You can never get a cup of tea large enough or a book long enough to suit me.

C.S. Lewis

 
 
 
 
 
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: Trần Hùng
Số chương: 41 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 5
Cập nhật: 2024-09-01 17:39:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tần I
. TRUYỆN VỆ ƯỞNG
(Vệ Ưởng vong Ngụy nhập Tần)
Vệ Ưởng bỏ Ngụy mà qua Tần. Tần Hiếu Công dùng làm tướng quốc, phong cho ở đất Thương, nên gọi là Thương Quân. Thương Quân cai trị Tần, phép lệnh rất công minh, vô tư: phạt thì không kiêng kẻ có uy quyền lớn, thưởng thì không vì tư tình. Hình pháp thi hành lên tới cả thái tử, thích chữ vào má và cắt mũi quan sư phó. Một năm sau, trên đường có của rơi không ai dám lượm, dân không dám lấy bậy của người khác, quân lính rất mạnh, chư hầu đều sợ. Nhưng phép nghiêm quá mà ít thi ân, thành thử người ta chỉ miễn cưỡng mà phục.
Hiếu Công thi hành phép của Thương Ưởng được tám năm tới khi đau nặng muốn truyền ngôi cho Thương Quân, Thương Quân không nhận.
Hiếu Công mất rồi, Huệ Vương lên thay, trị vì được một thời gian thì Thương Quân xin về Ngụy. Có người bảo Huệ Vương:
- Đại thần mà quyền lớn quá thì nước nguy; kẻ tả hữu mà thân cận quá thì bản thân nguy. Nay ở Tần, đàn bà trẻ con đều nói: pháp lệnh của Thương Quân chứ không nói: pháp lệnh của đại vương, thế thì ngược lại chính Thương Quân mới là vua mà đại vương hoá thành bề tôi. Vả chăng, Thương Quân vốn là kẻ thù của đại vương xin đại vương xét kỹ.
Thương Quân trở về Tần, Huệ Vương cho xe ngựa xé thây, mà người nước Tần không ai thương xót.
2. TRUYỆN TÔ TẦN – C11,2-31
(Tô Tần thuỷ tương liên hoành) – QC – BC
Tô Tần mới đầu đem kế liên hoành thuyết Tần Huệ Vương rằng:
- Nước của đại vương phía Tây có những nguồn lợi của Ba, Thục, Hán Trung; phía bắc có những sản vật như lạc đà đất Hồ, ngựa đất Đại; phía nam có Vu Sơn và Kiềm Trung hiểm trở, phía đông có Hào Sơn và Hàm Cốc kiên cố. Ruộng thì phì nhiêu, dân thì phong phú, chiến xa có vạn cổ, quân lính hăng hái có trăm vạn, cánh đồng màu mỡ rộng ngàn dặm, lương thảo súc tích nhiều, địa thế tiện lợi (cho việc công và thủ). Như vậy gọi là kho của trời, quả là một nước mạnh trong thiên hạ. Đại vương thì hiền minh, dân chúng thì đông đúc, chiến xa và ngựa thì tốt, sĩ tốt thuần thục về binh pháp, nhờ những điểm đó có thể kiêm tính được chư hầu, nuốt được thiên hạ, xưng đế mà thống trị. Xin đại vương lưu ý một chút cho thần bày tỏ mưu kế công hiệu.
Vua Tần đáp:
- Quả nhân nghe rằng lông, cánh chưađủ thì chưa thể bay cao được; pháp lệnh chưa thành thì chưa thể dùng hình phạt được; đạo đức chưa dầy thì chưa thể sai dân được; chính giáo chưa thuận thì chưa thể làm phiền nhọc đại thần được. Nay tiên sinh không ngại đường xa ngàn dặm, nghiêm chỉnh đến tận nơi chỉ giáo quả nhân, nhưng xin hẹn một ngày khác.
Tô Tần thưa:
- Thần vốn ngờ rằng đại vương khôngdùng kế của thần. Xưa vua Thần Nông đánh Bổ Toại, vua Hoàng Đế đánh miền Trác Lộc, cầm tù Xi Vưu, vua Nghiêu đánh Hoan Mâu, vua Thuấn đánh Tam Miêu, vua Võ đánh Cung Công, vua Thang đánh Hữu Hạ, vua Văn Vương đánh Sùng Hầu Hổ, vua Vũ Vương đánh Trụ, vua Tề Hoàn dùng chiến tranh mà làm bá chủ thiên hạ. Do đó mà xét thì có ông vua nào mà không dùng chiến tranh. Hồi xưa rong ruổi chiến xa mà đánh nhau, dùng lời mà kết ước với nhau, mà thiên hạ thống nhất. Sau hợp tung liên hoành với nhau, và việc binh đao không lúc nào nghỉ. Rồi bọn văn sĩ khéo tô điểm lời nói, chư hầu bị mê hoặc, vạn sự do đó phát ra, không thể dùng đạo lý mà sửa lại được. Pháp lệnh đã đầy đủ mà dân càng có thái độ hư Ngụy, thư tịch nhiều mà tạp loạn, trăm họ vẫn không đủ ăn, trên oán dưới, dưới oán trên, trăm họ không biết trông cậy vào đâu; càng giảng rõ và bày tỏ đạo lý thì chiến tranh càng nổi; kẻ khéo nói thì được chức cao áo đẹp mà chiến tranh không bao giờ ngừng. Văn từ càng phồn thịnh thì thiên hạ càng loạn. Mỏi miệng, điếc tai mà chẳng kết quả gì. Làm điều nhân nghĩa, giữ đức tín, mà thiên hạ cũng không thân với nhau. Như vậy mới bỏ văn mà dùng võ, hậu đãi bọn chiến sĩ cảm tử, may áo giáp, mài binh khí, quyết thắng trên chiến trường. Ở không mà mong được lợi, ngồi yên mà mong đất đai được mở rộng thì các bực ngũ đế, tam vương, ngũ bá, minh chủ hiền quân thời xưa đều muốn như vậy cả, nhưng cái thế không thể được, nên phải dùng đến chiến tranh. Cách xa nhau thì dùng xe mà tấn công, sát lại gần nhau thì dùng gậy kích mà đâm, có vậy mới lập được sự nghiệp lớn. Thế cho nên binh mà thắng ở ngoài thì nhân nghĩa mới mạnh ở trong, uy vọng vững ở trên, thì dân mới phục tòng ở dưới. Nay muốn thôn tính thiên hạ, xâm chiếm nước có vạn cổ xe, khuất phục địch quốc, thống trị hải nội, khiến con dân phải ngoan ngoãn, chư hầu phải thần phục thì tất phải dùng binh. Các bậc vua chúa nối nghiệp ngày nay bỏ cái đạo dùng binh đó mà đều loạn về chính giáo, mê hoặc về ngôn ngữ, chìm đắm vào biện luận. Lấy đó mà xét thì đại vương vốn không thể thực hành việc bá chủ được.
Tô Tần mười lần dâng thư thuyết vua Tần mà không có kết quả. Áo cừu đen đã rách, trăm cân vàng đã tiêu hết, thiếu tiền chi dụng, phải bỏ nước Tần về quê nhà, đùi quấn xà cạp, chân đi dép cỏ, đội sách, đeo đẫy, hình dung tiều tuỵ, mặt mày xanh xạm, có vẻ xấu hổ.
Về tới nhà, vợ thản nhiên không rời khung cửi, chị không nấu cơm cho ăn, cha mẹ không hỏi han tới. Tô Tần bùi ngùi than rằng: “Vợ không coi ta là chồng, chị không coi ta là em, cha mẹ không coi ta là con, đều là lỗi của Tần này cả”.
Đêm đó lấy trong tráp cũ ra mấy chục bộ sách, tìm được bộ binh pháp Âm phù của Khương Thái Công, gục đầu trên án mà đọc, lựa chọn mà luyện cho thật nhuần, suy xét vào thời thế mà tìm cách ứng dụng. Đọc sách mệt mà buồn ngủ thì tự cầm dùi đâm vào vế, máu chảy tới bàn chân, bảo: “Có lẽ nào du thuyết bọn vua chúa mà không làm cho họ đem vàng ngọc gấm vóc tặng mình, đem chức khanh tướng tôn quí phong mình không?”. Được một năm, công tinh luyện đã thành, Tô Tần tự nhủ: “Bây giờ thực là có thể du thuyết các vua chúa đương thời được”. Nghĩ vậy rồi qua miền Yên Ô, Tập Quyết, yết kiến Triệu Vương, thuyết Triệu Vương trong một ngôi nhà lộng lẫy, vỗ tay mà đàm luận.
Triệu Vương rất mừng, phong Tô Tần chức Vũ An Quân, giao cho tướng ấn, cấp cho binh xa một trăm cỗ, gấm vóc ngàn tấm, ngọc bích trắng một trăm đôi, hoàng kim một vạn nén mà theo hầu nhà vua để lập ước hợp tung, ly tán phe liên hoành và ức chế cường Tần. Vì vậy, Tô Tần làm Tể tướng ở Triệu mà cửa quan Hàm Cốc không thông với Tần nữa.
Đương thời đó, những nước lớn trong thiên hạ, những đám dân đông tới hàng vạn, những bậc vương hầu uy thế, những mưu thần có quyền hành đều muốn theo chính sách Tô Tần. Không phí một đấu lương, chưa làm mệt một tên lính, chưa dùng tới một tướng sĩ, chưa làm đứt một sợi dây cung, chưa làm gẫy một mũi tên, mà chư hầu thân ái nhau hơn là anh em một nhà. Một bậc hiền nhân được giao trách nhiệm mà thiên hạ quy phục: một người được trọng dụng mà thiên hạ đều theo. Cho nên có câu rằng: “Mưu đồ vương bá, phải dùng chính trị chứ không dùng vũ dũng, phải dùng ở trong triều đình chứ không dùng ở ngoài cõi”.
Đương thời thịnh của Tô Tần, có vạn nén vàng để chi dùng, ngựa xe nối tiếp nhau rực rỡ trên đường mà các nước ở phía đông núi Hào đều qui phục Triệu như thuận theo chiều gió khiến cho Triệu rất được tôn trọng.
Tô Tần vốn chỉ là kẻ sĩ ở trong hang cùng, cửa khoét trong tường, nhà bằng gỗ dâu mà then cửa cong queo mà được ngồi xe, cưỡi ngựa, du lịch khắp thiên hạ, đến triều đình các vua chư hầu để thuyết phục, bịt được miệng kẻ tả hữu của họ, thiên hạ không ai kháng cự nổi.
Khi Tô Tần đi du thuyết vua Sở, đường qua Lạc Dương, cha mẹ hay tin, cọ nhà quét sân, bày nhạc đặt tiệc, ra ngoài ba chục dặm để đón rước, vợ chỉ dám liếc trộm, nghe trộm, còn chị thì bò như rắn, lạy bốn lạy, tự quỳ xuống tạ tội. Tô Tần hỏi:
- Này chị! Sao trước ngạo mạn thế mànay cung kính thế!
Người chị đáp:
- Vì Quí tử chức trọng mà tiền nhiều.
Tô Tần than:
- Ôi! Nghèo khốn thì bố mẹ không nhận làm con, giàu sang thì thân thích sợ sệt. Người sinh ở đời, thế lực, chức vị và tiền của có thể coi thường được đâu!
3. TẦN HUỆ VƯƠNG MUỐN PHÁ KẾ HỢP TUNG CỦA TÔ TẦN
(Tần Huệ Vương vị Hàn Tuyền Tử)
Tần Huệ Vương bảo Hàn Tuyền Tử:
- Tô Tần khinh quả nhân muốn dùngcái trí của hắn lừa gạt các vua Sơn Đông, dùng kế hợp tung để khinh Tần. Triệu vốn cậy đông nên bày mưu cấp vàng lụa cho Tô Tần để kết ước với các chư hầu. Chư hầu không thể hợp nhất được, kế đó chỉ như cột chân gà với nhau bắt chúng cùng phải đậu một chỗ, điều ấy đã rõ. Quả nhân phẫn uất, nén giận đã lâu, nay muốn sai Vũ An Hầu đi giảng giải cho chư hầu.
Hàn Tuyền Tử khuyên:
- Không nên. Phá thành bạt ấp thì xindùng Vũ An Tử; tuyên truyền cho quốc gia, đi sứ chư hầu thì xin dùng khách khanh là Trương Nghi.
Tần Huệ Vương đáp:
- Xin vâng lời chỉ giáo.
5. TRƯƠNG NGHI THUYẾT TẦN HUỆ VƯƠNG
(Trương Nghi thuế Tần Huệ Vương)
Trương Nghi bảo vua Tần (Huệ Vương):
- Thần nghe nói: không biết mà nói thì là bất trí, biết mà không nói thì là bất trung. Làm bề tôi mà bất trung thì đáng chết. Tuy nhiên, thần xin đem hết kiến văn ra bày tỏ, xin tuỳ lượng đại vương định tội. Thần nghe nói thiên hạ, từ Yên ở phương Bắc tới Ngụy ở phương Nam liên hợp với Kinh (tức Sở), cố kết với Tề, thu phục thêm nước Hàn mà thành thế hợp tung, tính sẽ hướng về phía Tây Nam để làm khó cho Tần. Thần trộm cười kế đó. “Đời có ba lẽ bại vong mà thiên hạ đều mắc cả”. Lời đó đúng với bọn đó chăng?
Thần nghe nói: “Loạn mà đánh trị thì bại vong, tà mà đánh chính thì bại vong, nghịch mà đánh thuận thì bại vong”. Nay kho tiền bạc, binh khí của thiên hạ không đầy, lẫm lúa rỗng không, đem hết cả dân chúng ra, dàn cả mấy triệu quân, phía trước là dao, phía sau là búa mà đều bỏ chạy, không biết chiến đấu tới chết. Không phải là dân chúng không biết chiến đấu tới chết, tại bề trên họ không biết trị đấy. Hứa thưởng mà không thưởng, đe phạt mà không phạt, thưởng phạt không thi hành cho nên dân không chịu chiến đấu tới chết.
Nay Tần ban hiệu lệnh rồi thi hành thưởng phạt, có công hay không có công thì cứ theo đúng sự thực mà xét. Từ khi lọt lòng mẹ ra cho tới khi lớn không từng thấy giặc, mà khi nghe có chiến tranh thì đứng dừng lại, phanh ngực ra, tay không mà sấn tới đạo nhọn, giẫm lên than hồng, quyết chết như vậy đó. Quyết chết và quyết sống khác nhau xa, mà dân dám quyết chết là vì thích ganh đua với nhau, một có thể thắng mười, mười có thể thắng trăm, trăm có thể thắng ngàn, ngàn có thể thắng vạn, vạn có thể thắng cả thiên hạ.
Nay địa hình của Tần, cắt chỗ dài bổ vào chỗ ngắn thì vuông vức được vài ngàn dặm, lính giỏi có cả trăm vạn. Hiệu lệnh, thưởng phạt của Tần, địa thế lợi hại của Tần, trong thiên hạ không nước nào bằng. Lấy những sở trường đó mà tranh đấu với thiên hạ thì thiên hạ không đủ cho Tần thôn tính. Vì vậy mà hiểu tại sao Tần hễ chiến là thắng, hễ đánh là chiếm được, hễ tấn công là phá được. Mở đất được mấy ngàn dặm, đó là công lớn; nhưng quân đội đã mệt mỏi, nhân dân khốn khổ, của cải suy giảm, ruộng đất bỏ hoang, kho lẫm trống rỗng, chư hầu bốn bên không phục, không làm bá vương được; nguyên do có gì lạ đâu, chỉ tại bọn mưu thần không tận trung đấy thôi.
Thần xin nhắc lại chuyện xưa. Xưa Tề ở phương nam phá nước Kinh, ở trung ương phá nước Tống, ở phương tây qui phục được Tần, ở phương bắc dẹp được Yên, ở trung ương sai khiến được vua Hàn, vua Ngụy; đất rộng mà binh mạnh, hễ chiến thì thắng, đánh đâu chiếm đấy mà ra lệnh cho thiên hạ. Con sông Tế trong, con sông Hà đục , hai con sông đó đủ làm chướng ngại; Trường thành luỹ lớn đủ làm quan tái, Tề là nước năm lần đánh thắng, chỉ có một lần thua mà Tề bị tiêu diệt. Do đó mà xét chiến tranh là lẽ tồn vong của nước vạn thặng.
Vả thần lại nghe nói: “Đẽo gốc, đào rễ, đừng ở gần cái hoạ thì hoạ sẽ mất”. Tần đánh nhau với Kinh, đại phá Kinh, đánh úp đất Dĩnh, chiếm Động Đình, Ngũ Chử, Giang Nam; vua Kinh thua chạy, qua đông trốn ở Trần. Đương lúc đó, đuổi đánh quân Kinh, thì có thể chiếm được Kinh mà dân Kinh, đất Kinh sẽ làm lợi cho mình. Phía đông thắng Tề, Yên, giữa chiếm lấy Tam Tấn, như vậy chỉ một lần ra quân mà danh thành bá vương, chư hầu bốn bề triều phục. Nhưng bọn mưu thần không dùng kế đó, rút quân về, giảng hoà với Kinh, để cho Kinh thu lại được đất đã mất, gom lại được dân đã tan, lập được ngôi vua, dựng được tôn miếu, thống nhất thiên hạ mà hướng về phía Tây làm khó cho Tần ở phía Tây. Đó là lần thứ nhất thiếu chính sách dựng nghiệp bá.
Những kẻ đồng chí trong thiên hạ đem quân lại phía dưới Hoa Dương, đại vương dùng mưu phá được; binh tới ngoài thành Lương, vây quanh Lương vài tuần thì có thể diệt Lương được. Lương tan rồi thì Ngụy có thể chiếm được, Ngụy chiếm rồi thì Kinh, Triệu không còn chí chiến đấu nữa, Kinh, Triệu hết chí chiến đấu thì Triệu nguy. Triệu nguy thì Kinh hoá cô lập; rồi phía đông sẽ thắng được Tề, Yên, phía trung ương sẽ xâm chiếm Tam Tấn. Như vậy chỉ một lần ra quân mà lập được cái danh bá vương, chư hầu bốn bề phải triều phục. Nhưng bọn mưu thần không dùng kế đó, rút quân về, giảng hoà với Ngụy, để cho Ngụy thu lại được đất đã mất, gom lại được dân đã tan, lập được ngôi vua, dựng được tôn miếu. Đó là lần thứ nhì thiếu chính sách dựng nghiệp bá.
Trước kia Nhương Hầu làm tể tướng nước Tần, dùng binh một nước mà muốn lập công cho hai nước, cho nên quân lính suốt đời phải phơi sương dãi nắng ở ngoài, dân chúng ốm yếu bệnh hoạn ở trong mà danh bá vương không thành. Đó là lần thứ ba thiếu chính sách dựng nghiệp bá.
Triệu là nước ở trung ương, chỗ mà dân cư hỗn tạp; dân nông nổi khó dùng, hiệu lệnh không nghiêm, thưởng phạt không giữ đúng, địa thế bất lợi, người trên không dùng hết sức dân. Nước đó vốn có cái địa thế vong quốc, mà lại không lo cho dân chúng, đem hết dân chúng, quân sĩ giàn ra phía dưới Trường Bình để tranh đất Thượng Đảng của Hàn, đại vương dùng mưu phá được mà giết Vũ An Quân (là Triệu Quát). Đương lúc đó, nước Triệu vua tôi ghét nhau, kẻ sang người hèn không tin nhau, vậy mà không chiếm Hàm Đan. Nếu hạ Hàm Đan, làm chủ Hà Gian, rồi dẫn quân đi, phía tây đánh Tu Vũ, vượt Dương Trường, bắt Đại, Thượng Đảng phải đầu hàng. Đại có ba mươi sáu huyện, Thượng Đảng có mười bảy huyện; không dùng một chiếc mũ trụ, một chiếc áo giáp, không làm khổ một người dân, mà Tần chiếm được hết; không đánh Đại và Thượng Đảng mà hai đất đó về Tần. Đông Dương, Hà Ngoại không đánh mà trở lại về Tề; từ Trung Sơn, Hô Trì trở lên phía Bắc, không đánh mà về Yên. Nhưng lúc đó chiếm Triệu thì Hàn tất mất, Hàn mất thì Kinh, Ngụy không đứng một mình được; Kinh, Ngụy không đứng một mình được thì chỉ ra quân một lần là làm cho Hàn sụp, Ngụy suy; kẹp nước Kinh rồi qua phía đông để làm cho Tề, Yên yếu, khai thông vàm sông Bạch Mã để làm ngập nước Ngụy; một lần ra quân mà Tam Tấn mất, những nước hợp tung đều thua, đại vương chắp tay (ngồi không) mà đợi, thiên hạ qui phục mình, danh thành bá vương. Nhưng mưu thần không dùng kế đó mà rút quân về, giảng hoà với Triệu. Đại vương sáng suốt mà binh Tần lại mạnh, sự nghiệp bá vương đã không thành mà lại bị các vong quốc kia lừa, đều do sự vụng về của bọn mưu thần. Vả lại Triệu đáng mất mà không mất; Tần đáng làm bá mà không được làm bá, thì thiên hạ biết mưu thần của Tần ra sao rồi: đó là một. Lại đem hết quân lính đánh Hàm Đan mà không hạ được, liệng cả binh giáp, sợ sệt bỏ chạy, thiên hạ lượng cái sức Tần ra sao rồi: đó là hai. Kéo quân về, họp ở Lý Hạ, đại vương lại gom quân để chiến đấu, không đại thắng được, lại thua chạy nữa, thì thiên hạ lượng cái sức Tần ra sao rồi: đó là ba. Họ biết rõ mưu thần của ta ở trong triều, binh lực của ta ở ngoài cõi. Do đó mà xét, thần cho rằng kế hợp tung của thiên hạ há chẳng khó cho ta ư? Ở trong thì quân đội của ta mệt mỏi, dân chúng khốn đốn, của cải suy giảm, đồng ruộng bỏ hoang, kho lẫm trống rỗng; ở ngoài thì thiên hạ đồng lòng cố kết với nhau, xin đại vương lo lắng về việc đó.
Tục ngữ có câu: “Đau đáu lo lắng, cẩn thận từng ngày”. Nếu cẩn thận theo đạo thì chiếm được thiên hạ. Sao thần biết như vậy? Xưa, vua Trụ làm thiên tử, thống suất cả triệu quân lính trong thiên hạ, bên trái uống nước sông ở Kỳ Cốc, bên phải uống nước sông Viên Thuỷ. Nước sông Kỳ cạn mà nước Viên Thuỷ không chảy (vậy mà còn) lo đánh ông Vũ nhà Chu. Vũ Vương đem ba ngàn quân binh khí thô lậu đánh vua Trụ vào ngày Giáp Tí, đại phá quân Trụ, cầm tù vua Trụ, chiếm đất, chiếm dân, thiên hạ không buồn rầu gì cả. Trí Bá thống suất quân ba nước, đánh Triệu Tương Tử ở Tấn Dương, khơi sông cho nước chảy vào Tấn Dương, ba năm, thành bị hạ. Tương Chủ dùng mu rùa cỏ thi coi quẻ đoán cát hung, xem nên hàng nước nào.
Rồi sai Trương Mạnh Đàm đi sứ, Trương Mạnh Đàm lén đi, phản bội lời ước với Trí Bá, nhờ được thêm quân của hai nước Hàn, Ngụy tấn công nước của Trí Bá, cầm tù Trí Bá mà lập được sự nghiệp cho Tương Tử.
Nay đất Tần, cắt chỗ dài bổ vào chỗ ngắn thì vuông vức được vài ngàn dặm, lính giỏi có tới cả trăm vạn. Hiệu lệnh, thưởng phạt của Tần, địa thế lợi hại của Tần, trong thiên hạ không nước nào bằng. Lấy đó mà tấn công thiên hạ thì có thể thôn tính được thiên hạ. Thần không sợ chết, xin yết kiến đại vương, bàn cái kế công phá chính sách hợp tung của thiên hạ, thắng Triệu, diệt Hàn, bắt Kinh, Ngụy phải thần phục, bắt Tề, Yên phải thân với
Tần, để thành danh bá vương, thần phục chư hầu bốn bên. Xin đại vương thử nghe thuyết của thần, một lần ra quân mà quân trong thiên hạ không bị phá, Triệu không thua, Hàn không mất, Kinh, Ngụy không thần phục, Tề, Yên không kết thân với Tần, danh bá vương không thành, chư hầu bốn bên không triều phục, thì xin đại vương chém đầu thần đi để cho người trong nước biết rằng thần mưu tính mà không trung thành với chúa.
7. TƯ MÃ THÁC BÀN VỀ LẼ NÊN ĐÁNH THỤC
(Tư Mã Thác thỉnh phạt Thục)
Tư Mã Thác tranh luận với Trương Nghi ở trước mặt Tần Huệ Vương. Tư Mã Thác muốn đánh Thục, Trương Nghi bảo đánh Thục không bằng đánh Hàn. Vua Tần bảo:
- Xin cho biết vì lẽ gì?
Trương Nghi đáp:
- Kết thân với Ngụy, Sở, đem binh xuống Tam Xuyên bít những cửa của Hoạn Viên, Câu Thị, chặn đường Đồn Lưu, lúc đó quân Ngụy dẹp được Nam Dương, quân Sở chiếm được Nam Trịnh, binh Tần đánh Tân Thành, Nghi Dương thẳng tiến tới ngoài thành của hai nước Chu, thảo tội vua Chu, rồi chiếm luôn Ngụy, Sở, Chu tự biết không có cách nào thoát khỏi được, tất phải dâng bảo vật là chín cái đỉnh cho Tần. Làm chủ chín cái đỉnh rồi, cứ theo bản đồ cùng hộ tịch, mượn danh thiên tử mà ra lệnh cho thiên hạ, thiên hạ ai dám không nghe, như vậy tất dựng được nghiệp vương. Còn như Thục là nước hẻo lánh ở phía Tây, làm lãnh tụ các rợ Nhung, Địch, đem quân đánh thì binh lính mỏi mệt, dân chúng lao khổ mà không thành danh, dù chiếm được đất thì cũng không lợi. Thần nghe nói: “Tranh danh thì ở chốn triều đình, tranh lợi thì ở chỗ thị tứ”. Nay đất Tam Xuyên và nhà Chu là chỗ triều đình, thị tứ của thiên hạ, mà đại vương không tranh chỗ đó, lại đi tranh đất mọi rợ, thế là bỏ cái nghiệp vương xa quá.
Tư Mã Thác bảo:
- Không phải vậy. Thần nghe nói:
“Muốn cho nước giàu thì trước phải làm cho nước rộng; muốn cho binh mạnh thì trước phải làm cho dân giàu, muốn dựng nghiệp vương thì trước phải rộng thi hành nhân đức; ba cái đó mà đủ rồi thì tự nhiên được nghiệp vương trong thiên hạ”. Nay đất của đại vương còn hẹp, dân còn nghèo, cho nên thần xin tính cái việc dễ đã. Đất Thục kia là nước hẻo lánh ở phía tây, làm lãnh tụ các rợ Nhung, Địch, mà lại có cái loạn Kiệt, Trụ, nước Tần mình đem quân đánh thì có khác gì dùng chó sói đuổi đàn dê. Chiếm đất của Thục thì đủ làm rộng đất của Tần, chiếm được tài nguyên của Thục thì đủ làm giàu dân Tần. Chỉ cần chỉnh lý quân bị, không phải làm khó nhọc dân chúng mà Thục vội phải hàng phục ngay. Như vậy diệt được một nước mà thiên hạ không cho mình là bạo ngược, chiếm hết vật quí trong bốn bể mà chư hầu không cho mình là tham lam, thế là ta chỉ nhất cử mà danh lợi đủ hai, lại được cái tiếng tốt là trừ kẻ bạo, dẹp cảnh loạn. Nay đánh Hàn mà uy hiếp thiên tử, uy hiếp thiên tử thì mang tiếng xấu mà vị tất đã có lợi; mà lại mang tiếng bất nghĩa, vì đánh nước Chu là việc thiên hạ không ưa, như vậy tất nguy! Thần xin bày tỏ lý do: Chu là tôn thất của thiên hạ; Hàn là nước thân thiện với Chu, Chu tự biết rằng sẽ mất chín cái đỉnh, Hàn tự biết là sẽ mất đất Tam Xuyên, thì hai nước đó tất hiệp lực với nhau mà mưu tính việc chống đỡ, rồi liên hợp với Tề, Triệu mà xin Sở, Ngụy giải cứu, đem chín cái đỉnh tặng Sở, cắt đất tặng Ngụy, đại vương làm sao ngăn được; vì vậy mà thần cho là nguy, không bằng đánh Thục là ổn hơn. Huệ Vương khen:
- Phải. Quả nhân nghe lời ông.
Rồi đem binh đánh Thục, mười tháng chiếm được, bình định xong. Vua Thục tự xưng là hầu, dùng Trần Trang làm tướng Thục. Thục đã qui phục rồi, Tần càng cường thịnh, phong phú, mà coi rẽ chư hầu.
10. TẦN GIÚP NGỤY ĐỂ NUỐT NGỤY
(Sở công Ngụy)
Sở đánh Ngụy. Trương Nghi tâu với vua Tần (Huệ Vương):
- Nên giúp Ngụy cho Ngụy mạnh. Ngụy mà thắng Sở thì sẽ nghe lời Tần, mà miền ở ngoài Tây Hà sẽ về Tần; nếu không thắng, thì suy, không giữ được nước, đại vương sẽ chiếm lấy.
Vua Tần dùng kế Trương Nghi, đem vạn quân ở đất Bì Thị, trăm cổ xe để giúp Ngụy. Tê Thủ thắng Sở Uy Vương, quân Ngụy xong trận đó thì mệt mỏi, sợ Tần, quả nhiên phải dâng miền ở ngoài Tây Hà cho Tần.
11. TRẦN CHẨN ĐÁP VUA TẦN – C14,11-86
(Điền Tân chi vị Trấn Chẩn thuế Tần Huệ Vương)
Điền Tân vì Trần Chẩn mà tâu với Tần Huệ Vương:
- Thần e rằng đại vương cũng như vua nước Quách mất. Tấn Hiến Công muốn đánh nước Quách mà ngại Chu Chi Kiều còn ở triều. Tuân Tức bảo: “Chu Thư có câu: “Mỹ nhân làm cản trở lời can gián”. Rồi Tấn tặng vua Quách một đội nữ nhạc để làm loạn triều chính, Chu Chi Kiều can mà vua không nghe, bỏ đi, lúc đó Tấn mới đánh Quách, Quách thua. Rồi lại muốn đánh nước Ngu mà ngại Cung Chi Kỳ còn ở triều. Tuân Tức bảo: Chu Thư có câu: “Trai trẻ mỹ miều làm mê được ông già”. Rồi Tấn tặng vua Ngu những trai trẻ mỹ miều, chỉ cho họ cách hại Cung Chi Kỳ; Cung Chi Kỳ can mà vua không nghe, rồi bỏ đi. Lúc đó Tấn mới đánh Ngu mà chiếm được.
Nay Tần tự xưng vương. Có thể làm hại Tần là Sở. Sở biết Hoành Môn Quân khéo dùng binh, Trần Chẩn là bực minh trí cho nên trọng dụng Trương Nghi, cho coi việc năm nước mà sau này tất hãm hại hai người kia.
Xin đại vương đừng nghe.
Trương Nghi quả nhiên lại từ biệt vua Tần rồi nhân đó nói về Chẩn. Vua Tần giận, không nghe. Trương Nghi lại nói xấu Trần Chẩn với vua Tần: “Chẩn rong ruổi ở khoảng Sở và Tần, nay Sở không thân thiện với Tần mà thân thiện với Chẩn, thế là Chẩn vì mình chứ không phải vì nước. Vả lại Chẩn muốn bỏ Tần mà qua Sở, đại vương không hay ư?”.
Vua Tần bảo Trần Chẩn:
- Ta nghe người ta nói ông muốn bỏTần qua Sở; có thực vậy không?
Trần Chẩn đáp:
- Dạ có.
Vua Tần bảo:
- Lời của Nghi quả là đáng tin.
Đáp:
- Chẳng phải chỉ riêng Nghi biết điều đó, kẻ đi đường, ai cũng biết cả. Hiếu Kỷ kính yêu cha mẹ, thiên hạ ai cũng muốn có con là Hiếu Kỷ, Tử Tư trung với vua, trong thiên hạ vua nào cũng muốn có bề tôi là Tử Tư. Nô bộc tì thiếp mà bán ở trong làng trong xóm được thì là nô bộc tì thiếp tốt; thiếu nữ mà gả trong làng trong xóm được là thiếu nữ ngoan. Tôi mà không trung với đại vương thì Sở làm sao tin được là Chẩn tôi sẽ trung với Sở. Trung với đại vương mà còn bị đại vương bỏ, bây giờ tôi không qua Sở thì qua đâu?
Vua Tần bảo:
- Đúng.
Rồi bỏ việc đó đi.
12. TRẦN CHẨN LẠI ĐÁP VUA TẦN – C14,12-85
(Trần Chẩn khứ Sở chi Tần)
Trần Chẩn ở Sở về Tần. Trương Nghi tâu với vua Tần:
- Trần Chẩn là bề tôi của đại vươngmà đem tình hình trong nước bày tỏ với Sở. Nghi tôi không thể cộng sự với hắn được, xin đại vương đuổi hắn đi. Đuổi hắn mà hắn lại qua Sở thì xin đại vương giết hắn đi.
Vua Tần đáp:
- Đuổi hắn thì làm sao hắn dám qua Sởnữa?
Rồi gọi Trấn Chẩn vào, bảo:
- Tôi có thể chiều ý ông. Ông muốn đi đâu? Ta cho sửa soạn xe đưa ông.
Trần Chẩn đáp:
- Thần xin qua Sở.
Vua Tần bảo:
- Trương Nghi cho rằng ông sẽ qua Sở. Tôi cũng tự biết rằng ông sẽ qua Sở.
Ông không qua Sở thì còn đi đâu nữa.
Chẩn đáp:
- Thần mà ra khỏi nước Tần thì tất làđi qua Sở để cho hợp với sự mưu tính của đại vương và của Nghi và làm cho thiên hạ thấy rõ rằng thần qua Sở có phải để giúp Sở không. Nước Sở có một người nọ có hai vợ. Có kẻ ghẹo người vợ lớn tuổi, bị người này mắng cho; rồi ghẹo người vợ nhỏ tuổi, người này tỏ ý thuận. Không bao lâu người chồng có hai vợ đó mất. Có người bạn hỏi người ghẹo vợ người ta đó: “Anh cưới cô lớn tuổi hay cưới cô nhỏ tuổi?”. Đáp: “Cưới cô lớn tuổi”. Hỏi: “Cô lớn tuổi đã mắng anh, còn cô nhỏ tuổi đã thuận anh. Thế thì sao lại cưới cô lớn tuổi?”. Đáp: “Trước kia ghẹo người ta thì muốn cho người ta thuận mình; nay muốn cưới làm vợ thì muốn được người ta trung thành với mình mà mắng lại những kẻ sàm sỡ”.
Nay vua Sở Hoài Vương là bực minh quân, mà Chiêu Dương là bực tướng quốc hiền tài. Chẩn là bề tôi Tần mà nếu thường đem tình hình của Tần bày tỏ cho Sở biết thì vua Sở tất sẽ không dùng tôi mà Chiêu Dương tất sẽ không chịu cộng sự với tôi. Như vậy sẽ đuổi tôi đi mà thiên hạ sẽ thấy rõ rằng tôi qua Sở không phải để giúp Sở.
*
Chẩn ra, Trương Nghi vào, hỏi vua Tần:
- Trần Chẩn sẽ đi đâu?
Vua Tần đáp:
- Cái ông Chẩn đó, quả là bậc biện sĩtrong thiên hạ. Ông ta nhìn chăm chăm quả nhân mà bảo: “Chẩn tôi tất phải qua Sở”. Quả nhân không biết nói sao nữa. Rồi quả nhân hỏi: “Ông mà tất qua Sở thì lời của Nghi đáng tin quá”. Chẩn đáp: “Không phải chỉ riêng có Nghi nói như vậy, kẻ đi đường ai cũng nói như vậy. Xưa kia Tử Tư trung thành với vua, trong thiên hạ vua nào cũng muốn có Tử Tư là bề tôi; Hiếu Kỷ có hiếu với cha mẹ, ai cũng muốn có con là Hiếu Kỷ. Cho nên nô bộc tì thiếp mà bán ở trong làng trong xóm được thì là nô bộc tì thiếp tốt; thiếu nữ mà gả trong làng trong xóm là thiếu nữ ngoan. Tôi mà không trung với đại vương thì Sở làm sao tin được rằng Chẩn tôi sẽ trung với Sở. Trung với đại vương mà còn bị đại vương bỏ, bây giờ Chẩn tôi không qua Sở thì qua đâu?
Vua Tần cho lời đó là phải nên trọng đãi Chẩn.
Chiến Quốc Sách Chiến Quốc Sách - Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê Chiến Quốc Sách