Nguyên tác: Dịch Theo Bản Dịch Pháp Văn Les Catacombes D'odessa Của Esfir Berstein Và Olga Wormsber — (Nhà Xuất
Số lần đọc/download: 0 / 7
Cập nhật: 2021-01-12 19:45:05 +0700
Phần Thứ Nhất - 20
N
goài Valentin, còn có bà mẹ cô nữa. Bà ít xuất hiện hơn. Trong trí tưởng tượng của chú bé ốm, bà ít nhiều gắn liền với tiếng rì rầm không dứt của biển cả. Đó là cái tiếng thu chậm lại của một lưỡi hái khổng lồ bằng thép đang lia trên hàng bao nhiêu cây số. Với một tiếng rào rào mỗi lúc một mạnh hơn, lưỡi hái ngày đêm lia đi lia lại không lúc nào dứt, dồn lên bờ từng lớp từng lớp sóng. Sóng vừa reo vừa nằm dài trên bãi cát, ở đâu đó, ngay gần đầu giường tối om, sau bức tường mỏng.
Thỉnh thoảng mẹ Valentin đi chân đất bước vào, mặc áo khoác ngắn đàn ông, tay cầm một giỏ mây tròn đựng đầy tôm con. Pêchya được biết những con tôm đó, người ta gọi là « khuyết ». Chúng nhảy trong cái giỏ ướt, tanh tách như nhưng lò xo thép nhỏ, làm nước và cát bắn tí tách ra tứ phía. Bà mẹ nhấc cái cần câu trên tường, ngồi xuống sàn và bắt đầu móc những con tôm nhỏ vào, gọi là « mồi ». Ngón tay bà thoăn thoắt, chính xác lạ thường, nhanh như mây, như người đan áo kinh nghiệm. Nhưng đầu óc của bà lúc ấy chắc đang ở tận đâu xa. Trên khuôn mặt lặng ngắt hơi nhăn nhó của bà, dưới hai hàng lông mày nhíu lại, long lanh đôi mắt sắc sảo, như luôn luôn cảnh giác.
Bằng đôi mắt ấy, không phải bà chỉ có vẻ trông thấy một cái gì mênh mông, đáng sợ mà chú bé không trông thấy được, bà còn « lắng nghe » được tiếng nói huyền bí của đau thương. Lưỡi hái soàn soạt kia cứ liên tiếp rải ra những đợt sóng dài ghê gớm, và giữa mỗi đợt sóng, thế gian bỗng lặng ngắt như tờ, đến nỗi tim người ta bị đè xuống tưởng như sắp ngừng đập. Rồi lại bắt đầu mê man bất tỉnh.
Nhưng một hôm, tất cả những cái đó bỗng hết hẳn. Pêchya thức dậy. Chính ra không phải là chú hồi tỉnh, mà thức dậy. Và chú hiểu rằng mình đã khỏi. Chú cảm thấy thế trong toàn thân. Chú chưa khỏe, nhưng bệnh đã dứt hẳn.
Với một cảm giác bàng hoàng, mát rợi và yếu đuối, Pêchya còn phải vất vả mới lật được cái chăn bông nặng ra và giơ chân tay lên nhìn. Chân tay chú gày và xanh đi nhiều. Chú nhìn những ngón tay gày tóp, móng trắng bệch mà mủi lòng. Chú co tay lại, cố làm cho bắp thịt nồi lên, nhưng không đi đến kết quả. Bắp thịt nhẽo nhoẹt. Thế là chú nẩy ra ý kiến thử ngồi dậy và, đi lại trong phòng. Lúc ấy có độc mình chú. Cố lắm chú mới thò chân xuống được dưới sàn và đứng lên, tựa lưng vào giường. Bây giờ chú mới để ý thấy mình mặc một chiếc sơ-mi dài không có tay, viền ren ở trước ngực. Chú hiểu đó là áo của Valentin. Chú đỏ mặt xấu hổ, và hơi bực mình nữa. Loạn thật! Diện áo mượn mà đi lượn! Nhưng cũng đành chứ biết làm thế nào. Chú bước vài bước, thú vị thấy mình cao cao. Chú cảm thấy hình như mình lớn lên, gần thành người lớn rồi. Ngửng lên, chú trông thấy ngay trên đầu chú cái sà trần dán phủ bằng một tờ bảo Công xã Hắc-hải đã vàng. Mọi vật quanh chú, giá sách với quả cầu, cái ghế dài, ghế dựa, chú đều thấy bé quá, thấp quả. Giữa những vật đó, chú cảm như mình là một người khổng lồ. Đầu chú choáng váng dễ chịu. Hai chân chú lỏng lẻo, run run. Pêchya phải vất vả lắm mới trở về được giường và nằm úp sấp mặt xuống gối. Một thoáng sau, chú ngất đi. Nhưng đó là cái ngất thoang thoảng, dìu dịu của người bệnh đang hồi phục. Và Pêchya lại tỉnh lại ngay, trán đẫm mồ hôi. Mồ hôi ấy là mồ hôi lành, cũng dễ chịu lạ thường. Chú lại thấy buồn ngủ và thiếp đi, má áp nhẹ nhàng lên hai bàn tay. Đó là một giấc ngủ say làm chân tay chú đờ ra trong cái bàng hoàng của người bệnh hồi phục.
Chú thức dậy thì đã chiều. Trong bếp lò, lá ngô nổ lép bép. Hơi lạnh của biển cả thấm vào qua cánh cửa mở hé. Sương mù tràn qua cửa, và chưa lọt vào tới buồng đã bị ngọn lửa bếp lò nóng rực xua tan. Tiếng súng ầm ầm của trận chiến đấu diễn ra gần đó làm rung chuyển ngôi nhà. Bà mẹ Valentin, quay mặt tránh ngọn khói phì phì, cầm cặp sắt kéo cái nồi muội đen ra khỏi bếp lò. Valentin đứng bên giường đăm đăm nhìn Pêchya không chớp.
— Tôi khỏi rồi, — chú ngước nhìn Valentin, nhắc lại.
Chú đã trông thấy cô bao nhiêu lần rồi. Nhưng những lần đó chú còn ốm, và cô hiện ra trước mắt chú trong cái màn sương huyền ảo của cơn sốt khiến cô có một vẻ đẹp thần tiên, trong vắt, âu sầu, lặng lẽ. Giờ đây, chú thấy trước mặt mình một cô gái nửa ra người lớn, nửa ra trẻ con, một thiếu nữ hoàn toàn bình thường, dong dỏng cao, mặc áo đàn ông, cái mũi thanh ngắn, cái cằm nhỏ nhưng khỏe, và đôi mắt sáng màu xanh xám, sắc sảo, như một ánh phản chiếu trong gương.
— Như thế mào mà cậu bảo là khỏi? — cô nhún vai đáp lại — khỏi ở chỗ nào? Tôi thì tôi chả thấy khỏi gì cả.