Số lần đọc/download: 3675 / 64
Cập nhật: 2015-11-08 22:18:50 +0700
Chương 23
T
hị lại trở về căn nhà tồi tàn của bà nội ở xóm Đường Tàu.
Bà bảo, tiên sư cha cô, tưởng gái lớn đi lấy chồng rồi mà vẫn về rúc nách bà à! Thị thèm được nghe tiếng chửi ấy của bà. Thị thèm cái mùi xạ hương ẩm mốc toát ra từ bà. Thèm cả cái bầu vú chảy sệ, nhăn nheo của bà nữa. Từ ngày thị bước chân về nhà chồng, thị vẫn gửi tiền đều đặn biếu bà. Những ngày thị cảm thấy mối nguy hiểm đang tới gần, thị còn chuyển cho bà toàn bộ số nữ trang của thị nữa. Thế mà bà không hề tiêu đến. Bà để nguyên trong một cái túi vải. Bà đưa trả cho thị. Đây này, tiền vàng của con, con tiêu, bà sống là vì ông trời không cho chết chứ bà có còn ham muốn gì đâu mà càn những thứ này. Ngày vài hột cơm vào bụng, với bà, thế là đủ rồi. Thị ôm lấy bà, thương bà đến đứt ruột mà chả biết làm gì. Căn nhà bà ở vẫn ọp ẹp như hồi thị chưa về với Tùng. Nhiều lần thị muốn đập đi, xây lại cho bà một ngôi nhà khác, nhưng bà không đồng ý. Bà bảo ở thế quen rồi, với lại có giữ nguyên thế này thì bà mới còn nhận ra chỗ nào cụ nội con ngồi uống trà với nhà văn Nguyễn, chỗ nào ông nội con ngồi cởi trần ăn cơm, chỗ nào bà ngồi xe hương và lắng nghe chuyện của anh giáo... Thị cũng đã từng mời bà về Nhà hàng Sóng Biển ở với thị, nhưng bà bảo, về đó thì khác gì bắt bà đi ở tù, cái lồng có đẹp đến mấy, rộng đến mấy thì con chim vẫn không thích bằng bầu trời bao la ngoài kia. Xóm Đường Tàu này là bầu trời của bà. Cứ để bà sống trong cái bầu trời đó, đừng bắt bà đi đâu cả.
Bây giờ thị lại về đây hít thở trong cái bầu trời ấy của bà. Thị lại ăn, ngủ, nghỉ một cách thư thái và bình yên trong gian nhà tuềnh toàng, cũ nát của bà. Mọi vật dụng hầu như không thay đổi. Cái giường đôi bà nằm, cái chăn bà đắp, cái gối mây bà kê đầu vẫn y nguyên như mấy chục năm trước, cũ đến mức không thể nào cũ hơn được nữa. Thị cầm cái gối mây đã bong nhiều sợi, dứt nhẹ, thấy chúng rách loạt roạt. Giời ạ, thị vô tâm quá. những thứ này đáng lẽ thị phải thay đi cho bà chứ. Ai lại để bà gối đầu lên những sợi mây đã mủn tơi ra, chẳng khác gì bao dứa rách. Thị định tiện tay xé toang lớp mây bọc khung gối, vứt đi cho sạch nhà. Chiều nay thị sẽ ra chợ mua cho bà cái gối khác. Nhưng thị bỗng dừng tay lại. Hình như trong gối của bà có cái gì đó. Biết đâu bà để chút của riêng trong gối thì sao? Người già xưa nay vẫn dành dụm vàng bạc để phòng thân. Thị nghiêng cái gối lên nhìn. Như là một tập giấy. Thị lựa tay móc tập giấy đó ra. Một quyển truyện. Khổ nhỏ, giấy đen, bìa đã ố màu. Tên truyện đập vào mắt thị: Đời cô Tám. Thị nhận ngay ra đó là tác phẩm của nhà văn Nguyễn. Lật trang đầu, thị thấy có dòng chữ viết bằng bút sắt, mực tàu, nét ngắn, dễ đọc. Tặng em gái xe hương xóm căm quyển sách nhỏ - Ngã ba sông -1938 - Nhà văn Nguyễn.
ô hô. Thị cảm thấy thích thú khi phát hiện ra bí mật nho nhỏ này của bà. Lật toàn bộ cuốn sách, thị không thấy có thêm điều gì bất thường nữa. Ngồi ngẩn ra một lúc, rồi như giật mình, thị vội nhét quyển truyện vào lại chiếc gối. Ai cũng có những bí mật riêng, không nên động chạm vào góc khuất thiêng liêng của bà. Vừa khi ấy thì bà đi chợ về. Thị giơ cái gối lên, bảo, bà ơi, cái gối mây này rách quá rồi, khung gỗ nó chồi lên, đâm vào đầu đau lắm, để con đi bọc lại cho bà nhé. Bà nội không nói không rằng, bước lại gần thị, cầm lấy cái gối bỏ vào trong chiếc làn đang cầm trên tay, rồi đi thẳng xuống dưới nhà. Một ý nghĩ xa xôi thoáng qua đầu thị, khiến thị khẽ mỉm cười.
Số tiền vàng bà giữ cho thị chả đáng bao nhiêu để thị có thể khởi dựng lại cơ nghiệp. những tài sản lớn đều đã không còn nữa. ô tô, tàu du lịch, khu đất ở đường bao thành phố với nhà hàng Sóng Biển đã thuộc về tay người khác. Mỹ bảo dành riêng cho thị một phòng ở quán bia hơi mới mở nhưng thị không muốn đến đó. Con Quỳnh cứ gạ gẫm thị về ở cùng với bố con nó nhưng thị không phải là người đàn bà của Tân, không phải là mẹ kế của nó, không có lý do gì để về đó ở cả. Vợ chồng Châu điên mở một xới bạc nhỏ ở xóm liều gần cảng nhưng thị cũng không thể đến đó tá túc. Nghe tin thị ra trại, bạn bè giang hồ rầm rập đến thăm hỏi thị. Biết tin thị đang khó khăn, nhiều người muốn giúp thị. Một chiến dịch quyên góp tiền của đã âm thầm diễn ra mà thị không hề biết. Một buổi chiều nọ, khi thị đang nằm khểnh xem bộ phim tình cảm sướt mướt của Hàn Quốc trên ti vi thì có một chiếc xe taxi đỗ xịch trước cửa nhà thị.
Trên xe bước xuống là một phụ nữ trạc tuổi thị, mặt bự phấn son, da thịt núng nính, mỗi bước đi lại tỏa ra mùi nước hoa béo ngậy. Thị nhìn người lạ với một cái nhìn dò xét và đề phòng. Người lạ dừng lại ở cửa, ngắm nhìn thị, mỉm cười với thị. Rồi người lạ cất tiếng hỏi: “Chị Hương, chị không nhận ra em sao?”. Ánh sáng bị che khuất nên thị không tin vào mắt mình. Thị hỏi bừa: “Có phải vợ Tính không?”. “Vâng, đúng em đây. ôi, chị Hương ơi, bao nhiêu lâu rồi em mới gặp lại chị...”.
Hóa ra chiến dịch quyên góp “cho chị Hương Ga một cái nhà” đã lan sang đến cả bên kia bán cầu. Vợ Tính từ úc bay về gặp thị để chuyển số tiền 50 ngàn đô la của “bạn bè, chiến hữu, em út anh Tùng ở bên ấy”, gọi là giúp thị một chút trong cơn nguy khó lúc mới ra trại. Vợ Tính dính vào buôn bán ma túy từ thời thị mới lấy Tùng. Khi đường dây đó bị vỡ, biết là ở trong nước thế nào cũng bị bắt, vợ Tính đã theo đường du lịch chạy sang úc. Sang đó một thời gian, được đám bạn bè đi từ những năm 80 giúp đỡ, vợ Tính nhập quốc tịch Úc rồi ở lại bên ấy làm ăn, không về nước nữa. Hồi Tính chết, vợ Tính cũng không về chịu tang chồng được vì thủ tục nhập tịch vẫn chưa xong. Cuộc sống cứ trôi đi, thị mải lo làm lo ăn, lo tranh đoạt giang hồ nên không liên lạc gì với vợ Tính suốt từng ấy năm. Sau khi Tùng bị bắt, một số đàn em của Tùng cũng tìm đường sang Campuchia rồi tiếp tục trốn đi các nước khác. Ngồi nhẩm tính ra thì bạn bè của hai vợ chồng thị đang định cư ở các nước cũng có đến vài chục đứa. Nhiều trường hợp chính vợ chồng thị đã bỏ tiền ra lo các thủ tục cho chúng nó đi. Tất nhiên, làm cướp thì đi đến đâu cũng vẫn là cướp thôi. Nhưng quan trọng là đám đàn em của Tùng vẫn nhớ về vị đại ca của mình, nghe tin thị đang rất cần tiền để sống, chúng nó đã cùng nhau đóng góp mỗi đứa vài ngàn, rồi cử vợ Tính mang về nước, chuyển tận tay cho thị.
Với số tiền này, cộng với một ít nữ trang thị gửi bà nội và số vốn thị cất riêng ra cho con Mỹ, đủ để thị mở lại một nhà hàng Sóng Biển mới, quy mô nhỏ hơn. Đinh nghe tin thị có ý định khởi nghiệp lại, từ Nha Trang cũng gửi ra cho thị 15 ngàn đô la để “thêm vào cho em gái làm ăn”. Hôm khai trương nhà hàng, thị chính thức xuất hiện trước đông đảo các thành phần xã hội đen của thành phố, có ý tuyên bố sự trở lại của một đệ nhất giang hồ. Đinh bay ra Hà Nội từ mấy hôm trước, bảo rằng sẽ có mặt vào hôm khai trương, và sẽ đem đến cho thị một điều bất ngờ.
Mãi 9 giờ tối Đinh mới chạy taxi từ Hà Nội xuống tới nơi. Theo sau xe Đinh là một chiếc xe đông lạnh chở hàng vạn bông hồng ghép thành chữ “Chúc mừng: Nhà hàng Sóng Biển”. Dòng chữ bằng hoa này ngay lập tức được kéo lên, treo trang trọng ngoài lớp tường kính của tầng hai nhà hàng, trong tiếng vỗ tay vang dội. Nhưng đó vẫn chưa phải là bất ngờ mà Đinh muốn mang đến cho thị. Cùng đi với Đinh còn hai người đàn ông nữa. Một người trạc năm mươi tuổi, xương xương, hơi thấp, mặc đồ bà ba, đội mũ phớt, đeo kính nâu, miệng ngậm tấu. Một người thư sinh, mảnh khảnh, mặc vec màu vàng, đeo caravat, tóc vuốt keo bóng, mặt có nốt ruồi như hạt đậu ở đuôi mắt trái. Đinh giới thiệu với thị đó là hai cha con ông Trùm ở thành phố Lớn ra Hà Nội có công chuyện. Vì là chỗ quen biết nên Đinh rủ họ về thành phố Ngã ba sông chơi với thị. Thì ra đây mới điều là bất ngờ mà Đinh muốn đưa đến cho thị. Một mâm rượu riêng được bày ra để thị ngồi tiếp Đinh và hai cha con ông Trùm, ông Trùm có vẻ mặt khá căng thẳng, như đang phải lo chuyện gì đó quan trọng, còn thằng con trai ông Trùm chỉ lặng lẽ ngồi uống rượu, cạy răng không nói một lời. Khi rượu đã ngà ngà, thị nói với ông Trùm, nghe tiếng anh đã lâu, hôm nay mới được gặp, anh Hai ra ngoài ngày có việc gì không, nếu là việc riêng thì em không hỏi, còn việc giang hồ, liệu em có thể giúp anh giải quyết được không? ông Trùm bảo, tôi cũng nghe tên cô Hương lâu lắm rồi, hôm nay được chú Đinh đưa đến gặp, thấy cô cũng hơi khác so với những gì tôi nghĩ. Thị mỉm cười, anh Hai nói vậy là sao, anh nghĩ em thế nào? Ông Trùm khẽ nhấp ngụm rượu, thực ra thì cũng chẳng thế nào, chỉ thấy cô cũng bình thường như bao người phụ nữ khác, thế mà cô lại làm được nhiều điều mà người khác không làm được. Thị kín đáo liếc nhìn sang Đinh, em cũng chỉ là đàn bà tầm thường thôi, có gì hay thì anh Hai cứ dạy bảo. ông Trùm vội đặt ly rượu xuống, ấy chết, giang hồ có chủ, tôi lạc vào đây là mạng sống kể như thuộc về cô, cô cho ra về như thế nào là tôi được về như thế ấy, chỉ mong không là ma không đầu đã tốt lắm rồi. Thị bật cười, anh Hai cứ đùa em, cần gì ở đất này anh cứ nói một tiếng, em giúp được thì chả tiếc anh Hai điều gì.
Đinh mời mọi người nâng ly rồi bảo: “Chỉ là gặp nhau vui vẻ thôi, không có chuyện gì đâu, cứ nói chuyện thoải mái đi, thấy hai người nãy giờ có vẻ khách sáo quá”.
Thị quay sang Đinh:
- Đất này bây giờ khó kiếm sống quá. Các sòng bạc không còn hoạt động được như trước. Anh Đinh có mối làm ăn nào chỉ giúp em với?
Đinh gật gù:
- Anh theo dõi thấy luật bây giờ thay đổi liên tục, tội đánh bạc càng ngày càng bị xử nặng, không dễ dãi, du di như trước đây nữa đâu. Em phải khéo hơn. Hay là chuyển hướng làm ăn đi?
Ông Trùm hỏi:
- Các sòng bài ở đây họ chơi thế nào?
Thị chưa biết diễn giải ra sao thì Đinh đã nói thay:
- Cơ bản vẫn là các hình thức cũ, còn lắp máy đánh bạc như casino thì không mở được. Các kiểu chơi như đổ cá ngựa, đổ xí ngầu, đổ bầu cua, đánh xập xám, đánh phỉnh thì không phổ biến và không đa dạng được như trong Nam. Đất này không giống như thành phố Lớn của anh Hai đâu, cô em đây đi thu hồ chỉ giống như đi nhặt bạc lẻ thôi, không giống như mấy anh trong đó đi thu xâu.
Ông Trùm lại hỏi:
- Thế còn các vũ trường thì sao?
Đinh đáp:
- Em hiểu đất này. Cò con lắm, không làm ăn lớn được. Mà em Hương đây còn ngán ma túy lắm, không dám mở các đường dây bán lẻ tuồn vào vũ trường. Chính quyền ở đây cũng mạnh tay. Họ phá liên tục, không thằng nào trụ nổi.
Ông Trùm lại hỏi bâng quơ:
- Đây gần biên giới Móng Cái với Lạng Sơn nhỉ?
Đinh gật đầu:
- Nhưng buôn lậu đường bộ không bền. Bị xì đểu là sập cả đời, không ngóc đầu dậy được. Còn đường biển thì phải có cơ lớn, thế lực các quan tham mới làm được. Giang hồ đất này đi ra ngoài làm ăn thì tốt, chứ ở lại không mọc mũi sủi tăm được. Nhưng mặc kệ đi anh Hai. Khéo ăn thì no khéo co thì ấm. Mỗi lần anh Hai ra Bắc, xuống đây chơi, cô Hương có rượu mời anh Hai là được rồi.
Ngay đêm hôm đó Đinh cùng cha con ông Trùm gọi xe trở về Hà Nội. Đinh nói nhỏ với thị: “Ông Trùm đang dính rắc rối, có khả năng phải đi cải tạo lao động, ra Bắc lần này là để tìm mối chạy cho được miễn. Thằng con tên Nam, biệt hiệu Nam “thái tử”, mặt lúc nào cũng lạnh như tiền, ỷ thế bố quậy nổi tiếng. Anh đưa hai bố con ông Trùm xuống để em thêm thanh thế, giang hồ đất này nhìn vào càng ngán em hơn. Thôi, anh đi, có gì sẽ nói chuyện với em sau. Chúc em làm ăn tốt”.
Trong lúc thị và Đinh nói chuyện với nhau, ông Trùm ra ngoài đứng chờ ở cửa xe. Ông Trùm muốn bắt tay thị lần cuối rồi mới yên tâm về Hà Nội. Thị có cảm giác lành lạnh khi đứng gần con người này. Sát khí từ ông ta tỏa ra quá mạnh. Nắm bàn tay thị rồi, ông Trùm bỗng hỏi: “Khi nào tôi mời, cô Hương có vào thành phố Lớn chơi với tôi không?”
Thị bóp nhẹ tay ông ta, khẽ đáp: “Chỉ sợ anh Hai quên em gái này thôi”.
Ông Trùm nở nụ cười bí ẩn rồi leo lên xe. Thị đứng nhìn theo, vẫy vẫy tay tạm biệt.
Ba tháng sau thì Đinh thông báo cho thị biết ông Trùm đã bị chủ tịch thành phố Lớn ra quyết định bắt buộc đi tập trung cải tạo lao động. Trại cải tạo nằm ở một tỉnh ngoài Bắc. Đinh còn nói thêm với thị rằng, ông Trùm là một trường hợp đặc biệt, đến cả Chính phủ và Quốc hội cũng phải lưu tâm đến con người này. Đinh khuyên thị, nên đến thăm ông ta, nếu ông ta thoát khỏi bàn tay pháp luật lần này thì chứng tỏ ông ta thuộc về một thế lực rất lớn. Sau này sẽ có lúc cần nhờ vả.
Thị làm theo lời khuyên của Đinh. Cứ vài ba tháng thị lại thuê xe lên trại thăm ông Trùm một lần. Ọua chuyện trò, ông Trùm cũng bày cho thị một vài cách mở sòng bài. Thị thử áp dụng những điều ông Trùm chỉ dẫn, quả nhiên, hiệu quả hơn rất nhiều.
Nhà hàng Sóng Biển mới khai trương nằm trong một khu phố nhỏ, tuy không rộng rãi lắm nhưng cao năm tầng, khéo tận dụng mặt bằng thì cũng sử dụng được vào khối việc. Tầng một thị dùng để kinh doanh ăn uống, từ tầng hai trở lên là các phòng hát karaoke. Khách đến hát thực sự thì vào các phòng tầng hai. Còn ba tầng trên cùng được bố trí 10 phòng hát karaoke nhưng thực chất là để các con bạc đến đó sát phạt nhau. Các phòng đều có hệ thống báo động, khi có chuông, các con bạc sẽ ném hết các quân bài, bát đĩa, xúc xắc, phỉnh vào một hốc nhỏ trong tường, quay ra cầm mích hát bình thường, như khách đến hát karaoke. Màn hình và micro lúc nào cũng bật và đĩa nhạc thì luôn chạy sẵn. Cửa mỗi phòng đều có các nhân viên ngồi phục vụ. Họ sẽ ghi giờ và tính tiền như các phòng hát thật. Hai trăm nghìn một giờ. Nếu gọi thêm nước uống và hoa quả thì sẽ tính riêng. Khách đến chơi bạc không mang tiền mặt vào phòng. Họ đều được nhân viên quy đổi thành tích kê (các sòng trong Nam của ông Trùm thường gọi là phỉnh, nên thị cũng quen gọi là phỉnh). Có nhiều loại phỉnh, mỗi loại tương ứng với một mệnh giá khác nhau, cao nhất là một triệu. Nếu các phòng đều hoạt động mười giờ một ngày, thì mỗi ngày thị thu ròng hai mươi triệu. Thị kéo hết tay chân thân tín của mình về nhà hàng Sóng Biển. Mỹ vẫn phụ trách khu vực ăn uống ở tầng một. cầu thang tầng ba lúc nào cũng có Châu điên túc trực để lựa mặt các con bạc rủng rỉnh hầu bao dẫn lên, hoặc tiễn các con bạc cạn túi ra về. Tân phụ trách lực lượng bảo vệ từ vòng gửi xe ngoài phố cho đến mỗi nhân viên ghi giờ. Nếu có xích mích giữa các con bạc, Tân và Châu điên sẽ có mặt để giải quyết. Bọn nào muốn đến gây sự phá sòng thì đám bảo vệ của thị sẽ tay đao tay búa dần mặt ngay tức thì.
Công cuộc làm ăn của thị diễn ra tương đối yên ổn cho đến ngày ông Trùm ra trại.