đáng thương hơn. Chẳng qua cũng là cá chậu chim lồng mà thôi.
Chợt cô ngẩng lên trời vì nghe thấy tiếng vỗ cánh của đôi chim lớn. Đó là đôi công. Hồi ông thày chùa Phạm Sư Ôn chiếm kinh thành, ông đã phá chuồng thả đôi công này vào rừng quế. Khu rừng quế bên hồ Lạc thanh bây giờ rậm rạp lắm. Trên mặt đất trống, những bụi sim, bụi dành dành, bụi lan cỏ tím, bụi cúc dại và lau sậy đã phủ kín. Những bụi cây leo bò cả lên vài cây quế mép hồ. tạo thành những tấm mành lá xanh đung đưa trong gió. Và đôi công xinh đẹp kia đã làm tổ, ẩn náu trong khu rừng đó. Thi thoảng, người ta lại bắt gặp con chim trống xòe đuôi múa quanh con mái trên bãi cỏ. Vừa múa vừa kêu lên những tiếng tố hộ trầm và đục. Hễ thoáng thấy bóng người, chúng đã lủi ngay vào khu rừng quế.
Chỉ riêng vua Thuận Tôn làm quen được với đôi công nhút nhát, kể từ ngày vua vào ngự uyển ẩn tu. Chiều chiều, khi ánh mặt trời đã nhạt, lúc nhà vua dùng bữa xong, ông nhẩn nha trèo lên ngọn núi đá nhân tạo, ngồi trên một tảng đá bằng phẳng hóng mát. đó là lúc đôi công xuất hiện. Đôi chim từ trên cây quế cao nhất cất tiếng như để chào đón ông vua đang ngẩn ngơ bên sườn núi. Từ trên cao, đôi chim to lớn vạch thành hai đường thẳng suốt từ rừng quế đến ngọn núi. Chúng bay là là, đôi cánh rộng nặng nề quạt phành phạch. Dọc đường, chúng đỗ lại trên cây liễu để lấy sức và thăm dò. Cuối cùng, khi đã nhận ra đúng là bóng nhà vua, chúng bay vòng quanh ngọn núi, cánh mở rộng hết cỡ để cho bộ lông sặc sỡ đón nhận ánh sáng biến thành long lanh muôn mầu. Vua Thuận Tôn lúc này chậm chạp từ trên núi bước xuống thảm cỏ xanh, nơi đôi công thường tình tự bằng những điệu múa. Vua bưng liễn cơm mà ông ăn không hết, tung ra bãi cỏ cho đôi công. Đàn chim sẻ, chim ri rừng đã phục kích từ lâu trên những ngọn liễu bên ngòi nước, lúc đó bất thình lình bay ùa xuống thảm cỏ để tranh ăn với đôi công. Cung nữ Uyển Nhi chiều nào cũng ngồi trên cầu đá để chờ xem cảnh tượng này mà cô vẫn gọi là cảnh chim chầu đức vua. Cả con vượn trắng hình như cũng thích cảnh này. Nó từ trên cây nhảy xuống thảm cỏ, đùa dỡn nhảy nhót. Nó chạy đến đâu lũ chim ri lại bay túa lên kêu xáo xác. Nhưng khi nó ra chỗ khác, đàn chim lại ùa xuống ngay. Biết nhà vua thích đàn chim, nên không đợi lệnh vua ban, Uyển Nhi ngày nào khi bưng cơm chiều đến cũng để sẵn một bát gạo to để nhà vua bố thí cho lũ chim trời. Chỉ có những phút ấy, Uyển Nhi mới thấy gương mặt rạng rỡ sung sướng của đức vua.
Uyển Nhi ước muốn cảnh nhà vua hạnh phúc cùng đàn chim cứ kéo dài vô tận. Nhưng bóng chiều nhá nhem đã đổ xuống. Đôi công luyến tiếc không muốn rời chân, nó lại lượn vòng quanh quả núi rồi bay vút vào rừng quế. Bóng của chúng dần dần hoà vào bóng hoàng hôn. Đàn chim sẻ, chim ri cũng rúc rích rủ nhau bay về tổ của chúng ở những ngôi đình, ngôi nhà hoang phế nằm rải rác trong vườn ngự uyển.
Thuận Tôn thở dài bước vào am cỏ. Uyển Nhi đã đốt sẵn một ngọn bạch lạp, sau đó cô lùi ra ngoài, lặng lẽ chui vào bóng tối của cái chái bên cạnh.
Thuận Tôn lại ngồi tĩnh toạ. Thông thường lúc bóng tối phủ hẳn xuống, lúc không gian khu vườn bao la hoàn toàn tịch mịch, cũng là lúc Thuận Tôn sợ hãi nhất, và ông phải vật lộn với chính mình nhiều nhất. Buổi tĩnh toạ ban ngày, nhà vua thấy làm trống rỗng lòng mình dễ hơn, có thể vì khi có ánh sáng chí khí trong lòng con người mạnh mẽ hơn. Còn ban đêm thì khác hẳn. Sự lặng lẽ quá đỗi, sự mịt mù quá đôi hình như dễ tạo chỗ ẩn náu cho những hình ảnh, những ý nghĩ, những màu sắc, những mùi vị; chúng nép mình ở một hốc, một ke nào đó trong bóng tối và trườn mình bò ra khỏi nơi lẩn trốn lúc nào chẳng hay. Thoạt đầu, chỉ là một nét, một chấm mờ nhạt trong tâm tưởng; cái chấm đó dần to ra, vụt lớn biến thành một hình ảnh, hoặc một tiếng nói. Lúc đó, có đè nó xuống, nó vẫn nổi bềnh lên trong tâm khảm, rồi rủ rê ta cùng đi lang thang vào một cuộc phiêu lưu kỳ lạ. Gọi nó là mộng mị chăng? Là giấc mơ chăng? Hay như đức vua Trần Thái Tôn gọi nó là một tà thiền? Hay như đạo Hoàng Lão gọi nó là một tà tĩnh toạ? Nó chẳng xui ta làm gì ác đâu. Chẳng qua, nó chỉ muốn rủ rê ta hãy tung hê tất cả để rong chơi vào một cuộc mộng du, ở đó chẳng còn trách nhiệm, chẳng còn ràng buộc. Vọng niệm đã dậy, và người tu hành phút đó bỗng lạc vào một tà đạo lúc nào. Chẳng hay, họ bỗng thành một kẻ phàm tục mà cứ tưởng mình không tục, họ đi tìm cái nhởn nhơ trong một cuộc lang thang tĩnh lặng. Cái đó cũng là một lạc thú chẳng kém một thứ lạc thú nào trên thế gian này, mà chỉ một số người mắc bệnh, hoặc không có bệnh nhưng được trời phú cho cái linh khiếu đó hưởng được, nó như một thứ ma tuý tinh thần.
Thuận Tôn mắc phải thứ ma tuý đó, nó vẫn rủ rê ông trốn việc đi chơi. Ông ngồi tĩnh toạ đấy, nhưng thực ra hồn ông đang rong ruổi tận đâu đâu; lúc thì lông bông với những ý tưởng buồn bã, lúc thì đụng đầu với một kẻ đối thoại vô hình rất thông minh và vô cùng ma quái. Nhiều đêm, ông đã nói chuyện với kẻ đối thoại ấy. Có lúc nó là một bóng đen không mặt. có lúc nó là một màn sương nhòe nhoà. Ông đồ chừng rằng chính nó vẫn thường hằng phục kích trong lòng ông, trong tâm hồn ông, để đêm đêm hiện ra hành hạ ông. Ông ngồi tĩnh toạ và cố xua đuổi nó bang những câu thần chú. Ông lẩm bẩm:
... Tắc kỳ đoài
Bế kỳ môn
Chung thân bất cần
Khai kỳ đoài
Tê kỳ sự
Chung thân bất cứu...
Đó là một câu nói của Lão Tử mà đạo Thần tiên đã biến thành một câu thần chú. Hãy ngậm miệng; hãy nhắm mắt, hãy làm đôi tai điếc đặc; hãy thở nhè nhẹ, nhè nhẹ thôi... Như vậy có nghĩa hãy cắt đứt hoàn toàn với cuộc sống trần thế, đừng để cho ngũ quan liên hệ với ngoại cảnh. Lúc đó riêng ta sẽ đối diện với ta; hay nói cho đúng hơn, cả bản thân ta cuối cùng cũng biến nốt, để cho ta đi đến một trạng thái hư không, phiêu diêu tự tại. chẳng phải là sống, cũng chẳng phải là chết... Trạng thái một thân xác lâng lâng, nhẹ như một sợi khói mong manh, loãng như làn nước trong... Và tâm hồn nhạt nhẽo, nhạt thếch, hết buồn, hết vui, trạng thái đó đối với Thuận Tôn thật dễ chịu, thật an ủi.
Nhưng đột nhiên trong màn mờ của tâm tưởng phiêu diêu cái chấm đó bỗng hiện lên. Đuổi nó đi. Cút đi! Đừng theo đuổi, bám lấy ta như vậy! Thuận Tôn tự nhủ. Ông lại cố tập trung lầm bầm câu thần chú. Cái chấm đó nhạt nhoà, sắp sửa tan loãng, nhưng rồi nó lại hiện ra như ma trơi. Cố gắng mãi, con ma trơi tâm tưởng ấy cuối cùng cũng biến đi. Thuận Tôn thở dài. Nhà vua hầu như đã thắng, nhưng không trụ lại trong trạng thái hư vô được nữa. Cũng có thể là ngược lại nỗi ám ảnh ma trơi đó đã thắng, bởi vì ông đã buộc phải quay về trần thế, phải mở đôi mắt ra để ngỡ ngàng nhìn vào đêm đen u tịch. Ông lẩm bẩm: Tịch mịch quá! - ông thở dài - Ta thèm... được như đêm suông. Gió hây hây. và cỏ cây rì rào. Ta thèm... được như cỏ cây hoa lá. Ước gì... cứ đêm mãi. Ta sợ ngày đến, bởi vì khi ngày đến, khi mặt trời mọc là muôn vật lại nhốn nháo. Con ngựa tranh nhau chuồng cỏ. Lũ gà sống tranh nhau tiếng gáy. Kỳ quặc cả đến tiếng gáy cũng tranh hơn. Rồi triều đình nữa? Ôi? Cái triều đình rồ dại? Thiên hạ như một bầy người điên. Họ tranh nhau từ màu áo cho đến lọng che, cho đến kiệu đi, ngựa cưỡi. Thèm áo đỏ, áo tía. Thèm nhiều tàn, nhiều lọng, thèm kẻ hầu người hạ, tì thiếp đông đúc...
Ôi! Còn cái áo hoàng bào của ta nữa đấy. Ngôi báu làm bao kẻ thèm khát. Thượng phụ ơi ông là thầy của ta là cha vợ của ta. Ông đã vất vả vì nó từ hơn hai chục năm nay. Ta biết chứ. Mà thiên hạ hỏi còn ai không biết? Thượng phụ ơi! Ta xin biếu người đấy. Nhưng than ôi! Ngôi báu tiếng là của ta nhưng có thực là của ta đâu. Bên ta, còn biết bao nhiều người giữ tay ta lại, bịt miệng ta lại, không cho phép ta trao nó cho ông. Họ bảo đó là việc làm rồ dại. Ông khôn ngoan nghĩ ra một kế, gợi ý cho ta truyền ngôi cho con trai. Thằng An chưa đầy ba tuổi, nó đi chưa vững, nói chưa thạo; nó đã hiểu ngai vàng là cái gì. Đối với nó có khi không bằng một thứ đồ chơi trẻ nít.
Thế là ta đã đồng ý để mọi việc triều chính rơi hết vào tay ông. Như vậy ông đã thoả chưa? Tại sao ông vẫn chẳng buông tha, trả ta về với sự bình an tịch mịch? Ôi... Đêm dịu hiền. Ta muốn hoà mình vào đêm. Ta khát khao tịch mịch.
Nhưng, có lúc nào ông muốn lỏng tay buông tha ta.
Cả đến những người gần gũi ta, có chút xót thương số kiếp của ta, ông cũng không tha. Số phận của nàng Ngọc Kiểm, ai mà chẳng rưng rưng giọt lệ. Ta đã chịu ơn dầy của người con gái nhẫn nhục, đầy đức hy sinh. Trong lúc ta điên rồ, nàng chẳng tiếc tấm thân ngọc ngà, để an ủi ta, ban phát tình yêu cho ta, nâng niu dìu ta khỏi vực thẳm điên rồ. Khi ta khỏi bệnh, các người lại bắt nàng đi, giam lỏng, buộc nàng phải ròng rã một tháng trời, uống thứ thuốc đắng ngắt, uống thứ thuốc thất đức, vì các người sợ sự trung thành dịu dàng của nàng sẽ đâm hoa kết trái. Ôi! nàng tiên tinh khiết của ta! Hãy tha lỗi cho ta, vị quân vương chẳng có quyền lực gì. Họ bảo với Ngọc Kiểm thuốc đó là thuốc bổ. Triều đình muốn cảm cái ơn cứu tử đã giúp ta lành bệnh. Kể với ta, nàng ròng ròng nước mắt. Nàng không nói, nhưng ta biết nàng đã khóc cho cái mầm tình yêu bị đốn chặt ngay từ lúc chưa hình thành, cái mầm sống mà nàng nâng niu và ta cũng ước ao. Mấy tháng sau, khi ta đã hoàn toàn tỉnh táo và nhớ lại chuyện xưa, ta đòi nàng về hầu hạ ta. Họ bắt buộc phải cho nàng về với ta, nhưng đêm đó nàng đã khóc nức lên:
- Bệ hạ ơi! Thiếp bây giờ chỉ là thứ cây khô.
- Nàng nói thế nghĩa là sao?
- Thiếp chẳng thể sinh con cho chàng được nữa.
Thế đấy. Nỗi đắng cay của nàng đến thế mà cũng không xong. Khi thượng phụ sai thượng thư Hà Đức Lân dỡ ngói lưu ly ở điện Thiên Chương. dùng thuyền chuyên chở vào động An Tôn, để cấp tốc xây dựng Tây Đô, Ngọc Kiểm nói với ta:
- Thái sư dời đô là sắp có chuyện cướp ngôi đó.
Lấy lý mà suy, chuyện dời đô có một mục đích như thế thật. Bởi vì tổ tiên nhà Trần ta đã tạo ra bao ân đức. Ba lần đánh thắng quân Nguyên, xây dựng nước Đại Việt trở nên văn hiến, hùng cường... những điều đó há chẳng ghi sâu vào tấm lòng người Việt sao, nhất là dân Thăng Long. Thượng phụ định dời đô tức là sợ dân Thăng Long, đã thấy cái yếu vì lòng dân chẳng ủng hộ mình. Tuy nhiên, bè đảng của ông quá mạnh, ông lại là người cứng cỏi... Chuyện dời đô, dân Thăng Long đang xì xầm khắp nơi. Ai chẳng nói giống Ngọc Kiểm. Chỉ có khác, Ngọc Kiểm đã dám thẳng thắn nói với ta... Ta thật sơ suất, ta thật ngây thơ, chỗ nào mà chẳng có tai mắt của thượng phụ; ta đã có lỗi với nàng vì đã để mình nàng gánh chịu hậu quả. Chỉ chờ có cớ, lập tức một vụ án đã xẩy ra. Đầu tiên, người bắt Ngọc Kỵ cô cung nữ em họ Ngọc Kiểm, hầu hạ ta ở ngoại phòng. Bị tra tấn khủng khiếp. Ngọc Kỵ khai ra Ngọc Kiểm. Ngọc Kiểm lại bị tra tấn ráo riết hơn. Họ muốn tìm ra những đại thần phía bên trên Ngọc Kiểm. Thượng phụ muốn nhân vụ án, khủng bố để dập tắt dư luận và tiến thêm một bước bẻ gãy phe chống đối. Ngọc Kiểm vẫn không một lời khai. Đến chết cô vẫn chỉ nói:
- Dời đô, tức là sắp cướp ngôi.
5
Trong gian mật thất tại dinh quan thái Bảo, hai mái đầu chụm gần nhau. Trần Nguyên Hàng lắc đầu:
- Thế là hỏng rồi. Đức vua đã hoàn toàn suy sụp.
Trần Khát Chân trầm ngâm:
- Sắp dời đô? Hiểm hoạ đang đến gần. Nàng Ngọc Kiểm đã hy sinh cả tính mạng để cảnh báo chúng ta. Chẳng lẽ chúng ta, những rường cột của nhà Trần, lại không bằng người đàn bà đó, lại không nghĩ ra được một điều gì để cứu vãn cơ đồ?
Thái bảo Trần Nguyên Hàng giọng lo lắng:
- Nghe nói hoàng thượng đang có ý định truyền ngôi cho thái tử An. Ván cờ đang ở thế kịch liệt. Hồ Quý Ly đang đi nước rút. Quý Ly sẽ làm nhiếp chính.
Thực ra dù hoàng thượng có bị mất quyền, có đi tu, hoặc xấu nhất có bị giết, thì chúng ta vẫn có cớ để nêu cờ chính nghĩa. Ngoài đức vua Thuận Tôn ra, Nghệ Hoàng hiện nay vẫn còn những người con các bà cung phi như Mẫn Vương Ngọc và Nam quận vương Trần Ngôi. Vấn đề chủ chốt vẫn là lực lượng phò Trần của chúng ta. Theo ý tôi, thế của phe Quý Ly đang rất mạnh, nhưng phe phò Trần thực ra cũng không yếu. Chỉ có điều bất lợi cho chúng ta là phe Hồ Quý Ly nắm được những địa vị chủ chốt, nắm được những quan lại cấp dưới. Còn các đại thần hầu như đều ngả theo ta. Hiện nay, tình thế đã hoàn toàn rõ ràng. Trước kia, Quý Ly chỉ lộng quyền. Chúng ta đã thất bại trong việc ngăn chặn sự lộng quyền. Quyền hành càng lớn tất nhiên sẽ đi đến tiếm ngôi. Tình hình cấp bách lắm rồi!
Trần Nguyên Hàng ngậm ngùi:
- Chúng ta đã hao tổn tâm trí sắp đặt bao mưu kế...
Trần Khát Chân giọng nghiêm trọng:
- Những mưu kế sắp tới cần phải quyết liệt hơn.
Nguyên Hàng ghé tai thì thầm:
- Bùi Bá Kỳ lại mới gặp tôi...
- Sao? Bá Kỳ ư?
- Phải... Ông ta vẫn muốn liên hệ với chúng ta.
Khát Chân:
- Trước khi gặp ông, Bá Kỳ đã đến nói chuyện với tôi - Ông từ chối?
- Đúng vậy Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi. Phải từ chối thôi. Tôi bảo với Kỳ: "Ông nghĩ kỹ mà xem, Thân Bao Tư nước Sở đã đứng trước cung vua Tần khóc ròng rã bảy ngày đêm; Tần đã cứu Sở. Nhưng kết quả cuối cùng là Tần thâu tóm toàn bộ các nước về tay mình, kể cả nước Sở Nay, nếu chúng ta cầu cứu nhà Minh... cái chung cục chắc ông đã rõ..." Thái bảo Nguyên Hàng lắc đầu:
- Tôi lại nghĩ có hơi khác một chút. Tôi nghĩ: bọn loạn thần tặc tử ai cũng có thể giết được. Đó là vâng mệnh trời, việc đó ta không thể một ngày làm ngơ. Người trong nước giết không được, thì người nước láng giềng có thể giết. Người nước láng giềng không giết được, thì kẻ di địch, mọi rợ cũng có thể giết... Vì thế có thể nhờ người Minh giết.
Trần Khát Chân có vẻ buồn:
- Tôi không ngăn trở Bùi Bá Kỳ. Ông ta cứ làm theo cách nghĩ của ông ta. Nhưng còn về phần chúng ta, nếu như lòng dân có thể theo ta, điều đó chính vì chúng ta có đại nghĩa; mà một điều để chứng tỏ đại nghĩa là chúng ta không thể sơ suất thơ ngây, đem lòng tin vào kẻ ngoại bang. Họ không hào phóng cho không chúng ta đâu. Điều quan trọng trong cuộc mua bán này, chúng ta không thể dễ dàng đặt cọc nhân phẩm của riêng mình và non sông gấm vóc của tổ tiên.
Thái bảo Nguyên Hàng lặng đi, nhưng rồi ông cũng phải gật đầu:
- Huynh nghĩ như vậy là cặn kẽ. Vì nôn nóng nên tôi có phần nào sơ suất.
- Bá Kỳ cũng rất nôn nóng, nhưng phải nhận rằng ông ta là bậc trung thần. Tuy nhiên... mà thôi ta nên gác chuyện đó lại.
Nguyên Hàng hỏi:
- Vậy theo huynh, hiện nay ta có cách gì?
- Đệ nghĩ nên nắm lấy binh sĩ. Tôi là nhà võ nên biết có rất nhiều tướng sĩ của ta có lòng vì đại nghĩa. Ông thấy Đỗ Tử Mãn, Đặng Tất ra sao?
Trần Khát Chân lắc đầu.
- Còn Nguyễn Cảnh Chân, Trần Vấn?
Khát Chân lại lắc đầu.
- Còn xa kỵ tướng quân Phạm Khả Vĩnh? Ông này vô cùng kín đáo.
Khát Chân cười:
- Đúng ông ta thật kín đáo. Lắm lúc ta còn tưởng ông về hùa với Quý Ly... Tuy nhiên, ông ta có mối giao tình với tôi.
- Ông nói sao?
- Khả Vĩnh có mối giao tình với tôi kể từ ngày đánh Chế Bồng Nga. Ông Vĩnh và tôi đều được Nghệ Hoàng phong tước hầu và chức tướng quân. Nghệ Hoàng còn ban yến riêng cho hai người. Lúc ăn, Nghệ Hoàng nắm lấy tay hai chúng tôi đặt lên nhau. Người nói: "Các khanh đã cứu nguy cho nhà Trần thoát khỏi một phen đại nạn. Ta nay đã già rồi, cũng sắp trở về với tiên tổ. Nhà vua hãy còn ít tuổi. Các khanh là những người giỏi quân cơ. Khi ta đã đi xa rồi, tới lúc đó chắc còn nhiều việc xảy ra. Mong rằng các khanh sẽ là những cột trụ cho nước nhà. Ta rất trông cậy ở hai khanh". Nói xong thượng hoàng rơm rớm nước mắt. Càng ngày thái sư càng lộng quyền. Phạm Khả Vĩnh đóng cửa ở nhà ít giao du với mọi người. Ra triều đình, ông ta ít nói. Tôi thở dài cho rằng ông ta đã đổi chí, hoặc sợ hãi, nên mũ ni che tai, an hưởng thái bình, sống chết mặc bay. Cháu Khả Vĩnh là Phạm Tổ Thu làm gia tướng của tôi. Tôi thăm dò thái độ. Thu bảo: "Bác Vĩnh tôi rất kín đáo ngay cả vợ con, bác cũng chẳng bao giờ hở ra điều gì về việc triều chính". Tôi nói: "Ông Vĩnh từ xưa đến nay vốn trọng lễ nghĩa và nghiêm trang, linh cẩn". Tổ Thu dè dặt: chính vì vậy, nên tiểu nhân mới mạnh dạn xin đức ông trực tiếp gặp gỡ bác. Tôi hỏi: "Tại sao anh khuyên tôi như vậy? " Tổ Thu thưa: "Chính vì bác tôi là người trọng lễ nghĩa". Nghe lời khuyên của Tổ Thu tôi đến gặp xa kỵ tướng quân Phạm Khả Vĩnh.
Nhận được danh thiếp của tôi, tướng quân ăn mặc tề chỉnh cùng gia thuộc ra đứng chờ đón ở thềm nhà tiền đường. Câu đầu tiên của ông ta là: "Nhờ ơn sáng đức vua, nhờ tài kinh bang tế thế của quan thái sư, anh em ta mới được an hưởng thời thái bình như hôm nay...". Tôi như bị một gáo nước lạnh, đớ người ra. Sau đó, ông chuyện trò với tôi rất niềm nở. Tôi phải gượng gạo tiếp chuyện. Đang ở thế chủ động, tôi đâm ra bị động, mãi mới nhập được vai, làm cho câu chuyện bớt phần lúng túng. Sau đó, tôi định cáo từ ra về, nhưng Khả Vĩnh cứ ân cần mời tôi ở lại uống rượu, lấy cớ rằng bữa tiệc đại mai mà tôi mời ông đầu năm, ông không dự được vì ốm. Tôi lại đành gượng gạo ép mình vào tiệc, định nâng chén tiêu sầu mà lòng càng sầu thêm. Ông ta nhắc lại trận đánh Chế Bồng Nga ở Hoàng Giang. Ông kể chuyện, đôi mắt long lanh. Tôi hỏi: "Té ra quan huynh vẫn còn nhớ chuyện xưa?". Ông ta cười hỏi lại: "Ông cũng còn nhớ chuyện xưa chứ?". Lúc đó tôi cũng cười. Mấy đứa gia nhân chạy xuống bếp lấy thêm rượu và món nhắm. Đến bấy giờ, Vĩnh mới hỏi tôi: "Còn việc thượng hoàng ban yến sau đó. Ông có nhớ không "Quên sao được!". "Hôm đó hoàng thượng khóc" - rồi dặn dò chúng ta...". "rồi cầm hai tay chúng ta đặt lên nhau" - "tôi không quên?" - "Cả tôi cũng ghi sâu trong lòng?" Chúng tôi cầm tay nhau cười lên ha hả. Đúng lúc đó bọn gia nhân mang thêm thức nhắm và rượu lên.
Trần Nguyên Hàng trầm ngâm:
- Tôi hiểu ý bác. Ngoài Phạm Khả Vĩnh, trong triều còn nhiều người cùng chí hướng với chúng ta nhưng không dám bộc lộ ra.
Tôi chắc vậy. Còn vài người chủ chốt như trụ quốc Trần Nhật Đôn, hành khiển Lương Nguyên Bưu, thượng thư Hà Đức Lân...
Thái bảo Nguyên Hàng rất chú ý đến triều chính, nên việc nhân sự thuộc như lòng bàn tay:
- Trần Nhật Đôn là tôn thất, lại chơi thân với Sư Hiền, cứ nhờ Sư Hiền thăm dò là tốt hơn cả. Lương Nguyên Bưu và Hà Đức Lân từ trước đến nay chúng ta vẫn dè dạt không dám quan hệ, vì họ được Quý Ly kéo vào vây cánh. Chính Quý Ly, sau khi thượng hoàng băng, đã cất nhắc họ vào chức hành khiển, làm người thân tín bên cạnh Thái sư. Tuy nhiên. chừng hơn năm nay tình thế đã khác. Lương Nguyên Bưu vốn dòng dõi vinh hiển lâu đời, tổ tiên làm quan từ đời nhà Lý; cụ nội Bưu lại có công lớn trong trận đánh Toa Đô, được vua Trần Nhân Tôn phong tước hầu. Bưu là người tài, lúc đầu Bưu tâm phục Quý Ly, nhưng từ khi thái sư bắt dời đô vào Thanh Đô Trấn. Ông ta thay đổi hẳn. Việc Quý Ly bắt ông dỡ điện Thuỵ Chương và Đại An đem vào xây dựng Tây Đô, đã làm ông phẫn nộ. Có người thân cận với Bưu đã cho tôi biết tâm sự kín đáo của ông. Còn Hà Đức Lân năng nổ nên được Quý Ly tin cậy Nhưng gần đây, ông rất ưu tư. Nhất là chính sách hạn điền, bắt người có ruộng tự cung khai, cắm biển đề tên chủ ruộng, ai thừa số quy định thì sung công. Hành khiển Hà Đức Lân phản ứng, chỉ dám nói với người thân tín trong phủ: "Đặt ra phép này chỉ cốt để cướp ruộng của dân mà thôi". Thế mà câu nói đó cũng đến tai Quý Ly. Thái sư giáng Lân từ chức hành khiển xuống thượng thư.
Thượng tướng Khát Chân vui vẻ:
- Việc chúng ta chỉ cốt nắm các đại thần. Cánh quan võ đã có tôi và tướng Khả Vĩnh. Còn cánh quan văn, xin ông lo liệu giúp. Việc cơ mật này chỉ vài người biết với nhau là đủ... Những ngày sắp tới, tôi lo thu xếp gia đình vào Tây Đô ngay kẻo Quý Ly ngờ vực. Trong lúc lộn xộn thế này, ta có nhiều cơ hội tiếp xúc với các vị đại thần... Tình thế khẩn trương lắm rồi, xin quan huynh cẩn trọng...
Hai người bái biệt chia tay. Nhà quan Thái bảo ở gần Quốc Tử Giám, sát Đại Hồ, chạy dài suốt từ phía Tây đến phía Nam Thăng Long, từ Quốc Tử Giám nối liền đến khu Trại Mai của Thượng tướng. Khát Chân mặc giả dân thường, Phạm Ngưu Tất đội nón lá làm người lái đò chèo thuyền cho tướng quân. Trong đêm lạnh, con thuyền của Khát Chân xào xạc đi trong bãi sậy. Những con vạc từ mặt hồ bay lên, kêu ngơ ngác trong cái mù mịt hơi nước được ánh trăng chiếu vào trông như khói đục. Những người đánh cá trên hồ gõ nhịp đuổi cá, tiếng thanh tre đều đều buồn man mác. Một người đàn bà nào đó cất tiếng hát. Hát rằng:
...Can qua... rồi lại can qua...
Cái cò lầm lũi ai mà xót thương
Đêm trường... rồi lại đêm trường
Co ro cánh vạc gió sương lạnh lùng...
Thượng tướng nghe tiếng hát thấy nao nao trong dạ. Giọt sương đêm hay giọt nước mắt chợt đọng lại và chảy dài trên gò má vị anh hùng... Ông giơ bàn tay to, lạnh ngắt của mình quệt ngang mặt.