Số lần đọc/download: 606 / 9
Cập nhật: 2017-09-25 04:22:10 +0700
Chương 25
C
hưa bao giờ tôi mất nhiều máu như lúc này. Cũng chưa bao giờ tôi đau bụng như lúc này. Khi tôi tỉnh dậy, trời đã sang trưa. Vừa đứng dậy đã thấy ga giường ướt đẫm một mảng đỏ. Tôi vội vàng chạy vào phòng tắm, gột bỏ mùi hôi trên người.
Tắt nước, mặc quần áo, lấy khăn tắm lau gương mờ hơi nước, trong gương xuất hiện một khuôn mặt vàng vọt giống hệt người bị bệnh vàng da. Cặp mắt vẫn thâm quầng như cũ. Tôi thoa một lớp kem Olay trước, rồi thoa một lớp phấn nền làm trắng da. Sau đó tuần tự tô son, vẽ mắt, xịt keo chải tóc láng bóng.
Tôi đứng sám hối trước gương. Đúng vậy, tôi, Tạ Tiểu Thu, rất lấy làm xấu hổ về những hành động hôm qua của mình. Rõ ràng Lịch Xuyên không còn yêu tôi nữa, tôi còn làm mình làm mẩy cho ai xem? Anh không điên, mà là tôi điên! Anh không bị bệnh, mà là tôi bị bệnh! Tôi bị rối loạn nội tiết tố, tôi háo sắc vô nguyên tắc! Tôi nói với chính mình, Tạ Tiểu Thu, mày phải biết núi có cọp mà còn ráng lên núi, mày biết cỏ có rắn mà còn ráng đi cắt cỏ là gì! Tình yêu của mày chẳng qua chỉ là một ngọn đuốc giữa mùa đông, nhưng đã cháy suốt sáu năm trời, thiêu cháy tuổi xuân của mày, lẽ nào chưa ra tro bụi? Lẽ nào mày còn đợi chết cháy?
Nghĩ vậy, tôi chạy vào phòng ngủ, moi bùa cứu mạng của tôi ra khỏi va li – một bình Ô Kê Bạch Phượng Hoàn hiệu Đồng Nhân Đường hàng Trung Quốc chất lượng cao còn đầy nguyên. Tôi rót trà cũ hôm qua còn lại, ngửa đầu nuốt hết sáu mươi viên. Tôi lại tự hỏi, sao tôi không hận Lịch Xuyên được? Đúng vậy, tôi không hận anh được, vì tôi còn nợ anh. Tôi nợ anh 250 ngàn nhân dân tệ! Dù ngay từ ngày đầu tiên đi làm, tôi đã nhịn ăn nhịn mặc để gởi 2000 nhân dân tệ cho luật sư Trần Đông Thôn, nhưng nếu tính lại, muốn trả hết khoản tiền này cũng phải mất 10 năm! Luật sư Trần Đông Thôn cũng gọi điện thoại chọc tôi. Cô Tạ, cô làm vậy để làm gì? Cậu Vương có quan tâm đến số tiền này đâu? Cậu ấy mua liền hai căn hộ cao cấp ở Hoa viên Long Trạch, nhưng chỉ ở tầng trên, tầng dưới thì bỏ trống, vì cậu ấy sợ ồn ào. Nhưng dù luật sư Trần Đông Thôn có nói gì, tôi cũng nhất quyết đưa tiền cho ông ta, còn bắt ông ta viết biên lai. Nói gì đi nữa, khoản tiền đó cũng đã giúp ba tôi sống thêm một tháng, giúp tôi có thêm một tháng tình cha. Vương Lịch Xuyên, tôi đã hết hy vọng yêu anh, nhưng vẫn cần quyết tâm để hận anh. Chừng nào tôi mới thoát khỏi địa ngục không lối này đây?
Tôi sửa soạn xong, đeo kính vào, bước ra hành lang đi một vòng. Phòng của Lịch Xuyên ngay đối diện phòng tôi. Bên trái là phòng của Tổng Giám đốc Vương, bên phải là phòng của Tô Quần, tiếp theo là phòng của Phó Tổng Giám đốc Trương.
Tám giờ sáng hàng ngày là thời gian họp ban của CGP, các phòng ban sẽ báo cáo tiến độ công việc. Tuy nhiên, Trương Khánh Huy nói tôi không tham gia cũng không sao. Vì tôi là phiên dịch, chỉ hỗ trợ công việc dịch thuật ỗi mình Lịch Xuyên. Công việc cụ thể thế nào chỉ cần tôi và Lịch Xuyên trao đổi với nhau là được. Sếp lớn đã nói vậy, đương nhiên con sâu lười như tôi vui như mở cờ trong bụng, không thèm tham dự bất cứ cuộc họp nào.
Tôi đi xuống nhà hàng, gọi một đĩa cá kho tiêu, một tô cháo gạo huyết rồng.
Đang là giờ ăn trưa, nhưng tôi nhìn quanh, chỉ có vài nhân viên của CGP. Tôi chỉ thấy hai nhân viên đồ họa là Tiểu Đinh và Tiểu Tống. Những người khác hình như đã ra công trường. Tôi tìm một bàn trống ngồi xuống, từ tốn ăn trưa. Đang ăn, một bóng đen xuất hiện trước mặt tôi. Tôi ngẩng đầu lên thì thấy Tô Quần.
Nhìn sơ thấy Tô Quần khá giống Lưu Đức Hoa. Chỉ có điều da đen hơn, mũi không cao bằng Lưu Đức Hoa, nhưng vóc dáng thì tương đối giống. Tuy nhiên, số lượng người miền Bắc ở CGP nhiều hơn người miền Nam, nên anh ta bị liệt vào nhóm nhỏ con. Nghe nói, anh ta vốn học thiết kế kiến trúc, lúc đầu cũng làm thiết kế, nhưng không biết tại sao không bao lâu thì chuyển sang làm hành chính.
Chức vụ của Tô Quần là trợ lý CEO, ngang cấp với Tổng Giám đốc Vương, lại khá thân thiết với Lịch Xuyên, nên ai cũng rất khách sáo khi nói chuyện với anh ta, xem anh ta như cấp trên. Cả ngày anh ta đi theo sau Lịch Xuyên, cũng ít nói ít cười giống hệt Lịch Xuyên, không giống trợ lý mà giống vệ sĩ hơn.
Tôi tưởng anh ta cũng đến ăn trưa, không ngờ anh ta chỉ gọi một ly trà rồi ngồi xuống cạnh tôi.
“Annie.”
“Anh Tô.”
“Đừng khách sao, cứ gọi tôi là Tô Quần đi.”
“Ừ.”
Anh ta uống một hớp trà, nhìn tôi ăn cháo, đột nhiên hỏi: “Annie, trước kia cô có quen anh Vương à?”
“Không có.” Tôi kiên quyết lắc đầu.
“Nhưng mà…” Anh ta trầm ngâm, dáng vẻ một chữ đáng giá ngàn vàng, “Hình như là… ừ, có mâu thuẫn, với anh Vương?”
“Không có. Anh ấy là sếp, tôi là nhân viên. Anh ấy nói gì, tôi nghe đó, đâu có mâu thuẫn gì đâu.” Như định đóng cột.
Anh ta lạnh lùng nhìn tôi, mặt lạnh như băng. Hồi lâu sau, anh ta nói: “Tối hôm qua, tôi sang tìm anh Vương có việc, đúng lúc thấy cô nổi giận đùng đùng chạy ra khỏi phòng anh ấy.”
Tôi làm nhiều việc tốt thì không ai thấy, nhưng mới sống ác một tí là bị người ta bắt gặp liền.
Tôi biết thái độ của tôi thiếu chuyên nghiệp, đành phải mặt dày biện bạch: “Đâu có! Anh Vương nói cần từ điển, nên tôi liền về phòng lấy cho anh ấy thôi mà.”
Anh ta lại lạnh lùng nhìn tôi.
“Chỉ có vậy thôi mà.” Miệng lưỡi tôi khô đắng, hai tay giơ lên, không còn gì để nói.
“Cô là phiên dịch, tra từ điển hình như là trách nhiệm của cô, đúng không?” Anh ta lạnh nhạt hỏi tiếp.
“Chúng tôi bất đồng ý kiến về một từ nên phải tra từ điển. Anh biết mà, anh Vương cũng biết nhiều chữ Hán lắm.”
Ai nói tôi không biết nói dối.
Đột nhiên giọng anh ta đanh lại, âm điệu cũng cao hơn: “Cô có chắc là, cô đưa từ điển cho anh Vương, chứ không phải lấy từ điển đánh anh ấy?”
“Cái gì? Tôi đánh anh ấy? Tôi đâu dám?”
Tôi hơi chột dạ khi nói câu này. Quả thật, tôi không nhớ mình đã làm gì trong cơn tức giận. Tôi chỉ nhớ là tôi ném quyển từ điển về phía anh, rồi quay đầu bỏ đi. Nhớ tới đó, lòng bàn tay tôi liền toát mồ hôi lạnh. Quyển từ điển đó khá dày, nặng ít nhất cũng hơn cả ký. Nếu như vô ý ném đi, thì hậu quả không khác gì ném cục gạch.
Giọng nói của tôi nhất thời cũng hạ thấp xuống: “Không có, tôi không có… đánh… anh ấy.”
“Còn nói không có, anh ấy đau tới mức cả buổi cũng không dậy nổi! Trên quyển từ điển kia còn viết tên cô kìa. Tạ Tiểu Thu, có phải là cô không?”
Nhắc tới chuyện này tôi càng buồn bực. Quyển từ điển đó là do Lịch Xuyên tặng tôi 6 năm trước. Lần đó chúng tôi đi nhà sách Tân Hoa, nhìn thấy quyển từ điển đó, tôi chê mắc, cầm trên tay, đắn đo một lúc lâu, vẫn tiếc tiền không mua, cuối cùng thì Lịch Xuyên trả tiền giúp. Do đó tôi còn viết dòng chữ “Lịch Xuyên tặng” lên trang đầu tiên nữa. Sau đó Lịch Xuyên đi mất, tôi vẫn phải sử dụng quyển từ điển đó, cứ nhìn thấy tên Lịch Xuyên là tức giận, liền lấy bút dạ đen tô đè lên, che hết dòng chữ bên dưới. Có lẽ Tô Quần không nhận ra.
Tôi thăm dò: “Vậy anh ấy… có bị thương không?
“Bị thương? Tháng trước anh ấy đi trượt tuyết, xương sống bị thương vẫn chưa lành hẳn. Đáng lẽ hôm nay anh ấy phải ra công trường, nhưng giờ hủy lịch rồi, cũng không dự họp giao ban buổi sáng. Tôi vừa mới đi thăm anh ấy, anh ấy vẫn còn nằm trên giường.”
“Vậy làm sao bây giờ? Hay đưa anh ấy đi bệnh viện đi?”
“Anh Vương ghét nhất là vào bệnh viện. Không ai dám nhắc hai chữa bệnh viện trước mặt anh ấy!”
Chuyện này thì hoàn toàn đúng. Trước nay anh vẫn vậy.
“Vậy chắc là, cô không muốn làm việc ở đây nữa?” Anh ta lạnh nhạt.
“… Không phải.” Một tháng sáu ngàn tệ, cộng với tiền thưởng hậu hĩnh cuối năm. Bắt tôi nghỉ việc, tôi ăn không khí chắc? Tuy tôi không sợ mất việc, nhưng không thể mang tiếng “hành hung cấp trên” được. Lỡ mang tiếng rồi thì còn ai dám nhận tôi nữa?
“Vậy cô đi xin lỗi anh ấy đi.”
Tôi suy nghĩ một hồi, tính gàn lại nổi lên: “Không đi.”
Anh ta đứng lên, nói: “Tôi đi tìm Phó Tổng Giám đốc Trương.” Trương Khánh Huy quản lý mặt nhân sự.
“Đợi chút.” Tôi ngăn anh ta lại “Tôi đi.”
Tôi lê lết đi tới phòng Lịch Xuyên, gõ cửa. Một hồi lâu, bên trong mới trả lời: “Mời vào, cửa không khóa.”
Tôi đẩy cửa vào, đi qua phòng khách, đi qua văn phòng, tới trước cửa phòng ngủ của anh. Cửa không đóng, nhưng tôi vẫn gõ cửa.
“Tôi là Annie.”
“Tạm thời tôi không xuống giường được, nếu em không ngại, thì vào đây nói chuyện đi. Còn nếu em ngại, có gì thì cứ đứng ngoài đó nói cũng được.” Tuy giọng anh khá nhỏ, nhưng không nghe ra dấu hiệu bệnh tật gì.
Tiêu rồi, bị thương nặng rồi. Tôi sửng sốt. Ngày xưa, khi tôi và Lịch Xuyên đi dạo phố, tôi luôn che chắn không để người đi đường va vào anh. Người ta mới đụng nhẹ vào anh là tôi đã muốn chửi họ, nhưng giờ lại trở thành tôi lấy gạch đánh anh, đúng là tiến bộ lớn: “Tôi không ngại. Vậy tôi vào đây.”
Quả nhiên anh vẫn đang đắp chăn, nằm trên giường. Bên cạnh anh là mấy chồng bản vẽ. Ở giữa giường có một chiếc bàn trà, trên đó đặt laptop của anh. Hại bên trái phải đầu giường, có hai bộ giá di động. Trên giá là hai màn nhìn Apple siêu mỏng 30 inches, trên màn hình hiển thị nhiều bản vẽ sống động, từ mọi góc độ, mặt đứng, mặt dựng, mặt cắt, phối cảnh 3D, từ trên nhìn xuống.
Mặt anh nhợt nhạt, hai hàng lông mày nhíu lại, môi mím chặt, thậm chí người cứng ngắc. Anh mặc áo sơ mi sọc đen, cổ áo ủi hồ cứng, rất hợp với khuôn mặt anh, cũng cứng ngắc như nhau.
Anh nhìn tôi, lộ rõ vẻ ngạc nhiên: “Chuyện gì vậy?”
Tôi đanh mặt lại, nhưng giọng ỉu xùi: “Trả tài liệu hôm qua lại cho tôi đi. Anh bận nhiều việc, tôi là phiên dịch viên, để tôi dịch cho.”
Anh quay lại nhìn màn hình, bàn tay vẽ liến thoắng trên bàn vẽ cảm ứng: “Không cần đâu. Tôi tự tra từ điển được.”
Một lát sau, anh nhấn nút, tôi nghe thấy tiếng máy in laser màu trong phòng làm việc bên cạnh kêu “cạch cạch”. Anh đẩy màn hình ra khỏi giường, nhìn tôi, hỏi: “Em còn việc gì nữa không?”
Tôi suy nghĩ một hồi, trả lời anh: “Nếu bây giờ anh rảnh, tôi muốn dịch hết phần hôm qua. Tôi không muốn làm chậm tiến độ công việc của anh.” Giọng tôi như đang năn nỉ anh. Mặt tôi tự dưng đỏ lên.
“Bây giờ không rảnh.” Anh lạnh lùng nói.
“Vậy phiền anh nói với anh Tô, là do anh không rảnh, chứ không phải tôi không muốn làm.”
“Tô Quần?” Anh nhíu mày “Cậu ấy nói gì với em?”
Tôi không nói tiếp. Tôi không thèm méc với anh.
Giằng co.
Một lát sau, anh nói: “Trừ từ điển ra, em có phần mềm phiên dịch nào không? Tra tay rất lâu.”
Tôi nghe vậy liền sửng sốt. Mới đầu còn tưởng là anh giận dỗi, xem ra anh muốn tự dịch thật. Anh chỉ biết có 950 chữ Hán, tôi cá là sáu năm qua anh đã quên hết một nửa, ngay cả đọc hết Tập San Độc Giả[1] còn khó nữa là.
[1] Reader’s Digent: một trong những tạp chí nổi tiếng của Mỹ, xuất bản kỳ đầu tiên năm 1922 tại Mỹ, đến nay đã được xuất bản tại 48 nước nới 19 loại ngôn ngữ khác nhau. Phiên bản tiếng Trung xuất bản lần đầu năm 1965 tại Hồng Kông.
“Có! Tôi có từ điển Kim Sơn[2] bản mới nhất.”
[2] Một phần mềm từ điển, phiên dịch miễn phí được sử dụng rộng rãi nhất Trung Quốc, được công ty Kim Sơn đưa ra thị trường từ năm 1997.
“Đưa tôi cài vào máy đi.”
USB của tôi gắn vào móc chìa khóa, tôi đưa cho anh, anh cắm vào cổng USB.
“Tên file là ISCB, trong folder My software.”
Tôi chỉ thấy anh nhấp chuột hai lần, sau đó liền rút USB ra trả tôi: “Bây giờ không rảnh tìm file, chép hết USB vào trước đã, để tối tìm sau.”
Bây giờ tới phiên tôi điên tiết đây.
Những file khác thì tôi không sợ anh xem, nhưng trong USB có bản thảo Chuyện cũ của Lịch Xuyên. Tôi không thể cho anh biết, càng không thể tỏ ra lo lắng. Nếu không, anh mà tò mò, nhất định sẽ mở ra đọc. Có từ điển Kim Sơn rồi, anh đâu sợ đọc không hiểu.
“Được rồi.” Tôi án binh bất động, âm thầm khấn vái trời xanh, ngàn vạn lần đừng để anh phát hiện ra bí mật của tôi.
Nhìn anh có vẻ như đang đợi tôi đi khỏi. Tôi càng không chịu đi.
“Em còn chuyện gì à?”
“Còn! Anh tự phiên dịch mấy tài liệu đó rồi, xin hỏi, tôi làm gì đây?”
Anh suy nghĩ một chút, nói: “Em nghỉ ngơi đi.”
Miệng tôi vo thành chữ o: “Tôi? Nghỉ ngơi?”
“Ừ, em nghỉ ngơi.”
“Vẫn được nhận lương chứ?”
“Vẫn trả lương.”
“Vậy tôi sẽ mua vé máy bay về Bắc Kinh.”
“Không được.”
Tôi trừng anh: “Không phải anh nói cho tôi nghỉ sao?”
“Em nghỉ ngơi ở đây, chờ nhận phân công. Nếu tôi muốn gặp ai, em tới đây phiên dịch.”
“Được rồi.” Tôi nhìn dáng vẻ cô độc của anh, tim lại mềm nhũn “Dù gì tôi cũng rảnh, tối nay tôi bắt đầu dịch Địa chí quận Vĩnh Gia, tối ngày mốt giao cho anh.”
“Tôi tự xem Địa chí quận Vĩnh Gia cũng được, tôi có từ điển Kim Sơn rồi.”
Tôi cười lạnh: “Địa chí quận Vĩnh Gia viết bằng thể cổ văn, cổ văn thời Đạo Quang[3], anh đọc có hiểu không?”
[3] Thời Đạo Quang (1821 – 1850) là thời kỳ hoàng đế Đạo Quang (1782 – 1850) nhà Thanh trị vì.
Thật ra, tôi cũng không biết cổ văn thời Đạo Quang và cổ văn thời Càn Long khác nhau chỗ nào. Chỉ muốn lừa anh thôi mà.
Anh đưa tay nâng người dậy, ngồi thẳng trên giường, nói: “Xem ra, đọc cổ văn thời Đạo Quang chỉ là chuyện nhỏ với em. Đã như vậy, em có thể dịch nhanh hơn được không? Đưa bản dịch cho tôi trước ba giờ chiều ngày mai. Nếu đưa trễ thì đừng trách tôi plain[4] với Tổng Giám đốc Vương.”
[4] Than phiền.
Dứt lời, anh xốc chăn lên, đưa cái chân duy nhất xuống tìm dép lê trên thảm. Sau đó, cúi người xuống, định nhặt gậy chống trên thảm lên. Tôi nhìn anh, đột nhiên nhớ lại cạnh tượng anh mở tủ lấy sửa vào đêm nào đó nhiều năm trước. Tim bỗng nhói đau.
Vội giành lấy gậy đưa cho anh.
Anh đứng dậy, anh đang mặc quần áo tập yoga màu đen. Có thể nhìn ra hành động của anh hơi chậm chạp, hồ như vẫn đang cắn răng chịu đau. Anh cùng tôi ra cửa, mở cửa giúp tôi. Anh cúi đầu, tôi ngẩng đầu, trán tôi chạm vào cằm anh. Tôi vội vàng quay đầu sang một bên.
Anh nói: “Em về đi.”
Tôi đang định đi, bỗng nhiên nhớ ra một việc: “Đúng rồi, từ điển của tôi đâu? Trả từ điển lại cho tôi.”
Anh vào phòng, lấy quyển từ điển Viễn Đông ra quăng vào tay tôi. Nếu như nói, lúc anh mở cửa cho tôi có chút khách sáo, thì lúc quăng từ điển cho tôi là không khách sáo chút nào.
Trang đầu tiên của quyển từ điển có một cái kẹp sách bằng ngà voi. Là do ba tôi tặng. Nhưng giờ lại không thấy.
Tôi trợn mắt nhìn anh, đang tính hoạnh họe. Anh nói: “Ở phía sau. Tối qua tôi có tra mấy từ.”
“Cái gì ở phía sau?”
“Kẹp sách của em.”
Tôi giận không chỉ vì nguyên nhân này: “Trang đầu tiên đâu? Mất tiêu rồi?”
“Xé rồi.”
“Tại sao?”
“Em nói thử xem?”
Tôi quay đầu bỏ đi.
Nguồn ebooks:.luv-ebook
Cuốn Địa chí quận Vĩnh Gia không dày lắm. Hơn nữa, với nền tảng hai tháng tôi luyện ở Cửu Thông, cộng với việc Lịch Xuyên chỉ muốn xem nội dung chính về văn hóa và địa lý, tôi liền hút thuốc, uống trà, uống cà phê, dịch suốt đêm không ngủ không nghỉ, đến 10 giờ sáng hôm sau đã xong cơ bản. Tuy chưa trau chuốt câu chữ, nhưng chắc chắn không có sai sót. Tiếp theo tôi trau chuốt bản dịch hết 3 tiếng, sau đó, thấy biểu tượng MSN của Lịch Xuyên ở CGP sáng đèn, bèn chuyển file word qua cho anh.
Lát sau, anh trả lời: “Thanks. Could I also have a hard copy?[5]”
[5] Cảm ơn. Em in giúp tôi một bản được không?
Tôi trả lời lại bằng tiếng Anh: “Don’t you have a printer in your office?[6]”
[6] Không phải phòng anh cũng có máy in à?
Nửa tiếng sau, điện thoại ở đầu giường reo.
“Annie, phiền em qua chỗ tôi một chút!”
Tôi chạy vội đến phòng anh. Bây giờ anh không ngồi trên giường nữa, mà chuyển sang ngồi trên xe lăn. Anh đang cầm bản dịch của tôi trong tay. Anh bảo tôi ngồi xuống, tôi đành ngồi xuống cái ghế sô pha màu trắng. Mảng đỏ ngày hôm kia vẫn còn đó, đập thẳng vào mắt tôi.
“Tạ Linh Vận[7] là ai?”
[7] Tạ Linh Vận (385 – 433): một nhà thơ, nhà thư pháp nổi tiếng thời Đông Hán và Lưu Tống. Tạ Linh Vận từng nhậm chức Thái thú Vĩnh Gia (nay là Ôn Châu).
“Là nhà thơ lớn thời Đông Tấn[8].”
[8] Đông Tấn (317 – 420): từ năm 420 Đông Hán sụp đổ và buộc phải nhường ngôi lại cho Lưu Tống (thời kỳ Nam Bắc Triều).
Từ “Đông Tấn” chắc không quá xa lạ đối với người Trung Quốc đâu.
“Anh có biết Đào Uyên Minh[9] là ai không?”
[9] Đào Uyên Minh (365 – 427): là một trong những nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn của Trung Quốc trong lịch sử.
“Không rõ lắm.”
“Tạ Linh Vận và Đào Uyên Minh, là người sáng lập phong cách thơ sơn thủy điền viên của Trung Quốc.”
“Tôi hỏi Tạ Linh Vận, em nói Đào Uyên Minh làm gì?”
“Họ đều là người thời Đông Tấn.”
“Thời Đông Tấn là thời nào?”
Bó tay! Bực mình! Vương Lịch Xuyên, tôi đánh giá trình độ tiếng Trung của anh quá cao rồi!
Tôi giảng giải lịch sử Đông Tấn cho người này nghe hết 15 phút.
“Bây giờ anh hiểu chưa?”
“Hiểu rồi.” Thái độ thành thật “Nói vậy, Tạ Linh Vận từng ở Ôn Châu, tức là Vĩnh Gia thời đó.”
“Ông ấy là Thái thú quận Vĩnh Gia.”
“Hai câu Pond and pool grows with grasses of spring; Garden willows very the birds that there sing, là hai câu thơ để đời của Tạ Linh Vận hả?”
“Ừ, nguyên văn tiếng Trung là “Trì đường sinh xuân thảo, viên liễu biến minh cầm.”[10]”
[10] Bờ ao mọc cỏ nõn, vườn liễu hóa chim kêu.
“Tôi đâu thấy hay gì đâu.” Anh nói “Hoặc là, tại em dịch dở. Em nói nghe thử, hai câu “Hồ nước sinh xuân thảo, viên liễu biến minh cầm” hay ở chỗ nào?”
“Tạ Linh Vận bị biếm chức về Vĩnh Gia, tâm trạng không vui, nằm liệt giường suốt cả mùa đông. Một hôm, ông ấy vén rèm cửa sổ lên, chợt thấy bờ ao bên ngoài đã lên đầy cỏ xuân, cây liễu trong vườn cũng đang ra lộc, chim chóc thì hót líu lo. Sự ảm đạm chán nản của mùa đông cũng theo đó tan theo mây khói.”
Thấy anh có vẻ chưa hiểu, tôi lại giải thích bằng tiếng Anh.
“Anh có hiểu không?”
“Tôi hiểu ý nghĩa rồi, nhưng tôi vẫn chưa hiểu, câu này rốt cuộc hay ở chỗ nào.”
“Câu này hay ở chỗ dùng phép đảo ngữ.” Tôi tự kiểm điểm, đáng lẽ không nên dịch nhiều thơ của Tạ Linh Vận. Tạ Linh Vận là danh nhân văn hóa Ôn Châu, cuốn đại chí nào cũng nhắc tới ông ấy và thơ của ông ấy. Nhưng mà, tôi không cần dịch quá nhiều, nếu câu thơ nào Lịch Xuyên cũng hỏi kỹ càng, chắc tôi đi đời. Bây giờ tôi đành phải giảng ngữ pháp cổ văn để làm khó anh.
“Đảo ngữ là gì?”
“Dislocation. Đáng lẽ hai câu này phải viết là “Trì đường xuân thảo sinh, viên liễu minh cầm biến”. Vị ngữ “sinh” được đảo trước chủ ngữ là “xuân thảo”, chính là phép đảo chủ vị. Trong thơ Đường, tác dụng chủ yếu của phép đảo ngữ là dùng ngữ pháp để là nổi bật hình tượng trong câu, tạo ấn tượng thị giác cho người đọc.”
“Ừ, ấn tượng thị giác, tôi thích từ này.”
Xem ra anh còn muốn hỏi tiếp, nếu cứ hỏi tiếp thì tôi lộ tẩy mất. Tôi liền ngăn trước: “Chuyện này có liên quan gì đến kiến trúc không?”
“Không có liên quan thì không thể nghe để tăng thêm kiến thức à?”
Tô hết biết nói gì.
“Tạ Linh Vận họ Tạ, em cũng họ Tạ, em có quan hệ gì với ông ta không?”
“Có quan hệ.” Tôi hơi bực mình “Ba tôi nói, dòng họ Tạ nhà tôi là một chi của họ Tạ ở Trần Quận, đồng tông với Tạ Linh Vận.”
“Ông nội của tôi nói, nhà tôi thuộc gia tộc Vương thị thời Lang Nha[11]. Cũng là một gia tộc lớn thời xưa.”
[11] Lang Nha: một tên gọi khác của thời Đông Tấn, vì các vua này thuộc dòng dõi Lang Nha Vương.
“Cho nên, thơ Đường có câu “Cựu thời Vương Tạ đường tiền Yên, phi nhập tầm thương bách tính gia”[12], chính là nói đến hai dòng họ này. Tổ tiên của chúng ta ngày xưa ở ngõ Ô Y, bên cầu Chu Tước, ngoài thành Kim Lăng, hai họ đều quen biết nhau. Kim Lăng chính là Nam Kinh thời nay. Hiểu chưa?”
[12] Trước thời Yên (756-763), hai gia tộc Vương thị và Tạ thị vốn không phải là bá tánh tầm thường.
Anh thành thật gật đầu: “Hiểu rồi.”
Một lát sau, anh nói tiếp: “Annie, tôi phát hiện em ngày càng học rộng hiểu nhiều. Tối hôm kia, có rất nhiều từ em nói tôi chưa từng nghe lần nào. Ví dụ như, actinidia chinensis là gì?”
“Đào mi hầu[13].”
[13] Đào mi hầu: hay còn gọi là dương đào, đào khỉ… là một loại trái cây đặc hữu của vùng núi cao Trung Quốc. Tương truyền các loại khỉ lớn trên núi rất thích ăn trái này, nên người dân đặt tên là đào mi hầu.
“Nếu như em nói là kiwifruit, chắc tôi sẽ hiểu nhanh hơn.”
“Kiwi là tên gọi của New Zealand. Mà cây đào mi hầu vốn sinh trưởng ở Trung Quốc, đã mọc trên đất này suốt trăm ngàn năm qua. Thơ Đường có câu “Trung đình tỉnh lan thượng, nhất giá mi hầu đào[14]”. Mãi tới năm 1904, đào mi hầu mới được truyền vào New Zealand nhờ các nhà truyền giáo. Anh muốn gọi thế nào thì tùy, tóm lại, tôi sẽ không gọi nó là kiwi.”
[14] Ngoài sân trên giếng nước, một giàn đào mi hầu.
“Ừm, phục em rồi. Bây giờ mới phát hiện ra em yêu nước đến mức nào, thậm chí còn yêu cả trái cây luôn.”