Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Chương 25
B
entley Drummle, một anh chàng hay cau có đến mức cả cầm một
quyển sách lên cũng như thể tác giả của nó đã xúc phạm gì mình, hiển nhiên
không thể làm quen với ai đó với tinh thần dễ chịu hơn. Nặng nề cả trong
dáng dấp, cử chỉ lẫn nhận thức - trong cái vẻ mặt đù đờ, cái lưỡi to thô kệch
dường như luôn quẩn quanh trong miệng anh ta trong lúc chính anh ta quẩn
quanh trong một căn phòng - anh ta lười nhác, kiêu căng, hà tiện, kín đáo và
đa nghi. Anh ta xuất thân từ đám người giàu có ở vùng Somersetshire, những
người đã nuôi dưỡng cái tổ hợp tính cách này cho tới khi phát hiện ra nó đã
đến tuổi trưởng thành và là một kẻ đần độn. Vậy là Bentley Drummle tới chỗ
ông Pocket khi đã cao hơn quý ông này cả một cái đầu, và sở hữu cái đầu còn
đặc quánh gấp sáu lần so với phần lớn các quý ông khác.
Startop đã được một bà mẹ yếu đuối nuông chiều giữ rịt ở nhà khi cậu
ta đáng ra phải đến trường, nhưng cậu ta cũng một lòng một dạ gắn bó với mẹ
mình, và tôn thờ bà vô bờ bến. Cậu ta có đường nét mềm mại của một phụ
nữ, và - “như cậu có thể đã thấy, dù cậu chưa bao giờ thấy bà ấy,” Herbert
nói với tôi - “giống hệt mẹ cậu ta.” Cũng là lẽ tự nhiên khi tôi làm quen với
Startop thân mật hơn với Drummle, và thậm chí ngay từ những buổi chiều tối
đầu tiên chúng tôi đi chèo thuyền, cậu ta và tôi đã chèo song song với nhau
khi quay về, trò chuyện với sang thuyền nhau, trong khi Bentley Drummle
một mình chèo theo sau chúng tôi, dưới những vòm cây chìa ra và len giữa
các lùm cói. Anh ta luôn chậm chạp lần mò lên bờ như một sinh vật lưỡng cư
vụng về, ngay cả khi dòng chảy đáng lẽ phải giúp anh ta di chuyển thật
nhanh; và tôi luôn nghĩ về anh ta đang lần theo chúng tôi trong bóng tối hay
theo vạt nước tù ven bờ, trong khi hai con thuyền của tôi và Startop đang làm
tan tác ánh hoàng hôn hay ánh trăng ở giữa dòng.
Herbert là một người đồng hành, người bạn tâm giao của tôi. Tôi dành
cho cậu nửa chiếc thuyền của mình, và đây cũng là lý do khiến cậu thường
xuyên đi xuống Hammersmith; và việc tôi sở hữu nửa chỗ ở của cậu cũng
thường xuyên kéo tôi lên London. Chúng tôi thường đi bộ giữa hai nơi này
vào bất cứ giờ nào. Cho đến giờ tôi vẫn còn cảm tình với con đường này (cho
dù nó không còn đầy hứng thú như dạo đó), một thứ cảm tình được hình
thành nên bởi sự đa cảm của tuổi trẻ và hy vọng còn chưa qua sóng gió.
Khi tôi ở nhà ông Pocket đã được chừng một hay hai tháng, ông bà
Camilla xuất hiện. Camilla là chị gái ông Pocket. Georgiana, người tôi từng
thấy qua vào cùng dịp đó tại nhà cô Havisham, cũng xuất hiện. Bà ta là một
người chị em họ - một phụ nữ độc thân mắc chứng khó tiêu, luôn gọi sự cứng
nhắc của mình là tôn giáo và buồng gan bà sở hữu là tình yêu. Mấy người này
đều căm ghét tôi với sự căm ghét bắt nguồn từ tham lam và thất vọng. Và thật
tự nhiên, họ xun xoe nịnh nọt tôi, một kẻ đang phát tài, theo những cách hạ
tiện nhất. Với ông Pocket, bị coi như một đứa trẻ sơ sinh lớn xác chẳng có
chút ý thức nào về lợi ích của chính mình, bọn họ trưng ra vẻ chịu đựng đầy
tự mãn tôi từng nghe thấy họ thể hiện thành lời. Bà Pocket thì họ coi khinh;
song mấy người này chấp nhận người phụ nữ khốn khổ vì bà ta đã phải chịu
thất vọng nặng nề trong đời, bởi điều đó cho phép phản chiếu chút hào quang
yếu ớt lên chính họ.
Đây là những con người hiện diện xung quanh ở nơi tôi định cư và bắt
tay vào quá trình giáo dục bản thân. Tôi nhanh chóng nhiễm phải những thói
quen đắt đỏ, và bắt đầu chi tiêu một khoản tiền mà có lẽ trước đây tôi hẳn
phải coi gần như là hoang đường chỉ trong vài tháng ngắn ngủi; song bất chấp
tốt xấu, tôi vẫn bám lấy những cuốn sách của mình. Chẳng có phẩm chất nào
là nguyên cớ cho chuyện này ngoài việc tôi vẫn còn đủ ý thức để cảm nhận
thấy sự thiếu hụt của mình. Nhờ ông Pocket và Herbert tôi tiến bộ rất nhanh;
và vì luôn có một trong hai người ở bên để dành cho tôi sự khởi động tôi
muốn, cũng như dẹp bỏ mọi chướng ngại trên con đường tôi phải đi, nếu làm
được ít hơn hẳn tôi cũng phải là kẻ óc đặc chẳng kém gì Drummle.
Sau vài tuần không gặp ông Wemmick tôi chợt nghĩ mình cần viết vài
dòng cho ông ta và đề nghị đi cùng ông về nhà chơi một tối nào đó. Ông
Wemmick trả lời rằng điều đó sẽ làm ông rất vui, và ông ta chờ tôi tại văn
phòng lúc sáu giờ. Tôi tới đó, gặp ông ta tại đó, đang thả chìa khóa két trôi
xuống sau lưng trong khi đồng hồ đổ chuông.
“Cậu có định đi bộ tới Walworth không?” ông ta lên tiếng.
“Tất nhiên rồi,” tôi nói, “nếu ông tán thành.”
“Rất tán thành,” là câu trả lời của Wemmick, “vì tôi đã phải bó chân
dưới gầm bàn cả ngày, và sẽ rất vui được dãn chúng ra. Còn bây giờ, tôi sẽ
cho cậu biết tôi có gì cho bữa tối, cậu Pip. Tôi có một món thịt bò hầm - của
nhà tự nấu - và một con gà quay nguội - món này mua từ cửa hàng. Tôi nghĩ
con gà sẽ mềm, vì ông chủ cửa hàng từng là thành viên bồi thẩm đoàn trong
vài phiên xử liên quan tới chúng tôi hôm trước, và chúng tôi đã dễ dàng hạ bệ
ông ta. Tôi đã nhắc nhở ông ta chuyện đó khi mua con gà, và tôi nói, ‘Hãy
chọn cho chúng tôi một con thật ngon, ông già Briton, vì nếu lúc trước chúng
tôi lựa chọn cứ quây ông thêm một hai ngày nữa, chúng tôi cũng có thể dễ
dàng làm vậy’. Nghe đến đó ông ta nói, ‘Hãy cho phép tôi tặng ông con gà
ngon nhất trong cửa hàng làm quà.’ Tất nhiên là tôi cho phép. Nói gì thì nói,
đó cũng là tài sản và có thể mang theo người. Mà tôi hy vọng cậu không có gì
phản đối một ông bố già cả chứ?”
Tôi thực sự nghĩ ông ta vẫn đang nói về con gà, cho tới khi ông ta nói
thêm, “Vì tôi có một ông bố già cả ở nhà.” Khi đó tôi bèn nói cái mà phép
lịch sự đòi hỏi.
“Vậy là cậu vẫn chưa dùng bữa với ông Jaggers?” ông Wemmick hỏi
tiếp trong khi hai chúng tôi bước đi.
“Vẫn chưa.”
“Lúc chiều ông ấy nói với tôi thế khi nghe được cậu sắp đến. Tôi chắc
ngày mai cậu sẽ được mời. Ông ấy sẽ mời cả mấy cậu bạn của cậu nữa. Ba
người cả thảy, phải không?”
Cho dù không hề có thói quen tính cả Drummle vào số bạn thân của
mình, tôi vẫn trả lời, “Đúng thế ạ.”
“Thế đấy, ông ấy sẽ mời cả băng” - tôi hầu như chẳng hề cảm thấy
được tâng bốc bởi cách gọi này - “và cho dù có mang ra đãi các cậu thứ gì,
ông ấy cũng sẽ dành cho các cậu thứ tốt. Đừng trông đợi sẽ quá đa dạng,
nhưng cậu sẽ có những thứ tuyệt hảo. Và còn có một điều kỳ quặc nữa trong
nhà ông ấy,” Wemmick nói tiếp, sau giây lát ngừng lại, như thể ám chỉ về
người quản gia trong câu này đã được hiểu, “ông ấy không bao giờ cho khóa
một cửa chính hay cửa sổ nào ban đêm.”
“Chẳng lẽ ông ấy chưa bao giờ bị trộm?”
“Đúng thế đấy!” Wemmick đáp. “Ông ấy nói, và tuyên bố một cách
công khai, ‘Tôi muốn nhìn thấy kẻ sẽ trộm nhà tôi.’ Chúa ban phước cho cậu,
tôi đã nghe thấy ông ấy, cả trăm lần như một, nói với những kẻ đào tường
khoét vách thường lảng vảng trước cửa văn phòng chúng tôi, ‘Các người biết
tôi sống ở đâu; thế này nhé, ở đó chưa từng có cái then cửa nào bị kéo ra; tại
sao các người không thử làm ăn một cú với tôi hả? Nào; chẳng lẽ tôi không
làm các người thấy cám dỗ sao?’ Chẳng có kẻ nào trong bọn họ, cậu biết đấy,
đủ táo gan để thử làm chuyện đó, cho dù vì hứng thú hay tiền bạc.”
“Bọn họ hãi ông ấy đến vậy sao?” tôi nói.
“Hãi ư,” Wemmick nói. “Tôi tin cậu, bọn họ hãi ông ấy. Thực ra chỉ là
ông ấy rất khôn ngoan, ngay cả khi thách thức bọn họ. Không có món đồ bạc
nào hết, thưa quý ông. Toàn là thiếc, tới từng cái thìa.”
“Vậy thì bọn họ cũng chẳng kiếm chác được mấy,” tôi nhận xét, “cho
dù nếu…”
“À! Nhưng ông ấy có rất nhiều,” Wemmick lên tiếng cắt ngang lời tôi,
“và bọn họ biết thế. Ông ấy sẽ nắm được mạng sống bọn họ, và tính mạng
của hàng chục người nhà họ nữa. Ông luôn có mọi thứ có thể. Và không gì là
ông ấy không thể có được, một khi ông ấy đã để tâm đến thứ đó.”
Tôi đang trầm ngâm suy tư về sự vĩ đại của người giám hộ mình thì
Wemmick nhận xét:
“Còn về sự vắng mặt của những cái đĩa, đó chỉ là chiều sâu tự nhiên
của ông ấy thôi, cậu biết đấy. Một con sông có độ sâu tự nhiên của nó, và ông
ấy cũng thế. Hãy nhìn dây đeo đồng hồ của ông ấy mà xem. Trông nó cũng
khá ra trò.”
“Nó rất to,” tôi nói.
“To ư?” Wemmick nhắc lại. “Tôi nghĩ là vậy. Và cái đồng hồ của ông
ấy là một chiếc đồng hồ vàng có đổ chuông báo định kỳ, và đáng giá cả trăm
bảng cho dù có được mua bằng một penny đi chăng nữa. Cậu Pip, trong thành
phố này có khoảng bảy trăm tay trộm biết tường tận về cái đồng hồ đó; không
có người nào trong bọn họ, dù là đàn ông, đàn bà hay trẻ con, lại không nhận
ra từng mắt của cái dây đeo đó, mà không lập tức buông nó ra như thể nó
đang nóng đỏ nếu có bị dụ dỗ chạm vào.”
Bắt đầu với câu chuyện này, và tiếp theo là một cuộc hội thoại có tính
chất chung chung hơn, ông Wemmick và tôi quên đi thời gian và con đường
cho tới khi ông ta làm tôi hiểu chúng tôi đã tới khu Walworth.
Có vẻ như nơi này là một tập hợp những đường hẻm, con mương và
các khu vườn nhỏ, thể hiện hơi hướng của một chốn nương thân khá buồn tẻ.
Nhà Wemmick là một căn nhà gỗ nhỏ nằm giữa các mảnh vườn, phần trên
nóc được tạo hình và sơn vẽ như một công sự kê đầy đại bác.
“Tự tôi làm đấy,” ông Wemmick nói. “Trông đẹp phải không nào?”
Tôi nhiệt liệt tán thưởng tác phẩm, và nghĩ rằng đây là căn nhà nhỏ
nhất tôi từng thấy, với những khung cửa sổ kiểu gô tích kỳ cục nhất (và phần
lán chỉ là cửa giả), cùng một cửa ra vào kiểu gô tích gần như quá nhỏ không
đủ chỗ đi vào.
“Đó là một cột cờ thực sự, cậu thấy đấy,” ông Wemmick nói, “và vào
các Chủ nhật, tôi kéo lên một lá cờ hẳn hoi. Và giờ hãy nhìn đây. Sau khi tôi
đã băng qua cây cầu này, tôi kéo nó lên như thế - và cắt đứt sự liên lạc.”
Cây cầu là một tấm ván, và bắc ngang qua một khe nứt rộng chừng bốn
foot và sâu hai foot. Nhưng thật thú vị khi chứng kiến vẻ tự hào của ông ta
khi kéo nó lên và buộc nó lại; vị chủ nhà không ngừng mỉm cười khi làm việc
này, với sự say mê thực sự chứ không chỉ thuần túy máy móc.
“Vào lúc chín giờ mọi buổi tối, giờ Greenwich,” ông Wemmick nói,
“khẩu súng sẽ bắn. Và nó đây, cậu thấy chưa! Và khi cậu nghe nó lên tiếng,
tôi nghĩ cậu sẽ nói nó đúng là một Ngòi Chích.”
Khẩu pháo nhắc tới ở trên được đặt tại một pháo đài riêng biệt dựng lên
từ các tấm đan mắt lưới. Nó được che chắn khỏi thời tiết nhờ một cấu trúc
nhỏ rất sáng tạo bằng vải dầu đóng vai trò của cái ô.
“Thế rồi ở đằng sau,” ông Wemmick nói, “khuất khỏi tầm mắt, để
không làm cản trở cái ý tưởng các pháo đài - vì đó là nguyên tắc với tôi, nếu
cậu có một ý tưởng, cần thực hiện và duy trì nó - tôi không biết liệu đó có
phải là quan điểm của cậu không…”
Tôi quả quyết đúng là thế.
“Ở phía sau có một con lợn, và còn có cả gà và thỏ; và rồi, tôi thu xếp
một khoảnh riêng nho nhỏ cho mình, cậu thấy đấy, và trồng dưa chuột; và
cậu sẽ phán xét vào bữa tối xem tôi có thể tạo ra món xa lát thế nào. Như thế,
thưa quý ông,” ông Wemmick nói, lại mỉm cười, nhưng đồng thời cũng
nghiêm túc khi ông ta lắc đầu, “nếu cậu cho rằng chốn nhỏ nhoi này bị vây
hãm, nó có thể trụ vững một thời gian rất dài về mặt lương thực.”
Tiếp theo, ông chủ nhà dẫn tôi tới một căn buồng hóng mát dưới giàn
cây cách đó chừng hơn chục mét, nhưng con đường dẫn tới đó là một lối đi
ngoắt ngoéo tài tình đến mức phải mất khá lâu để đến được đích; và tại chốn
ẩn cư này, ly dành cho chúng tôi đã được chuẩn bị sẵn. Món punch của chúng
tôi đang được làm mát dưới bể nước phong cảnh kề bên căn buồng. Bể nước
này có hình tròn (với một hòn đảo nằm ở giữa rất có thể là món xa lát cho
bữa tối), và bên trong bể, ông Wemmick đã xây lên một vòi phun nước, cái
vòi này, khi bạn khởi động cho một cái cối xay nhỏ xíu và tháo nút bần khỏi
một đoạn ống, sẽ phun nước lên mạnh đến mức đủ làm mu bàn tay bạn ướt.
“Tôi là kỹ sư, là thợ mộc, thợ ống nước, thợ làm vườn của chính mình,
là người phục vụ chính tôi trong mọi ngành nghề,” ông Wemmick nói để đón
nhận lời khen của tôi. “À phải; đó là một chuyện rất hay, cậu biết đấy. Nó
giúp dọn quang đám mạng nhện của Newgate, và làm vui lòng Người Già.
Cậu không ngại được giới thiệu ngay với Người Già, phải không? Cậu không
thấy phiền chứ?”
Tôi bày tỏ sự sẵn sàng của mình, và chúng tôi cùng đi vào Lâu Đài. Tại
đó, chúng tôi bắt gặp một ông lão rất già đang ngồi cạnh lò sưởi, mặc áo
khoác vải flannel: sạch sẽ, vui vẻ, thoải mái, được chăm sóc cẩn thận, nhưng
điếc đặc.
“Bố già vui vẻ,” ông Wemmick nói, bắt tay ông lão vừa ân cần vừa đùa
cợt, “bố thấy thế nào?”
“Ổn cả, John; ổn cả!” ông lão đáp.
“Đây là cậu Pip, bố già,” Wemmick nói, “và con ước gì bố có thể nghe
thấy tên cậu ấy. - Gật đầu với ông ấy đi, cậu Pip; ông cụ thích thế. Vui lòng
gật đầu với ông ấy, giống như nháy mắt vậy!”
“Đây là một chỗ tuyệt vời của con trai tôi, thưa ngài,” ông lão lên
tiếng, trong khi tôi cố gật lấy gật để. “Đây là một nơi vui chơi đẹp đẽ, thưa
ngài. Nơi này và những công trình đẹp đẽ được tạo ra trong nó đáng được
Nhà nước bảo tồn sau khi con trai tôi qua đời để cho dân chúng thưởng thức.”
“Bố tự hào về nó chẳng kém gì về Punch, phải không Người Già?”
Wemmick vừa nói vừa ngắm nhìn ông lão, khuôn mặt khắc khổ của ông thực
sự dãn ra, “Gật đầu một cái cho bố này”; rồi gật đầu thật lực, “gật một lần
nữa này”; ông lại gật đầu một cái còn mạnh hơn, “bố thích thế, phải không
nào? Nếu cậu không quá mệt, cậu Pip - cho dù tôi biết chuyện này rất mệt
mỏi với người lạ - cậu có thể động viên bố tôi thêm lần nữa được không? Cậu
không thể biết nó sẽ làm cụ vui đến thế nào đâu.”
Tôi dành cho ông lão thêm vài lần tán thưởng nữa, và ông cụ có vẻ rất
hân hoan. Chúng tôi để ông cụ loay hoay cho lũ chim ăn và đi tới ngồi xuống
trước món punch của mình ngoài căn phòng dưới giàn cây; tại đây,
Wemmick kể với tôi trong lúc hút một tẩu thuốc là ông ta đã mất khá nhiều
năm để đưa nơi ở này tới đỉnh cao hoàn thiện hiện tại của nó.
“Nơi này là của ông sao, ông Wemmick?”
“À phải,” Wemmick nói, “tôi đã mua dần nó mỗi lúc một ít. Chỗ này
có quyền sở hữu vô thời hạn, có thánh George chứng giám!”
“Thật vậy sao? Tôi hy vọng ông Jaggers thích nó chứ?”
“Ông ấy chưa bao giờ thấy nơi này,” Wemmick nói. “Chưa bao giờ
nghe nói về nó. Chưa bao giờ gặp Người Già. Chưa bao giờ nghe nói về ông
cụ. Không; văn phòng là một chuyện, đời tư lại là chuyện khác. Khi tôi tới
văn phòng, tôi để Lâu Đài lại đằng sau mình, và khi tôi bước vào Lâu Đài, tôi
để văn phòng lại đằng sau. Nếu cậu không thấy khó chịu, tôi sẽ rất biết ơn
nếu cậu xử sự tương tự. Tôi không muốn nơi này được nhắc tới trong công
việc.”
Tất nhiên tôi cảm thấy lương tâm đòi hỏi mình phải tôn trọng nguyện
vọng của ông chủ nhà. Món punch rất ngon, chúng tôi ngồi đó thưởng thức
đồ uống và trò chuyện cho tới khi đã gần chín giờ. “Sắp đến lúc bắn súng
rồi,” Wemmick lên tiếng trong lúc để tẩu thuốc xuống, “đây là thú vui của
Người Già.”
Lại quay vào trong Lâu Đài, chúng tôi thấy Người Già đang đốt nóng
que châm ngòi, đôi mắt đượm vẻ mong chờ, như màn mở đầu để thực hiện
nghi thức buổi tối lớn lao này. Wemmick đứng cầm đồng hồ trên tay cho tới
khi đến thời khắc để nhận lấy que châm ngòi cháy hồng từ tay Người Già và
tới chỗ khẩu súng. Ông ta cầm lấy cái que, đi ra ngoài, và lập tức Ngòi Chích
phát hỏa với một tiếng bùm làm chấn động căn nhà kỳ cục bé như cái hộp
này đến mức nó tưởng như đã vỡ tung thành từng mảnh, và khiến cho tất cả
ly chén, cốc tách rung lên lách cách. Nghe thấy tiếng nổ, Người Già - tôi tin
hẳn ông lão đã bị bắn ra khỏi cái ghế bành của mình nếu không được giữ lại ở
hai khuỷu tay - reo lên hân hoan, “Nó khai hỏa rồi! Tôi nghe thấy nó!” và tôi
gật đầu với ông cụ cho tới khi nói thật lòng tôi hoàn toàn không thể nhìn thấy
ông nữa.
Trong khoảng thời gian giữa sự kiện này và bữa ăn tối, Wemmick dành
trọn cho việc khoe với tôi bộ sưu tập những món đồ quý hiếm của ông ta.
Phần lớn chúng đều có liên quan đến tội ác; bao gồm cây bút đã được dùng
để thực hiện một vụ giả mạo trứ danh, một hai con dao cạo đáng chú ý, vài
lọn tóc và vài bản tự thú được viết khi bị kết án - ông Wemmick dành cho
chúng một giá trị đặc biệt vì, theo như lời của chính ông, “Tất cả đều là dối
trá.” Những hiện vật này được phân bố đồng đều giữa những món đồ nhỏ
bằng sứ và thủy tinh, nhiều món đồ lặt vặt tinh tươm do chính ông chủ bảo
tàng này chế tác, cùng với vài cây nhồi thuốc vào tẩu do Người Già chạm
khắc. Tất cả đều được trưng bày trong căn phòng của Lâu Đài tôi được dẫn
vào đầu tiên, và được dùng không chỉ làm phòng tiếp khách chung mà cả làm
nhà bếp, như tôi có thể phán đoán từ một cái nồi được để trong ngăn bên lò
để giữ nóng, và một vòng xuyến bằng đồng thau phía trên chỗ nhóm lửa
trong lò được thiết kế làm chỗ treo xiên nướng.
Có một cô gái nhỏ ăn mặc tươm tất đang chờ phục vụ bàn, cô cũng là
người trông nom Người Già ban ngày. Khi cô gái đã trải khăn trải bàn cho
bữa tối, cây cầu rút được hạ xuống mở đường ra để cô về nhà buổi tối. Bữa
tối thật tuyệt; và cho dù Lâu Đài đang ở vào trạng thái mục khô tới mức tỏa
ra mùi hạt hỏng, cho dù con lợn có vẻ được nuôi cách đó không xa, tôi thực
sự hài lòng với toàn bộ chuyến đến chơi, về phần căn phòng ngủ tí hon đóng
vai tòa tháp dành cho tôi cũng không có gì đáng phàn nàn ngoại trừ việc chỉ
có một lớp mái rất mỏng giữa tôi và cây cột cờ, vậy là khi tôi nằm xuống
giường, có vẻ như tôi phải giữ cái cọc đó thăng bằng trên trán cả đêm.
Wemmick dậy sớm vào buổi sáng, và tôi sợ rằng đã nghe thấy tiếng
ông ta lau cọ đôi ủng cho tôi. Sau đó, ông ta chuyển sang làm vườn, và từ
trên khung cửa sổ gô tích của mình tôi thấy ông ta giả bộ đang giao việc cho
Người Già và gật đầu với ông lão một cách hết sức tận tâm. Bữa sáng của
chúng tôi cũng ngon như bữa tối, và đến đúng tám giờ rưỡi, chúng tôi lên
đường tới Little Britain. Chúng tôi càng đi, Wemmick càng trở nên khô khan
cứng rắn hơn, và khuôn miệng ông ta lại đông cứng thành một cái thùng thư
như trước. Cuối cùng, khi chúng tôi tới chỗ làm việc của ông ta và ông ta đã
lấy chìa khóa ra từ cổ áo khoác, ông ta có vẻ hoàn toàn không biết gì về tư
gia ở Walworth của mình như thể Lâu Đài, cây cầu rút, bể nước làm cảnh,
vòi phun nước cũng như Người Già, tất cả đều đã bị thổi bay lên không trung
theo phát bắn cuối cùng của Ngòi Chích.