Nguyên tác: The Last Templar
Số lần đọc/download: 2056 / 39
Cập nhật: 2017-05-22 09:44:48 +0700
Chương 28
K
hi các bản in từ Columbia đến văn phòng của Tess chiều hôm ấy, trông chúng có vẻ mỏng một cách đáng thất vọng. Một lượt đọc thoáng qua đã khẳng định nỗi thất vọng đó. Tess không tìm được trong đó điều gì hữu ích. Từ những điều Clive Edmodson đã tiết lộ, Tess không còn mong đợi biết thêm điều gì nữa về các Hiệp sĩ Đền Thánh. Đó không phải là lĩnh vực chuyên môn chính thức của William Vance. Hầu như, anh ta chỉ tập trung vào lịch sử của Phoenicia đến thế kỷ thứ ba trước Công nguyên. Tuy nhiên, sự liên kết là một thứ hết sức tự nhiên và có vẻ hứa hẹn; bến cảng Sidon và Tyre rộng lớn của Phoenicia một ngàn năm sau đã trở thành những pháo đài dũng mãnh của dòng Đền Thánh. Dường như người ta phải lột bỏ các lớp áo lịch sử của Đền Thánh và Thập tự quân để lén nhìn vào đời sống thời Phoenicia vậy.
Hơn nữa, không có chỗ nào trong số tài liệu đã được xuất bản của William Vance gửi đến Tess đề cập đến các vấn đề liên quan tới mật mã và mật mã học.
Tess cảm thấy cụt hứng. Toàn bộ việc đọc và nghiên cứu tại thư viện, và giờ là mớ tài liệu của Vance – chẳng có thứ gì giúp nàng tiếp cận gần hơn để tìm hiểu chuyện này.Tess quyết định rà soát lần cuối trên mạng, và cũng vẫn hàng trăm dữ kiện đó xuất hiện khi nàng nhập tên Vance vào bộ máy tìm kiếm. Dù vậy, lần này Tess quyết định không vội vàng và xem xét chúng cẩn thận hơn.
Tess đã lướt qua vài chục địa chỉ trang web thì chợt thấy một trang chỉ đề cập thoáng qua về Vance, và bằng một giọng điệu chế nhạo không thương tiếc. Bài viết đó, vốn là bản ghi lại diễn văn của một sử gia Pháp tại Đại Học Nantes gần mười năm trước, phê bình gay gắt điều tác giả cho là kém giá trị so với các ý tưởng đã có; theo quan điểm của sử gia kia thì nó chỉ làm vẩn đục dòng nước đối với những viện sĩ nghiêm túc hơn.
Nội dung đề cập tới Vance chiếm hai phần ba trong bài viết của nhà sử học người Pháp nọ. Trong đó, ông ta thoáng nhắc tới việc mình đã nghe được cái quan điểm lố bịch đó của Vance như thế nào, rằng Hughes de Payens có thể là một tín đồ giáo phái Cathar, đơn giản chỉ vì phả hệ gia tộc người đàn ông này cho thấy ông ta xuất xứ từ vùng Languedoc.
Tess đọc lại đoạn văn. Người sáng lập dòng Hiệp sĩ Đền Thánh, phải chăng là một tín đồ Cathar? Một ý kiến ngớ ngẩn. Giáo thuyết dòng Đền Thánh và giáo thuyết phái Cathar vốn hết sức mâu thuẫn nhau. Trong hai trăm năm, các Hiệp sĩ Đền Thánh đã là những người kiên quyết bảo vệ Giáo hội. Giáo thuyết phái Cathar, ngược lại là một phong trào theo phái Gnostic[37].
Tuy nhiên, có điều gì khơi gợi sự thích thú trong ý kiến này.
Phái Cathar khởi nguồn vào giữa thế kỷ thứ mười, có tên gọi theo từ Hy Lạp katharos, nghĩa là “những người thuần khiết”. Giáo phái này đặt trên nền tảng quan điểm cho rằng thế giới là độc ác, rằng linh hồn con người sẽ tiếp tục tái sinh – và thậm chí có thể thông qua hình thức những loài thú vật, đó là lý do tại sao tín đồ Cathar ăn chay – cho đến khi họ thoát khỏi thế giới vật chất và đến được một thiên đường tâm linh.
Tất cả những gì tín đồ Cathar tin đều bị Giáo hội cấm đoán, nguyền rủa. Họ là những người theo thuyết nhị nguyên, vốn tin rằng bên cạnh một Thượng đế nhân từ tốt đẹp còn có một vị Thượng đế khác có quyền lực ngang bằng nhưng độc ác và xấu xa, để giải thích cho những điều khủng khiếp gây tai họa cho thế giới. Vị Thượng đế nhân từ sáng tạo thiên đường và linh hồn con người. Vị Thượng đế ác độc giam hãm linh hồn đó trong đó thân xác con người. Dưới mắt Tòa Thánh Vatican, tín đồ phái Cathar đã báng bổ thần thánh khi tôn vinh Saran lên ngang hàng với Chúa. Theo tín ngưỡng này, người Cathar xem mọi thứ vật chất đều là xấu xa, quan điểm này đưa họ đến hành vi loại bỏ những biểu hiện bề ngoài thể hiện cho của cải và quyền lực, những thứ rõ ràng đã làm băng hoại Giáo hội Thiên Chúa La Mã thời Trung cổ.
Điều đáng lo ngại hơn đối với Giáo hội, họ còn là những người phái Gnostic. Giáo thuyết phái Gnostic – giống như Cathar, xuất phát từ một từ Hy Lạp là gnosis, nghĩa là tầm hiểu biết cao hơn, hoặc sự thấu hiểu sâu sắc – với niềm tin rằng con người có thể tiếp xúc trực tiếp và gần gũi với Thượng đế mà không cần đến linh mục hoặc giáo hội nào. Niềm tin vào sự tiếp xúc cá nhân trực tiếp với Thượng đế đã giải phóng tín đồ giáo phái Cathar khỏi tất cả các bổn phận tôn giáo hoặc những cấm đoán đạo đức. Ngoài việc không sử dụng các nhà thờ gây lãng phí và các nghi lễ bắt buộc, họ cũng không sử dụng các tu sĩ. Các nghi lễ tôn giáo đều được cử hành đơn giản tại nhà, hoặc trên những cánh đồng. Và nếu như vậy vẫn chưa đủ thì, phụ nữ được đối xử bình đẳng và được phép trở thành những ‘parfait’[38], là chức vụ mà tín ngưỡng Cathar đặt ra gần với chức vụ linh mục nhất; vì đối với họ hình thức vật chất là không quan trọng, linh hồn lưu trú trong thân xác con người có thể dễ dàng là nam hoặc nữ, bất kể cái hình dáng bên ngoài.
Khi tín ngưỡng phát triển và lan tràn qua miền Nam nước Pháp và miền Bắc nước Ý, Vatican càng lúc càng lo ngại và sau cùng quyết định không thể dung tha phải dị giáo này nữa. Chẳng những đe dọa Giáo hội Thiên Chúa, nó còn đe dọa nền tảng hệ thống phong kiến tại châu Âu, vì người Cathar tin những lời thề là tội lỗi nếu chúng trói buộc một người với thế giới vật chất – tức là sự xấu xa. Ý niệm này làm xói mòn trầm trọng quan niệm lời thề trung thành của nông nô với các lãnh chúa. Giáo hoàng đã chẳng gặp khó khăn gì khi tìm kiếm sự ủng hộ của giới quý tộc Pháp để dập tắt mối hiểm hoạn này. Năm 1209, một đạo quân Thập tự tiến xuống Languedoc, và trong ba mươi lăm năm sau đó đã ra tay tàn sát hơn ba mươi ngàn người gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Người ta kể lại rằng máu tuôn ngập đến mắt cá chân trong các nhà thờ, nơi một số dân làng chạy đến trú ẩn; và khi một trong các chiến binh của Giáo hoàng than thở không biết mình đang giết những kẻ ngoại đạo hay những tín đồ Thiên Chúa giáo, anh ta chỉ được trả lời một cách đơn giản, “Cứ giết tất cả bọn chúng, Chúa sẽ tự biết.”
Điều này hoàn toàn vô lý. Các Hiệp sĩ Đền Thánh đến Đất Thánh để hộ tống người hành hương – những người hành hương Thiên Chúa giáo. Họ là quân xung kích của Vatican, những người ủng hộ Vatican kiên trung nhất. Ngược lại, người Cathar là kẻ thù của Giáo hội.
Tess ngạc nhiên khi một người có học vấn như Vance lại nêu lên một đề xuất bừa bãi như vậy, đặc biệt khi nó dựa trên giả thuyết yếu ớt về nguồn gốc của một con người. Tess tự hỏi không biết mình có hiểu lầm gì không, nhưng Tess biết việc nàng thực sự cần là nói chuyện trực tiếp với Vance. Bất chấp một lập luận hớ hênh không thực tế như vậy, nếu có mối liên can giữa các Hiệp sĩ Đền Thánh và vụ cướp, có lẽ anh ta sẽ tìm ra đầu mối ngay tức khắc.
Tess quay số gọi Đại học Columbia lần nữa và được nối ngay với khoa Sử. Sau khi nhắc lại với cô thư ký về cuộc nói chuyện trước đó giữa họ, nàng hỏi liệu cô ta đã may mắn tìm được ai đó trong khoa biết cách liên lạc với William Vance. Người phụ nữ nói cô ta có hỏi một vài giáo sư giảng dạy ở đấy cùng thời với Vance, nhưng họ đã để liên lạc sau khi ông ta rời đi.
“Tôi hiểu,” Tess nói giọng buồn bã. Nàng không biết phải xoay sở cách nào khác.
Cô thư ký thấu hiểu ngay sự thất vọng của Tess. “Tôi hiểu cô cần liên hệ với ông ấy, nhưng có lẽ ông ấy không muốn tiếp xúc với mọi người. Đôi khi người ta không muốn xới lại, cô biết đấy… những quãng thời gian đau buồn!”
Tess chợt chú ý. “Những quãng thời gian đau buồn?”
“Dĩ nhiên. Và sau những gì ông ấy trải qua… quả thật đáng buồn. Vance rất yêu bà ấy, cô biết đấy.”
Đầu óc Tess như căng lên, cố suy nghĩ xem mình có bỏ sót điều gì không. “Rất tiếc. Tôi không chắc mình biết rõ sự việc cô đang nhắc đến. Giáo sư Vance đã mất đi người thân nào chăng?”
“Ồ, tôi tưởng cô biết chứ. Đó là vợ ông ấy. Bà ngã bệnh qua đời.”
Đây hoàn toàn là tin mới với Tess. Không một trang web nào nàng xem đề cập đến chi tiết này, chúng chỉ thuần túy mang tính học thuật và không đả động đến vấn đề cá nhân. “Chuyện này xảy ra khi nào vậy?”
“Đã mấy năm rồi, năm hay sáu năm nhỉ? Xem nào… tôi nhớ là vào mùa xuân. Giáo sư nghỉ phép hè năm ấy rồi không bao giờ trở lại.”
Tess cảm ơn người phụ nữ và gác điện thoại. Nàng tự hỏi có nên quên Vance đi và tập trung bắt liên lạc với Simmons hay không. Nhưng Tess vẫn bị Vance lôi cuốn. Nàng lại lên mạng, nhấp vào trang web của tờ New York Times. Tess chọn chức năng tìm kiếm nâng cao, và cảm thấy nhẹ nhõm khi nhận ra phần văn bản lưu trữ trở ngược về năm 1996. Tess nhập tên “William Vance”, đánh dấu vào ô cáo phó rồi nhấn phím.
Bài báo ngắn gọn thông báo cái chết của Martha, vợ William Vance. Nó chỉ đề cập đến những biến chứng sau một cơn bệnh ngắn ngủi, không cho biết thêm chi tiết. Ngẫu nhiên, Tess chú ý đến địa điểm chôn cất trong lịch trình tiến hành lễ tang: nghĩa trang Green-Wood ở Brooklyn, nàng tự hỏi không biết Vance có trả chi phí chăm sóc mộ hay không. Nếu có, có thể nghĩa trang sẽ ghi lại địa chỉ hiện tại của anh ta.
Tess nghĩ đến việc tự mình gọi điện thoại đến nghĩa trang, rồi lại quyết định không gọi. Dù sao, có thể người ta sẽ không tiết lộ thông tin với nàng. Tess miễn cưỡng lục tìm tấm danh thiếp mà Reilly đã đưa cho nàng và gọi đến văn phòng anh. Được cho biết Reilly đang họp, Tess do dự không biết có nên nói điều gì với nhân viên trực điện thoại, và nàng quyết định sẽ đợi để nói chuyện trực tiếp với Reilly.
Liếc nhìn lại màn hình Tess đập vào bản án cáo phó và đột nhiên một cơn phấn khích bùng lên trong nàng.
Cô thư ký nói đúng, cái chết của Martha Vance xảy ra vào mùa xuân.
Tính đến ngày mai thì nó đã xảy ra đúng năm năm.