Số lần đọc/download: 0 / 15
Cập nhật: 2020-10-27 20:23:35 +0700
Chương 3
M
ột con nhện nâu rơi ra dưới ánh nắng và bỗng chốc biến thành màu trắng.
Irina đã rời đi trước đó với Wesley và Nicky.
Sợi tơ nhện trắng lơ lửng giữa không trung.
“Bọn Nga các anh sao lại có thể hút thuốc trước khi ăn sáng được nhỉ?” Wesley hỏi.
Con nhện tung mình lên cái mạng trên cao ở góc phòng. Arkady thậm chí còn không nhận ra có mạng nhện ở đó - cho đến khi nó lấp lánh, nghiêng nghiêng trong ánh mặt trời buổi sáng. Nhện hẳn là những kẻ sùng bái mặt trời, hiển nhiên rồi.
“Em yêu anh,” Irina nói bằng tiếng Nga.
Con nhện tăng tốc và men theo sợi tơ của nó, mấy cái chân trước kéo đủ thứ hoa văn. Không ai thèm quan tâm khen ngợi, chúng thật là những kẻ cầu toàn.
Vì thế Arkady đã trả lời “Anh yêu em” bằng tiếng Nga.
Một con nhện Nga và một con nhện Mỹ khác nhau đến mức nào?
“Đi thôi, ngày trọng đại đấy,” Nicky nói vậy khi anh ta mở cửa.
Chúng có quay tơ cùng một hướng không? Có đánh răng như nhau không?
Điều đó khiến Arkady lo sợ.
Chúng có giao tiếp không?
Vỉa hè nhộn nhịp những đám đông ăn mặc đẹp đẽ. Mặt trời đứng sau lưng họ và đếm những giây phút dần trôi cho đến khi tất cả phải đi làm.
Irina đã ở New York bao lâu rồi? Arkady tự hỏi.
Tại sao cô ấy lại có ít quần áo trong tủ như thế?
Chắc ở Moscow tuyết đang rơi. Nếu họ cũng có vầng dương rực rỡ như thế này, hẳn mọi người đang ở trên bờ đê sẽ cởi trần, tắm nắng như đàn hải cẩu.
Bên kia đường, đám thợ sơn lại đến làm việc. Viên thư ký tầng trên lại nghe điện thoại, nói một hai từ rồi lại dập máy. Ở Moscow, điện thoại văn phòng là công cụ kỳ diệu được bang cung cấp để tám chuyện, nó hiếm khi được dùng để làm việc, nhưng lúc nào cũng bận.
Anh bật ti vi để che đậy âm thanh tạo ra khi thử mở khóa với cái kẹp tóc. Cái khóa này được làm rất tốt.
Tại sao lũ thợ sơn lại đóng cửa sổ khi làm việc chứ?
Trong vườn nhà thờ, mấy ông già trong bộ quần áo bẩn thỉu chia nhau cái chai một cách chậm chạp.
Ti vi chiếu toàn thuốc tẩy, chất khử mùi và aspirin. Thỉnh thoảng lại có vài đoạn phỏng vấn ngắn và bản ca kịch ngắn xen vào.
Khi Al mang đến một cái sandwich giăm bông và pho mát và cà phê, Arkady hỏi ông ta thích nhà văn Mỹ nào - Jack London hay Mark Twain? Al nhún vai. John Steinbeck hay John Reed? Nathaniel Hawthorne hay Ray Bradbury? Chà, đó là tất cả những nhà văn tôi biết, Arkady nói và Al rời đi.
Văn phòng vắng người vào giờ ăn trưa. Những nơi mặt trời chiếu xuống vỉa hè, một người sẽ dừng bước và lấy đồ ăn ra khỏi túi giấy. Arkady đẩy cửa sổ lên và nhoài ra ngoài. Bầu không khí lạnh lẽo thoảng mùi xì gà, khói xe và thịt rán.
Anh thấy người phụ nữ hôm trước trong bộ áo choàng giả lông đen trắng đi vào và ra khỏi khách sạn với ba người đàn ông khác.
Đám xe cộ qua lại, phát ra những âm thanh chát chúa, tiếng kéo lê, tiếng nâng và tiếng búa, như thể, ngoài tầm mắt, cả thành phố đang bị xé nát và những cái xe đang ngay lập tức được sản xuất một cách cẩu thả.
Những cái xe mang màu sắc nực cười, cứ như thể được một đứa trẻ tô vẽ nguệch ngoạc lên.
Nên xếp bọn đàn ông trong sân nhà thờ vào loại nào? Vật ký sinh của xã hội? Một “bộ ba” bợm nhậu? Bọn chúng uống cái gì ở đây nhỉ?
London viết về khai khẩn Alaska, Twain viết về nạn nô lệ, Steinbeck về biến vị kinh tế, Hawthorne về cuồng loạn tôn giáo, Bradbury về chủ nghĩa thực dân liên hành tinh và Reed viết về nước Nga Xô Viết. Chà, đó là tất cả những gì mình biết, Arkady nghĩ thầm.
Mọi người mang theo thật nhiều túi giấy. Họ không chỉ có tiền, mà còn có những thứ phải mua.
Anh tắm và mặc quần áo mới vào. Chúng vừa in, cực kỳ thoải mái và khiến đôi giày của chính anh trở nên thật xấu xí. Nicky và Rurik, theo anh nhớ, có đồng hồ Rolex.
Ngăn tủ quần áo có một quyển Kinh thánh. Còn ngạc nhiên hơn nữa là quyển danh bạ. Arkady xé những trang có thông tin của các tổ chức Do Thái và Ukraina, gấp lại và cất vào tất.
Đám cảnh sát da đen trong bộ cảnh phục nâu đang điều khiển giao thông. Cảnh sát da trắng trong cảnh phục đen đeo súng.
Irina đã che giấu hai tên tội phạm Kostia Borodin và Valerya Davidova. Cô có dính líu vào vụ án buôn lậu và phá hoại ngành công nghiệp ở cấp độ liên bang. Cô biết gã công tố viên ở Moscow từng là thành viên KGB. Điều gì đang chờ đợi cô ở Liên bang Xô Viết?
Taxi màu vàng. Đàn chim màu xám.
Rurik đến với món quà là những chai vodka mini - hắn gọi chúng là “chai hàng không”.
“Chúng tôi có một giả thuyết mới. Nhưng mà trước khi tôi nói,” hắn đưa tay lên, “tôi muốn anh biết tôi không thiếu nhạy cảm đâu. Tôi là người Ukraina giống như anh vậy. Tôi cũng lãng mạn. Để tôi thú nhận một điều. Mái tóc đỏ này của tôi, là của người Do Thái. Mẹ tôi là người cải đạo, bà ấy có hẳn một mái đầu đỏ rực. Thế nên tôi có thể nhận biết đủ dạng người. Tuy nhiên tôi có linh cảm rằng phi vụ đen tối này thực chất là một phần âm mưu phục quốc của bọn Do Thái.”
“Osborne có phải người Do Thái đâu. Anh đang nói cái gì vậy?” “Nhưng Valerya Davidova là con gái của một giáo sĩ Do Thái,” Rurik nói. “James Kirwill liên quan tới bọn khủng bố Do Thái, lũ đã bắn vào những thư ký vô tội trong vụ phái đoàn Xô Viết. Ngành bán lẻ lông và vải ở Mỹ cũng là độc quyền của bọn Do Thái, và chúng sẽ hưởng lợi khi da chồn zibelin được mang đến đây. Thấy liên quan chưa?”
“Tôi không phải người Do Thái, Irina cũng vậy.”
“Suy nghĩ đi,” Rurik nói.
Al gom đống chai mini.
“Tôi không phải KGB,” Arkady nói.
Al xấu hổ vì bị chọc vào chỗ hiểm. “Có thể thế mà cũng có thể không.”
“Tôi không phải.”
“Có gì khác nhau không?”
Hoàng hôn buông xuống, mấy văn phòng lại trống không mà Irina vẫn chưa quay lại. Ở nhà thờ giờ có dịch vụ đêm. Đám gái điếm đang bận đưa mấy gã trai vào khách sạn. Arkady nghĩ về lũ đàn bà và công việc của họ khi dòng chảy cuối cùng của cuộc sống đường phố chạm vào anh.
Trong vòng một tiếng đồng hồ, bóng đen trở thành những khoảng không bất khả xâm phạm giữa những cái đèn đường. Những hình thù trên đường xuất hiện như động vật đi đêm. Những cái đầu hóa thành tiếng opera của còi tầm.
Tại sao lúc đó Kirwill lại cười?
Arkady đã quen với đám điệp viên. Anh không thấy lạ khi kẻ mới đến mặc bộ com-lê sẫm màu, cà vạt cùng mũ ngụy trang và thấy nhẹ nhõm khi cuối cùng cũng được phép ra khỏi phòng khách sạn. Không ai cản họ lại. Họ đi xuống bằng thang máy, đi bộ qua hành lang và về hướng tây trên đường Hai mươi chín và băng qua con phố số Năm đến chỗ một cái xe limousine tối màu. Cho đến khi Arkady tự ngồi vào ghế sau, anh mới nhận ra người đàn ông kia là tài xế. Nội thất xe được phủ nhung màu xám dịu, tài xế và hành khách được ngăn bởi một tấm kính.
Đại lộ Mỹ là một con đường tối tăm, vắng lặng, chỉ có ánh sáng phát ra từ cửa sổ các cửa hàng, cuộc sống sang chảnh của lũ ma-nơ-canh, trông huyền ảo như toàn thành phố trong chuyến đi đầu tiên ra khỏi khách sạn này. Ở đại lộ Bảy, họ rẽ về hướng nam và đi qua vài dãy nhà trước khi chiếc limousine rẽ vào một con phố rồi đến bãi đỗ xe. Tài xế cho Arkady xuống, dẫn anh vào một cái thang máy đang mở và ấn nút với ngón cái của gã. Thang máy chạy lên tầng bốn, họ bước vào hành lang sáng sủa có camera ở các góc. Cánh cửa cuối hành lang hé mở.
“Anh đi một mình,” tay tài xế nói.
Arkady bước vào một căn phòng làm việc dài và tối mờ mờ. Bàn phân loại chạy dài khắp căn phòng, và khi mắt anh đã quen với bóng tối, những cái giá treo thứ trông như quần áo hay giẻ rách hóa ra là một đống lông. Chắc là có cả trăm cái giá, hầu hết được treo những tấm da mỏng, tối màu - lông chồn zibelin hay chồn vizon - cùng từng đống da sống lớn hơn, đã được dát phẳng - theo anh thấy thì chắc là da mèo rừng hoặc da sói. Mùi hăng của axit tanic bốc lên và trên mỗi cái bàn trắng là một cái đèn huỳnh quang bé. Giữa căn phòng, cái đèn vụt sáng và John Osborne ở đó, đang đặt một tấm da lên bàn.
“Anh có biết là vài người Bắc Triều Tiên bán lông không?” hắn hỏi Arkady. “Da chó và da mèo. Những thứ con người sẽ mua đáng kinh ngạc lắm đấy.”
Arkady bước dọc lối đi về hướng cái bàn.
“Chà, bản thân tấm da này đáng giá khoảng một ngàn đô la đấy,” Osborne nói. “Da Barguzhinsky, mà hẳn anh cũng đoán ra rồi, anh chắc đã thành chuyên gia về da. Đến gần hơn đi, anh sẽ thấy những đốm lấm tấm trên lông đấy.” Hắn chải ngược lông trên bộ da cứng, và rồi nâng lên một khẩu tự động và nhắm vào Arkady. “Đủ gần rồi đó. Nó sẽ trở thành tấm áo choàng tuyệt đẹp, dài chắc đến cả sáu mươi bộ da.” Hắn lại vuốt ve bộ lông với khẩu súng. “Mà mua da chó với da mèo thì khác gì nhau nhỉ?”
“Chắc ông rõ hơn tôi mà.” Arkady dừng lại khi còn cách Osborne một cái bàn.
“Thế thì nghe tao nói đây” - gương mặt Osborne chìm trong bóng của cái đèn - “vì tòa nhà này và hai dãy nhà xung quanh là khu chợ lông lớn nhất thế giới. Nên tao nói cho mày biết, không thể so sánh nổi cái này,” hắn lắc bộ lông bóng mượt “và một bộ da mèo hơn là giữa Irina và một ả đàn bà bình thường đâu, hoặc giữa mày và một gã người Nga bình thường.” Hắn vặn to đèn và Arkady phải giơ tay lên để mắt không bị lóe. “Trông mày ngon đấy, điều tra viên ạ - rất bảnh trong bộ com-lê đàng hoàng. Tao thật lòng mừng là mày vẫn còn sống đấy.”
“Ông thật lòng ngạc nhiên là tôi vẫn còn sống.”
“Cả ngạc nhiên nữa, tao thừa nhận.” Osborne hạ đèn xuống. “Mày từng nói mày sẽ trốn khỏi tao, mày có thể lẩn trốn dưới sông Moskva và tao vẫn sẽ đến mò ra mày. Tao đã không tin mày, nhưng mày nói đúng đấy.”
Osborne để khẩu súng lại trên bàn khi hắn châm một điếu xì gà. Arkady gần như đã quên hết bóng đêm Ả Rập, dáng dấp thon thả và mái tóc bạch kim. Và, dĩ nhiên, khảm vàng trên hộp xì gà và bật lửa, cái nhẫn, dây đồng hồ và măng sét, ngọn lửa màu hổ phách rực lên trong đôi mắt và nụ cười rạng rỡ.
“Ông là kẻ sát nhân,” Arkady nói. “Tại sao người Mỹ lại muốn ông gặp tôi?”
“Vì bọn Nga để tao gặp mày.”
“Sao họ lại cho ông làm vậy?”
“Mở to mắt ra đi,” Osborne nói. “Mày nhìn thấy gì?”
“Lông”
“Không chỉ lông đâu. Chồn vizon xanh, chồn vizon trắng, cáo xanh, cáo bạc, cáo đỏ, chồn ecmin, linh miêu, cừu karakul. Và da chồn zibelin trại Barguzin. Số lông trong phòng này đáng giá hơn hai triệu đô la đấy và còn có hơn năm mươi phòng như thế này dọc đại lộ Bảy. Đây không phải vấn đề giết người, nó là vì chồn zibelin và luôn là vậy. Tao không muốn giết thằng bé Kirwill, Kostia và Valerya. Sau khi chúng đã giúp tao rất nhiều, tao cũng sẽ rất vui lòng nếu chúng có thể tiếp tục sống bình yên ở nơi nào đó trên Trái Đất. Nhưng mày sẽ làm gì? Thằng bé Kirwill cứ đòi nổi tiếng, nó có một nỗi ám ảnh được kể câu chuyện chuyến trở về New York đầy vinh quang cho cả thế giới. Chắc nó sẽ không kể về những con chồn zibelin trong buổi họp báo đầu tiên, nhưng chắc chắn sẽ kể trong buổi thứ mười. Tao đang chống lại sự độc quyền lớn nhất thế giới, tao đã mất hàng năm liền cố gắng và đầy rủi ro, tao có nên đẩy bản thân vào nguy hiểm chỉ vì tính ba hoa của một thằng cuồng đạo không? Có gã điên nào lại làm thế? Tao thừa nhận tao cũng không ngại xử lý Kostia. Không, nó sẽ tống tiền tao ngay khi đến đây. Tao chỉ tiếc Valerya.”
“Ông đã lưỡng lự?”
“Đúng.” Osborne vui vẻ đáp. “Tao đã do dự trước khi bắn cô ta, mày nói đúng đấy. Lời tự thú đó làm tao thèm ăn. Kiếm miếng gì ăn thôi.”
Họ đi thang máy xuống và thấy chiếc limousine đang đợi trong bãi đỗ xe. Chiếc xe đưa họ đến hướng bắc trên đại lộ Mỹ. Nhộn nhịp hơn hẳn Moscow vào giờ này, New York vẫn chưa đi ngủ, Arkady cảm nhận được điều đó trong dòng xe cộ dài nối đuôi nhau. Trên đường Bốn mươi tám, hai bên đại lộ là những tòa văn phòng bằng kính, không như ở Kalinin Prospekt.
Xe dừng lại ở đường Năm mươi sáu, Osborne đưa Arkady vào một nhà hàng, nơi một nữ phục vụ chào Osborne bằng tên và dẫn họ vào một lối đi trải thảm nhung đỏ. Trên mỗi bàn đều có hoa ly mới cắt và hàng tá những chùm hoa trong hốc tường, tranh sơn dầu của các nhà họa sĩ theo trường phái Ấn Tượng Pháp treo trên tường, đèn chùm pha lê bên trên, khăn trải bàn màu hồng và đội trưởng xum xoe. Những thực khách khác là các ông già mặc com-lê kẻ sọc và phụ nữ trẻ với khuôn mặt bóng loáng. Arkady vẫn có chút hy vọng Wesley hoặc cảnh sát sẽ ập vào nhà hàng và bắt Osborne. Osborne hỏi Arkady có muốn uống không, Arkady từ chối và Osborne gọi một chai Corton-Charlemagne 76. "Arkady có đói không?" Arkady lại nói không, một lời nói dối và Osborne gọi một đĩa cá hồi muối nướng với nước sốt thì là và khoai tây chiên cho chính hắn. Chỉ riêng bộ đồ ăn bằng bạc ở trên bàn thôi đã đủ hào nhoáng. Mình nên đâm con dao kia qua tim hắn, Arkady nghĩ.
“Dân di cư Nga tràn qua New York, mày biết chứ,” Osborne nói. “Họ viết là sẽ đến Israel, nhưng ở Rome họ lại rẽ phải và đến đây. Tao cũng giúp một chút, nhiều hết mức có thể, cuối cùng, vài người trong đám biết một chút về lông. Nhưng chỉ vài đứa thôi, tao không thể làm gì. Ý tao là những kẻ làm bồi bàn ở Nga. Mày biết ai sẽ thuê một bồi bàn Nga không?”
Rượu có màu vàng kim. “Mày chắc là không uống chứ? Dẫu sao, cũng có nhiều dân di cư hơn mức cần thiết. Buồn thay, phần lớn bọn chúng, ứng viên của viện khoa học Xô Viết, những kẻ đang quét sảnh trường học hoặc tranh nhau mấy công việc dịch thuật rác rưởi. Chúng sống ở Queens và New Jersey trong những căn nhà nhỏ và mấy cái ô tô to đùng mà chúng còn không đủ khả năng chi trả. Dĩ nhiên ai có quyền lên án, chúng đang làm hết sức có thể. Có phải ai cũng là Solzhenitsyn đâu. Tao muốn nghĩ là tao đã làm gì đó để truyền bá văn hóa Nga trên cái nước này. Tao tài trợ rất nhiều chương trình giao lưu văn hóa, mày biết đó. Ba lê Mỹ thì là cái quái gì nếu không có vũ công người Nga chứ?”
“Những vũ công bị ông khai với KGB thì sao?” Arkady hỏi.
“Nếu tao không khai thì đám bạn chúng nó cũng khai thôi. Đó là điều kỳ diệu ở Nga đấy, ai cũng sẵn sàng khai báo, ngay từ khi còn đi mẫu giáo. Ai cũng có đôi tay bẩn thỉu. Họ gọi đó là ‘cảnh giác’. Tao thích thế. Dẫu sao, đó là cái giá phải trả. Nếu tao muốn quảng bá tiếng tăm và sự thấu hiểu bằng cách đưa nghệ sĩ Liên Xô sang Mỹ, Cục Văn hóa muốn tao báo cáo xem tao đem đến những ai, tao cũng phải thông báo xem có đứa nào có vẻ là kẻ đào ngũ không, nhưng nhìn chung tao cố tống khứ càng nhiều vũ công tệ càng tốt. Tiêu chuẩn của tao cao mà. Hẳn là tao có tác động tích cực đến những vũ điệu Xô Viết.”
“Tay ông không bẩn mà nó vấy máu.”
“Làm ơn đi, đang ngồi ăn đấy.”
“Thế kể tôi nghe tại sao FBI Mỹ lại cho ông, một tên sát nhân, kẻ làm chỉ điểm cho KGB, đi lại quanh thành phố này và còn đến đây ăn nữa.”
“Ồ, tao ngưỡng mộ trí thông minh của mày đấy, điều tra viên. Thử nghĩ một giây đi. Tao nghĩ mày sẽ hiểu.”
Những cuộc trò được xoay quanh bởi khăn trải bàn, những bông hoa và tiếng lọc cọc của xe bánh ngọt. Osborne tự tin ngồi đợi Arkady suy nghĩ. Cuối cùng anh cũng hiểu, ban đầu còn lờ mờ, sau đó rõ ràng hơn, và Arkady bị sốc bởi cái logic rõ ràng và sự đối xứng rõ ràng đó, như mắt con hươu khi nhìn thấy một con sư tử ẩn mình trong bóng đêm dần bước ra dưới ánh mặt trời. Khi anh mở miệng, mọi niềm hy vọng cuối cùng đã tắt ngúm.
“Ông là chỉ điểm cho FBI,” Arkady nói khi đã hiểu rõ ràng. “Ông chỉ điểm cho cả KGB và FBI.”
“Tao biết là mày chứ không ai khác sẽ phát hiện ra mà.” Osborne mỉm cười ấm áp. “Tao có ngu đâu mà chỉ điểm cho KGB mà không chỉ điểm cho sở? Đừng thất vọng, thế cũng không làm nước Mỹ tệ hơn Nga đâu. Tình cờ đó lại là cách sở vận hành thôi. Thường thì sở sẽ dựa vào lũ tội phạm, nhưng tao hiếm khi dính dáng đến mấy hoạt động đó. Tao chỉ phát tán tin đồn thôi. Tao biết sở sẽ thích mấy trò này vì tin đồn cũng được ưa chuộng ở Moscow. Sở thậm chí còn thèm khát nó hơn. Hoover sợ mắc sai lầm đến nỗi lão đã ra khỏi cái ngành theo dõi bọn Nga mười năm rồi. KGB có một gã trong hồ sơ tổng của sở và Hoover còn không dám xóa nó đi vì sợ tin tức lan ra. Tao đã nói rõ là chỉ làm việc với văn phòng New York của sở. Cũng như các tổ chức quốc gia khác, những gã giỏi nhất luôn ở New York, và cảm động thay chúng thuộc tầng lớp trung lưu, sẵn lòng giao du với tao. Mà sao lại không chứ? Tao có phải thằng cha sát thủ nào của Mafia đâu, tao cũng chả đòi tiền. Thực tế, bọn chúng luôn biết chúng có thể tìm đến tao xin giúp đỡ khi chúng gặp khó khăn tài chính. Tao cho chúng những cái giá tốt không tưởng để bọn chúng mua áo choàng cho vợ.”
Arkady chợt nhớ lại cái áo lông mèo rừng và mũ lông chồn mà Osborne đã đưa mình.
“Tao cũng yêu nước như gã kia thôi,” Osborne nói và gật đầu với mấy người ngồi ở bàn phía sau Arkady. “Hoặc giả, nếu gã kia hóa ra là chủ tịch một công ty hạt đã thiết lập một nhà máy chưng cất giả ở Osaka mà sẽ đưa hạt đến cảng Thái Bình Dương của Xô Viết thì tao thậm chí còn yêu nước hơn gã.”
Đĩa cá hồi muối nướng được bày ra trước mặt Osborne, cạnh đó là một đĩa khoai tây sợi mỏng như món khoai tây thái của Nga. Arkady đang rất đói.
“Mày chắc là không muốn ăn chung với tao chứ?” Osborne hỏi. “Ngon tuyệt đấy. Ít ra cũng uống chút rượu nhé? Không à? Lạ lùng ghê,” hắn tiếp tục nói khi đang ăn, “hồi trước đứa Nga nhập cư nào đến Mỹ cũng mở nhà hàng. Bọn chúng phục vụ toàn đồ ngon - thịt bò Stroganov, gà Kiev, bánh paskha, bánh blini, trứng cá caviar, cá tầm nấu đông. Nhưng mà đó là năm mươi năm trước kia. Lũ nhập cư mới chả biết nấu nướng quái gì, chúng thậm chí còn không biết đồ ngon có vị như thế nào.”
Osborne lấy cà phê và bánh tart từ xe bánh ngọt. Món tráng miệng phủ đường và kem.
“Mày không ăn miếng nào à? Cựu công tố viên của mày, Andrei Iamskoy, chắc ngấu nghiến hết cả cái xe tải.”
“Hắn là một gã tham lam,” Arkady nói.
“Chính xác. Tất cả đều do hắn làm, mày biết đấy. Bao năm nay, tao đã trả lại cho hắn vì cái này hay cái khác - những lời giới thiệu, sự thiếu thận trọng nhỏ, kể từ lúc chiến tranh. Hắn biết tao sẽ không quay về Liên bang Xô Viết và quyết định đòi luôn một thể, đó là lý do hắn dẫn mày đến gặp tao trong cái phòng tắm. Tao khiến mày lơ là, hắn lại thúc mày tiếp tục. Mày cũng không cần được động viên quá nhiều. Hắn nói mày là một điều tra viên bị ám ảnh và hắn đúng. Một gã xuất sắc, Iamskoy, nhưng tham lam, như mày nói đấy.”
Họ rời nhà hàng và đi lên đại lộ, chiếc limousine của Osborne vẫn giữ khoảng cách phía sau, như lúc cái limousine theo đuôi họ trên bờ đê Moskva. Qua vài dãy nhà, họ đến hai bức tượng kỵ sĩ đang cưỡi ngựa lồng lên ở cổng công viên. Công viên trung tâm, Arkady tự nhủ. Họ tiến vào, chiếc limousine vẫn theo sau, vài bông tuyết còn đọng trên đèn pha. Chúng sẽ giết anh trong công viên này sao? Arkady tự hỏi. Không, nếu thế thì dùng phòng làm việc của Osborne còn dễ hơn. Một cỗ xe ngựa kéo được sơn sáng màu lộ ra trong ánh đèn kiểu cũ. Arkady hút thuốc để xua đi cơn đói.
“Cái thói quen Nga xấu xa.” Osborne tự châm một điếu xì gà. “Đó sẽ là cái chết của chúng ta. Mày biết sao hắn ghét mày không?”
“Ai kia?”
“Iamskoy.”
“Công tố viên? Tại sao ông ta lại ghét tôi?”
“Cái gì đó liên quan đến vụ kháng cáo lên tòa án Tối cao nơi mà hắn thấy hình ảnh của mình trong Pravda.”
“Vụ kháng cáo Viskov,” Arkady nói.
“Chính vụ đó. Nó hủy hoại hắn. Bọn KGB không đưa một trong đám tướng của chúng lên làm công tố viên Moscow để hắn bắt đầu công khai quyền của các bị cáo. Dẫu sao, KGB cũng như bao sở khác và một gã quyền lực, đặc biệt là một ngôi sao đang lên, có những kẻ thù cũng đầy quyền lực. Mày cho chúng đúng thứ vũ khí chúng cần, Iamskoy đang phỉ báng công lý của Xô Viết, chúng nói thế, hay là truyền bá sự tôn sùng cho chính hắn, hoặc là bị thần kinh. Sẽ có hẳn một chiến dịch lớn đấy. Vụ kháng cáo đó hủy hoại hắn, và mày đã đẩy hắn vào đó.”
Trong công viên Trung tâm, cựu điều tra viên đã hiểu tại sao gã công tố viên Moscow đã chết lại ghét anh. Tuy nhiên những điều Osborne nói có vẻ đúng. Anh nhớ lại cuộc trò chuyện trong phòng tắm với Iamskoy và viên thư ký của công tố viên trưởng và viện sĩ và công lý. Những tín hiệu về chiến dịch chống lại chủ nghĩa Vronsky sắp tới được nhắm vào Iamskoy, không phải Arkady!
Anh nghe nhạc rock và qua những tán cây, mắt anh tìm thấy ánh đèn sặc sỡ của một sân trượt băng cách đó không xa. Anh có thể nhìn thấy chuyển động trên băng.
Những bông tuyết lơ lửng quanh đèn và trong tia sáng. Một cái bóng đồng thau chào Arkady từ cái bệ.
“Tao sẽ nói cho mày biết tại sao tao thích tuyết,” Osborne nói. “Tao chưa kể cho ai bao giờ. Tao yêu nó vì nó giấu đi những kẻ đã chết.”
“Ý ông là ở công viên Gorky.”
“Ồ, không. Ý tao là ở Leningrad. Hồi tao mới đến Liên bang Xô Viết, tao là một gã trai trẻ giàu lý tưởng. Đúng thế, như thằng bé Kirwill ấy, thậm chí còn khiếp hơn. Không ai làm việc chăm chỉ hơn để khiến chương trình vay-mượn Lend-Lease thành công đâu. Bề ngoài tao là người Mỹ, tao phải đuổi kịp lũ Nga, phải làm nhiều hơn nữa, chỉ ngủ bốn tiếng mỗi đêm, suýt chết đói hàng tháng trời, chỉ cạo râu và mặc quần áo sạch khi đi Moscow đến điện Kremlin để tao có thể van xin, cho phép tao thêm chút thức ăn và dược phẩm vào cái xe tải mà chúng tao đang cố đưa vào Leningrad. Sáu trăm ngàn người Leningrad chết, nhưng thành phố không sụp đổ. Đó là một trận chiến từ căn nhà này sang căn nhà kia, bọn tao có thể mất một con phố vào buổi sáng và chiếm lại nó vào ban đêm. Hoặc lấy lại nó sau một năm nữa và tìm thấy đám xác chết từ tận năm trước. Mày sẽ học cách trân trọng lớp tuyết dày. Khi loạt đạn ngừng, chúng sẽ nói chuyện với nhau bằng loa. Cái loa Nga bảo bọn Đức bắn binh lính của mình, cái loa Đức lại xúi bọn Nga bắn lũ trẻ con. ‘Bắn chúng còn hơn bắt chúng chết đói. Đầu hàng đi, giơ súng đầu hàng và bọn tao sẽ cho chúng mày ăn gà,’ đám Đức nói vậy. Hoặc ‘Andrei này nọ ơi, hai con gái của anh đã bị bọn hàng xóm Xô Viết ăn thịt rồi đấy’. Câu này xúc phạm tao ghê gớm vì tao là người chịu trách nhiệm đem thức ăn vào thành phố. Bọn Đức cười nhạo chúng tao. Chúng có cả ngàn câu chuyện về những cái xác chúng thấy trên đường tìm vào thành phố. Chúng đặc biệt cười vào mũi tao. Chúng tò mò về thằng cha Mỹ đã nuôi sống bọn Nga. Chúng hỏi rằng thứ nuôi sống một triệu con người có phải chính là một phần nhỏ mà chúng đánh rơi từ máy bay hay lọt qua xe trượt tuyết không? Chúng cười rú lên. Tao còn nghĩ ra cái gì khả dĩ hơn nữa? Chúng hỏi không phải tao đã có câu trả lời rồi sao? Tao biết là có, rồi tao giết bọn sĩ quan Đức. Nhưng tao đã có câu trả lời.”
Họ ra khỏi công viên và đi vào phố số Năm, một đường phân cách giữa công chúng và người giàu. Đèn chùm tỏa sáng trong các ô cửa sổ, nhân viên trực cửa đứng dưới vòm. Chiếc limousine men vào một con ngõ để đợi khi Osborne đưa Arkady vào tòa nhà gần nhất. Một nhân viên thang máy mặc đồng phục đưa họ lên tầng mười lăm, nơi chỉ có một cánh cửa. Osborne mở khóa và ra hiệu cho Arkady đi vào.
Ánh sáng lọt qua khung cửa sổ đủ để Arkady nhìn thấy anh đang đứng trong tiền sảnh của một căn hộ lớn. Osborne ấn vào công tắc đèn nhưng chả có gì xảy ra. “Hôm nay, bọn thợ điện đã đến đây,” hắn nói. “Tao đoán chúng chưa xong việc.”
Arkady tiến vào căn phòng có bàn ăn dài với chỉ hai cái ghế, lướt qua cái tủ với những ngăn trống không đang mở ra, rồi đến phòng làm việc với cái ti vi vẫn nằm nguyên trong hộp và vài cái đèn trần bị dỡ xuống từ bức tường. Anh đếm được tám phòng, tất cả đều trơ trụi trừ cái thảm và cái ghế như là dấu hiệu báo trước điều gì. Còn có một mùi hương rất quen thuộc.
Anh lùi về phòng khách, nơi cái cửa sổ hai cánh nhìn ra công viên bên dưới, trông còn đẹp hơn khi nhìn từ trên cao. Anh nhìn thấy vẻ đen thẫm của những ao hồ và sân trượt băng hình oval màu trắng. Công viên được bao quanh bởi những căn hộ và khách sạn, bên trên là những đám mây.
“Mày thấy nó thế nào?” Osborne hỏi.
“Hơi trống trải.”
“Chà, ở New York, cảnh vật mới là quan trọng nhất.” Osborne lấy thêm một điếu xì gà từ trong hộp. “Tao đã bán mấy cái thẩm mỹ viện ở Paris rồi. Tao phải đầu tư vào chỗ khác và thêm một căn hộ ở đây cũng tuyệt. Thành thật mà nói, châu Âu đơn giản là không an toàn cho tao. Đó là cái khó khăn nhất của một thương vụ - đảm bảo an toàn cho thân thể.”
“Thương vụ nào?”
“Chồn zibelin đấy. May là tao đã trộm được một thứ đáng trả lại.”
“Bọn chồn zibelin đang ở đâu?”
“Trại lông ở Mỹ chỉ yếu ở quanh Ngũ Đại Hồ. Nhưng có lẽ tao nói dối, có thể tao có chồn zibelin ở Canada nữa. Canada là nước lớn thứ hai thế giới, chắc chúng sẽ mất không ít thời gian để tìm đâu. Hay có lẽ tao có ở Maryland với Pennsylvania, có vài cái trại ở đó. Vấn đề là vào mùa xuân tao sẽ có hàng đống chồn con, được nhân giống với chồn Barguzhinsky, và sẽ có thêm nhiều chồn zibelin nữa. Đó là lý do bọn Nga phải trao đổi ngay bây giờ.”
“Sao lại kể với tôi?”
Osborne đến bên cửa sổ với anh. “Tao có thể cứu mày,” hắn nói. “Tao có thể cứu mày và Irina.”
“Ông đã cố giết cô ấy.”
“Đó là Iamskoy và Unmann.”
“Ông đã cố giết cô ấy hai lần,” Arkady nói. “Tôi đã ở đó.”
“Mày từng là một người hùng, điều tra viên ạ. Không ai muốn tước đoạt nó khỏi mày cả. Dù sao chính tao đã đưa mày đến trường đại học để cứu Irina mà.”
“Ông dẫn tôi đến đó để bị giết.”
“Và chúng ta đã cứu cô ấy, cả mày và tao.”
“Ông giết ba người bạn của cô ấy ở công viên Gorky.”
“Còn mày thì giết ba người bạn của tao,” Osborne nói.
Arkady thấy ớn lạnh, cứ như cửa sổ đang mở vậy. Osborne không điên, mà cũng không phải con người. Nếu tiền có thể sản sinh ra xương và thịt, nó sẽ tạo ra Osborne. Nó vẫn mặc bộ đồ len, nó vẫn xẻ mái tóc hoa râm như thế, nó vẫn mang cái mặt nạ gầy gò với vẻ vui thú tột cùng. Họ ở trên cao so với mặt đường. Anh có thể giết Osborne, không nghi ngờ gì nữa. Anh sẽ không phải nghe thêm lời nào nữa.
Như thể Osborne đọc được suy nghĩ của Arkady, hắn lại lấy súng ra. “Chúng ta phải tha thứ cho nhau. Thối nát là một phần của chúng ta, bản chất của chúng ta. Nó vốn dĩ có sẵn trong Iamskoy, Cách mạng Nga hoặc không có cách mạng nào hết. Nó có sẵn trong mày và tao nữa. Nhưng mày vẫn chưa thấy hết căn hộ này đâu...”
Arkady đi trước, họ cùng sải bước trên hành lang đến một căn phòng anh chưa từng vào trước đó, và những cửa sổ ở đây cũng nhìn ra công viên. Có một bàn làm việc và một tấm gương, một ghế, bàn cạnh giường và một cái giường lớn, chưa được sắp xếp. Mùi hương anh nhận ra khi lần đầu tiên bước vào căn hộ càng tỏa ra rất rõ ở đầy.
“Mở ngăn thứ hai của bàn làm việc đi,” Osborne nói.
Arkady làm theo. Đặt gọn gàng trong tủ là quần lót và bít tất mới của đàn ông. “Vậy là sẽ có ai đó chuyển vào,” Osborne nói.
Osborne chỉ vào cánh cửa trượt của tủ đồ. “Mở cái cửa bên phải đi.”
Arkady trượt mở cánh cửa. Treo trên giá là một tá áo khoác và quần mới. Dù đèn lờ mờ, anh vẫn nhìn thấy chúng, y hệt bộ quần áo mà anh đang mặc. “Tội gì mà không lấy thêm, đúng không.” Osborne nói.
Arkady mở cánh cửa kia. Nó đầy váy, áo choàng, khăn tắm và hai cái áo lông, đáy tủ chứa giày và bốt phụ nữ.
“Mày sẽ chuyển vào đây,” Osborne nói, “mày và Irina. Mày sẽ làm việc cho tao và tao sẽ trả mày hậu hĩnh - còn hơn cả hậu nữa. Căn hộ đứng tên tao, nhưng tiền nhà và tiền bảo dưỡng năm đầu tiên đã được trả rồi. Bất cứ gã New York nào cũng rất sung sướng được đổi chỗ với mày đó. Mày sẽ có một cuộc đời mới.”
Cuộc hội thoại này thật không tưởng, Arkady nghĩ, có điều gì đó không hợp lý.
“Mày muốn Irina được sống chứ?” Osborne hỏi. “Giao dịch là vậy: chồn zibelin đổi lấy Irina và mày. Irina vì tao muốn, và mày vì cô ta sẽ không đến mà không có mày.”
“Tôi không định chia sẻ Irina với ông đâu.”
“Mày đang xài chung với tao rồi,” Osborne nói. “Mày xài chung với tao hồi ở Moscow và cho đến tận bây giờ từ lúc mày đến đây. Tao ở trên giường nó sáng hôm đó lúc mày nói chuyện với nó ngoài căn hộ. Nó ngủ với mày đêm qua và với tao trưa nay.”
“Ở đây?” Arkady nhìn chằm chằm vào tấm ga trải giường nhăn nhúm bừa bộn.
“Mày không tin tao,” Osborne nói. “Thôi nào, mày vốn là điều tra viên giỏi mà, sao lại ngạc nhiên đến thế. Sao mà tao gặp được James Kirwill nếu không có Irina? Hay Valerya hoặc Kostia. Và mày không thấy lạ là tao và Iamskoy không tìm thấy hai đứa mày khi bọn mày đang trốn trong phòng mày à? Bọn tao có cần tìm đâu, nó gọi tao từ căn hộ của mày. Mày nghĩ sao tao tìm được nó khi mày đến biên giới Phần Lan? Nó tự dẫn xác đến gặp tao đấy chứ. Mày không tự hỏi những câu đó à? Vì tự bản thân mày đã có câu trả lời rồi. Tao đã thú nhận rồi đấy, đến lượt mày đi. Nhưng mày không thích thế đúng không? Cuối cuộc điều tra, mày chỉ muốn tìm ra con quái vật và những xác chết được phân loại. Chúa ngăn không cho mày tự tìm ra. Mày sẽ học cách sống với chính mình, tao thề đấy. Bọn Nga sẽ quẳng mày và Irina vào cái danh sách Do Thái, chúng làm thế để loại bỏ những rắc rối không cần thiết.”
Osborne đặt khẩu súng lên bàn. “Tao không muốn mày ở đây, nhưng Irina sẽ không đến mà không có mày. Điều đó khiến tao điên tiết. Tất cả những gì nó muốn chỉ là được ở đây và sau đó nó lại đe dọa đòi quay về. Giờ thì tao mừng là mày ở đây, mọi thứ thật trọn vẹn.” Hắn mở tủ bàn và lấy ra một chai Stolichnaya với hai cái ly. “Tao sẽ tìm ra sự hấp dẫn của tình huống này. Còn ai có thể hiểu nhau hơn kẻ sát nhân và điều tra viên của hắn chứ? Nhiệm vụ của mày chính là làm sáng tỏ vụ án, mày phải điều tra ra tên tội phạm. Mày tưởng tượng ra tao trong tâm trí trước cả khi chúng ta gặp nhau và khi tao chạy trốn khỏi mày, mày lại làm tao ám ảnh. Chúng ta đã luôn là đồng phạm.”
Hắn rót vodka tới tận miệng cốc, dòng chất lỏng nhẹ nhàng dâng lên, rồi đưa ly cho Arkady.
“Và còn tên sát nhân và điều tra viên nào có thể thân thiết hơn hai gã đàn ông cùng chia sẻ một ả đàn bà chứ? Chúng ta cũng là đồng phạm trong tình yêu.”
Osborne nâng ly của hắn lên. “Vì Irina.”
“Tại sao ông lại giết những người ở công viên Gorky?”
“Mày biết tại sao mà, mày phá vụ đó còn gì.” Osborne vẫn chưa hạ ly xuống.
“Tôi biết ông ra tay như thế nào, nhưng tại sao?”
“Vì chồn zibelin, như mày biết đấy.”
“Tại sao ông lại muốn những con chồn của chính ông chứ?”
“Vì tiền. Mày biết hết mà.”
“Ông đã có rất nhiều tiền rồi.”
“Để có nhiều hơn.”
“Chỉ nhiều hơn?” Arkady hỏi. Anh đổ rượu trong ly xuống thảm buồng ngủ, vẽ một hình xoắn ốc bằng rượu vodka. “Thế thì ông không phải là một gã nhiều đam mê rồi, ngài Osborne ạ, ông chỉ là một con buôn sát nhân. Ông là thằng ngốc, ngài Osborne ạ. Irina bán thân cho ông và dâng hiến cho tôi. Một con buôn chỉ nên khao khát bộ da, đúng chứ? Ông phải biết cách lột da chứ. Bọn tôi sẽ sống ở đây bằng tiền của ông và cười vào mặt ông. Và ai biết lúc nào bọn tôi sẽ biến mất? Lúc đó ông sẽ không có chồn zibelin, không Irina, chả gì sất.”
“Thế nghĩa là mày đồng ý với đề nghị của tao.” Osborne nói. “Hôm nay là thứ Tư. Vào thứ Sáu, bọn Nga và tao sẽ trao đổi - mày và Irina lấy chồn zibelin. Mày cho phép tao cứu mày chứ?”
“Được,” Arkady nói. Còn sự lựa chọn nào khác? Chỉ Osborne có thể cứu Irina. Một khi được an toàn, họ sẽ chạy trốn. Nếu Osborne cố cản họ, Arkady sẽ giết hắn.
“Thế thì nâng chén vì mày nào,” Osborne nói. “Tao mất một năm ở Leningrad để nhận ra con người dám làm những gì để tồn tại. Mày mới ở đây hai ngày và mày đã trở thành một người hoàn toàn khác. Thêm hai ngày nữa là mày thành người Mỹ.” Hắn uống cạn chén rượu. “Tao mong chờ tương lai quá,” hắn nói. “Có bạn thật tốt.”
Chỉ còn lại một mình trong thang máy, lòng Arkady trĩu nặng dưới sức ép của sự thật. Irina là một con điếm. Cô đã ngủ với Osborne và chỉ Chúa mới biết cô đã ăn nằm với bao nhiêu thằng để có thể đến đây. Nói dối Arkady, dối trá với những nụ hôn và lời bao biện - bỡn cợt và biến anh thành thằng ngốc. Còn tệ hơn nữa, anh đã biết. Anh đã biết ngay từ đầu, từng lúc một, biết rõ hơn khi anh yêu cô nhiều hơn nữa. Giờ thì cả hai đều như nhau. Anh trong bộ quần áo mới, không còn là điều tra viên trưởng, cũng không còn là tội phạm - thế anh là cái gì? Ba cái xác trong công viên Gorky. “Còn chúng thì sao?” Osborne đã hỏi thế. Còn Pasha thì sao? Anh đau đớn nghĩ đến những sự gian dối mà anh đã phạm phải. Lần đầu tiên để Pribluda có thể tiếp quản. Lần thứ hai để anh có được Irina và vụ cuối cùng để Osborne có được cô.
Cửa thang máy mở ra và anh đi qua hành lang. Ta là cộng sự của Osborne, anh tự trả lời. Ngay khi anh ra đến vỉa hè, chiếc limousine xịch đến. Anh mù quáng chui vào, chiếc xe đi về phía nam, hướng khách sạn.
Nhưng anh vẫn yêu cô. Anh có thể quay lưng lại với những xác chết ở công viên Gorky. Cô đã làm một con điếm để đến Mỹ, và anh cũng sẽ làm tương tự để cô ở lại. Khách sạn Barcelona thật hợp với một cặp đôi như vậy. Anh lăn đầu trên ghế. Những bông tuyết run rẩy trên cái bóng cửa sổ đang lay động. Đừng hỏi gì, cô đã van xin anh như thế, để anh không hỏi câu nào và khiến tâm trí anh trống rỗng. Cô còn bao nhiêu tủ đồ nữa? Cô đã ở New York bao lâu rồi?
Anh bình tĩnh trở lại. Anh chưa bao giờ suy sụp. Anh chưa bao giờ nói. Nhưng KGB và FBI và những người khác đều biết về Irina và Osborne. Còn ai ở đó ngoài Irina để kể cho chúng biết nữa. Và trước đó nữa. Cô đã ngủ với Osborne bao nhiêu năm nay rồi? Không, chắc không còn gã nào khác. Osborne quá tự cao để cho phép điều đó xảy ra.
Ở Broadway, họ đi qua tấm bảng phim có con khỉ đang cười. “Diễn trực tiếp!”, một tấm biển đề. Một người phụ nữ da đen đội tóc giả vàng, một người phụ nữ đội tóc giả đỏ và một gã trai đội mũ cao bồi đứng ở cổng vào. Ở quảng trường thời đại, mỗi góc lại có một đôi cảnh sát đầy lo lắng. Bảng yết thị bùng nổ với màu sắc và khói. Tuyết bay như tàn tro qua những đám đông. Một người chạy bộ lẩn giữa bầy gái bán hoa.
Nhưng Irina yêu anh. Cô sẵn sàng quay về Nga, hoặc ở lại Mỹ, tất cả đều tùy thuộc vào anh. Anh nhớ lại lúc cô còn làm ở Mosfilm, cái áo khoác Afghan và chiếc bốt bị nứt. Thế là cô đã ngủ với Osborne ở Moscow, nhưng không nhận món quà nào. Kể cả tiền dù lúc nào cô cũng đói khát. Món quà duy nhất cô chấp nhận là nước Mỹ. Arkady đã cho cô cái gì, một cái khăn với họa tiết mấy quả trứng Phục sinh sao? Chỉ Osborne mới có thể dâng nước Mỹ cho cô ta, chỉ Osborne mới có thể cho anh sự thật. Osborne có quyền năng ban phát những món quà kỳ diệu.
Mỹ, Nga, Nga, Mỹ. Nước Mỹ là ảo vọng đẹp đẽ nhất. Nó thách thức mọi hy vọng. Kể cả khi đã ở đây trong ánh sáng của nó, đủ gần để vò nát những tờ đô la trong tay, nó vẫn chỉ là ảo vọng. Anh sẽ không bao giờ đến đây nếu biết trước về Irina và Osborne, anh tự nhủ. Nhưng anh vốn đã biết về Irina và Osborne từ rất lâu rồi, anh tự trả lời. Ai mới là kẻ ảo vọng?
Cô sẽ quay về nếu Arkady muốn, kể cả Osborne cũng công nhận điều đó.
Irina và Osborne làm tình như thế nào?
Irina, Osborne, Osborne, Irina. Anh dường như có thể nhìn thấy cảnh họ làm tình.
Anh kết thúc suy tưởng khi chiếc limousine đỗ vào lề đường. Anh nhận ra họ đang ở rất xa về hướng nam đường Hai mươi chín. Cả hai cửa sau bật mở, từ hai phía có hai gã da đen dựa vào xe, dùng một tay chĩa súng vào đầu Arkady và tay kia giơ huy hiệu thám tử. Tấm kính chắn ghế sau và ghế tài xế trượt xuống, để lộ Kirwill sau tay lái.
“Chuyện gì đã xảy ra với tay tài xế?” Arkady hỏi.
“Gã người xấu nào đó đã đánh vào đầu hắn và cướp cái xe.” Kirwil cười ngạo nghễ. “Chào mừng đến New York.”
Kirwill ngấu nghiến sandwich thịt bò nóng hổi và uống whisky bằng cốc vại. Hai thám tử da đen, Billy và Rodney, uống rum với coca ở quầy đối diện. Arkady ngồi đối diện Kirwill, ly của anh rỗng không. Tâm trí anh không ở trong quán bar, anh không tự do, anh đang nhìn thấy tấm ga nhàu nhĩ trên giường căn hộ. Anh ngồi với Kirwill như cách một gã đàn ông có thể ngồi thờ ơ trong cơn hỏa hoạn.
“Osborne có thể nói ‘Tao đã giết bọn chúng’,” Kirwill giải thích. “Hắn có thể nói, ‘Tao bắn chúng lúc ba giờ chiều ngày mùng một tháng Hai. Tao làm thế và tao hài lòng.’ Hắn sẽ không bị dẫn độ. Với bất cứ gã luật sư Mỹ ổn ổn nào, vụ này cũng chỉ mất năm năm là cùng. Nhưng lại mất đến hai mươi năm để đưa một tên tội phạm chiến tranh Đức quốc xã ra khỏi đây. Xem nào, năm năm cho tòa sơ thẩm, thêm năm năm kháng án. Cuối cùng, hắn có thể đến tận tòa phúc thẩm liên bang và mua chuộc một vụ xử sai. Thắng hay thua, mười lăm năm đấy. Bọn chồn zibelin giao phối, không nhiều như chồn vizon nhưng vẫn giao phối, và trong mười lăm năm, nền độc quyền chồn zibelin của Nga sẽ chỉ còn là huyền thoại. Những năm mươi triệu đô la ngoại tệ đấy. Thế nên quên vụ dẫn độ đi. Hai lựa chọn khác là giết Osborne và cướp lại chồn zibelin, hoặc thỏa hiệp. Sở đang bảo vệ Osborne, và bọn Nga không biết chồn zibelin ở đâu, thế nên chúng sẽ thỏa hiệp. Kìa, phải khen hắn đấy. Hắn chơi bọn KGB, chơi chúng rồi khiến chúng phát điên lên. Hắn là anh hùng nước Mỹ hẳn hoi đấy. Anh thì sao, thằng phản động Nga? Nhưng tôi sẽ giúp anh, Renko ạ.”
Kirwill và hai gã thám tử của anh ta trông như bọn cướp ngoại lai, trông chả có tí gì như kiểu cảnh sát Moscow. Chiếc limousine bị cướp chỉ cách đó vài dãy nhà.
“Lẽ ra, anh nên giúp tôi lúc ở Moscow.” Arkady nói. “Nếu thế tôi đã có thể ngăn Osborne lại ngay lúc đó. Giờ thì anh chả giúp gì được tôi nữa.”
“Tôi có thể cứu anh.”
“Cứu tôi?” Arkady thấy thật nực cười. Ngày hôm qua thôi có thể anh còn tin Kirwill. “Anh không thể cứu tôi nếu không có chồn zibelin. Anh có không?”
“Không.”
“Anh sẽ cứu tôi, nhưng anh không thể cứu được. Chuyện này chả khả quan lắm.”
“Rời khỏi cô gái kia đi - hãy để KGB trút giận lên cô ta.” Arkady dụi mắt. Anh ở Mỹ và Irina ở Nga? Thật ngớ ngẩn.
“Không.”
“Tôi đã đoán là thế mà.”
“Chà, cảm ơn vì ý tốt của anh.” Arkady bắt đầu nhỏm dậy. “Chắc bây giờ anh nên đưa tôi quay lại khách sạn.”
“Đợi chút thôi.” Kirwill đẩy anh xuống. “Uống vì những ngày đã xa nào.” Anh ta đổ đầy cái ly trước mặt Arkady, lục trong túi và đưa ra một túi đậu phộng rồi quăng lên bàn. Billy và Rodney tò mò quan sát Arkady, như thể anh uống bằng mũi vậy. Họ cao và đen bóng, mặc áo sáng màu không cổ. “Nếu sở giao anh cho một gã sát nhân đã tự thú nhận, họ cũng có thể giao anh cho Cục Cảnh sát New York thêm năm phút nữa đấy.” Kirwill nói.
Arkady nhún vai rồi uống một hơi cạn ly whiskey. “Sao cái ly này bé thế nhỉ?” Anh hỏi.
“Đó là một dạng tra tấn được thiết kế bởi đám thầy tu đấy,” Kirwill nói. Anh ta nhìn những gã thám tử kia. “Này, ít nhất cũng lấy chút đậu phộng chứ. Có đứa nào chịu nhổm dậy không?” Khi Billy đến quầy bar, Kirwill quay lại nhìn Arkady và nói, “Con bích tuyệt vời.”
“Con bích?” Arkady hỏi.
“Con bích, bọn mọi, máu, công tử bột, dừa. Này, bây giờ, Rodney,” Kirwill nói khi gã thám tử da đen còn lại cười và lắc đầu, “nếu gã này trở thành người Mỹ, anh ta sẽ hiểu những từ kia thôi.”
“Sao anh lại không thích FBI?” Arkady hỏi.
Tính buồn vui thất thường khiến Kirwill đột nhiên thay đổi. Điệu cười ngạo nghễ trở nên méo mó. “Chà, có nhiều lý do lắm. Lý do nghề nghiệp thì bởi vì bọn FBI có chịu điều tra gì đâu, chúng toàn thuê bọn chỉ điểm. Vụ nào cũng thế - gián điệp, quyền công dân, mafia - tất cả những gì chúng biết là từ bọn chỉ điểm. Hầu hết dân Mỹ đều nhạy cảm về chuyện chỉ điểm, nên sở càng quan tâm đặc biệt. Lũ chỉ điểm của chúng toàn bọn tâm thần và sát thủ. Khi sở đối mặt với thế giới thực, đột nhiên anh bắt được một lũ quái đản biết giết người với dây đàn piano. Giả sử gã quái đản kia bị bắt, và hắn sẵn sàng bán đứng bạn bè. Hắn sẽ khai với sở tất thảy những gì chúng muốn nghe và bịa ra những gì hắn không biết. Thấy chưa, sự khác nhau cơ bản nằm ở đó. Một gã cớm đi ra đường và tự điều tra thông tin, hắn sẵn lòng vấy bẩn vì khát vọng của đời hắn là trở thành một thám tử. Nhưng một gã đặc viên của sở thực chất chỉ là thằng cha luật sư hay kế toán, hắn muốn ngồi trong văn phòng và ăn mặc bảnh chọe, có khi là làm chính trị nữa. Thằng khốn đó sẽ mua chuộc một gã lập dị mỗi ngày.”
“Không phải gã chỉ điểm nào cũng lập dị đâu,” Arkady lẩm bẩm. Anh nhìn thấy Misha đứng trong nhà thờ, uống thêm một ly khác và xua tan hình ảnh đó.
“Sau khi làm chứng xong, lũ lập dị sẽ được chuyển đi và ban cho tên mới. Nếu gã lập dị giết ai khác, sở lại chuyển hắn đi. Có những gã điên đã được chuyển đi bốn, năm lần - hoàn toàn được miễn tội. Tôi không thể bắt chúng, lệnh ân xá của chúng còn tốt hơn cả Nixon. Đó là những gì xảy ra khi anh không tự mình làm việc, khi anh dùng lũ lập dị.”
Gã thám tử quay lại từ quầy bar với một cái tô nhựa vân gỗ. Kirwill đổ đậu phộng vào tô. “Khi anh xong việc, Billy à,” anh ta nói, “sao anh không gọi đến trại và xem chúng nó đã thả anh bạn Rats của chúng ta ra chưa.”
“Còn... lâu!” Billy nói, nhưng vẫn đến bốt điện thoại.
“Osborne nói hắn là chỉ điểm cho FBI,” Arkady nói.
“Ừ, tôi biết.” Kirwill nhìn lên như thể mắt anh đang chăm chú nhìn trăng. “Anh tưởng tượng ra cái ngày John Osborne bước vào cục rồi đấy. Chúng hẳn là giẫm quéo cả chân vì đứng bật lên nhanh quá. Một gã như hắn - đã từng đến Kremlin, từng đến Nhà Trắng, giới thượng lưu - không thèm đồng nào, có thể mua bán bất cứ gã nào trong cục. Đàn đúm với đủ loại người. Hắn là gã lập dị trong mơ đã trở thành sự thật của anh đấy.”
“Sao hắn không đến CIA?”
“Vì hắn thông minh. CIA có hàng ngàn nguồn tin về Nga, cả trăm gã ra vào nước Nga. Còn FBI đã bị ép đóng cửa văn phòng ở Moscow. Tất cả những gì chúng có là Osborne.”
“Tất cả những gì hắn có thể cho họ là tin đồn nhảm.”
“Chúng chỉ cần có thế. Chúng chỉ muốn nhảy vào lòng một gã nghị sĩ và ton hót vào tai hắn những gì chúng đã nghe được từ nguồn tin đặc biệt rằng Brezhnev mắc bệnh giang mai. Cũng như những gì chúng thì thầm về mấy gã nhà Kennedy và nhà vua. Đó là những gì mà lũ thượng nghị sĩ sẵn sàng trả giá để có được, Osborne đang bày trò. Hắn muốn sở bảo vệ hắn và hắn sẽ không phải đổi tên, sống chui lủi.”
Arkady đã ăn hết đậu phộng khi Kirwill nói. Anh tự rót thêm một ly khác. “Nhưng hắn đã trộm chồn zibelin và phải trả chúng lại.”
“Thật à? Nga có trả lại nếu KGB là kẻ cắp không? Hắn là một người hùng.” “Hắn là một gã sát nhân.”,” anh nói đấy.”
“Tôi không phải KGB.”
“Theo tôi đấy. Trong thế giới đảo điên này, chúng ta là những gã lạc lõng.”
“Chúng không cho anh ta đi.” Billy trở về từ bốt điện thoại. “Giờ chúng muốn giữ anh ta vì tội quấy rối nơi công cộng. Chúng sẽ xử anh ta trong vòng một giờ nữa.”
Giọng của Billy khiến Arkady liên tưởng đến một chiếc saxophone. “Hai gã của ông” - anh quan sát Billy và Rodney - “không phải họ đang sơn cái văn phòng đối diện khách sạn của tôi à?”
“Thấy chưa,” Kirwill nói với họ, “tôi đã bảo gã này không phải dạng vừa mà.”
Khi họ rời khỏi quán bar, Billy và Rodney rời đi trong chiếc mui trần màu đỏ. Kirwill và Arkady đi bộ qua dãy đường giao nhau ở những góc lẻ qua một phần thành phố mà Kirwill gọi là Làng. Chỉ có đủ tuyết để làm đèn đường nổi bật lên và khiến bầu không khí ban đêm dễ chịu hơn. Trên đường Barrow, họ dừng lại trước một căn nhà gạch ba tầng với bậc thang cẩm thạch và dây leo chen giữa những ngôi nhà gần y như nhau. Arkady không cần được kể cũng biết đó là nhà Kirwill.
“Vào mùa hè, đám đậu tía đó lan nhanh không thể kiểm soát nổi, một địa ngục quen thuộc màu tím,” Kirwill nói. “Big Jim và Edna có một gã người Nga sống ở đây với bọn tôi, nhưng tiếng Anh của gã không tốt lắm. Khi đám bạn đến chơi, gã bảo chúng tìm căn nhà ‘bao phủ bởi chứng rối loạn tâm thần’. Bó tay.”
Căn nhà trông hơi lơ lửng trong bóng tối.
“Chúng tôi có rất nhiều người Nga. Bà vú già chăm sóc tôi từng chơi trò năm chú lợn con trên ngón chân tôi. Bà ấy nói, ‘Lợn con Rockefeller đi chợ, Mellon bé nhỏ này ở nhà, Stanford nhỏ bé kia ăn bò nướng...’.”
“Sở từng phái hai gã ngồi trong xe ở đây cả ngày lẫn đêm. Chúng theo dõi điện thoại, đưa con chíp vào tường từ nhà khác, chúng hỏi bất cứ ai bước ra khỏi cửa. Những gã vô chính phủ đặt bom trên mái. Đó là một dạng án treo cả khu vực mà anh không thấy trong nhiều nhà. Sau đó, Jimmy dựng một cái bệ thờ ở đấy - thập tự, tượng thánh. Chúa là quả bom của Jimmy. Big Jim và Edna phát nổ, Jimmy nổ tung, còn tôi, tôi chỉ còn một gã người Nga.”
“Và anh vẫn sống ở đây?”
“Trong một căn nhà quỷ ám. Cả đất nước này là một căn nhà quỷ ám. Thôi nào, có kẻ chúng ta phải tóm được đấy.”
Xe của Kirwill màu xanh, cũ, sạch quá mức cần thiết. Anh ta đi về hướng nam trên đường Varick, xuề xòa vẫy tay với một đoàn xe cảnh sát họ bắt gặp. Arkady chợt nhận ra chắc bây giờ Wesley đã biết anh mất tích và ở khách sạn Barcelona chắc đang náo loạn cả lên. Có thông cáo nào được gửi cho đoàn xe cảnh sát không? Họ có nghi ngờ Kirwill không?
“Ngay cả nếu Osborne là một gã chỉ điểm quan trọng, tôi không hiểu sao FBI lại cho phép hắn gặp tôi,” Arkady nói. “Dù sao hắn vẫn là tên tội phạm còn họ là cơ quan thực thi công lý.”
“Những thành phố khác sống theo luật. Ở New York thì chả có luật lệ gì sất. Nếu một nhà ngoại giao đâm xe anh, bắn chó của anh, hắn chỉ lẳng lặng về nhà.”
Lái xe qua con phố xa lạ vào ban đêm, tưởng tượng của anh đầy ắp những gì không thể thấy. Trong bóng đêm, Arkady nhớ đến những ống khói của công trình Likhachev, những bức tường của Manezh, những con phố của Novokuznetskaya.
“Tuy nhiên, lần này sở đang chơi bài khác,” Kirwill nói. “Chúng có những căn hộ an toàn ở Waldorf, sao lại cho anh ở Barcelona? May thật vì cảnh vệ ở đó lởm lắm, tôi có thể đưa Billy và Rodney đến chỗ anh. Nhưng cũng khả nghi, vì thế có nghĩa là Wesley không muốn bất cứ hồ sơ nào, kể cả của sở, lưu lại rằng anh đã ở đây. Osborne đã nói gì với anh vậy? Hắn có nhắc đến thỏa thuận nào không?”
“Chỉ nói chuyện thôi,” Arkady nói. Lời nói dối bật ra không ngập ngừng, như thể từ một bộ não khác và một cái miệng khác, tinh ranh hơn.
“Hắn nói về bản thân hắn và cô ấy, xem tôi có hiểu hắn không. Hắn là loại người thích hành hạ người khác. Cứ để hắn cho tôi.”
Những tòa nhà công cộng thấp hơn của Manhattan là sự mô phỏng nhà thờ thành La Mã về đêm, kiến trúc thuộc địa và hiện đại, với một ngoại lệ tràn ngập ánh sáng, một tòa nhà khổng lồ duy nhất nuốt chửng cả khối và trông thân thuộc với Arkady. Nó là tòa nhà ở Stalinist Gothic mà không có kiểu cách phương Đông của Stalin, như necrolith mà không có ngôi sao ruby phát sáng. Kirwill đỗ xe trước tòa nhà.
“Sao thế?” Arkady hỏi. “Giờ này còn cái gì hoạt động nữa?”
“Đó là những hầm mộ. Kirwill nói. “Phiên tòa đêm đã bắt đầu.”
Họ đẩy cánh cửa đồng thau rồi tiến vào tiền sảnh với những kẻ ăn mày đầy vết thâm tím, áo khoác thủng túi. Ở Moscow cũng có ăn mày, nhưng chỉ nhìn thấy họ trên ga tàu hoặc khi họ bị đuổi đi bởi một chiến dịch cảnh sát. Cả tiền sảnh là của họ. Quầy thông tin có đống rác chất cao đến thắt lưng. Một phía của tiền sảnh dán đầy thời gian xử án, phía kia có một dãy điện thoại bằng nhôm. Những cái đèn chùm khổng lồ treo xa tầm với. Một đôi bạn già trong bộ áo choàng nhàu nhĩ, mang theo những cái vali bé nhìn Arkady.
“Luật sư đấy,” Kirwill giải thích. “Họ tưởng anh là khách hàng.”
“Họ nên biết rõ hơn về khách hàng của mình đấy.”
“Họ không biết khách hàng của họ là ai cho đến khi chúng đi qua những cánh cửa này.”
“Họ nên gặp khách hàng trong văn phòng chứ.”
“Đây chính là văn phòng của họ.”
Kirwill dẫn anh đi qua đám đông và một đôi cửa đồng thau để vào một căn phòng mà Arkady nhận ra đã từng là phòng xử án. Đã gần nửa đêm, còn phiên tòa nào nữa?
Một vị thẩm phán trong chiếc áo choàng ngồi trên cái bàn cao trước tấm ván gỗ khắc dòng chữ ‘Chúng ta tin ở Chúa’ và một lá cờ Mỹ phủ nhựa. Người tốc ký cùng viên thư ký ngồi ở bàn thấp hơn, và một người đàn ông ngồi ở cái bàn phân loại những đống biên bản buộc tội bìa xanh. Luật sư đi đi lại lại từ bàn giấy đến chỗ thẩm phán rồi lại đến những cái ghế dài nơi bị cáo đang đợi. Có đủ giới tính, độ tuổi và hầu hết là người da đen. Tất cả thẩm phán đều trẻ, da trắng và là nam giới.
Một dải nhung ngăn vụ tố tụng khỏi một dãy đầu những người đàn ông mặc áo khoác da và quần jeans. Họ đeo huy hiệu cảnh sát ở thắt lưng và biểu lộ sự buồn chán tột cùng, vài kẻ mắt đảo liên hồi, số khác thì nhắm mắt lại. Gia đình các bị cáo ngồi hàng sau, giữa đám ăn mày gà gật. Đây là giấc ngủ của thành phố, nó bắt đầu và lan ra từ phiên tòa này, sự mệt mỏi vượt qua bất cứ cơn giận nào, hơn cả điệu bộ hoài nghi cố định. Quan tòa, bị cáo, bạn bè, mọi khuôn mặt đều uể oải.
Một người phụ nữ có nước da cà phê bế đứa bé trong bộ đồ đi tuyết, ngồi bình yên cạnh Arkady. Đôi mắt đứa bé phản chiếu những ánh đèn trần lấp lánh. Tấm chắn sáng cửa sổ đóng lại. Thỉnh thoảng, một viên bảo vệ sẽ đánh thức hoặc tống khứ một kẻ ngáy to, nếu không thì phòng xử án sẽ hoàn toàn tĩnh lặng vì khi một bị cáo hay viên cảnh sát bắt giữ hắn được gọi đến đứng trước bàn, luật sư sẽ nói chuyện với thẩm phán bằng cái giọng thì thầm không thể nghe được. Sau đó, thẩm phán sẽ ra giá. Đôi khi giá là một nghìn đô, thỉnh thoảng lại mười nghìn đô. Thẩm phán lắng nghe, không bao giờ ngẩng lên, cái đầu quay qua quay lại giữa các luật sư. Họ đang mặc cả, Arkady chợt nhận ra. Một vụ án chỉ mất năm hay thậm chí chỉ một phút để chốt giá. Ở Moscow, anh đã thấy những gã say mèm được xử nhanh chóng, nhưng đây là những gã bị buộc tội cướp của và hành hung. Khi bị cáo tiếp theo được gọi, gã trước đó cười tự mãn đi qua dải dây nhung, đặt một cái lược lên tóc rồi bỏ đi trước mắt viên cảnh sát đã tóm hắn.
‘“Tiền bảo lãnh’ là gì?” Arkady hỏi.
“Đó là thứ anh trả để ra tù.” Kirwill nói. “Anh có thể xem nó như khế ước, khoản nợ hoặc thuế.”
“Đấy là công lý ư?”
“Không, nhưng đó là luật. Chúng chưa đưa Rats đến đây - tốt lắm.”
Vài gã thám tử đến cuối phòng xử án để chào Kirwill. Họ to lớn, lực lưỡng và mỡ chen chúc trong chiếc áo len và thắt lưng với huy hiệu thám tử - khác hẳn những đặc vụ FBI thon thả. Một gã chỉ vào tên bị cáo tiếp theo đang rúm ró trước quan tòa rồi nói, “Thằng khốn bóp cổ một người phụ nữ ở công viên Battery để cướp của, nên đội chống trộm cướp bắt nó. Lúc đó họ nghĩ cô ta bị cưỡng hiếp, nên giao hắn cho các cô ở Đội Cưỡng Hiếp, sau đó họ nghĩ cô ta sẽ chết nên chuyển nó sang cho chúng tôi ở đội Trọng án. Nhưng cô ta không chết và cũng không bị hiếp, nên lại được chuyển cho Ban chống Cướp Giật - tuy nhiên, ca của họ đã kết thúc và giấy tờ ở khắp mọi nơi. Nếu nó không đến đây trong một phút, hắn sẽ được thả.” “Một gã điên,” gã thám tử thứ hai nói. “Lúc còn vị thành niên đã phạm tội giết người khi thiêu sống mẹ nó. Chúng ta phải bảo vệ bất cứ ai giống mẹ nó, đúng không?” “Để làm gì?” thám tử đầu tiên hỏi. Lý do sắc nhọn và bẩn thỉu, mượt mà vã dầu mỡ, gai góc và đa phương là gì?” Arkady nhún vai, anh không biết. Kirwill cũng nhún vai. Chấp nhận lòng tôn kính của những thám tử khác, ông là trí tuệ của họ, bờ vai vững chãi của họ, đôi mắt xanh thẳm rực sáng của họ. “Chả vì cái gì cả,” gã nói, “lý do là thế đó.”
Kirwin dẫn Arkady ra khỏi phòng xử án và quay lại tiền sảnh. “Giờ chúng ta đi đâu?” Arkady hỏi.
“Đưa Rats ra khỏi nhà tù. Anh còn gì hay ho hơn để làm à?”
Kirwill ném mạnh vào cái cửa thép. Hai con mắt nhìn qua cái lỗ và cánh cửa dẫn vào nhà tù Manhattan mở ra. Nhà tù là xà lim giam giữ cho tòa án. Nhìn từ một góc, những cái xà màu xanh là tường với đám tay nhô ra. Đi vào trong, họ mở ra một căn phòng lát gạch vàng nơi có cả tá gã đàn ông đang đợi đến lượt xử án, trông dễ bảo như người máy, đôi mắt họ chỉ chuyển động khi Arkady và Kirwill đi qua. Kirwill dừng trước một xà lim giam một gã đàn ông da trắng ăn mặc quái dị với găng len hở ngón, đôi bốt đầy bùn, cái áo khoác đầy túi và một cái mũ len che mớ tóc rối bù. Mặt anh ta đỏ ửng, bẩn thỉu vì rượu và bị phơi bày, anh ta đang cố khống chế cơn run rẩy ở chân trái. Bên ngoài xà lim là một thám tử với bộ ria mép và một gã đàn ông trẻ mặt mày méo mó trong bộ com-lê.
“Sẵn sàng về nhà chưa, Rats?” Kirwill hỏi người đàn ông trong xà lim.
“Ngài không được mang ông Ratke đi đâu cả, thưa trung úy,” gã đàn ông đeo cà vạt nói.
“Đây là trợ lý của luật sư quận, anh ta sẽ trưởng thành và trở thành luật sư bào chữa danh tiếng,” Kirwill giải thích với Arkady. “Còn đây là một thám tử rất nhút nhát.”
Quả thực viên thám tử trông như thể sắp giấu mặt sau bộ râu và nép mình lại.
“Ông Ratke sẽ bị buộc tội trong vài phút nữa,” viên luật sư nói.
“Vì say xỉn và gây rối nơi công cộng à?” Kirwill cười. “Anh ta say mèm, các anh hy vọng điều gì chứ?”
“Chúng tôi cần vài thông tin từ ông Ratke.” Viên luật sư có lòng dũng cảm đầy run rẩy như một con cún con. “Tôi muốn trung úy chú ý cho là gần đây có một tên trộm nguy hiểm ở công ty Hudson Bay, thủ phạm vẫn chưa được tìm ra. Chúng tôi có lý do để tin rằng ông Ratke đang cố bán hàng được trộm cắp.”
“Chứng cứ đâu?” Kirwill hỏi. “Các ông không thể giữ anh ta.”
“Tôi không ăn cắp!” Rats hét lên.
“Dẫu sao, ông vẫn đang bị giam vì gây rối nơi công cộng,” viên luật sư nói. “Trung úy Kirwill, tôi đã nghe về ngài và không ngại đối đầu với ngài đâu.”
“Anh giữ anh ta vì say rượu và gây rối?” Kirwill đọc tên trên bảng thám tử. “Casey phải không? Tôi biết cha anh đúng không nhỉ. Từng có một thám tử như thế.”
“Rats ở tù, và họ cần ai đó chịu đựng anh ta...” Casey tránh ánh mắt của Kirwill.
“Tôi có thể hiểu được nếu một cảnh sát làm việc đó, nhưng còn anh?” Kirwill hỏi. “Vấn đề tiền bạc à? Anh phải làm thêm giờ? Vì sao thế, tiền cấp dưỡng à?”
“Thám tử Casey đang giúp tôi,” viên luật sư nói.
“Vì cha anh, tôi sẽ gửi tiền cho anh,” Kirwill nói. “Bất cứ thứ gì để giúp một anh chàng Ai-len không phải đi bợ đỡ. Tôi không muốn câu chuyện này bị lan truyền đâu.”
“Trung úy Kirwill, nói về vấn đề này chả ích gì đâu,” viên luật sư nói. “Viên thám tử đã đồng ý làm cảnh sát bắt giữ cho phiên xét xử. Tôi không biết ngài quan tâm gì đến vấn đề này, nhưng chúng tôi sẽ giữ ông Ratke lại. Thực tế, bây giờ chúng ta lẽ ra phải đến phiên tòa rồi...”
“Mẹ kiếp.” Casey khoát tay và bỏ đi.
“Anh đi đâu thế?” Viên luật sư hỏi.
“Tôi bỏ cuộc.” Viên thám tử không ngoảnh lại.
“Đợi đã!” Viên luật sư chạy theo anh ta và cố chặn giữa Casey với cánh cửa, nhưng viên thám tử không thèm dừng lại tranh cãi.
“Ngài không phải làm việc với gã Ai-len máu nóng này nữa đâu,” anh ta nói và đóng mạnh cánh cửa khi bỏ đi.
Viên luật sư quay lại.
“Ngài vẫn thua, trung úy ạ. Kể cả nếu chúng ta không thể xét xử anh ta, Ratke vẫn không đủ điều kiện tự về nhà, và cũng không ai đến bảo lãnh anh ta.”
“Tôi bảo lãnh anh ta đây.”
“Tại sao, thưa trung úy, tại sao ngài lại làm tất cả những việc này? Ngài chen ngang vụ án, ngài đe dọa một thám tử, ngài chống lại văn phòng luật sư quận - tất cả chỉ vì một gã say. Nếu một thanh tra có thể làm việc này, còn có tòa án để làm gì?”
“Chả vì cái gì, lý do là thế đấy.”
Kirwill và Arkady đưa Rats đến sảnh chính trước khi anh ta bắt đầu gào lên sợ hãi. Đám ăn xin trong sảnh giật mình hoảng sợ, những người mộng du bị đánh thức. Kirwill che miệng Rats và Arkady đỡ anh ta. Rats là người Mỹ đầu tiên anh gặp thật sự bốc mùi.
Họ đưa anh ta vào xe và ở đường Mulberry, Kirwill vào một nhà hàng đặc sản và mang ra nửa lít whiskey với rất nhiều gói đậu phộng. “Luật cấm mua rượu từ nhà hàng đặc sản,” Kirwill nói. “Đó là lý do nó ngon đến vậy.” Rats ngay lập tức chìm vào giấc ngủ trên ghế sau.
“Tại sao?” Arkady hỏi. “Sao chúng ta lao vào đám rắc rối chỉ vì một gã say? Wesley và FBI hẳn đang tìm kiếm tôi - có lẽ cả KGB nữa. Anh sẽ gặp rắc rối lớn đấy. Tại sao chứ?”
“Sao không?”
Mớ đậu phộng chạm vào lưỡi mằn mặn và rượu whiskey chảy xuống tay Arkady. Anh thấy Kirwill cực kỳ hài lòng với bản thân. Lần đầu tiên, anh bắt đầu thấy chút hài hước. “Ý anh là thật sự không có lý do gì?” anh hỏi.
“Không phải ở chỗ này, vào lúc này. Để tôi dẫn anh đi loanh quanh.”
“Sẽ thế nào nếu họ tìm ra tôi trước khi anh đưa tôi về?”
“Renko, anh còn gì để mất đâu và Chúa cũng biết thế, tôi thì không. Chúng ta sẽ đưa Rats về nhà.”
Arkady nhìn thân hình cáu bẩn đang say sưa ngủ trên ghế sau. Anh đã ăn tối với Osborne, đã nếm vị công lý Mỹ và chưa muốn đối mặt với Irina lúc này. “Tại sao không?”
“Thế mới là bạn tôi chứ.”
Tuyết và những ký tự Trung Quốc mạ vàng bay bay trên đường Canal.
“Cái tôi không thể hiểu được ngay từ đầu là,” Kirwill nói, “anh trở thành cớm như thế nào.”
“Ý anh là điều tra viên.”
“Cớm.”
“Sao cũng được.” Arkady cảm nhận được rằng đó là một lời khen quái lạ, thậm chí có thể là một lời tạ lỗi. “Tôi chứng kiến một vụ án khi còn là đứa trẻ - một trong những vụ có thể là giết người hoặc tự sát.” Anh dừng lại vì ngạc nhiên với chính mình, vì anh không định nói thế. Một điều tra viên phải học vẹt câu trả lời cho những câu hỏi như thế này bằng cách nhắc đến một điều tra viên bậc cha chú nào đó anh ta biết, hay để ngăn những kẻ phá hoại và để bảo vệ Cách mạng. Đêm nay có quỷ dữ lảng vảng trong đầu anh. “Lúc đó là ngay sau chiến tranh và danh tiếng vài người đang bị đe dọa,” Arkady tiếp tục. “Tôi chưa bao giờ thấy nhiều người thốt ra sự thật đến vậy. Bởi vì chính nạn nhân là một sự thật không thể chối cãi, không có cách nào bà ấy có thể đi lại được nữa, và vì những điều tra viên có thẩm quyền đặc biệt để giải quyết sự thật.”
Họ đi qua những cửa hàng với cái tên như Đá Quý, Hiệp Sĩ Columbus, Cửa hàng Đầu Người.
“Tôi không hiểu mình đang nói gì nữa,” Arkady nói.
“Cố đi.”
“Ví dụ như một đêm nọ, một nghệ sĩ đáng kính bảo vợ xuống ô tô để vứt những mảnh kính ra khỏi đường rồi đâm bà ấy. Một cô gái sắp kết hôn, đẩy ông bà già yếu của cô ta lên cái giường, đóng chặt cửa sổ lại và mở bình ga trước khi ra ngoài chơi vào buổi tối. Một nông dân chăm chỉ, một nhà nông học đáng kính, giết một tay chơi từ Moscow. Những thứ đó còn tồi tệ hơn cả tội ác, đó là những thứ lẽ-ra-không-thể-xảy-ra. Đó là sự thật. Đó là sự thật về một loại người Nga mới: một gã có thể chi tiền cho bồ nhí và ô tô, một cô gái trẻ phải đem chồng về nhà sống trong một căn phòng với hai người già, một nông dân biết rằng ông ta sẽ không bao giờ rời khỏi ngôi làng cách phần còn lại của thế giới cả nghìn dặm. Chúng ta không ghi những điều này vào báo cáo, nhưng chúng ta phải ý thức được nó. Đó là lý do chúng ta có thẩm quyền đặc biệt để giải quyết sự thật. Chúng ta chơi với những dữ liệu, dĩ nhiên.”
“Ý anh là ít sát nhân hơn?” Kirwill hỏi.
“Dĩ nhiên.”
Kirwill chuyền chai rượu và dùng mu bàn tay lau miệng. “Lý do là gì?” Anh ta hỏi. “Chúng ta thích thế. Lý do lớn nhất khiến thanh niên Mỹ chết là những vụ giết người. Thân thể đó chưa chạm đất trước khi nó trở thành ngôi sao trên truyền hình, ai cũng có cơ hội thành ngôi sao. Chúng ta có chiến tranh và hơn cả chiến tranh - lũ điên, hiếp dâm, đám đồng tính, lũ cớm, những tên giết người hàng loạt. Bước ra ngoài và bị bắn, ở trong nhà và xem ti vi. Chúng ta đang nói về loại hình nghệ thuật đấy. Lớn hơn Detroit, tốt hơn tình dục, nghệ thuật bẩm sinh và ngành công nghiệp hòa làm một, đó là ý nghĩa của thời kỳ Phục Hưng với Ý, đũa với người Trung Quốc, Hamlet mà không có những đoạn chậm - chúng ta đang nói về những vụ đua xe, Arkady, chàng trai của tôi ạ. Những gã thật sự bị giết mất tích trong sự xáo trộn, cuộc đời đang mất đi những gã đóng thế. Quan tâm làm gì khi có thể xem một vụ giết người hay ho hơn được quay chậm, thêm kỹ xảo, với cốc bia trong tay và tay kia ôm gái? Hơn cả cớm thật ấy chứ. Tất cả cớm thật đều ở Hollywood, lũ còn lại chúng ta chỉ là đồ giả.”
Hầm Holland đưa họ xuống dưới Hudson. Arkady biết rằng anh nên lo lắng vì bây giờ Wesley chắc chắn đang nghĩ rằng anh đào ngũ, nhưng anh thấy vui lạ kỳ, như thể thấy bản thân nói một thứ ngôn ngữ chưa từng được dạy.
“Những vụ án mạng ở Nga chúng tôi là bí mật,” anh nói. “Chúng tôi lạc hậu trong việc công khai. Kể cả những vụ tai nạn cũng là bí mật, chính thức và không chính thức. Lũ sát nhân thường chỉ ba hoa khi chúng đã bị bắt. Những nhân chứng thì dối trá. Đôi khi, tôi nghĩ nhân chứng của chúng tôi sợ điều tra viên hơn cả bọn sát nhân.” Từ phía New Jersey, anh nhìn lại Manhattan. Cuối hàng triệu ánh đèn, hai ngọn tháp trắng chạm đến màn đêm. Anh nghĩ sẽ không ngạc nhiên nếu thấy hai vầng trăng phía trên chúng. “Đã có lúc tôi nghĩ tôi muốn trở thành phi hành gia, nhưng sau đó lại cho rằng làm phi hành gia chán lắm. Những vì sao chỉ làm chúng ta thích thú vì chúng xa xôi. Anh có biết cái gì thực sự làm chúng ta hứng thú không? Một tên sát nhân trên hành tinh khác.”
Những tấm biển chỉ vào cổng thu phí đến New Jersey, đại lộ J. F. Kennedy, Bayonne.
Họng Arkady khô khốc và anh uống một hơi dài. “Không có nhiều bảng dẫn đường ở Nga, anh biết đấy.” Anh cười. “Nếu anh không biết con đường dẫn tới đâu, tốt nhất là đừng có đi.”
“Ở đây thì bọn tôi sống dựa vào biển chỉ dẫn. Chúng tôi ăn cả bản đồ. Không bao giờ biết được mình đang ở đâu.”
Rượu whiskey đã hết. Arkady đặt cái chai rỗng lên sàn xe. “Anh có một bà vú!” Anh đột nhiên nói, như thể Kirwill chỉ vừa nhắc đến.
“Tên bà ấy là Nina,” Kirwill nói. “Không bao giờ trở thành người Mỹ, đến tận ngày bà ấy chết. Chỉ có duy nhất một thứ về đất Mỹ mà bà ấy thích.”
“Cái gì thế?”
“John Garfield.”
“Tôi không biết gã.”
“Không giống anh đâu, vô sản hơn nhiều.”
“Đây là lời khen hả?”
“Đó là một người tình tuyệt vời, tới tận ngày ông ấy chết.”
“Em trai của anh là người như thế nào?”
Kirwill tiếp tục lái xe một lúc trước khi trả lời. Arkady thích cách những vạch trắng trên đường như sắp nhảy vào đèn pha.
“Ngọt ngào. Còn là trai tân. Rất khó khăn khi nó có phải những ông bố bà mẹ như vậy và còn khó khăn hơn khi họ chết. Những gã mục sư đánh chén nó, đặt Chén thánh vào tay nó và một cái hộ chiếu để nâng mông nó lên thiên đàng. Tôi từng đập phá cái bệ thờ của nó mỗi lần về nhà. Nhét Mark Twain và Voltaire vào miệng nó. Giống như thể ném đá vào Thánh Sebastian vậy. Nhưng xua nó tới Nga, làm sao có thể tha thứ cho chính mình được?”
Bayonne là một vùng dành cho những thùng dầu và những cột nhỏ màu bạc được thắp sáng, như một trại giam của trăng.
“Chúng tôi từng đi câu cá chỗ Allagash ở Marne, Jimmy và tôi. Đó là một vùng đất toàn những công ty gỗ, chỉ có một con đường vào và ra. Câu cá ở đó tuyệt lắm - cá chó, cá vược, cá hồi. Đã bao giờ câu cá từ ca-nô chưa? Chúng tôi còn đến đó vào mùa đông. Tôi lấy cái xe Packard của Big Jim và lắp vào vài cái lốp cỡ to. Chúng tôi nổi trên tuyết trong cái xe ấy. Đã bao giờ nghe đến câu cá băng chưa? Anh đục một cái lỗ trong băng và thả vào cái cần xuống.”
“Ở Siberi người ta cũng làm thế.”
“Chỉ uống đủ để giữ ấm. Bị tuyết vào? Chả sao cả. Trong lều có đồ hộp, lò sưởi, bếp củi và tất cả rừng gỗ anh có thể đốn. Có hươu, nai sừng tấm, mỗi ngàn dặm vuông lại có một người gác rừng. Không còn ai ngoài tiều phu và đám người Pháp-Canada, và tiếng Anh của chúng còn tệ hơn anh nữa.”
Một cây cầu đưa họ qua một con sông có tên là Kill Van Kull. Bên dưới, một tàu chở dầu trôi về phía biển, đường đi lộ ra bởi một ánh đèn đỏ không nhấp nháy.
“Đảo Staten,” Kirwill thông báo. “Chúng ta đã quay lại New York.”
“Không phải là Manhattan?”
“Không, dĩ nhiên không phải Manhattan. Vừa gần mà cũng thật xa.”
Họ lái xe qua những dãy nhà. Một vị thánh bằng nhựa đang phù hộ cho thảm cỏ.
“Jimmy đã đưa những người đó ra phải không, Arkady? Hãy kể cho tôi sự thật.”
Arkady nhớ lại những xác chết dưới lớp tuyết trong công viên, tất cả thành hàng ngang, không thể trốn thoát dù chỉ một bước và căn nhà gỗ, tấm chăn phủ căn buồng nơi Jimmy Kirwill đọc kinh khi Kostia ôm ấp Valerya. “Dĩ nhiên rồi,” anh nói dối. “Cậu ấy đủ dũng cảm mà. Tại sao không?”
“Đúng vậy,” Kirwill nói sau một thoáng im lặng.
Một cây cầu bắc ngang dải nước hẹp gọi là Arthur Kill đưa họ trở lại New Jersey. Dọc cầu là những bến cảng, con đường và ánh sáng từ những nhà máy lọc dầu. Arkady đã mất phương hướng, nhưng vì ánh trăng ở phía bên trái, anh đoán họ đang đi về hướng nam. Có thông báo tìm anh ở New York không? Họ có đang tìm kiếm Kirwill không? Irina đang nghĩ gì?
“Chúng ta còn đi bao xa nữa?”
“Sắp đến nơi rồi,” Kirwill nói.
“Anh bạn Rats của anh đây hả? Tôi không thấy căn nhà nào cả.”
“Tất cả là đầm lầy,” Kirwill nói. “Ở đây từng có diệc, chim ưng biển, cú lông sọc. Rất nhiều trai sò, nhiều năm trước. Và ếch. Vào ban đêm, những kẻ nhìn trộm này sẽ khiến anh hóa điếc.”
“Anh từng đến đây?”
“Từng đem một con thuyền vào. Tôi đến với một trong những gã vô chính phủ của bọn tôi. Gã điên cuồng vì động cơ gắn ngoài tàu. Thực ra, chúng tôi dành hầu hết thời gian tha thẩn. Với tôi, đó là một chuyến đi chơi kiểu Nga điển hình.”
Giờ họ đi trên đường vào của các nhà máy. Trong ánh đèn pha, đầm lầy lộ đầy màu sắc, xanh, vàng, đỏ.
“Anh đang lo lắng, tôi biết,” Kirwill nói. “Đừng lo. Tôi sẽ ‘chăm sóc’ Osborne.”
Thế chuyện gì sẽ xảy ra với Irina và tôi? Đó là ý nghĩ đầu tiên của Arkady. Thật lố bịch nếu được cứu bởi Osborne, mày mong hắn sống.
“Rẽ ở đây.” Rats đã tỉnh, ngồi dậy trong ghế sau.
Kirwill rẽ xuống một con đường nhựa dẫn tới Kill.
“Có nhiều thứ liên quan ngoài anh và Osborne đấy,” Arkady nói.
“Ý anh là sở? Họ có thể bảo vệ Osborne ở bất cứ nơi nào khác, nhưng không phải ở New York.”
“Không, tôi có nhắc đến sở đâu.”
“Thế là KGB? Họ cũng muốn cái đầu của hắn.”
“Dừng lại!” Rats nói.
Họ ra khỏi xe. Theo một hướng, đầm lầy mở rộng ra, đến tận nơi những ánh đèn đường lấp lánh, ở một hướng khác, nó trượt xuống bến tàu. Họ theo Rats vào một con đường mà đất lún xuống dưới đế giày.
“Tôi sẽ cho anh thấy.” Rats quay lại. “Tôi không phải là kẻ cắp.”
Trong sân, những con tàu la liệt trên nền gỗ. Bầy chó canh nhà sủa dưới một cái đèn, rồi cả đàn chó từ một cái sân khác nơi những thớ gỗ nổi lên thành hình kim tự tháp. Trên dòng Kill, một cái xà lan rác đang chạy chuyến đêm. Bên kia đảo Staten thấp thoáng vài ánh đèn, một cái cửa sổ, một bể chứa màu xanh ẩn trong hàng cây và dọc dòng nước, những thứ từng là nhà, tàu, xe tải và xe cẩu chất đống lên nhau.
Arkady thử độ an toàn tương đối của những cái ván gỗ ngập bùn trước Kirwill. Tuyết lấp lánh trên những cây cói. Rats cúi người bước vào một cái lán làm bằng giấy tẩm hắc ín với cái ống nung. Khi Arkady đến đó, anh bước lên những mảnh xương nhỏ nhe ra khỏi bùn như những cái răng. Rats mở cửa lều, thắp cái đèn dầu hỏa và mời anh vào.
Arkady do dự. Lần đầu tiên kể từ khi đến Mỹ, anh không được bao quanh bởi những ánh đèn. Chỉ có ánh sáng phát ra từ đường cao tốc, một làn sương đã bị chặn bởi đảo Staten, và trên đầu là bóng tối quen thuộc và những bông tuyết lập lòe đến chói mắt. Bóng tối ngập tràn tâm hồn anh.
“Tại sao chúng ta lại đến đây?” anh hỏi Kirwill. “Anh muốn gì ở tôi?”
“Tôi muốn cứu anh,” Kirwill nói. “Nghe này, Barcelona đầy lũ điếm, sở không thể kiểm soát được ai ra vào. Trước tối mai, tôi sẽ cử Billy và Rodney vào căn phòng trên anh. Họ sẽ đợi đến thời điểm thích hợp khi trời tối và thả một cái thang ngoài cửa sổ phòng anh. Anh và cô gái của anh sẽ mặc thứ gì đó không lộ liễu và ra hiệu lên trần nhà khi sẵn sàng. Họ sẽ đưa anh xuống thang dịch vụ và ra khỏi tầng hầm. Vận hành đơn giản lắm - lên và ra, đội Đỏ đã từng làm thế trước đây rồi.”
“Đỏ gì cơ?”
“Đội Đỏ. Chúng đã kể cho anh về chúng tôi.”
“Sao anh biết chúng kể cho tôi về đội Đỏ?” Arkady chờ câu trả lời, sau đó nói luôn. “Anh có cái micro trong phòng tôi. Đó là những gì thám tử Billy và Rodney của anh đang làm bên kia đường, cái radio trên cửa sổ của họ là bộ phận nhận tín hiệu.”
“Ai cũng có máy ghi âm trong phòng anh.”
“Nhưng chúng không biết về tôi như một người bạn. Như một người bạn, hãy nói tôi biết, mọi người có nuốt từng từ một không? Hay là nghe chọn lọc thôi? Tha lỗi cho tôi vì quá ngu ngốc nhưng tôi phải hỏi bây giờ anh đang làm gì ở căn hộ mà Osborne đã đưa tôi đến. Tại sao ở đó lại mất điện? Nói tôi biết nếu tôi sai, nhưng anh đang lắp nhiều micro hơn vào căn hộ đó - một cái mỗi phòng với dây nối? À, trung úy à, anh bận rộn thật đấy. Anh không bỏ sót phòng ngủ phải không?”
“Chúng đang bẫy anh, Arkady ạ. Sở và KGB bắt tay với nhau. Không có hồ sơ nào lưu lại việc anh ở đất nước này - tôi đã kiểm tra rồi. Không ở đây, không ở Barcelona, không bất cứ đâu. Những gì tôi đang làm là để bảo vệ anh.”
“Đồ dối trá! Anh đánh gãy chân người anh em của chính mình để bảo vệ hả? Anh biết tất cả về Osborne, Irina và tôi.”
“Nhưng tôi có thể cứu anh. Tôi có thể cứu cả hai người, và Wesley thậm chí còn không nhận ra anh đã biến mất cho đến tận sáng hôm sau. Sẽ có xe đợi anh cách đó vài tòa nhà với tiền, giấy tờ mới, bản đồ. Anh có thể ở Maine trong chín tiếng. Tôi vẫn còn căn nhà gỗ đó. Tôi đã chuẩn bị đủ cho anh và tôi đổi cái xe Packard với chiếc Jeep rồi. Có ván trượt và súng nữa. Nếu có chuyện, anh có thể đi Canada - không xa đâu.”
“Thật là một trò đùa điên rồ của anh, vì anh không thể giúp chúng tôi đâu.”
“Tôi có thể. Xem này, bằng cách này Jimmy vẫn thắng. Nó vẫn đưa được hai người Nga ra. Nếu không, cả cuộc đời và cái chết của nó chỉ là vô nghĩa. Nếu làm thế, việc Jimmy đã từng sống sẽ có ý nghĩa gì đó.”
“Chả có nghĩa gì cả. Cậu ta chết rồi.”
“Chúng ta đang tranh cãi vì cái gì thế nhỉ? Hãy để tôi giúp anh. Chúng ta là bạn.”
“Không, chúng ta không phải bạn bè. Đưa tôi về khách sạn đi.”
“Chờ đã.” Kirwill giữ vai Arkady lại.
“Tôi đi đây.” Arkady giật ra và hướng về chiếc xe.
“Anh sẽ làm những gì tôi nói thôi.” Kirwill lại tóm lấy anh.
Arkady đánh Kirwill. Khóe miệng anh ta bật máu, sự kinh ngạc cũng mạnh như lực đánh của anh vậy. Kirwill vẫn giữ cánh tay kia của Arkady.
“Thả ra, ngay bây giờ,” Arkady cảnh cáo.
“Không, anh phải...”
Arkady lại đánh anh ta lần nữa và máu trào ra từ miệng Kirwill. Arkady hy vọng trung úy bộc lộ những kĩ năng chuyên nghiệp của mình: đôi tay mạnh mẽ có thể bóp vỡ dẻ sườn và đấm thẳng vào tim, cú đá có thể làm đầu gối bị liệt, cơn phẫn nộ huyền thoại. Nhưng anh đã học được vài điều từ hồi ở công viên Gorky, và anh nghĩ có lẽ lần này còn hơn thế nữa. Một trận quyết đấu có sức hút kì lạ và đó là nơi Kirwill - Killwell, như cách chính người em trai gọi anh ta - có thể giúp, thứ anh giỏi nhất.
“Đánh lại đi,” Arkady ra lệnh. “Đây là cách chúng ta bắt đầu, nhớ không.”
“Không,” Kirwill nói, nhưng vẫn bám vào.
“Đánh đi.” Anh đánh Kirwill ngã sụp xuống.
“Làm ơn,” Kirwill van nài.
Một cảnh tượng mới mẻ và lố bịch, Kirwill vấy trong bùn, van xin.
“Thả ra!” Arkady hét lên. Tay anh thõng xuống. “Hãy để tôi đi. Không có cuộc chạy trốn đến cái nhà gỗ cổ tích nào hết. Anh biết mà. Anh biết chúng tôi có thể trốn đến mười năm và KGB vẫn có thể tìm ra và giết chúng tôi nếu chúng không có được chồn zibelin. Chúng sẽ không bao giờ để chúng tôi đi mà không lấy được chồn. Chúng sẽ đưa chúng tôi cho Osborne để đổi lấy đàn chồn. Thế nên đừng kể cho tôi những chuyện cổ tích của anh nữa - anh không thể cứu ai cả.”
“Nhìn đi,” Kirwill nói.
Arkady nhìn vào trong lều. Rats vẫn đợi ở cửa, quá sợ để chạy trốn.
“Nhìn bên trong đi,” Kirwill nói.
Arkady cảm thấy mồ hôi túa ra ở ngực. Khuôn mặt anh đông cứng lại. Đất lún xuống sau mỗi bước chân.
Rats giơ cao đèn. Arkady cúi người qua cái cửa thấp và đẩy tấm bẫy ruồi sang một bên. Những bức tường và trần của căn lều là những tấm bảng và mảnh nhựa, xen giữa là báo và giẻ vụn. Những tấm ván gỗ oằn xuống là sàn. Một tấm thảm và những mảnh chăn ở một bên. Ở giữa, một cái bếp phình ra để lộ một cái chảo với đậu nấu đông. Trong căn phòng không cửa sổ, mùi thịt thối rữa thật khủng khiếp.
“Tôi không ăn cắp.” Rats lùi lại, kinh sợ vì Arkady. “Hiểu tiếng Anh chứ? Tôi đi bẫy. Đó là tôi, đó là những gì tôi làm.”
Những thùng dầu mỡ động vật xếp hàng trên một cái giá hộp vàng. Có một giá thuốc: mao địa hoàng, nitro glixerin, những ống thuốc giãn cơ, kính.
“Chuột hương là một món ăn tốt, thức ăn tự nhiên. Chỉ có cái tên là làm người ta ghê sợ. Lông thì hạng nhất. Loài người thật ngu ngốc, hầu hết những cái áo khoác của họ đều làm từ lông chuột hương. Tôi đem mười, hai mươi tấm vào thị trấn mỗi tuần. Tôi đi bẫy, tôi không cần trộm cái gì hết và tôi cũng chả làm.”
Rats vấp vào cái bếp và chảo đậu đổ ra một thùng đựng đồ dùng bằng kim loại, chất tẩy Ajax và Handiwipes. Anh ta lê quanh những hộp Bisquick, Gravy Tram, Roach Motel, một tấm bưu thiếp của John Glenn đính tạm vào giấy hắc ín. Những hũ vaseline, cà phê uống liền A&P, một dung dịch axit tannic làm từ trà hoa hồng đỏ. Ủng lội bùn và một cái bẫy.
“Nó là của tôi, trong cái bẫy của tôi. Chưa từng thấy thứ gì như vậy. Chả phải lông chồn vizon, nó rất khác. Đó là lý do tôi đưa nó vào thị trấn để xem đó là thứ gì.”
Phía sau là những túi kẹo dẻo Kraft, bánh mì Wonder và sữa bột Alba. Quần áo bẩn treo trên dây. Một cái áo khoác lao động trên móc, một tập lịch của Citibank và những vòng xoắn khảm của giấy bẫy ruồi. Rồi một dây treo quần áo phơi những tấm da sống chuột hương, tấm da láng bóng trải dài từ cái đuôi phẳng, trần, cho đến cái đầu và bàn chân ngắn, có màng vẫn còn dính.
“Gã ở chợ nói nó còn không phải động vật Mỹ. Nên có lẽ là của anh thật đấy. Ý tôi là tôi bắt được nó, tôi không trộm cắp gì cả. Tôi sẽ chỉ cho anh thấy chỗ đó, ngay bên kia hồ. Tôi là một kẻ hạnh phúc, tôi có cần rắc rối đâu.”
Rats lấy cái áo khoác lao động từ giá treo.
“Nếu là của anh, thì thuộc về anh.”
Trên cái móc là một tấm da dài và hẹp hơn miếng da chuột hương, màu lông xanh sẫm với vài chấm “sương” ở phần đầu, cái đuôi tròn và rậm, bộ da cứng rám nắng, nhưng một cái móng đã bật ra trong lúc con vật vô vọng cố trốn thoát khỏi cái bẫy. Một con chồn zibelin.
“Tôi sẽ đưa anh đến đó,” Rats nói với Kirwill, đang đứng bên trong cánh cửa. Trời sáng chúng ta sẽ đi ngay. Bình minh lên, chỉ anh và tôi đi thôi.” Anh ta khúc khích và đôi mắt đảo từ Arkady sang Kirwill, sẵn sàng thuyết phục họ. “Tôi có bí mật. Tôi lấy bộ lông đấy từ đâu? Còn nhiều nữa cơ.”
Wesley nhấn nút dừng khẩn cấp và thang máy lơ lửng giữa tầng bốn và tầng năm của Barcelona. Trong xe là Arkady, Wesley, George và Ray. Lúc đó là ba giờ sáng.
“Chúng tôi đã phát thông báo một tiếng rồi,” Wesley nói. “Trung úy Kirwill hoàn toàn điên rồi, tấn công một tài xế, một công dân của chúng ta và cướp xe anh ta. Ai biết được anh đã gặp phải những mối nguy nào? Sau đó, tôi nhận ra chẳng có gì phải lo, anh sẽ không dám làm gì liều lĩnh khi chúng tôi vẫn giữ cô Asanova. Miễn là chúng tôi có cô ấy, chúng tôi cũng có anh. Thế nên chúng tôi dừng lại và anh ở ngay đây rồi. Anh đã ở đâu thế hả?” Anh ta thả nút dừng khẩn cấp. “Tôi thề là cũng chả ảnh hưởng gì đâu.”
George và Ray đẩy Arkady dọc hành lang tầng năm cho đến khi anh vùng ra và quay lại phía họ và sau đó họ nhìn Wesley, người đang đợi ở thang máy. “Nhẹ nhàng thôi,” Wesley nói.
Arkady đi một mình suốt quãng đường còn lại dọc hành lang. Al đang đợi trong phòng. Arkady đuổi ông ta ra và dùng ghế chặn cửa phòng.
Irina đang ngồi trên giường, lo lắng và mệt mỏi. Anh chưa bao giờ thấy cô sợ hãi hơn thế. Anh chú ý cách tấm chăn phủ qua cái váy ngủ lụa màu xanh cô mặc, cách mái tóc dài phủ xuống bờ vai. Cánh tay trần gợi cảm, đôi mắt to tròn, vết bớt màu xanh nhạt trên má cô không được che giấu, một vẻ thành thật. Cô không dám nói gì, thậm chí còn không dám thở. Một kẻ ngốc thì không đáng sợ đến thế, Arkady nghĩ. Anh ngồi xuống giường, cạnh cô và cố giữ cho tay khỏi run rẩy.
“Cô đã ngủ với Osborne ở Moscow. Cô ngủ với hắn ở đây. Hắn đã cho tôi xem cái giường. Tôi muốn cô kể cho tôi biết. Cô đã định nói với tôi vài lần rồi, đúng không?”
“Arkady,” cô nói khẽ đến mức anh không thể nghe được cô nói cái gì.
“Một gã đàn ông là chưa đủ cho cô?” Arkady hỏi. “Hay Osborne làm gì cho cô mà tôi không làm? Cái gì đó đặc biệt? Cô bị thu hút bởi một gã tay đầy máu đúng không. Nhìn xem, giờ tay tôi cũng đầy máu rồi. Tuy nhiên tôi e ngại rằng đó không phải máu của bạn cô - mà là máu của bạn tôi.”
Anh nâng bàn tay vấy máu lên cho cô nhìn. “Không” - anh đọc được phản ứng của cô - “không đủ thỏa mãn, không đủ kích thích hả. Nhưng Osborne đã cố giết cô, chắc đó là sự khác biệt. Chính thế! Sao một ả đàn bà lại ngủ với gã sát nhân trừ khi cô ta muốn bị thương chứ?” Anh luồn tay vào tóc cô, xoắn lại và xốc đầu cô lên. “Thế này thì thích hơn chứ?”
“Anh đang làm em đau,” Irina thì thầm.
“Có vẻ cô không thích lắm nhỉ.” Anh thả tóc cô ra. “Thế chắc không phải rồi. Hẳn tiền mới là thứ làm cô hứng thú, tôi biết nó làm nhiều người phát điên. Osborne đã dẫn tôi đến căn hộ mới của chúng ta. Chúng ta sẽ trở thành những người giàu đến mức nào trong một căn hộ như thế, đầy những món quà và quần áo đẹp. Nhưng cô là người kiếm được chúng, Irina ạ. Cô trả giá bằng chính sinh mạng những người bạn của cô. Thảo nào cô tắm trong những món quà.” Anh túm lấy cổ váy ngủ của cô, anh lướt những ngón tay qua bụng cô: gối kê đầu của anh, gối của Osborne.
“Cô là con điếm, Irina ạ.”
“Em đã nói sẽ làm bất cứ việc gì để đến đây.”
“Bây giờ tôi ở đây và tôi cũng như cô,” Arkady nói.
Cái chạm của cô khiến anh vừa phẫn nộ vừa trở nên yếu đuối. Anh buộc bản thân phải đứng và nhìn sang hướng khác, khi đó, như thể giọt nước tràn ly, anh thấy những giọt nước mắt chảy xuống và lăn dài trên má. Mình sẽ giết cô ấy hoặc khóc, anh tự nhủ. Miệng anh đắng ngắt.
“Em đã nói sẽ làm bất cứ việc gì để đến đây,” Irina thì thầm sau lưng anh. “Anh sẽ không tin, nhưng em đã nói. Em không biết gì về Valerya và những người khác. Em rất sợ, nhưng không biết gì. Có lúc nào để kể cho anh đâu? Sau khi em bắt đầu yêu anh, sau khi chúng ta ở trong căn hộ của anh? Tha thứ cho em, Arkady, vì không nói cho anh biết em là một ả lẳng lơ sau khi đã yêu anh.”
“Cô ngủ với hắn ở đó.”
“Chỉ một lần thôi. Thế nên hắn mới cho em ra nước ngoài. Anh mới xuất hiện lần đầu tiên và em sợ anh muốn bắt em.”
Arkady nâng tay lên. Rồi tay anh thõng xuống dưới chính sức nặng của nó.
“Cô ngủ với hắn ở đây.”
“Chỉ một lần thôi. Để hắn mang anh theo em.”
“Tại sao? Cô sẽ được tự do, có căn hộ của mình, quần áo của chính cô - thế còn đòi có tôi làm gì?”
“Chúng sẽ giết anh ở Nga.”
“Có lẽ. Chúng vẫn chưa giết tôi.”
“Vì em yêu anh.”
“Đáng ra cô nên bỏ mặc tôi ở đó! Ở đó tôi còn hạnh phúc hơn.”
“Em thì không,” Irina nói.
Anh chưa từng biết mình cũng có nước mắt. Anh nhớ con dao của Unmann cắm vào bụng - lần đầu tiên một thứ gì đó bên trong anh trào ra xối xả đến thế. Nỗi đau này cũng không quá khác biệt.
“Nếu anh ở đó thì em không hạnh phúc.” Irina nói khi kéo chiếc váy đã bị xé rách lên.
Chúng có đang nghe không? Arkady tự hỏi - tất cả những cái tai tí hon dưới giường, ghế sofa, tủ thuốc. Bóng cửa sổ lơ lửng như cái mi mắt thô tục. Anh đóng cửa lại và tắt đèn.
“Nếu anh quay lại đó, em sẽ đi với anh,” Irina nói từ trong bóng tối.
Nước mắt anh là những dòng phẫn nộ nóng hổi như máu. Mù lòa, anh nhìn thấy hình ảnh gia đình Viskov trong quán ăn gần ga Pevelettsky, ông già đang cầm một đĩa sốt trứng cá caviar và cười với hàm răng thép, bà vợ câm cười rạng rỡ. Anh đã từng thấy họ cả triệu lần với những cái răng thép đó. “Chắc chắn chúng sẽ giết cô,” anh nói.
Anh sụp xuống cạnh chiếc giường. “Cô không phải bán thân vì tôi.”
“Em còn gì để bán nữa?” Irina hỏi. “Nó không giống như việc em bán thân vì một đôi bốt. Em bán đi bản thân mình để trốn thoát, để được sống. Em không hổ thẹn, Arkady ạ. Em sẽ hổ thẹn nếu em không làm thế. Em sẽ không bao giờ nói xin lỗi vì những gì em đã làm.”
“Tuy nhiên, với Osborne...”
“Em kể cho anh biết. Em đã không cảm thấy bẩn thỉu sau lúc đó, như những cô gái trẻ vẫn bình thường. Em thấy bùng cháy, như thể một lớp da đã bị lột ra.”
Cô áp mặt anh vào bầu ngực. Tay anh vòng qua người cô. Quần áo anh nặng và ướt sũng, và anh lột hết ra như những kỉ niệm.
Ít ra cái giường này là của họ, anh nghĩ. Có lẽ không còn gì trên thế giới này nữa, nhưng theo luật cái giường này, với những mảnh vải rách và phần thân áo cùng cái màn tối tăm. Bằng một cách nào đó, họ lại yêu nhau nhiều hơn nữa.
Họ kiệt sức, cảm thấy như đã chết và giờ đây lại sống lại trên cái giường khốn kiếp này, trong cái đêm kỳ lạ này.
Arkady cảm nhận được giấc ngủ thật sâu của Irina bên cạnh.
Vào buổi sáng, Rats sẽ đưa Kirwill đến chỗ bầy chồn zibelin.
“Chúng ở trên dòng Arthur Kill,” Kirwill nói trên đường về, “và tôi nói cho anh biết, giấu chúng ở đây thì có lý hơn giấu cách đây ngàn dặm nhiều. Đầu tiên, mọi người tự cho rằng hắn giữ chúng ở một vùng chồn vizon. Thứ hai, hắn giữ chúng ở ngay trong tầm kiểm soát, hắn không phải phụ thuộc vào bất cứ ai hay gọi cú điện thoại đường dài nào. Thứ ba, có cả trăm ngàn dặm vuông quanh Ngũ Đại Hồ, nhưng ở đó cũng có hàng ngàn trại chồn vizon. Đó là một tập thể chồn vizon khổng lồ, anh biết không? Chồn zibelin cần thịt tươi. Những tập thể lớn tìm ra loại thức ăn đó được đưa vào bất cứ phần nào của khu rừng. Nhưng New York là kinh đô thịt lớn nhất thế giới, anh không thể theo dõi cái gì được mang đi đâu. Và phía tây đảo Staten đều là rừng và đầm lầy, vài nhà máy lọc dầu, vài người dân địa phương chỉ quan tâm đến việc của chính mình và không có cớm. Vấn đề duy nhất có thể xảy ra là một cái lỗ trong chuồng, chồn trốn thoát, ai đó bắt được và cố bán nó, một gã bán da ở Manhattan gọi cớm, và tôi, trong bao nhiêu người, sẽ vô tình nghe được. Vấn đề duy nhất có thể xảy ra đấy. Số anh may đấy, Arkady. Giờ mọi thứ đều suôn sẻ.”
Vào buổi trưa, Billy và Rodney lấy phòng khách sạn phía trên. Một khi trời tối, tất cả những gì Arkady và Irina phải làm chỉ là trèo lên cái thang được thả bên ngoài cửa sổ. Chỉ cần chọn thời điểm đường vắng và gõ lên trần. Không ai có thể nhìn thấy họ từ tòa văn phòng vắng vẻ. Sau đó, họ sẽ dùng thang máy dịch vụ từ tầng sáu xuống tầng hầm, ra khỏi cửa vào để đến chiếc ô tô đang đợi. Sẽ có chìa khóa, tiền và những chiếc bản đồ được đánh dấu tỉ mỉ trong ngăn đựng găng tay. Khi họ đã lên đường, Kirwill sẽ liên lạc với KGB và đề nghị với Nicky và Rurik cùng một thương vụ như Osborne: chồn zibelin lấy Irina và Arkady. Rurik và Nicky còn có thể làm gì? Tù nhân đã biến mất. Ngay khi FBI phát hiện vụ tẩu thoát, thỏa thuận cũ sẽ bị hủy, và Osborne sẽ làm đám chồn zibelin biến mất thêm lần nữa đến một nơi mà chả ai biết. Luôn là vì chồn zibelin. KGB sẽ nhanh chóng trao đổi với Kirwill và ùa đến đảo Staten.
Anh hút thuốc, chặn ngòi lửa khỏi mặt Irina.
Irina không hề hay biết. Sao anh có thể giải thích kế hoạch trốn thoát khi xung quanh họ toàn máy nghe lén? Hơn nữa, cô sống trong hy vọng vào thỏa thuận của Osborne, một niềm hy vọng như ánh sáng lóe lên từ màn đêm đen kịt. Cho đến khi bắt đầu kế hoạch mới, không có lý do gì lại khiến cô hoảng sợ, lúc đó anh chỉ cần khiến cô theo anh. Trước khi cô biết được chuyện gì đang xảy ra, họ đã vào ô tô rồi.
Mọi thứ đều phụ thuộc vào một gã say. Có lẽ Rats đã tìm thấy những tấm da chồn zibelin và bịa ra toàn bộ câu chuyện. Hoặc anh ta lại bị thêm một cơn mê sảng và không thể dẫn Kirwill đến chỗ bầy chồn. Osborne hẳn đã nhận ra một con chồn zibelin đã biến mất, hắn đã chuyển những con còn lại đi chưa?
Nếu thế anh và Irina sẽ không thể chạy trốn. Có lẽ FBI theo dõi cửa sổ phòng họ mỗi đêm. Arkady chưa bao giờ lái một cái ô tô Mỹ, ai biết nó hoạt động thế nào? Họ có thể bị lạc. Bản đồ, ít nhất là ở Nga, không hoàn toàn chính xác. Có thể anh và Irina trông đặc sệt người Nga đến nỗi ai cũng nhận ra họ là những kẻ tị nạn. Hơn nữa, anh còn không biết gì về đất nước này.
Ít ra anh cũng không phải tin Osborne nữa. Như Irina đã nói, chúng ta tin những gì chúng ta phải tin. Cô không giả tạo, tất cả những gì cô muốn từ Osborne là nước Mỹ. Một điều tra viên yêu cầu nhiều hơn ở một gã sát nhân, một con đường dẫn đến những góc tối, sự giao thoa với tâm hồn quỷ dữ. Những gì Arkady đòi hỏi, Osborne có thể đáp ứng.
Trên trần nhà, khói thuốc lan ra như những suy nghĩ hóa thành một đám mây.
Người Nga/điều tra viên/tên sát nhân/người Mỹ. Không ai hiểu rõ Osborne hơn anh - kể cả Irina và Kirwill. Arkady biết rằng Osborne đã dành cả gia tài để bí mật mang chồn zibelin sang từ Liên bang Xô Viết. Hắn sẽ không bao giờ trả chúng lại. Hắn sẽ trở thành anh hùng nước Mỹ nếu giữ chúng. Tội ác duy nhất của Osborne là vụ công viên Gorky và người duy nhất có thể liên kết hắn với vụ án đó là Irina. Hắn đã cố giết cô ở Moscow. Không có gì thay đổi, trừ chuyện giờ đây hắn phải giết cả Arkady. Osborne có thể làm lệch hướng Nicky và Rurik rồi giết Arkady và Irina ngay lúc họ ra khỏi sự bảo vệ của FBI. Đó là thứ Arkady chắc chắn. Nhưng Osborne sẽ chậm mất một ngày.
Trong giấc ngủ, mặt Irina cọ vào ngực anh. Như thể cô đang thổi sự sống vào mình, Arkady nghĩ. Anh dập tắt điếu xì gà.
Chìm vào giấc ngủ, anh tưởng tượng xem cuộc sống trong căn nhà gỗ của Kirwill sẽ như thế nào. Ở Marne có đất lãnh nguyên không? Họ sẽ phải mang áo choàng và trà - tất cả số trà họ có thể mua. Và xì gà. Ý Kirwill là gì, “như Siberi với những vại bia?” Không sao cả, Arkady nhận ra mình đang mỉm cười khi nghĩ về tương lai ấy. Anh không thích săn bắn lắm, nhưng anh mê câu cá và anh cũng chưa đi ca nô bao giờ. Họ sẽ làm gì nữa? Anh sẽ bảo Irina kể về cuộc đời cô, không bỏ sót thứ gì. Khi cô mệt, anh sẽ kể về cuộc đời anh. Cuộc đời họ sẽ là hai câu chuyện. Họ sẽ phải ở đó bao lâu, anh cũng không biết nữa. Osborne sẽ muốn tìm họ, nhưng hắn sẽ bận trốn khỏi Kirwill - họ có thể đợi. Họ sẽ có những quyển sách. Của những tác giả Mỹ. Nếu anh có máy phát điện, họ sẽ có đèn, radio và máy thu. Hạt giống cho khu vườn: củ cải đường, khoai tây, củ cải cay. Anh có thể nghe nhạc khi làm vườn - Prokofiev, màu xanh New Orleans. Khi trời nắng nóng, họ có thể đi bơi và vào tháng Tám sẽ có nấm.
Anh mơ thấy đang ở trên bờ sông Kliazma lúc hoàng hôn. Xa xa, những chiếc đèn lồng Trung Hoa treo dọc cầu thang dẫn xuống một bến tàu với xuồng tập rực rỡ sắc hoa mẫu đơn. Một cái bè trên những can dầu cam mời người bơi đến.
Mọi người rời khỏi bến và lên bờ - những vị khách, nhạc sĩ, phụ tá. Bố anh và vài người bạn cũ ở trong một cái thuyền nhỏ, xoay vòng vòng giữa dòng sông. Bố anh đem theo một con dao và lặn vào dòng nước.
Dù dòng nước đen thẫm, Arkady vẫn nhìn rõ mẹ mình vì bà đang ở trong chiếc váy trắng đẹp nhất. Bà trông lơ lửng trong chuyến lặn của chính mình, đôi chân mang bít tất dài ở ngay dưới mặt nước, thân thể bà thẳng đứng, một tay thõng xuống đáy sông. Khi họ đem bà lên, anh thấy cổ tay bà bị thương vì những cố gắng của cha, nhưng rồi ông cũng đầu hàng và thả sợi dây cột chặt cổ tay bà ra. Đó là lần đầu tiên Arkady thấy một người chết. Mẹ anh còn rất trẻ - cả cha nữa, mặc dù đã là một vị tướng nổi danh.
Đau đớn, như cảm giác giấc mơ đó luôn mang lại, anh phân tích vụ án. Lúc đầu, anh tin là chính cha anh đã giết bà. Bà đã nhảy múa và cười, vui vẻ hơn anh từng trông thấy trong suốt nhiều tuần liền, cười khúc khích khi bà đi lại. Nhưng bà là tay bơi khỏe và giỏi nhất nhóm, như một nàng tiên cá thực thụ. Không có dấu hiệu bà bị dìm xuống nước, con thuyền không được dùng đến, không có vết bầm tím. Dần dần anh nhận ra rằng cái bồn tắm bằng gỗ đầy đá và sợi dây với phần cuối được có nút thòng lọng đang chờ đợi, được đặt dưới đáy sông bởi không ai khác ngoài bà. Mỗi ngày trôi qua, bà lại thêm một hòn đó vào, khiến nó chắc chắn hơn nữa. Khi thời điểm đến - vào giữa đêm hội ngày hè - bà đi chân trần với đôi mắt sáng, trượt xuống hạ nguồn sông, bơi đến cái dây thừng của mình và lặn xuống.
Khi còn bé, anh không biết gì về vụ thanh trừng các kỹ sư, về quân đội, về những nhà thơ,... nhưng kể cả một đứa trẻ cũng cảm nhận được nỗi sợ của thời gian, khi đèn lồng trở thành yêu tinh. Những người cha chú thân thiết nhất trở thành kẻ phản bội. Phụ nữ khóc không vì lý do gì. Bức ảnh này bị cắt, bức kia bị đốt. Thật khó chấp nhận rằng bà đã theo bước những người biến mất bởi vì chính bản thân bà chưa biến mất, bà ở đó trong làn nước để tất cả đều nhìn thấy. Đó là lý do cha cố gắng đến tuyệt vọng để loại bỏ những chứng cứ về cái dây thừng giả và biến cái chết của bà thành một tai nạn hay thậm chí là một vụ giết người. Trong dòng nước đen, bà dường như vẫn đang buộc tội, trốn đi khi bơi xuống, ít ra là trong những giấc mơ.