A man may as well expect to grow stronger by always eating as wiser by always reading.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Tác giả: Charles Dickens
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Đình Chi
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 59 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 10
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 22
ậu thanh niên nhợt nhạt và tôi đứng nhìn nhau trong nhà trọ Barnard
cho tới khi cả hai chúng tôi cùng phá lên cười. “Cứ nghĩ lại là cậu!” cậu ta
thốt lên. “Cứ nghĩ lại là cậu!” tôi cũng thốt lên. Rồi hai chúng tôi lại nhìn
nhau và bật cười lần nữa. “Được rồi!” cậu thanh niên nhợt nhạt vừa nói vừa
vui vẻ chìa tay ra, “tớ hy vọng bây giờ tất cả chuyện đó đã kết thúc, và sẽ thật
hào hiệp nếu cậu có thể tha thứ cho tớ vì đã đánh cậu như thế.”
Từ màn diễn thuyết này, tôi suy ra rằng ông Herbert Pocket (vì Herbert
là tên cậu ta) vẫn còn lẫn lộn giữa dự định của cậu ta với việc thực thi nó.
Nhưng tôi vẫn đáp lại bằng một câu trả lời khiêm tốn, và hai chúng tôi vồn vã
bắt tay nhau.
“Hồi ấy cậu vẫn chưa gặp được vận may đúng không?” Herbert Pocket
hỏi.
“Chưa,” tôi đáp.
“Phải rồi,” cậu ta thừa nhận, “tớ nghe nói chuyện đó mới diễn ra gần
đây thôi. Hồi ấy tớ lại đang có triển vọng hưởng gia tài rất hứa hẹn.”
“Thật thế sao?”
“Đúng thế. Bà cô Havisham đã cho gọi tớ đến để xem bà ấy có ưa được
tớ hay không. Nhưng bà ấy đã không thể - hay nói tóm lại là không ưa tớ.”
Tôi nghĩ để lịch sự nên bày tỏ rằng tôi rất ngạc nhiên được biết như
thế.
“Sở thích thật tệ,” Herbert bật cười nói, “nhưng đúng là thế. Phải, cô
Havisham cho gọi tớ tới chơi để xem thử, và nếu trải qua thành công, tớ đoán
hẳn mình đã được chu cấp; có khi tớ đã là người-mà-cậu-biết-đấy với Estella
rồi cơ.”
“Thế là sao?” tôi hỏi, đột nhiên trở nên nghiêm túc.
Cậu ta đang bày quả ra đĩa trong lúc hai chúng tôi nói chuyện, việc này
làm cậu ta phân tâm và vì thế buột miệng lỡ lời. “Hứa hôn,” cậu ta giải thích
trong khi vẫn bận rộn với món quả. “Đính hôn. Đính ước. Muốn gọi sao cũng
được. Đại loại là thế.”
“Cậu chịu đựng nỗi thất vọng thế nào?” tôi hỏi.
“Ôi dào!” cậu ta nói. “Tớ cũng chẳng mấy bận tâm tới chuyện đó.
Đúng là một cô nàng Tartar.”
“Cô Havisham ấy à?”
“Cái đó thì tớ cũng không bác bỏ đâu, nhưng ý tớ là Estella cơ. Cô ta
quả là tàn nhẫn, cao ngạo và đỏng đảnh đến cực độ, và đã được cô Havisham
nuôi dạy để báo thù cả giới đàn ông.”
“Cô ấy là họ hàng thế nào với cô Havisham?”
“Chẳng là gì cả,” Herbert nói. “Chỉ được nhận nuôi thôi.”
“Tại sao cô ấy lại phải báo thù cả giới đàn ông? Báo thù cái gì kia?”
“Chúa ơi, ông Pip!” cậu ta thốt lên. “Cậu không biết sao?”
“Không,” tôi nói.
“Ôi trời! Đó là cả một câu chuyện dài, và nên dành cho lúc ăn tối. Còn
bây giờ cho phép tớ mạo muội hỏi cậu một câu. Vì sao mà hôm ấy cậu đến đó
vậy?”
Tôi kể lại, còn cậu ta chăm chú lắng nghe cho tới khi tôi nói xong, rồi
sau đó lại phá lên cười và hỏi tôi có bị đau sau vụ ẩu đả không? Tôi không
hỏi Herbert liệu cậu ta có đau không, vì niềm tin của tôi trong chuyện này
vốn đã vững chắc rồi.
“Theo tớ hiểu thì ông Jaggers là người giám hộ cậu?” Herbert hỏi tiếp.
“Phải.”
“Chắc cậu biết ông ta là người phụ trách hoạt động kinh doanh và luật
sư của cô Havisham, đồng thời được cô tin cẩn trong khi chẳng ai khác có
được niềm tin ấy chứ?”
Câu hỏi này (như tôi cảm thấy) đang kéo tôi vào một vấn đề nguy
hiểm. Tôi trả lời với vẻ dè dặt không giấu giếm rằng tôi đã thấy ông Jaggers
tại nhà cô Havisham vào đúng ngày chúng tôi đánh nhau, nhưng chưa bao giờ
gặp lúc nào khác, và tôi tin ông luật sư không hề nhớ từng gặp tôi ở đó.
“Ông ấy rất sốt sắng đề nghị bố tớ làm người dạy dỗ cho cậu, và đã liên
lạc với bố tớ để đề nghị điều đó. Tất nhiên, ông Jaggers biết bố tớ từ mối
quan hệ với cô Havisham. Bố tớ là em họ cô Havisham; cho dù việc này cũng
không đồng nghĩa với giao du thân mật giữa hai người, vì ông là người không
khéo cư xử và sẽ khó chiều lòng được bà ấy.”
Herbert Pocket có thái độ thẳng thắn thoải mái rất dễ gây thiện cảm.
Tôi chưa từng gặp qua ai trước đó và kể từ dạo ấy cũng chưa gặp ai lại gây ấn
tượng mạnh với mình hơn thế, trong từng ánh mắt và âm điệu, không có khả
năng làm bất cứ điều gì bí mật hay thấp hèn. Có điều gì đó tràn đầy hy vọng
thật kỳ diệu trong thái độ chung của cậu, và cùng lúc lại có một giọng nói thì
thầm với tôi rằng cậu sẽ không bao giờ trở nên cực kỳ thành công hay giàu có
được. Tôi cũng không biết tại sao nữa. Ý nghĩ này đã hằn sâu trong tâm trí tôi
trong lần gặp lại đầu tiên đó từ trước khi chúng tôi ngồi xuống ăn tối, nhưng
tôi không thể xác định rõ ràng xem nó có nghĩa là gì.
Herbert vẫn là một chàng trai trẻ xanh xao, và xen lẫn trong vẻ hào
hứng nhanh nhẹn của cậu có chút gì đó mệt mỏi uể oải dường như không thể
hiện sự mạnh mẽ tự nhiên. Cậu không có được một khuôn mặt điển trai,
nhưng khuôn mặt Herbert còn hơn cả điển trai: nó cực kỳ thân thiện và vui
vẻ. Dáng người cậu có phần lóng ngóng, hệt như khi nắm tay tôi đã mạo
muội hỏi thăm, song dường như luôn thật nhẹ nhõm, trẻ trung. Liệu bộ đồ
tỉnh lẻ của ông Trabb trông có bảnh bao hơn trên người cậu so với trên người
tôi hay không là chuyện còn phải bàn; nhưng tôi ý thức được Herbert trông
khá hơn nhiều trong bộ đồ đã khá cũ của cậu so với tôi trong bộ đồ mới tinh
của mình.
Vì vị chủ nhà rất thoải mái cởi mở, tôi cảm thấy sự dè dặt từ phía mình
sẽ là cách đáp lại thật tệ, không hề phù hợp cho độ tuổi chúng tôi. Vậy là tôi
kể cho cậu nghe câu chuyện nho nhỏ của mình, nhấn mạnh vào việc tôi đã bị
cấm tìm hiểu xem người ban ơn cho mình là ai. Tôi còn nói thêm vì đã từng
được học việc ở quê để trở thành thợ rèn và biết rất ít về phép lịch sự, tôi sẽ
rất biết ơn Herbert nếu cậu có thể nhắc nhở mỗi khi thấy tôi lúng túng hay sơ
suất.
“Rất vui lòng,” vị chủ nhà nói, “dù rằng tớ dám mạo muội tiên đoán là
cậu sẽ cần đến rất ít lời nhắc nhở. Tớ tin chắc chúng ta sẽ thường xuyên ở
cạnh nhau và rất muốn dẹp bỏ mọi giữ ý không cần thiết giữa cậu và tớ. Liệu
cậu có thể làm ơn bắt đầu gọi tớ bằng tên thánh Herbert luôn được không?”
Tôi cảm ơn cậu và nói sẽ làm vậy. Đổi lại, tôi cũng cho vị chủ nhà biết
tên thánh của tôi là Philip.
“Tớ không chấp nhận cái tên Philip đâu,” cậu mỉm cười nói, “vì nó
nghe như một cậu nhóc được lôi ra làm bài học đạo đức trong sách tập đánh
vần vậy, cậu nhóc bị lộn xuống ao vì quá lười nhác, hay quá béo đến mức
mắt không nhìn được gì nữa, hay quá keo kiệt đến mức khóa cái bánh của
mình cất đi cho tới lúc bị chuột chén sạch, hay cứ ương bướng muốn đi bắt tổ
chim để rồi bị lũ gấu sống vừa khéo ngay gần đó ăn thịt. Tớ sẽ nói để cậu hay
tớ thích gì. Chúng ta rất hợp nhau, và cậu từng là thợ rèn - cậu không ngại
điều đó chứ?”
“Tớ sẽ không ngại bất cứ điều gì cậu muốn nói,” tôi đáp, “nhưng tớ
không hiểu ý cậu.”
“Cậu có đồng ý nhận Handel làm tên gọi thân mật không? Có một bản
nhạc rất hay của Handel có tên là Người thợ rèn hài hòa.”
“Tớ sẽ rất thích cái tên này.”
“Nếu vậy, Handel thân mến,” vị chủ nhà vừa nói vừa quay người nửa
vòng trong khi cửa ra vào mở, “bữa tối đây rồi, và tớ phải mời cậu ngồi vào
đầu bàn, vì bữa tối này do cậu đãi.”
Tôi nhất quyết không chịu đồng ý, vậy là Herbert ngồi vào đầu bàn, và
tôi đối diện với cậu. Đó là một bữa tối đơn giản ngon lành - với tôi lúc ấy
dường như đây là một bữa đại tiệc - và lại có thêm một hương vị bổ sung nữa
từ việc được thưởng thức trong bối cảnh độc lập, không phải ăn cùng người
lớn tuổi nào, với London nằm khắp xung quanh chúng tôi. Điều này đến lượt
nó lại được nâng lên do phần màu sắc Di gan trong bối cảnh bữa dạ tiệc diễn
ra; vì trong khi bàn ăn, như ông Pumblechook rất có thể đã nói, là hiện thân
của xa hoa - nhờ được cung cấp hoàn toàn từ tiệm cà phê - thì khu vực xung
quanh trong phòng ăn lại khá chật chội tạm bợ; nó buộc người phục vụ bàn
phải nương theo phong tục du mục bằng cách để các bộ đồ ăn xuống sàn (để
rồi vấp phải chúng), đặt bơ đun chảy lên ghế bành, bánh mì lên giá sách, pho
mát lên thùng đựng than và thịt gà luộc lên cái giường của tôi trong phòng
bên cạnh - trên cái giường này tôi tìm thấy không ít mùi tây và bơ trong trạng
thái đông cứng khi đi ngủ tối hôm ấy. Tất cả làm cho bữa chén thật tưng
bừng vui vẻ, và khi người phục vụ bàn không còn đó để quan sát tôi, niềm
vui trong tôi quả là vô bờ bến.
Dùng bữa được một lúc, tôi nhắc Herbert về chuyện cậu đã hứa sẽ kể
với tôi về cô Havisham.
“À phải,” cậu đáp. “Tớ sẽ chuộc lỗi ngay. Handel, hãy cho phép tớ bắt
đầu câu chuyện bằng vài lời nhắc nhở rằng ở London không có phong tục cho
dao ăn vào miệng đâu - vì sợ tai nạn - và trong khi nĩa được dùng để ăn, nó
không được nhét vào miệng sâu hơn cần thiết. Thực ra thì cũng chẳng đáng
nhắc tới, có điều tốt hơn nên làm giống như người khác vẫn làm. Cũng như
thế, khi dùng thìa người ta thường cầm bên dưới thay vì bên trên. Điều này có
hai lợi thế. Cậu đưa thìa lên miệng dễ hơn (mà nói cho cùng đây chính là mục
đích), và cậu sẽ tiết kiệm được rất nhiều công sức cho phần khuỷu tay phải
khi tách vỏ hàu.”
Cậu ta đưa ra những lời khuyên thân tình này một cách thật sinh động,
đến mức cả hai chúng tôi phá lên cười, còn tôi không hề thấy đỏ mặt.
“Còn bây giờ,” Herbert nói tiếp, “đến chuyện cô Havisham. Cậu phải
biết cô Havisham là một đứa trẻ được nuông chiều. Mẹ bà ấy chết khi bà ấy
còn nhỏ, và bố bà chẳng từ chối con gái thứ gì cả. Bố bà là một quý tộc nông
thôn ở vùng quê cậu, và là người nấu bia. Tớ cũng chẳng biết vì sao là người
nấu bia lại hay ho đến thế; nhưng rõ ràng là trong khi cậu không thể vừa làm
quý ông vừa nướng bánh mì, cậu vẫn có thể vừa ủ bia vừa làm quý ông như
ai. Chuyện đó có thể thấy hằng ngày.”
“Thế nhưng một nhà quý tộc không thể làm chủ quán rượu, đúng
không?” tôi hỏi.
“Không được, trong bất kỳ tình huống nào,” Herbert đáp, “nhưng một
quán rượu có thể nuôi tốt một nhà quý tộc. Thế đấy! Ông Havisham rất giàu
và kiêu hãnh. Con gái ông cũng thế.”
“Cô Havisham là con một sao?” tôi đánh bạo.
“Đợi chút đã nào, tớ đang sắp tới chỗ đó đây. Không, cô Havisham
không phải là con một; bà còn một cậu em trai cùng bố khác mẹ. Bố bà đã bí
mật tái giá - hay đúng hơn là cô đầu bếp của ông này, tớ nghĩ thế.”
“Tớ tưởng ông ấy là người kiêu hãnh cơ đấy,” tôi nói.
“Handel thân mến của tôi ơi, đúng thế đấy. Ông Havisham cưới người
vợ thứ hai một cách kín đáo vì ông ấy kiêu hãnh, và rồi sau đó bà này qua
đời. Khi bà vợ thứ hai chết, tớ tìm hiểu được là trước hết ông ấy nói cho cô
con gái biết những gì đã làm, và sau đó cậu con trai trở thành một thành viên
trong gia đình, sống trong ngôi nhà cậu đã làm quen. Khi cậu con trai đến
tuổi thanh niên, anh ta trở nên nổi loạn, phung phí, hỗn xược - nói chung là
vô cùng hư hỏng. Cuối cùng ông bố tước quyền thừa kế của anh ta; nhưng rồi
ông này mềm lòng khi sắp qua đời, và để thừa kế chu đáo cho anh con trai,
cho dù còn xa mới được bằng cô Havisham. Hãy cạn một cốc vang nữa, và
thứ lỗi cho tớ vì nhắc tới chuyện toàn thể xã hội đều không trông đợi một
người quá tận tâm cạn cốc đến mức dốc ngược đáy nó lên chạm cả vành
miệng vào mũi.”
Tôi vừa làm thế thật, do bị thu hút quá mức vào màn thuật chuyện của
Herbert. Tôi cảm ơn cậu và xin lỗi. Cậu đáp, “Không có gì,” rồi tiếp tục kể.
“Giờ thì cô Havisham trở thành người thừa kế, và chắc cậu cũng có thể
đoán bà được theo đuổi như một đám rất tuyệt. Cậu em cùng bố khác mẹ của
bà cũng được chu cấp rủng rỉnh, nhưng những món nợ và các trò điên rồ mới
lại ngốn sạch món tiền thừa kế này nhanh đến phát sợ. Giữa cậu em và bà chị
có sự khác biệt còn lớn hơn so với giữa anh này và ông bố, và có vẻ như anh
ta nung nấu mối hận sâu sắc dành cho bà chị vì đã thổi bùng lên cơn thịnh nộ
của bố họ lúc trước. Bây giờ đến lượt phần tàn khốc của câu chuyện - tớ chỉ
ngừng lại một chút để lưu ý cậu, Handel thân mến, là không bao giờ người ta
nhét khăn ăn vào cốc vại cả.”
Tôi chịu không thể nói rõ tại sao tôi lại cố nhét cái khăn ăn của mình
vào cốc vại. Tôi chỉ biết đã nhận ra mình, với nỗ lực xứng đáng dành cho một
công cuộc hay ho hơn nhiều, vừa hăng hái cố hết sức nhồi bằng được cái
khăn vào trong lòng cốc. Một lần nữa tôi lại cảm ơn Herbert rồi xin lỗi, và
thêm một lần nữa cậu lại nói vô cùng vui vẻ, “Không có gì, tớ chắc đấy!” rồi
trở lại câu chuyện.
“Thế rồi xuất hiện trên sân khấu - tức là tại các cuộc đua ngựa, các vũ
hội, hay bất cứ chỗ nào khác cậu thích - một người đàn ông, ông ta tỏ tình với
cô Havisham. Tớ chưa từng thấy ông ta, vì chuyện này diễn ra cách đây hai
mươi lăm năm rồi (trước khi tớ và cậu có trên đời, Handel), nhưng tớ có nghe
bố tớ kể ông ta là một kẻ phô trương, và thuộc loại người luôn toan tính.
Nhưng bố tớ cũng quả quyết một cách trân trọng nhất rằng nếu không ngu dốt
hay định kiến thì không thể nhầm lẫn cho rằng ông ta là một quý ông; vì bố
tớ có nguyên tắc là kể từ khi thế giới bắt đầu, không ai không sở hữu trái tim
của một quý ông lại có phong cách của một quý ông thực sự. Ông nói, không
lớp véc ni nào có thể che giấu thớ gỗ; và cậu càng quét nhiều véc ni thì thớ
gỗ lại càng nổi bật. Thế đấy! Người đàn ông này theo đuổi cô Havisham như
hình với bóng, tỏ ra một lòng một dạ với bà. Tớ tin là cho tới lúc ấy bà không
bộc lộ nhiều cảm xúc cho lắm; nhưng chắc chắn là tất cả cảm xúc bà có đều
bộc lộ vào dạo đó, và bà yêu ông ta say đắm. Không nghi ngờ gì nữa, cô
Havisham đã tôn thờ ông ta. Ông ta lợi dụng tình cảm của bà một cách hệ
thống đến mức đã moi được từ bà những món tiền lớn, rồi ông ta tác động để
cô Havisham mua lại cổ phần xưởng ủ bia từ cậu em (được ông bố họ để lại
cho cậu này trong phút yếu lòng) với giá rất cao, lấy cớ ông ta sẽ nắm giữ và
điều hành xưởng khi trở thành chồng bà. Người giám hộ của cậu hồi ấy chưa
tư vấn cho cô Havisham, và bà lại quá cao ngạo và quá si mê không chịu
nghe lời khuyên từ bất cứ ai. Họ hàng của bà đều nghèo và đầy toan tính,
ngoại trừ bố tớ; ông cũng khá nghèo, nhưng không cơ hội hay ghen ăn tức ở.
Là người độc lập duy nhất trong số họ hàng của cô Havisham, bố tớ cảnh báo
bà đang làm quá nhiều cho người đàn ông kia, và đặt mình một cách không
đáng vào dưới ảnh hưởng của ông ta. Bà tận dụng ngay cơ hội đầu tiên để
giận dữ yêu cầu bố tớ phải ra khỏi nhà mình trước sự chứng kiến của người
đàn ông kia, và bố tớ không bao giờ gặp lại bà kể từ dạo đó.”
Tôi nhớ từng nghe thấy bà nói, “Matthew cuối cùng sẽ tới nhìn mặt ta
khi ta nằm chết trên cái bàn kia”; và tôi hỏi Herbert liệu bố cậu có ác cảm sâu
sắc đến thế với bà hay không?
“Không phải thế’,” cậu nói, “nhưng bà buộc tội bố tớ, trước mặt người
bà định lấy làm chồng, là thất vọng về cơ hội dựa dẫm vào bà để tiến thân, và
nếu bây giờ bố tớ đến gặp bà, lời buộc tội ấy sẽ có vẻ đúng - thậm chí với ông
- và thậm chí cả với cô Havisham. Bây giờ chúng ta trở lại với người đàn ông
kia để kết thúc với ông ta. Ngày cưới đã được ấn định, áo cưới được sắm sửa,
chuyến đi trăng mật được lên kế hoạch, khách khứa được mời. Ngày đó cuối
cùng cũng tới, nhưng chú rể thì không. Ông ta viết cho bà một lá thư…”
“Và bà ấy nhận được,” tôi chen vào, “trong khi đang mặc áo cưới phải
không? Vào lúc chín giờ kém hai mươi?”
“Đúng từng giờ từng phút,” Herbert gật đầu nói, “từ thời điểm đó bà
dừng hết các đồng hồ lại. Nội tình bên trong thế nào, ngoại trừ hành vi hối
hôn vô tâm cùng cực đó, tớ không thể cho cậu hay, vì tớ không biết. Khi bình
phục sau một trận ốm nặng mắc phải, cô Havisham để mặc cả ngôi nhà chìm
vào hoang tàn như cậu đã thấy, và kể từ đó bà không bao giờ nhìn ra ánh sáng
ban ngày nữa.”
“Đó là toàn bộ câu chuyện sao?” tôi hỏi, sau một hồi ngẫm nghĩ.
“Toàn bộ những gì tớ biết về nó; và thực sự tớ chỉ biết có chừng ấy sau
khi tự ráp nối; vì bố tớ luôn tránh nhắc đến nó, và ngay cả khi cô Havisham
mời tớ tới nhà, bà ấy cũng không nói gì thêm về câu chuyện ngoài những gì
nhất thiết tớ cần phải hiểu. Nhưng tớ đã quên mất một điều. Người ta vẫn cho
rằng người đàn ông cô Havisham đặt niềm tin nhầm chỗ đã phối hợp diễn trò
từ đầu đến cuối với cậu em cùng cha khác mẹ của bà ấy; rằng đó là một âm
mưu của bọn họ; và hai người họ chia nhau thành quả.”
“Tớ tự hỏi tại sao ông ta không cưới bà ấy và hưởng trọn toàn bộ gia
sản,” tôi nói.
“Có thể ông ta đã kết hôn rồi, và nỗi đau khổ dằn vặt khủng khiếp cô
Havisham phải chịu rất có thể là một phần trong kế hoạch của ông em kia,”
Herbert nói. “Vậy đấy! Tớ cũng chẳng biết nữa.”
“Thế hai người đó về sau ra sao?” tôi hỏi, sau khi ngẫm nghĩ về câu
chuyện một lần nữa.
“Họ rơi vào cảnh nhục nhã hèn hạ tột cùng - nếu có thể có mức tột
cùng - và phá sản.”
“Bây giờ họ còn sống chứ?”
“Tớ không biết.”
“Cậu vừa nói Estella không phải là họ hàng của cô Havisham mà được
nhận nuôi. Từ khi nào thế?”
Herbert nhún vai. “Luôn có một Estella kể từ khi tớ bắt đầu nghe nói
về một cô Havisham. Tớ không biết gì hơn. Còn bây giờ, Handel,” cậu nói,
cuối cùng cũng gạt câu chuyện sang bên ở đó, “có một sự cảm thông hoàn
toàn cởi mở giữa chúng ta. Tất cả những gì tớ biết về cô Havisham, cậu cũng
biết.”
“Và tất cả những gì tớ biết,” tôi đáp lại, “cậu cũng biết.”
“Tớ hoàn toàn tin là thế. Như vậy sẽ không thể có cạnh tranh hay lúng
túng giữa cậu và tớ. Còn về điều kiện nắm giữ vận hội tiến thân của cậu -
nghĩa là chuyện cậu không được dò hỏi hay nói chuyện về người đã giúp đỡ
mình - cậu có thể hoàn toàn chắc chắn nó sẽ không bị xâm phạm, hay có lúc
nào đó được đả động đến, bởi tớ hay bất cứ ai tớ quen.”
Quả thực, Herbert nói ra câu này một cách rất tế nhị, đến mức tôi cảm
thấy chủ đề này coi như đã xong, cho dù tôi sẽ phải ở lại dưới mái nhà của bố
cậu trong nhiều năm tới đây. Thế nhưng cách cậu nói cũng đầy ngụ ý làm tôi
có cảm tưởng cậu hiểu quá rõ cô Havisham chính là người đỡ đầu cho tôi,
cũng giống như tôi đã hiểu về chuyện này.
Trước đó, tôi không hề nghĩ tới việc cậu dẫn dắt câu chuyện tới chủ đề
này nhằm dẹp nó ra khỏi mối quan hệ của chúng tôi; nhưng vì cả hai đều cảm
thấy nhẹ nhõm và dễ dàng hơn nhiều sau khi trò chuyện xong nên giờ đây tôi
nhận ra nguyên do là vậy. Chúng tôi rất vui vẻ thân mật, và tôi hỏi cậu trong
lúc trò chuyện xem cậu đang làm gì? Herbert đáp, “Một nhà tư bản - một
người bảo hiểm tàu biển.” Tôi đoán cậu nhận ra tôi liếc mắt nhìn khắp căn
phòng tìm kiếm một vài biểu tượng của hàng hải hay tư bản, vì Herbert nói
thêm, “Ở khu City*.”
Trung tâm thương nghiệp, tài chính của London.
Tôi có những ý tưởng kỳ vĩ về mức độ giàu có và tầm quan trọng của
những người bảo hiểm tàu biển ở khu City, rồi bắt đầu nghĩ ngợi đầy kính nể
về việc từng quật một anh chàng bảo hiểm tàu biển trẻ tuổi ngã ngửa, làm
thâm tím con mắt doanh nhân và để lại vết rách trên cái đầu đầy trách nhiệm
của cậu ta. Nhưng thêm một lần nữa, thật nhẹ nhàng làm sao cho tôi, cảm
giác lạ lùng rằng Herbert Pocket sẽ không bao giờ thành công trong việc làm
giàu lại đến với tôi.
“Tớ sẽ không chỉ hài lòng với việc đơn thuần dùng vốn của mình vào
bảo hiểm cho những con tàu. Tớ sẽ mua vài cổ phiếu bảo hiểm nhân thọ tốt,
và thâm nhập vào Ban Giám đốc. Tớ cũng sẽ thử sức ít nhiều vào ngành khai
mỏ. Không hoạt động nào trong mấy việc này gây cản trở cho việc tớ tự thuê
lấy vài nghìn tấn*. Tớ nghĩ tớ sẽ giao thương,” Herbert nói, ngả người tựa lên
lưng ghế, “với vùng Đông Ấn, kinh doanh lụa, khăn quàng, gia vị, phẩm
nhuộm, dược phẩm và gỗ quý. Một hoạt động thương mại rất thú vị.”
Ý Herbert muốn nói tới tải trọng những con tàu.
“Và lợi nhuận lớn chứ?” tôi hỏi.
“Khủng khiếp!” cậu đáp.
Tôi lại chao đảo lần nữa, và bắt đầu nghĩ đây quả là những triển vọng
lớn hơn của tôi rất nhiều.
“Tớ nghĩ, tớ cũng sẽ giao thương tới cả Tây Ấn nữa,” Herbert nói, đút
hai ngón tay cái vào túi áo khoác, “buôn bán đường, thuốc lá và rượu rum.
Và cả tới Ceylon* nữa, nhất là kinh doanh ngà voi.”
Đảo Sri Lanka ngày nay.
f
“Cậu sẽ cần nhiều tàu lắm đấy,” tôi nói.
“Cả một hạm đội,” Herbert đáp.
Choáng ngợp trước viễn cảnh huy hoàng của những hoạt động giao
thương này, tôi hỏi Herbert những con tàu cậu bảo hiểm hiện tại chủ yếu hoạt
động thương mại với nơi nào?
“Tớ vẫn chưa bắt đầu hoạt động bảo hiểm,” cậu trả lời. “Tớ đang thăm
dò cơ hội.”
Có vẻ như tình trạng này thì phù hợp hơn với việc sống tại Nhà trọ
Barnard. Tôi nói (với giọng của người đã được thuyết phục), “À, ra thế!”
“Phải. Tớ đang làm cho một phòng tài vụ, và tìm kiếm cơ hội.”
“Phòng tài vụ có nhiều lợi nhuận không?” tôi hỏi.
“Với… ý cậu là với anh chàng trẻ tuổi làm việc tại đó ư?” thay vì trả
lời Herbert hỏi lại.
“Phải; với cậu.”
“Sao chứ, kh-không; với tớ thì không.” Cậu bạn của tôi nói với bộ dạng
của một người cẩn thận ngắm nghía cân nhắc. “Không có lợi nhuận trực tiếp.
Nghĩa là nó chẳng trả cho tớ gì hết, và tớ phải tự lo cho mình.”
Câu trả lời này rõ ràng chẳng có vẻ gì hứa hẹn về lợi nhuận, và tôi lắc
đầu như thể hàm ý rằng sẽ khó lòng tích lũy được nhiều vốn liếng từ một
nguồn thu nhập như thế.
“Nhưng điểm đáng nói,” Herbert Pocket nói, “là cậu được quan sát
quanh cậu. Đó là điều tuyệt vời. Cậu đang ở trong một phòng tài vụ, cậu biết
đấy, và cậu quan sát quanh mình.”
Câu nói này với tôi giống như một lời ngụ ý kỳ cục rằng bạn không thể
ra ngoài một phòng tài vụ, bạn biết đấy, và quan sát quanh mình; song tôi chỉ
lặng lẽ chấp nhận trải nghiệm của cậu.
“Rồi thời cơ tới,” Herbert nói, “khi cậu nhìn thấy lối đi cho mình mở
ra. Và cậu bước vào, rồi cậu vồ lấy nó và tạo lập vốn liếng cho mình, và rồi
cậu tới đích! Một khi đã có được vốn liếng của mình, cậu chẳng phải làm gì
khác ngoài sử dụng nó.”
Nghe có vẻ giống cách Herbert tiến hành cuộc quyết đấu trong vườn
dạo trước; rất giống. Cách cậu đón nhận sự nghèo khó của mình cũng giống
hệt cách cậu đón nhận thất bại lúc ấy. Với tôi, dường như Herbert lúc này đón
nhận mọi quả đấm cú đá của cuộc đời cũng với thái độ y hệt như cậu hứng
chịu những cú đòn của tôi hồi trước. Rõ ràng cậu chẳng có gì quanh mình
ngoài những thứ tối cần thiết đơn sơ nhất, vì mọi thứ tôi để ý tới hóa ra đều
được gửi đến dành cho tôi từ tiệm cà phê hay một chỗ khác.
Dẫu vậy, sau khi đã tạo dựng được gia tài trong đầu, Herbert vẫn
khiêm tốn với nó tới mức tôi cảm thấy thực sự biết ơn cậu vì đã không nổi
cơn bốc đồng. Quả là một nét đáng mến nữa bổ sung vào tính cách đáng mến
tự nhiên của cậu, và chúng tôi hợp tính nhau đến mức không thể tuyệt hơn.
Buổi tối, chúng tôi ra ngoài đi dạo một cữ trên các con phố, rồi tới nhà hát
với vé nửa giá; đến hôm sau, hai chúng tôi tới Tu viện Westminster dự lễ nhà
thờ, và buổi chiều chúng tôi cùng đi dạo trong công viên; tôi tự hỏi ai đã
đóng móng cho tất cả các con ngựa có mặt ở đó, và thầm ước người ấy là Joe.
Ước tính một cách trung bình, có thể coi đã nhiều tháng trôi qua kể từ
khi tôi chia tay Joe và Biddy, tính đến Chủ nhật đó. Khoảng cách xen vào
giữa tôi và họ cũng chia sẻ thêm sự mở rộng đó, và những đầm lầy ở quê
chúng tôi đã lùi lại thật xa xăm. Việc tôi có thể từng có mặt tại ngôi nhà thờ
cũ ở làng chúng tôi trong bộ đồ đi lễ cũ chỉ mới Chủ nhật trước đây thôi
dường như là sự kết hợp của mọi thứ bất khả thi trên đời, như thể ghép chung
địa lý với xã hội, mặt trời với mặt trăng. Ấy thế nhưng ngay trên những con
phố London quá đông đúc và được thắp sáng quá rực rỡ vào lúc nhá nhem,
vẫn có chút trách cứ đáng phiền muộn khe khẽ thì thầm vì tôi đã ruồng bỏ
căn bếp cũ kỹ đơn sơ ở nhà xa đến thế; và giữa đêm khuya, tiếng bước chân
của một kẻ vô tích sự mạo danh gác cổng đi lang thang bên trong Nhà trọ
Barnard với cái cớ coi sóc nó làm tim tôi chợt cảm thấy trống trải lạ thường.
Đến sáng thứ Hai, lúc chín giờ kém mười lăm, Herbert tới phòng tài vụ
để trình diện - và cũng để quan sát xung quanh cậu nữa, tôi đoán vậy - và tôi
đi cùng cậu. Sau một hay hai giờ nữa, Herbert sẽ ra ngoài để đưa tôi tới
Hammersmith, và tôi phải đợi cậu. Theo như tôi thấy, dường như những quả
trứng nở ra các nhân viên bảo hiểm trẻ tuổi được ấp trong bụi bặm và cái
nóng, giống như trứng đà điểu, nếu suy từ nơi các chàng khổng lồ mới ra
ràng này lui tới vào sáng thứ Hai. Và phòng tài vụ nơi Herbert đến làm trong
mắt tôi cũng chẳng có vẻ gì là một đài quan sát tốt cả; nó nằm ở phía sau lầu
hai trên một khoảng sân, nhem nhuốc bụi bặm theo mọi góc cạnh, kèm theo
tầm nhìn vào một căn lầu hai ở đằng sau khác thay vì nhìn ra ngoài.
Tôi đợi cho đến lúc giữa trưa rồi đi tới Sở Giao dịch, và thấy rất nhiều
người bẩn thỉu ngồi đó dưới các bảng tin về hoạt động hàng hải, tôi đoán
những người này là các thương gia lớn, cho dù không thể hiểu nổi vì sao tất
cả họ trông đều có vẻ ủ rũ như thế. Khi Herbert tới, chúng tôi cùng ra ngoài
ăn trưa tại một ngôi nhà rất nổi tiếng làm tôi có cảm giác khá sùng kính vào
thời điểm đó, song giờ đây lại được coi là một trong những trò mê tín hạ cấp
nhất tại châu Âu, và ở nơi này, thậm chí ngay từ dạo ấy, tôi đã không khỏi
nhận thấy có nhiều nước thịt dính ra trên khăn trải bàn, dao ăn và quần áo các
bồi bàn hơn là trên những miếng bít tết. Dùng xong bữa ăn nhẹ này với giá
phải chăng (nếu tính đến món chất béo không bị tính tiền), chúng tôi trở lại
Nhà trọ Barnard lấy cái va li nhỏ của tôi, sau đó bắt xe ngựa tới
Hammersmith. Chúng tôi tới nơi vào lúc khoảng hai hay ba giờ chiều, và chỉ
phải đi bộ thêm một quãng ngắn để tới nhà ông Pocket. Sau khi nâng then cài
một cánh cổng, chúng tôi đi thẳng vào một khu vườn nhỏ nhìn ra sông, nơi
các con ông Pocket đang chơi đùa. Và trừ phi tôi lừa dối chính mình về một
điều rõ ràng chẳng liên quan gì tới lợi ích hay thiên kiến của mình, bằng
không thì tôi thấy các con của ông bà Pocket không phải lớn lên hay được
nuôi nấng cho lớn lên mà là đang vừa ngã dúi dụi vừa lớn lên.
Bà Pocket đang ngồi tại một cái ghế vườn kê dưới tán cây, đọc sách,
hai chân gác lên một cái ghế vườn khác; và hai cô bảo mẫu của bà Pocket
đang trông chừng bọn trẻ trong lúc chúng chơi đùa. “Mẹ,” Herbert nói, “đây
là anh Pip trẻ tuổi.” Nghe thấy vậy, bà Pocket chào đón tôi với vẻ đường
hoàng thân thiện.
“Cậu Alick, cô Jane,” một trong hai cô bảo mẫu gọi hai đứa trong đám
trẻ, “nếu cô cậu nhảy qua mấy bụi cây kia, cô cậu sẽ rơi xuống sông và chết
đuối đấy, lúc đó bố cô cậu sẽ nói sao đây?”
Cùng lúc, cô bảo mẫu này cầm khăn tay của bà Pocket lên và nói, “Bà
đánh rơi nó dễ phải đến sáu lần rồi đấy, thưa bà!” Nghe vậy, bà Pocket bật
cười nói, “Cảm ơn cô, Flopson,” và chỉnh lại tư thế để chỉ còn ở lại trên một
chiếc ghế rồi tiếp tục quay về với cuốn sách của mình, vẻ mặt bà lập tức cau
lại, tập trung cao độ, như thể bà đã đọc sách suốt cả một tuần, nhưng chưa kịp
đọc thêm được lấy sáu dòng nữa, bà đã đưa mắt chăm chú nhìn tôi và nói,
“Ta hy vọng mẹ cậu vẫn khỏe chứ?” Câu hỏi không ngờ tới đẩy tôi vào tình
thế khó khăn tới mức tôi bắt đầu nói theo cách lố bịch nhất rằng nếu đã từng
có người nào như vậy, không nghi ngờ gì nữa hẳn bà sẽ rất khỏe mạnh, rất
biết ơn và chắc là đã gửi lời chào thì cô bảo mẫu chen vào cứu nguy cho tôi.
“Được lắm!” cô này vừa kêu vừa nhặt chiếc khăn tay lên, “lần này là
bảy lần rồi đấy! Chiều nay bà LÀM SAO thế không biết nữa!” Bà Pocket
nhận lại món đồ của mình, thoạt đầu với bộ dạng cực kỳ ngạc nhiên như thể
chưa từng bao giờ thấy nó, rồi bật cười khi nhận ra rồi nói, “Cảm ơn cô,
Flopson,” và tiếp tục đọc, hoàn toàn quên khuấy tôi.
Lúc này đã có đủ thời gian để đếm, tôi thấy có không ít hơn sáu Pocket
bé nhỏ có mặt, trong đủ các giai đoạn của quá trình vừa ngã dúi dụi vừa lớn
lên. Tôi vừa kịp đi đến con số tổng cộng này thì một thành viên thứ bảy lên
tiếng, ré lên khóc thật sầu thảm.
“Đứa bé con chứ còn ai!” Flopson lên tiếng, có vẻ đang nghĩ chuyện
này thật đáng ngạc nhiên. “Nhanh lên nào, Millers.”
Millers, cũng chính là cô bảo mẫu còn lại, rút lui vào trong nhà, và dần
dà tiếng khóc của đứa trẻ nghẹn lại và ngưng bặt như thể đây là một người
nói tiếng bụng trẻ tuổi với thứ gì đó trong miệng. Bà Pocket vẫn miệt mài đọc
sách trong suốt thời gian đó, và tôi thực sự tò mò muốn biết cuốn sách đó viết
về cái gì.
Tôi đoán là chúng tôi đang đợi ông Pocket ra gặp; dù vì lý do gì chăng
nữa, chúng tôi cũng đợi ở đó, vậy là tôi có cơ hội để quan sát hiện tượng gia
đình rất đáng chú ý là bất cứ khi nào một trong số lũ trẻ lạc ra gần bà Pocket
trong lúc đùa nghịch, chúng luôn bị vấp chân và ngã nhào vào bà - và luôn
gây ra cho bà một khoảnh khắc ngạc nhiên, cũng như cho bản thân chúng một
tràng khóc lóc có phần dài hơn. Tôi hoàn toàn chẳng hiểu nổi cảnh tượng
đáng ngạc nhiên này, và không khỏi nảy ra những suy diễn trong đầu, cho tới
khi Millers quay ra mang theo đứa bé, rồi đứa bé được trao lại cho Flopson,
và Flopson định chuyển cho bà Pocket thì cả cô này cũng ngã cắm đầu xuống
bà Pocket với đứa bé trên tay và được Herbert và tôi đỡ lấy.
“Chúa cứu giúp con, Flopson!” bà Pocket thốt lên, rời mắt khỏi cuốn
sách trong giây lát, “sao ai cũng ngã vậy chứ!”
“Chúa cứu giúp bà, phải đấy, thưa bà!” Flopson đỏ mặt tía tai đáp lại,
“bà để cái gì ở đây thế này?”
“Tôi để gì cơ, Flopson?” bà Pocket hỏi.
“Sao chứ, chẳng cái ghế để chân của bà thì còn là gì nữa!” Flopson kêu
lên. “Và nếu bà cứ che lấp nó dưới váy như thế, ai mà không ngã cho được
chứ? Đây! Bà bế lấy đứa nhỏ đi, và đưa tôi cuốn sách của bà.”
Bà Pocket làm theo lời khuyên, và vụng về đu đưa đứa bé sơ sinh một
chút trong lòng, trong khi những đứa trẻ khác chơi đùa xung quanh. Chuyện
này chỉ kéo dài một chốc ngắn ngủi, rồi bà Pocket ra lệnh chung chung rằng
tất cả bọn trẻ cần được đưa vào trong nhà để ngủ trưa. Và nhờ thế tôi có được
khám phá thứ hai trong dịp gặp gỡ đầu tiên, đó là việc nuôi dưỡng các cô cậu
bé nhà Pocket gồm hai việc vấp ngã và ngả lưng luân phiên nhau.
Trong bối cảnh như vậy, khi Flopson và Millers đã đưa lũ trẻ vào trong
nhà như một bầy cừu nhỏ và ông Pocket từ trong nhà ra để làm quen với tôi,
tôi không mấy ngạc nhiên khi thấy ông Pocket là một quý ông với vẻ mặt khá
lúng túng, với mái tóc rất xám rối bù trên đầu, như thể ông không thể tìm ra
cách để thu xếp cho bất cứ thứ gì thẳng thớm gọn ghẽ.
Great Expectations (Tiếng Việt) Great Expectations (Tiếng Việt) - Charles Dickens Great Expectations (Tiếng Việt)