Nguyên tác: Dịch Theo Bản Dịch Pháp Văn Les Catacombes D'odessa Của Esfir Berstein Và Olga Wormsber — (Nhà Xuất
Số lần đọc/download: 0 / 7
Cập nhật: 2021-01-12 19:45:05 +0700
Phần Thứ Nhất - 22
D
ù không có chuyện ấy, hai mẹ con bà cũng đã đối xử rất tốt với chú bé. Nhưng bây giờ thì chú thành như người trong gia đình rồi. Chú kể cho họ nghe những chuyện đã xảy ra với chú và ngược lại, được biết tình hình bên ngoài. Thành phố đang lâm vào tình thế gay go, gần như tuyệt vọng. Ngoài cảng, người ta bốc xếp hàng lên tàu vận tải. Trên thành phố và nhất là trên cảng, lúc nào cũng chờn vờn những đám mây đen trắng khói bom đạn. Đạn cao xạ, như sao băng, hớt hải lao vun vút trên bầu trời. Ánh những đám cháy và những đợt pháo kích ngời lên trong đêm tối, trên các bờ mây răng cưa. Nó run rẩy quần quại, vươn ra rồi thu tròn lại, vươn ra, rách ra, nhấp nhảy. Tiếng động rít lên ken két và lướt trên mặt biển như những hòn gang lăn trên mặt đá hoa. Âm vang nặng nề chuyền dọc theo vách biển, rào rào tràn ngập cả những hang hốc xa bờ nhất. Trong bóng tối của biển đêm, những tàu vận tải di động, không một ánh đèn. Máy bay oanh tạc của địch bay lượn bên trên. Các tàu đánh trả lại. Những ngọn lửa đó rực phản chiếu vào lần nước đen ngòm.
Bây giờ thì chú bé đã có thể đi ra ngoài; chú nhận thấy ngôi nhà nằm ngay ở địa đầu thảo nguyên, phía trên vách hiên, chỗ bắt đầu một khe nứt chạy xuống tận ven biển. Quanh đấy còn có vài ngôi nhà nhỏ nữa, đã bỏ không, cửa sổ bị vít lại. Những con gà mái vô chủ đi lang thang trong những đám đất hoang xạm đen. Ban đầu Pêchya ngạc nhiên vì mọi người đều bỏ đi, đều rục rịch, đều chạy trốn, đều hối hả, chỉ trừ có bọn chú là vẫn ở lì. Nhưng chẳng mấy lúc chú hiểu rõ sự tình.
Bà Matriôna Têrenchiepna, mẹ Valentin, là chủ tịch ngư trang tập thể « Pêtren ». Nói đúng hơn, bà thế chân chồng, cha của Valentin, bác ngư dân lão luyện Pêrêpêlitxki, nguyên kỵ binh sư đoàn Kôtôpxki nổi tiếng, đã ra tiền tuyến cùng hai con trai, ngay từ những ngày đầu chiến tranh.
Phần đông ngư dân đều nhập ngũ. Chỉ còn lại trẻ con và người già. Nhưng cả những người này cũng từ lâu, mỗi người tản đi một nơi, người thì ra thành phố với bà con, người thì đáp thuyền nhỏ đi theo bờ biển về phía Ôtsakôp, Nikôlaiep, thậm chí đến cả Ôpatôria nữa; lại có những người đến các làng mạc hoặc trang trại quanh vùng, với hy vọng sẽ có những người tốt bụng tiếp đón họ.
Nhưng bà Matriôna Têrenchiepna với con gái thì vẫn ở lỳ nhà. Bà đảm nhiệm những tài sản quý báu của tập thể, ba tấm lưới, trong số có hai tấm mới tinh, mấy cái thuyền còn tốt nguyên, bao nhiêu là cần câu cặm, một số buồm và dụng cụ đánh cá, rồi sổ sách kế toán của ngư trang, số lượng, giấy tờ ngân hàng, quyển ngân phiếu của ngư trang, một ít tiền mặt, những hợp đồng ký với một số cơ quan hoặc tổ chức mà ngư trang chưa kịp thu được tiền vì lệnh đình chỉ trả nợ ban hành lúc bắt đầu chiến tranh. Người ta không thể bỏ phóng sinh những của cải ấy được. Bà mẹ Valentin không thể nào tưởng tượng được là quân địch có thể đến đây. Bà vẫn hy vọng. Nhiều lần bà vẫy tay đi nhờ xe bộ đội, ra thành phố xem binh tình ra sao, rồi lại từ thành phố trở về, phờ phạc cả người. Nhiều khi, bà vượt qua thảo nguyên, trên đường đi Nikôlaiep, chờ một đơn vị bộ đội nào đó. Bà ra gần đến tận hỏa tuyến là nơi bất kỳ người thường dân nào hỏi han về cách bố trí của bộ đội, nhất là một người đàn bà lạ mặt, đều có thể bị nghi là gián điệp. Thế mà lạ thay, bà không bị ai nghi kỵ hết; bộ mặt bà với những nét nhăn khắc khổ, phiền não hẳn quanh cái miệng nhỏ mím chặt, thật quả xúc động, quả thật thà, chất phác. Bà nhìn mặt anh em bộ đội với biết bao hy vọng, như chờ đợi từ những nét mặt ấy một lời giải đáp. Và lần nào cũng thế, người ta vẫn chỉ nói với bà cái điều trước sau như một:
— Chúng tôi không nộp thành phố cho giặc đâu!
Bà lại trở về nhà với niềm hy vọng dù trong thâm tâm, bà vẫn cảm thấy nặng trĩu lo âu. Bà hiểu rằng một chiến sĩ hoặc một sĩ quan xô-viết không thế nào nói cho bà biết là họ chuẩn bị bỏ thành phố được.
Có lần, bà ra đường như thường lệ, và ngạc nhiên vì những thay đổi xảy ra quanh mình. Thoạt đầu, bà không hiểu những thay đổi ấy gồm có những gì. Tất cả hình như không có gì khác trước.
Vậy mà có sự gì chẳng lành, không phải chỉ ở trong những khoảng nhấp nhô của thảo nguyên ngày càng xạm đen lại, không phải chỉ trong những đám mây mọng nước bay nhanh vùn vụt, lớp lớp từ biển trôi vào, chỉ còn thiến mức quệt xuống những bắp ngô khẳng khiu của đảm ruộng ngô bỏ hoang. Cả đến không gian cũng chứa đầy đe dọa, cả đến trong không gian cũng có sự chẳng lành.
Bà Matriôna Têrenchiepna nhìn và hiểu: bốn bề, phóng tầm mắt xa đến đâu, đến tận chân trời, cũng tuyệt nhiên không thấy lấy một bóng người. Một chiếc máy khâu nằm kềnh giữa đường và cạnh bà, một cái bao thủng đựng lúa kiều mạch như tô đậm thêm cảnh hoang vu lạ lùng, cảnh yên tĩnh ngột ngạt này. Một đàn quạ đen, nặng nề, lông óng ánh một màu xanh sắt thép rủng rợn, âm thầm, sà xuống cái bao lúa rồi lại âm thầm bay lên. Bà đi mấy bước ra khỏi lòng đường và bất chọt trông thấy ở giữa ruộng ngô, ngay cạnh chân bà, một cái hố tròn mới đào; một tốp binh sĩ đội mũ nồi đen đính dải thủy quân ngồi trong đó. Họ đang đặt một tấm bệ giống như một cái đĩa bằng thép cho khẩu súng cối cỡ lớn của trung đoàn. Bà MatriônaTêrenchiepna bật lên một tiếng kêu kinh ngạc. Đám chiến sĩ liền ngoảnh về phía bà, bộ mặt họ trẻ măng và trầm lặng với những cặp mắt và hàm răng trắng lóe lên vẻ hăm hở lạ kỳ sôi sục. Bà đứng thẳng đờ ở trên đầu họ, im lặng, không hiểu gì về những chuyện xảy ra quanh mình.
— Này bác, đứng làm gì đấy? Đây là tiền tuyến rồi. Đánh nhau ngay bây giờ đấy. Chạy đi!
Mãi đến lúc ấy, bà Matriôna mới nhận thấy thảo nguyên thoạt đầu có vẻ như hoang vu, lại chứa đầy những hoạt động bí mật. Đây đó, trong ruộng ngô, những anh bộ đội, những anh thủy quân di động kín đáo. Nhìn bộ mặt hừng hực của họ, từ lâu chẳng được cạo rửa, nhìn những tấm áo lót nhem nhuốc đẫm mồ hôi, dưới chiếc áo va-rơ và áo tơi thủy thủ phanh cúc, qua hơi thở hổn hển và khò khè của họ, người ta có thể đoán biết rằng đã nhiều ngày họ chưa rời trận địa, và họ đang ở trong cái trạng thái căng thẳng cao độ vô vọng xâm chiếm tâm hồn người lính trong những lúc cực kỳ nguy khốn và tạo ra những chuyện thần kỳ. Bà Matriôna cảm thấy là trong giờ phút này, ngay nơi đây, sắp xảy ra một cái gì thật khủng khiếp.
— Chạy đi, chạy đi mẹ ơi! — một anh lính thủy mặc quân phục bộ binh, băng đạn đeo chéo người, một quả lựu đạn gài thắt lưng, một khẩu súng cầm tay, đầu không mũ nồi, bộ mặt đáng sợ quấn băng chằng chịt hét lên với bà.
— Nằm xuống mẹ! — bà nghe thấy có tiếng ai từ một chỗ khác kêu lên.
Bà ngã lăn xuống theo bản năng, áp má vào mặt đất rắn lạnh. Đúng lúc ấy, kèm theo một tiếng gầm rít xé trời ngay cạnh bà hay từ lòng đất không biết nữa, một cột khói đen và hung, mang trong lòng một ánh chớp, nổ lên vang dội, và khắp bốn phía như có những tràng mảnh vụn phóng ra, phạt đứt cả một đám ngô cao. Choáng váng vì tiếng nổ, bà chồm dậy, chạy bổ đi, cảm thấy đất từ tóc, từ áo, từ cổ mình rơi xuống. Bà chạy thục mạng, mắt nhắm nghiền, răng nghiến chặt. Bà chạy, chẳng nghĩ gì khác ngoài việc phía sau lưng bà kia kìa, nơi bà vừa bỏ chạy, trận đánh đang diễn ra ác liệt, những tiếng thét vang lên, những tràng súng máy rên rĩ, những quả thủ pháo nổ tung...
Đang chạy, bà vấp phải một đống đá sói ở giữa đường; đầu gối bị dập mạnh, bà trượt ngã và lăn ra, xước cả lòng bàn tay. Vất vả lắm bà mới lấy lại được hơi; quên cả đau, bà toan vùng dậy và chạy xa hơn nữa thì chọt lúc ấy bà thấy một chiếc xe vận tải nhỏ chở những người mặc quân phục bộ binh, đội mũ nồi đính dải thủy quân. Chiếc xe chạy qua cạnh bà. Nó chồm lên những ổ gà, chỉ một li nữa là đổ kềnh ở chỗ ngoặt, mở hết tốc lực lao vào khói lửa của trận đánh. Bà Matriôna thay rõ một khẩu đại liên long lên sòng sọc trên nắp xe. Một anh thương binh, người quấn đầy băng đạn, nằm dài bên cạnh, áp mặt vào cái thước ngắm. Bà còn thấy nhiều thủy binh khác cũng quấn chéo những băng đạn súng máy quanh người, đội mũ nồi với những chiếc dải bay lồng lộn trên đầu họ. Một người trong toán cầm lá cờ của hạm đội. Lá cờ bay lượn trên đầu họ, vất vả mới theo kịp đà xe như một con lốc lụa — lúc xanh, lúc trắng, lúc đỏ — phành phạch như một khẩu súng máy, thành thử như không phải có một mà là hai khẩu súng máy đang từ chiếc xe bắn ra.
Rồi tất cả xóa nhòa đi trong màn khói ngột ngạt của trận đánh.