If we are peaceful, if we are happy, we can smile, and everyone in our family, our entire society, will benefit from our peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Takeyama Michio
Thể loại: Truyện Ngắn
Dịch giả: Đỗ Khánh Hoan
Biên tập: kmejoko
Upload bìa: Thanh Minh Le
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1745 / 23
Cập nhật: 2016-12-10 10:33:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
hi đại úy đọc đến chỗ này, con vẹt đậu trên sợi dây căng tấm bạt bỗng dưng kêu: "A, tôi không thể trở về quê hương được đâu!" Tiếng nó kéo dài thành một tiếng thở dài não nuột. Tất cả chúng tôi cũng thở dài và nhìn ra ngoài đại dương.
Lúc ấy trời bắt đầu tối; những màu sắc linh động của các eo biển đã mờ. Bây giờ trông thật giống như mặt âm của một tấm phim ảnh. Quần đảo Sumatra và bán đảo Mã Lai vẫn chầm chậm xoay quanh chúng tôi ở trên mặt nước lặng sóng.
Đó đây các phá biển đã tối thẫm, một vài cái đang lấp lánh với ánh đèn của đám thuyền đánh cá đang hạ neo. Sóng biển táp đều đều vào mạn tàu tạo thành một âm thanh cô đơn. Con tàu chở chúng tôi vẫn lướt đi êm đềm, nhưng khi màn đêm buông xuống, nó bắt đầu hơi lắc lư một chút.
Đại úy lại tiếp tục đọc.
* * *
Bây giờ tôi đang ở trong một thiền viện, tôi thức suốt đêm để viết thư này. Trời hầu như đã rạng đông; trăng xế đang treo lơ lửng trông giống như một ngọn đèn lóe sáng dưới một cây dừa trong vườn. Có nhiều vì sao đang rụng.
Lúc này các bạn có thể tưởng tượng lúc ấy tôi mới muốn các bạn nhận ra tôi là Mizushima biết chừng nào.
Nhưng nếu bị phát giác là một người Nhật Bản thì có lẽ tôi đã phải vào trại tù binh mất rồi. Có lẽ tôi đã phải từ bỏ nhiệm vụ mới của mình. Tôi đã viết nhiều thư cho các bạn, nhưng rồi lại thôi, lòng tự nhủ lòng nên quên những liên hệ quá khứ. Vì không thể trở về quê hương và làm việc với các bạn, nên tôi thấy có lẽ đó là điều quá đau đớn khi để cho các bạn hiểu rằng tôi vẫn hãy còn sống. Và sau này, khi tôi đã trở thành một nhà sư Miến Điện thực sự thì cái con người được gọi là Trung sĩ Mizushima không còn nữa.
Tuy nhiên, ngay cả khi chôn cất những người đồng bào đã chết của tôi ở nơi xa xôi này, tôi đã không thể không nghĩ đến các bạn và không thể không cảm thấy nôn nóng cả người. Thế rồi tôi thường trở lại Mudon, đứng ngoài hàng rào và lắng nghe các bạn ca hát. Tôi thường cảm thấy lòng tràn ngập nỗi nhớ nhà, hồi tưởng lại chính mình đã thường ca hát với các bạn, sẽ trở về Nhật Bản; và bởi thế, cứ mỗi khi lê gót trở lại Mudon và thấy đại đội của tôi vẫn còn ở đó, tôi thở phào khoan khoái.
Con vẹt yêu cưng của tôi đã nhắc lại những tiếng tôi thì thầm với chính tôi. Tôi nghĩ hiện nó đang ở bên các bạn. Thay nó, con vẹt của các bạn lại đậu trên vai tôi. Thỉnh thoảng nó lại gọi: Mizushima. Nó luôn luôn làm tôi giật mình chẳng ít.
Tuy nhiên, tôi sẽ không trở về - chừng nào chưa làm xong nhiệm vụ. Hôm qua tôi đã không làm chủ được mình, đã quên mất lời nguyện kiên định và đã chơi đàn để tiễn biệt các bạn. Và lúc tôi đi khỏi trại giam, hai con vẹt đậu trên vai tôi đã thốt lên lời kêu gọi tôi, hết con này đến con kia. Tôi phải chọn lựa một trong hai con. Tuy nhiên, thật ra thì sự chọn lựa của tôi đã rõ ràng. Những nắm xương của vô vàn người chết vô danh đang réo gọi tôi. Những nắm xương ấy đang chờ đợi tôi. Tôi không thể không đáp lời.
Tôi tin chắc các bạn sẽ tha thứ cho tôi. Lần đầu tiên khi rời Mudon, tôi đi thẳng ngay tới chỗ qua sông Sittang ấy Trong lúc quân đội Nhật Bản rút lui, mọi đường giao thông đều bị cắt đứt và quân đội chúng ta đã chạy tán loạn, nên kết quả là đã có những tổn thất bi đát như thế xảy ra trên khắp xứ Miến Điện.
Theo lời thổ dân sống dọc trên sông Sittang, nhiều đơn vị quân đội Nhật Bản định vượt sông vào ban đêm ở chỗ này. Nước sông chảy xiết và mặt sông rộng hơn hai trăm thước; họ định vượt qua từng toán chín, mười người trên những chiếc bè nhỏ. Nhưng những chiếc bè này chỉ đi được tới giữa dòng là bị chìm lỉm. có lẽ đã có nhiều người bị cuốn băng ra biển và nhiều người khác bị tấp vào bờ, rồi trôi vào tận giữa rừng. Họ còn cố gắng vượt sông ở nhiều chỗ khác nữa; đến đêm thổ dân thường nghe thấy tiếng kêu cầu cứu phát ra từ một cái bè trôi giạt ở nơi nào đó trên dòng sông.
Mỗi chỗ vượt sông đã nuốt bao nhiêu mạng người; tuy nhiên cũng có nhiều người lính - đặc biệt những người bị bệnh kiết lỵ hay sốt rét ngã nước hoặc quá yếu vì thiếu ăn nên không thể tiếp tục đi được nữa - đã dùng lựu đạn để tự kết liễu đời mình. Người ta thường nghe thấy những tiếng nổ giữa cánh đồng hoặc trong rừng sau khi quân đội đang đào tẩu đi qua. Ngay cả thổ dân cũng hiểu rằng mỗi tiếng nổ như thế có nghĩa là một vụ tự sát
Hẳn đã có biết bao vụ như thế không được ai kể lại không được ai ghi chép, nhưng đã bị lãng quên hoàn toàn!
Làm sao ai có thể nhìn thấy những gì tôi đã nhìn thấy mà bó tay không làm gì? Làm sao có thể ngoảnh mặt làm ngơ mà lương tâm không cắn rứt hoặc nói rằng đó không phải là việc của mình?
Nhờ sự giúp đỡ của thổ dân và những vị sư từ một làng gần đó, tôi đã tìm cách chôn cất những xác chết này ở chỗ bờ sông đầy cát. Và một hôm, trong lúc đào tôi bắt được một viên ngọc hổ phách to đáo để - một trong những viên ngọc nổi tiếng ở Miến Điện. Nó óng ánh tựa như một ngọn lửa đỏ rực.
Lúc cầm viên ngọc trong tay, tôi liên tưởng tới linh hồn những người đã chết. Vì không thể mang tro xương của họ theo mình tôi đã coi viên ngọc này như cái gì tiêu biểu cho linh hồn của tất cả những người đã chết bỏ xác tại Miến Điện, và từ đó trở đi tôi luôn luôn mang viên ngọc theo mình. Cứ mỗi khi viếng một ngôi chùa, tôi lại để viên ngọc lên bàn thờ mà cúng vái.
Tôi được tin người Anh sẽ làm một đám tang lễ long trọng ở Mudon và tôi muốn viên ngọc này là một phần của đám tang ấy. Đành rằng gây ra một cuộc chiến tranh là một điều sai lầm, song làm sao mà những thanh niên đã phải chiến đấu và đã phải bị chết lại bị coi là phạm tội! Dù là người Anh hay người Nhật thì linh hồn họ cũng đã lìa khỏi trái đất này rồi. Hy vọng có một đám tang chung, hoặc ít nhất một nơi an nghỉ tầm thường tại nơi này hẳn sẽ không làm những người lính Anh đã chết ấy bực bội và khó chịu. Trái lại, có lẽ họ sẽ mỉm cười, tiếp đón rồi dẫn dắt linh hồn những người lính Nhật đến chính bàn thờ của họ. Cuối cùng, tại ngôi làng trong núi ấy, vào đêm đình chiến những kẻ thù hãy còn sống đã dắt tay nhau...
Và vì thế tôi đã để viên hổ phách vào trong một hộp gỗ mộc mạc, lấy vải bọc lại và đeo ở cổ rồi đến dự đám tang lễ. Sau đó tôi đã để viên ngọc vào một góc bàn thờ tại vãng sinh đường.
Trong suốt thời gian buổi lể truy điệu kéo dài nhiều ngày, viên ngọc cũng đã được tôn kính với sự tri ân sâu xa. Là người Nhật duy nhất hiện diện trong buổi lễ, tôi đã cầu nguyện không dứt lời.
Tuy nhiên, không thể cứ để viên ngọc hổ phách ấy ở mãi trong nhà quàn. Tôi phải tìm một nơi khác trước khi những người lính Anh đã chết được đưa về trả tổ quốc họ. Tôi liền tìm một nơi bí mật rồi đem để viên ngọc ở đó cho nó yên thân - tôi quyết định cất nó vào trong pho tượng Phật khổng lồ nằm nghiêng. Sau đó hàng ngày tôi đi vào bên trong pho tượng, qua một cái cửa ở chân đức Phật -một lối vào chỉ có những nhà sư trụ trì tại ngôi chùa gần đó biết mà thôi - để lập một bàn thờ và chôn cái hộp ấy cùng viên ngọc.
Một hôm, tại đó, trong hốc sâu tối om, ngột ngạt của pho tượng Phật, tôi cảm thấy mệt quá nên đã dựa người vào bức tượng để nghĩ. Lúc đang thiêm thiếp ngủ, tôi nghe thấy tiếng các bạn hát.
Giật bắn mình choàng dậy, tôi liền chộp cây thụ cầm - kể từ khi bắt đầu ra đi lúc nào tôi cũng mang theo cây đàn. Khi tới Mudon tôi thường chơi đàn với thằng bé tại tịnh xá Vì thế, dĩ nhiên, hôm ấy tôi cũng mang theo cây đàn.
Chắc là các bạn ngạc nhiên khi nghe thấy tiếng đàn phát ra từ một nơi không ngờ đến thế. Xin các bạn tha thứ cho tôi nhé. Nhưng lúc đánh đàn tôi chỉ có ý nghĩ, duy nhất là: Tôi đây các bạn ơi! Tôi hãy còn sống! Các bạn đồng đội thân mến của tôi ơi, chúng ta hãy cùng nhau hát lên nào!
Sau đó, lúc các bạn đập cửa ầm ầm, tôi đang đứng ở bên trong, hai tay nắm chặt, buồn khổ. Tôi nhận ra tiếng từng người một. Nhưng vì bây giờ đã là một nhà sư rồi nên tôi không thể mở toang cửa rồi ra ôm chầm các bạn được.
Thế rồi lại im phăng phắc, tôi trèo lên một cái thang để ghé mắt nhìn qua một mắt của pho tượng Phật. Tôi trông thấy các bạn đang bị tên lính Ấn Độ dẫn ra ngoài đi về hướng ngôi chùa.
Tôi đã trở thành một nhà sư Miến Điện. Sau khi chôn cất những xác chết ấy gần sông Sittang, tôi đến ngôi chùa gần đó và xuống tóc đi tu. Tôi tiếp tục học bất kỳ khi nào có thể và thực hành mọi sắc giới khổ hạnh. Tôi bỏ tấm băng đeo ở cánh tay mà người con gái viên tù trưởng đã cho; nhưng sau đó, nhận thấy tôi đã cổ gắng chôn cất những người chết nên nhà chùa lại cho tôi một tấm băng đeo tay khác.
Công việc tôi phải làm hình như cứ gia tăng hàng ngày. Không những tôi phải đem an ủi đến cho linh hồn những người lính Nhật mà còn phải làm tròn nhiệm vụ của một tu sĩ Miến Điện, và tôi muốn làm tất cả những gì có thể cho dân tộc ở xứ này.
Tôi muốn nghiên cứu giáo lý của đức Phật, suy ngẫm về những giáo lý ấy và biến truyền những giáo thành một phần trong cuộc Sống của mình. Chúng ta và đồng bào chúng ta đã đau khổ một cách tàn ác. Nhiều người dân vô tội đã hy sinh cho một chính nghĩa phi lý; Thanh niên vô tội, tươi trẻ đã bị điệu khỏi nhà bỏ dở công ăn việc làm và xa lìa học đường rồi chỉ để phơi thây mục xương trên đất khách quê người. Càng nghĩ đến điều ấy tôi thấy nỗi buồn của tôi càng chua chát hơn. Khi nhìn lại những gì đã xảy ra, tôi cảm thấy một cách thấm thía rằng chúng ta đã vô tư quá. Chúng ta đã quên không suy ngẫm một cách sâu xa về ý nghĩa cuộc đời.
Tôi đã học được khá nhiều trong lúc sống ở thiền viện. Kể từ thời xa xưa, tôn giáo này đã nhằm vào một sự suy tư vô cùng sâu sắc về cuộc đời con người và về thế giới trong đó cuộc đời tồn tại. Những người đã tự hiến mình cho giáo lý của đạo này, sẵn lòng chịu đựng mọi thử thách cam go cùng những sắc giới gắt gao ngõ hầu đạt được chân lý. Lòng can đảm của họ cũng phi thường như lòng can đảm của bất kỳ người lính nào; lòng can đảm của họ là một cuộc tấn công để chiếm lấy một pháo đài vô hình. Vì lý do này, như tôi đã kể cho các bạn hay, có người lại còn trần truồng bò lên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn quanh năm đầy tuyết phủ.
Người Nhật chúng ta đã không để ý thực hiện những cố gắng tinh thần nhiệt tình đó. Chúng ta cũng chưa nhận ra giá trị của những giáo lý ấy. Điều duy nhất chúng ta đặc biệt chú ý ấy là khả năng của từng cá nhân, những điều cá nhân ấy có thể làm - chứ không phải cá nhân đó là loại người nào, cá nhân đó sống ra làm sao hoặc sự hiểu biết của cá nhân đó đến mức độ nào. Chúng ta hoàn toàn dốt đặc chẳng biết tý gì về những đức tính này: sự hoàn toàn, khiêm tốn, khắc kỷ, thánh thiện và khả năng của một con người để đạt sự giải thoát và giúp người khác tiến tới giải thoát.
Tôi hy vọng sẽ sống nốt khoảng đời còn lại làm một tu sĩ tại xứ xa lạ này để kiếm tìm những đức tính ấy.
Lúc trèo núi, vượt sông, chôn cất xác người chết ngộp trong đám cỏ dại hoặc chết ngụp dưới nước sông, tôi đã bị biết bao câu hỏi day dứt, giày vò. Tại sao lại có sự khổ cực như thế tồn tại ở trần gian này? Tại sao lại có nhiều sự đau đớn không giải thích nổi đến thế? Chúng ta phải nghĩ thế nào? Nhưng tôi đã học được rằng những câu hỏi này không bao giờ có thể trả lời bằng tư tưởng nhân sinh. Chúng ta phải làm việc để đem lại chút ít an ủi cho cái trần gian đầy đau khổ này. Chúng ta phải can đảm. Cho dù phải đương đầu với đau khổ nào, phi lý nào, vô nghĩa nào, chúng ta cũng phải kiên cường, can đảm, phải chứng tỏ có bản lĩnh bằng cách thản nhiên trực diện với những điều đó. Tôi hy vọng thực hiện được niềm tin này khi dâng trọn đời mình cho cuộc đời từ bi:
Hơn thế, chẳng bao giờ tôi khỏi ngạc nhiên trước sự kiện dân tộc Miến Điện tuy ít hoạt động, thích hội hè đình đám và kém cần cù, song thảy đều lúc nào cũng vui tươi, khiêm tốn và sung sướng. Họ luôn luôn mỉm cười. Không bị lòng tham chế ngự, họ đã sống an vui với chính mình. Trong khi trà trộn sống với họ tôi đã đi đến chỗ tin tưởng rằng những điểm này là các đức tính quý báu của con người.
Nước ta đã gây ra một cuộc chiến tranh, đã thua trận và bây giờ đang đau khổ. Đó là bởi vì chúng ta tham lam, bởi vì chúng ta kiêu ngạo đến nỗi quên bẵng giá trị nhân bản nơi con người, bởi vì chúng ta chỉ có một lý tưởng hời hợt về văn minh. Dĩ nhiên, chúng ta không thể khề khà như dân tộc này và mơ mơ màng màng đối với cuộc đời như họ thường làm. Nhưng liệu chúng ta có thể vẫn hăng say hoạt động mà vẫn ít tham lam được không? Liệu đó không phải là cần thiết - đối với người Nhật và cả nhân loại ư?
Làm thế nào để chúng ta được thực sự giải thoát? và làm thế nào để chúng ta có thể giúp người khác giải thoát? Tôi muốn suy nghĩ cẩn thận về điều này. Tôi muốn học để biết. Đó là lý do tại sao tôi muốn sống ở xứ này, để làm việc và phục vụ tại xứ này.
Các bạn đồng đội thân mến của tôi ơi! Tôi không thể nói cho các bạn rõ sự chia tay này đã là thế nào đối với tôi. Cái ngày mà từ lâu tôi rất sợ cuối cùng đã tới. Sau nhiều tuần lễ ở trong vùng quê, khi trở lại Mudon, tôi được tin sáng mai đại đội của tôi sẽ đáp tàu biển trở về Nhật Bản. Tôi đã có đủ can đảm nhận tin này với sự bình thản không ngờ.
Tôi rất sung sướng và biết ơn các bạn đã âu yếm thương yêu tôi, đã miễn cưỡng bỏ tôi lại đằng sau. Nhưng tôi sẽ ở lại xứ Miến Điện này, cái xứ mà tôi yêu thương và sẽ đi khắp nơi từ vùng núi tuyết phủ xuống bãi biển lấp lánh dưới ánh sao Nam Tào. Và khi nào nhớ các bạn đến độ không chịu nổi, tôi sẽ mang đàn ra chơi.
Tôi sẽ không bao giờ quên tình bạn giữa chúng ta. Trong thâm tâm, lúc nào tôi cũng cầu nguyện các bạn được hạnh phúc.
MIZUSHIMA YASUHIKO.
Đại úy đã đọc xong lá thư.
Tất cả chúng tôi đều ngồi im lặng, nhiều ý nghĩ chẳng thể bộc lộ tràn ngập đầu óc. Tuy nhiên chúng tôi không buồn nữa. Bây giờ thì chúng tôi đã hiểu những ý nghĩ chân thực của Mizushima, tất cả chúng tôi đều cảm thấy sẵn sàng chấp nhận bất kể cái gì đang nằm trước mặt.
Thế rồi màn đêm buông, mặt Ấn Độ Dương óng ánh vì hằng hà sa số những nguyên sinh động vật. Những mảng lân tinh ma quái to như những bàn tay người thường nổi lên giữa các làn sóng, êm đềm nhẹ nhàng lướt trôi một lúc rồi biến dạng vào trong bọt biển trăng trắng mà ngay trong đêm tôi cũng có thể nhìn thấy. Có những chùm nguyên sinh động vật hình như cứ bám chắc vào hai bên mạn tàu. Có những chùm khác lại đuổi theo sau chúng tôi, và có những chùm khác nữa bồng bềnh mãi phía xa đằng sau.
Trông thật như thể linh hồn những người chết đang nhảy nhót chơi đùa giữa lớp sóng biển rập rờn.
Trên bầu trời bao la trên đầu chúng tôi các vì sao đang lấp lánh. Khi con tàu lướt sóng, lắc lư ngả mình hết bên này đến bên kia, cột buồm cũng lướt qua màn trời đầy sao, nhưng đối với chúng tôi cột buồm vẫn đứng im và các vì sao đang khiêu vũ xung quanh cột buồm vậy.
Chúng tôi cùng nhau khe khẽ cất tiếng hát. Tiếng sóng biển bao vây con tàu. Chúng tôi hầu như có thể nghe thấy tiếng đàn thụ cầm vút ra khỏi bọt nước biển tung bay.
Con tàu tiếp tục từ từ đè sóng mà đi, hết ngày này qua ngày khác. Suốt ngày chúng tôi ngước mắt nhìn những đám mây lơ lửng trên cao, lòng tự hỏi chừng nào anh em sẽ nhìn thấy Nhật Bản.
Hết
Cây Đàn Hạc Miến Điện Cây Đàn Hạc Miến Điện - Takeyama Michio Cây Đàn Hạc Miến Điện