There is a temperate zone in the mind, between luxurious indolence and exacting work; and it is to this region, just between laziness and labor, that summer reading belongs.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Dược Trần
Upload bìa: Ngô Quang Hoàng
Số chương: 29 - chưa đầy đủ
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7574 / 93
Cập nhật: 2016-08-01 22:05:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20
rong những ngày sau đó, "câu chuyện yêu đương" với Vôi-xê-khốp-xcai-a đã choán mất nhiều thời gian của An-đrây: lúc thì anh phải đi dự giờ của cô, lúc thì tiễn cô từ trường về nhà sau hàng tiếng đồng hồ đi dạo khắp phố phường ở Crai-xcơ, có lúc lại ngồi chơi suốt buổi tối trong căn phòng đầy đủ tiện nghi và bày biện đẹp đẽ của Vôi-xê-khốp-xcai-a.
Ngày qua ngày, thời hạn do đại tá Xcơ-vô-re-xki quy định cho "viên thanh tra" đến công tác ở đây sắp kết thúc. Bản thân Mi-rô-nốp cũng hiểu rằng anh sắp phải rời khỏi Crai-xcơ và vĩnh biệt vai trò "ngài thanh tra" này. Biết như vậy, nhưng... "ra đi" và chấm dứt trò chơi với Vôi-xê-khốp-xcai-a thì anh không muốn! Tất nhiên không phải vì anh thích lao vào cuộc chơi đó và muốn kéo dài thêm "câu chuyện yêu đương". Tuyệt nhiên không phải. Trong thâm tâm An-đrây nguyền rủa cả Vôi-xê-khốp-xcai-a, cả mối thiện cảm ngày càng rõ rệt của cô ta đối với anh. Mối thiện cảm đó có ích gì khi anh hoàn toàn chưa đạt được mục đích đề ra cho cuộc gặp gỡ với Vôi-xê-khốp-xcai-a, khi anh không tìm ra được cách đạt mục đích đó? Thực ra anh không thể bỏ dở trò chơi này khi đã mất biết bao nhiêu thời gian và sức lực, nhưng hầu như chưa biết gì về cô ta cả. Kể ra thì anh cũng có nắm được vài điều. Nhưng những điều anh biết lại không phải là những điều cần thiết. Thật vậy, anh đã rõ phần nào tính tình, óc thẩm mỹ, những thói quen và sở thích của Vôi-xê-khốp-xcai-a. Anh biết: cô ta rất kiêu ngạo, rất trác táng và nếu cô ta có thật sự yêu ai thì cũng chính là cô ta yêu bản thân mình. Anh có thể khẳng định rằng cô ta hoàn toàn dửng dưng với nghề dạy học. Đối với tập thể giáo viên và học sinh, cô ta chẳng coi ai ra gì. Đó là những điều anh đã biết, và cũng chỉ biết có thế thôi. Những điều ấy cũng có thể làm cơ sở để đánh giá toàn bộ bản chất Vôi-xê-khốp-xcai-a: ít ra cô ta là một người nhỏ nhen và nhìn chung là một người tàn nhẫn. Nhưng sự tàn nhẫn đó có thể là hậu quả của việc cô ta bị làm nhục, do người được gọi là chồng cô ta -- đại tá Va-xi-u-cốp, đã gây ra.
Nhưng việc này không phải như vậy: không phải vì tàn nhẫn thậm chí cũng không phải do Va-xi-u-cốp. Vậy vì cái gì? Lẽ nào vì tàn nhẫn, vì khinh miệt tập thể, vì mỉa mai độc địa do những bất mãn trong đời sống hàng ngày của chúng ta mà lại đi câu kết với bọn phản động hay sao?
Cần phải có bằng chứng, những bằng chứng thật cụ thể và xác đáng. Nhưng Mi-rô-nốp chưa khai thác được một bằng chứng nào có thể giúp anh khám phá ra câu chuyện kỳ lạ và bí mật về bản thông báo, về ống máng nước, về cái xắc du lịch để ở sân bay... Còn Trê-nhi-a-ép? Vôi-xê-khốp-xcai-a có biết ông ta không? Hai người có quan hệ gì với nhau không? Ở đây chưa có điểm nào được xác minh cả. Vôi-xê-khốp-xcai-a không hề đả động đến mặt này trong đời sống riêng của cô ta. Còn An-đrây thì không thể hỏi thẳng cô ta được vì làm như vậy chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi.
Tóm lại, nếu trong cuộc sống của Vôi-xê-khốp-xcai-a có điều gì bí mật thì Mi-rô-nốp vẫn chưa vén được tấm màn bí mật lên một chút nào.
Quả thật, khi nhận trách nhiệm đóng một vai trong "chuyện yêu đương" với Vôi-xê-khốp-xcai-a, An-đrây không tính đến việc phải tự mình phát hiện những bằng chứng quan trọng, phải hiểu rõ ngọn ngành mọi việc. Không, anh quan hệ riêng với Vôi-xê-khốp-xcai-a để theo đuổi một mục đích khác: tìm cách gần gũi, tìm hiểu cô ta. Vậy anh đã có thể khoe được gì trong việc này? Thực ra anh đã biết được những gì? Đã tìm thấy những gì? Chỉ ngày mai, ngày kia là "chuyến đi công tác" sẽ kết thúc. Mi-rô-nốp "ra đi" và Vôi-xê-khốp-xcai-a sẽ ở lại một mình, sẽ ở ngoài vòng theo dõi. "Phải làm gì đây? -- An-đrây nghĩ. -- Nên làm thế nào?" Anh suy nghĩ và chẳng tìm được cách nào. Ngay cả Xcơ-vô-re-xki cũng không giúp anh được điều gì.
Trong khi cùng ngồi nói chuyện với đại tá, cũng phân tích từng sự kiện trong những ngày qua, Mi-rô-nốp chợt nảy ra một ý: trong cách cư xử của An-na Ca-di-mi-rốp-na có một điều lạ, tuy nhỏ, nhưng là điều lạ. Cô ta thích đi chơi với "đồng chí thanh tra", hoặc có khi hàng mấy ngày liền mời anh đến nhà chơi và quyến rũ anh một cách lộ liễu, nhưng cô ta lại nhất định từ chối mỗi khi anh mời cô ta đến hiệu ăn, mặc dầu chỉ một lần thôi. Ở đây có cái gì uẩn khúc chăng?
Mi-rô-nốp trao đổi những nhận xét của mình với đại tá. Xcơ-vô-re-xki suy nghĩ.
-- Này cậu, -- Xcơ-vô-re-xki quyết định, -- cậu thử thực hiện bằng được ý định của mình: cố mời bằng được Vôi-xê-khốp-xcai-a đến hiệu ăn xem sao. Cậu phải tỏ ra kiên quyết hơn. Bảo rằng là tôi sắp lên đường, chúng ta sẽ đi liên hoan với nhau một buổi, vân vân...Tóm lại là đừng nhượng bộ khi chưa đạt được ý muốn. Biết đâu ở hiệu ăn lại chẳng nảy ra... một bằng chứng nào đó? An-na Ca-di-mi-rốp-na cứ khăng khăng từ chối, như vậy không phải chuyện đơn giản đâu. Có lẽ trong việc này có ẩn điều gì đó, ai mà biết được.
-- Tôi sẽ thử xem sao, -- An-đrây ngập ngừng nói, anh không tin rằng "bằng chứng" lại có thể xuất hiện trong hiệu ăn được. Nhưng bản thân anh cũng muốn biết tại sao Vôi-xê-khốp-xcai-a lại sợ hiệu ăn như vậy.
Mi-rô-nốp hỏi thăm có tin tức gì mới của Lu-ga-nốp không. Lu-ga-nốp đã đi An-ma A-ta cách đây mấy ngày và ngay sau khi đến nơi đã xác nhận rằng Ghê-oóc-ghi Nhi-cô-lai-ê-vích Cô-nhi-lép quả thật đang sống với gia đình ở An-ma A-ta và công tác ở ngành địa chất thuộc Viện hàn lâm khoa học Ca-dắc-xtan. Những tài liệu của Ủy ban an ninh nhà nước Ca-dắc-xtan được xác minh là đúng. Cô-nhi-lép là một trong những người lãnh đạo của ngành địa chất. Đó là tất cả những điều mà Mi-rô-nốp được biết về kết quả chuyến đi của Lu-ga-nốp.
An-đrây cũng chưa biết gì thêm về cuộc gặp gỡ với Cô-nhi-lép, liệu anh ta có thể cung cấp được điều gì mới, đáng chú ý không.
-- Có tin gì mới không à? -- Xcơ-vô-re-xki hỏi. -- Tin mới thì có, nhưng cũng chẳng hấp dẫn lắm. Ở An-ma A-ta hiện giờ chẳng được việc gì cả. Lu-ga-nốp có gọi điện cho tôi. Thật là vô ích, thì ra chúng ta cử cậu ấy đi An-ma A-ta là vội vàng quá. Các đồng chí ở đấy quả đã gây phiền phức cho chúng ta.
-- Sao vậy, sao lại vô ích? -- An-đrây không hiểu. -- Sao? Cậu ấy đã tìm thấy Cô-nhi-lép rồi kia mà? Ai gây phiền phức cho ai? Thế những dự đoán của đồng chí vừa nói với tôi là thế nào?
-- Có dự đoán gì đâu, -- Xcơ-vô-re-xki khoát tay nói. -- Thì cứ cho rằng Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích đã tìm thấy anh của Cô-nhi-lê-va rồi. Nhưng có ích gì? Anh ta thật ra không có mặt ở đấy, ở An-ma A-ta ấy. Anh ta đi rồi. Cậu hiểu không, đi rồi, và đừng hòng tìm ra manh mối.
-- Sao, đi rồi à? -- Mi-rô-nốp kinh ngạc. -- Tay ấy cũng bỏ trốn à? Thật là quái quỷ!
-- "Bỏ trốn"! -- Ki-rin Pê-tơ-rô-vích bật cười thành tiếng. -- Chính thế đấy, bỏ trốn rồi. Anh ta là nhà địa chất mà lại, hiểu chưa? Một nhà địa chất, và thế là anh ta trốn... đi để cầm đầu một đoàn thăm dò địa chất của Viện hàn lâm khoa học Ca-dắc-xtan. Từ đầu tháng Năm kia đấy. Hiện giờ họ đang lang thang trong rừng núi, ở một nơi khỉ ho cò gáy nào đó. Các đồng chí ở đấy đã nhầm tưởng là anh ta trở về rồi, nhưng không phải. Và họ đã làm chúng ta bị nhầm. Chỉ có thể liên lạc với đoàn thám hiểm qua đài phát thanh, mà lại phải liên lạc công khai và không được thường xuyên. Còn đến chỗ ở của đoàn thì không thể được: phải có kinh nghiệm và khéo léo. Công việc không đơn giản đâu. Ồ, không đơn giản chút nào...
-- Vậy làm thế nào? -- An-đrây hỏi, không dấu được vẻ chán nản. -- Đồng chí đã quyết định gì chưa?
-- Quyết định gì được? Chỉ còn vài ba tuần nữa thì đoàn thám hiểm sẽ ngừng việc và trở về An-ma A-ta. Mùa đông sắp tới rồi, họ chẳng có nơi nào trú ngụ cả. Chẳng lẽ mùa đông lại ở trong rừng à? Vậy ta phải đợi đến lúc đó. Tất nhiên là Lu-ga-nốp sẽ trở về đây và khi nào ông anh xuất hiện ở An-ma A-ta thì cậu ấy sẽ lại đến đó. Không còn cách nào khác cả.
Mi-rô-nốp ngao ngán thở dài. Mặc dầu anh không đặt nhiều hy vọng vào cuộc nói chuyện với người anh của Cô-nhi-lê-va nhưng anh thấy bực dọc vì công việc bị đình trệ. Lại còn Trê-nhi-a-ép nữa... Phải, việc Trê-nhi-a-ép cũng chẳng ra sao cả, còn tồi hơn nữa kia! Có ai ngờ đâu lại như vậy?
Trong những ngày đó Xcơ-vô-re-xki và Mi-rô-nốp chỉ gọi Trê-nhi-a-ép đến hỏi cung có một lần và chẳng thu được kết quả gì cả: Trê-nhi-a-ép đã im lặng. Lại phải đưa hắn ta về phòng giam.
Xcơ-vô-re-xki rất lo ngại. Ông thân chinh đến nói chuyện với đồng chí phụ trách nhà giam, với bác sĩ mà ông đã phân công theo dõi sức khỏe Trê-nhi-a-ép. Nhưng họ không phát hiện được gì về con người kỳ lạ này. Ở trong nhà giam Trê-nhi-a-ép vẫn bình thản như mọi khi. Ông ta chỉ im lặng, đó là hiện tượng bình thường. Vì còn nói chuyện được với ai, khi chỉ sống có một mình?
Hôm nay Xcơ-vô-re-xki và Mi-rô-nốp lại quyết định hỏi cung Trê-nhi-a-ép. Khi Trê-nhi-a-ép vừa vào tới nơi và ngồi vào một chỗ, đại tá liền tỏ thái độ gay gắt và kiên quyết bắt phải chấm dứt ngay cái trò chơi im lặng lố bịch này.
Lần đầu tiên trong suốt thời gian hỏi cung Trê-nhi-a-ép, đại tá đã lên giọng hách dịch và nghiêm khắc. Và một sự bất ngờ đã xảy ra. Trê-nhi-a-ép đã trả lời. Nhưng trả lời thế nào? Mi-rô-nốp hết sức kinh ngạc khi thấy Trê-nhi-a-ép đột nhiên tụt khỏi ghế và ngồi phịch xuống đất. Ông ta ngồi im một chút, rồi bò nhổm người và cất tiếng kêu: "R-r-r-r! R-r-r-r! Gâu, gâu!" Ông ta kêu lên, nhưng không có vẻ gì là đe dọa, ngược lại trông rất hiền lành, thậm chí có vẻ sợ nữa.
-- Cái gì thế? -- Mi-rô-nốp đứng bật dậy và thét. -- Điên đấy à? Đứng dậy ngay lập tức...
Nhưng Trê-nhi-a-ép không chịu đứng dậy mà lại còn nằm ngửa ra nhà, khoa chân múa tay và rít lên rầu rĩ.
-- Cho uống nước, -- Xcơ-vô-re-xki vừa lạnh lùng ra lệnh, vừa đưa mắt dò xét Trê-nhi-a-ép đang rẫy rụa trên nền nhà.
Mi-rô-nốp định đưa nước cho Trê-nhi-a-ép nhưng vô hiệu. Ông ta vẫn tiếp tục rẫy rụa và kêu la ầm ĩ.
Không thể nghĩ đến chuyện tiếp tục hỏi cung được nữa. Trê-nhi-a-ép được đưa về phòng giam ngay. Xcơ-vô-re-xki ra lệnh mời bác sĩ đến phòng giam, không phải bác sĩ nội khoa, mà là một bác sĩ thần kinh, một chuyên gia.
Trong khi chờ đợi kết luận của bác sĩ thần kinh, Xcơ-vô-re-xki và Mi-rô-nốp ngồi im lặng. Không ai nhìn ai. Nét mặt cả hai đều lộ vẻ không vui...
Cuối cùng bác sĩ thần kinh tới. Ông ta đi thẳng từ phòng giam đến, sau khi đã khám cho Trê-nhi-a-ép. Ông ta cũng chẳng nói được điều gì khả quan cả. Theo ý kiến của bác sĩ thì đã có những triệu chứng rõ rệt của bệnh điên.
-- Quái thật! -- Xcơ-vô-re-xki nói, không dấu nổi sự bất bình. -- Đồng chí bác sĩ, xin lỗi, đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn không? Đồng chí cũng hiểu đấy, nếu thật như thế thì rất đáng tiếc.
Bác sĩ nhún vai:
-- Tôi biết nói gì cụ thể được? Cả những kết luận... Muốn chẩn đoán bệnh chính xác thì chắc đồng chí cũng đã biết là phải có thời gian và điều kiện cần thiết. Tôi muốn nói đến điều kiện khám nghiệm và điều trị ở bệnh viện. Chỉ có như vậy mới chẩn bệnh chính xác được. Không có cách nào hơn...
-- Anh có ý kiến gì không? -- Xcơ-vô-re-xki buồn rầu hỏi, sau khi bác sĩ đã lịch sự chào từ biệt. -- Anh có ưa thích những việc này không? "Triệu chứng rõ rệt"! Hừ, liệu những triệu chứng ấy đã thật sự rõ rệt chưa? Anh thấy thế nào?
Mi-rô-nốp buồn rầu im lặng. Anh chẳng muốn nói chút nào, nhưng sự việc xảy ra đã làm anh mất bình tĩnh. Trong thực tế công tác, lần đầu tiên anh gặp một trường hợp như vậy. Trước đây, trong những lần hỏi cung Trê-nhi-a-ép anh cũng đã lo ngại. Sự im lặng ngoan cố của Trê-nhi-a-ép, cái nhìn đờ đẫn của ông ta đã làm anh lo lắng thực sự. Nhưng vì giám thị phòng giam là người đã cố gắng quan sát mọi hành vi của Trê-nhi-a-ép trong buồng giam và bác sĩ nhà giam không hề phát hiện được điều gì bất thường cả. Họ đã cam đoan với Mi-rô-nốp là không có gì đáng lo ngại cả. Đúng, họ cam đoan thì cam đoan, nhưng anh vẫn phải ngồi vào bàn và viết quyết định đưa Trê-nhi-a-ép đi bệnh viện để khám thần kinh. Và như vậy, có nghĩa là việc điều tra vụ Trê-nhi-a-ép phải tạm thời đình chỉ. Thật là một trường hợp nan giải!
Được sự đồng ý của đại tá, Mi-rô-nốp quay về phòng và ngồi viết quyết định về việc khám thần kinh cho Trê-nhi-a-ép. Thảo xong quyết định, anh buột thở dài và cất tập hồ sơ của Trê-nhi-a-ép vào két sắt (liệu có lâu không?), rồi anh lại đi đến gặp Xcơ-vô-re-xki
Khi An-đrây bước vào phòng thì đại tá đang cúi xuống bàn và chăm chú đọc tài liệu gì đó.
-- À, anh đấy à? -- Xcơ-vô-re-xki lơ đễnh hỏi, mắt vẫn không rời tập giấy. -- Bản quyết định đã xong chưa?
-- Xong rồi đấy ạ.
-- Để vào đây. -- Đại tá nói nhát gừng. -- Anh ngồi xuống đây. Có một vài chuyện lý thú đấy.
-- Gì thế ạ? -- Mi-rô-nốp hồ hởi hỏi.
-- Đợi một chút. Tôi đọc xong bây giờ đây. -- Đại tá đọc xong tập tài liệu để trước mặt và ngồi thẳng người lại. -- Anh vừa hỏi cái gì ấy à? Thư trả lời, anh bạn trẻ ạ, thư trả lời đấy. Từ Lơ-vốp gửi về. Người ta trả lời những câu chất vấn của chúng ta về An-na Ca-di-mi-rốp-na đấy.
-- Có điều gì lý thú vậy?
-- Đây cầm lấy và đọc đi. -- Ki-rin Pê-tơ-rô-vích đưa tập giấy ông vừa đọc cho An-đrây.
Bức thư của Cục an ninh nhà nước ở Lơ-vốp trả lời rất đầy đủ. Các đồng chí tình báo ở Lơ-vốp đã tiến hành nhiều việc: họ đến cả vùng I-a-vô-rốp, cả vùng Xăm-bô, và Ra-va Rút-xcai-a. Tóm lại là họ đã đến tất cả những vùng thuộc tỉnh Lơ-vốp có dính dáng đến lý lịch của Vôi-xê-khốp-xcai-a. Công việc chẳng dễ dàng gì. Vì từ khi gia đình Vôi-xê-khốp-xcai-a sống ở những nơi này cho đến nay đã hơn hai chục năm; trong những năm ấy lại có biết bao nhiêu sự kiện: nào là chiến tranh, rồi bọn phát-xít Hít-le chiếm đóng, nào là những nhà dân tộc chủ nghĩa U-crai-na tức là những thủ hạ của Ba-đe-rơ *. Cuộc sống ở Lơ-vốp trở nên khó khăn...
Rất ít người trong số giáo viên đã công tác ở Xăm-bô, I-a-vô-rốp và Ra-va Rút-xcai-a trong những năm hai mươi và đầu những năm ba mươi còn sống đến ngày nay. Nếu ai có còn sống thì cũng chẳng biết nhiều và cũng chẳng nhớ được gì. Nếu vậy lại phải đi điều tra xem nhà giáo Vôi-xê-khốp-xki người U-crai-na lai Ba-lan đã sống ở đâu, bao giờ, và gia đình ông ta như thế nào? Những ý nghĩ đó chợt thoáng qua trong đầu Mi-rô-nốp khi anh chăm chú đọc báo cáo của Cục an ninh nhà nước Lơ-vốp
Nhưng trong báo cáo này có gì hấp dẫn Ki-rin Pê-tơ-rô-vích, điều gì làm ông phải chú ý? Đây là báo cáo của vùng I-a-vô-rốp: không có giáo viên nào tên như vậy trong những năm đó cả. Đã hỏi nhiều nhà giáo sống lâu năm ở vùng này, cả người cũ lẫn người mới, cả những người gác cổng trường và một vài bác sĩ. Không ai có thể nói rõ ràng có một giáo viên tên là Vôi-xê-khốp-xki cùng với vợ người U-crai-na và đứa con gái đã sống và làm việc trong thời gian nào đó ở I-a-vô-rốp. Một số thì nói: chúng tôi không biết người nào như thế cả. Có thể có, cũng có thể không. Ai mà biết được ông ta là ai, làm gì? Một số khác thì nói: Hình như có. Họ nhớ mang máng là hình như không phải tên là Vôi-xê-khốp-xki hay Xen-tơ-khốp-xki mà là một người nào đó. Có vợ và con gái. Nhưng làm sao có thể bảo đảm được? Họ đã quên mất rồi.
Ở Ra-va Rút-xcai-a cũng một tình hình như vậy. Biết xác minh thế nào về bố mẹ Vôi-xê-khốp-xcai-a, họ đã giáo dục con gái như thế nào?
Chỉ còn lại Xăm-bô. Ở Xăm-bô thì thế nào. A ha! Chính Ki-rin Pê-tơ-rô-vích đã chú ý đến chỗ này. Tất cả đều rõ ràng! Ở Xăm-bô các nhân viên Cục an ninh nhà nước đã tìm được một ông giáo về hưu. Ông nổi tiếng khắp thành phố về trí nhớ kỳ lạ. Đúng vào những năm mà Vôi-xê-khốp-xcai-a sống với bố mẹ ở Xăm-bô, như cô ta đã khai trong lý lịch, thì ông giáo này làm thanh tra các trường ở đấy. Ông quả quyết nói rằng ông hoàn toàn biết rõ tất cả các giáo viên ở Xăm-bô và trong số giáo viên đó chưa bao giờ có người tên là Vôi-xê-khốp-xki cả.
Không những ông cụ quả quyết một cách rất khẳng định như vậy, mà còn đưa ra bằng chứng cụ thể: thì ra trong thời gian làm thanh tra (ông chỉ làm một thời gian ngắn, sau bị cách chức) ông đã làm riêng cho mình một danh sách thống kê giáo viên tất cả các trường ở Xăm-bô. Ông còn có một quyển sổ ghi chép tài liệu về các giáo viên đã công tác ở đây. Ông tiếp tục ghi chép vào sổ ấy cả khi không còn giữ trách nhiệm thanh tra nữa. "Để kỷ niệm, -- ông nói, -- và để giải trí".
Đây chính là quyển sổ mà ông cụ về hưu đã trao cho cac nhân viên Cục an ninh nhà nước.
Quyển sổ của viên cựu thanh tra đã khẳng định rõ: vào những năm mà Vôi-xê-khốp-xcai-a khai trong lý lịch, thì ở Xăm-bô không có nhà giáo nào tên là Vôi-xê-khốp-xki, người U-crai-na lai Ba-lan, ở và dạy học ở đây cả.
Mi-rô-nốp để tập tài liệu sang một bên và suy nghĩ:
-- Như vậy là, -- Xcơ-vô-re-xki nói, -- "cô em yêu quý" An-na Ca-di-mi-rốp-na lại nói huyên thuyên gì đây. Chuyện này quả là không đơn giản đâu.
An-đrây im lặng. Một ý nghĩ bỗng xuất hiện trong đầu anh. Ý nghĩ thoáng hiện nhanh đến nỗi An-đrây không kịp nói ra. Anh vội cầm lấy bản thông báo của Cục an ninh nhà nước ở Lơ-vốp và hết sức chăm chú đọc lại phần nói về Xăm-bô.
-- Gì thế? -- Xcơ-vô-re-xki hỏi.-- Anh tìm ra điều gì thế? Có ý kiến gì không? Tôi thấy hình như anh đã nghĩ ra điều gì rồi đấy.
-- Còn đồng chí thì sao, thưa đồng chí Ki-rin Pê-tơ-rô-vích? -- Đến lượt Mi-rô-nốp hỏi lại. -- Đồng chí cũng không có ý kiến gì à? Tôi cảm thấy đồng chí cũng đã nghĩ ra điều gì rồi.
-- Anh đừng giở trò quanh co ra với tôi, -- Xcơ-vô-re-xki ngắt lời. -- Nếu đã nghĩ ra điều gì thì nói đi. Không nên chơi cái trò ú tim ấy.
Mi-rô-nốp thở dài và thận trọng nói:
-- Đồng chí Ki-rin Pê-tơ-rô-vích ạ, ở đây có điều rất lạ. Trước hết là bố mẹ Vôi-xê-khốp-xcai-a, sau đó là chính bản thân cô ta, xem ra chưa hề ở Xăm-bô bao giờ cả...
-- "Xem ra"! -- Xcơ-vô-re-xki ngắt lời. -- Thế ra anh còn nghi ngờ về sự chính xác trong tài liệu này hay sao? Anh căn cứ vào đâu?
-- Không phải là tôi nghi ngờ, nhưng đồng chí biết đấy, mọi sự việc đều có thể có thật. Vì vậy chúng ta sẽ nói chuyện giả thuyết. Nhưng trong trường hợp này lại không phải thế. Bản thông báo của Cục an ninh nhà nước ở Lơ-vốp (tôi cần nhấn mạnh là rất tỷ mỉ và đầy đủ) đã cho ta cơ sở để nói rằng Vôi-xê-khốp-xcai-a đã khai láo trong lý lịch là cô ta đã ở Xăm-bô. Bây giờ hỏi: có giáo viên Vôi-xê-khốp-xki ở vùng Lốt-dia, ở Dơ-bô-xin, ở Plôn-xcơ không? Có giáo viên như vậy trong thực tế không? Hiện nay chưa có thư trả lời từ Ba-lan gửi đến. Còn phải chờ. Nhưng các đồng chí Ba-lan liệu có phát hiện được tông tích nhà giáo Vôi-xê-khốp-xki không? Tôi sợ là không. Hơn nữa, có thể cho rằng người mà Vôi-xê-khốp-xcai-a miêu tả trong lý lịch là bố mình thì không có ở Ba-lan, và cũng chẳng có ở đâu cả.
-- Thế đấy, thế đấy, -- Xcơ-vô-re-xki gật đầu tán thành và chăm chú lắng nghe Mi-rô-nốp lý luận. -- Tôi đồng ý. Nhưng ở đây có vấn đề là: phần lớn hay có thể nói là phần chủ yếu trong lý lịch của Vôi-xê-khốp-xcai-a đã được điều tra và xác minh đầy đủ. Việc điều tra cho thấy tất cả những điều khai trong lý lịch là đúng sự thật. Vậy anh có ý kiến gì về điều này? -- Đại tá nhìn An-đrây Mi-rô-nốp vẻ dò xét.
-- Một câu hỏi xác đáng, -- An-đrây vui vẻ nói. -- Đồng chí nói đúng: phần lớn những điều về Vôi-xê-khốp-xcai-a khai trong lý lịch đã được xác minh. Đó là phần lớn, nhưng có phải phần chủ yếu không? Điều gì là chủ yếu trong lý lịch cô ta, điều gì là không chủ yếu, hiện còn khó xác định. Đáng chú ý lại là điểm khác: điều gì đã được xác minh và điều gì là sự thật? Tất cả... bắt đầu từ cuộc khởi nghĩa Vác-sa-va. Thế còn trước đó, trước tháng Chín năm 1944. Chẳng có gì cả. Hơn nữa, phải thấy là nếu Vôi-xê-khốp-xcai-a đã khai tỷ mỉ, rõ ràng về việc tham gia cuộc khởi nghĩa Vác-sa-va và những sự kiện sau đó -- nào là ngày tháng, nào là từng sự việc, nào là từng con người cụ thể, thì tất cả những cái cô ta khai ở phần trên lại mờ mịt như sương mù. Nói chung chung, chẳng có gì rõ ràng cả. Không một sự việc, không một tên người nào cả: "Tôi đã đi Vác-sa-va đến nhà những người bạn của bố". Đến nhà ai? Những người bạn nào? Chỗ này phải xét lại. "Tôi đã liên lạc với tổ chức bí mật", và chấm câu. Vậy cô ta đã liên lạc với ai trong tổ chức bí mật? Với ai! Tên là gì? Không một lời giải thích nào cả. Thế là chỗ này cũng phải điều tra lại. Còn giả thử chúng ta tin lời khai của Vôi-xê-khốp-xcai-a thì lúc khởi nghĩa cô ta đã mười chín tuổi. Cô ta không còn là một đứa trẻ, một thiếu nữ nữa, nhất là lại sống trong những năm chiến tranh như vậy. Vì trong những ngày chiến tranh, những ngày thử thách gian khổ, con người trưởng thành rất nhanh chóng.
-- Tất cả những cái đó hay đấy, -- Xcơ-vô-re-xki nói thêm vào. -- Lý luận khá đấy, nhưng còn kết luận, kết luận ra sao?
-- Như vậy là thành phần xuất thân và quá khứ của Vôi-xê-khốp-xcai-a chưa hoàn toàn đúng với những điều cô ta ghi trong lý lịch. Tôi nghĩ là chúng ta vẫn chưa biết gì về thành phần xuất thân cũng như quá khứ của cô ta trong suốt thời gian trước khi có cuộc khởi nghĩa Vác-sa-va. Do đó cũng chưa biết cô ta đã làm gì và ở đâu trong suốt thời kỳ chiến tranh cho đến tháng Chín năm 1944. Nếu chúng ta đi vào việc với tư cách đánh giá như vậy, thì cũng nên nhớ tới...
-- Giọng nói Luân-đôn? -- Xcơ-vô-re-xki vội hỏi.
-- Đúng, giọng Luân-đôn, -- Mi-rô-nốp khẳng định.
-- Hừm! -- Đại tá nói qua kẽ răng và đưa tay vuốt đầu, vẻ nghĩ ngợi. -- Giọng Luân-đôn... chính tôi, trong khi đọc thông báo của Lơ-vốp, cũng đã nghĩ đến điều này... Nhưng như vậy vẫn còn quá ít, quá ít...
-- Tôi không đồng ý như vậy là quá ít, đồng chí Ki-rin Pê-tơ-rô-vích ạ. Nhất là nếu thêm vào đó một vài điểm khác nữa.
-- Thí dụ? -- Đại tá vui vẻ hỏi.
-- Như thái độ của Vôi-xê-khốp-xcai-a đối với văn học Ba-lan, đối với các nhà văn Ba-lan chẳng hạn.
-- Tôi không hiểu. Thái độ thế nào? -- Anh chưa hề báo cáo tôi về chuyện này bao giờ cả.
-- Vâng, -- Mi-rô-nốp thận trọng trả lời. -- Tôi không báo cáo. Đó là lỗi của tôi. Nhưng cho đến hôm nay, trước khi nhận được tài liệu từ Lơ-vốp gửi về, chính tôi cũng chưa suy nghĩ về chuyện này. Do đó tôi không báo cáo.
-- "Tôi báo cáo", "tôi không báo cáo", "tôi chưa suy nghĩ", -- Xcơ-vô-re-xki nổi nóng. -- Sao cứ loanh quanh mãi thế? Hãy nói rõ xem sự việc thế nào, tại sao ở đây lại đụng đến những nhà văn Ba-lan?
-- Những nhà văn Ba-lan tất nhiên chẳng sao cả, nhưng thái độ của Vôi-xê-khốp-xcai-a đối với họ thì rất đáng chú ý. Xin thú thật là tôi không giỏi về văn học Ba-lan, nhưng trước đây tôi có đọc ít nhiều. Dù sao tôi cũng nhận thấy là Vôi-xê-khốp-xcai-a hiểu biết và ưa thích những nhà văn của đất nước Ba-lan cũ như: Giê-rôm-xki, Pru-xơ, Cra-sép-xki, đó là chưa kể đến Xen kê-vích là người cô ta rất sùng bái. Nhưng đối với các nhà văn đương thời thì cô ta chẳng coi ra gì cả. Cô ta không biết và không muốn biết những nhà văn này. Như vậy có phải là ngẫu nhiên không?
-- Có thể không phải là ngẫu nhiên, -- Xcơ-vô-re-xki tán thành. -- Nhưng vẫn chưa thấy kết luận đâu cả? Ở đây cần rút ra kết luận như thế nào, và điều đó có quan hệ gì đến giọng nói cô ta?
-- Theo tôi, mối quan hệ đó như thế này... -- An-đrây thận trọng nói, -- vấn đề là ở chỗ Vôi-xê-khốp-xcai-a đã lớn lên ở đất nước nào và trong những điều kiện như thế nào? Thế giới quan và những quan điểm của cô ta đã được hình thành ra sao?
-- Sao nữa? -- Đại tá vội hỏi.
-- Tóm lại là: cần phải điều tra lại lý lịch Vôi-xê-khốp-xcai-a. Phải quay ngược lại từ đầu, phải tiến hành điều tra với quan điểm khác với quan điểm trước đây chúng ta đã làm.
Nét mặt Xcơ-vô-re-xki thể hiện rõ là ông đang chờ đợi một câu trả lời như vậy.
-- Vậy cụ thể là thế nào? Anh có dự kiến gì cụ thể không? -- Đại tá hỏi và chăm chú nhìn Mi-rô-nốp.
-- Tôi thấy là phải hướng trọng tâm điều tra về phía Luân-đôn, nói chính xác hơn là phải hướng vào các kiều dân Ba-lan ở Luân-đôn trong những năm chiến tranh. Tôi nghĩ về mặt này các đồng chí Ba-lan có thể làm được. Theo tôi, ta phải gửi cho cơ quan an ninh Ba-lan một bức thư chất vấn mới, yêu cầu tìm xem những ai là người thân cận của Xa-giốp-xki, An-đéc-xa, Mi-cô-lai-xích và những người đã lãnh đạo kiều dân Ba-lan trong những năm chiến tranh. Tôi cho rằng chính gia đình Vôi-xê-khốp-xcai-a đã sống ở đây. Vì vậy mà An-na Ca-di-mi-rốp-na có giọng nói Luân-đôn và, không biết nên nói thế nào nhỉ, và cả sự gần gũi đặc biệt với nền văn học cũ của Ba-lan nữa.
-- Thế à, hết chưa?
-- Chưa hết, đồng chí Ki-rin Pê-tơ-rô-vích ạ. Tôi thấy cần phải sưu tầm tài liệu của bất kỳ ai trong tổ chức các lực lượng dân túy, các phần tử lưu vong, các nhóm chính khách. Tóm lại là phải nghiên cứu về các tổ chức phản động theo chủ nghĩa quốc gia, hoạt động trên lãnh thổ Ba-lan trong những năm chiến tranh. Cũng cần chú ý đến những người thân cận của các thủ lĩnh trong các tổ chức bí mật ở Ba-lan. Tôi muốn nói trước hết là những người thân cận của các thủ lĩnh như tướng Bu-rơ Cô-mô-rốp-xki và Ô-cu-li-xki. Biết đâu ở đây lại chẳng phát hiện ra tông tích của "cô em yêu quý" An-na Ca-di-mi-rốp-na như đồng chí nói đấy. Các đồng chí Ba-lan cũng có thể giúp chúng ta trong việc này được. Vì họ có những tài liệu lưu trữ, vả lại trong số những người nói trên, chắc cũng có người còn sống. Mát-xcơ-va cũng có thể giúp chúng ta được. Vì Ô-cu-li-xki đã bị xét xử ở Mát-xcơ-va. Báo cáo, ý kiến tôi như vậy.
-- Thế đấy, -- Xcơ-vô-re-xki vừa nói vừa đứng dậy. -- Thế đấy, ông bước ra khỏi bàn, chắp hai tay sau lưng và đi đi, lại lại trong phòng. Ông cân nhắc, suy nghĩ về những lời nói của An-đrây. -- Thôi được, -- đại tá khoát tay nói. -- Việc này cũng đáng mất công sức đây! Anh chuẩn bị viết thư đi. Gửi đi Ba-lan và cả Mát-xcơ-va nữa. Có lẽ những ai phải trả lời các bức thư chất vấn này cũng không trách chúng ta đâu. Cần gửi kèm theo cả ảnh Vôi-xê-khốp-xcai-a nữa. Dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng có thể có người nào đó trong số những người thân cận của Bu-rơ Cô-mô-rốp-xki sẽ nhận ra được cô ta. Trông cô ta còn rất trẻ, cô ta rất ít thay đổi.
Mi-rô-nốp đứng dậy định đi ra cửa.
-- Khoan đã, -- Xcơ-vô-re-xki giữ anh lại. -- Việc chất vấn là chất vấn, còn chuyện hiệu ăn đi đến đâu rồi? "Câu chuyện yêu đương" của cậu với An-na Ca-di-mi-rốp-na vẫn chưa kết thúc đâu nhé. Hơn nữa, nếu có làm sáng tỏ điều gì về quá khứ của Vôi-xê-khốp-xcai-a thì vấn đề quan hệ giữa cô ta với Trê-nhi-a-ép vẫn còn chưa rõ ràng. Anh thấy đúng thế không?
-- Đúng đấy ạ. -- An-đrây thở dài, nói.
---------------------------------------------------------------
* Quân thổ phỉ do tên thủ lĩnh Ba-đe-rơ cầm đầu.
Sợi Chỉ Mỏng Manh Sợi Chỉ Mỏng Manh - Yakov Naumov, Aleksandr Yakovlev Sợi Chỉ Mỏng Manh