Số lần đọc/download: 1872 / 11
Cập nhật: 2017-12-13 14:32:37 +0700
Chương 21: Hai Nữ Tỳ Xuân Hồng, Hạ Lục
L
ão bà chỉ đưa tay xô nhẹ một cái mà Văn Thiếu Côn cảm thấy chân lực tiêu ta, thân hình lảo đảo đứng không vững, vội bước ra khỏi cửa động.
Ngoài động vẫn tối mù mù, nhờ nhãn lực cao cường, Văn Thiếu Côn phân biệt được con đường địa đạo quanh co, ăn thông với các động đá, từ bốn phương tám hướng đều có thể giao thông về đây như là trung tâm điểm.
Nhìn khắp bốn mặt, đâu đâu cũng xây bằng đã trắng, đường lát đá bằng phẳng và láng trơn. Thật là một kiến trúc kỳ diệu, không biết đã tốn bao nhiêu công phu xương máu mới xây dựng nên.
Vì các nơi ở đây sát bên điện của vị Chí Tôn, nên lối trưng bày sắp đặt, mọi thứ đều lộng lẫy xa hoa không kể xiết.
Văn Thiếu Côn cứ lầm lủi bước nhanh. Trải qua trên ba mươi trượng, hai người vừa đến một khúc quanh.
Chàng do dự rồi dừng chân lại, chưa biết nên đi thẳng hay rẻ sang con đường quẹo.
Đang ngẫm nghĩ, bỗng một bàn tay chộp mạnh vào vai, rêm cả khớp xương.
Văn Thiếu Côn nổi nóng nhìn lại thì lão bà đang đứng trợn mắt nhìn chàng hầm hầm, bàn tay gân guốt chưa rời khỏi vai.
Bực quá, chàng cau mày nói lớn:
- Chính vị Chí Tôn của bà còn nể nan chưa có thái độ gì nặng nề đối với tôi, tưởng lão bà cũng nên giữ khách khí một chút mới phải.
Lão bà Tuyết nương quắc mắt nói:
- Già này đã quá khách khí đối với ngươi lắm rồi. Còn đòi hỏi gì nữa. Nếu như kẻ nào thì...
Văn Thiếu Côn giận quá, hỏi gằn:
- Thì sao?
Nói được hai tiếng, chàng ngầm vận công lực tập trung vào đôi vai, toan vung mạnh lên hất bàn tay lão bà đi.
Không ngờ năm ngón tay của Tuyết nương đã bấu mạnh vào thịt chàng như vuốt chim ưng, khiến chàng cảm thấy tê dại cả một bên người.
Bản lãnh lão bà quả nhiên tuyệt diệu phi thường. Ngay lúc ấy chàng cố bặm môi nhịn đau, rùng mình thấp xuống, vung bàn tay phải chặt qua một nhát.
Nhưng lão bà đã chìa hai ngón tay kẹp cứng lại không thể nào cựa quậy nổi.
Lão bà nạt lớn:
- Nếu không thì ta đã bằm mi thành muôn mảnh.
Văn Thiếu Côn nói:
- Tại sao bà lại có thái độ căm thù đối với tôi như vậy. Tôi tự xét chưa làm điều gì phật ý bà kia mà?
Bà hầm hầm quát:
- Mặc dầu mi chưa làm gì hại ta, nhưng...
Nói đến đó bà bỗng ngừng bặt, chỉ trợn mắt nhìn chàng. Hình như có điều gì bí mật chưa chịu nói ra.
Văn Thiếu Côn nói:
- Nhưng thế nào? Tôi đã làm gì nên nổi? Cứ nói luôn đi, có gì đâu mà nín thin nửa chừng như vậy.
Lão bà không đáp, trừng đôi mắt lộ hung quang rồi vận khí lực vào ngón tay dí mạnh vào vai chàng hét lớn:
- Giờ đây, mi chọn đường nào, nói mau?
Văn Thiếu Côn nổi khùng lên, mặc dầu cả nửa thân hình như tê liệt, nhưng phía bên trái, tay chân vẫn còn cử động được như thường, chàng định phóng chỉ xỉa mạnh vào cạnh sườn bà lão.
Khi sắp sửa ra tay, chợt nghĩ:
- "Lão già này hay trở mặt, tánh tình quái dị, bản lãnh cao siêu khôn lường, nếu mình chọc tức lão chỉ mang họa vào thân mà thôi".
Ý nghĩ ấy đã giúp chàng nuốt cơn giận dịu giọng trả lời:
- Tôi không biết đường ra, xin cảm phiền lão bà dẫn đi một đoạn.
Lão bà nghe nói sửng sốt, ngơ ngẩn một chập hỏi lại lần nữa:
- Mi muốn đi ra khỏi động hay trở vào động Ngũ Hành?
Giọng nói có vẻ hậm hực thiếu tự nhiên.
Văn Thiếu Côn đã có chủ định sẵn:
- Cố nhiên là không ai dại gì đem thân trở về Ngũ Hành động để chịu tội Ngũ Hành hay Tam quang đại hình. Huống chi Vân Mộng sơn là nơi ẩn cư của Độc Nhãn Thần Cái, nhân lên đó tìm Long Diên thảo ta sẽ dò hỏi và nhờ ông ta điểm chỉ đồng thời hỏi cho ra thân thế của mình.
Nghĩ thế, chàng cười lạt đáp:
- Dẫu tôi không sống được dài ngày với khí hậu âm độc, cũng không muốn chết bỏ thây trong cái hang thăm thẳm đầy huyền bí ấy. Lẽ đương nhiên là tôi phải chọn lấy con đường đi ra rồi.
Câu trả lời hình như trái với ý muốn của lão bà nên bà ta tái mặt rồi gầm lớn:
- Ta đã đoán trước mi là phường hèn nhát, sợ chết rồi.
Quát xong vung một tay mạnh vào lưng Văn Thiếu Côn, xô nhào vào trong địa đạo.
Nhờ đã vận sẵn chưởng lực khắp người phòng tấn công bất ngờ, nhưng Văn Thiếu Côn cũng bị đẩy nhủi tới hai bước. Chàng cố nén giận nói:
- Đây không phải vấn đề hèn nhác hay sợ sệt, nhưng chỉ vì ta không muốn liều chết uổng mạng vô ích.
Nói xong chẳng cần chờ sự phản ứng của bà, chàng rảo bước tiến tới đi vào đường địa đạo.
Chỉ ra được mấy bước, bỗng từ phía sau có tiếng người gọi theo:
- Văn công tử.
Văn Thiếu Côn xoay mình ngó lại thấy một nàng mặc áo xanh phi thân chạy tới như bay. Nhìn lại thấy người ấy chính là con nữ tỳ Xuân Hồng. Nếu so với hôm bị hỏi tội chàng thấy tinh thần ả khỏe khoắn, diện mạo xinh đẹp không còn tái nhạt bơ phờ như lúc ở Nghinh Xuân động.
Thấy ả dừng chân lại, nét mặt lộ vẻ hổ thẹn, chàng vội hỏi:
- Có điều gì thế cô nương?
Xuân Hồng không đáp, nhìn sững chàng, miệng lẩm bẩm:
- Quái lạ, ngài Chí Tôn chắc không hài lòng vì...
Văn Thiếu Côn chẳng hiểu gì hết, hỏi lại:
- Việc gì mà không hài lòng?
Xuân Hồng nói:
- Ngài Chí Tôn đã giao cho anh quyền quyết định của mạng sống hay chết tùy ý lựa chọn. Tại sao anh không đi ra mà quay lộn vào? Chả lẽ anh lại đi tìm cái chết hay sao? Đại hình Ngũ Hành hay Tam Quang chi hình có thú vị gì mà anh lại thích nhỉ?
Văn Thiếu Côn giật bắn người, đưa mắt nhớn nhát nhìn quanh rồi đáp:
- Tôi nào biết đường đi đâu?
Nhìn lại bà Tuyết nương chàng tiếp:
- Tôi đã chọn con đường sống, muốn đi ra, chẳng rõ vì sao bà này lại xô tôi trở vào đây.
Lão bà đứng lặng yên có vẻ bực tức và buồn bực, hai mắt rưng rưng ngấn lệ nói chẳng ra lời, hình như bên trong đang chất chứa nhiều điều u uất.
Xuân Hồng cau mày chợt hiểu. Nàng nhìn thẳng vào Tuyết nương từ tốn nói:
- Việc làm của lão bà, tiểu tỳ đâu dám xen vào, nhưng chúng ta nên nhớ rằng cơn thịnh nộ của ngài Chí Tôn không phải vừa đâu đấy.
Lão bà nhìn xuống đất, miệng lẩm bẩm hậm hực:
- Quả đồ khốn kiếp. Sớm muốn gì ta cũng cho mày biết tay. Chừng ấy nhất định mày phải nhận một cái chết vô cùng đau đớn.
Xuân Hồng cười nói:
- Thưa Tuyết nương lão bà, nếu tỳ nữ này không nhận lệnh ngài Chí Tôn đến đây thì mặc anh ta chết sống gì cũng thây kệ, chẳng can dự gì. Nhưng đã ra đi vì lệnh của ngài Chí Tôn thì quả... không dám...
Không chờ nàng nói dứt lời, bà hậm hực bảo:
- Thôi, nhà ngươi cứ dẫn hắn đi cho khuất mắt, già này chẳng cần và cũng chả biết đến việc gì nữa.
Nói xong bà khẽ vung tay ném ra một vật rơi xuống đất đánh "keng" một tiếng, thở dài rồi quay lưng bước đi ngay.
Văn Thiếu Côn liếc mắt nhìn trộm thấy vật này là một thẻ đồng nho nhỏ, láng bóng, chiếu sáng ngời như gương, trên mặt hình như có khắc một hình người nhỏ. Hình này hơi lạ lùng, hai bên mọc đầy những cánh tay, ít ra cũng trên chục cái.
Tuy thấy vậy, nhưng chàng vẫn nín thinh không lên tiếng.
Xuân Hồng đưa tay lượm lên, cầm xem cẩn thận rồi nhìn Văn Thiếu Côn nói:
- Văn công tử, tiểu tỳ này xin tiễn đưa công tử ra khỏi hang.
Nói xong, Xuân Hồng quay mình rẽ sang một con đường khác.
Văn Thiếu Côn lặng thinh không nói một lời, lẻo đẻo bước theo Xuân Hồng.
Hai người vừa đi hơn mười trượng, hình như một luồng gió lốc từ bên trái tạt qua khiến cả hai giật mình đứng lại để quan sát. Thì ra chỉ là một luồng gió từ bên trong khe đá thổi lại.
Nhìn ra cửa động, cả một bầu trời sắc thiên nhiên không có một dấu vết gì của bàn tay loài người đặt đến. Phía sau núi cao chọc trời đứng sừng sững.
Nếu không từ trong hang đi ra thì Văn Thiếu Côn tuyệt đối không bao giờ tin rằng bên trong cảnh tượng hùng vì này lại có nhiều địa đạo, hang đá kỳ khôi, bí hiểm như thế.
Trước mặt là một khu rừng đào, cành lá sum xuê, hoa nở sặc sỡ. Một luồng gió nhẹ thoáng qua, đưa hương thơm ngào ngạt. Dù mệt nhọc đến đâu, chỉ thở một vài cái, thưởng thức cảnh này sẽ thấy khoan khoái, yêu đời ngay.
Văn Thiếu Côn nhận thấy nơi này ở cạnh bãi cỏ rộng mà chàng cùng Lệ Minh Nguyệt đã bị bắt từ trước.
Thị tỳ Xuân Hồng không nói gì, chẳng nhìn đâu hết, cứ một mạch lầm lủi bước đi, cùng chẳng quay đầu nhìn lại. Vượt qua vườn đào đã đến bãi cỏ xanh um rộng bao la bát ngát.
Thình lình một giọng nói vang lên lảnh lót:
- Đứng lại!
Tiếp đến là hai bóng người bay đến. Xuân Hồng dừng bước đưa tay phải lên, chìa tấm thẻ đồng có ánh sáng lấp lánh và nói lớn:
- Ngươi không thấy lệnh bài của ngài Chí Tôn đây sao?
Hai tên U Linh đang hùng hổ chận đường vừa thoáng nhìn thấy tấm thẻ đồg vội vàng kính cẩn chấp tay cúi đầu nói:
- Chúng tôi không ngờ, xin cô nương thứ lỗi. Mời đi qua!
Xuân Hồng mỉm cười khoan khoái rồi tiếp tục đi nữa.
Trên đường đi, liên tiếp có hơn mười U Linh xuất hiện cản đường đòi khám xét, khi thấy tấm lệnh bài cả thảy đều lập tức rút lui nhường chỗ cho đi qua.
Đường đi tuy dài dằn dặc, nhưng hai người trổ thuật khinh công lao đi vun vút như hai bóng ma. Chẳng bao lâu đã đến tận Tề Thiên Phong, nơi mà Văn Thiếu Côn cùng Lệ Minh Nguyệt theo Huyền Trung Tử từ trên nhảy xuống.
Nhưng đường đi đều là những đường do Văn Thiếu Côn cùng Lệ Minh Nguyệt đã qua rồi. Nhìn kỹ còn thấy nhiều tín hiệu bí mật do hai người đã cố ý lưu lại khi theo Huyền Trung Tử xâm nhập Vô Nhân cốc.
Xuân Hồng không dừng bước, cứ men theo sườn núi bên trái mà đi. Lát sau vừa qua khỏi một khu rừng, thình lình lộ ra một vùng trống không, rộng lớn hoang vu như bãi sa mạc, không có một chùm cây, không một tảng đá nhỏ.
Chính vùng này là nơi mà Văn Thiếu Côn cùng Lệ Minh Nguyệt từ trên đỉnh núi nhìn xuống, thấy luồng địa lưu nghiền nát mọi vật thành cát trắng.
Cũng chính nơi đây đã xảy ra trận hỏa hoạn kinh hồn, thiêu rụi trên trăm mạng cao thủ võ lâm đêm nọ.
Nơi đây cũng bị mây mù phủ che mờ mịt. So với các vùng trong hang sâu tương đối ít hơn, nhưng phóng tầm mắt nhìn ra cũng khó phân biệt nổi sự việc ở cách mười trượng.
Xuân Hồng vẫn lầm lủi đi hoài không hề nhìn lại, thẳng một mạch đã đến cửa hang.
Khi ấy đã vào khoảng canh ba, hai người ngẩng đầu nhìn lên không thấy trăng sao, vòm trời đầy những mây mù âm u ảm đạm. Những con đường khúc khuỷu quanh co uốn mình qua cái gộp, len vào các thành núi đứng thẳng tắp cao vút tận trời cao.
Những vách đá vừa cao vừa hẹp che khuất tầm nhãn quang, khiến mọi người có cảm giác như đang bị nhốt dưới một đáy giếng sâu vĩ đại.
Văn Thiếu Côn chợt ôn lại những cảm giác của mình trong giờ phút đang nấp trên núi cao chứng kiến cái chết của quần hùng trong biển lửa hôm đó, nhưng hai chân cứ tự động bước dồn theo sau Xuân Hồng không ngừng.
Khi đến cửa hang nơi có tấm thạch bia khắc ba chữ "Âm Dương giới", Văn Thiếu Côn dừng chân lại nói:
- Cô nương, xin hỏi cô nương đôi lời có được không?
Xuân Hồng lập tức đáp:
- Công tử cứ hỏi.
Văn Thiếu Côn cau mày nói:
- Trước đây không lâu, nơi đây đã xảy ra một đám cháy lớn, cô nương có biết không?
Xuân Hồng vẫn thoăn thoắt bước đi vừa đáp:
- Tôi không biết.
Chàng hỏi thêm:
- Trước khi xảy ra hỏa tai, có một luồng âm lực nổi lên làm nghiền nát cả cây cối, sỏi đá, biến nơi đây thành bãi sa mạc hoang vu, cô nương có biết không?
Xuân Hồng lắc đầu đáp:
- Cũng không hề hay biết.
Nàng ngừng một lát nói thêm:
- Tiểu tỳ chỉ biết đưa công tử ra khỏi hang, ngoài ra những việc khác không hề hay biết gì hết. Xin đừng hỏi nữa chẳng ích gì.
Chớp mắt vài cái, nàng ngập ngừng tiếp:
- Câu chuyện tại Nghinh Xuân động ngày trước, tiểu tỳ đã bị ngài Chí Tôn quở phạt nặng nề. Công tử vốn người giàu lòng hào hiệp, xin đừng gây thêm điều khó dễ cho tiểu tỳ mà tội nghiệp.
Nói xong quay mình đi luôn.
Văn Thiếu Côn bị cụt hứng, không biết nói gì nữa, nên liền lướt theo.
Chớp mắt, hai người đã đến bên tấm bia "Âm Dương giới", Xuân Hồng vẫn không ngừng bước, cứ thoăn thoắt đi hoài.
Loáng một cái, hai người đã vượt qua Âm Dương giới, đến một cửa hang nhỏ hẹp. Vượt qua cửa hang đó tức là đã ra phía ngoài Vô Nhân cốc. Văn Thiếu Côn cảm thấy tâm tình xúc động, ngoảnh mặt nhìn vào trong lòng không khỏi bùi ngùi.
Xuân Hồng dừng bước, nói:
- Tiểu tỳ không tiện đi xa hơn nữa, đến đây là hết.
Văn Thiếu Côn vội vàng chắp tay nói:
- Đa tạ cô nương đã dẫn đường tới đây. Xin phiền cô nương chuyển đạt lời chào thân mật và lòng biết ơn của tôi đến ngài Chí Tôn. Nhờ cô nương thưa lại rằng nhiều lắm là hai tháng, ít ra cùng hai mươi ngày hơn, nhất định tìm được Long Diên thảo đem về. Giờ đây xin tạm biệt.
Nói xong chàng quay mình toan đi.
Xuân Hồng lại gọi lớn:
- Văn công tử, xin thong thả.
Chàng ngạc nhiên dừng bước lại hỏi:
- Cô nương còn muốn dặn điều gì nữa?
Xuân Hồng thò tay vào bọc lấy ra một bó lụa nhỏ, mở ra, bên trong có một cái bình nhỏ bằng ngọc bích trông thật đẹp, thận trọng giao cho Văn Thiếu Côn nói:
- Trong bình này có ba viên Đại hoàn đơn là loại linh dược quý báu của ngài Chí Tôn giao cho công tử.
Nàng đưa chiếc thẻ đồng trong tay và nói:
- Còn đây là chiếc lệnh bài của ngài Chí Tôn, công tử phải mang luôn bên mình để làm tín hiệu phòng còn trở về hang Vô Nhân cốc.
Văn Thiếu Côn tiếp đón hai thứ ấy, cất vào một chiếc túi con, cẩn thận đeo trước ngực. Xuân Hồng nhìn chàng nói:
- Bây giờ công tử có thể đi được rồi.
Văn Thiếu Côn cảm động nhìn nàng, cúi đầu chào rồi xoay mình đi luôn.
Ngay lúc đó tận đàng xa bên kia lằn Âm Dương giới, những tiếng kêu nhi nhí bằng truyền âm nhập mật vọng vào tai chàng:
- Khoan đã Văn công tử.
Văn Thiếu Côn lập tức dừng bước, quay mình lại nhìn thấy một cái bóng xanh xẹt tới nhanh như điện chớp. Bóng này vừa mất đã hiện ra một thiếu nữ tuyệt đẹp, mặc áo xanh màu hồ thủy đang nhìn chàng mỉm cười.
Nữ lang này không ai khác hơn là Hạ Lục, một trong bốn nữ tỳ thân cận đấng Chí Tôn cốc chủ.
Vừa thấy Hạ Lục, Xuân Hồng ngạc nhiên hỏi:
- Sao đến đây, có lệnh gì khác chăng?
Hạ Lục đáp nho nhỏ:
- Ngài Chí Tôn sai tôi đến đây trao lại cho chị một vật nhỏ để trao cho công tử lên đường.
Nói xong nàng đưa ra một cái bao nhỏ bọc lụa trắng, Xuân Hồng tình thật đưa tay ra đón.
Nào ngờ khi nàng vừa đưa tay lên định đón lấy thì bất thình lình Hạ Lục ném vật ấy ra, rồi xòe năm chỉ điểm vút một cái ngay người Xuân Hồng.
Thật là một thủ đoạn dối trá và cay độc. Xuân Hồng trong lúc vô tình không phòng bị, bị điểm trúng ngay huyệt lớn, Cự khuyết và Thiếu âm.
Xuân Hồng vừa hoảng sợ vừa tức giận, trợn mắt gầm lớn:
- Con tiện tỳ, mày cả gan...
Nói chưa dứt lời đã bị Hạ Lục xoay luôn tay điểm vào huyệt câm ngã lăn ra.
Văn Thiếu Côn ngơ ngác không hiểu vì sao, và nhất thời không biết hành động thế nào, chỉ trơ mắt đứng nhìn.
Hạ Lục điểm vào huyệt đạo của Xuân Hồng xong lập tức quay mình lại nắm áo Văn Thiếu Côn, hốt hoảng nói:
- Hãy mau mau thoát khỏi ra ngoài hang rồi sẽ nói chuyện.
Văn Thiếu Côn không kịp hỏi lại, lật đật tung mình lao vút theo chạy ra ngoài.