The wise man reads both books and life itself.

Lin Yutang

 
 
 
 
 
Tác giả: Charles Dickens
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Đình Chi
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 59 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 10
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 31
hi tới Đan Mạch, chúng tôi gặp đức vua và hoàng hậu của quốc gia
này ngự trên hai chiếc ghế bành kê trên một cái bàn ăn, thiết triều. Toàn bộ
giới quý tộc Đan Mạch đứng chầu, bao gồm một cậu bé quý tộc đi đôi ủng da
thừa hưởng từ một bậc tiền bối khổng lồ, một nhà quý tộc đáng kính mang
khuôn mặt nhem nhuốc dường như mới vươn lên từ đám bình dân một cách
muộn màng vào cuối cuộc đời, và vị hiệp sĩ Đan Mạch với cái lược cài trên
mái tóc và đôi chân đi tất lụa trắng, trưng ra một dáng vẻ nhìn chung đầy nữ
tính. Vị đồng hương đầy tài năng của tôi ủ rũ đứng tách riêng, hai tay khoanh
lại, và có lẽ lúc ấy tôi ước gì các lọn tóc lượn sóng và vầng trán ông trông khá
khẩm hơn một chút.
Vài biến cố nho nhỏ đáng tò mò dần xảy ra theo tiến trình vở diễn. Vị
vua quá cố của đất nước này dường như không chỉ bị một cơn ho quấy quả
khi băng hà, mà còn mang theo nó xuống tận dưới mồ rồi mang theo nó hiện
hồn trở lại. Bóng ma hoàng gia cũng mang theo một tờ giấy chữ viết tay ma
quái cuốn quanh vương trượng, có vẻ như thỉnh thoảng tờ giấy ấy lại được
bóng ma tham khảo, và cả hành động này nữa cũng diễn ra trong tâm trạng lo
lắng cùng xu hướng đánh mất chỗ tham khảo rất gợi nhớ tới một tình trạng
chết chóc. Tôi đoán chính điều này dẫn đến chuyện Bóng ma bị thính giả
trong nhà hát khuyên “Lật trang!” - một lời khuyến cáo được Bóng ma đón
nhận một cách vô cùng khó chịu. Tương tự, dễ thấy trong khi linh hồn hoàng
gia này luôn xuất hiện với dáng vẻ đã lang thang một thời gian rất lâu và đi
một quãng đường rất dài, rõ ràng nó vừa chỉ mới từ sau một bức tường ngay
gần đó chui ra. Cũng vì thế, nỗi kinh hoàng hồn ma mang tới được đón chào
đầy nhạo báng. Hoàng hậu Đan Mạch, một quý bà rất đẫy đà, cho dù trong
kịch bản là người rất trơ tráo*, vẫn bị công chúng coi là có quá nhiều đồng
thau; cằm bà được gắn vào mũ miện bằng một dải rộng làm từ thứ kim loại
này (như thể bà đang mắc phải cơn đau răng dữ dội), vòng quanh eo lại là
một dải kim loại khác như thế, tương tự là hai cánh tay, kết quả là bà hoàng
bị gọi công khai là “cái trống đại”. Cậu nhóc quý tộc đi đôi ủng của bậc tiền
bối có vẻ mâu thuẫn, giới thiệu bản thân, gần như trong cùng lúc, là một thủy
thủ thành thạo, một nghệ sĩ hát rong, một phu đào huyệt, một tu sĩ, và nhân
vật tối quan trọng trong một cuộc đấu kiếm tại triều đình nhờ uy tín của đôi
mắt sành sỏi và khả năng phân biệt tinh tế trong nhận xét từng đòn thế xuất
sắc*. Thực tế này dần dẫn tới sự thiếu khoan dung dành cho cậu ta, và thậm
chí - khi cậu ta bị phát hiện trong các dòng tu, và không chịu cử hành tang lễ*
- cả sự phẫn nộ dưới dạng hạt dẻ được ném lên. Cuối cùng, khi Ophelia bị
chìm trong một cơn điên loạn có nhạc điệu chậm chạp, tới đoạn cô cởi cái
khăn muslin trắng ra, gấp lại rồi chôn xuống, một người đàn ông cau có đã
hồi lâu tì cái mũi đầy sốt ruột của mình lên thanh chắn sắt phía trước khán
phòng chợt hét lên, “Giờ thì đứa bé được cho lên giường rồi, chúng ta ăn tối
thôi!” Những lời này, nói nhẹ nhất thì cũng là không phù hợp.
Nguyên bản tiếng Anh là “brazen”, đồng thời còn có nghĩa là “làm bằng đồng thau”.
Để tiết kiệm, gánh hát dồn rất nhiều vai phụ trong vở Hamlet cho cậu nhóc.
Ý nói khi cùng cậu bé xuất hiện trong các vai khác nhau.
Những biến cố này tích tụ lại trút xuống đầu vị đồng hương khốn khổ
của tôi với hiệu quả thật khôi hài. Bất cứ lúc nào vị hoàng tử đang do dự cần
đưa ra một câu hỏi hay bày tỏ sự nghi ngờ, công chúng lại giúp ông ta có câu
trả lời. Chẳng hạn, với câu hỏi liệu “có phải với tâm hồn chịu dằn vặt sẽ cao
quý hơn chăng?”, một số người reo lên “Có”, một số hô “Không”, một số ngả
về cả hai quan điểm lên tiếng, “Tung đồng xu đi”; vậy là cả một Hội tranh
luận bùng lên. Khi ông hỏi liệu một kẻ khốn khổ như mình có nên vật vờ lang
bạt giữa trời và đất hay không, ông được cổ vũ bằng những tiếng hô to “Hay!
Tuyệt!” Khi ông xuất hiện với đôi tất xộc xệch (đúng theo thông lệ, sự xộc
xệch được thể hiện bằng một nếp gấp rất gọn ghẽ ở phía trên chiếc tất vốn
bình thường được là phẳng phiu), một cuộc hội thoại nổi lên dưới khán phòng
để bàn về cái chân xanh xao của vị diễn viên cũng như việc liệu điều đó có
phải xảy ra do ảnh hưởng từ hồn ma tác động lên ông ta hay không. Khi vị
diễn viên cầm lấy ống tiêu - trông rất giống một cây sáo nhỏ màu đen mới
vừa được chơi trong dàn nhạc và được gửi lại ngoài cửa - ông ta được nhất
loạt yêu cầu chơi bài Rule Britannia*. Khi ông ta đề nghị nhạc công đừng
đung đưa cánh tay như thế, người đàn ông cau có nói, “Và cả ông nữa cũng
đừng có làm thế; ông còn tệ bằng vạn anh ta!” Và tôi lấy làm buồn phải nói
thêm rằng trong tất cả các dịp kể trên đều có những tràng cười chào đón ông
Wopsle.
Một bài hát ái quốc Anh do Thomas Arne phổ nhạc bài thơ cùng tên của James Thomson năm 1740.
Nhưng thử thách lớn nhất ông phải chịu đựng là ở nghĩa địa nhà thờ,
với phong cảnh có vẻ giống một khu rừng nguyên sinh, ở một bên dường như
là một nhà giặt nhỏ dành cho các tu sĩ, bên kia là cái cổng có gác chắn. Ông
Wopsle, mặc áo khoác đen dài, được trông thấy đang đi vào qua cổng, và
người phu đào huyệt được nhắc nhở một cách thân mật: “Coi chừng! Người
tổ chức tang lễ đang đến để xem anh bạn làm ăn tới đâu kìa!” Tôi tin rằng ai
cũng biết rõ ở một quốc gia có hiến pháp là ông Wopsle không thể trả lại cái
sọ sau khi triết lý với nó mà không lau ngón tay lên chiếc khăn trắng bóc lấy
từ trong ngực áo ra; song cả cử chỉ vô hại và không thể thiếu này cũng không
thoát khỏi bị bình phẩm, “Hầu - bàn!” Sự xuất hiện của thi thể cần chôn cất
(trong một cái hòm đen rỗng có nắp mở tung) trở thành tín hiệu cho cơn vui
vẻ lan khắp trong khán giả, tâm trạng hân hoan còn được thổi bùng thêm lên
bởi việc phát hiện ra trong đám khiêng quan tài một nhân vật khó chịu. Tiếng
cười tiếp tục đồng hành với ông Wopsle trong suốt cuộc giao tranh của ông
này với Laertes ngay bên rìa dàn nhạc và huyệt mộ, và không hề lắng xuống
cho tới tận khi ông ta làm nhà vua ngã nhào khỏi bàn ăn và chết dần chết mòn
từng phân một từ mắt cá chân trở lên.
Lúc đầu, chúng tôi yếu ớt cố gắng hoan hô cổ vũ cho ông Wopsle;
nhưng chúng quá vô vọng không kéo dài được lâu. Vậy là chúng tôi ngồi
xuống, không khỏi ái ngại cho ông, song vẫn phá lên cười đến tận mang tai.
Tôi cười không đừng nổi suốt từ đầu đến cuối, cả màn trình diễn ấy quả là hài
hước; dẫu vậy tôi vẫn có một ấn tượng ngấm ngầm là rõ ràng có điều gì đó
hay ho trong cách diễn thoại của ông Wopsle - tôi e rằng không phải do sự
quen biết trước đây, mà vì nó rất chậm chạp, rất ảm đạm, rất lên bổng xuống
trầm, và rất không hề giống bất cứ cách thức nào mà bất cứ ai trong bất cứ
hoàn cảnh tự nhiên nào dù sống hay chết từng dùng để nói về bất cứ điều gì.
Khi vở bi kịch kết thúc, còn ông bị gọi tên và huýt sáo phản đối, tôi nói với
Herbert, “Đi ngay thôi nào, nếu không có khi bọn mình sẽ gặp phải ông ấy
đấy.”
Chúng tôi xuống cầu thang hối hả hết mức có thể, nhưng vẫn chưa đủ
nhanh. Đứng trước cửa là một người Do Thái với đôi lông mày rậm nặng nề
khác thường, ông ta bắt gặp ánh mắt tôi khi chúng tôi tiến tới, rồi lên tiếng
khi chúng tôi đến cạnh mình:
“Ông Pip và bạn phải không ạ?”
Danh tính ông Pip và bạn liền được thừa nhận.
“Ông Waldengarver,” người đàn ông nói, “sẽ rất vui được hân hạnh
đón tiếp.”
“Waldengarver?” tôi nhắc lại - trong khi Herbert thì thầm vào tai tôi,
“Có khi chính là Wopsle.”
“À!” tôi nói. “Vâng. Ông có thể dẫn đường cho chúng tôi chứ?”
“Xin mời, chỉ vài bước thôi.” Khi chúng tôi bước vào một hành lang
bên cạnh, người đàn ông quay lại và hỏi. “Các vị nghĩ ông ấy trông thế nào?
Chính tôi đã phục trang cho ông ấy đấy.”
Tôi không biết vị đồng hương của mình trông giống cái gì ngoại trừ
một đám tang; với sự bổ sung của một vầng mặt trời hay ngôi sao Đan Mạch
to tướng đeo trên cổ nhờ một dải ruy băng xanh đem đến cho ông bộ dạng
như đang được bảo hiểm bởi một hãng bảo hiểm hỏa hoạn kỳ lạ nào đó*.
Nhưng tôi phải nói trông ông rất được.
Ở thời này, bên ngoài các tòa nhà thường gắn các tấm phù điêu biểu tượng của hãng bảo hiểm cho tòa
nhà đó.
“Khi tới bên huyệt mộ,” người dẫn đường của chúng tôi nói, “ông ấy
trưng áo khoác của mình ra thật đẹp. Nhưng nhìn từ trong cánh gà, theo như
tôi thấy ông ấy đáng lẽ nên thể hiện nhiều hơn trên đôi tất khi trông thấy hồn
ma trong phòng hoàng hậu.”
Tôi khiêm nhường tán thành, và tất cả chúng tôi cùng lao qua một cánh
cửa quay nhỏ bẩn thỉu, bước vào một nơi trông như kho chứa đồ nóng nực
nằm ngay đằng sau cửa. Ở đây ông Wopsle đang giũ bỏ bộ đồ Đan Mạch
khỏi người, và không gian bên trong chỉ đủ chỗ để chúng tôi người này ngó
qua vai người kia để chiêm ngưỡng ông bằng cách giữ cho cánh cửa, hay cái
nắp đậy, mở rộng.
“Thưa các quý ông,” ông Wopsle nói, “tôi rất tự hào được thấy quý vị.
Cậu Pip, tôi hy vọng cậu sẽ thứ lỗi cho việc tôi nhờ người mời. Tôi đã có hân
hạnh được biết cậu dạo trước, và kịch nghệ luôn xứng đáng, và điều này đã
được thừa nhận từ lâu, với những người cao quý và giàu có.”
Trong lúc đó, ông Waldengarver, trong một cơn vã mồ hôi kinh hoàng,
đang cố thoát ra khỏi cái áo tang vương giả ông đang mặc.
“Lột ngược tất ra, ông Waldengarver,” chủ nhân của món đồ lên tiếng,
“nếu không ông sẽ làm rách chúng đấy. Cứ việc làm rách chúng đi, và ông sẽ
xé mất ba mươi lăm shilling. Shakespeare chưa bao giờ được trình diễn với
một đôi tất đẹp hơn thế. Giờ hãy ngồi yên vào ghế của ông và để chúng cho
tôi.”
Nói xong, ông ta quỳ xuống và bắt đầu lột da nạn nhân của mình; ông
kia chắc chắn đã ngã nhào ra sau khi cái tất thứ nhất tuột ra, nếu không vì căn
phòng chẳng còn chỗ nào để ngã nữa.
Cho tới tận lúc đó, tôi vẫn sợ không dám nói lời nào về vở kịch. Nhưng
rồi ông Waldengarver ngước lên nhìn chúng tôi đầy tự mãn và nói:
“Các quý ông, các vị thấy thế nào, ngoài sân khấu ấy?”
Herbert nói từ phía sau (đồng thời huých tôi một cái), “Tuyệt vời.” Vậy
là tôi nói “Tuyệt vời.”
“Các vị thấy cách tôi đọc thoại nhân vật thế nào, các quý ông?” ông
Waldengarver nói gần như, nếu không muốn nói là hoàn toàn, với vẻ bề trên.
Herbert lên tiếng từ đằng sau (và lại huých tôi), “Uy phong và khúc
chiết.” Vậy là tôi nói thật bạo dạn, như thể chính tôi đã nghĩ ra nó và phải
trân trọng nhấn mạnh về nó, “Uy phong và khúc chiết.”
“Tôi rất mừng nhận được sự tán thưởng của quý vị, thưa các quý ông,”
ông Waldengarver nói đầy nghiêm trang, bất chấp việc đang bị ép chặt vào
tường và ấn xuống mặt ghế.
“Nhưng tôi sẽ cho ông hay một điều, ông Waldengarver,” ông đang
quỳ lên tiếng, “mà ông đã làm trong lúc đọc thoại. Bây giờ hãy chú ý nào!
Tôi không quan tâm ai nói ngược lại; tôi nói với ông vậy đấy. Ông quên lời
thoại của Hamlet mỗi khi xoay nghiêng chân. Tay Hamlet lần trước mà tôi đã
hóa trang cho, cũng mắc lỗi ấy trong buổi tập vở, cho tới lúc tôi phải dán một
dấu niêm lớn màu đỏ lên mỗi bên ống quyển ông ta, và sau đó, trong buổi tập
vở ấy (cũng là buổi cuối cùng) tôi đi ra sân khấu, thưa quý vị, tới đằng sau
sàn diễn, và mỗi khi ông ta xoay nghiêng, tôi lại gọi ra, ‘Tôi không thấy dấu
niêm nào cả!’ Và tối đó màn đọc thoại của ông ta thật tuyệt.”
Ông Waldengarver mỉm cười với tôi, dường như để nói “Một người
phụ thuộc trung thành - tôi trông nom sự điên rồ của ông ấy”; rồi nói lên
thành tiếng, “Cách nhìn của tôi có phần hơi cổ điển và trầm tư đối với những
người ở đây; nhưng họ sẽ tiến bộ, sẽ tiến bộ.”
Herbert và tôi đồng thanh, À vâng, họ sẽ tiến bộ, không nghi ngờ gì
nữa.
“Các quý ông, các vị có thấy,” ông Waldengarver nói, “một người đàn
ông dưới khán phòng luôn cố gắng gieo rắc sự nhạo báng lên phần phục vụ -
ý tôi là màn trình diễn - không nhỉ?”
Chúng tôi khiêm nhường đáp lại là quả tình có vẻ như chúng tôi đã
thấy một nhân vật như thế. Tôi nói thêm, “Hẳn ông ta say rồi.”
“Ôi trời, không đâu, thưa ngài,” ông Wopsle nói, “không say đâu. Chủ
của hắn ta sẽ lo kỹ chuyện đó. Chủ của hắn sẽ không cho phép hắn được say
đâu.”
“Ông biết chủ của ông ta sao?” tôi hỏi.
Ông Wopsle nhắm mắt vào, rồi lại mở ra; ông thực hiện cả hai nghi
thức hết sức chậm rãi. “Thưa các quý ông, hẳn các vị đã thấy,” ông nói, “một
con lừa dốt nát và ầm ĩ, với cái cổ họng chua ngoa và một bản mặt hiện rõ sự
xấu xa thấp hèn, kẻ đã đi qua - tôi sẽ không nói là nắm giữ - rôle* (nếu tôi
được phép dùng cách gọi tiếng Pháp) Claudius, vua Đan Mạch. Đó chính là
ông chủ của hắn, thưa quý vị. Chuyên nghiệp vậy đấy!”
Tiếng Pháp: vai diễn.
Không thực sự biết rõ liệu tôi có cảm thấy thương hại ông Wopsle hơn
hay không nếu ông tỏ ra khổ sở thất vọng, tôi vẫn thấy thương hại ông ta
trong cảnh hiện tại, đến mức tôi nhân cơ hội vị diễn viên quay lại để đeo đai
mang quần vào - đồng thời khiến chúng tôi bị xô ra ngoài cửa - để hỏi
Herbert xem cậu nghĩ sao về việc mời vị diễn viên về nhà ăn tối? Herbert nói
làm thế cũng hay; vậy là tôi mời ông, và ông Wopsle đi cùng chúng tôi về
nhà trọ Barnard, che kín người để tránh bị nhận ra, còn chúng tôi cố gắng hết
sức để tiếp đãi ông, kết quả là ông ngồi lại tới tận hai giờ sáng, nhìn nhận lại
thành công của mình và lên kế hoạch cho bản thân. Tôi đã quên hết chi tiết về
chúng, nhưng tựu trung lại tôi nhớ ông Wopsle dự định bắt đầu bằng việc làm
sống lại Kịch nghệ, và cuối cùng làm nó tiêu tan; cũng như việc cái chết của
ông chắc chắn sẽ làm chuyện này bị dang dở, không còn chút cơ hội hay hy
vọng nào.
Sau tất cả, tôi khổ sở leo lên giường, khổ sở suy nghĩ về Estella, và khổ
sở mơ thấy tất cả triển vọng được hưởng gia sản của tôi đều bị hủy bỏ, thấy
tôi phải kết hôn cùng Clara của Herbert, phải diễn vai Hamlet cùng Hồn ma
cô Havisham trước mắt hai mươi nghìn người mà không nhớ nổi hai mươi từ
về vai đó.
Great Expectations (Tiếng Việt) Great Expectations (Tiếng Việt) - Charles Dickens Great Expectations (Tiếng Việt)