There is no such thing as a moral or immoral book; books are well written or badly written.

Oscar Wilde, Picture of Dorian Gray, 1891

 
 
 
 
 
Tác giả: Athur Hailey
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: “The Money Changers”
Dịch giả: Vũ Đình Phòng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 58 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 266 / 9
Cập nhật: 2020-06-28 13:34:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
oscoe, bạn thân mến. - tiếng Harold Austin vang lên trong máy, giọng hể hả. - Tôi vừa nói chuyện với George Lớn xong. Ông ta mời cả hai chúng ta sang chơi gôn ở đảo Bahamas vào Thứ sáu tới.
Roscoe nhăn mặt vẻ nghi ngờ. Lúc này ông ta đang ở nhà trong phòng giấy. Thời gian là Thứ bảy của tháng ba, lúc xế chiều. Trước khi nghe điện, Roscoe Heyward đang nghiên cứu cả một bó các bản quyết toán và các chứng từ khác nằm bừa bãi trên thảm xung quanh ông ta.
Roscoe trả lời huân tước Harolđ Austin:
- Tôi sợ thời gian này tôi bận không đi đâu được, nhất là đi xa như vậy. Gặp nhau ngay tại New York không được sao?
- Tất nhiên là chúng ta có thể đề nghị với ông ta, nhưng như thế là ngu ngốc, bởi George Lớn thích tiếp chúng ta ở Nassau. Ông ta thích bàn chuyện làm ăn trên sân gôn những vụ làm ăn mà ông ta đích thân điều khiển và cũng là những vụ chúng ta đang quan tâm.
Cả hai đều không cần xác định nhân thân của George Lớn. Trong lĩnh vực công nghiệp, ngân hàng, trong đời sống xã hội, không ai không biết George Quartermain, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn siêu quốc gia Supranational. Một người vạm vỡ như bò tót, uy thế còn hơn nhiều nguyên thủ quốc gia và tính tình hỗn hào như một ông vua.
Mối quan tâm cũng như uy tín của George Lớn trải rộng trên khắp thế giới, giống như các doanh nghiệp mà ông ta điều khiển. Ở Tập đoàn khổng lồ siêu quốc gia SuNatCo ông ta được người ta khâm phục, bị người ta căm ghét. Mọi người vừa nịnh hót ông ta lại vừa sợ ông ta. Uy thế của George Lớn bắt nguồn từ một chiến công vĩ đại. Cách đây tám năm, người ta mời ông làm Tổng giám đốc Tập đoàn SuNatCo, lúc đó chỉ là một công ty đang sa sút, nợ đầm nợ đìa. George Lớn đã vực được tập đoàn SuNatCo dậy, biến doanh nghiệp đó thành một doanh nghiệp khổng lồ. Ông ta chi tiền lãi cho các cổ đông số tiền gấp ba số vốn họ đóng góp, rồi sau đó chi tiền lãi gấp bốn lần tiền lãi trước kia.
Các cổ đông được George Lớn làm cho thành giàu sụ, hết lời ca ngợi, quý ông ta như vàng, để mặc cho George Lớn hoàn toàn tự do hành động. Kể ra cũng có một vài người bảo rằng đế quốc của ông ta là thứ lâu đài bằng giấy, nhưng những bản tổng kết thanh toán của tập đoàn SuNatCo và các chi nhánh của tập đoàn, lại bác bỏ điều phỏng đoán trên. Những tài liệu lúc này Roscoe Heyward đang nghiên cứu chính là những bản tổng kết tài chính đó. Và ông đang nghiên cứu thì huân tước Harold Austin gọi điện đến.
Roscoe đã giáp mặt George Lớn hai lần: lần đầu rất ngắn ngủi, giữa đám đông; lần thứ hai tại Washington, trong một phòng khách sạn sang trọng, nơi huân tước Harold Austin dẫn ông đến. Lần đó vị huân tước báo cáo với George Lớn về một công cán, George Lớn giao cho huân tước thực hiện phục vụ cho Tập đoàn siêu quốc gia SuNatCo. Heyward hoàn toàn không biết gì về vụ làm ăn này ngoài việc nó liên quan đến chính quyền liên bang. Đợi huân tước Harold Austin trao đổi xong về công việc với George Lớn, Roscoe Heyward mới bước đến gặp họ.
Hãng quảng cáo của Austin có khách hàng là công ty lọc dầu Hepplewhite, một doanh nghiệp quan trọng của tập đoàn SuNatCo. Nhưng mối quan hệ giữa huân tước Harold Austin và George Lớn xem chừng vượt ra khỏi doanh nghiệp trên. Không biết công cán George Lớn giao cho huân tước là gì, Roscoe Heyward chỉ biết George Lớn rất hài lòng và đang trong tâm trạng hồ hởi. Khi huân tước Austin giới thiệu Heyward với ông ta, George Lớn tuyên bố:
- Harold có nói với tôi rằng ông trong ban điều hành một nhà băng nhỏ và cả hai ông đều muốn hưởng một thìa trong đĩa xúp của tôi? Được thôi, tôi hứa sẽ nghiên cứu chuyện đó. Nói đến đó, vị chúa tể của Tập đoàn siêu quốc gia SuNatCo thân mật vỗ vai Heyward và chuyển sang câu chuyện khác.
Lần tiếp xúc ấy đã đủ để Heyward, trước đây hai tháng - tức là giữa tháng Giêng, tuyên bố trước Uỷ ban Phương hướng của Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ, tập đoàn SuNatCo đang muốn làm ăn với nhà băng của họ. Sau đấy Heyward ân hận là đã nói điều đó ra quá sớm. Nhưng cú điện thoại vừa rồi của huân tước Austin đã khơi lại niềm hy vọng của Roscoe. Ông ta nói:
- Thôi, cũng được. Tôi sẽ báo nghỉ một hai ngày tính từ Thứ năm sau.
- Thế là phải. - Huân tước Austin đáp. - Tôi không biết anh dự tính thế nào, nhưng chuyện này có lẽ còn quan trọng cho nhà băng chúng ta hơn nhiều... Ôi, tôi suýt quên không nói, George Lớn sẽ cử máy bay riêng của ông ta đến đón hai chúng mình.
Mặt Heyward rạng rỡ:
- Thật chứ? Nhưng máy bay ấy liệu cáng được một chuyến bay xa như vậy không?
- Đấy là một chiếc 707. Tôi tin rằng anh sẽ hài lòng. - Austin cười khúc khích. - Vậy chúng ta sẽ cất cánh vào mười hai giờ trưa Thứ năm tới. Chúng ta nghỉ ở đảo Bahamas cả ngày Thứ sáu. Thứ bẩy về. Nhân tiện đang nói chuyện với anh, tôi muốn biết anh thấy những bản tổng kết thanh toán hàng năm của tập đoàn SuNatCo ra sao?
- Tôi vừa nghiên cứu xong. - Heyward trả lời, liếc mắt nhìn đống giấy tờ bừa bãi xung quanh ông ta.- Bệnh nhân xem chừng khoẻ khoắn, rất khoẻ khoắn là đằng khác.
- Nếu anh nhận xét như vậy thì thế là đủ đối với tôi. - Huân tước Austin nói.
Lúc gác máy, Roscoe khẽ mỉm cười. Chuyến đi chơi đảo Bahamas, dùng máy bay riêng của vị chúa tể ngành công nghiệp, sẽ là đề tài Heyward có thể khéo léo đưa vào những câu chuyện trao đổi trong tuần sau. Nếu cuộc gặp gỡ George Lớn lần này đạt kết quả, uy tín của Heyward sẽ tăng cao trong Hội đồng quản trị của Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ. Vì Patterton chỉ là Quyền tổng giám đốc cho nên Heyward rất quan tâm đến chuyện nâng cao uy tín cho mình.
Kế hoạch cuộc đi chơi cũng rất hợp ý ông. Thứ bảy về, ông sẽ còn cả một kỳ nghỉ cuối tuần vẫn theo chương trình cũ, không phải thay đổi.
Chuyến đi chơi chớp nhoáng đảo Bahamas sẽ cung cấp thêm nhiều điều mới cho Heyward. Giống phần lớn các nhà hoạt động ngân hàng, Heyward đã từng giao du với những khách hàng chi tiêu thoải mái để sống như ông hoàng và tha hồ tiêu khiển.
Xưa nay Heyward vẫn ghen với khả năng tài chính độc lập của họ. Nhưng George Lớn vượt xa tất cả những người kia.
Chiếc 707, sơn một chữ "Q" to tướng trên thân máy bay, ngay dưới cánh, hạ xuống sân bay thành phố đúng vào giờ đã hẹn. Nó lăn bánh đến đường băng riêng, rồi đỗ lại đúng chỗ huân tước Austin và Roscoe Heyward vừa bước trong xe limousine ra. Họ lên ngay máy bay. Bốn người phục vụ đã trực sẵn đón họ trong ngăn để quần áo ngoài, bày biện giống hệt ngăn để quần áo ngoài của một khách sạn thu nhỏ: ba cô gái trẻ và một người đàn ông tóc hoa râm, vẻ mặt ông này vừa nghiêm nghị vừa niềm nở, đúng là của một viên quản lý hiệu ăn.
Ông này nói:
- Xin chúc mừng hai quý khách đến với chúng tôi.
Roscoe Heyward chỉ gật đầu đáp lại, bởi ông còn đang mải ngắm ba cô gái: ba cô đều có thân hình tuyệt mỹ, xem chừng chưa đến hai mươi tuổi, nụ cười tươi tắn và thái độ dễ dãi. Heyward đoán George Lớn, hay Ngài Quartermain đã lôi kéo những tiếp đãi viên hàng không đẹp nhất của các hãng Hàng không T.W.A., United và Pan Am, và đây là ba cô đẹp nhất trong số kia, giống như người ta hớt lớp kem mỡ màng nhất trên mặt sữa loại ngon nhất:
Một cô tóc vàng óng như mật ong, một cô tóc đen và một cô tóc hung đỏ. Cả ba cô đều có làn da rám nắng, nổi bật trên bộ đồng phục màu be nhạt, may theo kiểu ngắn đến mức tối thiểu. Kiểu đồng phục này cũng như bộ sắc phục của người quản lý nhà ăn, đều được thêu một chữ "Q" to tướng trên ngực bên trái.
- Xin chào ông Heyward. - Cô gái tóc hung nói bằng giọng yểu điệu ngọt ngào - Tên em là Avril. Nếu ông vui lòng đi theo em, em xin dẫn ông vào phòng dành riêng cho ông.
Chữ "phòng” làm Roscoe ngạc nhiên và ông bước chân theo nàng tiên xinh đẹp. Trong lúc đó huân tước Harold Austin đang đi theo cô gái tóc vàng. Hai cô dẫn hai vị khách quý đi theo hành lang có nhiều cửa vào các phòng. Nàng Avril tuyệt mỹ lịch sự hơi ngoái đầu lại:
- Ngài Quartermain đang tắm hơi. Sau khi làm mát-xa xong, Ngài sẽ ra tiếp hai vị ngoài phòng khách.
Phòng tắm hơi? Trên máy bay?
- Vâng đúng thế. Nó nằm ngay sau buồng lái. Còn có cả phòng tắm theo kiểu Thổ Nhĩ Kỹ. Ngài Quartermain thích cả hai thứ và đi đâu Ngài cũng đem theo chuyên gia mát-xa riêng của Ngài.
Avril bây giờ quay hẳn đầu để nhoẻn một nụ cười sáng loà:
- Nếu ông muốn tắm và làm mát-xa, ông có thừa thời gian trong lúc máy bay bay và em sẽ rất sung sướng được phục vụ ông.
- Không, cảm ơn cô.
Avril dừng lại trước một cánh cửa.
- Thưa ông Heyward, đây là phòng của ông.
Đúng lúc đó máy bay bắt đầu lăn bánh và Heyward bị mất thăng bằng. Ông ta cảm thấy những ngón tay thon và dài nắm chặt cổ tay ông, và ông ngửi thấy mùi hương của cô gái. Cô chưa buông cổ tay Heyward mà nói tiếp:
- Em phải thắt dây an toàn cho ông trước khi máy bay cất cánh mới được. Ông phi công này bao giờ cũng cất cánh rất sớm. Ngài Quartermain không thích kéo dài thời gian trên sân bay. Heyward sửng sốt trước phòng khách bên cạnh, hết sức lộng lẫy, nơi cô gái đưa ông vào. Cô dìu Heyward ngồi vào ghế bành êm ái rồi bằng những ngón tay lanh lẹn, vòng dây an toàn quanh thắt lưng ông. Cảm giác của Heyward lúc này không phải là không dễ chịu. Máy bay lăn bánh rất nhanh.
- Nếu ông không phiền lòng, - Avril nói. - em xin ở đây cho đến lúc máy bay lấy hết độ cao.
Cô ngồi xuống bên cạnh Heyward, tự thắt dây an toàn. Heyward như bị thu mất hồn vía, nói:
- Không đâu, mời cô cứ ngồi đây.
Roscoe Heyward đưa mắt nhìn xung quanh.
Chưa bao giờ ông thấy một máy bay lại có phòng khách kiểu thế này. Mọi thứ đều được tính toán tỷ mỉ để không bỏ phí một chút không gian thừa nào, mà lại hết sức sang trọng và đầy đủ tiện nghi. Ba mặt tường đều lát gỗ tếch, gắn một chữ "Q” lớn giữa vòng nguyệt quế mạ vàng. Bức tường thứ tư được phủ gần kín bằng một tấm gương soi. Trong hốc nhỏ lọt vào tường, ngay bên trái Heyward là một bàn giấy nhỏ có máy điện thoại, máy điện báo trực truyền đặt trong hộp kính.
Ngay cạnh đấy có một tủ rượu nhỏ có đủ các loại rượu - đều bằng chai thu nhỏ. Trước mặt Heyward và cô Avril, một máy thu hình đặt lọt vào hốc tường, nút điều khiển bố trí ngay chỗ tay ghế ngồi của mỗi người. Một cánh cửa xếp bên cạnh, chắc là cửa sang phòng vệ sinh.
Avril hỏi:
- Ông muốn xem quang cảnh cất cánh không?
Không đợi Heyward trả lời, cô ấn một nút gần đó lập tức màn hình màu sáng lên. Máy quay vidéo chắc được bố trí ngay mũi máy bay, bởi Heyward nhìn thấy trên màn hình đường băng đang chạy với tốc độ chóng mặt. Cuối cùng đường băng lui xuống nhường chỗ cho bầu trời. Máy bay đã cất cánh.
Heyward có cảm giác chính mình bay lên. Không phải chỉ vì hình ảnh trên màn hình. Rồi ông chỉ còn nhìn thấy bầu trời và những đám mây. Avril tắt máy.
- Máy này thu được tất cả mọi đài truyền hình, ông thích xem đài nào cũng được. - Avril nói. Cô trỏ máy điện tín trực truyền: - Máy này giúp ông có thể nhận được bản tin của các hãng thông tấn Dow Jones, AP, UPI, cả Telex. Ông chỉ cần gọi điện cho buồng lái, họ sẽ cắm phích vào từng số nào ông muốn.
- Tất cả những thứ này tôi chưa quen dùng. - Heyward thận trọng nói.
- Các vị khách của chúng em đều như thế cả, nhưng rồi ai cũng làm quen dần và rất nhanh. - Lại một nụ cười mê hồn. - Trên máy bay có bốn phòng bố trí hệt như thế này. Chỉ cần bấm vài nút nào đó là phòng khách này biến ngay thành phòng ngủ. Hay ông nằm nghỉ một chút, thưa ông Heyward?
- Hiện giờ thì tôi chưa muốn. - Roscoe Heyward lắc đầu đáp.
- Tuỳ ông, thưa ông Heyward.
Avril cởi dây thắt, đứng dậy nói tiếp:
- Nếu ông muốn gặp ông Austin thì ông huân tước đang chờ ông ở phòng bên cạnh. Khi nào ông chuẩn bị xong, xin mời ông đi lên phía buồng lái, sẽ thấy phòng khách chính nằm ở đó. Sau phòng khách là phòng ăn, phòng giấy và cuối cùng là phòng riêng của Ngài Quartermain.
- Cảm ơn cô. - Heyward bỏ kính trắng ra, lấy khăn tay lau.
- Ông cho phép, thưa ông Heyward.
Avril đã đỡ nhẹ chiếc kính, lấy một chiếc khăn hình ô vuông bằng lụa mềm mại lau, rồi đeo lại cho Heyward. Ông cảm thấy những ngón tay mềm mại của cô gái lướt trên chỗ sau tai ông. Heyward cảm thấy nên tỏ vẻ phản đối, nhưng Avril đã nói ngay:
Trong chuyến ngao du này, bổn phận, chức trách của em là chăm sóc riêng một mình ông và đảm bảo cho mọi nhu cầu của ông được thoả mãn hoàn toàn.
Heyward tự hỏi, phải chăng cô gái nhấn mạnh mấy chữ cuối cùng. Chắc không phải. Bởi nếu đúng như thế thì lời gợi ý của cô ta quá sỗ sàng.
- Mà đấy chưa phải đã hết, - Avril nói tiếp. Dáng lả lướt duyên dáng, cô đi ra phía cửa. - bất cứ lúc nào ông thấy cần đến em để làm bất cứ việc gì, xin ông ấn nút số máy trên máy điện thoại.
- Cảm ơn cô! - Roscoe Heyward lạnh nhạt đáp.- Tôi chắc sẽ không cần gì đâu.
Avril thản nhiên nói tiếp:
- Chúng ta sẽ dừng lại nghỉ giữa chừng ở Washington. Ngài phó chủ tịch sẽ lên máy bay cùng chúng ta đến Bahamas.
- Phó chủ tịch SuNatCo?
- Không. Phó tổng thống Hoa Kỳ. - Avril nở nụ cười rất tươi đáp.
o O o
Mười lăm phút sau, George Lớn hỏi Heyward:
- Lạy Chúa! Ông uống thứ gì vậy?
- Nước chanh. - Heyward nâng cao cốc và nhìn chất nước trong vắt. - Tôi thích thứ này.
Vị tổng giám đốc Tập đoàn siêu quốc gia chậm chạp nhún vai:
- Mỗi thứ đều có chất độc của nó... Mấy con bé có phục dịch các ông để các ông được vừa ý đấy chứ?
- Tôi không phải phàn nàn gì về vấn đề ấy. - Huân tước Harold Austin cười khoái trá. Giống như những người khác, ông ta nằm ườn ra thoải mái trong ghế bành ở phòng khách. Cô gái tóc vàng tên là Rhetta ngồi bệt xuống thảm, ngay dưới chân ông ta.
Avril nói thêm bằng giọng ngọt ngào:
- Chúng em cố gắng làm hết sức mình.
Cô đứng sau lưng Roscoe Heyward và ông thấy thỉnh thoảng ngón tay mềm mại của cô vuốt ve gáy ông, rồi lại rời ra.
o O o
Trước đó một lát, George Quartermain bước trong phòng tắm ra, mặt đỏ ửng, đeo một chữ Q quen thuộc, bước vào phòng khách, uy nghi như vị nguyên lão nghị viên thời cổ La Mã. Tháp tùng ông ta là một người đàn ông có vẻ mặt nghiêm nghị, mặc đồ thể thao trắng, chắc là chuyên gia mát-xa, và một cô tiếp đãi viên hàng không thứ tư, cũng mặc đồng phục như ba cô trước. Cô này có nét tinh tế của các cô gái Nhặt Bản.
Chuyên gia mát-xa và cô gái này dìu George Lớn ngồi vào chiếc ghế bành to trông như ngai vàng, dành riêng cho ông ta. Rồi một nhân vật thứ ba xuất hiện: quản lý nhà ăn. Nhanh như nhà ảo thuật, ông ta đã cầm trong tay ly rượu Martini ướp lạnh đưa cho chủ.
Ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên, Roscoe Heyward đã nhận xét thấy cái biệt danh George Lớn rất thích hợp với con người này. Nhưng hôm nay Roscoe thấy cái tên đó còn thích hợp hơn nữa. Về mặt hình thù, đó là một người khổng lồ cao ít nhất phải đến một mét chín mươi, bộ ngực và hai cánh tay phồng lên chắc nịch như ngực và tay của thợ rèn. Cái đầu thì to đặc biệt. Cặp mắt to và rất linh hoạt. Cái miệng với cặp môi dầy biểu lộ thói quen chuyên ra lệnh, như của một anh đội pháo thủ hải quân. Roscoe có cảm giác vẻ vui tươi kia là bề ngoài, và chỉ cần một sự trái ý nhỏ là khuôn mặt kia lập tức biến đổi hẳn.
Tuy nhiên George Lớn không có chút dáng vẻ nào thô lỗ, chút da thịt nào nhẽo. Không có một gam mỡ. Ông ta mở rộng cổ tấm áo choàng sau khi tắm, lộ ra đôi vai u. Heyward nhận thấy mặt Gerge Lớn cũng không hề có mỡ. Ông ta đã cởi xong quần áo và Heyward nhìn thấy bụng ông ta rắn và phẳng.
Con người này “lớn" về đủ mọi phương diện.
Những khoản tiền và các thức ăn của ông ta là nguồn tư liệu nuôi sống các nhà báo. Cuộc sống của George Lớn trên chiếc máy bay này ngốn của ông ta mười hai triệu đô la, là cuộc sống vương giả một cách hỗn hào.
Chuyên gia mát-xa và quản lý phòng ăn kín đáo lui ra ngoài. Một nhân vật khác thế chân họ. Đó là đầu bếp: một người da mặt tái nhợt, luôn lộ vẻ lo âu, mặc tạp dề nhà bếp, đội mũ vải đầu bếp cao đến mức gần chạm trần. Heyward tự hỏi không biết George Lớn có bao nhiêu kẻ hầu người hạ trên máy bay.
Sau này Heyward được biết: cả thảy có mười sáu người. Đầu bếp đứng thẳng tắp như lính đứng nghiêm bên cạnh ghế bành của Quartermain, đưa ông này tấm bìa cứng bọc da thuộc, giập một chữ Q mạ vàng trên đó. George Lớn không thèm nhìn. Ông ta hỏi Roscoe:
- Chuyện lộn xộn ở nhà băng các ông, biểu tình biểu tiếc đã thu xếp ổn rồi chứ? Các ông vững chãi chưa?
- Chưa bao giờ nhà băng chúng tôi không vững chãi.
- Thị trường chứng khoán không nghĩ như thế.
- Thị trường chứng khoán là một phong vũ biểu tồi.
Nụ cười mỉm lướt trên khuôn mặt George Lớn, lúc này quay sang cô gái Nhật Bản.
- Ánh Trăng - Ông ta nói. - lấy những số liệu gần đây nhất của Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ.
- Xin có ngay, thưa Ngài Q. - Cô gái trả lời rồi ra lối cửa mở về phía trước máy bay.
George Lớn hất cầm về phía cô gái:
- Lưỡi con bé vẫn không làm sao uốn được để nói cho đủ tên tôi. Vẫn cứ là Ngài Q. - Rồi cười ngoác miệng, ông ta nói thêm: - Nhưng lưỡi đó lại quay rất tài tình ở trường hợp khác.
Roscoe Heyward vội vã nói:
Chuyện xảy ra vừa rồi ở nhà băng chúng tôi chỉ là một vụ nhỏ xíu, nhưng bị báo chí thổi phồng lên. Chỉ là một trục trặc nhỏ giữa lúc chuyển giao chức Tổng giám đốc.
- Nhưng các ông xoàng lắm! - George Lớn nói - Chịu đầu hàng những thế lực nằm bên ngoài nhà băng.
- Đúng thế. Xin thú thật với ông là tôi không tán thành quyết định ấy.Tôi đã bỏ phiếu chống.
- Cần phải trụ vững và tìm cách đập chết bọn lưu manh kia. Không bao giờ được nhượng bộ.
Vị Tổng giám đốc Tập đoàn siêu quốc gia SuNatCo nốc cạn ly Martini. Lập tức viên quản lý xuất hiện như trò ảo thuật, đặt ly khác vào tay ông chủ rồi biến mất. Thành ly mờ chứng tỏ rượu được ướp rất lạnh. Đầu bếp vẫn đứng chờ. Quartermain vẫn không thèm nhìn anh ta. Ông lầu bầu những kỷ niệm đã qua..
- Hồi đó tôi có một xưởng lắp ráp nhỏ gần Denver. Đủ thứ chuyện lủng củng với bọn thợ thuyền! Bọn chúng yêu sách toàn những điều hết sức vô lý. Đầu năm, công đoàn đề ra bãi công: đấy không phải lần bãi công đầu tiên, nhưng là lần cuối cùng. Tôi bảo các quản đốc phân xưởng công bố là nhà máy sẽ đóng cửa. Không đứa nào tin. Thế là chúng tôi tính toán, phân tán công cụ, máy móc và hàng hoá ở phân xưởng đình công sang các phân xưởng khác. Phân xưởng ở Denver, chúng tôi đóng cửa. Không còn nhà máy, tức là không còn công ăn việc làm, không còn lương lậu gì nữa. Bây giờ thì bọn khốn kiếp đành quỳ gối mà lạy: cả công nhân, nhân viên, công đoàn, thậm chí đến toà thị chính, chính quyền bang và đủ thứ người khác, không ai còn dám ho he nữa.
George Lớn ngắm nghía ly rượu, nói tiếp:
- Có thể chúng tôi sẽ mở cửa lại, nhưng sản xuất hàng khác và phải tuân theo đúng những điều kiện chúng tôi đề ra. Chúng tôi không nhượng bộ.
- Hoan hô George! - Huân tước Austin reo lên. - Cần phải có nhiều người hơn nữa giống như ông. Nhưng vấn đề đặt ra ở nhà băng chúng tôi lại không giống như thế. Chúng tôi đang trong thời kỳ chuyển tiếp. Ben Rosselli chết rồi. Người lên thay chỉ là quyền, ông biết rồi. Nhiều người trong chúng tôi, tức là trong Hội đồng hy vọng sang xuân, Roscoe sẽ đứng vào tay lái.
- Nếu vậy tôi rất mừng. Tôi không thích làm ăn với những người không nắm quyền. Tôi đã giao dịch với ai thì phải là người có toàn quyền quyết định và đủ uy thế để mọi người phải tuân theo.
- Nhà băng chúng tôi sẽ tuân theo mọi điều gì tôi với ông thống nhất ở đây, tôi cam đoan với ông như thế. - Heyward nói.
Roscoe Heyward nhận thấy George Lớn đã khôn khéo bố trí để cả Roscoe và huân tước Austin đều trở thành những kẻ xin xỏ ân huệ. Đó là vai trò trái ngược với vai trò của người chủ nhà băng nói chung.
Tất nhiên cho SuNatCo vay tiền thì hoàn toàn bảo đảm rồi, đồng thời lại tăng thêm uy tín cho Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ. Chưa kể vụ làm ăn đầu tiên này sẽ kéo theo nhiều vụ làm ăn khác, bởi rất nhiều doanh nghiệp chuyên bắt chước Tập đoàn SuNatCo.
- Cái gì thế?- Đột nhiên George Lớn hỏi đầu bếp.
Pho tượng mặc đồ trắng như bị điện giật, vội chìa ra tấm bìa học da.
- Thực đơn bữa trưa, thưa ông chủ. Ông chủ chấp thuận không ạ?
George Lớn không thèm đỡ bản thực đơn mà chỉ ngó xuống:
- Thay món xa lát Waidorf này bằng xa lát Cesar. - Ông ta nói, trỏ tay vào một dòng trên bản thực đơn.
- Vâng, thưa ông chủ.
- Còn tráng miệng đừng cho kem Martinique mà cho bánh phồng Grand Marnier.
- Vâng, thưa ông chủ.
George Lớn hất đầu đuổi đầu bếp ra ngoài. Khi anh này quay gót, vị chúa tể công nghiệp quát:
- Và khi ta gọi món thịt bò rán thì phải rán thế nào?
- Bẩm ông chủ, - Người đầu bếp đáp, bàn tay chắp lại năn nỉ. - tôi đã hai lần nhận tội với ông chủ về sơ suất tối hôm qua rồi ạ.
- Không, ta hỏi chuyện khác? Trả lời đi: phải rán thế nào?
Đầu bếp nói như hát:
- Vừa chín tới, chỉ hơn rán tái một chút.
Vậy thì đừng bao giờ quên nữa.
- Làm sao tôi quên được, thưa ông chủ? - Người đầu bếp nói giọng thảm thương rồi vội biến mất.
George quay sang phía khách:
- Đừng bao giờ tha thứ cho ai! Tôi đã chi cả một gia tài cho cái con vật ấy. Tôi chỉ cần hắn biết chính xác tôi thích nấu nướng các món ăn như thế nào. Tối hôm qua, hắn đã làm hỏng món bít tết của tôi. Không có gì quan trọng nhưng cũng đủ để tôi gọi hắn lên và mắng một trận cho hắn nhớ đời. Đưa đây, Ánh Trăng!
Cô gái Nhật bé nhỏ đã quay lại với một mẩu giấy.
Cô ta đọc rất vất vả:
- Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ số điểm bốn mươi nhăm ba phần tư.
- Ông thấy chưa, - Roscoe Heyward nói. - đã lại tăng thêm một điểm rồi.
- Các ông vẫn còn thấp dưới mức điểm hồi Rosselli còn sống. Nhưng yên tâm, khi họ biết các ông góp tài chính cho SuNatCo, số điểm của các ông sẽ tăng lên.
Heyward thầm nghĩ: "Đúng thế!” Trong thế giới rối rắm của tiền tệ, tài chính, luôn có những chuyển động trên thị trường chứng khoán không thể cắt nghĩa được. Chuyện người này cho người kia vay tiền, tưởng không có gì quan trọng, vậy mà khi tin được đưa ra, thị trường lập tức chuyển động.
Roscoe Heyward tự hỏi, do đâu George Lớn tính chuyện cộng tác làm ăn giữa SuNatCo và Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ? Cụ thể là làm những gì? Chắc hẳn trong hai ngày tới ông ta sẽ nói chi tiết. Đầu óc Roscoe Heyward bừng bừng như say rượu, và ông rất nóng lòng chờ cho đến lúc mọi thoả thuận được chính thức hoá. Tiếng chuông đồng hồ lớn vang lên, tiếng động cơ máy bay giảm dần.
- Đến Washington rồi! - Avril reo lên.
Các cô tiếp đãi viên hàng không dùng những ngón tay mềm mại thắt dây an toàn vào người cho khách. Chặng nghỉ ở Washington còn ngắn hơn lần đỗ trước Chỉ sau hai mươi phút, chiếc phản lực Q đã lăn bánh bay về phía đảo Bahamas. Cô tiếp đãi viên tóc đen Krista chịu trách nhiệm săn sóc Ngài Phó tổng thống Hoa Kỳ. Các nhân viên an ninh đi bảo vệ cho Ngài đều bị bỏ rơi lại ở sân bay. Lát sau George Lớn, lúc này đã kịp mặc một bộ áo liền quần bằng xoa màu kem nhạt, vui vẻ dẫn các vị khách từ phòng khách sang phòng ăn, trang trí toàn bằng màu xanh nước biển và màu bạc. Bốn người ngồi xung quanh chiếc bàn nặng trịch bằng gỗ sồi trạm trổ cầu kỳ kê dưới một bộ đèn chùm pha lê.
Bốn cô tiếp đãi viên: Ánh Trăng, Avril, Rhetta và Krista đứng kín đáo đằng sau mỗi vị khách. Các hiệu ăn nổi tiếng nhất thế giới chưa chắc đã tiếp khách được chu đáo như phòng ăn của George Lớn.
Vừa tận hưởng bữa ăn, Roscoe Heyward vừa cố nhịn rượu vang và từ chối ly Cognac ba mươi tư tuổi.
Tuy nhiên ông ta nhận xét thấy các ly pha lê dầy không mang chữ "N" thường lệ - Napoléon - mà mang chữ “Q” là chữ đầu của Quartermain.
Nhà Băng Nhà Băng - Athur Hailey Nhà Băng