Nguyên tác: Dịch Theo Bản Dịch Pháp Văn Les Catacombes D'odessa Của Esfir Berstein Và Olga Wormsber — (Nhà Xuất
Số lần đọc/download: 0 / 7
Cập nhật: 2021-01-12 19:45:05 +0700
Phần Thứ Nhất - 30
C
ả phòng im phăng phắc. Tiếng sóng trào vẫn ầm ầm đều đặn. Bên ngoài cửa sổ mở rộng, vườn cây trụi lá, lối đi trông đào kim nhưỡng xanh thẫm. Cuối lối, sau đống hơi chèo cũ, vải bạt và chậu hoa, phía ngoài bờ biển dốc, là mặt biển tối tăm, u ám, tiếp với một khối mây đen, thấp và nặng ở phía trên. Secnôivanenkô im bặt. Các đồng chí của ông cũng ngồi yên; lúc này họ thấy dạt dào xúc động và thản nhiên lạ thường, như Secnôivanenkô cảm thấy khi đồng chí bí thư truyền đạt mệnh lệnh của khu ủy cho ông. Với sự sáng suốt hoàn toàn và tàn nhẫn nữa, họ hiểu rằng thế là giờ phút quyết định và không thể khác được đã tới, cái giờ phút bao lâu chờ đợi nhưng thật khó tin là nó đã tới.
Họ có bốn người, không kể Secnôivanenkò, người thứ năm vắng mặt.
Secnôivanenkô im lặng. Mọi người cũng im lặng. Trong giây phút yên lặng ấy, tâm hồn họ đã xích lại gần nhau. Trước đây, họ cũng đã gần gũi nhau như những người đồng chí, những người cộng sản. Nhưng bây giờ, trên ngưỡng cửa một cuộc sống mới, của hoạt động bí mật trong địch hậu, lúc nào cũng giáp mặt với cái chết, họ cảm thấy gắn bó với nhau như cùng một dòng máu. Trừ Secnôivanenkò, tất cả mới rút vào bí mật lần đầu trong đời. Secnôivanenkò hiểu rất rõ những gì đang diễn ra trong lòng họ. Lời nói quả là kém bất cứ phương tiện biểu hiện tình cảm nào khác, để có thể diễn đạt được tâm trạng trang nghiêm, trong sáng và kiên định của họ. Vì vậy họ im lặng và Secnôivanenkô không muốn khuấy động cái im lặng sâu sắc đầy ý nghĩ ấy. Sau đó, ông không nhắc lại tình hình quân sự đã khá rõ ràng mà đi thẳng vào công tác của họ.
Trong số những vần đề lớn nhỏ Secnôivanenkô phải nghiên cứu từ giờ cho đến tối, có hai việc rất quan trọng đã ghi trong số tay của ông: một ghi tên Xiniskin và một ghi tên Kôletnisuc. Ngồi trong xe, bên cạnh Xviatôxlap ông tự hỏi nên bắt đầu bằng việc nào.
Xiniskin hay đúng hơn Xiniskin Jêleznư là một công nhân già ở Ôđetxa, hiện nay làm đốc công, đã làm việc trên bốn mươi năm ở nhà máy chữa tàu. Bác được tuyển vào nhà máy trước Cách mạng khá lâu. Hồi ấy nhà máy mới chỉ là một xưởng có mái che, thuộc Công ty hàng hải và thương mại Nga. Từ sau Cách mạng, xưởng nhỏ ấy đã trở thành một cơ sở sửa chữa và đóng những tàu biển lớn ở Hắc-hải: một nhà máy rộng mênh mông với hơn ba nghìn rưởi công nhân, không phải chỉ sửa chữa tàu biển Hắc-hải mà cả một số tàu thuộc hạm đội Bantich và Thái-bình-dương nữa.
Là người cộng sản lâu năm, vào Đảng từ 1905, đã tham dự Nội chiến, Xiniskin Jêleznư tuyên bố bác sẽ là một trong số người đầu tiên tình nguyện rút vào bí mật, khi cần thiết. Khu ủy đã xếp bác vào đội của Secnôivanenkô. ông coi bác là người rất quí, không ai thay thế được. Bác có rất nhiều kinh nghiệm cách mạng; bác sinh tại một khu công nhân lâu đời ở Pêrexip, ở phố Mạc-tư-khoa và đã suốt đời sống ở đấy. Không ai hiểu biết cặn kẽ về công nhân Pêrexip bằng bác, về đời sống của họ, về quyền lợi của họ; bác quen biết từng người, từng gia đình, từng nhà ở Pêrexip và từng ngõ của khu ngoại ô thợ thuyền lớn này. Bây giờ Secnôivanenkô phải giải quyết vấn đề: nên đưa bác xuống hầm hay giữ bác trên mặt đất để liên lạc với nhân dân trong vùng? Secnôivanenkô không thể trì hoãn chuyện này được nữa. Còn vấn đề kia, là chuyện Kôlctnisuc. Theo kế hoạch của ông, Kôletnisuc phải tổ chức ở trung tâm thành phố một địa điểm hội họp bí mật bề ngoài là « hãng bán đồ cũ ». Secnôivanenkô thảo kế hoạch này đã lâu, được khu ủy tán thành và duyệt y. Mấy ngày gần đây, ông đã gặp Kôletnisuc; nói chung ông ta đã đồng ý. Nhưng tình hình lại phức tạp vì việc vợ Kôletnisuc chưa tản cư, mà có mặt bà ta thì chẳng làm được gì cả. Công tác phải giữ bí mật, cả với vợ Kôletnisuc. Secnôivanenkô đã lấy cho bà ta một giấy thông hành đi tàu vận tải quân sự. Lúc này, theo dự tính của ông, thì bà đã lên đường rồi. Phải lập tức đến gặp Kôletnisuc để bàn bạc dứt khoát việc thực hiện kế hoạch đó.
Secnôivanenkô lệnh cho Xviaiôxlap đến nhà riêng Xiniskin Jelezmr, nhưng cứ đi cầu may qua phố Kôrôlenkô, trước nhà máy Chữa tàu, nếu bác còn đây thì đón luôn thể.
Trở lại thành phố bằng đại lộ Vô sản, Secnôivanenkô lại nhìn thấy ngôi nhà có căn phòng của ông không được ngỏ ngàng tới từ nửa tháng nay. Cần tạt về nhà, lấy vài đồ vật, hủy một số tài liệu, nhưng đến phút cuối cùng, ông lại đổi ý kiến. Việc đó có thể làm sau, trên đường về. Lại một lần nữa, ông đi qua nhà không dừng lại, nhận thấy trên bao lơn phòng mình, vẫn còn những bông hoa kim liên nở muộn trong chậu, một cửa sổ bị phá, bật tung ra, cảnh cửa gẫy lủng lẳng trên độc một chiếc bản lề, và phía ngoài gió thổi phần phật cái màn cửa bằng vải.
Không khí không ngừng bị rung chuyển vì những đợt pháo kích như trước. Trên trời, mây đen thấp lớp lớp trôi đi; lá vàng bay; ở các ngã tư có bộ đội đứng gác. Nhưng có một cái gì mới mẻ, đáng sợ thêm vào đó.
Secnôivanenkô chưa hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra. Một không khí khó tả, đáng ngại, như dự cảm một tai họa sắp tới. Rồi đột nhiên, ông hiểu ra. Đó là những truyền đơn trắng, vừa dán ở thành phố mang lời kêu gọi nhân dân cuối cùng của khu ủy.
Khắp chung quanh đều mang dấu vết của cuộc phòng thủ: nhà cửa bị phá hoại, dầm nhà cháy đen, cột xe điện bị bom đạn đánh gục, công viên, vườn hoa, có mọc đầy, cuối cùng là những ụ chắn các phố, dựng bằng bao đất, đá lát đường bóc lên, toa xe điện bị lật đổ. Cái ụ ở phố Ribat làm bằng đồ đạc, bàn giấy chất đống: những cái bàn nặng trịch, những đi-văng, những tủ sách tọng đầy cát, những ghế bành bọc da đồ sộ. Người ta vội vã xếp gạch vào những tủ kính các cửa hàng ở góc phố, đồng thời bố trí những lỗ châu mai hẹp cho súng máy. Ở vài nơi, trên bờ các ụ đất cao, cỏ đã mọc và trên nóc ụ, chân người qua lại đã vạch nên những lối di nhỏ. Phải tài lắm mới qua được thành phố bằng ô-tô. Vì vậy Xviatôxlap phải đi vòng các chiến hào, chồm lên những ổ gà của đường phố nham nhở, lái xe xuyên qua những cái sân vòi nước cạn khô, có những hành lang đổ nát, có những chậu vả và trúc đào với những đóa hoa phớt hồng, có những dẫy thùng rỗng, bình, chậu, chai, lọ mà bà con xếp dưới ống máng ráo hoảnh để hứng nước mưa, vì nhà máy nước Bêliaêvô đã bị địch chiếm từ lâu. Và tất cả quang cảnh này lại gắn liền với một luồng gió dữ, với một bầu trời tối, thấp, hầu như gắn liền vào những nóc nhà đen sì, gắn liền với trận pháo kích liên miên, mệt người, làm rung chuyển những ô kính còn sót lại của các nhà; tất cả những cái đó đối với Secnôivanenkô đã có một ý nghĩa mới mẻ, khác hẳn.
Cùng một lúc, ông có hai cảm giác gay gắt, không thể so sảnh được với bất kỳ cái gì ông đã trải qua, một là mối nguy hiềm ngay trước mắt — và cũng đã xảy ra rồi — hai là lòng kiên quyết chống chọi với mối nguy hiểm ấy đến cùng, ông cảm thấy sức mạnh to lớn của nhiệm vụ, nó bắt tất cả hành vi và tư tưởng của ông phải phục tùng, nó thu hút toàn bộ con người ông, không chừa lại chút gì. Bây giờ giữa ông và cái thành phố đang đi qua này hình như có một nét gạch rõ rệt đã được vạch ra. Những ngôi nhà quen thuộc từ thời thơ ấu, những cây dạ họp, đường phố lát đá hoa cương, đường trải nhựa, hè đường lát phún thạch mòn nhẵn, những lâu đài, nhà hát, thư viện, đường tàu điện uốn lượn ở những chỗ ngoặt, sáng loáng như lưỡi gươm, tất cả nhưng cái đó ngày mai sẽ bị quân thù chiếm mất. Bị chiếm nhưng hồn của nó vẫn không hề bị đoạt.
Secnôivanenkô biết là giữa lúc này, trong những giờ phút cuối cùng này, trong tất cả mọi khu của thành phố, có không biết bao nhiêu nhóm người đang lặng lẽ tiến hành việc rút vào bí mật, và theo đúng nguyên tắc bí mật, họ sẽ không biết gì và không được phép biết gì về nhau, nhưng đều sẵn sảng hoạt động cho cùng một sự nghiệp tốt đẹp và duy nhất.