Số lần đọc/download: 3675 / 64
Cập nhật: 2015-11-08 22:18:50 +0700
Chương 28
Đ
ó là đêm duy nhất em ngủ cùng Mỹ và con Quỳnh.
Sáng ra, khi em tỉnh dậy thì Mỹ đã đi đến sòng bạc ở quận bảy rồi. Con Quỳnh thì ngồi chờ em từ bao giờ, vừa thấy em mở mắt đã sà đến: “Cô dậy rồi à, sao hôm nay cô dậy muộn thế, đêm qua cô lại nhậu say phải không?”. Em chợt nghĩ đến Đinh. Em vội chạy về phòng mình. Con Quỳnh đi theo, bảo: “Chú Đinh về rồi?”. Em ngơ ngác hỏi: “Về đâu?”. Rồi em bỗng nhận ra là mình hỏi một câu chả đâu vào đâu cả. Con Quỳnh làm sao biết được Đinh đi đâu về đâu. Đinh có bao nhiêu nhà, bao nhiêu đất ở trong này, em cũng không biết. Hành tung của một ông trùm ma tuý như Đinh thì quá bí ẩn, có thể Đinh ra trú tạm ở một khách sạn năm sao nào đấy, mà cũng có thể Đinh đã ra sân bay, lên chuyến sớm nhất bay sang Ma Cao chơi bạc, em có muốn tìm cũng chịu.
Thái độ của Đinh đêm qua làm em hơi áy náy. Liệu Đinh có trách em là đối xử tệ bạc với anh ấy không? Em biết là anh ấy đang sốc nặng sau cái chết của cô vợ trẻ. Em cũng biết là các đường dây buôn bán ma túy đang bị đánh cấp tập. Đinh đã linh cảm thấy những nguy hiểm đang cận kề với mình. Đinh đã say trong phòng ngủ của em và đã cho em thấy cơn ác mộng khủng khiếp đang bóp nghẹt trái tim anh ấy. Nhưng hình như em đã có ý xua đuổi anh ấy ra khỏi giường em. Em đã bỏ mặc anh ấy trong căn phòng này với rượu và những giấc mộng chết chóc.
Mãi đến khi chuông điện thoại của em rung lên, Đinh báo là anh ta đang ăn sáng với đối tác ở một khách sạn lớn, hẹn sẽ gặp lại em sau, em mới thực sự yên tâm. Buổi sáng hôm đó em cho con Quỳnh đi chơi với em. Hai cô cháu vào một cái shop nhỏ gần sòng bạc của em ở quận chín. Tại đây em mua cho nó một chiếc váy đen rất điệu. Nó có vẻ thích quần áo bụi hơn là những món váy đầm kiểu cách. Nhưng em muốn nó nhớ rằng nó là con gái. Không thể cứ đến trường là đánh nhau với bạn trai, còn ra ngoài đường lại diện những bộ bò bê cứng ngắc như thế.
Nó thật sự vui mừng khi được xem đánh xập xám và đổ xí ngầu. Nó còn lân la xin được ngồi ghi chép sổ sách, đổi phỉnh và thu xâu. Khi sòng vắng khách, nó còn gạ em, cháu với cô chơi xập xám không, chưa chắc cô đã thắng được cháu đâu.
Tối hôm đó em cho con Quỳnh lên vũ trường Cleopac chơi. Các màn múa bụng, các show diễn chớp nhoáng của đám ca sĩ thị trường, rồi chuyển sang nhảy cuồng loạn và nốc rượu trong tiếng nhạc giật gân, điên rồ. Mua vui là thế đấy. Đời chán chết đi được. Không tìm đến đây thì còn biết đi đâu. Chả biết con Quỳnh có thích thú gì không. Nhiều chàng trai đi qua chỗ em ngồi, đánh mắt với con Quỳnh. Rồi có người đến mời nó ra nhảy. Nó chả ngán gì cả. Nó nhảy cũng bốc lửa như mấy con bé vũ nữ đang uốn éo trên sân khấu kia. Rồi khách của em đến. Em mải nói chuyện với họ. Em quên khuấy mất con Quỳnh. Đến khi đám bảo vệ vũ trường náo loạn lên, đổ xô về phía hành lang đi ra nhà vệ sinh, em mới chợt nhớ đến nó. Có một đám đông đang dồn cục lại ở đấy. Em vội lao ra chỗ đó. Trời ơi, em không tin vào mắt mình nữa. Con Quỳnh đang hai tay cầm hai chai bia tụt đáy, tua tủa cạnh sác, tả xung hữu đột với mấy thằng con trai mặc đồ hip-hop vừa nhảy với nó. Bảo vệ vũ trường ùa vào. Quỳnh và đám thanh niên quậy phá kia bị lùa xuống tầng dưới. Em nói nhỏ với thằng phụ trách bảo vệ vũ trường rồi đánh tháo cho con Quỳnh ra theo lối cửa sau.
Hai cô cháu leo lên taxi, chạy về nhà.
Khi em và con Quỳnh bước xuống xe thì đã thấy Tân đứng chờ sẵn ở cổng. Tân bảo, hai cô cháu đi chơi về muộn thế, tôi nóng ruột quá, định đi tìm. Em trấn an, không có gì đâu, đi dạo phố phường thôi mà, mệt quá, bây giờ về ngủ đây. Tân còn đứng nhìn theo em và con Quỳnh đi lên cầu thang với ánh mắt đầy nghi ngại. Quỳnh nói nhỏ với em, bố cháu bảo nếu cháu không chịu học thì sẽ đưa cháu quay về Ngã ba sông, nhưng cháu bảo, cháu thích ở với cô, bố cháu chép miệng, bố xin con, con muốn làm gì thì làm, nhưng phải học cho xong phổ thông rồi lên đại học, đừng để bố phải nói nhiều.
Em bẹo má nó: “Đấy, cháu phải nghe lời bố cháu đấy nhé. Thỉnh thoảng rảnh cô lại cho đi chơi. Nhưng sao hôm nay cháu lại quậy với bọn ấy?”. Quỳnh cười: “Chúng nó nhảy với cháu, tưởng cháu dễ ăn lắm, khi cháu ra ngoài đi vệ sinh định dở trò, cháu cho vỡ mặt luôn”. Em đẩy nó lên phòng: “Thôi đi ngủ đi, đừng để bố cháu biết hôm nay hai cô cháu mình lên Cleopac”.
Sau cuộc nghé thăm bất ngờ của Đinh không lâu thì em gặp lại thằng Chín tháng. Kể từ lần gặp nó trước đây ở Ngã ba sông, em đã thay đổi số điện thoại đến mấy lần. Nhưng nó vẫn tìm ra được số mới của em. Nghe giọng nó mà em giật thật. Em không quen với thứ giọng con trai mà lại điệu đàng như thế. Nó bảo, cháu là Chín tháng đây, cô còn nhớ cháu không, sắp tới cháu vào thành phố Lớn công tác, cháu biết cô đã chuyển vào đó lâu rồi, cháu muốn đến chơi với cô. Em nghe nó nói mà cảm thấy ái ngại với hai từ “công tác”, chả hóa ra nó đã lớn đến mức đi làm công chức rồi ư? Nhưng em rất vui khi nhận ra nó. Nó bảo nó vào công tác mấy ngày thôi. Cơ quan nó bố trí cho nó ở nhà khách. Tự nhiên em thấy háo hức, mong được gặp lại nó ngay. Em mời nó về số 4 phố Trường Thành. Nó bảo, cháu cũng thích ở với cô lắm, chỉ sợ bất tiện cho cô thôi, cháu còn muốn trò chuyện với cô thật nhiều nữa cơ, lần trước gặp cô cháu còn bé quá, chả nói được chuyện gì. Sau này em mới hiểu đây là một câu nói thật lòng chứ không phải những lời xã giao thông thường.
Em ra sân bay đón thằng Chín tháng, rồi đưa nó về ở cùng em. Nó đã là một chàng trai cao ráo và đẹp đẽ. Đôi mắt nó rất sáng. Nhìn vào đó không thấy sự u tối, không thấy sự nguy hiểm, không thấy sự phản trắc, và đương nhiên, không thấy cần phải đề phòng.
Chín tháng không mặc đồ bụi như đa số thanh niên bây giờ vẫn mặc. Nó cũng không còn lưu lại những hình ảnh của lần em gặp trước, mà thay vào đó là một hình ảnh khác, nghiêm túc, đứng đắn và trí tuệ hơn. Nó thường mặc com lê đen, hai bên hông áo xẻ tà, hoặc nhẹ nhàng hơn thì là đồ sơ vin với áo xơ mi màu và caravats nhỏ. Đồ đạc nó mang theo cũng gọn nhẹ. Ngoài quần áo, em thấy nó có vẻ nâng niu cái máy tính xách tay và những tập tài liệu mỏng kẹp trong các tờ giấy bóng kính. Em rất tò mò về công việc của nó. Đã có lúc em thoáng giật mình, hay là nó đang làm một công việc giống như anh, cảnh sát hình sự? Nhìn nó người ta dễ liên tưởng đến một sĩ quan an ninh, một thấm phán, một kiểm sát viên hay một viên chức tư pháp nào đó. Không giấu giếm sự tò mò, em hỏi thẳng nó:
- Công việc mà cháu đang làm, nói một cách đầy đủ là gì?
- Cháu công tác tại Trung tâm nghiên cứu tội phạm học, thuộc Viện nghiên cứu Pháp luật.
- Cháu học ở nước ngoài về à?
- Cháu học đại học ở trong nước. Cháu chỉ sang úc học thạc sĩ một năm thôi.
- Học thạc sĩ thế là đã xong chưa?
- Cháu đang chuẩn bị công trình mới để báo cáo cơ quan. Nếu được thì cháu sẽ đi học tiếp tiến sĩ.
-Tiến sĩ là hết hả?
- Đối với một ngành nghiên cứu thì tiến sĩ là học vị cao nhất.
- Ôi trời ơi, sao cháu giỏi thế?
Thằng Chín tháng cười. Em lại hỏi:
- Thế lần này vào đây là cháu làm cái gì?
- Cơ quan cháu tổ chức một Hội thảo về Tội phạm học. Cháu vừa là người dự vừa là người nằm trong ban tổ chức. Vì thế cháu phải vào sớm để chuẩn bị tài liệu và một số việc khác.
Rõ ràng là nó rất thật thà với em. Nó không có ý giấu giếm em điều gì cả, dù những điều nó nói nhiều lúc làm em giật mình thon thót. Em cũng không hiểu công việc nó làm cụ thể là gì. Em còn hỏi nó, như thế nghĩa là cháu cũng làm trong ngành công an hả? Nó cười, bảo, không phải, công an là họ trấn áp tội phạm, còn bọn cháu là những người nghiên cứu về tội phạm. Em vẫn thắc mắc, thế nghiên cứu về tội phạm để làm gì? Nó giải thích, để nhà nước có những quyết sách về tội phạm, để các ngành hữu quan có cơ sở và dữ liệu cho việc hoạch định những chính sách cụ thể liên quan đến tội phạm. Em không hiểu. Chỉ thấy hai từ "tội phạm" cứ như những mũi khoan xoáy vào lòng em vậy. Em cứ thắc thỏm về những điều thằng Chín tháng nói. Em rất muốn hỏi nó, rằng em có phải là tội phạm không? Chả lẽ nó nghiên cứu về những người như em à? Nghiên cứu cái gì? Nghiên cứu có phải là giống như công an các anh đi điều tra không? Nếu là đi điều tra thì nó sẽ lôi em ra tòa à? Không, không phải như thế. Rõ ràng là thằng Chín tháng làm công việc gì đó bí hiểm hơn, vô hại hơn, nhưng cũng phức tạp hơn so với ý hiểu nông cạn của em.
Buổi sáng hôm sau, thằng Chín tháng đến chỗ làm việc, chả biết vô tình hay cố ý, nó để lại ở phòng khách nhà em rất nhiều tài liệu. Em nhìn ngắm chỗ giấy tờ đó và không nén nổi tò mò. Dù sao thì em cũng không phải thực sự xấu tính, tại nó vứt bừa ra phòng khách, nếu nó để trong phòng ngủ hoặc trong cặp số của nó thì em chả động vào làm gì. Em phải tự trấn an mình như thế rồi mới dám cầm lên những tài liệu của thằng Chín tháng mà xem. Có nhiều tập, mỗi tập được đóng ghim riêng. Trên mỗi tập đều ghi dòng chữ “Tham luận”. Tham luận là cái gì? Em chả biết. Có tập dày ba trang, có tập dày đến cả chục trang. Em không biết chọn tập nào để đọc vì nhìn qua thấy toàn những từ ngữ khó hiểu. Có một tập mỏng nhất, chỉ có hai trang, bên trên ghi là “Đề dẫn”. Em chú ý đến bản đề dẫn này vì nó được ghi ở bên lề trái trên cùng dòng chữ viết tay bằng mực bút bi đỏ. Dòng chữ này có vẻ dễ hiểu hơn cả: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" (Ga 20:23). Em lướt mắt xuống những dòng chữ in, cố hiểu nội dung của nó nhưng gặp nhất nhiều các thuật ngữ chuyên môn lạ mắt như sau:
Cuộc tọa đàm của chúng ta xin được tập trung vào các vấn đề chính sau đây:
- Về cách hiểu khái niệm “tội phạm” trong tội phạm học và phân biệt khái niệm này với khái niệm “tội phạm” được sử dụng trong khoa học luật hình sự.
- Về cách hiểu các khái niệm “tình hình tội phạm” và “tình trạng phạm tội” cũng như phân biệt các khái niệm này với khái niệm “hiện tượng tội phạm”.
- Về cách hiểu cụm từ “nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm”, “nguyên nhân và điều kiện của tội phạm”, “nguyên nhân của tội phạm”...
- Về cách sử dụng các cụm từ “đấu tranh phòng chống tội phạm”, “đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm”, “phòng ngừa tội phạm”...
Cuối cùng thì em cũng hiểu được một cách lơ mơ rằng, bản đề dẫn này là của thằng Chín tháng viết, nó muốn hướng những người tham dự cuộc họp tập trung vào một vài nội dung chính như trên. Còn các bản tham luận kia là đi sâu vào từng nội dung chính với những lập luận và dẫn chứng cụ thể. Em cảm thấy những tài liệu này có sức hấp dẫn với em nhưng em không thể tiêu hóa nổi nó. Em sẽ tìm cách để dò hỏi thằng Chín tháng về những gì được đề cập đến trong đống tài liệu này.
Thằng Chín tháng ở với em được vài ngày thì nó phải bay ra. Nó bảo, về ngoài đó lần này cháu bắt tay vào một công trình nghiên cứu mới về tội phạm học, cháu muốn vào đây ở với cô một thời gian để tìm hiểu thực tế và xin các số liệu bên cơ quan tư pháp, cô giúp cháu nhé. Em hỏi: “Thực tế gì?”. Nó bảo: “Cháu chỉ muốn nghe cô nói chuyện về cô và bạn bè cô”. Em hỏi lại nó:
- Cháu biết cô có chuyện gì mà muốn nghe?
- Nếu cô thấy có thể giúp cháu thì cô cứ kể cho cháu nghe tất cả mọi chuyện của cuộc đời cô.
- Chuyện cuộc đời cô thì liên quan gì đến công trình của cháu?
- Có chứ. Cháu nghiên cứu về tội phạm học mà.
- Vậy cô là tội phạm hả?
- Ý cháu muốn nói là cô đã từng có lần vào trại. Những phạm nhân trong các trại cải tạo chính là đối tượng nghiên cứu của cháu. Cô không phiền thì kể cháu nghe chuyện trong trại của cô, của những người bạn cô. Chuyện này hơi tế nhị. Nhưng có lần cô bảo với cháu là cần gì cứ nói với cô, cô sẽ giúp. Cháu mạnh dạn đề đạt với cô nguyện vọng này. Nếu cô thấy không tiện thì thôi. Cháu xin lỗi.
- Không sao. Tại cô không hiểu cháu làm những việc đó là để làm gì thôi.
- Nếu phải nói một cách đúng như trong sách thì lĩnh vực mà cháu nghiên cứu là Tội phạm học. Mà tội phạm học là gì? Đó là một ngành khoa học pháp lý - xã hội học, nghiên cứu nguồn gốc, bản chất và các hình thức biểu hiện của Tình hình tội phạm, Nguyên nhân và điều kiện của Tình hình tội phạm, nhân thân người phạm tội và các biện pháp, phương pháp phòng ngừa và dự báo Tình hình tội phạm trong toàn xã hội. Các nhà nghiên cứu Tội phạm học ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều có chung một quan điểm khi cho rằng đây là một ngành khoa học mang tính lý luận chung, làm cơ sở cho việc ứng dụng vào các lĩnh vực khoa học và thực tiễn của luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, điều tra hình sự, thống kê hình sự, tâm lý học tội phạm, tâm lý học tư pháp. Cháu biết là nói như thế cô sẽ không hiểu. Cháu ví dụ thế này nhé, thời gian qua tội phạm nữ ở thành phố Ngã ba sông bỗng tăng lên đột biến. Cháu muốn tìm hiểu xem tại sao lại xuất hiện tình hình ấy, nguyên nhân và điều kiện nào dẫn đến tình hình ấy, nhân thân những nữ phạm ấy ra sao, dự báo tình hình này trong thời gian tới như thế nào và có cách gì để tránh được điều đó xảy ra?
- Làm thế thì giúp được gì cho họ?
- Có thể không giúp được gì cho bản thân họ, nhưng sẽ giúp được xã hội loại trừ kiểu tội phạm đó, và như vậy, giúp được cho nhiều người khác.
Em nhìn thẳng vào mắt thằng Chín tháng: “Cô hỏi thật nhé, cháu biết rõ cô là ai rồi đúng không? Thực sự cháu muốn gì”. Thoáng một chút bối rối hiện lên trên khuôn mặt thằng Chín tháng. Rồi nó ngước đôi mắt sáng quắc lên trả lời em: “Cháu chỉ biết về cô qua hai nguồn. Nguồn thứ nhất là ông nội cháu. Nguồn thứ hai là báo chí. Theo những gì mà ông nội cháu nói thì cô là một người khác. Còn theo những gì mà báo chí nói thì cô lại là một người khác, cả hai con người đó trong cô cháu đều không hiểu, không thoả mãn và không tự lý giải được. Chính vì thế mà cháu muốn gặp cô. Có thể có nhiều con người trong một con người. Một sự tình cờ là mẫu người như cô lại trùng với kiểu người mà cháu muốn tìm hiểu cho công trình nghiên cứu của cháu. Cháu muốn trình bày một cách rõ ràng với cô như thế. Hy vọng là cô hiểu thực sự cháu muốn gì”. Em đưa tay ra bẹo mũi thằng Chín tháng: “Tiếc là bây giờ cô không thể thoải mái thơm lên cái mũi kia của cháu như mấy chục năm trước đây. Nhưng cô vẫn rất yêu cháu. Theo những gì cháu nói thì không phải cháu cần cô giúp mà cháu đang giúp những người như cô. Chỉ có điều, cô không hiểu là cháu giúp cô hay cháu đang hại cô thôi”.
Thằng Chín tháng móc cây thánh giá trong túi ra, nó đứng dậy, nói một cách trang trọng:
- Cháu nghĩ cô đang nghi ngờ cháu có thể là đặc tình của công an. Nhưng xin có Chúa chứng giám, cháu chỉ đến gặp cô với mục đích đi tìm lời giải chân lý cho bài toán khoa học mà cháu đang theo đuổi. Cô có thể tin vào lời thề này.
Em bỗng bật lên một tràng cười. Rồi em ôm lấy thằng Chín tháng. Em xoa đầu nó. Em vuốt ve bờ vai thanh niên của nó. Em nhét ly rượu vào tay nó. Và em nghé sát miệng vào tai nó. Được rồi. Cô hứa với cháu. Lần sau cháu cứ vào đây. Cứ coi nhà cô như nhà của cháu. Cháu muốn gì cô sẽ giúp. Nhưng cô nói trước, bác sĩ nghiên cứu vi trùng có thể sẽ bị lây bệnh. Cháu muốn tìm hiểu về tội phạm cũng có thể sẽ bị dao găm, súng lục chĩa vào người lúc nào không biết đấy. Cậu bé ạ.