Số lần đọc/download: 3614 / 73
Cập nhật: 2016-02-18 21:13:13 +0700
Chương 20
L
ý Trọc và Tống Cương vĩnh viẽn không biết được sức mạnh nào đã khiến mẹ Lý Lan kiên cường đến như vậy, từ lúc đi ra khỏi bến xe đường dài trông thấy Tống Cương và Lý Trọc khóc hu hu, cho tới khi quỳ trên đất, bốc gói đất thấm vết máu, về đến nhà nhìn thấy xác chồng bê bết máu, lại đi mua cỗ áo quan gỗ mỏng đem về, để cho bốn người đàn ông ở cửa hàng quan tài đập gẫy đùi gối Tống Phàm Bình, từ đầu chí cuối, chị luôn luôn không kêu khóc. Khi nghe thấy chân Tống Phàm Bình bị người ta đập gẫy như thế nào, Lý Trọc và Tống Cương mấy lần há mồm định khóc thành tiếng, nhưng hễ nghĩ đến lời mẹ giặn, không được để người khác biết mình khóc, chúng lại ngậm chặt mồm.
Tối nay, Lý Lan nấu một bữa cơm đậu phụ, đây là phong tục của thị trấn Lưu chúng tôi, nhà ai có đám tang đều nấu một bữa cơm như thế. Lý Lan làm một đĩa to đậu phụ đặt ở giữa mâm, còn có cả một bát rau xanh xào. Trời tối, thắp đèn lên, ba mẹ con ngồi trước mâm, quan tài Tống Phàm Bình ở bên cạnh, một bát đèn dầu hoả thắp sáng để trên quan tài, đây là ngọn đèn sáng lâu dài, chiếu sáng con đường Tống Phàm Bình đi đến cõi âm, để Tống Phàm Bình sẽ không bị vấp ngã.
Suốt cả buổi chiều,Lý Lan không nói chuyện, Lý Trọc và Tống Cương cũng không dám nói chuyện. Trong nhà im ắng. Cho mãi đến lúc Lý Lan nấu cơm, hai đứa con mới nghe thấy tiếng động, nhìn thấy hơi nóng bốc lên. Đây là bữa cơm đầu tiên Lý Lan nấu sau khi từ Thượng Hải về. Đứng trước bếp dầu, nước mắt chị chảy dài, nhưng chị không dơ tay lau lần nào, khi chị bưng đĩa đậu phụ và bát rau xanh đặt lên mâm, Lý Trọc và Tống Cương nhìn thấy nước mắt mẹ tuôn như suối, khi chị xới cơm cho hai con, vẫn nước mắt tuôn như suối. Sau đó chị quay đi lấy đũa, chị đứng lâu lắm trong ánh đèn tù mù, chị cầm sáu chiếc đũa đi đến trước mâm, nước mắt tiếp tục chảy như suối, nét mặt chị y như nét mặt trong mơ, ngồi xuống ghế, nước mắt chị chảy như suối, nhìn đũa trong tay nước mắt chảy như suối, giọng Tống Cương run run nói với mẹ:
Đây là đũa người thượng cổ đã dùng.
Chị nhìn hai đứa con nước mắt chảy như suối, sau khi hai con nói với mẹ lai lịch của đũa, cuối cùng chị đã dơ tay, lau nước mắt đầy mặt, sau khi lau khô nước mắt trên mặt, chị chia đũa người thượng cổ dùng cho Lý Trọc và Tống Cương, chị khẽ nói:
Đũa người thượng cổ dùng tốt lắm.
Nói xong, chị quay sang quan tài nhìn mỉm cười, nụ cười của chị thân thiết đến mức y như Tống Phàm Bình đang ngồi đó nhìn chị. Sau đó chị bưng bát cơm, nước mắt chị lại tuôn ra như suối, chị vừa khóc vừa ăn, không hề có tiếng. Lý Trọc nhìn thấy nước mắt Tống Cương cũng chảy xuống bát cơm, thế là cậu cũng không nín nổi. Ba mẹ con khóc không thành tiếng, lặng lẽ ăn.
Sáng hôm sau ăn xong cơm đậu phụ, Lý Lan cẩn thận rửa mặt chải đầu, sửa sang mình sạch sẽ, rồi dắt tay Lý Trọc và Tống Cương, ngẩng đầu thẳng ngực đi ra khỏi nhà, chị dắt hai con đi trên đường phố đại cách mạng văn hoá, đi thản nhiên như không có ai trong tiếng hô khẩu hiệu dậy đường và cờ đỏ rợp phố, rất đông người chỉ chỉ chỏ chỏ vào chị, chị vẫn tỉnh bơ. Chị đến cửa hàng vải trước. Người ta đến cửa hàng vải là để mua toàn vải đỏ may cờ và băng hồng vệ binh, còn Lý Lan mua vải trắng và lụa đen. Trong cửa hàng vải, có người nhìn chị một cách rất lạ, có người nhận ra chị là vợ Tống Phàm Bình, bước đến bên chị, dơ nắm đấm, hô khẩu hiệu đả đảo chị. Chị ung dung trả tiền, ung dung cuộn vải trắng và lụa đen, ung dung ôm vải trắng và lụa đen trước ngực, đi ra khỏi cửa hàng vải.
Lý Trọc và Tống Cương níu áo mẹ, bước theo mẹ, lại đến hiệu chụp ảnh. Khi thu dọn những thứ chồng để lại, Lý Lan đã trông thấy một hoá đơn màu xanh, cầm hoá đơn màu xanh nhìn lâu lắm,chị mới nhớ ra đã từng chụp một kiểu ảnh kỷ niệm cả gia đình trước khi chị đi Thượng Hải chữa bệnh. Tống Phàm Bình vẫn chưa kịp lấy ảnh, chị thầm nghĩ, chắc là mình vừa đi Thượng Hải, thì ở nhà chồng bị đấu tố.
Chủ hiệu ảnh cầm tờ hoá đơn tìm lâu lắm, mới tìm thấy bức ảnh chụp chung toàn gia đình. Trong giây phút nhận tấm ảnh, tay chị cứ run run. Chị ôm cả bức ảnh và vải trắng lụa đen vào ngực, đi ra khỏi hiệu chụp ảnh, tiếp tục ngẩng mặt thẳng lưng, đi trên phố lớn. Lúc này chị đã quên Lý Trọc và Tống Cương bám theo sau. Trong đầu chị toàn là nét mặt tươi cười của Tống Phàm Bình, anh đang chỉ huy thợ chụp ảnh bố trí ánh sáng, chỉ huy thợ chụp ảnh bấm máy, sau đó cả nhà bốn người vui vẻ đi ra khỏi hiệu chụp ảnh, đi ra bến ô tô đường dài. Chị vẫy tay chào tạm biệt Tống Phàm Bình ở bến xe. Đây là những hình ảnh cuối cùng. Khi chị từ Thượng Hải trở về, nét mặt và nụ cười rạng rỡ của Tống Phàm Bình đã không bao giờ còn nữa.
Lý Lan đi lên phía trước, tay chị ôm tấm ảnh chụp cứ run run, chị cố kìm giữ bản thân, không để tay mình làm rơi bức ảnh chụp cả nhà khỏi túi giấy, chị cố giữ để mình đi những bước chững chạc khoẻ khoắn. Khi bước lên cầu, đội ngũ tuần hành đã chắn lối chị,Tống Phàm Bình đã từng phất lá cờ đỏ oai phong lẫm liệt tại đây, đương nhiên chị không biết, nhưng sau khi dừng chân, chị đã không còn kìm giữ được mình, chị thò tay lấy bức ảnh trong túi giấy, chị nhìn thấy nụ cười vui vẻ của Tống Phàm Bình đầu tiên, khi chưa kịp nhìn rõ nụ cười của ba người còn lại, chị đã suy sụp. Ba ngày qua chị luôn luôn gắng gượng nín nhịn nỗi đau khổ to lớn, mà đã đứng vững. Bây giờ nụ cười sống động của Tống Phàm Bình bỗng khiến chị không sao gượng lại nổi, chị ngã gục ra đất.
Lúc bấy giờ, Lý Trọc và Tống Cương đang níu áo mẹ đứng ở đằng sau, thân thể chị đột nhiên không còn nữa, đứng trước mặt chúng là khuôn mặt kinh ngạc của một người đàn ông, sau đó hai anh em mới nhìn thấy mẹ ngã vật ra đất. Lý Trọc và Tống Cương khóc hu hu ngồi xuống, khóc hu hu lay người mẹ. Chị nhắm mắt, không hề có phản ứng. Hai đứa con gào khóc thảm thiết, người xung quanh mỗi lúc một đông, hai anh em quỳ ra đất, chúng kêu khóc một cách bơ vơ cô độc, van xin những người xung quanh cứu mẹ chúng. Chúng không biết mẹ mình đã ngất. Chúng hu hu gào khóc, hỏi những người chung quanh:
Tại sao mẹ cháu ngã?
Những người vây xem đều đứng tại chỗ, không ai thèm ngồi xuống, họ bàn tán om xòm, có một người cúi xuống bảo hai cậu bé:
Lật mí mắt mẹ cháu xem xem, con ngươi bên trong còn to không?
Lý Trọc và Tống Cương vội vàng lật mí mắt mẹ, nhìn thấy nhãn cầu bên trong, chúng không phân biệt nổi con ngươi và nhãn cầu khác nhau như thế nào. Chúng ngẩng mặt lên nói:
Con ngươi rất to.
Người kia bảo:
Thế thì con ngươi đã to ra, có thể người đã chết.
Vừa nghe nói Lý Lan có thể đã chết, hai anh em bỗng ôm nhau gào khóc. Lúc này một người khác cúi xuống, nói:
- Đừng khóc, đừng khóc, các cháu còn bé đã biết thế nào là con ngươi, chắc chắn đã coi nhãn cầu là con ngươi. Các cháu bắt mạch mẹ xem thế nào, chỉ cần mạch còn đập, người vẫn sống.
- Lý Trọc và Tống Cương nín luôn, vội vàng hỏi:
- Mạch ở đâu?
Người kia chìa tay trái, dơ ngón tay phải chỉ vào chỗ mạch đang đập, nói:
ở trên cổ tay.
Hai anh em mỗi đứa nắm một bàn tay mẹ, sờ vào cổ tay, hai đứa cứ sờ đi sờ lại, cũng không thấy chỗ nào đập. Người kia hỏi chúng:
Có đập không?
Lý Trọc lắc đầu trả lời:
- Không đập.
Trả lời xong, Lý Trọc căng thẳng nhìn Tống Cương, Tống Cương cũng lắc đầu trả lời:
Không đập.
Người kia đứng thẳng lưng, nói:
Có thể đã chết thật.
Lý Trọc và Tống Cương tuyệt vọng. Chúng há hốc mồm gào khóc. Gào khóc được một lúc, lại cùng nghẹn tắc cổ, tiếp đó lại cùng gào thành tiếng. Tống Cương vừa gào khóc vừa nói:
Bố chết! Mẹ cũng chết!
Giữa lúc này, anh Đồng thợ rèn đã xuất hiện, từ ngoài anh chen vào, ngồi xuống lay hai cậu bé, bảo đừng khóc,anh nói:
- Thế nào là con ngươi to ra, thế nào là mạch đập hay không đập, đó là việc của y bác sĩ, chúng mày biết quái gì. Nghe tao, ghé tai vào ngực mẹ, xem trong có đập không?
Tống Cương lau nước mắt nước mũi, ghé đầu vào ngực mẹ, nghe một lát, ngẩng lên, nói với em một cách căng thẳng:
- Hình như đang đập.
Lý Trọc cũng vội chuì nước mắt nước mũi, cũng ghé tai nghe một lát, cũng nghe thấy tim đập, gật đàu bảo Tống Cương:
Đang đập.
Đồng thợ rèn đứng dạy, mắng hai người vừa nói:
Các anh biết đếch gì, chỉ được cái doạ trẻ con.
Sau đó Đồng thợ rèn nói với Lý Trọc và Tống Cương:
Mẹ chúng mày không chết, chỉ ngất thôi, cứ để bà ấy nằm một lát, sẽ tự bò dậy.
Lý Trọc và Tống Cương lập tức cười, bắn ra cả nước mũi. Tống Cương chùi nước mắt, ngước nhìn anh Đồng thợ rèn, nói:
Đồng thợ rèn ơi, anh ở hiền sẽ gặp lành.
Đồng thợ rèn hết sức hài lòng lời nói của Tống Cương. Anh cười, nói với Tống Cương:
Đây là một câu nói công bằng hợp đạo lý.
Lý Trọc và Tống Cương bắt đầu yên tâm ngồi bên mẹ. Chúng cảm thấy mẹ nằm trên đất y như đang ngủ. Tống Cương nhặt bức ảnh rơi trên đất, xem xong, đưa cho em xem, rồi cẩn thận cho vào túi giấy. Người trên cầu càng ngày càng đông, rất nhiều người chen vào nhìn ba mẹ con Lý Lan một lát, dò hỏi người khác một lát, lại chen ra. Hai anh em chịu khó ngồi tại chỗ, thỉnh thoảng lại nhìn nhau, cười trộm. Lâu lắm, Lý Lan đột nhiên ngồi dạy, hai đứa con reo lên sung sướng, chúng nói với những người vây quanh:
Mẹ đã tỉnh.
Lý Lan không biết vừa giờ đã sẩy ra chuyện gì, chỉ biết mình từ đất bò dạy, chị xấu hổ đứng lên, cẩn thận phủi bụi bám trên người, lại ôm ảnh chụp, vải trắng và lụa đen trước ngực, Lý Trọc và Tống Cương lại níu vạt áo mẹ, ba mẹ con cúi đầu, chen ra khỏi đám đông vây xem. Trên đường về nhà, Lý Lan không hề nói một câu, Lý Trọc và Tống Cương cũng không dám nói chuyện, nhưng chúng xúc động vô cùng, níu chặt vạt áo mẹ, mẹ chúng ngất đi đã tỉnh lại, khiến chúng sung sướng vô cùng. Khi Lý Trọc và Tống Cương dắt mẹ đi về phía trước, lúc thì thò đầu ra trước mặt mẹ, khi thì quay đầu ra đằng sau mẹ, chúng luôn luôn nhìn nhau, luôn luôn cười.