Số lần đọc/download: 2006 / 47
Cập nhật: 2015-11-21 22:31:35 +0700
Chương 20
Đ
ầu tháng 12, trăng lưỡi liềm còn tỏa ánh sáng mờ nhạt. Đêm đầy sao. Sao không đủ sức làm ấm lòng người, vì vẫn mùa đông. Trời đã hết mưa dầm, và gió bấc nghỉ xoáy những cơn lạnh buốt. Trên bến Đợi, Thi ngồi sát bên Kỳ Bá. Dòng sông Trà Lý êm đềm. Con đò buộc vào bến bất động, thiếu sóng đập vỗ mạn thuyền. Nên chuyện tình ai nghe man mác.
- Em có học những cuốn Quốc văn giáo khoa thư không?
- Có ạ!
- Anh đố em bài này ở cuốn nào, nhé!
- Vâng.
- Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan
Chém tre đẳn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng
Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng
- Lớp sơ đẳng.
- Giống anh không?
- Giống sao được. Người ta là lính thú ngày xưa, anh là lính cách mạng ngày nay!
- Lính giống nhau hết, dù là lính ngày xưa hay lính ngày nay. Chỉ công tác là khác nhau thôi. Lính thú ngày xưa phải đốn gỗ, chém tre, coi là khổ lắm, không bạn bè, ăn cơm với măng, buồn tẻ. Lính cách mạng ngày nay, như anh, phải huấn luyện chính trị mỏi miệng, dạy đường lối của Đảng phờ râu, cũng không bạn bè, ăn cơm với nhân dân, sung sướng chi! Lao động của lính thú ngày xưa là lao động chân tay. Mệt nằm lăn ra ngủ. Còn mơ mộng nhìn cá nó vẫy vùng dưới giếng. Lao động của lính cách mạng ngày nay, như anh, là lao động trí óc. Có ngủ được đâu, có mơ mộng được đâu? Phải chi anh là lính thú ngày xưa, đã rông dài những Ba năm trấn thủ lưu đồn để em sinh ra hai thằng con trai với anh. Sung sướng chưa?
- Sung sướng lắm. Anh ạ, lính thú ngày xưa không giống cách mạng ngày nay. Nghĩ làm gì cho buồn!
- Anh đố em đấy chứ?
- Đố và đừng nghĩ.
- Rồi.
- Đố đi.
- Ngang lưng thì thắt bao vàng
Đằu đội nón dấu vai mang súng dài
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay cắp dáo quan sai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa
- Lớp sơ đẳng.
- Đúng. Tranh vẽ diễn tả bài này?
- Cảnh chiếc thuyền, lính thú xếp hàng xuống, một anh quay lại, nước mắt anh ta chẩy ròng ròng, nhìn vợ anh ta bế con đi tiễn, cũng khóc ròng ròng.
- Buồn hả?
- Vâng.
- Người lính thú ngày xưa hơn người lính cách mạng ngày nay. Khi họ ra trận, còn đưọc vợ con đi tiễn. Người lính cách mạng bị cấm đoán điểm này. Họ không được nhìn thấy nước mắt của vợ con để họ khóc theo. Nếu họ chết giữa sa trường, thiệt thòi quá.
- Lại nghĩ.
- Không, anh đoán cảnh tượng hai chúng ta, những ngày sắp tới.
Những ngày sắp tới, chưa biết là ngày nào. Phải tới ngày đó. Sáu mươi sáu đồng chí bộ đội tân binh huấn luyện, thế là xong. Về quân sự, họ tiến bộ. Chỉ cần họ bắn súng có đạn thật, ném lựu đạn thật, gài mìn thật là hoàn tất chu đáo. Cấp trên cấm tiếng nổ của súng đạn ở Tường An, Đồng Đức và Đại Đồng. Cho nên, họ phải học tập bổ xung ở trung đoàn 84. Về chính trị, họ đã nắm vững vàng những vấn đề đòi hỏi họ. Sáu mươi sáu đồng chí bộ đội tân binh xứng đáng lính của giai cấp nông dân.
Ngày nào đó, cấp trên ra lệnh phải đôn tân binh về nơi nào đó, Kỳ Bá sẽ tuân lệnh, dẫn quân âm thầm rút khỏi Tường An. Anh cũng âm thầm ra đi, không được cho Thi biết. Kỳ Bá và Thi sẽ chia ly. Chia ly trông đợi Pháp đầu hàng và Kỳ Bá trở về xum họp với Thi. Khi người lính hít hà hương thơm của da thịt đàn bà, đâm ra yếm thế và sợ chết.
- Em.
- Dạ.
- Em có tưởng ngày anh rời Tường An bí mật không?
- Em đã tưởng.
- Bí mật cả với em?
- Tưởng hết. Nỗi buồn của em, của anh, của đôi ta.
- Em có sợ gì bất trắc xẩy ra cho anh?
- Không. Lấy chồng thời chiến, không sợ chi sốt cả. Nhưng mà...
- Sao?
- Ai cấm đoán được ưóc mơ?
- Em mơ ước gì?
- Hết giặc Pháp, anh về với em.
Kỳ Bá nức nở khóc. Thi khóc theo. Hai người ôm chặt nhau. Nước mắt của người này hòa chung nước mắt của người kia, tràn đầy hai khuôn mặt. Trăng mờ đi. Cơ hồ sóng vỗ vào mạn thuyền. Không ai nhìn rõ những giọt nước mắt của thời chinh chiến cuốn chặt lấy cuộc tình.
Khoảnh khắc, Kỳ Bá cùng Thi đã quên hẳn không gian và thời gian. Họ hình tưởng nỗi chia ly trên bến Đợi. Sông Trà Lý lặng lờ trôi. Đêm đã khuya. Con đò dìu Kỳ Bá và bộ đội sang sông. Thi đứng bờ bên này vẫy tay và lệ rơi lã chã. Con đò tới giữa dòng. Kỳ Bá vẫn trông về không chớp mắt. Và rồi, phút giây cực kỳ lãng mạn, Kỳ Bá ngỡ rằng mình là thi sĩ ca dao, ngâm vang tình non nước:
- Em đã mơ gì em ơi
Rất đơn giản và bình dị, dân tộc lên tiếng:
- Lúa chín hai mùa no ấm
Chồng giết giặc về em vui
Dòng sông Trà Lý êm đềm. Bến Đợi hôn môi kỷ niệm buổi chia tay của hai người son trẻ. Hình như, chia ly trong nỗi nhớ có mùi thơm bàng bạc...