Anyone who says they have only one life to live must not know how to read a book.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Athur Hailey
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: “The Money Changers”
Dịch giả: Vũ Đình Phòng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 58 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 266 / 9
Cập nhật: 2020-06-28 13:34:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ùng vào giờ đó Margot Bracken túc trực ở vị trí chỉ huy: chiếc Volkswagen đậu cách đấy ba trăm mét. Mới hôm qua, nàng còn tự hứa sẽ đứng trong hậu trường, nhưng giống như con chiến mã, nghe tiếng đại bác là máu đã sôi lên, nàng không sao nhịn được không xán đến gần để xem diễn biến cuộc đấu tranh. Nàng rất lo sẽ đẩy Alex và Edwina vào tình trạng khó xử, chính vì lẽ đó mà nàng cố giữ ở vị trí cách xa quảng trường Rosselli.
Nếu Margot xuất hiện, lập tức đám nhà báo nhìn thấy sẽ vây lấy nàng. Nàng biết là hiện họ đang ở đó vì sáng sớm hôm nay nàng đã đánh động báo chí, các đài phát thanh vô tuyến cũng như truyền hình.
Thỉnh thoảng có một liên lạc chạy đến đem tin tức cho Margot và nhận chỉ thị của nàng. Từ tối Thứ năm đến nay, mọi việc tổ chức đều hoàn hảo và chính xác đến mức tuyệt vời. Thứ sáu, Margot thảo kế hoạch tổng thể. Trong lúc đó Orinda, Deacon cùng mội số ủy viên chấp hành khác vận động các tổ trưởng từng cụm dân cư trong khu Forum East và vùng lân cận, phổ biến cho họ đại thể kế hoạch. Họ đến đâu cũng được nhiệt tình đón tiếp. Hầu như tất cả mọi người đều muốn tham gia cuộc đấu tranh.
Tối Chủ nhật, họ đã vận động được một ngàn năm trăm người tình nguyện. Số này lại tiếp tục vận động thêm người khác. Cuộc đấu tranh vậy là có thể tiếp tục liền trong một tuần lễ. Nhưng liệu sau tuần lễ đó họ có đủ hào hứng để tiến hành thêm nữa không? Trong số người tham gia, có những người dùng kỳ nghỉ phép mà họ chưa sử dụng. Nhiều người hứa sẽ xin nghỉ nếu chủ của họ đồng ý. Đáng buồn là lúc này trong thành phố số thất nghiệp rất đông, bởi mùa này công việc ít. Số phụ nữ tình nguyện tham gia đông gấp bội số nam giới, phần vì họ được rảnh rang ban ngày, phần vì họ quá tha thiết đến việc có một căn hộ tương đối đầy đủ tiện nghi để dọn đến, cải thiện điều kiện sống cho gia đình họ.
Những báo cáo sáng hôm đó chuyển đến cho Margot làm nàng hoàn toàn mãn nguyện. Trong suốt thời gian chuẩn bị, Margot đã luôn miệng nhắc những người tham gia đấu tranh phải giữ được thái độ thân ái với nhân viên nhà băng. Chính nàng nghĩ ra phương châm "một sự hỗ trợ cho nhà băng vì nhà băng gặp khó khăn về tài chính".
Margot đã khôn khéo gắn hai chữ "khó khăn" vào với Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ, là hai chữ "nhậy cảm" nhất đối với một nhà băng. Những người cầm đầu cuộc đấu tranh không cần giấu mối liên quan giữa hành động của họ với việc tiến hành dự án Forum East. Nhưng họ phải tuyệt đối tránh mọi thái độ mang tính đe doạ, chẳng hạn họ sẽ làm cho chi nhánh tê liệt nếu như nhà băng không rút quyết định vừa rồi.
Margot Bracken nói với những nhân vật chủ chốt của cuộc đấu tranh:
- Phải làm sao để nhà băng tự thấy phải bỏ quyết định cắt giảm số tiền đầu tư mà họ vừa thông qua.
Cuộc họp nào nàng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tuyệt đối tránh mọi hành động nào có thể làm cho nhà băng có cớ để đàn áp. Những người chỉ huy phải nhắc nhở mọi người cảnh giác.
Cũng chính Margot đích thân thảo ra bản kê các câu để hỏi nhân viên ngân hàng. Nàng không hà tiện gì trong việc này, bởi bất cứ khách bàng nào trước khi mở tài khoản cũng đều hỏi cặn kẽ nhà băng đủ thứ, vì đây là chuyện phó thác tiền nong kia mà. Tuy chỉ là số tiền nhỏ nhưng cũng cứ hỏi, càng nhiều câu hỏi càng tốt vì càng làm chậm lại thời gian mở một tài khoản cho nhân viên nhà băng.
Margot cũng thống nhất với các người cầm đầu là nếu ai gặp lúng túng gì, Orinda sẽ đỡ lời. Vị giáo viên da đen này phải học thật kỹ vai kịch của mình.
Còn Deacon Euphrates thì được giao nhiệm vụ đứng vào số những khách hàng đầu tiên xin mở tài khoản, để chỉ dẫn cho người khác biết cách thức tiến hành.
Chính Deacon (tên của anh nghe như tên một tu sĩ hay giáo sĩ, dễ gây cho mọi người lòng cảm phục) huấn luyện các tốp trưởng, để những người này chỉ huy đám tình nguyện bên dưới.
Margot điểm lại và thấy số người tình nguyện tham gia đấu tranh đủ để tiến hành chiếm lĩnh chi nhánh nhà băng cho đến tối Thứ ba. Ngày thứ tư số người sẽ tăng thêm để Ban lãnh đạo nhà băng phải hoảng sợ. Cần bố trí cả một lực lượng dự bị để thay thế cho những ai không thể xếp hàng cả ngày.
Để chuyện chỉ đạo suôn sẻ, ban lãnh đạo cuộc đấu tranh bố trí một mạng lưới thông tin bằng cách sử dụng các máy điện thoại công cộng. Những máy này đều có thành viên của cuộc đấu tranh đứng túc trực, để khi cần có thể gọi được ngay. Từ sáng sớm, Margot đã nhận thấy bộ máy tuy lắp ráp vội vã nhưng vận hành tốt. Chín giờ bốn mươi lăm nàng đã biết có bao nhiêu người xếp hàng, bao nhiêu nhân viên nhà băng được giao việc đón tiếp các khách xin mở tài khoản, mỗi lần mở một tài khoản kéo dài bao nhiêu phút. Người ta miêu tả cho Margot nghe gian phòng của chi nhánh đông đúc đến mức nào và cả cuộc đối thoại giữa Orinda với bà giám đốc chi nhánh nhà băng.
Margot suy nghĩ một lát, rồi ra lệnh cho người liên lạc:
- Bảo Deacon đừng gọi thêm người nữa. Thế này là đủ cho ngày hôm nay. Bảo ông ấy thay thế những người nào sức khoẻ không cho phép đứng xếp hàng thêm. Nhưng mỗi lần thay thế, không được thay quá năm chục người, và nhắc tất cả đến giờ thì đến để ăn bữa ăn nhẹ. Về chuyện này, nhắc mọi người là không được để rác rưởi, giấy gói, thức ăn thừa vương vãi trên vỉa hè cũng như trên quảng trường Rosselli, và tuyệt đối không đem thức ăn thức uống vào nhà băng.
Nói đến bữa ăn nhẹ, Margot lại nhớ đến một trong số những vấn đề đặt ra vào cuối tuần trước.
Nhiều tổ trưởng chi hội ở cụm dân cư cho biết, nhiều người trong cụm của họ không có đủ năm đô la để gửi nhà băng. Quỹ Hội những người thuê nhà ở khu Forum East thì không có khoản tiền nào. Mọi người đã lo tình hình này khéo không tổ chức được cuộc đấu tranh.
May thay Margot sực nhớ đến công đoàn sân bay. Nàng gọi điện đến ban chấp hành công đoàn này, hỏi xem công đoàn sân bay có thể cho nàng vay một khoản tiền, đủ để cấp cho mỗi người ở đây năm đô la không. Đoàn viên công đoàn sân bay có nhiều người lương cao và nhiều người làm thủ quỹ, cho nên sau khi hội ý chớp nhoáng, ban chấp hành ở đó đồng ý. Đoàn viên của công đoàn giúp Euphrates Deacon và Orinda phân phát tiền. Họ đều hiểu rằng số tiền đó gọi là vay nhưng khi hoàn lại nhất định sẽ không đủ. Thậm chí một số người nhận được tiền là tiêu béng ngay, hôm sau không có gì để mở tài khoản.
Nhưng đại đa số người tham gia đấu tranh đã nghiêm túc. Và căn cứ vào tình hình diễn biến sáng nay, thì thấy rõ là tình hình đáng lạc quan.
Cũng chính công đoàn sân bay đã ủng hộ thức ăn cho bữa ăn nhẹ này. Ban chấp hành Hội những người thuê nhà ở Forum East đồng ý. Thoạt đầu Matgot đã hơi ngại, trong thái độ hào phóng này liệu còn có động cơ gì ẩn bên dưới không? Nhưng nàng nghĩ dù gì đi nữa thì cũng sẽ không cản trở cuộc đấu tranh. Margot tiếp tục chỉ thị cho người liên lạc viên cuối cùng: Phải giữ hàng cho dài và ken chặt tới khi nào nhà băng đóng cửa.
Nàng hình dung các nhà báo sẽ chụp ảnh và quay phim vào lúc đó. Lực lượng không được giảm.Tất nhiên tối hôm nay ban chấp hành sẽ họp lại. Nhưng chiến thuật vẫn áp dụng đúng như thế này vào ngày mai. Thời tiết cũng lại thuận lợi: khô ráo, nhiệt độ tương đối ấm và sẽ kéo dài trong vài ngày nữa, theo như dự báo. Nửa giờ sau Margot nhấn mạnh với liên lạc viên khác:
- Nhắc mọi người lịch thiệp, lúc nào cũng giữ thái độ nhã nhặn. Ngay trường hợp nhân viên nhà băng cáu kỉnh ta cũng vẫn mỉm cười tươi tắn.
Mười một giờ bốn mươi lăm, Orinda đích thân đến báo cáo Margot. Anh tươi cười đưa nàng tờ báo buổi chiều đầu tiên ra mắt. Ngay trên trang đầu, báo đã nhắc đến "khó khăn" của nhà băng. Nàng không mong gì hơn:
NHÀ BĂNG LỚN BỊ TÊ LIỆT BỞI DÂN CƯ KHU PHỐ FORUM EAST.
Đầu đề bằng chữ tít lớn. Tiếp đó, hàng chữ nhỏ hơn:
"Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ gặp khó khăn? Đông đảo các khách loại nhỏ kéo đến cứu ngân hàng."
Các tấm ảnh chụp và một bài báo đăng kín hai cột phía dưới. Margot reo lên:
- Chao ơi? Ngân hàng thương mại đâu có thích bị đưa lên báo như thế này.
o O o
Đúng thế. Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ đâu có thích. Sau giờ nghỉ buổi trưa, một cuộc họp được triệu tập trên tầng ba mươi sáu của Tháp Cao ốc, trong phòng giấy Tổng giám đốc. Mặt Jerome Patterton và Roscoe Heyward tối sầm. Mặc dù giữ vẻ mặt lo lắng, Alex cười thầm trong bụng. Tham dự cuộc họp còn có Tom Straughan, trưởng phòng nghiên cứu kinh tế và Dich French, trưởng phòng quan hệ xã hội.
French bước vào phòng, trán cau lại, đang nhai đầu điếu xì gà đã tắt. Anh ta ôm một bó báo chí, bày lên mặt bàn. Jerome Patterton thấy buồn nôn khi đọc: "Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ ĐANG KHÓ KHĂN". Ông ta lầu bầu:
- Xuyên tạc bẩn thỉu, phải trị tờ báo này mới được.
Vốn tính nói thẳng, French đớp ngay:
- Họ không vi phạm gì hết. Họ đâu có đưa ra một nhận định? Thậm chí họ không đặt ra câu hỏi, mà họ chỉ thuật lại những lời bàn tán họ nghe thấy.
Patterton đỏ bừng mặt vì tức giận.
- Rõ ràng họ có dụng ý xấu? - Roscoe Heyward kêu lên. - Rành rành ra đấy thôi.
Hai tay chắp sau lưng, hai chân dang ra, tư thế như võ sĩ chuẩn bị bước vào trận đấu, French đáp:
- Nếu ông chưa hiểu thì nghe tôi giải thích. Kẻ nào tổ chức vụ này hiểu rất rõ luật pháp và các mối quan hệ xã hội. Hành động của hắn được trình bày ra ngoài một cách ranh ma, coi như một hành động thân thiện đối với nhà băng chúng ta. Chúng ta biết thật ra không phải thế, nhưng ta không thể chứng minh và tôi xin ông đừng mất thì giờ chứng minh vô ích! - French nhấc lên một tờ báo rồi nói tiếp:
- Nếu tôi được trả lương hậu hĩnh thì chính vì tôi thành thạo về mặt báo chí. Kinh nghiệm cho phép tôi khẳng định rằng bài báo này được viết một cách lương thiện, cho dù có vừa lòng ông hay không, thì cũng đã đến tay tất cả các hãng thông tấn trong nước và sẽ được đưa tin lại. Tại sao? Vì công chúng rất khoái những chuyện lặp lại tình huống chàng David và gã khổng lồ Goliath.
- Tôi có thể phần nào chứng minh điều đó. Hãng Dow Jones đã đáp lại và cổ phiếu của chúng ta tụt một điểm nữa tại thị trường chứng khoán.
- Chưa hết đâu. - French nói tiếp, như thể không nghe thấy. - Chúng ta chờ xem bản tin trên đài truyền hình tối nay. Các đài truyền hình địa phương sẽ đưa tin này lên hàng đầu. Tôi nhìn thấy trước là ba hãng truyền hình chủ chốt sẽ khai thác triệt để nó. Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ đang gặp khó khăn chăng? Nếu chỉ cần một phát ngôn viên không nhắc lại câu đó, tôi sẽ xin nuốt chửng đài thu hình.
- Xong chưa? - Roscoe Heyward lạnh lùng hỏi.
- Chưa xong hẳn. Tôi nói thêm: nếu tôi có đem toàn bộ ngân khoản dành cho phòng quan hệ xã hội cả năm, ra chi cho việc bôi xấu nhà băng thì cũng chưa tai hại bằng ông.
Dick French quan niệm rằng một chuyên gia quan hệ xã hội là phải dám đặt chức vụ của mình lên bàn mỗi khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Nếu như kiến thức và kinh nghiệm của anh ta buộc anh ta phải nói những câu chối tai cấp trên, thì anh ta cũng không bao giờ ngần ngại nói ra. Theo French, im đi hoặc lấy lòng tức là phản lại trách nhiệm.
Roscoe Heyward hỏi:
- Anh có biết kẻ nào tổ chức vụ này không?
French đáp:
- Hoàn toàn không biết. Tôi đã nói chuyện với Nolan. Ông ta đang điều tra. Nhưng điều đó đâu có gì quan trọng?
Straughan nói:
- Nếu như ông muốn biết tình hình gì đã diễn ra ở chi nhánh chính, thì tôi xin nói rằng trước khi lên đây tôi đã sang đó. Cả gian phòng lớn chật ních người. Hầu như các khách hàng mọi khi không sao vào được các quầy giao dịch, bởi những người biểu tình quá đông.
- Đừng gọi họ là người biểu tình! Dick French nói. - Bởi anh đã nói đến thì tôi thấy cần phải dùng chữ cho chính xác. Không có khẩu hiệu, không có biểu ngữ. Đây đúng chỉ là một hành động thân thiện, như họ nói. Họ chỉ là khách hàng cho nên mới khó.
Jerome Patterton nói:
- Thôi được, anh đã biết nhiều như thế, vậy anh thấy ta phải làm gì bây giờ?
Nhà chuyên gia về quan hệ xã hội nhún Vai:
- Ông đã khuấy động Forum East, bây giờ chính ông phải ổn định nó lại.
Mặt Roscoe Heyward sa sầm. Patterton quay sang Alex hỏi:
- Ông nghĩ sao, Alex?
Bây giờ Alex mới nói:
- Ông đã biết rồi, tôi vẫn phản đối việc cắt giảm tiền đầu tư cho dự án Forum East và đến lúc này vẫn giữ nguyên ý kiến đó.
- Vậy chắc thấy tình hình này ông sung sướng lắm phải không? - Heyward cay độc hỏi. - Ông sẵn sàng chịu thua bọn vô lại chứ gì?
Alex giận dữ nói:
- Tôi không sung sướng gì hết. Trái lại, tôi còn đau lòng thấy nhà băng chúng ta bị rơi vào tình trạng như thế này. Lẽ ra chúng ta phải dự tính trước tình hình này. Bây giờ đành phải khôi phục lại tình hình và thế là xong.
- Ông muốn nhượng bộ, tôi đã nói mà.
Alex lạnh lùng đáp:
- Vấn đề duy nhất đặt ra là tìm hiểu xem việc chúng ta cắt giảm tiền đầu tư kia đúng hay sai. Nếu sai, chúng ta sẽ phải có lòng dũng cảm thừa nhận cái sai đó.
Patterton nói:
- Vấn đề chưa phải là sự dũng cảm. Nếu chúng ta nhượng bộ, chúng ta sẽ thành trò cười cho mọi người.
- Theo tôi thì không ai cười hết. - Alex nói. - Mà họ cười thì có sao?
Dich French chen vào:
- Tôi không quan tâm đến khía cạnh tài chính của vụ này, nhưng tôi muốn nói với các ông một điều: nếu ngay bây giờ chúng ta thay đổi quyết định về dự án Forum East, thì chúng ta không hề xấu mặt chút nào.
Roscoe Heyward căm tức nói với Alex:
- Ông nói đến dũng cảm. Theo tôi thì ông làm gì có dũng cảm? Ông không dám đương đầu với bọn khốn kiếp kia.
- Thôi đi, Roscoe! Ông giở cái giọng như lão trương tuần ở làng quê ấy. Đôi khi khăng khăng không chịu nhận sai lầm chỉ là một sự ngang bướng ngu xuẩn. Mà những người kéo vào chi nhánh nhà băng hôm nay đâu phải "bọn vô lại". Tất cả những gì chúng ta được biết đều chứng tỏ họ không phải như thế.
- Ông có vẻ cảm tình với bọn chúng! - Heyward giọng nghi ngờ nói. - Hay ông biết điều gì mà chúng tôi chưa biết?
- Không.
Patterton khẽ nói:
- Tôi rất không muốn ta chịu thua, Alex ạ.
Straughan từ nãy vẫn chỉ nghe, bây giờ lên tiếng:
- Tôi phản đối việc cắt giảm chi tiêu cho dự án Forum East; như các ông đã biết. Nhưng tôi cũng không thích để người bên ngoài bắt chúng ta phải làm theo ý họ.
Heyward khẳng định:
- Bọn đểu cáng ấy sẽ không kéo dài được lâu đâu. Tôi dám nói với các ông rằng nếu chúng ta vững vàng, không để chúng làm hoang mang thì chỉ ngày mai là bọn chúng xẹp ngay.
- Tôi thì lại cho rằng họ sẽ tiếp tục cho đến hết tuần sau. - Alex nói.
o O o
Kết quả là cả hai lời tiên đoán đều sai như nhau.
Nhà băng không nhượng bộ. Cuộc "xâm lăng” chi nhánh chính tiếp tục diễn ra suốt tuần. Dãy người xếp hàng chờ đến lượt vào giờ đóng cửa chiều thứ sáu cũng dài và đông không kém gì vào giờ mở cửa sáng Thứ hai.
Dick French rất lo những tờ tuần báo ra vào kỳ nghỉ cuối tuần. Anh nhìn trước thấy chuyện rắc rối ở Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới. Anh đã không lầm. Nhìn chung, báo chí đưa chuyện này ra để làm trò cười, nhưng các cổ đông và những người đầu cơ thì không cười chút nào. Hôm Thứ sáu, cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ giảm thêm hai điểm rưỡi vào lúc đóng cửa thị trường chứng khoán New York.
Trong khi đó, Margot Bracken, Seth Orinda và Deacon Euphrates cùng bè bạn của họ vẫn tiếp tục vận động thêm người tham gia.
Thứ hai, Dick French vội vã triệu tập cuộc họp báo vào lúc mười giờ sáng, công bố rằng nhà băng quay trở lại mức đầu tư trước kia cho dự án Forum East. Chàng French khôn khéo đã nói thêm bằng giọng đùa vui:
- Chúng tôi mong rằng đông đảo dân cư khu phố Forum East cùng bè bạn của họ đã mở tài khoản ở nhà băng chúng tôi, sẽ tiếp tục là khách hàng của chúng tôi.
Nhiều nhân tố thúc đẩy sự đầu hàng của nhà băng. Trước chín giờ sáng ngày Thứ hai, đám người đến mở tài khoản còn đông hơn lúc hết giờ chiều ngày Thứ sáu. Không còn nghi ngờ gì nữa, tuần lễ này cũng sẽ diễn ra không kém gì tuần lễ trước. Điều đáng ngại hơn là tại chi nhánh khác của nhà băng ở một thị trấn ngoại thành, cũng lại bị người ta kéo đến rất đông xin mở tài khoản. Hiện tượng này không phải bất ngờ. Rất nhiều tờ báo ra ngày chủ nhật đã tiên đoán nó. Thoạt nhìn thấy đám người đông đúc đứng chờ ngoài cửa chi nhánh, vị giám đốc chi nhánh đã vội vã gọi điện về đại bản doanh nhà băng ở Toà tháp cao ốc cầu cứu...
Đòn giáng quyết định là của công đoàn sân bay, nơi đã cho Ban chấp hành Hội những người thuê nhà ở khu phố Forum East vay tiền để mở tài khoản, và chi bữa ăn nhẹ cho những người tham gia đấu tranh. Các thành viên của công đoàn này tuyên bố công khai ủng hộ thái độ của Hội. Phát ngôn viên của công đoàn lên án Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ bằng những lời lẽ như sau:
- “Một thứ máy làm tiền, chỉ biết kiếm lãi, ích kỷ, tham lam, chỉ chuyên làm người giầu giầu thêm còn người nghèo thì nghèo thêm." Họ tuyên bố sẽ vận động nhân viên nhà băng đình công.
Đây không phải chỉ là giọt nước làm tràn cốc nước đã đầy, mà đây là cả một thác nước Niagara độ xuống cốc nước. Tất cả các nhà băng đều rất sợ và rất ghét tổ chức công đoàn. Các cấp lãnh đạo nhà băng nào cũng nhìn công đoàn như rắn độc nhìn con chồn đen (thứ chồn châu Phi có miễn dịch tự nhiên với nọc độc của rắn). Nhân viên của họ sau khi trở thành đoàn viên công đoàn sẽ hạn chế sự tự do kinh doanh của nhà băng. Nỗi sợ đó là phi lý nhưng có thật. Rất nhiều công đoàn tìm cách phát triển vào các nhà băng nhưng đều không kết quả. Lần nào các chủ nhà băng cũng khéo léo xua đuổi họ. Nhưng lần này, vụ Forum East tạo ra điều kiện thuận lợi cho công đoàn phát triển vào nhà băng.
Ngày Thứ hai đó, Jerome Patterton đến văn phòng nhà băng từ sáng sớm và thái độ lanh lẹn khác hẳn mọi khi. Ông ta quyết định khôi phục lại mức đầu tư cho dự án Forum East và thông qua toàn bộ bản thông cáo do Dick French soạn thảo. Sau đó ông ta khóa trái cửa phòng gìấy, nhấc máy điện thoại ra khỏi bệ rồi tự trấn tĩnh thần kinh, bằng cách tập những bài thể dục Thụy Điển ngay trên thảm của phòng làm việc. Cuối buổi sáng, Uỷ ban Phương hướng họp để phê chuẩn quyết định của Tổng giám đốc. Chỉ một phiếu chống là của Roscoe Heyward. Ông ta nói:
- Sự đầu hàng này tạo ra một tiền lệ sẽ làm chúng ta hối hận.
Alex không nói gì.
Khi bản thông cáo của Dick French thảo được đọc trước đám đông tụ tập trước Toà cao ốc, đại bản doanh của nhà băng, mọi người reo hò vui sướng, rồi họ giải tán một cách trật tự: Công việc ở các chi nhánh lại tiếp tục bình thường như trước kia.
Việc này lẽ ra chấm dứt hoàn toàn nếu như không xảy ra một sự rò rỉ. Sau này nhìn lại, người ta thấy sự rò rỉ tin tức này là chuyện tất yếu phải xảy ra. Hai ngày sau khi công bố bản thông cáo, một bài đưa tin ngắn đăng trên cột báo mang tên 'Nghe lỏm', chuyên đưa những chuyện ngồi lê đôi mách. Bài báo lộ ra một chi tiết của vụ việc kia.
"Bạn đọc chắc vẫn còn băn khoăn ai là người đứng trong buồng trò giật dây tất cả những chuyện diễn ra tuần qua, khi dân cư khu phố Forum East đã buộc nhà băng hùng mạnh và kiêu hãnh Thương mại số Một Hoa Kỳ phải bó giáo qui hàng.
Đó là nữ luật sư, chiến sĩ đấu tranh cho nam nữ bình quyền, cho các quyền công dân, Margot Bracken, người đã nổi tiếng sau vụ "Biểu tình ngồi" tại các phòng vệ sinh ở nhà ga sân bay.
Chính bà ta đã có sáng kiến tổ chức cuộc "tấn công nhà băng" vừa rồi. Tuy nhiên lần này bà nấp trong hậu trường, yêu cầu các trợ thủ của bà ta giữ bí mật. Bà ta cũng tránh mặt các nhà báo, những đồng minh xưa nay của bà ta. Độc giả chắc sẽ hỏi, tại sao Margot Bracken phải dấu mặt như thế?
Chả là thế này. Bạn trai thân thiết nhất của bà ta, người mà chúng ta thấy thường xuyên đi cùng bà ta ngoài phố, chính là nhà hoạt động ngân hàng tính tình hồ hởi Alex Vandervoort, phó chủ tịch kiêm phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ. Nếu bạn ở vào hoàn cảnh Margot Bracken chắc hẳn bạn cũng sẽ phải giấu mặt như vậy, đúng thế không?
Còn lại một câu hỏi được đặt ra: liệu Alex Vandervoort có biết và tán thành việc bao vây nồi cơm của ông ta như vậy không?
Con Ma biết hết."
Nhà Băng Nhà Băng - Athur Hailey Nhà Băng