Books are delightful society. If you go into a room and find it full of books - even without taking them from the shelves they seem to speak to you, to bid you welcome.

William Ewart Gladstone

 
 
 
 
 
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Oanh2
Upload bìa: Oanh2
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3675 / 64
Cập nhật: 2015-11-08 22:18:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19
ây giờ thì em đã hiểu thế nào là cơm tù.
Trại giam nằm ở huyện Nguyên Dương, ngay cạnh ngôi trường nghiệp vụ mà anh và anh Đinh học ngày xưa. Đất của trại rộng mênh mông, nhưng nhà để dành cho phạm nhân ở thì chật chội. Em ở khu nữ. Mỗi khu đều có cổng riêng, có bộ phận quản giáo riêng. Khu em ở do một phó giám thị là nữ phụ trách. So với những ngày nằm trong nhà tạm giam thì ra trại thoải mái hơn nhiều. Hàng ngày bọn em đi làm từ bảy giờ sáng. Làm gần thì trưa về trại ăn cơm, làm xa thì mang nồi niêu, gạo nước đi nấu ăn. Mỗi lần ra khỏi cổng là coi như một lần làm thủ tục xuất trại, về thì làm thủ tục nhập trại. Ra thì nhanh nhưng về thì lâu. Họ còn phải khám xét kỹ lưỡng từng người xem có mang cái gì vào trại không. Khi còn nằm trong nhà tạm giam, em cứ nghĩ tù tội là sự khủng khiếp nhất trần đời. Nhưng nhận án xong, ra trại cải tạo, lại thấy cũng không có gì là đáng sợ lắm. Đời tù nhân lắm nỗi buồn nhưng cũng có những lúc vui vẻ. Nghe nói phân trại nữ dễ thở hơn vì dù sao cũng toàn là đàn bà con gái, vào trại rồi bao nhiêu móng vuốt bị cắt hết, còn xù lông xù cánh với ai nữa? Cũng lại nghe nói khu phạm nữ bọn em sạch sẽ hơn, thoáng đãng hơn, chứ bên mấy khu phạm nam bẩn tưởi, hôi hám lắm. Và vẫn còn phảng phất mùi thú tính. Phòng em ở có bốn mươi người. Các phòng đều bố trí giống nhau. Trần nhà cao. Cửa sổ thoáng. Hai mặt nền xi măng cao khoảng bốn mươi phân chạy dọc hai bên chân tường, phía trên là hai gác xép cũng láng xi măng có lan can sắt bảo vệ. Mỗi mặt nền như thế mười người nằm. Phòng nào cũng có nhà vệ sinh và nhà tắm ngay bên phải cửa bước vào. Một dãy nhà có từ hai đến ba phòng. Đầu dãy có nhà kho xây như cái tủ đứng để chứa đồ mùa đông và để bát đũa của phạm. Thường cứ hai dãy nhà có chung một nhà tám công cộng nữa, lại có một cái bếp nhỏ để các trưởng phòng nấu nướng cải thiện vào ngày nghỉ. Trưởng phòng không phải đi lao động, không phải làm gì cả. Chỉ tập hợp mọi người, phổ biến quy định và truyền đạt các yêu cầu của trại. Khi bọn em xuất trại thì các trưởng phòng ở nhà ngồi chơi tá lả với nhau. Họ đều là những người thụ án lâu năm rồi, chỉ còn một thời gian ngán nữa là ra, và đều có số má cả. Thường thì ở ngoài đời giang hồ có số má thế nào thì khi vào trại cũng giữ số má như thế. Ong ve hoàn toàn tuân phục.
Em được xếp vào đội chặt mía. mấy ngày đầu em lóng ngóng không biết làm, động đến cái lạt buộc cũng tứa máu tay, chạm đến cái lá mía cũng bị cứa rách mặt, cầm dao thì run rẩy, chặt cả vào chân mình. Ai mới vào cũng sợ xuất trại đi lao động. Em đi chặt mía một tháng trời mới quen dần với công việc. Hết mùa mía lại đi đóng gạch, đi cắt lúa. Có lần đi qua khu đồi phía sau trường anh, em nhìn thấy các học viên đang tập luyện dưới sân. Em nhớ đến anh, nhớ đến bộ hồ sơ viết xong chưa kịp nộp, nhớ đến cái dáng cần mẫn của anh mỗi khi xuất hiện ở khu Đường Tàu. Không biết anh sẽ nghĩ thế nào khi biết em trở thành một con lưu manh chuyên tiêu thụ đồ ăn cắp? Anh và em như hai đường ray tàu ấy nhỉ, cứ chạy mải miết về phía trước cuộc đời mà chẳng thể gặp được nhau. Sau ngày em đi, anh có qua nhà em lần nào nữa không, và anh sẽ nói gì với bà em về đứa cháu mất nết này? Với em, chắc anh vẫn còn giữ một chút lòng thương hại, nhưng anh chẳng thể làm được gì, cũng như em chẳng thể nào chạm tới được cái miền xa thẳm đẹp đẽ là anh.
Đi ra ngoài lao động thỉnh thoảng em còn được gặp thằng Châu điên. Nó ở phân trại nam, không biết có bị bọn đầu gấu bắt nạt không mà mỗi lần gặp em trông nó thiểu não lắm. Án nó nặng hơn em, ba mươi sáu tháng. Nhà nó lại hoàn cảnh nên chả có thăm nom tiếp tế gì. Ánh mắt nó gian manh là thế, đảo điên là thế, vậy mà bây giờ cứ cụp xuống, như thằng bé bị chó đớp chim. Mỗi khi đi lao động mà hai đội gặp nhau thì các quản giáo thường dừng lại hút với nhau điếu thuốc, trao đổi với nhau vài câu chuyện vặt. Khi ấy bọn em cũng tranh thủ hỏi thăm tình hình trong ngoài trại giam thế nào, nhờ vả, nhắn nhủ, chia sẻ với nhau được điều gì thì trao gửi thật nhanh. Lần đầu tiên em gặp nó là trong hoàn cảnh như thế. Lừ đừ như một thằng thiếu đói, đi như không nhìn ai, nó cố tình va vào em. Em chưa kịp nhận ra nó thì nó đã nói rất nhanh: "Em đói lắm. Chị có tí đồ tiếp tế nào thì cho em một ít. Từ ngày vào đến giờ trong phòng chỉ có mỗi em là không có người thăm". Em hỏi lại: "Nhưng chuyển thế nào". Nó bảo: "Người nhà chị đến thăm thì bảo giữ lại một ít đồ qua phân trại nam chuyển cho em. Còn chị có gói xúp hay gói kẹo nào thì đút vào trong người, mai em làm ở đồi này, chị đi qua cứ vứt cạnh cái cống kia là em biết, em sẽ ra nhặt".
Từ ngày vào trại đến lúc ấy em được ba người vào thăm nuôi. Đầu tiên là anh Đinh. Anh ấy gửi cho em một thùng mì tôm, hai cân lạp xường, một gói mì chính, mấy gói xúp (gia vị), một cây Bông sen và hai chục ngàn đồng nữa. Anh ấy bảo gói mỳ chính là của anh. Trước khi anh Đinh đi thăm em, anh đã tạt qua chỗ anh ấy và đưa gói mỳ chính này cùng với hai chục ngàn. "Nó bảo em cải tạo tốt rồi về. Đời còn nhiều cơ hội để làm lại", anh Đinh nói với em thế. Em bảo: "Anh nhận của anh ấy làm gì, em ngại quá!". Đinh gạt đi: "Ôi giời, ngại gì. Lúc đầu anh cũng không định lấy tiền của nó đâu, vì nó sống chỉn chu lắm, chỉ có đồng luong thôi, không được xông xênh như anh. Nhưng nhìn ánh mắt nó anh không thể không nhận. Nó chân thành lắm. Anh không muốn nó buồn".
Người thứ hai đến thăm em là bà nội. Bà không khóc, chỉ bảo: "Nằm trong đó có sướng hơn nằm với bà không? Bà bảo con không nghe thì con phải chịu. Làm trai mà nghịch đã đành, làm gái mà nghịch thì khó mà gột rửa được tiếng đời lắm con ơi. Anh giáo Nguyễn bảo cô Tám thành cướp là do đời dồn đuổi, còn con như thế này là do ai dồn đuổi hả con?". Em nói dỗi: "Con tự dồn đuổi con. Thôi bà đừng nói con nữa. Bà thấy con như thế này chưa đủ khổ sao mà bà còn mắng nhiếc con?". Bà không nói gì nữa, cứ ngồi nắn nắn hai bàn tay em. Đến lúc hết giờ, trước khi quay ra bà mới bảo: "Anh cảnh sát khu vực chở bà sang đây thăm con đấy. Anh ấy đứng ở ngoài, không vào, vì phải giữ thể diện. Qua được độ này, khi nào về, phải đến mà cảm ơn anh ấy nhá".
Người thứ ba thăm nuôi em là con Mỹ chột. Nó dúi cho em tiền và một túi bánh kẹo. Nó bảo: “Mày đen quá. Vớ ngay phải đồ của thằng Châu điên. Thằng ấy đi đêm lắm làm gì chả gặp ma. Tao bây giờ bán đề. Thỉnh thoảng mới ôm hàng đánh tỉa. ông Hưng là khôn nhất. Dạo này chủ yếu đứng ở ga. Tao vào nhà trọ của ông ấy vài lần rồi. Bẩn đéo chịu được. Hôm qua tao hỏi có đi thăm mày không, ông ấy bảo: Anh đang là đối tượng bị nghi vấn, phải tránh gặp Hương Ga. Tao hỏi có gửi cho mày cái gì không? ông ấy bảo: Để anh mua vài thứ gửi em mang vào cho Hương. Anh có kinh nghiệm rồi. Đừng gửi tiền. Nên gửi đồ gì ăn ngay mà để được lâu. Thế mà sáng nay chả thấy đâu. Tao đéo hiểu mày thích ông ấy ở điểm nào. Chỉ được cái lỗ mồm. Kẹt xỉ nhất trần đời. Mà chả tốt đẹp đéo gì với mày đâu. Đã lại thấy cặp kè với mấy con bớp ở ga rồi đấy...”.
Em phải ra hiệu cho Mỹ đừng nói nữa. Làm gì mà em không hiểu Hưng. Nhưng em có thể bỏ qua một vài điểm yếu ấy. Em muốn nghĩ đến những thế mạnh của Hưng. Anh ấy đẹp trai, ăn nói có duyên, biết nghĩ về tương lai, ở bên anh ấy em thấy dễ chịu. Thế là được rồi. Em còn mong gì hơn nữa? Nhưng quả thật em hơi thất vọng khi anh ấy không đến thăm em. Em đã khai nhận hết mọi tội lỗi về mình. Khi còn tạm giam họ hỏi em rất nhiều về việc em mang của gian đi tiêu thụ ở đâu, với ai, thời điểm nào, hình thức thanh toán ra sao? Em chỉ một mực khai là mang ra chợ giời, bến xe hoặc nhà ga, tiện gặp ai là bán. Em cứ nghĩ việc làm đó sẽ khiến Hưng động lòng, cảm kích và tình yêu đối với em phải tăng lên bội phần. Thế mà Hưng bảo phải tránh gặp em. Nếu em là vợ Hưng mà vướng vòng lao tù thế này thì Hưng cũng tránh né em sao? Một cái gì đó cay đắng dâng lên trong em. Nhưng em không muốn con Mỹ nhận ra điều đó. Thấy em khó chịu khi phải nghe về Hưng, nó chuyển sang nói chuyện khác. Nó hỏi em: “Mày còn nhớ thằng Tuấn chợ không?”. Em ớ người ra một lát rồi gật đầu. Chính thằng này đã cùng với mụ béo ở chợ Ga đánh con Mỹ thừa chết thiếu sống. Sau vụ em quật chổi lửa vào mặt, rồi đốt quầy của mụ béo, Tuấn chợ căm em lắm. Nhưng nó vừa đi trại về, lại đang giữ chân bảo vệ chợ nên cũng sợ dây dưa đến chính quyền. Ban quản lý chợ muốn phạt em nhưng em đã bỏ quầy rồi, họ cũng chả còn tóc mà túm. Sau này khi em ra đứng bến, đôi ba lần em có chạm mặt Tuấn nhưng em tránh. Tuấn chắc vẫn chưa quên mối thù với em nhưng ngại ngần gì đấy nên chưa thấy ra tay đòi thanh toán chuyện cũ. Em cứ nghĩ là Tuấn ngại Hưng. Dù sao thì Hưng cũng là dân giang hồ, cũng án tù hai tăng, cũng nhẵn mặt ở bến xe, bến tàu rồi. Em cũng sợ Tuấn điên lên tìm em gây sự thì nguy. Nhưng có Hưng nên em cũng yên tâm phần nào. Em hỏi Mỹ:
- Nó vẫn làm bảo vệ ở chợ Ga hả?
Mỹ lắc đầu:
- Nó xin đểu của người ta mãi, bị người ta kiện, Ban quản lý chợ đuổi rồi. Bây giờ nó ra Ga vật vờ như thằng nghiện, đánh nhau liên miên, gây gổ với tất cả mọi người, tranh giành chỗ kiếm ăn ấy mà. Thế mà bọn ở Ga đều ngán nó. Hưng thì sợ nó ra mặt. Gặp nó ở đâu là một anh Tuấn, hai anh Tuấn... Đ. mẹ. Tao chán cái ông Hưng nhà mày đéo chịu được.
Em hỏi lại:
- ông Hưng cũng ngán nó à?
Mỹ gật đầu:
- Nó bảo chết cũng chết ấy chứ. Chính mắt tao một lần nhìn thấy nó bảo ông Hưng nhà mày là: Đôi giày chú mày đi hay đấy nhỉ. Đưa anh thử xem có vừa không? ông Hưng vội cởi ra đưa cho nó. Nó xỏ xong, đứng dậy bảo, vừa quá, thôi để anh đi nhé, mày kiếm đôi khác. Thế mà ông Hưng cũng chấp nhận, còn vui vẻ bảo: Vâng, anh đi còn đẹp hơn em. Anh cứ đi đi, để em kiếm đôi khác. Chó thế!
- Đôi giày nào? Có phải đôi thể thao màu trắng sọc đen không?
- Đúng rồi. Ông Hưng đi đôi ấy với bộ quần áo bay thì trông rất ra dáng quân khu. Hồi mày ở nhà ông ấy cũng có rồi. Chắc mày biết!
Làm sao em không biết cơ chứ. Đôi ấy là do em mua bằng tiền thằng Châu điên lại quả cho em sau lần em đưa đến chỗ Hưng mấy cái đầu băng cũ. Hưng thích đôi giày ấy lâu rồi, lần nào đi qua hàng giày cũng chỉ chỏ cho em thấy, tỏ vẻ rất thèm muốn. Em bảo mua thì Hưng bảo đắt lắm, đi tạm đôi bata cho rẻ. Lần ấy em bảo, tiền thằng Châu điên lại quả cho em được bao nhiêu? Hưng bảo hai cái đầu được một triệu, nó cho em trăm rưỡi, anh vẫn cầm đây. Em bảo Hưng đưa tiền, rồi bước vào hàng giày. Đúng giá trăm tám. Em vét hết túi ra bù vào cho đủ. Hưng cầm đôi giày mà rưng rưng xúc động. Những lúc như thế trông Hưng thành thật lắm, đáng thương lắm, dễ làm người ta mủi lòng lắm. Vậy mà bây giờ cái sự mủi lòng của em Hưng chả coi ra cái quái gì. Nhưng em vội nghĩ lại. Chắc không đến nỗi thế đâu. Có khi thằng Tuấn chợ nó chó dại cắn càn, nó mất hết tính người rồi nên Hưng phải luỵ nó cho qua cái đận này thôi? Với lại Hưng là người mềm tính, chắc nhún một tí để còn lấy chỗ mà làm ăn?
“Cứ đà này rồi không biết ông Hưng để nó dẫm lên đầu lên cổ đến bao giờ nữa?”, con Mỹ đặt ra câu hỏi đó với một tiếng thở dài não lòng. “Thế nó không làm gì mày à?” - Em hỏi Mỹ. Mỹ bảo, mấy lần nó gặp tao, nó hét lên: A, con chột. Bố mày chọc nốt mắt kia cho mày đi ăn xin con nhé! Nhưng tao ù té chạy. Cũng may mấy lần đó nó toàn say, đuổi được một đoạn thì đéo chạy được nữa. Một lần tao lao vào ông Hưng, cứ tưởng ông ấy đỡ đòn hộ. Nhưng đéo đâu. ông ấy lại bảo tao, thôi em ra quỳ xuống xin lỗi nó, nó tát cho vài cái rồi nó tha, còn có đất mà làm ăn. Tao điên quá, đấy ngã cả ông Hưng để chạy. Tí nữa không chạy kịp thì thằng Tuấn chợ nó đập cả chai bia vào đầu tao.
Đúng lúc đó thì cán bộ trại giam báo hết giờ. Con Mỹ phải về. Nó nói cố một câu: “Cần gì thì cứ ăn nhé, đừng để đói, khổ lắm, tháng sau tao lại lên, tao tiếp tế, tiền chả là cái đéo gì”
Sau này chỉ còn anh Đinh và Mỹ qua lại thăm nuôi em. Bà chỉ gửi đồ sang thôi. Đúng như Mỹ nói, tiền chả là cái đéo gì, lần nào nó cũng tìm cách gửi tiền vào cho em. Tiền của phạm nhân như bọn em đều phải ký gửi trại, tiêu đến đâu thì ghi sổ rồi trừ đến đó. Nhưng vẫn có thể giấu riêng mang vào phòng. Các dãy phòng vẫn có hoạt động lưu thông tiền tệ. vẫn có sự mua đi bán lại. Kiểu như bao mỳ chính của anh mà em không ăn vẫn có thể bán với giá mười ngàn đồng. Một cân lạp xương của anh Đinh có thể bán được hai mươi nhăm ngàn đồng. Đi ra ngoài lao động, có tiền vẫn mua được thứ này thứ kia. Ra ngoài là có dân. Có dân là có tất cả. Vào nhà dân xin nước năm phút thôi là bọn em có thể nhờ họ mua mọi thứ. Rồi họ rải đồ trên đường bọn em đi về. Chỉ việc nhặt lên, cho vào nón, đội lên đầu là xong. Quản giáo không thể quản bọn em từng giây từng phút được. Chưa kể là đôi khi họ cũng lơ đi cho lũ phạm đói khát có cơ hội kiếm thêm cái này cái kia bỏ vào mồm. Lúc nhập trại thì cũng tùy. Họ ngăn mang ma tuý, tiền bạc, hung khí vào chứ còn gói bánh, gói kẹo hay mớ rau nhặt dọc đường thì họ thường “lĩnh động” cho qua.
Vì thế, sau hôm gặp thằng Châu, thỉnh thoảng em lại mang đi cho nó tí đồ tiếp tế mà em nhận được của mọi người. Lần thì mấy dây lạp xưởng, lần thì một gói kẹo, lần thì bao thuốc Bông sen, lần thì gói xúp. Trong trại bọn em cần xúp lắm. Vì cơm thì nhiều nhưng thức ăn không có. Cứ rắc xúp lên là có thể ăn cơm ngon lành. Một lần thằng Châu bảo em: “Ông anh em đang ốm quá. ỉa chảy cả tuần nay rồi. Thuốc trạm xá không cầm được. Chị có tiền cho em để em kiếm cho anh ấy ít thuốc tốt bên ngoài”. Em hỏi lại: “Bao nhiêu?”. Nó bảo: “Hai chục”. May quá, đúng dịp con Mỹ vừa lên, em có được tí tiền là do nó giấu vào gói kẹo để dưới đáy túi đồ tiếp tế. Cán bộ trại họ chỉ cắt hú họa mấy gói bên trên thôi. Nhiều người vẫn gửi tiền vào cho phạm theo cách này. Em mang cho thằng Châu ba chục. Nó mừng lắm. Bảo, may ra anh em được cứu sống. Dân xã hội đen bọn em kỳ lắm anh ạ.
Nhận anh em rất nhanh. Mà đã là anh em rồi thì sẵn sàng sống chết có nhau. Thằng Châu có anh thì cũng mừng cho nó. Nếu anh nó là đầu gấu thì nó cũng được che chở ít nhiều, đỡ khổ.
Sau lần cho tiền thằng Châu em không gặp nó nữa. Em được chuyển về đội thêu. Mới đầu em sung sướng lắm. Thế là không phải đi lao động nữa. Nhưng đến ngày thứ hai thì em chán. Phòng thêu nằm ngay trong phân trại. Bọn em chỉ ăn ngủ xong rồi từ phòng mình đi sang phòng thêu và ngồi xuống đó đến hết giờ thì lại về phòng mình. Tù túng không chịu được. Bí bách không chịu được. Mãi đến khi gần mãn hạn em mới xin được vào đội cắt bí. Bí trồng xung quanh trại rất nhiều. Vào mùa thu hoạch, bí như đàn lợn con rải rác khắp các vạt đồi, chỉ chờ bọn em đến cắt, đưa lên xe bò mang về. Được đi ra ngoài em lại có cơ hội gặp Châu. Nó có vẻ khoẻ khoắn hơn. Gần hai năm trôi qua rồi, nó sắp bước sang tuổi hai mươi. Nó đã thực sự là một thanh niên trưởng thành. Nó nói với em: “Lâu không gặp chị không biết tình hình thế nào?”. Em bảo: “Chị chuyển sang đội thêu, không được ra ngoài. Em có cần gì không?”. Nó hồ hởi báo tin: “Anh em được ra trại rồi. Anh ấy quý em lắm, tác hàng cho em suốt. Anh ấy cũng có số má nên không thằng nào dám đụng vào em. Chị em mình ra trại, có anh ấy đỡ, sẽ dễ sống hơn”. Em thấy nó vui thì cũng vui lây. Em hẹn nó hôm sau đi cắt bí sẽ mang cho nó gói xúp và bao Bông sen mà anh Đinh vừa tiếp tế cho em tháng trước.
Nhưng em không bao giờ phải đi cắt bí nữa. Em được đặc xá ra trước thời hạn bốn tháng. Vậy là em chỉ phải nếm trải hai mươi tháng lao tù để hiểu thế nào là một tiền án. Em lại được trở về với cuộc đời, với bầu trời tự do, với bà nội, và, với Hưng.
Em vô cùng ngạc nhiên khi ra đến cổng trại thì thấy anh Đinh đứng đó. Lần này anh ấy đi trên chiếc xe cup 82 màu xanh dương. Em hỏi, sao anh biết em được ra hôm nay? Anh Đinh hỏi lại, thế em không biết anh là công an à? Vâng, đúng rồi. Anh ấy là công an, có khi bạn anh ấy làm quản giáo ở đây cũng nên. Nhưng thôi, quan tâm làm gì, anh Đinh bảo bây giờ về nhà đã, tắm rửa cho trôi hết bụi tù đi, rồi ăn một bữa cơm tự do xem nó thế nào!
Làn đầu tiên em được ngồi sau xe máy của một người con trai. Mà người ấy lại đang mang trên mình bộ sắc phục cảnh sát. Em chợt nghĩ: Tại sao người đó lại không phải là anh nhỉ?
Phiên Bản Phiên Bản - Nguyễn Đình Tú Phiên Bản