Nguyên tác: “The Money Changers”
Số lần đọc/download: 266 / 9
Cập nhật: 2020-06-28 13:34:23 +0700
Chương 9
T
ất cả những gì Miles Eastin đã trải nghiệm hoặc tưởng tượng ra trước khi vào nhà tù Drummonburg- đều không hề chuẩn bị cho anh đón nhận cái địa ngục khủng khiếp này. Tính từ ngày khám phá ra những vụ gian lận của anh, đã sáu tháng trôi qua. Còn tính từ ngày Toà xét xử và công bố bản án thì là bốn tháng.
Vào những quãng thời gian ít ỏi, khi trí óc Eastin tỉnh táo trở lại, không bị những khổ ải về vật chất và tinh thần hành hạ, anh lại nghĩ rằng nếu xã hội cần trả thù những kẻ phạm tội như anh, nhằm tước hết của họ mọi thứ gì là tính người, biến họ thành con vật với những bản năng thấp hèn nhất, thì xã hội quả là đã đạt được mục đích. Miles Eastin cố gắng ngoi lên, giữ lấy dù chỉ một chút, thứ gì tốt đẹp nhất anh đã có trước đây. Anh cố gắng không biến thành súc vật, tuyệt vọng và hung hãn như hầu hết các tù nhân khác. Miles có một thuận lợi: bị kết án hai năm tù, nhưng đã trả án trong trại tạm giam được bốn tháng, vậy là chỉ còn bốn tháng nữa, anh sẽ được quản thúc ở nhà.
Miles không thể nghĩ rằng mình lại không được ra ngoài sau bốn tháng nữa. Bởi ý nghĩ đó làm anh kinh hoàng.
"Hãy trụ vững!" "Hãy trụ vững!" Miles thường xuyên tự nhắc nhở như vậy. Anh nhớ đã đọc thấy ở đâu đó một câu: "Không có gì quí hơn tự do, sau khi con người ta bị mất tự do trong một thời gian". Tuy nhiên, anh thấy vô cùng khó khăn, bởi nhà tù ở đây là nhà tù của liên bang, điều kiện tồi tệ hơn gấp bội so với nhà tạm giam của thành phố. Phòng giam của Miles chỉ có ba mét vuông mà phải giam tới bốn người. Các giường đều gắn vào tường vì còn đành chỗ cho hố vệ sinh. Giấy vệ sinh và xà phòng thì luôn thiếu, cho dù họ đã hết sức dè xẻn. Các tù nhân được phép tắm vòi hoa sen mỗi tuần một lần, tại phòng tắm công cộng.
Chính tại đây, trong tuần lễ thứ hai Miles đã là nạn nhân của một "cuộc hãm hiếp tập thể”. Đó là chuyện bất hạnh, đau đớn nhất của anh trong thời gian trả án. Ngay hôm đầu đến đây, Miles đã linh cảm thấy một số tù nhân nhìn anh bằng cặp mắt thèm thuồng. Rõ ràng họ khao khát làm tình với anh. Khuôn mặt khôi ngô, tấm thân trẻ trung đâm ra không còn là thế mạnh mà là thế yếu của anh. Trong những giờ dạo chơi ngoài sân, anh luôn bị những tù nhân khác ép sát, sờ soạng và nhe răng cười với anh bằng nụ cười rất vô nghĩa. Một số đứng xa còn gởi anh cái hôn. Lần đầu Miles vội nhích ra, lần thứ hai anh tảng lờ như không thấy gì. Và Miles thấy rõ rằng sẽ không tù nhân nào cứu anh nếu anh gặp phải chuyện.
Miles cũng nhận thấy các cai ngục biết nhưng họ lờ đi, thậm chí còn lộ vẻ thích thú. Tù nhân trong nhà tù Drummonburg đa số là người da đen. Tỷ lệ đồng tính ngang nhau ở cả tù da đen lẫn tù da trắng. Phòng tắm chung nằm trong một ngôi nhà lợp tôn. Tù nhân được cai tù giải đến, từng đoàn năm chục người một. Họ cởi quần áo, để trong một gian nhỏ bên ngoài, rồi cứ tồng ngồng như thế đi vào phòng tắm, chân tay run lẩy bẩy vì lạnh. Mỗi tù nhân đứng được một vòi hoa sen, đợi cai tù mở vòi nước. Người cai tù chịu trách nhiệm cho tù tắm ngồi trên bệ cao, tuỳ ý muốn mở vòi nước rnạnh hay yếu, cho nước nóng nhiều hay nóng ít. Mỗi khi thấy tù lộn xộn mất trật tự, y đóng bên nước nóng lại và nước lạnh giá xối vào người các tù nhân, khiến họ hét lên giận dữ. Ngược lại có lúc muốn trêu chọc, y đóng bên nước lạnh và nước nóng xối vào tù làm họ suýt bỏng: Họ rú lên hoảng hốt:
Một buổi sáng, lúc năm chục tù, trong số đó có Miles, đã cởi xong quần áo, đang chờ vào phòng tắm thì đột nhiên anh thấy một loạt bàn tay đập mạnh vào hai bắp tay anh. Họ đẩy anh lên phía trước. Một tên tù nói với Miles:
- Nhanh lên mày, thằng cha điển trai, thời gian ít lắm! Tiếng cười rộ lên. Miles ngước nhìn lên phía bệ cao, hét:
- Ông cai, ông cai?
Cai tù ngồi trên đó thản nhiên lấy ngón tay ngoáy mũi, làm như không nghe thấy.
- Câm mồm - Một tiếng người sau lưng Miles.
Và anh nhận ngay được một quả đấm thoi vào sườn. Miles lại hét lên gọi cai tù. Nhưng y quay đi, tảng lờ như không biết. Lại một quả đấm nữa thoi vào bụng anh. Miles đau quá, tưởng như ngạt thở. Bọn tù đồng tính quặt hai tay anh ra sau lưng rồi nhấc bổng anh lên. Tên cai tù mặc kệ.
Sau này Miles ngờ y thông đồng trước với bọn tù đồng tính. Cai tù được trả lương rất thấp cho nên họ phải nhận tiền đút lót của các tù nhân.
Cạnh đấy có một cánh cửa nhỏ. Bọn tù đồng tính đẩy Miles vào. Đó là phòng đựng dụng cụ vệ sinh: chổi, khăn lau, xô đựng nước... Đau quá, mắt Mile hoa lên. Anh nhìn thấy rất nhiều tấm thân trần, đen có, trắng có. Cửa đóng sập lại. Bọn chúng đẩy anh nằm xấp lên mặt chiếc bàn kê giữa gian phòng nhỏ. Một tên kéo hai chân anh dang ra. Anh đập mặt xuống gỗ cứng, đau điếng người và nước mắt anh trào ra, vừa vì đau vừa vì uất ức.
- Nằm im, cậu trai xinh xắn! - Miles nghe tiếng nói ồm ồm và thấy một tên chồm lên lưng anh. Một giây sau Miles hét lên đau đớn.
Một tên tù túm tóc anh, ngửa đầu anh lên rồi đập mạnh xuống bàn, khiến anh choáng váng.
- Câm mồm!
Đầu óc hỗn độn toàn thân đau ê ẩm, Miles nghe thấy tiếng người:
- Chà, thằng cha ngon lành đấy!
Động tác chọc vào chấm dứt, Miles chưa kịp định thần thì lại một tên khác chồm lên lưng anh. Không thể ghìm được nữa, anh gào thét ầm ĩ. Và lại bị chúng túm tóc lôi đầu anh lên đập mạnh xuống mặt bàn lần nữa. Trò hãm hiếp như thế kéo dài nhiều phút cho đến khi đau quá mê đi, Miles không còn biết gì nữa. Mệt quá, anh không còn đủ sức giẫy giụa. Hậu môn của anh bị rách và nỗi đau lan toả ra toàn thân, đến mức Miles tưởng như anh chết ngay bây giờ.
Ngất đi, đến lúc tỉnh lại, Miles nghe thấy tiếng huýt còi của cai tù. Y thúc các tù nhân ra sân. Bấy giờ chúng mới tha anh. Cửa bật mở. Bọn chúng đã chạy hết, trong gian phòng đựng dụng cụ vệ sinh chỉ còn trơ lại một mình Miles.
Miles toàn thân đau nhức, loạng choạng bò dậy, bước ra ngoài. Bất cứ một cử động nhỏ nào cũng làm anh đau đớn, đau khủng khiếp. Cai tù ngồi trên bệ cao quát:
- Thằng kia! Giơ mãi cái mông của mày thế hẳn?- Có mặc quần áo mau lên không?
Miles vội vớ quần áo trong chiếc giỏ mặc vào người. Hầu hết tốp tù của anh đều đã ở ngoài sân.
Lai một tốp năm chục tù nhân khác chuẩn bị vào tắm. Cai tù lại quát, lần này hung dữ hơn:
- Cút ra mau! Không nghe thấy tao bảo gì à?
Lúc xỏ chân vào ống quần, Miles loạng choạng sắp ngã thì một bàn tay lực lưỡng đỡ anh. Một giọng ồm ồm nói:
- Đừng lo, cậu em! Đã có anh đây, cậu em đừng sợ.
Người lạ một tay xốc nách Miles, một tay kéo khoá quần cho anh. Tiếng huýt còi lại vang lên:
- Thằng đen! Nghe thấy không? Cút ngay ra với thằng đồng tính của mày! Không tao báo cáo lên trên bây giờ thì có mà khốn khổ.
- Tui ra đây, ông cai! Nào đi, cậu em.
Miles lúc này mới nhìn thấy người vừa giúp anh. Đó là một tù nhân da đen to lớn như hộ pháp. Sau này anh mới biết tên hắn là Karl, bị kết án tù chung thân vì tội giết người. Miles tự hỏi, không biết tên da đen này có trong đám đã hiếp anh hay không. Anh ngờ là có nhưng không hỏi nên cũng chưa biết chắc là thế nào.
Nhưng Miles nhận thấy gã da đen tuy vóc người to lớn vạm vỡ nhưng dáng điệu, giọng nói thì lại ỏn ẻn như phụ nữ.
Được Karl xốc nách, Miles lê ra sân. Vài tù nhân nhe răng cười khi nhìn thấy anh, nhưng đại đa số thì nhìn anh bằng cặp mắt khinh bỉ. Một tù nhân già nhìn thấy Miles bèn nhổ nước bọt vẻ ghê tởm, rồi quay lưng lại phía anh. Suốt từ lúc đó cho đến hết ngày, lúc nào Miles cũng trong trạng thái ê ẩm và hoang mang.
Karl giúp anh về đến phòng giam. Từ lúc ở phòng tắm về, mấy tù nhân giam cùng phòng nhìn anh như nhìn người hủi. Kiệt sức vì đau và vì uất ức, Miles rơi vào một giấc ngủ chập chờn, chốc chốc lại hốt hoảng choàng thức giấc, rồi mở mắt thao láo hàng tiếng đồng hồ trong đêm tối, cảm thấy người ô uế. Anh thiếp ngủ được một lát rồi lại choàng thức dậy. Đến lúc trời sáng, tiếng cửa phòng mở loảng xoảng lại khuấy lên nỗi hoảng sợ của Miles. Liệu ngày hôm nay, sự việc có tái diễn như hôm qua nữa không? Rất có thể.
Trong những giờ "đi dạo", khi tất cả các tù nhân của nhà tù đi bách bộ ngoài sân một cách vô mục đích, thì Karl đến gần Miles hỏi:
- Thế nào rồi, cậu em?
Miles lắc đầu vẻ thảm hại đáp:
- Vẫn đau ê ẩm.
Rồi anh nói thêm:
- Cảm ơn anh hôm qua đã giúp tôi thoát tội.
Quả vậy, nếu như tên cai tù lập biên bản thì Miles sẽ bị phạt giam trong phòng kín vài ngày và nhận thêm một điểm xấu trong sổ theo dõi hạnh kiểm tù nhân, điều rất có thể sẽ kéo đài thêm thời gian giam cầm của anh trong nhà tù.
Karl đáp:
- Không có gì. Nhưng ta phải suy tính. Vụ hôm qua chưa làm bọn nó thoả mãn. Chúng sẽ còn coi cậu như miếng mồi ngon và chúng sẽ tiếp tục xâu xé cậu.
- Vậy tôi phải làm thế nào? - Miles hoảng hốt hỏi.
Câu nói của Karl vừa rồi chính là điều Miles đang lo lắng.
Gã tù da đen nhìn anh bằng cặp mắt gian xảo:
- Thứ cậu cần là một người che chở. Cậu có muốn tôi làm người bảo vệ cho cậu không?
- Tại sao anh lại muốn che chở tôi?
- Cậu sẽ là bồ của tôi và tôi sẽ che chở cậu. Nếu những đứa khác biết là cậu đã có bồ, chúng không dám đụng đến cậu nữa. Chúng biết đụng đến cậu thì chúng sẽ vỡ mặt. Vừa nói, Karl vừa giơ quả đấm to tướng.
Tuy biết trước cậu trả lời của Karl, Miles vẫn hỏi:
- Vậy tôi phải làm gì để trả công anh?
Cậu cho tôi hưởng cái mông trắng trẻo của cậu! - Gã da đen to lớn nhắm mắt lại, nóí giọng mơ màng. - Tấm thân cậu hoàn toàn thuộc về tôi và chỉ của mình tôi thôi, bất cứ lúc nào tôi thèm. Tôi sẽ kiếm một chỗ kín đáo.
Miles suýt nôn mửa.
- Thế nào, cậu nghĩ sao?
Trong những lúc tuyệt vọng nhất, Miles thường tự hỏi: tội lỗi mình đã phạm chẳng lẽ lại phải trả giá đến mức này hay sao? Lúc này anh cũng tự hỏi một câu như vậy. Tuy nhiên, bây giờ anh đã biết thế nào là luật rừng trong nhà tù: tàn bạo, xấu xa, bẩn thỉu tởm lợm, không còn chút gì là công lý nữa. Nơi này, con người bị tước mất mọi quyền.
Miles uất ức hỏi:
- Vậy là tôi buộc phải lựa chọn hay sao?
- Đúng thế! Một là tôi, hai là những đứa khác. Nhưng nếu cậu rơi vào tay chúng, sớm muộn gì chúng cũng làm cậu chết. - Karl dừng lại một chút rồi nói tiếp: - Thế nào? Cậu, quyết định rồi chứ?
- Đành vậy thôi. - Miles đáp.
Karl lộ vẻ mừng rỡ. Gã làm hiệu thu nạp Miles làm "bồ nhí" bằng cử chỉ đặt tay lên vai anh. Miles co rúm người lại nhưng không gạt tay gã ra.
- Họ sẽ chuyển phòng giam cho cưng. Cưng sẽ sang khu vực của ta, thậm chí có thể ở chung phòng với ta.
Phòng giam của Karl nằm ở đầu kia hành lang tầng dưới, trong khi phòng của Miles ở đầu bên này ở tầng trên. Gã da đen to lớn liếm môi thèm thuồng:
- Đúng thế đấy, cưng.
Bây giờ thì bàn tay gã đã rời khỏi vai Miles lần tiếp xuống thấp hơn:
- Cậu có tiền không? – Karl hỏi.
- Không một xu.
Miles hiểu rằng nếu có ít tiền anh sẽ tránh được những sự hành hạ của nhà tù. Những tên tù có tiền bạc ở ngoài gửi vào, đều sử dụng tiền đó để giảm nhẹ số phận.
- Ta cũng không có nốt. - Karl nói. - Ta sẽ phải nghĩ một cách nào để kiếm tiền.
Miles rầu rĩ gật đầu, hiểu rằng anh sẽ phải đóng vai trò bẩn thỉu của một kẻ bị làm vật thoả mãn cho một tên đồng tính. Nhưng anh cũng lại biết, nhờ đó anh đỡ bị bọn đồng tính kia hãm hiếp, do anh đã có "vệ sĩ" che chở.
Miles đã không lầm. Từ ngày đó không kẻ nào còn ngó nghiêng, còn gửi những cái hôn bẩn thỉu, còn kiếm cách hãm hiếp anh, thậm chí đụng chạm vào anh nữa. Tất cả tù nhân ở đây đều biết sức khoẻ ghê gớm của Karl và biết hai quả đấm của gã mạnh biết chừng nào. Họ đồn rằng năm ngoái gã đã đấm một quả chết tươi một tên tù dám làm gì đó trái ý gã. Nhưng vụ đó cuối cùng vẫn không đủ chứng cứ để kết tội.
Vài ngày sau Miles được nhà tù chuyển sang, không phải khu vực của Karl mà ngay phòng của gã. Chắc chắn gã đã phải đút lót tên cai tù để thực hiện được điều ưu đãi đó. Miles hỏi Karl làm cách nào. Gã da đen to lớn cười khẩy, nói nhỏ:
- Mấy thằng cha bên khu vực Mafia bỏ tiền. Bọn chúng thích cậu đấy, cưng.
Thích tôi? Giống như các tù nhân khác, Miles đã từng nghe nói đến "khu vực Mafia", tên gọi khu vực giam các tù nhân Italia. Đấy toàn là những trùm sò của các tổ chức Mafia. Bọn chúng thường xuyên liên lạc được với bên ngoài, cho nên vẫn giữ được uy thế.
Các cai tù, thậm chí cả quản đốc nhà tù đều nể sợ chúng và đối xử với chúng kính cẩn.
Tại nhà tù Drummonburg, các tù nhân của khu vực quý tộc này được hưởng mọi ưu đãi: không phải làm lao động khổ sai quá nặng nhọc, được coi trọng hơn mọi tù nhân khác, được hưởng chế độ ăn uống tốt hơn, được sinh hoạt thoải mái hơn.
Các cai tù cho phép chúng nhận tiếp tế từ bên ngoài.
Miles còn nghe nói bọn tù ở khu vực Mafia còn luôn được ăn những món bít tết ngon lành, nấu trong những nhà bếp bí mật và chúng có kho thực phẩm dồi dào ngay tại đây. Trong phòng giam của chúng có cả máy thu hình, đèn cực tím. Tuy nhiên, Miles chưa bao giờ tiếp xúc với loại tù này và nghĩ rằng chúng lại biết anh và "thích" anh.
- Chúng bảo cưng là thằng trai biết điều! - Karl nói.
Vài ngày sau thì điều bí mật được lộ ra do một tù nhân bụng phệ mặt chồn tên là LaRocca. Y trông có vẻ phương phi phúc hậu, hôm đó y đến gần Miles trong giờ dạo chơi, LaRocca không thuộc dân Mafia, nhưng nghe đâu có quan hệ với đám ấy và làm chân trung gian liên lạc giữa chúng và bên ngoài. Y gật đầu chào Miles với dáng điệu của người chủ rồi nói:
- Tôi có một việc với cậu. Ominsky Người Nga nhắn cậu.
Miles giật bắn người. Igor Ominsky, biệt danh "Người Nga" chính là chủ nợ lãi của Miles. Anh đã vay tiền của hắn. Miles sực nhớ đến hắn đã bắt chẹt và lấy lãi anh nặng biết chừng nào. Sáu tháng trước dây, chính do Ominsky đe doạ khiến Miles sợ hãi, đến mức liều ăn cắp sáu ngàn đô la kia của nhà băng, và chính vì vụ đó mà những vụ gian lận trước kia của anh bị phát hiện. LaRocca nói tiếp.
- Ominsky biết tin cậu bị tù, lão thấy cậu là thằng cha biết điều. Liều ăn cắp để trả nợ lão. Lão rất thích cậu.
Thật vậy, trong quá trình bị thẩm vấn, Miles không hề khai tên của lão chủ nợ và của nhà cái trong các lần cá cược. Anh nghĩ khai ra cũng chẳng để làm gì, chưa kể rất có thể còn chuốc thêm tai hoạ.
Dù sao thì ông tưởng ban bảo vệ nhà băng Nolan Wainwright, cũng như các thanh tra viên của F.B.I. cũng không đòi anh phải khai
- Bởi cậu làm ăn đứng đắn nên Ominsky nhắc rằng cậu yên tâm, lão đã cho đồng hồ ngừng chạy rồi. Câu đó có nghĩa Ominsky đã thôi không tính lãi tiếp vào số tiền Miles nợ lão, kể từ ngày anh vào tù.
Câu nói của LaRocca đồng thời cũng lộ cho Miles thấy tại sao đám tù bên khu vực Mafia lại biết đến anh. Chính là nhờ chúng liên lạc được với bên ngoài nhà tù Drummonburg.
Miles nói:
- Anh chuyển hộ tôi lời cảm ơn ông Ominsky.
Đồng thời anh nghĩ, khi ra tù không biết bằng cách nào anh sẽ trả hết được món nợ cho lão và tiếp tục sống. LaRocca nói tiếp::
- Sẽ có người lo cho cậu từ nay cho đến khi cậu được tha. Rất có thể ta sẽ cùng làm một cú.
Gật đầu chào Karl và Miles, lão bụng phệ mặt chồn rời đi. Những tuần lễ tiếp theo, LaRocca nhiều lần đến bắt chuyện với Miles, bao giờ cũng có mặt Karl.
Những kiến thức của Miles về tiền tệ, nguồn gốc tiền tệ và lịch sử phát triển tiền tệ làm LaRocca và các tù nhân khác rất thán phục. Những cuộc trò chuyện chỉ mang tính chất giải trí đã giúp anh được đám tù kính nể. Bọn chúng thường phục tài những tù nhân có quá khứ cũng như tội lỗi chứng tỏ họ ở trên những kẻ hung bạo và đầy thú tính về mặt trí tuệ. Theo cách đánh giá này thì tên đâm chém bị ở bậc thang thấp nhất, Và tên gian lận được xếp bậc thang cao nhất.
LaRocca đặc biệt chú ý đến chuyện một chính phủ nước này làm tiền giả của một nước khác. Một hôm, trước khoảng nửa tá tù nhân vây quanh Miles nói:
- Không một kẻ làm tiền giả nào làm nhiều tiền giả và làm tài tình như vậy.
Anh kể chuyện chính phủ nước Anh đã che chở đám làm tiền giả nước Pháp, để phá hoại cuộc Cách mạng Pháp. Ấy vậy mà khi bị phát hiện, tên làm tiền giả kia lại bị treo cổ ở nước Anh, nơi người ta treo cổ những kẻ làm bạc giả cho đến tận năm 1821.
Cuộc khởi nghĩa của các thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ, chính là bắt nguồn từ việc làm giấy bạc Anh giả.
- Nhưng, - Miles nói. - nhà máy làm tiền giả lớn nhất là trong đại chiến thế giới thứ hai, khi chính phủ Đức in ra một trăm bốn mươi triệu bảng Anh tiền giả và một số lượng chưa biết được cụ thể tiền đô la Hoa Kỳ. Số tiền giả này chất lượng rất cao. Chính phủ Anh cũng in tiền giả Đức và có lẽ tất cả các quốc gia thuộc Đồng Minh đều làm thế.
LaRocca reo lên:
- Bọn khốn kiếp! Chính chúng đẩy chúng ta xuống cái hố này. Tôi cam đoan là hiện giờ chúng vẫn tiếp tục in tiền giả.
LaRocca thấy giá trị y được tăng lên trong mối quan hệ với một nhà thông thái như Miles Eastin. Y không giấu anh là y đã đem một số câu chuyện của anh thuật lại cho đám tù trong khu vực Mafia.
Sau này khi ra tù, bọn tôi sẽ giúp đỡ cậu. - LaRocca khẳng định.
Nhưng Miles thầm nghĩ, chắc gì anh và bọn chúng cùng được thả một thời gian.
Kể ra những hiểu biết của mình, Miles cũng thấy cuộc sống trong tù nhẹ đi phần nào. Phải chăng một phần cũng vì lão cho vay nặng lãi đã "cho đồng hồ ngừng chạy"? Tuy nhiên, nỗi đau khổ tinh thần vẫn đè nặng lên anh, không có cách gì giảm nhẹ. Và Miles nhiều lúc nghĩ đến tự tử. Điều day dứt nhất của Miles là mối quan hệ của anh với tên Karl. Gã da đen to lớn đã đề ra cho anh các điều kiện: "Cái mông trắng trẻo của cậu, tấm thân nõn nà xinh đẹp của cậu, là dành cho ta bất cứ lúc nào ta thèm". Điều cam kết đã được thực hiện.
Karl khai thác nó một cách ngon lành và hầu như không bao giờ chán. Thoạt đầu Miles đã cố coi như tê liệt tinh thần trong những lúc đó, bằng cách thầm nhắc đi nhắc lại rằng, dù sao cũng còn hơn là bị hiếp tập thể. Điều tự nhủ của Miles phần nào đúng, bởi thái độ Karl rất dịu dàng. Tuy nhiên cảm giác nhục nhã, tự khinh mình vẫn cứ tồn tại dai dẳng trong lòng Miles. Nhưng điều anh sợ nhất cuối cùng đã xảy ra.
Dần dần Miles mất cảm giác ghê tởm, đâm thích thú với kiểu làm tình quái đản của Karl. Và lạ chưa? Anh đâm có cảm tình đặc biệt với gã. Anh giật mình: Đó là tình yêu chăng? Có lẽ thế. Không! Anh chưa thể đạt đến mức đó. Ý nghĩ ấy làm Miles kinh hoàng.
Khốn nỗi, Miles cứ dần dần tuân theo những chỉ dẫn của Karl trong kiểu làm tình đồng tính và anh thấy mình không còn hoàn toàn thụ động như trước nữa. Một câu hỏi bây giờ thường xuyên ám ảnh Miles: "Liệu mình còn là đàn ông hay không?” Trước khi vào tù, anh hoàn toàn không nghi ngờ gì về tính đàn ông của anh. Nhưng phải chăng cuộc sống trong tù đã làm thay đổi tận gốc bản chất giới tính của anh? Tại sao chuyện đó có thể xảy ra được và theo kiểu đó? Liệu anh có thể hy vọng sau này chữa khỏi không? Trở lại là người đàn ông như mọi người đàn ông lành mạnh khác? Liệu anh có thể sau này quên được những khoái cảm mà anh hưởng thụ trong phòng giam cùng với "vệ sĩ" của anh không? Nếu không được, liệu cuộc đời anh có còn đáng sống hay không? Miles nghi ngờ khả năng ấy.
Chính vì vậy mà Miles rơi vào nỗi tuyệt vọng và anh thấy tự tử là cách giải quyết hợp lý,!à sự giải thoát. Trong một nhà tù chật ních người như thế này, tự tử là việc khó thực hiện, nhưng lâu lâu vẫn có những tù nhân treo cổ trong đó. Từ hôm Miles vào đây đã có năm trường hợp rồi. Thông thường chuyện ấy xảy ra ban đêm.
Người ta nghe thấy tiếng kêu:” Có người treo cổ rồi!" Rồi tiếng chân các cai tù vừa chạy rầm rầm vừa văng tục, chửi thề, tiếng khoá mở rất to và họ chạy vào cắt dây thừng. Trong năm lần đó, ba lần họ không đến kịp. Những tiếng thét khàn khàn và những tiếng cười rộ lên ca ngợi chiến thắng của người treo cổ. Liền sau đấy nhà tù tăng cường các cuộc đi tuần ban đêm một thời gian, bởi chuyện tù nhân tự tử gây phiền hà cho nhà tù. Nhưng chỉ được một thời gian, rồi đâu lại vào đấy.
Miles biết làm thế nào. Các tù nhân nhúng khăn vải giường vào nước để vải khó rách. Nói chung họ đi tiểu lên để không gây tiếng động. Sau đó họ buộc một đầu khăn lên thanh xà trên trần, bằng cách trèo lên tấm phản giường cao nhất. Phải làm thật lặng lẽ để khỏi làm thức giấc những tù nhân đang ngủ.
Cuối cùng có một nguyên nhân duy nhất đã ngăn Miles không làm chuyện đó. Ngoài nguyên nhân đó không còn nguyên nhân nào khác. Đó là Miles muốn gặp lại Juanita Numez, xin lỗi cô sau khi anh ra tù.
Bất chấp quan toà nghĩ thế nào, nhưng Miles Eastin thật sự hối hận về những tội lỗi anh đã làm.
Gian lận và ăn cắp của nhà băng trong khi người ta đối xử tốt với mình, là điều khiến Miles hết sức hối hận. Bây giờ nhìn lại anh ngạc nhiên tại sao mình lại có thể sa ngã đến mức ấy. Đôi lúc anh có cảm giác anh làm việc xấu xa đó trong trạng thái mê muội. Say mê đi xem các trận đấu thể thao, đặc biệt là say mê cá cược đã vượt quá khả năng tài chính của anh, và đưa anh đến việc vay nợ lãi và cuối cùng đến gian lận tiền của nhà băng và ăn cắp. Quãng đời đó tưởng như không liên quan chút nào đến tính cách con người anh, đến nhân cách anh. Miles đã mất mối liên hệ với thực tế và dường như cơn điên đã lôi cuốn anh. Con điên cuồng, mê muội đó đã làm méo mó trí óc anh, đến mức xoá đi sự hiểu biết của anh về sự ngay thẳng, cũng như về những giá trị đạo đức con người.
Đã hàng ngàn lần Miles tự hỏi, nếu không phải do mê muội làm sao anh có thể sa sút đến mức phạm tội đê hèn, đến mức đẩy sự nghi ngờ sang Juanita.
Hôm ra trước toà Miles đã xấu hổ đến mức, khi Juanita khai, anh không dám ngẩng đầu lên nhìn cô.
Sáu tháng sau, nỗi day dứt lương tâm về chuyện nhà băng dần dần nguôi đi. Anh đã có tội với Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ ư? Có, nhưng hai năm tù là anh đã đền cái tội đó một cách rộng rãi.
Đúng thế anh đã trả món nợ đó! Nhưng bao nhiêu nỗi khổ cực, nhục nhã trong nhà tù Drummonburg cũng không rửa sạch cho anh được vết nhơ anh đã phạm với Juanita: Miles nhất định sẽ phải đến gặp cô và cầu xin cô tha thứ.
Muốn vậy anh phải sống. Thế là Miles tiếp tục cắn răng chịu nỗi đau hiện giờ.