Số lần đọc/download: 3614 / 73
Cập nhật: 2016-02-18 21:13:13 +0700
Chương 25
L
ý Lan về đến nhà, đứng trước gương ngắm nghía mình, chị cũng phải giật mình bởi sự già nua đột nhiên của bản thân. Sau đó chị có một dự cảm không tốt lành. Chị cảm thấy sau khi vào nằm viện, mình có thể không ra. Chị đã gội hết mùi hôi mùi chua đầy đầu, chị không đi bệnh viện ngay, chị ở nhà thêm vài ngày. Mấy ngày ở nhà, chị không nằm trên giường, dù ngồi ở trước bàn, chị cứ nhìn Lý Trọc, nơm nớp lo âu, thỉnh thoảng thở dài, nói với con:
Sau này con sẽ làm thế nào?
Lý Lan bắt đầu lo liệu đến chuyện sau khi mình qua đời, chị lo lắng hơn cả là chuyện Lý Trọc, chị không biết sau khi mình ra đi, Lý Trọc sẽ như thế nào? Chị luôn luôn có cảm nghĩ, con trai mình sẽ có số phận không ra sao trên thế giới này, mười bốn tuổi đã có chuyện nhòm trộm mông đàn bà trong nhà xí, sau mười tám tuổi không biết sẽ gây ra những chuyện xấu xa tàn nhẫn thế nào nữa? Chị đâm lo đứa con sau này có khả năng phạm tội, vào tù.
Trước khi quyết định vào nằm viện chữa bệnh, Lý Lan đã bố trí sắp xếp cuộc sống từ nay về sau của con trai. Chị ôm sổ hộ khẩu trước ngực, sai con trai dìu mình đi đến Cục dân chính Huyện. Lý Lan tội nghiệp, cảm thấy mình là vợ địa chủ, lại là mẹ của đứa con nhỏ Lưu manh Lý Trọc, chị xấu hổ cúi đầu, rụt rè đi vào sân Cục dân chính, lại rụt rụt rè rè hỏi người ta:
- ở đây ai quản lý việc trẻ mồ côi,thưa ông?
Lý Trọc dìu mẹ đi vào một gian phòng, một người đàn ông hơn ba mươi tuổi, đang ngồi trước bàn làm việc xem báo, Lý Trọc vừa nhìn đã nhận ra anh, bảy năm trước anh là người dùng xe bò chở xác Tống Phàm Bình từ Bến ô tô về nhà Lý Lan. Lý Trọc còn nhớ anh tên là Đào Thanh, cậu vui mừng chỉ vào anh nói:
- Chú đấy ư, chú là Đào Thanh.
Lý Lan giật áo Lý Trọc, cảm thấy vừa giờ con mình nói như thế rất không lễ phép, chị gật đầu khom lưng hỏi:
- Ông là đồng chí Đào phải không ạ?
Đào Thanh gật đầu, khi bỏ tờ báo trong tay xuống, nhìn kỹ Lý Trọc, hình như đã nhận ra cậu. Lý Lan đứng ở cửa không dám vào, giọng run run, chị thưa với người đàn ông:
- Thưa đồng chí Đào, tôi có việc xin được hỏi đồng chí.
Đào Thanh mỉm cười đáp:
- Có việc gì mời bà vào trong này.
Lý Lan cúi đầu lo lằng nói:
Tôi thành phần không tốt, thưa đồng chí.
Đào Thanh vẫn mỉm cười đáp:
Mời bà vào trong này đã.
Nói xong, Đào Thanh bê một chiếc ghế, bảo Lý Lan ngồi. Lý Lan sợ sệt đi vào trong nhà, vẫn không dám ngồi lên ghế. Đào Thanh chỉ ghế nói:
Cứ ngồi xuống ghế rồi nói sau, thưa bà.
Lý Lan lưỡng lự một lát, ngồi xuống. Chị cung kính đưa sổ hộ khẩu cho Đào Thanh, chỉ tay vào Lý Trọc, nói với Đào Thanh:
Cháu là con trai tôi, trên sổ hộ khẩu có tên cháu.
Đào Thanh mở sổ hộ khẩu nói:-
- Tôi đã nhìn thấy, bà có việc gì?
Lý Lan cười gượng trả lời:
Tôi bị bệnh nhiễm độc nước tiểu, không sống được mấy nữa, sau khi tôi chết, con trai tôi không có người ruột thịt, liệu cháu có được nhà nước cứu tế không?
Đào Thanh ngạc nhiên nhìn Lý Lan, lại nhìn Lý Trọc, sau đó gật đầu nói:
Được, thưa bà, mỗi tháng tám đồng và mười ki lô gam tem gạo, tem dầu tem vải mỗi quí phát một lần, được hưởng cho đến khi cậu tham gia công tác thì thôi.
Lý Lan lại thắc thỏm không yên, nói:
Tôi thành phần không tốt, là vợ địa chủ…
Đào Thanh cười, trả sổ hộ khẩu cho Lý Lan nói:
- Tôi hiểu tình hình của bà, bà cứ yên tâm, việc này do tôi làm, con trai bà sau này cứ tìm tôi là được.
Cuối cùng Lý Lan đã thở phào nhẹ nhõm, bởi mừng quá, nên mặt Lý Lan ửng đỏ. Lúc này Đào Thanh nhìn Lý Trọc, cười hì hì, nói:
Thì ra cậu là Lý Trọc, cậu rất có tiếng tăm, còn một cậu nữa tên là gì?
Lý Trọc biết chú Đào Thanh hỏi Tống Cương, Lý Trọc đang định trả lời, thì Lý Lan đã đứng dạy một cách lo lắng, chị biết Đào Thanh nói Lý Trọc rất có tiếng tăm là chỉ sự việc nhòm trộm mông đàn bà trong nhà xí, chị nói liền mấy tiếng cám ơn, bảo Lý Trọc dìu mình đi. Lý Trọc dìu mẹ ra khỏi nhà, lại đi ra sân Cục dân chính, bây giờ Lý Lan mới yên tâm dựa người vào một thân cây, thở hổn hển, thốt lên:
- Đồng chí Đào này đúng là một người tốt.
Lúc này Lý Trọc mới bảo mẹ, Tống Phàm Bình chết ở trước bến xe, chính chú Đào Thanh này đã giúp chở xác bố về nhà. Nghe vậy Lý Lan xúc động, mặt đỏ bừng, chị không sai con dìu đi nữa, một mình nhanh nhẩu trở lại sân Cục dân chính, đi vào gian phòng vừa rồi, chị nói với Đào Thanh:
Thưa ân nhân, tôi xin được cúi lạy trước ân nhân.
Lý Lan cúi rạp đầu xuống, thân thể gần như sắp ngã, chị đã va sứt trán. Tiếp theo chị khóc hu hu. Đào Thanh lúng túng đứng dạy, lát sau tiếng khóc và lời nói của Lý Lan khiến anh hiểu ra, tại sao người đàn bà này lại cúi đầu lạy anh. Đào Thanh vội vàng bước đến, đưa hai tay định đỡ chị dạy. Lý Lan vẫn quỳ, lại cúi đầu lạy anh hai cái nữa. Tiếp theo, Đào Thanh đã nói rất nhiều lời y như giỗ trẻ con, mới dìu được Lý Lan đứng lên. Đào Thanh dìu Lý Lan ra mãi tận cổng Cục dân chính. Khi chia tay, Đào Thanh dơ ngón tay cái lên, khẽ nói với Lý Lan:
Tống Phàm Bình, ghê gớm lắm.
Lý Lan xúc động, toàn thân run run, Sau khi Đào Thanh đi vào sân Cục dân chính, Lý Lan lau nước mắt, sung sướng nói với Lý Trọc:
Nghe thấy chưa, nghe thấy vừa giờ đồng chí Đào nói gì chưa...
Sau khi ra khỏi Cục dân chính, Lý Lan lại đến cửa hàng quan tài. Trán chị lấm tấm những giọt máu, đi vài bước lại nghỉ, mỗi lần nghỉ, không kìm nổi, lại nhắc đến lời nói của Đào Thanh:
Tống Phàm Bình, ghê gớm lắm.
Sau đó cánh tay chị vung lên phía trước, nói với Lý Trọc một cách kiêu hãnh:
Lòng dân thị trấn Lưu, ai ai cũng nghĩ như vậy, chỉ có điều không dám nói ra miệng.
Lý Trọc dìu mẹ đi chậm hơn rùa, đi đến cửa hàng quan tài, Lý Lan ngồi trên ngưỡng cửa, vừa thở, vừa lau máu dỉ ra trên trán, mỉm cười nói với nhân viên cửa hàng:
Tôi đã đến.
Nhân viên trong cửa hàng quan tài, ai ai cũng biết Lý Lan, họ hỏi chị:
Lần này mua quan tài cho ai?
Lý Lan ái ngại nói:
- Mua cho tôi.
Đầu tiên họ ngớ người, sau đó họ cười bảo:
Chưa bao giờ thấy người sống mua quan tài cho mình.
Lý Lan cũng cười, chị bảo:
Vâng, tôi cũng chưa thấy bao giờ.
Lý Lan chỉ vào Lý Trọc nói tiếp:
Con trai còn bé, không biết nên mua cho tôi quan tài như thế nào, tôi chọn sẵn trước đâu vào đấy, sau cháu cứ việc đến lấy là được.
Nhân viên cửa hàng quan tài đều biết Lý Trọc tiếng nổi như cồn, họ cười hỉ hả nhìn Lý Trọc tỉnh khô đứng ở cửa, bảo Lý Lan:
Con trai chị lớn rồi.
Lý Lan cúi đầu, biết vì sao họ cười quái lạ như thế. Lý Lan chọn một cỗ quan tài rẻ nhất, chỉ có tám đồng, cũng là quan tài gỗ mỏng không sơn, giống quan tài của Tống Phàm Bình. Hai tay chị sờ lên ngực lấy tiền gói trong chiếc khăn mùi xoa, trả trước họ bốn đồng, bảo họ bốn đồng còn lại sẽ trả hết khi đến lấy quan tài.
Lý Lan đến Cục dân chính giải quyết tiền trợ cấp con mồ côi cho Lý Trọc, laị đến cửa hàng quan tài đặt mua cho mình một cỗ áo quan, hai hòn đá đè nặng lên trái tim chị đã được gỡ bỏ. Hôm sau chị nên vào nằm viện điều trị. Nhưng bấm đột ngón tay nhẩm tính, sáu hôm nữa sẽ là tiết thanh minh, chị khe khẽ lắc đầu bảo, hôm thanh minh chị phải về quê tảo mộ cho Tống Phàm Bình, chờ sau tiết thanh minh sẽ đi bệnh viện.
Lý Lan lê cái thân nặng nề, vừa đi vừa nghỉ, đến hiệu sách Tân Hoa của thị trấn Lưu, chị mua một thếp giấy trắng ở quầy dụng cụ văn phòng, ôm trước ngực,vừa đi vừa nghỉ, về đến nhà, ngồi trước bàn, bắt đầu làm giấy tiền và thỏi giấy vàng bạc. Sau khi Tống Phàm Bình chết, tết thanh minh nào, chị cũng phải làm một làn giấy tiền và thỏi giấy vàng bạc khoác vào tay, đi một chặng đường rất xa, về quê đốt giấy tiền trước mộ Tống Phàm Bình.
Lúc này Lý Lan ốm đã kiệt sức, làm xong được một thỏi giấy vàng bạc, lại phải nghỉ một lúc, khi kẻ vẽ tiền giấy và viết hai chữ "vàng", "bạc"lên thỏi giấy, tay chị cứ run run hoài, công việc của một buổi chiều, chị phải làm trong suốt bốn ngày mới xong. Lý Lan xếp ngay ngắn những thỏi giấy vàng bạc đã làm xong vào làn, sau đó cẩn thận đặt những đồng tiền giấy đã xâu chỉ trắng lên trên những thỏi giấy vàng bạc, chị mỉm cười và thở phào nhẹ nhõm, sau đó nước mắt lại ứa ra, chị cảm thấy có thể đây là lần cuối cùng chị tảo mộ cho Tống Phàm Bình.
Buổi tối, Lý Lan gọi Lý Trọc đến trước giường, ngắm nghía kỹ con trai, cảm thấy con trai không hề giống con người có tên là Lưu Sơn Phong một chút nào, Lý Lan cười an ủi, sau đó uể oải nói với Lý Trọc:
- Ngày kia là tiết thanh minh, mẹ định về quê tảo mộ, đi chặng đường dài như thế, mẹ không có sức …
- Mẹ ơi, mẹ yên tâm – Lý Trọc nói – Con cõng mẹ đi.
Lý Lan cười, lắc lắc đầu, chị nói đến đứa con khác, chị bảo:
Ngày mai con về quê tìm Tống Cương, hai anh em con thay nhau cõng mẹ đi.
Không cần gọi anh Tống Cương mẹ ạ- - Lý Trọc lắc đầu một cách kiên quyết – Một mình con là được.
Không được – Lý Lan nói - - Đường xa quá, một mình con cõng mẹ mệt lắm.
Mệt thì mình tìm một cây to – Lý Trọc vung tay nói – Ngồi ở dưới nghỉ một lúc.
Lý Lan vẫn lắc đầu nói:
Con cứ về tìm Tống Cương lên.
Con không tìm anh Tống Cương – Lý Trọc nói - Tự con sẽ nghĩ ra cách.
Lý Trọc vừa nói vừa ngáp, cậu định ra nhà ngoài ngủ, khi ra đến cửa, cậu quay lại bảo mẹ:
Mẹ ơi, mẹ yên tâm, con xin bảo đảm đưa mẹ về quê một cách thoải mái dễ chịu, lại đưa mẹ trở lại thành phố một cách dễ chịu thoải mái.
Lý Trọc đã mười lăm tuổi, vừa đặt lưng nằm xuống giường ở nhà ngoài, chỉ trong có năm phút, đã nghĩ ra biện pháp, sau đó cậu yên chí nhắm mắt, vừa nhắm mắt, tiếng ngáy đã vang nhà.
Buổi chiều hôm sau, Lý Trọc mới thong thả ra khỏi nhà, cậu đến bệnh viện trước, trên hành lang bệnh viện, cậu ngó ngó nghiêng nghiêng, cứ y như một người nhà đến thăm bệnh nhân, nhân lúc phòng làm việc của y tá không có người, cậu lỉnh vào, sau khi lỉnh vào, cậu cứ thung dung kén chọn trong đống chai lọ truyền huyết thanh, đầu tiên đem ra hơn mười chai tiếp gờ lu cô đã sử dụng, dơ lên xem từng cái, xem chai nào gờ lu cô còn thừa nhiều nhất? Sau khi chọn một chai nhiều nhất, dấu luôn vào trong người, lại vù ra khỏi phòng làm việc của y tá, chuồn khỏi bệnh viện.
Sau đó, Lý Trọc xách chai truyền huyết thanh không, khệnh khà khệnh khạng đi trên đường phố, thỉnh thoảng còn dơ chai lên trước mắt lắc lắc, xem rốt cuộc trong chai còn lại bao nhiêu nước gơ lu cô? Lý Trọc cảm thấy có thể còn già nửa lạng. Để có câu trả lời chính xác, cậu đã trẽ vào một cửa hàng xì dầu cạnh phố, dơ chai lên, lắc lắc với người bán hàng, hỏi bên trong còn bao nhiêu đường gơ lu cô? Về lĩnh vực này, người bán xì dầu vào loại sành sỏi, anh ta cầm chai lắc lắc hai cái, biết ngay số lượng ở bên trong, anh ta bảo, nước đường gờ lu cô trong chai nhiều hơn nửa lạng,ít hơn một lạng. Lý Trọc rất mừng, nhận lại chai, lắc lắc bảo:
Đây là chất bổ.
Lý Trọc dương dương đắc ý, cầm chai có chứa già nửa lạng ít hơn một lạng nước gơ lu cô đi đến hiệu lò rèn của anh Đồng. Lý Trọc biết anh Đồng thợ rèn có một chiếc xe bò riêng. Lý Trọc đã nhằm vào chiếc xe này, định mượn anh một ngày, chở mẹ về quê tảo mộ. Đến hiệu thợ rèn, Lý Trọc đứng ở cửa nhìn anh Đồng đang rèn sắt mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Sau khi nhìn một lúc, Lý Trọc vẫy tay nói y như lãnh đạo đến thị sát:
Nghỉ một lát, nghỉ một lát.
Anh Đồng bỏ búa sắt trong tay, lấy khăn lau mồ hôi đầy mặt, nhìn vẻ mặt không có việc không lên Điện Tam bảo của Lý Trọc, bước đến ngồi thoải mái trên chiếc ghế băng mà Lý Trọc đã từng chơi trò quan hệ trai gái khi ở tuổi nhi đồng. Anh Đồng hỏi:
Thằng nhóc khốn kiếp, mày đến có việc gì?
Lý Trọc cười khì khì đáp:
Em đến đòi nợ.
Mẹ kiếp – Anh Đồng văng chiếc khăn mặt trong tay - - Tao nợ thằng nhóc khốn kiếp mày bao giờ?
Lý Trọc vẫn cười khì khì, nhắc anh Đồng:
Cách đây hai tuần, anh đã nói một câu ở cửa nhà tắm.
Nói gì? - Anh Đồng không nhớ ra.
Lý Trọc chỉ vào mũi mình, đắc ý nói:
Anh bảo Lý Trọc này là một nhân tài, anh bảo đời anh thế nào cũng phải mời em ăn một bát mì Tam Tiên.
Anh Đồng đã nhớ ra, anh vắt khăn mặt trở về cổ, ngang ngược nói:
- Tao nói thế đấy, mày làm gì được nào?
Lý Trọc bắt đầu nịnh bợ,tâng bốc anh Đồng. Cậu nói:
Đồng thợ rèn là nhân vật như thế nào? Đồng thợ rèn quát một tiếng, thị trấn Lưu cũng phải ba lần giật mình. Đồng thợ rèn đã nói lời, liệu không nuốt lời chứ?
Thằng nhóc khốn kiếp này.
Anh Đồng cười, mắng một tiếng, Lý Trọc nói như vậy, anh không ngang ngược nổi, suy nghĩ một lát, cũng thấy đắc ý, anh bảo:
Tao bảo đời này mời mày ăn một bát mì Tam Tiên, đời tao còn dài lắm, ngày nào mời mày ăn? Hiện giờ tao vẫn chưa biết.
Trả lời hay lắm!
Lý Trọc dơ ngón tay cái lên khen, sau đó cười khì khì đi vào chủ đề chính. Cậu nói:
Thế này anh Đồng ạ, em không ăn mì Tam Tiên của anh, anh cho em mượn chiếc xe bò một ngày, coi như xoá nợ mì Tam Tiên.
Anh Đồng thợ rèn không biết Lý Trọc dở trò gì, anh hỏi:
Mày mượn xe bò của tao làm gì?
ồ!- Lý Trọc thở dài một tiếng, nói với anh Đồng – Mẹ em phải về quê tảo mộ
cho bố em, anh biết rồi, mẹ em bị ốm, không đi xa được, em mượn xe của anh chở mẹ em đi.
Lý Trọc vừa nói, vừa để chai nước gờ lu cô trong tay lên ghế băng. Anh Đồng chỉ vào chai truyền huyết thanh, hỏi:
Chai này làm gì vậy?
Chai dùng trong quân đội – Lý Trọc nói dóc, sau đó giải thích - - Đường về quê xa lắm, trời lại nắng, trên đường đi, mẹ em khát nước thì làm thế nào? Em đựng nước vào chai để mẹ em có nước uống khi đi đường bị khát. Đây là chai đựng nước dùng trong quân đội.
Anh Đồng thợ rèn " hày" một tiếng, anh bảo:
Không ngờ, không ai nhận ra, một thằng nhãi khốn kiếp như mày, còn là một đứa con có hiếu!
Lý Trọc cười khiêm tốn, dơ cái chai truyền huyết thanh lên lắc lắc, nói với anh Đồng:
Trong này vẫn còn già nửa lạng,ít hơn một lạng chất bổ gờ lu cô.
Anh Đồng nói một cách hào sảng:
Thấy mày là đứa con hiếu thảo, tao cho mày mượn xe.
Lý Trọc cảm ơn rối rít, sau đó, với vẻ mặt đầy thần bí, vỗ vào ghế băng, lại vẫy bảo anh Đồng ngồi xuống. Cậu nói:
Em không mượn không xe bò của anh đâu, em sẽ đền đáp anh, gọi là ở hiền gặp lành ấy mà.
Anh Đồng không hiểu:
Thế nào là ở hiền gặp lành?
Lý Trọc khe khẽ nói:
Mông của Lâm Hồng…
ồ!... Anh Đồng chợt vỡ lẽ.
Anh Đồng thợ rèn nét mặt đầy vẻ thần bí, ngồi cạnh Lý Trọc nét mặt cũng đầy vẻ thần bí. Lý Trọc miêu tả một cách sinh động như thật bí mật về cái mông Lâm Hồng. Khi kể đến chỗ căng thẳng nhất, xúc động lòng người nhất, Lý Trọc bỗng nín bặt. Anh Đồng chờ một lát, Lý Trọc lại nói tiếp, nhưng không phải nói mông Lâm Hồng, mà là nói, trong giây phút then chốt này, Nhà thơ Triệu đã túm cậu nhấc bổng lên như thế nào. Anh Đồng thợ rèn đã tỏ ra thất vọng vô cùng, đứng dạy xoa nắm đấm, đi đi lại lại mấy bước, không kìm nổi, buột mồm chửi:
Cái thằng Nhà thơ Triệu khốn nạn...
Tuy chỉ biết nửa chừng về cái mông của Lâm Hồng, nhưng anh Đồng thợ rèn vẫn tỏ ra tràn đầy nhiệt tình đối với Lý Trọc, khi đưa xe bò cho Lý Trọc mượn, anh bảo:
Sau này, nếu mày cần dùng xe, cứ nói với tao một tiếng, rồi kéo đi.
Lý Trọc đút cái chai truyền huyết thanh lấy cắp ở bệnh viện vào túi áo, kéo xe bò của anh Đồng thợ rèn, đến trước mặt ông Dư nhổ răng. Cậu đã nhắm trúng cái ghế nằm bằng mây của ông Dư. Cậu định mượn chiếc ghế mây buộc vào xe bò của anh Đồng thợ rèn, để mẹ cậu nằm về quê một cách dễ chịu thoải mái.
Khi Lý Trọc đến, ông Dư đang nằm trên ghế mây thiu thiu ngủ, Lý Trọc vứt cái xe bò của anh Đồng xuống đất kêu đánh xoảng, khiến ông Dư giật mình, toàn thân run bắn, mở mắt nhìn thấy Lý Trọc và chiếc xe bò ở trước mặt, biết cả hai đều không phải khách hàng, lại uể oải nhắm mắt. Như một lãnh đao đi thị sát, Lý Trọc đi tiếp, đến dưới cái ô che mưa bằng vải dầu, hai tay chắp sau lưng, hết nhìn kìm, lại nhìn răng bày trên bàn.
Lúc bấy giờ đã về thời kỳ cuối của cách mạng văn hoá, cách mạng không còn cuồn cuộn như thác lũ, cách mạng chỉ còn là con suối róc rách, ông Dư nhổ răng không cần phải dùng đến những cái răng chắc nhổ nhầm để chứng tỏ lập trường giai cấp của mình. Răng chắc nhổ nhầm bày ra bàn, trái lại còn ảnh hưởng đến uy tín nhổ răng của ông. Cùng với thời gian trôi đi, ông Dư nhổ răng lại cất hết những cái răng chắc, cất cùng với số tiền của ông, ông Dư thầm nghĩ, đời chẳng biết thế nào mà lần, ba mươi năm Hà Đông, ba mươi năm Hà Tây, dòng suối róc rách cách mạng một ngày nào đó rồi sẽ lại bùng lên, biến thành cơn lũ cuồn cuộn, đến khi ấy ông còn phải đem những cái răng tốt này bày ra bàn.
Lý Trọc nhìn trên bàn một lúc, không thấy những cái răng tốt, cậu gõ bàn cành cạch, cất to giọng, hỏi ông Dư đang nhắm mắt nằm trên ghế mây:
Răng tốt đâu, những cái răng tốt đâu cả rồi hả ông?
Răng tốt nào? - Ông Dư rất không vui vẻ mở mắt.
Đó là những cái răng còn chắc ông đã nhổ - Lý Trọc chỉ xuống bàn nói – Trước đây ông bày trên bàn này.
Đồ thối - - Ông Dư đỡ người dậy, giận dữ nói – Lão Dư ta chưa bao giờ nhổ răng còn đang chắc, những cái răng Lão Dư ta đã nhổ toàn là thứ răng sâu răng hỏng.
Lý Trọc không ngờ ông Dư nhổ răng lại điên tiết như vậy, lập tức tươi cười xin lỗi, cũng tỏ ra thức thời như ông Dư nhổ răng, Lý Trọc vỗ trán mình nói:
Vâng, vâng, ông Dư nhổ răng chưa bao giờ nhổ răng chắc răng tốt, chắc chắn cháu nhớ nhầm.
Lý Trọc vừa nói, vừa kéo cái ghế đẩu đến trước ghế mây của ông Dư nhổ răng, ngồi xuống, bắt đầu phỉnh nịnh ông, y như phỉnh nịnh anh Đồng thợ rèn vừa nãy. Lý Trọc nói:
Nhổ răng như ông là cỡ nhổ răng vào bậc nhất trong vòng bán kính một trăm dặm vuông, dù có nhắm mắt vào mà nhổ, thì răng ông nhổ ra cũng dứt khoát là răng sâu.
Ông Dư nhổ răng chuyển giận sang vui, ông gật gật đầu, cười bảo:
Nói như thế mới công bằng nghiêm chỉnh.
Lý Trọc cảm thấy thời cơ đã chín, cậu khôn khéo kiếm chuyện, dẫn dắt ông Dư:
Ông ở đây đã trên mười năm, gần hai mươi năm, các cô gái ở thị trấn Lưu, liệu ông đã gặp hết lượt chưa?
Đừng nói là con gái - - Ông Dư đắc ý bảo - - Bà già ở thị trấn Lưu ta cũng đã gặp hết, con gái nhà ai đi lấy chồng, bà lão nhà ai chết, ta biết ngay trong ngày.
Theo ông – Lý Trọc tiếp tục dẫn dắt ông Dư nhổ răng – Trong các cô gái của thị trấn Lưu, cô nào xinh đẹp nhất?
Lâm Hồng – Không cần phải suy nghĩ, ông Dư nhổ răng nói luôn - - Đương nhiên là Lâm Hồng.
Theo ông - - Lý Trọc cười hì hì - - Trong số đàn ông kể cả người lớn và trẻ con đông như thế, người nào đã trông thấy mông trần của Lâm Hồng?
Mày chứ ai - - Ông Dư nhổ răng chỉ vào Lý Trọc cười ha ha - - Chính là mày, thằng nhóc khốn kiếp.
Lý Trọc thừa nhận, gật đầu lia lịa, cậu cúi xuống, khẽ hỏi ông Dư:
Ông có muốn nghe mông Lâm Hồng không?
Ông Dư nhổ răng đang cười ha ha, lập tức trở nên nghiêm túc, từ trong ghế nằm, ông chống người dạy, ngó nghiêng ra ngõ một lúc, chờ không có ai gần đó, ông mới khe khẽ giục Lý Trọc:
Kể đi!
Cặp mắt ông sáng quắc, mồm ông há to, giống như đang chờ chiếc bánh có nhân từ nhà Giời rơi xuống. Ra vẻ già giặn, túc trí đa mưu, Lý Trọc lúc này ngậm chặt mồm, giống như đám đàn ông nào đó của thị trấn Lưu chúng tôi đã nhận xét, thằng nhóc khốn kiếp mười lăm tuổi này, còn tinh ranh, lõi đời hơn ông già khốn kiếp năm mươi tuổi. Ông Dư trông thấy cái miệng Lý Trọc cứ ngậm chặt, ngay đến một khe hở cũng không có, tỏ ra sốt ruột, đã thúc cậu:
Kể xem nào!
Lý Trọc thong thả sờ mò chiếc ghế mây của ông Dư, cười ruồi bảo:
Ông cho cháu mượn cái ghế này một ngày, cháu sẽ kể hết mọi chi tiết về cái mông của Lâm Hồng cho ông nghe.
Vừa nghe đến chuyện mượn ghế nằm của mình, ông Dư nhổ răng đã lập tức lắc đầu:
Không được, không có chiếc ghế nằm này, Lão Dư ta nhổ răng cho khách thế nào được?
Lý Trọc vẫn kiên nhẫn dẫn dắt ông:
Không có ghế nằm, thì còn ghế ngồi, đừng nói ngồi, khách dù có đứng, cũng khó mà đánh ngã nổi bậc tài danh số một trong vòng trăm dặm vuông như ông.
Ông Dư cười hì hì, thầm tính lợi hại, cảm thấy cho mượn ghế nằm một ngày, đổi lại được biết bí mật cái mông của người đẹp Lâm Hồng, cũng không phải thiệt thòi thua lỗ. Ông Dư nhổ răng đã gật đầu đồng ý. Ông dơ một ngón tay lên nói:
Một ngày, chỉ một ngày thôi.
Lý Trọc chĩa sát mồm vào tai ông Dư, thủ thỉ khi trầm lúc bổng. Trải qua tu luyện của năm, sáu mươi bát mì Tam Tiên, lại trải qua hun đúc về ngôn ngữ văn học của nhà thơ Triệu và nhà văn Lưu, Lý Trọc đã miêu tả cái mông của Lâm Hồng một cách sống động, hấp dẫn, miêu tả tới mức, còn sống động cuốn hút hơn cả mông của tiên nữ trên Giời. Khi nghe, nét mặt ông Dư cứ bần thần. Khi mặt ông Dư có những biểu hiện như nghe kể chuyện ma, hay nói cách khác khi nghe đến đoạn xúc động lòng người nhất, thì mồm Lý Trọc hết động đậy, mắt cậu đã nhìn thấy cái ô che mưa vải dầu của ông Dư, liền nẩy ra ý định, mượn luôn cả cái ô vải dầu. Ông Dư sốt ruột giục:
Kể tiếp đi.
Lý Trọc vuốt mồm, chỉ vào cái ô vải dầu nói:
Tiện thể ông cho cháu mượn cái ô một ngày.
Mày chỉ được cái được đằng chân lân đằng đầu - - Ông Dư bực mình nói – Mày mượn ghế nằm của tao, lại mượn cả ô che, chỉ còn lại có mỗi chiếc ghế này, thử hỏi, hiệu nhổ răng đường đường của tao có khác nào con chim sẻ vặt trụi lông
Lý Trọc vểnh tai nói:
Cũng chỉ có mỗi ngày mai không có lông, ngày kia ông lại có lông như thường.
Y như đọc tiểu thuyết chương hồi, ông Dư nhổ răng đọc đến chỗ " muốn biết câu chuyện về sau thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ", ông Dư ruột như lửa đốt, đành phải đồng ý cho Lý Trọc mượn nốt chiếc ô vải dầu. Lý Trọc miêu tả thêm hai câu về cái mông của Lâm Hồng, sau đó ông Dư nghe nói đến bàn tay của nhà thơ Triệu. Ông ngồi thừ tại chỗ, lâu lắm không có phản ứng, nét mặt đầy vẻ nghi hoặc, ông bảo:
- Sao vậy? cái mông Lâm Hồng đang tròn trĩnh đầy đặn hẳn hoi, tại sao lại xiên xẹo sang bàn tay của Nhà thơ Triệu?
- Cháu cũng chẳng biết làm thế nào – Lý Trọc bất lực nói – Anh chàng nhà thơ Triệu khốn kiếp, đã làm hỏng việc của cháu, cũng làm ông mất hào hứng.
Ông Dư tức quá hoá hồ đồ, ông trút hết giận vào nhà thơ Triệu, ông nghiến răng nghiến lợi, nói:
Thằng Triệu khốn kiếp, tao thề thế nào cũng phải nhổ bằng được của nó một chiếc răng chắc răng khoẻ cho mà xem.
Lý Trọc kéo chiếc xe của anh Đồng thợ rèn, trên xe để chiếc ghế mây và cái ô vải dầu của ông Dư nhổ răng, lại đi đến kho của Công ty bách hoá thị trấn Lưu chúng tôi, trong kho, Lý Trọc liền trổ tài khéo ăn khéo nói, một lần nữa rao bán bí mật cái mông Lâm Hồng, đã mượn được một đống dây thừng. Công lớn đã thành, Lý Trọc khoaí chí, miệng huýt sáo điệu nhạc cách mạng, kéo chiếc xe bò lạch cạch đi trên đường phố lớn, ca khúc khải hoàn về nhà.
Lúc này trời đã tối, Lý Lan đã đi ngủ, nghĩ đến chặng đường về quê rất xa ngày mai, ăn cơm tối xong, Lý Lan lên giường ngủ rất sớm. Từ sau khi Lý Trọc nhòm trộm mông đàn bà trong nhà xí, tiếng tăm loan truyền khắp thị trấn Lưu, Lý Lan không sao quản nổi con trai, nó thường về nhà rất khuya, Lý Lan đành phải thở dài thườn thượt.
Khi về đến nơi, thấy trong nhà tối om, Lý Trọc biết mẹ đã tắt đèn đi ngủ, cậu khe khẽ đặt xe xuống, khe khẽ mở cửa, sờ mò dây công tắc, giật bật đèn, ngồi trước bàn, ăn ngấu ăn nghiến suất cơm tối mẹ để phần. Sau đó Lý Trọc bắt đầu ra tay, nhờ có ánh đèn trong nhà và sáng trăng ngoài sân, Lý Trọc đặt chiếc ghế nằm lên xe, rồi lấy dây thừng buộc chặt ghế vào xe. Trên tay vịn của ghế nằm, có một cái lỗ để cốc, Lý Trọc mở ô vải dầu, cắm cán ô vào lỗ, để ô vải dầu che trên ghế nằm, lấy dây thừng buộc chặt ô vào ghế và xe.
Lúc này đã sang canh ba, Lý Trọc lại kiểm tra kỹ một lượt, lại dùng dây thừng cột thật chặt những chỗ then chốt. Sau khi đã buộc chặt lần cuối cùng, Lý Trọc chắp hai tay sau lưng, đi vòng quanh xe bò hai lần. Cậu cứ nhếch mép cười liên tục, cảm thấy xe, ghế và ô che, ba thứ đã kết thành một khối chắc chắn, y như cánh tay, chân và thân thể người. Lý Trọc thoả mãn ngáp một cái, vào trong nhà đi ngủ. Sau khi đặt mình xuống, cậu trằn trọc không ngủ được, cậu lo bị kẻ nào đó ăn cắp mất kiệt tác của mình ở ngoài sân, thôi thì, ôm quách chăn ra sân, leo lên xe bò của anh Đồng thợ rèn mà ngủ cho yên chuyện. Nằm trên ghế mây của ông Dư nhổ răng, Lý Trọc bỗng yên tâm, nhắm mắt vào một cái là ngáy liền.
Khi trời sáng, Lý Lan thức dậy, thấy giường của con trai bỏ không, cũng không có chăn, biết đã sảy ra chuyện gì, chị lắc đầu quầy quậy, sau khi mở cửa, giật mình kêu thất thanh. Chị đã trông thấy chiếc xe bò ly kỳ cổ quái nhất thế giới, con trai chị cuốn chăn đang ngủ trong chiếc ghế mây trên xe bò, một chiếc ô vải dầu to tổ bố đã căng che trên đầu.
Tiếng kêu ngạc nhiên của Lý Lan đã đánh thức con trai đang trong ngủ mơ, thấy nét mặt mẹ ngạc nhiên, cậu dụi dụi mắt bò dậy, vô cùng đắc ý bảo mẹ, xe bò là của anh Đồng thợ rèn, ghế mây và ô che là của ông Dư nhổ răng, còn dây thừng mượn của kho Công ty bách hoá. Lý Trọc nói với mẹ:
Mẹ ơi, thế này mẹ sẽ dễ chịu!
Lý Lan nhìn đứa con trai ma vương sống lẫn cõi người, thầm nghĩ, một thằng bé mười lăm tuổi, đào đâu ra bản lĩnh lớn như thế? Lý Lan cảm thấy mình không hiểu nổi con, cứ dăm ba hôm, nó lại bày ra những trò khiến mẹ phải ngạc nhiên há mồm trợn mắt.
Hai mẹ con ăn xong cơm sáng, Lý Trọc xách phích nước, cẩn thận rót nước vào chai truyền huyết thanh, vừa rót nước, cậu vừa nói với mẹ:
- Trong chai có già nửa lạng, ít hơn một lạng chất bổ gơ lu cô mẹ ạ.
Sau đó, Lý Trọc rất tình cảm, trải gọn gàng chăn của mình lên ghế mây, cậu bảo đi đường xóc, có chăn lót ở bên dưới, người mẹ sẽ êm hơn. Chân trái Lý Trọc đè càng xe, hết sức cẩn thận dìu mẹ lên xe, lại hết sức cẩn thận dìu mẹ nằm xuống ghế mây. Lý Lan ôm trong tay chiếc làn đựng những thỏi giấy vàng bạc và những xâu giấy tiền, nằm trên ghế mây trong xe bò, chị nhìn cái ô che trên đầu, biết là để che mưa nắng cho mình. Lý Trọc đưa cho mẹ chai truyền huyết thanh rót đầy nước có chứa chất bổ đường gơ lu cô, bảo để mẹ giải khát dọc đường. Nhận chai nước, Lý lan ứa nước mắt. Thấy mẹ khóc, Lý Trọc ngạc nhiên hỏi:
Mẹ ơi, mẹ làm sao thế?
Không sao - - Lý Lan lau nước mắt cười, bảo - - Con trai mẹ chu đáo quá, mình đi thôi.
Sáng sớm hôm ấy, Lý Lan ngồi trên chiếc xe bò sang trọng nhất chưa từng có trong lich sử của thị trấn Lưu chúng tôi, do con trai Lý Trọc kéo, ung dung diễu qua phố lớn của thị trấn Lưu. Dân chúng của thị trấn Lưu, cứ gọi là mắt chữ i mồm chữ o, không ai tin vào mắt mình, đúng là trong mơ cũng chưa bao giờ thấy một chiếc xe bò được lắp ghép như vậy. Có người gọi Lý Trọc, dò hỏi xem, cậu làm thế nào có được cái xe này?
- Xe này ư? – Lý Trọc đắc ý trả lời - - Đây là xe riêng của mẹ tôi.
Nghe chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao, người ta lại hỏi Lý Trọc:
Thế nào là xe riêng?
Xe riêng cũng không biết – Lý Trọc kiêu hãnh đáp – Máy bay Mao chủ tịch ngồi gọi là chuyên cơ, hay máy bay riêng, đoàn tàu Mao chủ tịch đi gọi là đoàn tầu riêng, ô tô Mao chủ tịch ngồi gọi là xe riêng. Tại sao ư? Bởi vì người khác không được ngồi. Xe bò mẹ tôi ngồi gọi là xe bò riêng. Tại sao ư? Cũng là vì người khác không được ngồi.
Đám đông chợt hiểu, cười ồ, Lý Lan cũng không nín nổi, cười thành tiếng. Nhìn cái xe riêng chở mình, đi hiên ngang trên phố lớn, trong lòng Lý Lan ngổn ngang trăm mối. Đứa con này đã từng đem lại cho chị nỗi ô nhục như con người có cái tên là Lưu Sơn Phong, hiện giờ lại đem đến cho chị niềm kiêu hãnh như Tống Phàm Bình.
Đám chị em phụ nữ ở thị trấn Lưu chúng tôi cảm thấy chiếc xe riêng của Lý Lan càng giống chiếc xe hoa, họ luôn cười khúc khích gọi Lý Lan, hỏi:
Hôm nay chị đi lấy chồng đấy à?
Đâu phải – Lý Lan xấu hổ đỏ bừng mặt – Tôi về quê tảo mộ cho chồng.
Lý Trọc kéo xe riêng chở mẹ đi ra khỏi cửa Nam, đi vào con đường đất thôn quê. Khi nghe tiếng bánh xe bò lăn lộc cộc to hơn, Lý Lan biết xe đi qua chiếc cầu gỗ, đã bắt đầu xóc, lắc la lắc lư trên đường đất thôn quê. Lý Lan hít thở không khí ruộng đồng, gió xuân tươi mát phả lên mặt, chị chống người ngồi dạy dưới ô che, nhìn thấy hoa cải dầu vàng tươi, nở rộ trên cánh đồng, lấp lánh trong ánh nắng. Chị trông thấy những bờ ruộng uốn lượn quanh co, cỏ non mọc ở hai bên bờ, trông như bờ ruộng có hai đường viễn xanh. Chị đã nhìn thấy nhà ở và cây cối thấp thoáng điểm xuyết ở xa xa. Chị đã nhìn thấy những con vịt đang bơi lội trong đầm ao gần đó, thậm chí còn nhìn thấy bóng vịt trong nước. Chị đã nhìn thấy những con chim sẻ đang bay lượn bên đường...Đây là lần cuối cùng Lý Lan đi trên đường đất này. Trong cái tròng trành của xe, mùa xuân mà lý Lan được chứng kiến đẹp đẽ và bát ngát như thế.
Sau đó Lý Lan nhìn con trai oằn lưng kéo xe ở trước mặt. Người Lý Trọc ngả hẳn xuống, cậu luôn luôn dơ tay lau mồ hôi trên mặt, Lý Lan đau lòng gọi tên con, bảo con bỏ xe xuống nghỉ một lát. Lý Trọc lắc đầu bảo không mệt. Lý Lan cầm chai truyền huyết thanh, bảo con đừng lại uống mấy hớp, Lý Trọc vẫn lắc đầu nói, con không khát. Cậu nói với mẹ:
Nước bổ đường gờ lu cô giành riêng cho mẹ uống.
Lúc này Lý Lan đã biết con trai chị tốt biết chừng nào, chị dỏ những giọt nước mắt an ủi, cười an ủi, trên xe bò, chị nức nở nói:
Con ngoan ơi, mẹ xin con, xin con nghỉ một lát, xin con uống hớp nước.
Lúc này, Lý Trọc đã trông thấy Tống Cương đang đứng ở đầu làng xa xa, còn trông thấy cả ông nội Tống Cương ngồi trên đất, tựa lưng vào thân cây. Tết thanh minh năm nào, Tống Cương và ông nội cũng ra đầu thôn chờ hai mẹ con Lý Lan về. Tống Cương đưa tay lên trán che, nhìn chiếc xe bò kỳ quái từ đằng xa đi đến.Cậu không ngờ Lý Trọc đã kéo xe chở mẹ đến. Sau khi nhìn thấy Tống Cương, thân Lý Trọc đang cúi rạp xuống, đã ngẩng lên chút ít, cậu kéo xe co cẳng chạy, người Lý Lan bị lắc mạnh trong chiếc xe đang xóc. Lý Trọc cất giọng gọi rõ to:
Tống Cương, Tống Cương...
Nghe tiếng Lý Trọc gọi, Tống Cương vấy vẫy tay, chạy nhào đi, Tống Cương cũng cất giọng gọi rõ to:
Lý Trọc, Lý Trọc...