Số lần đọc/download: 1184 / 17
Cập nhật: 2016-05-29 15:34:24 +0700
Chương 21
B
a hồi còi hụ vang vang. Chiếc tàu đò chạy mỗi ngày một chuyến từ Kiên Giang đi An Thới và Dương Đông chầm chậm tách bến. Đứng tựa vào lan can Hữu nhìn thành phố Rạch Giá xa dần dần. Đây là lần đầu tiên anh trở lại quê hương và thành phố này sau mấy chục năm xa cách. Thật nhiều đổi thay. Con người và thành phố đều đổi thay không ít thời nhiều. Tuy nhiên có một điều mà anh nhận thấy là sông nước vẫn y nguyên. Nước sông Cái Lớn vẫn lặng lờ chảy qua vùng Xẻo Rô. Bông tràm vẫn còn nở trắng khu rừng tràm của Miệt Thứ. Rạch Sỏi vẫn còn đó. Minh Lương vẫn còn đây. Đường Xuồng vẫn bán rượu đế cất bằng nếp thật tốt uống vào nóng hổi mà cái hậu ngọt như đường. Nước biển Rạch Giá vẫn mặn mà như con gái Kiên Giang duyên dáng trong tà áo trắng mỗi chiều đi học về trên đường Nguyễn Trung Trực. Hòn Nghệ vẫn nằm ngạo nghễ. Hòn Tre kiên nhẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Đâu đó trong trí não của người lính già xa quê hương bỗng thấp thoáng hình bóng của một cô gái ở Hòn Tre. Có người còn gọi là hòn Rùa. Đứng ở bờ Rạch Giá người ta có thể thấy hòn đảo giống như hình con rùa đang nằm. Lúc còn phục vụ tại duyên đoàn 45 thuộc vùng 4 duyên hải mà căn cứ đóng tại Xẻo Rô Hữu đã có dịp thăm hòn Tre. Chính tại hòn đảo quê mùa này anh đã gặp cô gái có cái tên mộc mạc nhưng ngọt ngào như nước giếng, nhất là những trái mảng cầu giai đậm đà, thơm tho được nâng niu và gìn giữ bởi bàn tay từ mẫu của một đảo nữ tên Thơm. Thơm không đẹp, không có học cao cũng không sang giàu. Nhưng ngay phút giây đầu tiên nhìn thấy Thơm Hữu bị cuốn hút bởi cái dịu hiền, mộc mạc và đơn giản của nàng. Nụ cười của nàng hiền như vầng trăng mười lăm đang dọi ánh sáng mông lung soi đường cho anh và Thơm đi dạo trên bãi biển im vắng không bóng người. Ánh mắt của cô gái cả đời không son phấn, cả đời chỉ có chiếc áo bà ba màu trắng và chiếc quần vải đen, màu đen huyền hoặc của đêm tối trời bên ánh lửa bập bùng nàng dạy mấy đứa trẻ trên đảo hát bài quốc ca. Hữu yêu vô cùng bàn chân của Thơm lần đầu tiên rụt rè và bở ngỡ mang đôi guốc, món quà của thị thành mà Hữu đã mang về từ Rạch Giá.
Mắt của người lính hải quân như mờ lệ khi nhìn Hòn Tre mờ mờ trong nắng vừa lên trên mặt biển đục nước phù sa. Anh thấy Thơm, đứng trên nước, mặc chiếc áo dài màu vàng lấm tấm máu. Thơm, cô gái dịu hiền suốt đời không ghét ai, không hận thù ai đã chết ngay trong ngày cưới của mình khi căn cứ hải quân ở Xẻo Rô bị cộng sản pháo kích và tấn công. Nàng được Hữu đưa về Hòn Tre nơi nàng sinh ra và nằm xuống. Từ đó mỗi lần tàu ngang qua hòn đảo thân yêu Hữu có cảm tưởng như người yêu đang đứng trên đỉnh núi cao vẩy chào mình. Hôm nay khi tàu ngang qua hòn đảo chỉ còn là kỷ niệm Hữu sống lại cảm giác bàng hoàng ngất ngây lần đầu tiên cầm tay Thơm rồi hôn lên đôi má rám nắng. Anh còn nguyên cảm giác thương mến khi Thơm nhìn anh với ánh mắt kinh ngạc vì nụ hôn mà ông lính thủy si tình đã đặt lên đôi môi của mình.
- Thưa ông...
Đang trầm ngâm mơ tưởng Hữu giật mình khi nghe có người nói bên cạnh mình. Quay qua anh thấy một người đàn bà mặc áo dài trắng đang nhìn mình mỉm cười. Khuôn mặt buồn. Đôi mắt buồn. Nụ cười buồn. Ngay cả giọng nói nghe cũng buồn. Tất cả là buồn.
- Chắc ông từ nước ngoài về thăm nhà?
Nghe câu hỏi Hữu biết người đàn bà xa lạ đã nhìn ra mình là Việt Kiều.
- Bà muốn nói tôi là Việt Kiều...?
Người đàn bà hơi có vẻ ngỡ ngàng vì câu hỏi cộc lốc và bắt bẻ của ông Việt Kiều xa lạ. Thấy thế Hữu cười giải thích.
- Xin bà thứ lỗi... Tính tôi quen nói thẳng...
- Thưa không có chi ạ... Tôi thích những người thành thật như ông... Xin ông thứ cho tính tò mò của tôi ông nhé. Ông từ nước nào về thăm nhà?
Từ khi trở lại quê hương Hữu chưa có gặp hay nghe người nào nói chuyện lịch sự và mềm mỏng như người đàn bà xa lạ này.
- Dạ thưa bà tôi từ Mỹ về...
- Tôi có một người bà con cũng ở bên Mỹ. Ông ta ở Houston... Chắc ông biết Houston?
- Dạ biết chút chút... Tôi có đến đó một lần... Từ chỗ tôi ở tới Houston cũng khá xa...
- Thưa ông... Ông ở đâu bên Mỹ?
- Tôi ở Richmond thuộc Virginia...
Người đàn bà mỉm cười.
- Như vậy là ông ở không xa Washington D.C lắm...
Gió thổi càng lúc càng mạnh vì chiếc tàu đã ra xa ngoài khơi và nhất là tăng tốc độ. Gió mạnh làm bay vạt áo dài của người đàn bà lên mặt Hữu. Mỉm cười người đàn bà nói nhỏ.
- Xin ông thứ lỗi...
Mân mê vạt áo dài trắng của người đàn bà trong tay giây lát Hữu cười nhẹ.
- Không có chi thưa bà... Bà lạnh không?
Người đàn bà gật đầu. Hữu giơ tay chỉ vào căn phòng.
- Bà vào trong phòng thời ít gió hơn...
- Thưa ông tôi không thích... Trong đó ồn ào và chật chội. Tôi lại thích yên tịnh... Tôi thích đứng ở đây...
Cúi xuống mở va li Hữu lấy ra cái áo choàng đưa cho người đàn bà.
- Bà mặc tạm cái áo của tôi... Ấm lắm...
Nói xong Hữu mở áo ra. Không khách sáo người đàn bà lần lượt xỏ tay vào. Bà ta để yên cho Hữu cài nút và thắt sợi dây choàng ngang lưng.
- Cám ơn ông... Tôi thật may mắn được gặp ông... Ông...
Thấy người đàn bà ngập ngừng Hữu cười nhẹ.
- Thưa bà tôi tên Hủ...
Người đàn bà mỉm cười khi nghe ông Việt Kiều hồi hương phát âm chữ Hữu thành ra Hủ.
- Thưa ông Hữu, Thụy An là tên của tôi...
Quay sang nhìn người đàn bà vừa xưng tên Thụy An, Hữu lên tiếng.
- Xin lỗi bà... Tôi hút thuốc có làm bà khó chịu không?
- Ông tự nhiên... Gió mạnh quá tôi có ngửi được gì đâu...
Bật lửa đốt điếu thuốc hít hơi dài xong nhả khói từ từ Hữu cười.
- Tên của bà lạ lắm... Hình như ở ngoài bắc có hai chỗ tên Kiến Thụy và An Hải. Không lẽ...
Thụy An nhìn Hữu với ánh mắt ngạc nhiên lẫn mừng rỡ.
- Ông là người miền nam mà sao ông biết ở ngoài bắc. Tên của tôi lấy từ hai quận đó...
Hữu gật gù cười.
- Làm sao bà biết tôi người nam?
Thụy An cười nhẹ.
- Giọng nói của ông đã cho tôi biết...
- Ạ... Thụy An nhận xét đúng lắm...
Ngừng lại giây lát Hữu cười tiếp.
- Tôi gọi Thụy An chắc bà không giận?
Thụy An cười khẽ. Hữu cảm thấy giọng cười của Thụy An thật ấm dịu.
- Tôi đã nói chuyện với ông, đã mặc áo của ông thời làm sao tôi giận được ông khi ông gọi tên của tôi. Vả lại tên là để người ta gọi mà...
- Cám ơn Thụy An...
Búng tàn thuốc xuống biển Hữu tiếp.
- Hồi còn đi học tôi ao ước được đi thăm khắp nước. Tôi muốn được nhìn thấy Hà Nội ba mươi sáu phố phường. Tôi muốn thấy Đồ Sơn, Hải Phòng. Tôi muốn được đi thuyền trên sông Bạch Đằng. Khi lớn lên thời chiến tranh rồi sau đó phải sống ở nước ngoài. Bây giờ về thăm nhà lại không có dịp đi...
- Tại sao ông nói là không có dịp đi, ông Hữu?
- Phải nói là tôi ngần ngại không muốn đi. Tôi về đây, ở ngay trên nước của mình mà tôi lại cảm thấy lạc loài và xa lạ với những người chung quanh...
- Tôi hiểu ý của ông... Người bây giờ khác ngày xưa. Nhiều khi tôi buồn tôi tự hỏi " Những người muôn năm cũ... Hồn ở đâu bây giờ "...
Hữu nhìn sững Thụy An và nàng im lặng chịu đựng cái nhìn có chút gì âu yếm, ngạc nhiên và ngưỡng mộ của ông Việt Kiều.
- Xin lỗi Thụy An bao nhiêu tuổi?
- Tôi sinh năm sáu mươi tám. Ông Hữu bao nhiêu tuổi?
- Tôi lớn hơn Thụy An hai mươi ba tuổi...
- Tôi cũng đoán ông Hữu phải lớn tuổi hơn tôi nhiều lắm...
- Thụy An có ý chê tôi già chứ gì?
- Chắc ông không giận khi tôi nói ông già...?
Hữu cười nhẹ.
- Cái này thời tôi không giận. Tôi thích già... Ở bên Mỹ người già sướng lắm. Tối ngày nhỏng nhỏng chơi đợi tới tháng lãnh tiền hưu...
- Ông tuy già mà tôi trông ông còn khỏe mạnh và đẹp lão...
Thụy An cười khẽ khi buột miệng khen Hữu đẹp lão.
- Cám ơn cô... Tôi đẹp lão nhưng Thụy An mới chính là người đẹp trẻ...
- Tôi mà đẹp gì... Ông Hữu ở bên Mỹ lâu rồi nên quen tính nịnh đầm của họ phải không?
Hữu lắc đầu mấy lượt.
- Tôi thực tình đấy... Thụy An không ăn mặc sang trọng, không son phấn, không hở hang khêu gợi; nhưng tôi lại cảm thấy cô đẹp vô cùng. Thụy An đẹp ở chỗ có cái hồn, cái hồn non nước hay là cái hồn của những người muôn năm cũ...
Thụy An mỉm cười khi nghe Hữu ca tụng mình. Đợi cho ông ta nói dứt câu nàng mới cười đùa.
- Ông nhiễm cái tính nịnh đầm của người Mỹ nặng lắm...
- Cô Thụy An lầm rồi... Lầm ở chỗ cứ tưởng người Mỹ mới nịnh đầm chứ không biết người đàn ông Việt Nam nịnh đầm còn hơn người Mỹ nhiều...
- Tôi nghe nói người đàn ông Mỹ họ nịnh đầm hay lắm. Họ mở cửa xe cho đàn bà. Khi vào bất cứ đâu họ trịnh trọng mở cửa rồi nhường cho mấy bà vào trước... Đi chỗ nào thời đàn bà cũng đi trước...
Hữu cười trong lúc đốt điếu thuốc.
- Cái nịnh đầm đó áp dụng vào xã hội tây phương thời được nhưng ở xứ mình lại không được. Xứ mình đường xá đầy ổ gà, vũng nước hay phân rác bởi vậy đàn ông phải đi trước để dò đường. Rủi có đạp phải bãi cứt gà thời các ông đạp trước...
Thụy An bật thành tiếng cười thánh thót. Đây là lần đầu tiên Hữu mới nghe người đàn bà nhỏ hơn mình hai mươi ba tuổi cười thành tiếng vui vẻ.
- Để tôi dẫn chứng cho cô nghe là đàn ông của mình nịnh đàn bà cao siêu lắm chứ không tầm thường như cái vụ mở cửa đâu. Chắc cô biết bốn câu ca dao này.
- Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em đứng nơi nào cũng xinh
Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh...
Thụy An thấy cái thâm thúy của lời khen này chưa?
Như cố tình làm khó Hữu Thụy An cười lắc đầu.
- Khen mấy câu đó thời tôi nghĩ người đàn ông ở bất cứ xứ nào cũng khen được...
Hữu gật đầu.
- Vậy hả... Nếu bây giờ tôi khen Thụy An bằng bốn câu như thế này.
- Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh ăn nói ào ào cũng xinh
Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng dưới sình cũng xinh...
Thụy An cười lặng lẻ. Nàng cảm thấy có chút gì thân cận và gần gũi với ông Việt kiều hồi hương mới gặp lần đầu này. Nàng biết ông ta mượn mấy câu ca dao để ngầm khen mình đẹp. Ông ta ví mình như hoa sen dù mọc từ bùn nhưng vẫn đẹp thanh cao và có hương thơm tinh khiết. Tuy nhiên nàng lại cười nói khác đi.
- Cái đó cũng không lạ lắm... Hồi tôi còn trẻ đẹp có người đã khen tôi như vậy...
Hít hơi thuốc Hữu cười nụ. Nhích một bước ngắn để đứng sát vào Thụy An anh nói nho nhỏ như chỉ đủ cho người bên cạnh nghe.
- Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em kéo thuốc lào cũng xinh
Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em địt thúi rình cũng xinh...
Như không còn kềm giữ được Thụy An phá ra cười rũ rượi. Lát sau nàng mới đưa khăn tay lên chậm nước mắt rồi quay nhìn Hữu.
- Cái này thời tôi nghĩ không có ai nịnh đầm bằng ông... ông Hữu...
- Xin lỗi Thụy An... Câu nói của tôi hơi thô lỗ nhưng...
- Nhưng phải dùng chữ đó mới diễn tả được cái ý của nó. Phải ông muốn nói như thế không?
Hữu cười cười gật đầu không nói nhưng thầm công nhận Thụy An là một người đàn bà thông minh và nhạy cảm. Hai người không nói chuyện nữa mà im lặng ngắm cảnh. Trời xanh ngắt. Nước trong và xanh. Tuy không còn thổi mạnh nhưng gió lại lạnh hơn khiến cho Thụy An rùng mình đứng sát vào Hữu hơn chút nữa. Hữu nhận thấy cử chỉ đó song im lặng không nói gì.
- Cô Thụy An đi An Thới hay Dương Đông?
- Thưa An Thới... Còn ông Hữu...?
- Tôi ghé nơi nào cũng được... Tùy hứng... Tôi đi thăm quê hương nên không có chủ đích. Thụy An cũng đi du lịch?
- Thưa không... Thụy An đi thăm mộ bố...
Hữu cau mày thắc mắc nhưng lặng thinh không hỏi.
- Bố của Thụy An mất năm 69. Ông bị giam nơi trại tù ở An Thới...
Hữu liếc nhanh người đàn bà đứng bên cạnh mình. Làn da mịn màng và trắng xanh chứng tỏ cô ta là người giàu sang nên không phải dầm mưa dãi nắng hoặc làm việc cực nhọc. Chiếc mũi cao và thẳng. Cái miệng nhỏ với đôi môi hồng tự nhiên.
- Tôi biết trại giam đó...
Thụy An liếc nhanh Hữu.
- Ngày xưa khi còn đi lính tôi ở An Thới gần hai năm...
- Ông là lính thủy?
Trả lời bằng cái gật đầu Hữu nói nhỏ.
- Tôi xin chia buồn với Thụy An...
- Thưa ông cũng chẳng có gì buồn. Gần bốn chục năm rồi...
- Cô có ghét những người... những người...
- Ông muốn ám chỉ tới những người lính miền nam như ông?
Hữu gật đầu như là một thừa nhận.
- Không... Tôi không ghét cũng như không thù hận gì những người lính miền nam như ông. Bố tôi chắc cũng đã giết nhiều người lính miền nam trước khi ông bị chết...
- Thụy An biết lý do gì ba của Thụy An chết không?
- Tôi nghe những người bạn của bố tôi nói lại là ông bị bệnh chết...
Hữu cười buồn.
- Ba của tôi cũng bị bệnh chết ở trong tù...
- Ba của ông bị bắt đi cải tạo phải không?
Hữu lặng lẻ gật đầu.
- Ông có oán ghét hay thù hận những người đã bỏ tù ba ông không?
Có lẽ không muốn đề cập hay trả lời câu hỏi này Hữu cười lãng sang chuyện khác.
- Sắp tới An Thới rồi. Cô Thụy An đi một mình?
- Thưa không... Tôi đi với một người quen... Người đó sợ gió nên ngồi trong kia...
Ngừng lại giây lát Thụy An cười hỏi.
- Ông có ý gì khi hỏi tôi đi một mình hay đi hai mình...?
Hơi mỉm cười Hữu nhìn thẳng vào mặt Thụy An.
- Nếu cô Thụy An đi một mình thời tôi xin mời cô dùng cơm với tôi tối nay. Tuy nhiên...
- Tôi đi với ai cũng đâu có trở ngại để ông mời tôi bữa cơm tối...
- Tôi không muốn rắc rối...
Thụy An hiểu là Hữu muốn ám chỉ tới chồng của mình.
- Ông yên tâm... Tôi bảo đảm là ông sẽ không bị rắc rối... Tôi đi với bõ già...
Hữu cười mở vali lấy ra cây viết ghi số điện thoại của mình.
- Tôi ở Cassia Cottage phòng 11... Khi nào buồn Thụy An cứ gọi tôi...
Mân mê mảnh giấy ghi số điện thoại của Hữu vừa đưa cho mình Thụy An cười đùa.
- Tôi sẽ gọi ông chiều nay... Tôi bắt đầu đói bụng...
Hữu cười vui vẻ đi song song với Thụy An ra cầu thang.
- Chào ông... Ông nhớ đừng quên nhé...
Hữu gật đầu cười nhìn theo bóng người đàn bà mình mới quen đang bước xuống cầu tàu. Anh quên là Thụy An vẫn mặc cái áo choàng của mình. Còn Thụy An nhớ nhưng nàng làm như quên để có lý do gặp lại ông Việt Kiều hồi hương.
Chiếc máy bay tám chục chỗ ngồi của Air Việt Nam từ từ đáp xuống phi trường Dương Đông. Người đi là khách du lịch mà đa số là Việt Kiều về thăm quê hương. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì chỉ có họ mới có tiền đi du lịch chứ dân chúng trong nước cơm không có ăn thời tiền đâu đi chơi trừ những người giàu có mà người giàu ở trong nước lại ít hơn so với người nghèo.
Bước xuống đất Xinh hít hơi dài không khí trong lành của hòn đảo nhỏ đang trở thành một trung tâm du lịch nổi tiếng. Anh ngửi trong không khí một cái mùi là lạ. Đó là cái mùi của nước biển, của rong rêu và mùi nước mắm thum thủm được cơn gió biển thổi từ An Thới, Cây Dừa lên. Bật lửa đốt điếu thuốc Xinh khẽ gật đầu chào Tạo rồi khom người nhấc chiếc va li to và nặng lên. Thủ tục khám xét cũng qua loa. Xinh bắt tay nhân viên quan thuế của phi trường một cách khá thân thiện. Không cần mở va li lục xét gì hết hắn vẩy tay cho người khách Việt Kiều rộng rãi đi sau khi nhét tờ giấy năm chục đô la vào túi quần của mình. Tạo đưa tay ra kèm theo trong lòng bàn tay hai tờ giấy có hình ông Jackson. Gã nhân viên quan thuế mỉm cười vui vẻ hỏi.
- Ông có đồ quốc cấm không?
- Không...
- Thế hả... Mời ông đi...
Tạo cười xách chiếc va li. Ra khỏi cửa anh leo vào chiếc xe van đang đậu. Nửa tiếng đồng hồ sau anh hoàn tất thủ tục check in ở khách sạn Ông Lang. Mở cửa phòng, bỏ cái va li nặng chình chịch xuống nền gạch bông xong anh bước tới cửa sổ nhìn Xinh đang đi bộ trên bãi biển rồi lấy điện thoại cầm tay ra gọi cho người nào đó.
Đang nằm trên giường Hữu hơi ngạc nhiên khi nghe có tiếng người gõ cửa. Giơ tay xem đồng hồ thấy hơn bốn giờ Hữu nói lớn.
- Cứ vào...
Tuy nhiên người nào đó lại không chịu vào mà cứ tiếp tục gõ cửa. Càu nhàu mấy tiếng Hữu mở cửa. Anh kinh ngạc khi thấy Thụy An.
- Chào cô Thụy An... Tôi cứ tưởng ai...
- Tôi xin lỗi ông... Sẵn dịp lên Dương Đông có chuyện cần tôi chợt nhớ tới ông...
- Mời Thụy An vào...
Lắc đầu Thụy An nói nhanh.
- Ông có làm gì không?
- Tôi đang nằm ngó trời ngó đất...
- Tôi mời ông đi dạo...
- Cô Thụy An mà mời thời đang ngủ tôi cũng phải thức dậy... Xin cô chờ tôi một phút...
Hữu xỏ vội đôi giày ba ta. Hai người thong thả đi bộ trên bãi biển vắng người. Cát lạo xạo dưới chân họ. Trời xanh và cao. Nắng chói chang mặt nước xanh. Khóm dừa xanh um. Gió thổi man mát làm bay mấy sợi tóc của Thụy An.
- Tôi quên trả lại cho ông cái áo choàng...
Thụy An cười nói. Nhìn cát trắng chạy dài mút mắt Hữu nói chậm và nhỏ.
- Cô Thụy An cứ thong thả... Tôi còn ở đây lâu lắm... Chắc phải qua tháng 5 tôi mới trở về Mỹ...
Thụy An liếc nhanh Hữu. Nàng chỉ thấy một nửa khuôn mặt xương xương gầy và mái tóc muối tiêu. Ánh mắt mệt mỏi, buồn và ưu tư. Không hiểu sao nàng có cảm tưởng đã gặp hay ít nhất nhìn thấy người đàn ông xa lạ này ở đâu đó, vào một khoảng thời gian nào đó. Giọng nói khàn vì hút thuốc, chậm vì tuổi già và ngập ngừng như có điều gì băn khoăn hay mâu thuẫn trong lòng của ông ta.
- Ông có bao nhiêu cháu ông Hữu?
Hữu cười với giọng đùa cợt.
- Vợ một, con năm, còn cháu nội ngoại nhiều lắm nhớ không hết...
Thụy An cười thành tiếng ngắn vì câu nói đùa. Hữu hỏi lại.
- Còn cô Thụy An?
- Tôi, chết chồng nên xem như độc thân, con ba, cháu thời chưa có...
Ngừng lại giây lát Thụy An nhẹ hỏi.
- Ngoài mục đích thăm quê hương ông còn tính đi đâu và làm gì nữa không?
Hữu hơi thay đổi nét mặt vì câu hỏi này. Tuy nhiên Thụy An lại không thấy vì bận cúi đầu nhìn mấy cái vỏ ốc nằm trên cát. Anh thầm nghĩ không lẽ người đàn bà xinh đẹp này là nhân viên công an hay gián điệp theo dõi mình. Tuy nhiên nếu đã là công an thời tại sao cô ta lại hỏi mình một câu có thể nói là kém kinh nghiệm nghề nghiệp.
- Thưa cô... Ngoài cái chuyện thăm viếng cảnh xưa người cũ tôi còn có một mục đích nhỏ là mua đất...
- Ông mua đất cất nhà hay mua đất để làm thương mại hoặc xây cất hãng xưởng...?
Hữu cười quay nhìn Thụy An và bắt gặp cô ta cũng đang nhìn mình.
- Thưa cô tôi mua đất để chôn tôi...
- Chôn ông... Ông đâu đã già đến nỗi phải lo chuyện đó...
Hữu cười cười.
- Đợi tới lúc mình già thời mình đâu có lo được...
- Thiếu gì nơi mà tại sao ông lại chọn Phú Quốc?
- Ở đây có cảnh đẹp hơn một vài nơi khác như Sài Gòn chẳng hạn... Lý do khiến cho tôi trở về đây để lo mua đất chôn là vì tôi sợ cô đơn lắm...
Thụy An cười dừng lại không đi nữa khiến cho Hữu cũng phải ngưng bước.
- Mình nằm xuống trên mảnh đất mà mình đã sinh ra thời dễ chịu hơn. Chết thành ma thời mình cũng gặp đồng bào ruột thịt, nói tiếng nước mình. Còn hơn ở bên Mỹ chết xuống gặp người lạ, đất lạ, tiếng nói lạ thành ra mình cô độc và lạc loài...
Xoay người đứng đối diện Hữu nhìn Thụy An một cách chăm chú. Nàng im lặng chịu đựng cái nhìn trong thoáng chốc rồi cười nói.
- Ông lạ lắm... Lạ lùng hơn những người ở đây...
- Biển ở đây đẹp quá...
Hữu cười nói lảng. Không chịu vậy Thụy An lập lại.
- Ông có nghe tôi nói không ông Hữu...
- Dạ thưa cô Thụy An tôi nghe ạ...
Thụy An bật cười thánh thót vì câu nói đầy lễ phép của Hữu.
- Ông ngoan ngoản và lễ phép như vậy tôi mới thương...
Nói tới đó như biết mình lỡ lời nàng tiếp liền.
- Tôi mỏi chân... Mình ngồi xuống đây một chút nhé...
Không đợi cho Hữu có ý kiến Thụy An ngồi bệt xuống cát. Hữu cũng ngồi xuống cạnh bên. Mặt biển lấp lánh sáng gờn gợn sóng. Xa thật xa ngoài kia mấy chiếc thuyền đánh cá chạy chậm rì tưởng chừng như không di chuyển. Không gian im vắng trừ tiếng sóng vỗ vào bờ cát.
- Cô Thụy An biết tôi muốn gì không?
Thụy An chưa kịp hỏi hay trả lời Hữu tiếp với giọng buồn buồn.
- Tôi muốn nằm xuống tại chỗ này để ngủ...
- Ổng cứ tự nhiên... Tôi sẽ canh chừng và đánh thức ông dậy...
Hữu lắc đầu.
- Tôi muốn ngủ lắm nhưng chưa tới lúc để ngủ. Cô Thụy An đói bụng chưa?
- Đói... Nhưng tôi nói trước là ông phải để tôi trả tiền thời tôi mới chịu...
Đứng dậy Hữu đưa tay ra cho Thụy An nắm lấy để kéo nàng lên.
- Tôi bằng lòng... Như vậy là tôi nợ Thụy An một bữa ăn. Muốn trả nợ tôi phải gặp Thụy An lần nữa...
- Ông đừng lo... Cũng như ông tôi còn ở lại đây lâu lắm. Đảo Phú Quốc nhỏ xíu ông biết không ông Hữu...
- Dạ thưa cô Thụy An tôi biết ạ...
Thụy An cười thánh thót khi nghe Hữu dạ thưa. Hữu cũng cười bước song song bên cạnh Thụy An. Người ta nhìn vào cứ tưởng họ là đôi tình nhân đang đi dạo trên bãi biển.