Nguyên tác: “The Money Changers”
Số lần đọc/download: 266 / 9
Cập nhật: 2020-06-28 13:34:23 +0700
Chương 10
Đ
ây là Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ.- Quan chức được ủy quyền nói vào máy. Ông ta khéo léo kẹp ống nói giữa vai và tai trái để hai bàn tay được tự do. – Chúng tôi cần sáu triệu đô la trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Lãi suất của các ông?
Từ bang California xa xôi, tiếng trả lời của Ngân hàng Hoa Kỳ Bank of America vọng lại giọng mũi:
- Mười ba năm phần tám.
- Cao quá!
- Tùy ông lấy hoặc không.
Ủy quyền viên của Ngân hàng Thương mại đang thăm dò. Ông ta tìm hiểu lãi suất tăng giảm từ ngày này sang ngày khác. Do thói quen, ông ta không nghe thấy tiếng rào rào trong phòng Doanh vụ của nhà băng. Gian phòng này được lực lượng bảo vệ coi giữ nghiêm ngặt, nằm trong Tòa Tháp cao ốc, chỉ được một số khách hàng đặc biệt biết đến. Thậm chí trong số nhân viên nhà băng cũng chỉ một số được vào đây. Chính đây là nơi các nhà băng lớn tiến hành phần lớn các doanh vụ: thu lợi nhuận bù đắp lại chỗ thua lỗ.
Mỗi nhà băng đều cần thường xuyên dự trữ một số tiền mặt, đủ để nếu khách hàng rút tiền, họ có cái mà trả. Nhưng không nhà băng nào muốn giữ lại nhiều, bởi số tiền đó nằm chết, không đem lại lợi nhuận. Trong các nhà băng, những người gọi là "ủy quyền viên" có trách nhiệm giữ vững cán cân thăng bằng đó. Họ quyết định xem giữ lại bao nhiêu tiền mặt trong kho là hợp lý.
Ủy quyền viên nhà băng nói với đồng nghiệp ở San Francisco:
- Ông đợi cho một chút. Nói xong, ông ta ấn vào nút "trì hoãn" trên bảng điện rồi ấn tiếp một nút khác. Tiếng trong máy vang lên:
- Nhà máy Hanover, New York.
- Tôi cần sáu triệu đô la trong hai mươi tư tiếng đồng hồ. Lãi suất của ông bao nhiêu?
- Mười ba ba phần tư.
Vậy là lãi suất cao hơn bên bờ biển phía Đông.
- Vậy thì thôi, cảm ơn.
Ủy quyền viên cắt đường dây nối với New York rồi ấn nút nối với San Francisco, nơi người ở đầu dây kia vẫn đang đợi.
- Tôi lấy. - Ủy quyền viên nói.
- Sáu triệu với lãi suất mười ba năm phần tám.- Nhà băng Hoa Kỳ nói.
- Đồng ý.
Doanh vụ diễn ra chỉ trong vòng hai mươi giây đồng hồ. Các doanh vụ kiểu này được tiến hành hàng ngàn vụ giữa các nhà băng cạnh tranh với nhau, trong một kiểu giao tiếp mà sự lạnh lùng và khôn ngoan chiếm phần quyết định, với những khoản tiền không bao giờ dưới một triệu đô la.
Các ủy quyền viên đều là chuyên gia trẻ, tuổi giữa khoảng ba mươi và bốn mươi. Nhanh như cắt, giầu tham vọng và bình thản trước sức ép của mọi sự kiện. Tuy. nhiên, thành bại của từng vụ quyết định đường tiến thân của họ, nên họ luôn sống trong trạng thái căng thẳng tột độ. Mỗi người chỉ có thể làm việc này trong phòng doanh vụ không quá ba năm là kiệt sức.
Trong cùng một lúc họ ghi lại doanh vụ này ở Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ và ở San Francisco rồi chuyển số liệu đó cho Hệ thống Dự trữ Liên Bang Hoa Kỳ. Trong hai mươi bốn giờ tiếp theo. Hệ thống Dự trữ Liên Bang ghi thêm cho Ngân hàng Hoa Kỳ sáu triệu. Và ghi nợ cho Ngân hàng Thương mại số Một cũng con số đó. Sau đây Ngân hàng Thương mại số Một sẽ trả khoản vay nợ đó cho Hệ thống Dự trữ Liên Bang. Các doanh vụ diễn ra liên tục giữa các nhà băng, trên khắp các miền đất nước.
Hôm đó là Thứ sáu, giữa tháng Tư. Alex Vandervoort đến thăm Trung tâm Doanh vụ, một trong những khu vực do ông phụ trách. Ông gật đầu chào điều phối viên ngồi trên bục cao, vây quanh là các trợ lý. Cứ sau mỗi doanh vụ vay hoặc trả, trợ lý đều chuyển đến bàn điều phối các số liệu và chia nhau làm các thủ tục giấy tờ liên quan. Ủy quyền viên ban nãy, giờ đã chuyển sang một doanh vụ khác gật đầu chào Alex, đồng thời giơ cao tay và nở nụ cười.
Gian phòng rộng như một giảng đường đại học, phần nào có không khí giống phòng điều độ ở sân bay giờ cao điểm. Các ủy quyền viên khác đang bấn lên các vụ vay, trả, bán, mua tiền tệ, đầu tư. Mỗi người có vài thư ký và người giúp việc bên cạnh.
Năm sáu thanh tra viên tài chính ngồi lui vào bên rìa, sau những chiếc bàn đồ sộ. Tất cả ủy quyền viên và thanh tra đều quay mặt về phía một màn hình lớn choán hết một bức tường, trên đó hiện lên các dữ liệu mới nhất và những thông tin khác. Một hệ thống điều khiển từ xa liên tiếp thay đổi những số liệu đó. Một ủy quyền viên đứng lên nói to, thông báo:
- Hãng Ford, và Công đoàn ngành xe hơi thông báo họ đã ký một hợp đồng hai năm.
Rất nhiều ủy quyền viên vội vớ máy điện thoại trên bàn của họ. Mọi tin tức quan trọng về kinh tế hay chính trị đều được người biết tin đó đầu tiên công bố ngay cho mọi người đều biết, bởi tin tức đó rất có thể ảnh hưởng đến sự lên xuống của một loạt chỉ số.
Vài giây đồng hồ sau, một vạch sáng xanh xuất hiện bên trên màn hình lớn, nhấp nháy một lát rồi bị thay bởi một vạch vàng. Tín hiệu đó báo cho mọi người là sắp có tình hình mới, khoan đừng tiến hành doanh vụ nào vội. Rất có thể là tình hình mới đó là do kết quả của hợp đồng ký kết giữa hãng Ford với công nhân ngành xe hơi.
Tuy nhiên bộ phận theo dõi diễn biến tăng giảm tiền vốn dự trữ là trọng tâm theo dõi của Alex Vandervoort. Luật pháp Liên bang quy định các nhà băng phải dự trữ số tiền mặt trong kho tối thiểu bằng mười bẩy phần trăm số tiền của nhà băng nằm trong sổ sách. Mọi vi phạm đều bị nghiêm trị. Nhưng chỉ nhà băng nào dại dột mới giữ số tiền mặt dự trữ cao hơn số cần thiết tối thiểu, dù chỉ trong một ngày.
Phòng quản lý kho tiền lúc nào cũng nắm chắc số tiền mặt dự trữ trong kho lúc này là bao nhiêu, số tiền chi trả và thu vào của các chi nhánh nhà băng ở khắp mọi nơi. Trưởng phòng theo dõi sự lên xuống của số tiền mặt hiện có trong tất cả các chi nhánh, giống như bác sĩ theo dõi mạch của bệnh nhân từng giờ từng phút. Diễn biến kho tiền mặt cũng như tổng số vốn dự trữ của nhà băng liên tục thay đổi. Họ vay vào buổi sáng nhưng buổi chiều lại cho vay và nhiều doanh vụ lên đến trên một tỷ đô la. Bộ phận này thấy rõ hai điều.
Một là nhà băng hưởng lợi nhuận cao hơn lợi nhuận của khách hàng.
Hai là nó hưởng lợi nhuận cao hơn số lợi nhuận nó chi cho những khách hàng ủy quyền cho nó xử lý tiền của họ.
Hôm nay Alex đến đây để tìm hiểu tình hình vốn dự trữ của nhà băng, sau tình hình diễn biến vài tuần nay. Ông đi cùng với Tom Straughan, trưởng phòng quản lý kinh doanh. Phòng giấy của Straughan nằm bên cạnh gian phòng của Trung tâm doanh vụ. Anh bước ra đón vị Phó Tổng Giám đốc nhà băng, Alex Vandervoort.
Hồi tháng Giêng, trong cuộc họp của ủy ban Phương hướng, Tom Straughan đã chống lại chủ trương cắt giảm tiền đầu tư vào dự án Forum East.
Nhưng gần đây anh ta lại tán thành đề xuất cho Tập đoàn siêu quốc gia SuNatCo vay. Và bây giờ anh ta trở lại vấn đề đó với Alex.
- Ông quá thận trọng đấy, thưa ông Alex. Tôi tin rằng cho SuNatCo vay là có lợi cho nhà băng chúng ta, và đó là khoản vay không có rủi ro.
- Không làm gì có khoản vay không có rủi ro. Với lại tôi băn khoăn cho những nơi bị chúng ta cắt giảm tài trợ hơn là cho SuNatCo.
Cả hai đều biết nạn nhân của sự cắt giảm đó là những ai. Một giác thư do Roscoe Heyward thảo, và được Quyền Tổng giám đốc Jerome Patterton chuẩn y đã được nhân bản, và gửi cho các thành viên của ủy ban Phương hướng. Để mở tài khoản tín dụng năm chục triệu đô la cho tập đoàn SuNatCo, bản giác thư này đề nghị giảm mạnh các khoản cho vay nhỏ, các tiền ký quỹ về nhà ở và việc mua các trái khoán của thành phố.
Tom Strathghan nói.
- Muốn cho SuNatCo vay, chúng ta đành phải cắt giảm các khoản chi khác. Nhưng đấy chỉ là cắt giảm tạm thời. Ba tháng nữa, thậm chí không đến ba tháng, chúng ta sẽ khôi phục lại mức chi các khoản ấy như xưa.
- Có thể anh tin nhưng tôi không tin. - Alex nói, trong lòng buồn rười rượi.
Đề nghị của cặp Heyward - Patterton trái với quan niệm của Alex về nghĩa vụ xã hội của nhà băng, đồng thời cũng trái với linh cảm nghề nghiệp tài chính của ông.
Alex thấy không nên trao ngần ấy tiền cho một đối tượng công nghiệp, đồng thời giảm phần nghĩa vụ đối với các thành phần khác, cho dù việc trao tiền này đem lại nhiều lãi hơn. Mặt khác, việc cho vay tập đoàn SuNatCo lại dùng thủ đoạn dối trá: lấy danh nghĩa là cho vay nhiều doanh nghiệp thành viên của tập đoàn, khiến Alex thấy áy náy. Làm thế rõ ràng là đánh lừa luật pháp.
Về mặt này Alex biết ông là người duy nhất nghĩ như thế. Tất cả các quan chức cao cấp của nhà băng, các thành viên Hội đồng quản trị hay không phải thành viên đều đang mừng rỡ được bắt quan hệ với một tập đoàn công nghiệp khổng lồ là SuNatCo. Tất cả những người đó hết lời ca ngợi Roscoe Heyward, lôi kéo được tập đoàn kia bắt tay với nhà băng.
Cảm giác áy náy bám riết Alex khiến chính ông cũng ông lý giải được tại sao. Bởi chắc chắn tập đoàn SuNatCo là doanh nghiệp vững chãi về tài chính. Các bản tổng kết kinh doanh định kỳ của họ nói lên hùng hồn điều đó. Uy tín của tập đoàn SuNatCo không thua gì các tập đoàn công nghiệp khổng lồ như General Motors, I.B.M, Exxon, Du Pont và tập đoàn Thép Hoa Kỳ U.S. Steel.
Alex Vandervoort tự hỏi không biết nỗi ngờ vực của ông liệu có bắt nguồn từ chỗ uy tín của ông trong nhà băng bị giảm sút không? Bởi uy tín đó đã giảm sút và Alex cảm nhận rõ điều này trong mấy tuần lễ vừa qua. Ngược lại, ngôi sao Roscoe Heyward thế đang lên vùn vụt.
Từ hôm đi Bahamas về, Roscoe chiếm được lòng tin gần như tuyệt đối của Quyền Tổng giám đốc Jerome Patterton. Roscoe nói gì ông ta cũng nghe.
Alex ngờ rằng những người xưa nay tán thành mình trong nhà băng, đã nghĩ Alex giống như con cáo trong truyện ngụ ngôn của Esop: chê nho xanh chỉ vì không với được tới. Đáng giận nhất là Tom Straughan, xưa nay hết lòng ủng hộ Alex vậy mà bây giờ cũng bỏ rơi ông.
Tom Straughan nói tiếp:
- Ông phải thừa nhận vụ làm ăn này với Tập đoàn SuNatCo vô cùng béo bở. Ông biết tin Roscoe Heyward đã thuyết phục được họ đồng ý một tỷ lệ sai ngạch đền bù là mười phần trăm rồi chứ?
Khoản sai ngạch này là thông lệ thường được áp dụng trong những vụ thương lượng gay go giữa nhà băng và bên vay. Quy chế tín dụng yêu cầu phải giữ lại một tỷ lệ nhất định bên phía cho vay để họ có thể sử dụng tùy ý họ. Bên vay không được quyền sử dụng hết khoản tín dụng. Trong trường hợp của SuNatCo, như Tom Straughan vừa nhắc đến, khoản sai ngạch kia là năm triệu đô la, sẽ được Ngân hàng thương mại số Một giữ lại.
- Tôi hy vọng anh cũng đã biết về chuyện đánh đổi chứ? - Alex hỏi, không cần gượng nhẹ.
Straughan lộ vẻ lúng túng: - Tôi có nghe nói về một sự thoả thuận, nhưng tôi không nghĩ đó là chuyện đánh đổi.
- Sao vậy, anh bạn? Không đánh đổi là gì? Anh cũng như tôi thừa biết tập đoàn Sunatco yêu cầu gì để đáp lại và Heyward đã đồng ý với họ; phòng quản lý kinh doanh của chúng ta buộc phải mua cả một đống cổ phần của SuNatCo.
- Tôi không thấy trong bản hợp đồng cho vay có chuyện đó.
- Đúng là họ không đưa vào. Chỉ có kẻ ngu đần mới đưa chuyện đó vào giấy trắng mực đen.
Alex nói xong, nhìn thẳng vào mắt chàng thanh niên:
- Anh là người có quyền nắm số liệu, anh hãy cho tôi biết chúng ta đã mua bao nhiêu cổ phần của họ?
Straughan ngập ngừng rồi bước đến bàn một thanh tra viên. Lúc quay lại Straughan cầm một mảnh giấy có ghi nét chữ bằng bút chì. Anh nói:
- Cho đến ngày hôm nay là chín mươi bẩy ngàn cổ phần. Giá mới nhất trên thị trường chứng khoán là năm mươi hai.
- Vậy là SuNatCo phải reo hò vang trời. - Alex cay đắng nói. - Nhờ chúng ta mà, giá cổ phần của họ tăng lên năm điểm trên thị trường chứng khoán.
Ông nhẩm tính rất nhanh rồi nói thêm:
- Nghĩa là riêng trong tuần lễ vừa rồi, chúng ta đã làm SuNatCo lãi thêm suýt soát năm triệu đô la. Tại sao? Tại sao chúng ta chịu mua cổ phần của họ.
- Đấy là cách đầu tư tuyệt vời nhất đấy ông Alex. - Straughan cố nói bằng giọng hồ hởi.- Chúng ta sẽ tăng được Quỹ mẹ góa con côi, Quỹ bảo trợ giáo dục là những quỹ giao cho chúng ta quản lý.
- Hoặc chúng ta sẽ làm hụt các quỹ đó bằng cách phản bội lòng tin của họ. Nhưng Tom, anh nói cho tôi biết, chúng ta đã biết những gì về Tập đoàn SuNatCo nào? Bởi mới trước đây nửa tháng, chúng ta hoàn toàn không biết gì về họ. Và tại sao mới trước đây một tuần, Phòng quản lý kinh doanh của nhà băng chưa hề mua một cổ phần nào của họ?
Straughan im lặng một lúc, rồi nói kiểu thanh minh: -
- Chắc Roscoe Heyward tính rồi đây sẽ tìm hiểu họ kỹ, sau khi ông ta trở thành thành viên Hội đồng quản trị của SuNatCo.
- Ôi anh làm tôi thất vọng về anh đấy, Tom! Anh thừa biết tại sao chúng ta chịu mua những cổ phần ấy vậy mà anh không dám nói thật ra với tôi. Xưa nay anh có nói dối tôi bao giờ đâu?
Straughan đỏ mặt xấu hổ. Alex bèn giáng thêm:
- Anh thử hình dung xem, khi Ban kiểm tra của thị trường chứng khoán lôi vấn đề này ra thì sẽ ra sao? Họ sẽ thấy đây là tội đối lập lợi ích, là vi phạm điều luật quy định mức tối đa cho một đối tượng vay, và thêm nữa, tội sử dụng tuỳ tiện những quỹ người khác nhờ chúng ta quản lý vào việc làm ăn của chúng ta.
- Thì đã sao?- Straughan đáp. Đâu phải lần đầu tiên một nhà băng làm chuyện này? Ngay cả đối với nhà băng chúng ta, cũng không phải lần đầu tiên.
Vấn đề quản lý quỹ do các tổ chức bên ngoài giao cho nhà băng giữ hộ là một vấn đề tế nhị về đạo đức ngân hàng. Về mặt lý thuyết thì giữa những quỹ này và toàn bộ hoạt động kinh doanh của nhà băng có một bức tường ngăn cách, một bức Vạn Lý Trường Thành Nhưng trên thực tiễn, không có sự ngăn cách nào hết. Nhiều quỹ như thế rất lớn, có khi lên tới hàng tỷ đô la. Làm sao nhà băng có thể "nhịn" không sử dụng chúng để kinh doanh? Còn vấn đề "đối lập lợi ích" thì là một thủ đoạn móc ngoặc. Một doanh nghiệp lớn khi mở tín dụng ở nhà băng, rất nhiều khi mời một cấp lãnh đạo có quyền lực cao ở nhà băng tham gia ban lãnh đạo doanh nghiệp của họ. Người này rất dễ vì quyền lợi của doanh nghiệp bỏ phiếu ủng hộ những quyết định gây thiệt hại cho nhà băng hoặc ngược lại.
Mấy chữ “mẹ goá con côi" là để chỉ những khách hàng nhỏ, giao phó tiền của họ cho nhà băng quản lý. Nhà băng có nghĩa vụ làm thế nào để tiền của họ sinh sôi nẩy nở, chứ không được sử dụng tiền đó làm lợi cho nhà băng. Nghĩa vụ đó thuộc phạm trù đạo đức ngân hàng.
Còn khoản tiền sai ngạch là thông lệ. Mỗi khi một đối tượng vay khoản tiền lớn cửa nhà băng, đều phải để lại một phần số tiền vay đó tại quỹ nhà hăng để "đền bù”. Cho nên thoả thuận giữa Tập đoàn SuNatCo với Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ về khoản sai ngạch, đó là chuyện bình thường.
Straughan quyết định nói toạc ra với Alex:
- Xin phép được nói ông biết, thưa ông Vandervoort. Ngày mai trong cuộc họp Ủy ban Phương hướng, tôi sẽ bỏ phiếu ủng hộ đề nghị của liên danh Heyward- Patterton.
- Tôi rất buồn! - Alex nói.
Tuy "rất buồn" nhưng Alex Vandervoort không ngạc nhiên. Ông tự hỏi không biết ông có thể đối chọi với đa số trong bao lâu nữa. Mà không phải chỉ là đa số, mà là toàn thể, trừ ông. Tình trạng này khéo ông không thể tồn tại lâu tại đây được nữa.
Ủy ban Phương hướng ngày mai sẽ phải có câu trả lời dứt điểm, ưng thuận hay khước từ đề nghị mở tín dụng cho Tập đoàn Sunatco. Chắc chắn là họ sẽ tán thành. Thứ tư sau, Hội đồng quản trị sẽ họp và phê chuẩn. Alex thấy rõ trong cả hai cuộc họp đó ông sẽ là người duy nhất chống lại.
Alex Vandervoort đứng lại một lúc nữa quan sát guồng máy các doanh vụ, xoay quanh tiền tài và lời lãi. Tất nhiên ông không lên án đồng tiền, không lên án chuyện buôn bán và kiếm lãi. Thậm chí ông còn hiến dâng cuộc đời của ông cho những thứ đó, nhưng ông không mù quáng.
Thái độ dè dặt của Alex là xuất phát từ sự tôn trọng đạo đức, từ cách suy nghĩ làm thế nào phân bố sử dụng đồng tiền cho hợp lý, và tôn trọng đạo đức ngân hàng. Nhưng lịch sử đã chứng minh, những ai dè dặt kiểu đó đều bị xung quanh la ó, chặn họng, mỗi khi họ nhìn thấy một khoản lãi quá lớn. Trước mãnh lực đồng tiền, thể hiện qua Tập đoàn Sunatco, đại đa số thành viên lãnh đạo nhà băng đều cúi đầu tùng phục, một người đơn độc liệu có cách nào cưỡng lại được?
- Không có cách nào thật! - Alex buồn bã thầm kết luận.