Số lần đọc/download: 3614 / 73
Cập nhật: 2016-02-18 21:13:13 +0700
Chương 22
T
ừ đó trở đi, Lý Trọc lủi thủi một thân một mình, thời gian này, Lý Lan đi sớm về muộn. Nhà máy tơ chị làm việc đã ngừng sản xuất làm cách mạng. Tống Phàm Bình để lại cho chị một thân phận vợ địa chủ, ngày nào chị cũng phải đến nhà máy, tiếp nhận phê đấu. Lý Trọc không có Tống Cương, cũng coi như không có bạn. Suốt ngày cậu lang thang trên đầu đường xó chợ, chán chường, như chiếc lá trôi vật vờ trên sông, cũng tội nghiệp đáng thương, như mẩu giấy bị gió thổi bay dạt trên đường phố. Cậu không biết mình phải làm gì, chỉ biết đi qua đi lại, mệt thì tìm chỗ ngồi nghỉ, khát thì vặn vòi nước nào đó uống, đói thì về nhà ăn mấy miếng cơm rau thừa, nguội ngơ nguội ngắt.
Lý Trọc đâu có biết trên thế giới đã sảy ra chuyện gì, Cuộc đại cách mạng văn hoá vô sản khiến số người đội mũ cao đeo biển gỗ trên đường phố càng ngày càng đông. Bà Tô, chủ cửa hàng điểm tâm cũng bị lôi ra đấu, họ bảo bà là con đĩ. Bà không có chồng, nhưng có một đứa con gái, cho nên bà là con đĩ. Một hôm, từ xa xa, Lý Trọc nhìn thấy một người đàn bà tóc đỏ, đứng trên ghế băng góc phố, chưa bao giờ cậu trông thấy đàn bà tóc đỏ, cậu chạy đến với tâm trạng hiếu kỳ, mới nhìn rõ mái tóc của người kia bị nhuộm đỏ, trước ngực đeo một tấm biển gỗ, bà cúi đầu đứng trên ghế băng, con gái bà, một cô bé lớn hơn Lý Trọc mấy tuổi, tên là Tô Muội, đứng bên cạnh, dơ tay kéo vạt áo mẹ. Lý Trọc đi thẳng đến dưới bà Tô, ngẩng lên nhìn mặt bà đang cúi gằm, nhận ra bà chính là chủ cửa hàng điểm tâm.
Bên bà Tô, còn có một chiếc ghế băng, cúi đầu đứng trên ghế là bố Tôn Vĩ để tóc dài. Người đàn ông đã từng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với Tống Phàm Bình, đã từng đeo băng đỏ, tinh tướng, ngông nghênh trứơc cổng nhà kho, bây giờ cũng đến lân đội mũ cao, đeo biển gỗ. Ông nội Tôn Vĩ, trước ngày giải phóng, đã từng mở cửa hàng gạo ở thị trấn Lưu chúng tôi, rồi lại bị sập tiệm đóng cửa trong những năm rối ren loạn lạc, theo đà của cuộc đại cách mạng văn hoá ngày càng đi vào chiều sâu và chiều rộng, bố Tôn Vĩ cũng bị khui ra, trở thành nhà tư bản, tấm biển gỗ đeo trước ngực ông, còn to hơn tấm biển gỗ của địa chủ Tống Phànm Bình.
Tôn Vĩ để tóc dài cũng cô độc lẻ loi như Lý Trọc, bố hắn đội mũ cao,đeo biển gỗ, trở thành kẻ thù giai cấp, thì hai thằng bạn Triệu Thắng Lợi và Lưu Thành Công của hắn cũng lập tức chia tay, mỗi đứa đi một ngả. Tôn Vĩ không còn bao giờ tập rê chân, chỉ có hai bóng Triệu Thắng Lợi và Lưu Thành Công luyện tập rê chân trên phố lớn. Lần nào gặp Lý Trọc, Triệu Thắng Lợi và Lưu Thành Công cũng cười đểu. Lý Trọc thừa biết bọn chúng còn muốn rê chân cậu, cho nên hễ trông thấy bọn chúng, là cậu lỉnh cho xa, mà nếu không kịp chạy, thì cậu liền ngồi bệt ra đất, vênh mặt lên, như một tên oắt con mất dạy:
Em đã ngồi xuống đất!
Triệu Thắng Lợi và Lưu Thành Công cũng đã anh hùng không có đất dụng võ, đành phải đá cậu một phát, chửi cậu một tiếng:
Thằng nhóc thối này…
Trước kia, bọn chúng gọi Lý Trọc là "Thằng nhóc", bây giờ gọi cậu là "thằng nhóc thối".
Lý Trọc thường trông thấy Tôn Vĩ tóc dài, hắn thường hay ngoeọ đầu đi lại một mình trên phố lớn, thường hay một mình ngoeọ đầu tựa vào lan can cầu, chẳng ai gọi tên hắn, chẳng ai vỗ vai hắn, dù có là Triệu Thắng Lợi và Lưu Thành Công khi gặp hắn, cũng coi như không quen biết. Chỉ có Lý Trọc vẫn như trước, không chạy trốn, thì ngồi bệt xuống đất, Cũng như trước, hắn gọi Lý Trọc là "thằng nhóc", không thêm chữ "thối" ở đằng sau.
Về sau Lý Trọc ngán chạy trốn, cậu thầm nghĩ, lần nào cũng chạy bở hơi tai, thở hổn hà hổn hển như kéo bễ, chẳng thà cứ ngồi bệt ra đất, vừa dễ chịu thoải mái, lại còn được ngắm nghía phong cảnh phố phường. Từ đấy trở đi, hễ nhìn thấy Tôn Vĩ tóc dài, Lý Trọc liền ngồi luôn ra đất như tranh chỗ ngồi, lắc đầu nguây nguẩy bảo Tôn Vĩ:
- Em đã ngồi xuống đất, nhiều nhất anh cũng chỉ rê được em một cái.
Tôn Vĩ tóc dài cười khì khì, dơ chân đá vào đít Lý Trọc, bảo với cậu:
Này, thằng nhóc, tại sao nhìn thấy tao là ngồi xuống?
Lý Trọc nói một cách gian giảo:
Sợ anh rê chân.
Tôn Vĩ tóc dài vẫn cười khì khì,bảo:
Đứng dạy, thằng nhóc, tao không rê đâu.
Lý Trọc bảo:
Chờ anh đi khỏi, em sẽ đứng dạy.
Mẹ kiếp – Tôn Vĩ chửi một tiếng rồi xéo, khi xéo, còn đọc một câu thơ của Mao chủ tịch – " Hỏi trái đất rộng dài, kẻ nào làm bá chủ sự chìm nổi"?
Hai kẻ lẻ loi cô độc như nhau thường xuyên gặp mặt trên đường phố, Lý Trọc nếu không tránh Tôn Vĩ từ xa, thì ngồi bệt xuống đất. Lần nào thấy thế, Tôn Vĩ cũng cười khì khì. Lý Trọc bao giờ cũng luôn luôn cảnh giác đối với hai chân của Tôn Vĩ, không để chúng rê trộm mình. Cho đến một buổi trưa, Lý Trọc đã lơ là cảnh giác, lúc bấy giờ nhiều vòi nước của các gia đình trong thành phố đều đóng khoá, Lý Trọc khát quá, lùng xục khắp nơi, khi tìm được vòi nước thứ tám chưa khoá, cậu đã vặn ra uống một hơi liền, lại dùng nước lạnh xối rửa cái đầu đang toát mồ hôi. Khi cậu vừa đóng vòi nước, thì một người ở phía sau lại vặn ra, xoe xoé uống một hồi, mồm ngậm vòi nước như gặm một khúc mía, anh ta ngoeọ đầu, chổng mông, vừa uống nước, vừa đánh rắm tum tủm. Lý Trọc cười khúc khích, người kia uống nước xong, đứng thẳng lên nói với cậu:
Này, thằng nhóc, cười cái gì?
Lý Trọc nhìn rõ người đó là Tôn Vĩ tóc dài, lúc này Lý Trọc quên khuấy ngồi bệt xuống, cậu cười khúc khích bảo Tôn Vĩ:
Anh đánh rắm y như đang ngáy.
Tôn Vĩ cười khì khì, vặn nhỏ vòi, luôn lấy tay hấng một ít nước vuốt mái tóc. Vừa vuốt tóc, hắn vừa hỏi Lý Trọc:
Còn thằng nhóc kia đâu?
Lý Trọc biết, hắn định hỏi Tống Cương, cậu đáp:
Anh ấy về quê rồi.
Tôn Vĩ gật đầu,đóng vòi nước, vẩy vẩy mái tóc dài,vẫy tay gọi Lý Trọc, bảo đi theo hắn. Lý Trọc đi theo hắn hai bước, đột nhiên nghĩ đến chuyện hắn rê chân, liền vội vàng ngồi xuống đất. Tôn Vĩ đi được vài bước, thấy Lý Trọc không đi theo, quay lại thấy Lý Trọc ngồi trên đất, hắn lạ quá liền hỏi:
Này, thằng nhóc, làm gì vậy?
Lý Trọc chỉ vào hai chân hắn:
- Anh rê chân.
Hắn cười ha ha, nói:
Tao muốn rê chân mày, thì vừa giờ tao đã rê.
Lý Trọc cảm thấy hắn nói đúng, nhưng vẫn không tin, cậu hỏi thăm dò:
Vừa giờ anh quên rê chân em.
Hắn xua tay nói:
Không phải! Đứng dạy, tao không rê mày đâu, bọn mình bây giờ là bạn.
"Bâygiờ chúng ta là bạn ư"? Câu nói này khiến Lý Trọc được yêu mến mà phát hoảng, gần như giật mình đứng dạy. Đúng là Tôn Vĩ đã không rê chân cậu, lại còn bá vai cậu, đi trên đường phố như bạn bè. Tôn Vĩ văng mái tóc dài một cách thoải mái, mồm ngâm nga:
Hỏi trái đất rộng dài, kẻ nào làm chúa tể sự chìm nổi?
Lý Trọc phấn khởi mặt đỏ tưng bừng,Tôn Vĩ hơn bảy tuổi đã thành bạn của cậu. Cái rê chân của anh bạn này,sau khi Tống Phàm Bình chết, vẫn là vô địch trong trời đất, mái tóc của hắn che kín tai, khi bước đi, gió thổi xoã tung, mồm lúc nào cũng ngâm nga lời thơ Mao chủ tịch. Khi hắn đọc, cứ nhấn nhá, thêm vào một chữ "ơi "và "thế nhỉ"’. Sự cải biên của Tôn Vĩ, khiến cậu cảm thấy rất thú vị. Đi bên hắn, Lý Trọc cảm thấy oắch ra trò, ngay đến những kẻ đeo băng đỏ, Lý Trọc cũng tạm thời gạt ra rìa.
Khi đi lên cầu, chúng gặp Triệu Thắng Lợi và Lưu Thành Công, Triệu Thắng Lợi và Lưu Thành Công thấy Tôn Vĩ đã nghiễm nhiên chơi với thằng trẻ ranh Lý Trọc, tỏ vẻ hết sức lạ lùng. Tôn Vĩ cứ tỉnh bơ như không, mồm ngâm nga lời thơ của Mao chủ tịch mình đã cải biên:
Hỏi trái đất rộng dài ơi…
Tiểu nhân đắc ý, Lý Trọc cướp lời, đọc luôn câu tiếp theo:
Kẻ nào làm chúa tể sự chìm nổi thế nhỉ?
Triệu Thắng Lợi và Lưu Thành Công thấy Tôn Vĩ thầm thì,che miệng cười, Tôn Vĩ biết bọn kia đang chê cười mình, khẽ mắng Lý Trọc:
Này, thằng nhóc, đừng đi bên cạnh tao, bám sau đít tao.
Lý Trọc hết luôn ti toe và hăng máu vịt, cậu không có quyền đi ngang hàng với Tôn Vĩ nữa, đành phải bám theo sau Tôn Vĩ như một con bọ hung. Lý Trọc ngoeọ đầu so vai, chán nản đi sau Tôn Vĩ. Lý Trọc thừa biết, Tôn Vĩ không còn ai là bạn, đã nhận bừa cậu là bạn. Mặc dù vậy, Lý Trọc bám sát Tôn Vĩ, đi cùng với Tôn Vĩ, bao giờ cũng hay hơn đi một mình.
Lý Trọc càng bất ngờ hơn nữa là chuyện, sáng hôm sau, Tôn Vĩ đã nghiễm nhiên đến tận nhà tìm cậu. Lúc đó Lý Trọc vừa ăn xong cơm sáng, Tôn Vĩ đã đọc lời thơ Mao chủ tịch ở ngoài cửa:
Hỏi trái đất rộng dài ơi, kẻ nào làm chúa tể sự chìm nổi thế nhỉ?
Khi mở cửa, Lý Trọc mừng rỡ, như một người bạn cũ, Tôn Vĩ vẫy tay giục cậu:
Đi thôi!
Hai đứa lại đi với nhau, Lý Trọc hết sức cẩn thận đi bên Tôn Vĩ, Tôn Vĩ không phản đối, Lý Trọc đã yên tâm.Khi ra đầu ngõ, Tôn Vĩ đột nhiên đứng lại, bảo Lý Trọc:
Mày nhìn xem, quần tao rách phải không?
Lý Trọc đến trước mông Tôn Vĩ, không trông thấy lỗ thủng trên quần, trả lời:
Không rách.
Tôn Vĩ bảo:
Ghé sát vào, nhìn kỹ xem.
Lý Trọc gần như dí mũi vào sát đít Tôn Vĩ, vẫn không nhìn thấy lỗ thủng. Lúc này Tôn Vĩ đột nhiên đánh một cái rắm thối, như cơn gió, cái rắm thối inh của Tôn Vĩ, phả vào mặt Lý Trọc. Tôn Vĩ phá lên cười ha ha, khi bước đi, mồm lại cất cao giọng:
Hỏi trái đất rộng dài ơi…
Lý Trọc vội vàng há to mồm đọc tiếp:
Kẻ nào làm chúa tể sự chìm nổi thế nhỉ?
Lý Trọc thừa biết Tôn Vĩ xỏ lá mình, cứ tỉnh khô, vấn đề cậu quan tâm là Tôn Vĩ để cậu đi bên cạnh, hay là đi đằng sau.
Trong những ngày còn lại của mùa hè, Lý Trọc và Tồn Vĩ sáng chiều bên nhau, thời gian hai đứa lăng quăng trên đường phố còn dài hơn cả ánh nắng, có lúc trăng đã lên, chúng vẫn còn lăng quăng.Tôn Vĩ không thích nơi vắng vẻ, hắn thích đường phố lớn nhộn nhịp, Lý Trọc bám theo hắn đi lăng quăng suốt ngày trên phố lớn, giống như con ruồi lượn trên đống phân, dời khỏi đường phố, chúng không biết đi đâu. Tôn Vĩ rất khoái mái tóc dài của hắn, ngày nào ít nhất cũng hai lần, hắn bước xuống bậc hè, ngồi xổm ở vệ sông, vốc một chút nước, vuốt vuốt mái tóc trước trán cho phẳng phiu, sau đó soi cái bóng mờ mờ dưới nước, văng văng mái tóc dài, huýt hai ba tiếng sáo miệng, dương dương tự đắc.Về sau này, Lý Trọc biết tại sao Tôn Vĩ thích đi lại trên phố lớn, hắn thích những tấm kính trên đường phố, mỗi lần dừng chân trước một tấm kính nào đó, huýt sáo miệng, Lý Trọc nhắm mắt vào cũng nhìn thấy Tôn Vĩ lại văng mái tóc dài của hắn.
Chúng thường xuyên trông thấy bố Tôn Vĩ trên đường phố, Những lúc ấy TônVĩ cúi gằm mặt, hấp ta hấp tấp đi vội, để người ta khỏi nhận ra. Bố Tôn Vĩ đội mũ cao bồi giấy, cầm chổi quét đường phố như Tống Phàm Bình trước kia, buổi sáng quét đi,buổi chiều quét về. Lúc ở trên phố lớn, thường có người hạch sách ông:
Này, khai hết tội chưa?
Ông vâng vâng dạ dạ:
Khai cả rồi!
Nghĩ xem, còn gì chưa khai không?
Vâng ạ!- - Ông khom lưng cúi đầu thưa.
Có lúc tụi trẻ con hạch ông:
Dơ nắm đấm lên hô " đả đảo mình" xem nào.
Ông dơ nắm tay, hô to:
Đánh đổ tôi!
Lúc này, mồm Lý Trọc ngưa ngứa, cậu cũng muồn quát ông ta vài câu, nhưng có Tôn Vĩ bên cạnh, cậu không quát được. Có lần không sao nín nhịn nổi, khi bố Tôn Vĩ hô xong " Đánh đỏ tôi", Lý Trọc đã giục:
- Hô hai tiếng!
Bố Tôn Vĩ dơ hai lần nắm tay, hô hai tiếng "Đả đảo tôi", Tôn Vĩ đá mạnh Lý Trọc một cái, khẽ mắng:
Mẹ kiếp! Đánh chó cũng phải nhìn chủ chứ!
Nhìn thấy những người khác đội mũ cao đang bị phê đấu, khi đi qua Tôn Vĩ cũng tiện thể đá họ một cái, Lý Trọc cũng đá theo, sau đó hai thằng hí hửng như vớ bở, được ăn không một bát mì Tam tiên,Tôn Vĩ bảo Lý Trọc:
Trông thấy kẻ xấu đá một cú, chẳng khác nào cái lý iả xong phải chùi đít.
Mẹ Tôn Vĩ đã từng là một người đàn bà chua ngoa, trong ngày cưới của Lý Lan và Tống Phàm Bình, chỉ vì mất một con gà mái, đã buột mồm chửi một lô xích xông những lời chối tai, bây giờ chồng bà đội mũ cao đeo biển gỗ to, bà thay đổi hẳn,nói năng nhỏ nhẻ, trông thấy ai là toe toét cười. Lý Trọc thường xuyên xuất hiện ở cổng nhà bà vào buổi sáng. Bà biết Lý Trọc là bạn duy nhất của con trai mình, nhìn thấy Lý Trọc, bà tỏ ra nhiệt tình, thân thiết như một người mẹ, bà bảo mặt Lý Trọc bẩn, liền lấy khăn tay rửa mặt cho cậu, bà bảo cúc áo Lý Trọc bị đứt, cởi ra để bà đơm lại. Bà thường lén hỏi tình hình Lý Lan. Lúc đó Lý Trọc thường lắc đầu trả lời không biết, bà liền thở dài, vành mắt đỏ lên. Khi nước mắt bà sắp sửa traò ra, bà liền quay người đi.
Tình bạn giữa Tôn Vĩ và Lý Trọc không kéo dài được bao lâu. Trên phố lớn lúc này, ngoài đám đông tuần hành, còn xuất hiện những người cầm kéo và tông đơ cắt tóc, hễ trông thấy ai ống quần bó, là túm luôn, cắt ống quần của người ta thành tua chổi lau nhà, hễ trông thấy người đàn ông nào để tóc dài, là ấn người ta xuống đất, dũi mái tóc họ thành một ổ cỏ rối. ống quần bó và mái tóc dài của đàn ông đều là giai cấp tư sản, mái tóc dài của Tôn Vĩ cũng không thoát. Buổi sáng hôm đó, hai thằng vừa đi ra phố lớn, khi vừa trông thấy bố Tôn Vĩ cúi đầu quét đường ở xa xa, thì mấy người cầm kéo và tông đơ chạy đến chỗ chúng, lúc bấy giờ mồm Tôn Vĩ đang ngâm nga câu thơ:
Hỏi trái đất rộng dài ơi, kẻ nào làm bá chủ sự chìm nổi thế nhỉ?
Lý Trọc nghe thấy ở đằng sau có tiếng bước chân rầm rập chạy đến, cậu quay lại nhìn, thấy mấy hồng vệ binh cầm kéo và Tông đơ xông vào mình, Lý Trọc không biết đã sảy ra chuyện gì? Cậu quay nhìn Tôn Vĩ, Tôn Vĩ đang chạy bán sống bán chết, về hướng bố hắn đang quét đường. Mấy tên hồng vệ binh lao như bay qua bên cạnh Lý Trọc, đuổi theo Tôn Vĩ ở trước mặt.
Người bạn là học sinh trung học của Lý Trọc, ngày thường, khi gặp bố quét đường, Tôn Vĩ thường cúi đầu, vội vã đi qua, lúc này để bảo vệ mái tóc dài mà mình hết sức yêu quý, hắn đã chạy đến chỗ bố, vừa chạy,vừa gọi to:
Bố ơi, cứu con!
Một người đeo băng đỏ đột nhiên xuất hiện ở giữa đường, khi Tôn Vĩ chạy đến trước mặt, tên hồng vệ binh liền rê chân một cái, Tôn Vĩ ngã lộn cổ ra đất. Khi Tôn Vĩ bò dạy chạy tiếp, những người đuổi đằng sau xô đến, ấn hắn xuống nền đường. Lúc này Lý Trọc đã chạy qua, cậu trông thấy bố Tôn Vĩ cũng chạy đến, một trận gió đã thổi tung cái mũ cao của ông, bay xuống đất, ông quay laị nhặt mũ đội lên đầu, sau đó một tay ông giữ mũ cao, một tay ông vung chạy.
Mấy tên hồng vệ binh khoẻ mạnh, cậy sức, đè TônVĩ ra đất, lấy tông đơ dũi bỏ mái tóc dài xinh đẹp của hắn. Tôn Vĩ dẫy dụa thục mạng, sau khi hai cánh tay của hắn bị ấn xuống, hai chân hắn dẫm đạp như bơi, hai tên hồng vệ binh lấy đùi đè lên khuỷu chân hắn. Hai chân hắn hết động đậy. Sau khi Tôn Vĩ bị đè nằm sấp sát hẳn đất, đầu hắn luôn ngẩng lên, rối rít gọi:
Bố ơi, bố ơi…
Chiếc tông đơ trong tay hồng vệ binh, y như một cái cưa, cứ nhay đi nhay lại trên mái tóc và trên cổ Tôn Vĩ. Sức dè của hồng vệ binh và sức dãy dụa liều lĩnh của Tôn Vĩ đã làm cho chiếc tông đơ trượt khỏi đầu Tôn Vĩ, cắm phập vào cổ Tôn Vĩ, tên hồng vệ binh vẫn cố tình cắt cho bằng được, máu tươi toé ra nhuộm đỏ tông đơ. Tay hồng vệ binh vẫn không dừng lại, hắn đã cắt đứt động mạch bên trong.
Lý Trọc đã chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp này, máu trong động mạch phun ra, cao tới hơn hai mét, phun đến nỗi bọn hồng vệ binh bị máu bắn đầy mặt đầy người, chúng phải bật dậy như một chiếc lò so. Bố Tôn Vĩ đội mũ cao chạy đến trước mặt, khi thấy cổ con trai đang phun máu, còn van xin bọn kia tha con mình. Khi quỳ trên bãi máu đầm đìa, mũ cao của ông lại rơi xuống, lần này ông không nhặt, mà ôm chặt con, đầu con ông lủng lẳng như sắp đứt. Ông gọi tên con, không hề có một chút phản ứng, vẻ mặt đầy khủng khiếp, ông hỏi những người xúm lại xem;
Con tôi chết rồi phải không?
Không ai trả lời ông, mấy thằng hồng vệ binh giết hại con ông, lau máu trên mặt, đang hoảng sợ nghiêng nghiêng ngó ngó, chúng bị cảnh tượng vừa giờ làm cho ngớ ngẩn, mắt trắng dã. Tiếp sau đó, bố Tôn Vĩ đứng phắt dậy, quát mấy tên hồng vệ binh:
- Chúng mày! Giết con tao!
Ông thét rồi lăn xả vào chúng, chúng sợ chạy tán loạn, người bố trong cơn giận điên cuồng, đâm ra lúng túng, không biết nên đuổi ai đánh ai? Giữa lúc này, mấy tên hồng vệ binh khác chạy đến, trông thấy bố Tôn Vĩ, đã mắng ông, đuổi ông lập tức về quét đường. Nắm đấm phẫn uất của bố Tôn Vĩ đã vung lên đánh chúng. Lý Trọc đẫ chứng kiến một cuộc ẩu đả đáng sợ, bốn tên hồng vệ binh đánh một mình ông già, trên đường phố lớn, như một lũ động vật, hết lăn bên này, lại lăn sang bên kia, đám người vây xem, cũng xô đi xô lại. Bố Tôn Vĩ dơ tay đấm, co chân đạp, lấy đầu húc, như một con sư tử nổi cơn điên, ông gầm lên dữ dội, bốn tên kia gộp sức lại, cũng không địch nổi ông. Ông đã từng đánh nhau to với Tống Phàm Bình, lúc đó ông đâu phải đối thủ của Tống Phàm Bình, còn bây giờ Lý Trọc lại khẳng định, Tống Phàm Bình không phải là đối thủ của ông.
Số người đeo băng đỏ trên phố kéo đến càng ngày càng nhiều, cuối cùng có đến gần hai mươi tên, Chúng vây chặt bố Tôn Vĩ ở giữa, luân phiên tấn công, cuối cùng đánh ông ngã ra đất., Bố Tôn Vĩ đã từng bị như Tống Phàm Bình, chúng đổ xô vào, tha hồ đá ông, đạp ông, dẫm ông, cho tới khi ông không còn nhúc nhích, bọn hồng vệ binh mới chịu thôi. Chúng đứng tại chỗ thở hổn hà hổn hển. Sau khi bố Tôn Vĩ tỉnh lại, chúng quát ông:
Đứng dậy, theo chúng tao!
Lúc bây giờ, bố Tôn Vĩ lại trở về trạng thái vâng vâng dạ dạ thường ngày, lau máu trên mặt, thân thể vết thương chồng chất lên vết thương gượng đứng dạy,còn nhặt cả cái mũ cao thấm máu tươi của con trai, cẩn thận đội lên đàu. Khi ông cúi đầu đi theo bọn kia, ông đã nhìn thấy Lý Trọc, ông đã khóc,giục cậu:
Mau ra bảo với bác gái, con trai đã chết!
Toàn thân run rẩy, Lý Trọc đã đến cửa nhà Tôn Vĩ, lúc này vẫn là buổi sáng, mẹ Tôn Vĩ trông thấy Lý trọc đứng một mình ở cửa,cứ tưởng Lý Trọc đến tìm con trai bà, bà ngạc nhiên hỏi:
Chúng mày vừa cùng đi vói nhau cơ mà?
Lý Trọc lắc lắc đầu, toàn thân run bắn nói không ra tiếng. Mẹ Tôn Vĩ nhìn thấy vết máu trên mặt Lý Trọc, ngạc nhiên hỏi:
Chúng mày đánh nhau hả?
Lý Trọc dơ tay vuốt mặt, nhìn thấy vết máu trên tay,mới biết máu tươi ở cổ Tôn Vĩ phun ra cũng bắn lên mặt mình, cậu há mồm khóc hai tiếng, hu hu nói:
- Tôn Vĩ chết rồi!
Lý Trọc trông thấy nỗi khủng khiếp bò trên mặt mẹ Tôn Vĩ, bà vô cùng hốt hoảng nhìn Lý Trọc. Lý Trọc nhắc lại lần nữa, cậu cảm thấy mắt mẹ Tôn Vĩ đã biến thành mắt xếch, Lý Trọc nói thêm một câu:
Trên phố lớn.
Từ trong nhà, mẹ Tôn Vĩ lật đà lật đật chạy đi, lật đà lật đật chạy vào ngõ nhỏ, chạy ra phố lớn. Lý Trọc chạy theo sau bà, lắp ba lắp bắp kể lại con trai bà chết như thế nào, lại kể chồng bà đánh nhau với người ta ra sao. Sau khi mẹ Tôn Vĩ càng chạy càng nhanh, bà không xiêu xiêu vẹo vẹo nữa, tốc độ đã khiến bà được cân bằng.Ra đến đường lớn, bà chạy băng băng. Lý Trọc chạy theo bà được mấy bước, thì đứng lại nhìn bà chạy, nhìn bóng bà chạy xa dần, chạy đến chỗ con bà nằm, bóng bà quỳ ra đất như đánh rơi. Sau đó Lý Trọc nghe thấy tiếng khóc khiến người nghe phát run lên, mỗi tiếng đều rú lên như dao găm đâm vào ngực.
Từ lúc đó, mẹ Tôn Vĩ lúc nào cũng khóc. Mắt bà vừa đỏ vừa sưng, như hai cái bóng đèn, bà vẫn luôn luôn khóc. Những ngày tiếp theo, sáng sớm nào bà cũng men theo tường ngõ nhỏ, đi ra phố lớn, lại men theo sát tường phố lớn, đi đến chỗ con chết, đứng nhìn vết máu con để lại khóc hoài.Sau khi trời tối, bà mới bám sát tường đi về nhà. Hôm sau, bà laị ra đứng đó khóc không thành tiếng. Có những người quen biết, đến an ủi bà, bà quay mặt đi như xấu hổ, mà lại còn cúi gằm xuống.
Tinh thần hoảng hốt, mắt bà đờ đẫn, quần áo trên người càng ngày càng bẩn,đầu và mặt, cũng càng ngaỳ càng bù xù, nhem nhuốc, dáng đi cũng ngày càng trở nên kỳ quái, khi chân phải bước đi, tay phải cũng vung văng, khi chân trái bước đi, tay trái cũng vung văng. Theo lối nói của thị trấn Lưu chúng tôi, là bà đi trẽ ngoặt. Đi đến chỗ con chết, bà ngồi bệt ra đất, cả thân thể nằm liệt tại chỗ như hôn mê. Tiếng khóc hu hu của bà,khẽ như tiếng muỗi kêu.Rất đông người bảo bà bị bệnh tâm thần. Nhưng một khi bà ngẫu nhiên ngẩng đầu, trông thấy mắt người khác, bà liền quay ngoắt đi, cúi đầu, len lén lau nước mắt. Về sau để không ai nhìn thấy mình khóc, bà quay lưng, áp mặt vào cây ngô đồng bên đường.
Dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi xôn xao bàn tán, một số người bảo bà đã điên, một số người bảo bà còn biết xấu hổ, chứng tỏ bà chưa điên. Những người bảo bà chưa điên cũng không sao giải thích rõ bộ dạng quái gở của bà, họ bảo, có thể bà bị chứng u uất về tinh thần. Mỗi ngày ra phố lớn, bà lại mất một đôi dày, về sau không còn ai trông thấy bà đi dày dép, quần áo trên thân bà cũng ít dần, không thấy bà mặc thêm. Cho đến một hôm, đột nhiên bà ngồi trần truồng tại chỗ, lúc bấy giờ vết máu của con trai đã bị mấy trận nước mưa xối rửa sạch, bà vẫn nhìn mặt đất khóc liên tục, vẫn quay người đi, dán mặt vào cây ngô đồng, len lén lau nước mắt khi bà phát hịên có người khác nhìn mình. Lúc này dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi đã thống nhất nhận xét, mẹ Tôn Vĩ đã điên, bà điên thật rồi.
Người đàn bà tội nghiệp, không biết nhà mình ở đâu, sau khi trời tối, bà đứng dạy, đi tìm nơi ở trên khắp ngả phố to ngõ nhỏ, đêm hôm khuya khoắt, bà vẫn lặng lẽ đi đi lại lại, như một bóng ma, thường làm cho dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi hét toáng lên, sợ hết hồn. Về sau, ngay đến chỗ con chết, bà cũng không nhớ, suốt ngày lúc nào bà cũng vội vàng, hấp tấp, hết đi ra lại đi vào, như khách bị lỡ tàu, mồm bà lúc nào cũng leo lẻo gọi tên con, mau mau về ăn cơm:
- Tôn Vĩ ơi, Tôn Vĩ…
Về sau nữa, mẹ Tôn Vĩ đã vắng bóng trên thị trấn Lưu chúng tôi, vắng bóng đã gần mấy tháng, bà con thị trấn Lưu chúng tôi mới chợt nhớ, đã lâu lắm không thấy bà. Họ hỏi nhau, tại sao đột nhiên không nhìn thấy mẹ Tôn Vĩ? Triệu Thắng Lợi và Lưu Thành Công hai bạn cũ của Tôn Vĩ biết bà đi đâu, đứng giữa đám đông thị trấn Lưu chúng tôi, hai cậu vẫy tay về hướng nam, bảo:
Đi rồi, đi từ bao giỡ bao giờ rồi!
Đi rồi sao? – Bà con hỏi - Đi đâu?
Đi về nhà quê!
Triệu Thắng Lợi và Lưu Thành Công có thể là hai người cuối cùng đã nhìn thấy bà đi. Chiều hôm ấy, hai cậu đang câu cá trên cầu ngoài cửa Nam, đã trông thấy bà đi, lúc ấy mẹ Tôn Vĩ mặc trên người một cái áo bà Tô len lén mặc cho bà vào một buổi tối, bà Tô còn mặc cho bà một cái quần. Khi ra khỏi cửa Nam, bà không mặc quần, lúc ấy bà đang có kinh nguyệt, khi đi qua cầu gỗ, máu tươi chảy ròng ròng theo hai chân bà, khiến cả hai chàng trai cứ há hốc mồm, trợn mắt mà nhìn.
Sau hôm con trai chết, bố Tôn Vĩ bị giam vào nhà kho thật ra là nhà tù.Ông đã từng trông coi Tống Phàm Bình tại đây, bây giờ đến lượt ông, nghe đâu ông đã nằm trên cái giường Tống Phàm Bình đã từng nằm. Con trai chết trong vũng máu đầm đìa, khiến ông bỗng chốc mất lý trí, lao vào ẩu đả phái tạo phản cách mạng đeo băng đỏ. Sau khi những tên hồng vệ binh giải ông vào nhà kho, đêm đầu tiên đã bắt đầu hành hạ ông, bọn chúng trói hai chân, hai tay ông, ra ngoài bắt một con mèo hoang, nhốt vào trong quần ông, buộc chặt ống quần trên dưới, con mèo hoang vừa cắn, vừa cào suốt một đêm trong quần ông, khiến ông kêu rên thảm thiết cả đêm, khiến những người khác bị giam trong nhà kho cũng run rẩy suốt một đêm, có mấy kẻ nhút nhát, vãi đái ra quần.
Đêm thứ hai, bọn hồng vệ binh thay đổi hình phạt, bắt ông nằm sấp ra đất, tìm một cái bàn chải sắt, chải vào gan bàn chân, vừa đau vừa ngứa, cánh tay và chân ông, co giật như bơi, những tên đeo băng đỏ đứng cạnh cười ha hả, vừa cười, vừa hỏi ông:
Mày biết trò này là gì không?
Bố Tôn Vĩ toàn thân co giật cứ gào lên, lại còn phải gào lên trả lời câu hỏi, nước mắt ông dàn dụa:
Con, con, con, con không biết…
Một tên hồng vệ binh cười hỏi ông:
Mày có biết bơi không?
Bố Tôn Vĩ đã hổn hển như sắp đứt hơi, lại còn phải trả lời:-
Biết, biết...
Trò này là vịt bơi—Bọn hồng vệ binh cười ngặt cười nghẽo, chúng bảo – Bây giờ mày làm trò vịt bơi.
Sang đêm thứ ba, bọn hồng vệ binh vẫn không buông tha bố Tôn Vĩ, chúng châm một điếu thuốc dựng trên đất, bắt bố Tôn Vĩ cởi quần. Khi ông cởi quần, mặt đau méo xệch đi, hai hàm răng va vào nhau như tiếng búa rèn sắt của anh Đồng thợ rèn. Con mèo hoang đã cào nát hết hai chân ông, quần lại dính chặt vết thương, khi cởi quần, ông đau đớn, y như lột một lớp da thịt, khi cởi quần, máu mủ chảy loang lổ khắp hai chân. Chúng bắt lỗ đít ông, ngồi đúng vào đầu mẩu thuốc dựng ngược. Ông ngậm nước mắt ngồi xuống. Một tên hồng vệ binh còn áp mặt sát đất, chỉ huy đít ông, khi dịch sang trái, lúc đưa sang phải, mắt nhìn xem đầu thuốc đã chạm đúng lỗ đít chưa. Hắn vung tay hạ lệnh:
Ngồi xuống!
Bố Tôn Vĩ ngồi lên điếu thuốc đang cháy, ông cảm thấy đầu thuốc đang đốt cháy hậu môn mình, kêu xèo xèo khá lâu, lúc này ông đã không thấy đau, chỉ ngửi thấy mùi khét của da thịt bị cháy. Tên hồng vệ binh kia vẫn cứ đang hô hét:
Ngồi xuống! Ngồi xuống!
Ông ngồi trịt trên đất, hậu môn đè lên đầu điếu thuốc, đầu điếu thuốc cháy hậu môn xèo xèo, rồi tắt ngấm. Ông ngồi trên đất như chết, bọn hồng vệ binh ôm bụng cười ngất, một tên trong bọn hỏi ông:
Mày biết trò này gọi là gì không?
Ông uể oải lắc đầu, khẽ trả lời:
Con không biết.
Trò này là lỗ đít hút thuốc - Tên hồng vệ binh đá ông một phát - Nhớ chưa?
Ông cúi đầu thưa:
Lỗ đít hút thuốc,nhớ rồi ạ!
Bố Tôn Vĩ chịu mọi kiểu tra tấn trong cái nhà kho đêm nào cũng không ngớt những tiếng kêu thảm thiết, hai chân ông ngày càng sưng to, ngày nào cũng chảy máu chảy mủ, ngày nào cũng bốc lên mùi hôi thối sực nức. Mỗi lần đại tiện, ông đau đớn không thiết sống, ông không dám lấy giấy lau, hễ lau vào là một trận đau buốt khủng khiếp, phân của ông dính bết lại ở hậu môn bị đốt cháy, lỗ đít ông bắt đầu lở loét. Khắp cơ thể người đàn ông này, từ trên xuống dưới đều lở loét, đứng đau, ngồi đau, nằm cũng đau, động đau, không động cũng đau.
Sống chẳng thà chết, ông còn phải tiếp tục bị hành hạ nhiều kiểu mới, chỉ vào lúc đêm khuya mới có chút yên tĩnh, ông nằm trên giường toàn thân đau ê ẩm, có một chỗ duy nhất không đau là tư tưởng của ông, lúc bấy giờ, ông cứ miên man nghĩ đến vợ, đến con trai. Ông luôn nghĩ, con trai ông chôn ở đâu? Trước mắt ông lúc nào cũng hiện ra một nơi non xanh nước biếc, ông thầm nghĩ, mình sẽ chôn con trai ở giữa nơi non xanh nước biếc ấy. Có lúc ông cảm thấy nơi xinh đẹp ấy, hình như rất quen thuộc, có lúc lại cảm thấy rất xa lạ. Sau đó ông lại luôn luôn nghĩ đến vợ bây giờ đang thế nào? Ông tưởng tượng, nỗi đau thương của bà sau khi mất con trai, bà bỗng gầy tọp đi, bà rất ít ra khỏi nhà, cứ âm thầm, lặng lẽ ở trong nhà, chờ ông về.
Ngày nào ông cũng có ý định tự sát, mà càng ngày càng mạnh mẽ, được cái, đêm khuya nào, ông cũng luôn luôn nghĩ đến con trai và người vợ bơ vơ không nơi nương tựa, mới khiến ông cố nghiến răng sống từng ngày. Ông cảm thấy vợ mình ngày nào cũng đi đến trước cổng nhà kho, chỉ mong được nhìn thấy ông một cái, cho nên mỗi lần mở cổng nhà kho, ông đều háo hức nhìn ra, một lần, không sao chịu nổi, ông quỳ sụp xuống đất van nài một tên hồng vệ binh, nếu vợ ông đến thăm, liệu có cho ông ra cổng nhìn một cái. Lúc bấy giờ ông biết vợ mình đã điên, biết vợ ông để tồng ngồng, đi đi lại laị trên đường phố.
Tên hồng vệ binh cười khì khì, gọi mấy tên nữa đến, bọn chúng bảo ông, vợ ông đã điên từ lâu rồi. Chúng đứng trước mặt ông, nhăn nhở, bàn tán thân thể bà, bảo vú bà to lắm, chỉ tiếc thõng thòng thòng, bảo lông l. bà rậm phải biết, chỉ tội bẩn ơi à bẩn, lại còn dính cả rơm rạ lên nữa…
Lúc đó, bố Tôn Vĩ ngồi bệt xuống đất, cúi đầu không động đậy, đau khổ tới mức không khóc ra nước mắt. Đêm đến, nằm trên giường, toàn thân đau ê ẩm, lúc này tư tưởng ông cũng đau đớn, trong đầu ông như có một cái máy xay thịt đang nghiền, khiến nó đau không chịu nổi. Lúc hai giờ sáng, ông hơi tỉnh, chính thức quyết định tự sát. ý nghĩ này khiến ông lập tức hết đau đầu,tư tưởng ông cũng lập tức khoẻ mạnh. Ông nhớ rõ có một cái đinh to ở gầm giường, ông trông thấy cách đây gần một tháng. ý định tự sát đầu tiên của ông nẩy sinh từ cái đinh này, ý định tự sát cuối cùng của ông cũng trở về từ cái đinh này. Ông ngồi dạy, xuống giường, lần mò lâu lắm, đã sờ thấy cái đinh, sau đó ông ghé vai nhấc khung giường, lấy hòn gạch kê chân giường ra, ngồi dựa vào tường. Toàn thân đau ê ẩm của ông, lúc này không hề có cảm giác đau đớn, một người lao vào cái chết, đột nhiên không có sự đau khổ khi sống, ông ngồi dựa vào tường, thở hai hơi thật dài, tay trái dơ chiếc đinh sắt to, cắm lên đỉnh đầu mình, tay phải cầm hòn gạch, ông nghĩ đến đứa con trai đã chết, ông mỉm cười, khẽ nói:
Có ta đây!
Hòn gạch trong tay phải ông dáng xuống cái đinh sắt trên đỉnh đầu, hình như cái đinh đã cắm vào vỏ não, suy nghĩ của ông vẫn tỉnh táo, khi dơ tay phải lên, sắp sửa đập cái nữa, ông nghĩ đến người vợ điên, nghĩ đến từ nay bà sống lang thang đầu đường xó chợ, tự dưng nước mắt ông tuôn trào, ông khẽ nói với vợ:
- Xin lỗi!
Ông đập nhát thứ hai, cái đinh lại cắm sâu thêm, hình như đã chạm vào não, tư duy của ông vẫn còn đang hoạt động. Chuyện cuối cùng ông nghĩ tới là bọn ác ôn hồng vệ binh, bỗng dưng nỗi hận thù trỗi dạy, ông trợn mắt, thét một tiếng điên cuồng với những tên hồng vệ binh tưởng tượng ra trong đêm tối:
- Tao phải giết chúng mày!
Ông dốc toàn bộ sức sống trong cơ thể, đập sâu thêm cái đinh sắt vào trong não, cái đinh đã ngập hết và hòn gạch, thì vỡ tan thành hơn mười mảnh nhỏ.
Tiếng gào thét phẫn uất cuối cùng của bố Tôn Vĩ, khiến tất cả những ai đang trong cơn mơ ngủ tại nhà kho, đều giật mình thức giấc, toát mồ hôi, cho dù là bọn hồng vệ binh cũng phải rụt rè thận trọng,sau khi bật sáng đèn, chúng trông thấy bố Tôn Vĩ ngả người vào góc tường, mắt trợn trừng không hề động đậy và gạch vụn vỡ trên đất.Lúc đầu chưa ai nhận ra ông tự sát, chúng không biết tại sao ông ngồi đó, một tên hồng vệ binh còn mắng ông:
Mẹ kiếp! Đứng dạy, mẹ kiếp còn dám trợn mắt lên hả...
Tên hồng vệ binh bước đến, đá ông một cái, ông ngã vật theo bờ tường, lúc bấy giờ tên hồng vệ binh mới giật mình, lùi lại mấy bước, sai hai phạm nhân bị giam lên xem sao. Hai người đi đến, ngồi tại chỗ, nhìn kỹ bố Tôn Vĩ, chỉ thấy vết thương khắp người, không biết tại sao ông chết. Hai người tù, dìu ông dạy, khi dìu ông, nhìn thấy trên đầu ông toàn máu là máu, hai người nhìn kỹ đầu ông, lại dơ tay lên sờ, cuối cùng đã biết, cả hai người cùng hốt hoảng kêu lên:
Có một cái đinh, ông ấy đóng đinh lên đầu.
Cuộc tự sát khiến người ta không thể tưởng tượng nổi của bố Tôn Vĩ, đã mau chóng loang khẳp thị trấn Lưu chúng tôi. Khi nghe tin này, Lý Lan đang ở trong nhà, mấy người hàng xóm đang bàn tán về chuyện tự sát của bố Tôn Vĩ ở ngoài cửa sổ nhà chị. Mồm họ luôn luôn xuýt xoa: không sao hiểu nổi, thật là khó tin, không thể tưởng tượng… Họ bảo, cái đinh sắt dài những hơn hai tấc, làm thế nào ông đóng được vào đầu, mà lại đóng ngập ngang đầu, y như đóng đinh tủ, không sờ thấy mũ đinh đâu, mới ghê gớm… Khi nói đến đây, giọng người nào cũng run run, họ thắc mắc, không hiểu ông làm thế nào mà đóng được, cái đinh dài như thế, có đóng lên đầu người khác, cũng hoảng, cũng run tay, chứ đừng nói là đóng vào đầu mình… Lý Lan đứng nghe trước cửa sổ,sau khi họ ra về, chị quay lại, cười đau khổ, mồm lẩm bẩm:
- Nếu muốn chết thật sự, con người ta bao giờ cũng có cách.