Số lần đọc/download: 1745 / 23
Cập nhật: 2016-12-10 10:33:18 +0700
Chương 5
T
ôi cứ cắm đầu cắm cổ đi về hướng Nam càng nhanh càng tốt, trực chỉ thành phố Mudon.
Chẳng bao lâu tôi lại đi tới một vùng núi khác. Sau khi vượt một dãy đèo, tôi thấy mình đang đi qua những ngọn đồi hoang lạnh, nơi chỉ có những cây khô héo và những tảng đá to lớn chồng lên nhau. Suốt dọc đường, tôi không gặp một người nào.
Lúc đang trèo lên một con đường cát, bất ngờ tôi nhìn thấy một viên đạn ở dưới chân. Tôi nhặt viên đạn lên và nhận thấy đó là một loại đạn Nhật quen thuộc. Nhiều viên đạn khác và vỏ đạn nằm ngổn ngang quanh đó.
Làm sao mà những viên đạn ấy lại ở đây? Tôi tự hỏi và cứ tiếp tục trèo. Ngước nhìn lên tôi thấy một đàn chim đang bay là là bay thành vòng tròn ngay trên một tảng đá dốc ngất nghểu phía trước mặt tôi. Và rồi vài con quạ đen, mỏ to, cánh rộng, từ phía sau tảng đá ấy bay lên. Mặt trời đang chiếu le lói; không có một tiếng động nào.
Cuối cùng tôi tới đỉnh đèo - một hiệp lộ trơ trụi, không một ngọn cỏ không một bóng cây. Khi tới đó rồi, tôi đứng đơ người ra vì khiếp đảm.
Trong bóng tối của tảng đá đỏ ngòm trong hiệp lộ tôi nhìn thấy nằm rải rác những bộ xương của khoảng chừng ba mươi người và năm sáu con ngựa, xác người đã khô queo hoàn toàn, và xương trắng hếu thòi ra. Nằm la liệt quanh những bộ xương này là những khẩu súng máy, súng trường và ba lô bằng da. Cách đó mấy thước là một chiếc mũ sắt, Tất cả đều bẹp dí, vùi gần kín trong cát đo đỏ. Chỗ các xác người đang nằm, cỏ mọc xanh rờn. Lúc tôi tiến lại gần, một con chim kêu quác quác bay qua người tôi, tí nữa thì chạm vào mặt.
Đó là một đội lính Nhật, có lẽ bị tiêu diệt vì bị phục kích hoặc oanh tạc. Họ nằm trơ vơ ở đó, bạn đồng đội không một người nào hay biết gì. Tôi nhặt củi khô, nhóm lửa và bắt đầu hỏa thiêu những cái xác ấy. Tuy nhiên, không thể làm công việc này xong trong một ngày. Tuy nóng lòng sốt ruột muốn tiếp tục đi, song tôi vẫn phải nghỉ đêm tại một làng gần nhất và hôm sau, rồi hôm sau nữa lại tới để đốt cho hết những xác chết ấy. Tôi phải làm mất độ một tuần lễ. Sau đó, tôi chôn những nắm tro xương ấy, dựng lên trên đó một tấm mộ chí và chắp tay cầu nguyện. Tôi đã làm lễ mai táng cho những người bất hạnh này chỉ có một mình.
Xong đâu đấy, một lần nữa, tôi lại trực chỉ hướng Nam. Tôi sẽ không kể chi tiết cho các bạn hay những gì tôi đã nhìn thấy. Cái đó kinh tởm ngoài sức tưởng tượng. Là một người Nhật, là một người đồng hương của những người đã chết, tôi cảm thấy buồn không cầm được nước mắt.
Có lần tôi đi ngang qua một khu rừng nhỏ. Trời bắt đầu đổ mưa, và mưa to đến nỗi đường đi ngập ứ những bùn; nhưng chợt tới một túp lều đổ nát, điêu tàn tôi liền vào trong đó ngủ qua đêm.
Trong túp lều có một xác người - mặc quân phục bộ binh Nhật Bản. Có lẽ đó là một người lính ốm đau hoặc bị thương bị bỏ rơi trong một cuộc rút lui, đã bò vào trong túp lều này rồi chết ở đó. Kiến và giòi bu đen cái xác ấy, tuy nhiên nó vẫn chưa bị rửa quá. Có vẻ là người đàn ông này đã sống ở đây một thời gian khá lâu. Gần đó là một bức hình một người cha trẻ tuổi đang ôm đứa con nhỏ. Rõ ràng đó chính là người đàn ông đã chết này và đứa con trai của ông ta.
Không làm sao mà đốt được cái xác trong túp lều ướt át vì thế tôi bèn cõng mà đem vào rừng rồi chôn ở đó. Tôi tự hỏi không biết làm thế nào với tấm ảnh, nhưng cuối cùng tôi chôn tấm ảnh cùng với người đàn ông ấy. Tôi thấy hình như có lẽ người ấy cũng muốn như thế. Tôi nghĩ thằng bé con ấy cũng có bức hình tương tự treo ở trên tường nhà nó, ở một nơi nào đó bên Nhật Bản, và nó thường ngắm bức hình ấy trong lúc chờ bố trở về đoàn tụ với gia đình.
Đó đây trong rừng cây tôi còn nhìn thấy nhiều xác chết nữa, rõ ràng bị bỏ lại lúc đồng đội tháo chạy, ở miền nam Miến Điện có một nơi người Nhật Bản gọi là "Con Đường Xương Khô". Đó chính là nơi tôi vừa mới tới - đúng y như tên gọi con đường, còn rùng rợn hơn cả khu rừng nhỏ nữa kia.
Và cứ như thế tôi chôn xác binh sĩ Nhật Bản bất kỳ nơi nào tôi bắt gặp. Nhưng tôi liền nhận ra rằng đó mới là công việc khủng khiếp làm sao. Ngay việc chôn cất những cái xác trong rừng nhỏ ấy cũng đã mất một thời gian dài rồi; thế nhưng tôi không thể bỏ họ được, vả chăng đây cũng chưa phải là chỗ duy nhất - tôi không rõ có bao nhiêu người đồng bào của tôi đang nằm phơi thây không ai chôn vùi khắp xứ Miến Điện. Hẳn là những tiếng nói ai oán, bi thương của những người ấy đang réo gọi tôi. Tôi phải làm một cái gì, tôi suy nghĩ một cách tuyệt vọng. Tuy nhiên tôi muốn đi thật mau thật chóng tới Mudon. Tôi phải tới đó. Tôi muốn tìm xem các bạn đồng đội của tôi ra sao, tôi muốn gặp họ. Tôi nghĩ tôi sẽ sung sướng làm sao cuối cùng được trở về với đơn vị, mọi người sẽ vui mừng đến thế nào khi thấy tôi trở lại. Càng nghĩ tôi thấy hình như nỗi khó khăn của tôi càng khó khăn hơn. Mudon hãy còn xa lắc xa lơ; và cứ đà này có lẽ phải mất nhiều năm mới tới đó được.
Dầu sao, cuối cùng tôi đã chôn được tất cả những xác chết tôi gặp ở trong rừng, tôi lại lên đường và đi tới một dòng sông rộng. Đó là sông Sittang, nước đục ngầu cuồn cuộn chảy xiết. Trong lúc đang tìm một chiếc thuyền để chở qua sông, tôi nom thấy một cảnh tượng gớm ghiếc.
Đó là một đống cao những xác người đang rửa nát: Những xác ấy đã bị quẳng hết cả vào một vũng lầy men bờ sông, chồng chất lên nhau trong nước âm ấm giữa đám cỏ lác chằng chịt và bọt nước đóng váng dầy cộm. Hình như họ đã bị lột hết quần áo, đồ trang bị và mọi thứ. Có lẽ đây là chỗ qua sông quân đội ta muốn vượt - nơi nhiều người đã bị chết lúc rút lui.
Tôi lấy tay che kín mặt. Công việc này vượt quá khả năng của tôi. Tôi không thể giải quyết một mình được.
Và vì thế tôi đành bó tay. Tôi không định tâm chôn họ. Người chết đã chết rồi, tôi tự nhủ; tôi sẽ không nghĩ đến họ nữa. Tôi cảm thấy thương xót những người bất hạnh này; tuy nhiên, tôi không có trách nhiệm gì đối với họ -tôi chẳng thể ngừng lại mà bận tâm đến từng người một. Tôi sắp sửa trở lại đại đội của tôi, trở về Nhật Bản và bắt đầu một cuộc sống mới! Đó là điều trong thâm tâm tôi muốn làm.
Tôi đã quyết định và cảm thấy nhẹ nhõm cả người. Tôi dùng thuyền xuôi sông, thỉnh thoảng lấy xe bò hoặc đáp xe lửa vượt đồng bằng rồi tới Mudon.
Trong khi đi như vậy tôi đã nói tiếng Miến Điện khá trôi chảy cũng như tập sống làm một tu sĩ.
Khi tôi tới Mudon, tim tôi bắt đầu rộn rã. Tại ven rừng tôi gặp một người đàn ông và hỏi thăm về thành phố này. Người ấy vừa ngả một cây, và bắt được năm con vẹt. Người ấy cho tôi con xanh nhất. Sau đó bất kỳ đi đâu tôi cũng mang con chim theo, và đó chính là con chim tôi sẽ gửi kèm với lá thư này.
Theo lời người đàn ông nói chuyện với tôi thì có nhiều trại tù binh Nhật Bản ở Mudon, và tại một trong những trại này có những tù binh cứ ca hát cả ngày. Rồi tôi được biết các bạn hãy còn ở đó và tôi thấy lòng vui khôn tả khi tiếp tục rảo bước đi vào thành phố. Sau nhiều lần hỏi thăm, tôi tìm thấy trại giam. Nhưng lúc ấy đã khuya mất rồi, trại giam đã đóng cửa và tôi chỉ còn nhìn thấy ánh đèn lọt qua cửa sổ mà thôi.
Đêm ấy tôi đứng bên hàng rào, lòng tràn ngập vui sướng còn mắt thì cứ nhìn trại giam trừng trừng cho đến lúc đèn tắt hết. Có lúc tôi rùng mình thấy một tiếng nói giống tiếng nói của đại úy. Cuối cùng tôi rời nơi đang đứng đi tới một thiền viện trong thành phố xin ngủ nhờ qua đêm.
Sáng hôm sau tôi thức dậy lúc trời hãy còn tối. Nóng lòng sốt ruột muốn tới trại giam, càng mau càng tốt, tôi nhảy khỏi giường và mặc quần áo. Hôm nay mình trở về với đại đội! Tôi nghĩ. Đã ba tháng rồi kể từ khi xa họ -trong thời gian ấy biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra. Tôi thấy nôn nóng và vui sướng quá nên hai tay cứ run lên trong lúc mặt quần áo. Tôi mặc tấm áo cà sa mới màu vàng mà người ta đã cho tôi ở thiền viện rồi cầm cái bát hành khất lên.
"Chắc chắn anh em sẽ ngạc nhiên khi thấy mình ăn mặc như thế này". Tôi vừa tự nhủ vừa cười. "Thế nào anh em cũng sẽ sung sướng khi gặp lại mình".
Thì ra tiếng đàn thụ cầm trong vườn thiền viện đã đánh thức tôi dậy. Ai đó đang chậm chậm gảy bài Hanyu no Yado. Tôi để tai lắng nghe một lúc rồi chẳng cầm lòng nổi phải ra xem người ấy là ai. Tại chỗ vườn ấy, trong ánh bình minh tim tím, một thiếu niên Miến Điện đang tập gảy đàn thụ cầm. Tôi đi ra chỗ thằng bé và hỏi tại sao nó lại đánh đàn sớm đến thế.
"Bạch Thày, con xin lỗi đã làm mất giấc ngủ của thày", nó vừa đáp lời vừa lễ phép cúi đầu. "Con ngủ trong bếp này, nhưng hàng ngày con đi ra ngoài đánh đàn kiếm tiền".
"Tại sao em lại chơi bài ấy?"
Vì lẽ người Anh nghe rồi sẽ cho tiền".
Chốc nữa cổng thiền viện mở cửa. Tôi nâng cây đàn lên rồi nhẹ nhàng chơi phần hòa âm tôi đã soạn cho bài hát ấy. Thằng bé lắng nghe, mắt thao láo rồi năn nỉ xin tôi dậy. Nó nói sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nếu biết chơi theo lối ấy.
Tôi cảm thấy sung sướng và vui vẻ; tôi cảm thấy bằng lòng khi nghĩ là có thể chỉ bảo giúp thằng bé. Dĩ nhiên, mãi về sau nó mới chơi được thành thạo cả bài.
Sáng hôm ấy, thằng bé kể cho tôi hay một tin chẳng ngờ.
"Trong thành phố có một bệnh viện do người Anh trông nom" nó nói."Khi một bệnh nhân chết, họ chôn người ấy trong nghĩa trang bệnh viện. Bác sĩ và y tá người Anh đi đưa đám. Nếu con đứng chờ bên lề đường và chơi bản nhạc này lúc họ trở về thì họ có thể cho con tiền bằng bạc. Theo lời ông nhà đòn, hôm nay lại sắp có một đám ma khác. Dường như có nhiều lính Nhật Bản đã cầm cự một thời gian khá lâu trong hầm trong núi, nhưng cuối cùng đã đầu hàng và những người bị thương đã được đưa về bệnh viện. Khắp thành phố dân chúng đang bàn tán về chuyện ấy; họ bảo những người lính ấy trông mới khiếp sợ làm sao. Vài người trong bọn đã chết và những người chết ấy cũng sẽ được chôn sáng nay. Vì thế nếu tới và chơi bài nhạc này chắc con sẽ kiếm được tiền".
Có phải những người lính bị thương ấy đã từ đỉnh núi bình tam giác tới? Tôi tự hỏi. Cái gì đã xảy ra cho họ sau khi tôi rời ngọn núi? Ngay dù không thể trực tiếp nói chuyện với họ, tôi cũng muốn biết thêm về họ. Tuy nhiên điều ấy chẳng thể được một khi tôi đi vào trại giam, vì thế tôi quyết định trước hết hãy tới nhà thương điều tra xem sao.
Lúc cổng thiền viện vừa mở tôi liền đi với thằng bé tới nhà thương. Nhưng hãy còn sớm quá nên tôi chẳng gặp ai để hỏi thăm. Không có một người nào ra vào tòa nhà.
Đúng lúc ấy tôi nghe thấy tiếng nhiều người hát một bài thánh ca. Đó là một đội đồng ca gồm cả giọng nam lẫn giọng nữ, phần lớn là đàn bà, và tiếng hát đã từ nghĩa trang vang tới: nghĩa trang nằm trong một khu rừng nhỏ đằng sau nhà thương.
Tôi đi vào rừng cây. Cây cối ướt đẫm sương mai: một làn sương mong manh trắng xóa hãy còn vương trên cành cây. Những lối đi gọn gàng trải sỏi làm tôi nhớ đến một công viên, và đó đây có những vòng hoa tươi mới hoặc héo tàn nằm ngay trước những cây thánh giá đứng xếp hàng đều đặn và những phiến đá hình chiếc quan tài. Một nhóm người Anh đang đứng tại một góc xa trong nghĩa trang.
Tôi nấp sau cây án thụ, chăm chú nhìn họ. Đa số là nữ y tá mắt xanh biếc, má đỏ hồng mặc đồng phục mới mẻ, gọn gàng. Những người đàn ông thì để đầu trần. Việc chôn cất vừa chấm dứt, và tất cả họ đang đứng hát một bài thánh ca bên ngoài nấm mồ. Sau khi hát xong, họ làm dấu cúi đầu cầu nguyện một lúc rồi thầm lặng đi ra.
Khi họ đã đi rồi, tôi bước tới, tôi thấy một tấm bia mới bằng đá hoa cương trên có đặt một vòng hoa nhỏ bé nhưng xinh đẹp. Tấm bia mang dòng chữ: "Nơi đây An Nghỉ Những Người Lính Nhật Vô Danh."
Tôi đứng đó một lúc, ngỡ ngàng hết sức. Thế rồi tôi chợt nghe tiếng thụ cầm ngân bài Hanyu no Yado gần cổng nghĩa trang. Như thể bị tiếng đàn lôi cuốn, tôi chuệnh choạng đi về hướng cổng nghĩa trang. Người tôi nóng bừng vì xấu hổ. Tôi cảm thấy mình mới tầm thường, đáng khinh làm sao là đã quay đi không chôn những xác chết chồng chất lên nhau bên cạnh bờ sông!
Tôi nghe thấy một tiếng nói mãnh liệt thì thầm trong đáy lòng tôi: Người ngoại quốc đã làm công việc này cho chúng ta - tôi nom những người ốm đau, săn sóc những người bị thương, chôn cất những người xấu số của chúng ta thể và cầu nguyện để an ủi linh hồn họ. Anh không thể để những nắm xương của bạn đồng đội dãi nắng dầm mưa bên sông Sittang, trong núi, trong rừng và thung lũng mà anh phải nom thấy chứ Hanyu no Yado không phải chỉ là một bài hát mong muốn trở về mái nhà ấm cúng cùng bạn bè của anh. Tiếng đàn ấy diễn tả niềm mong muốn của bất cứ ai thèm khát gia đình đầm ấm. Khi nghe thấy tiếng đàn ấy, họ sẽ cảm thấy thế nào - Những người đã chết ấy mà thân xác. còn bị bỏ nằm chơ vơ tại nơi đất khách quê người! Liệu có thể rời bỏ xứ này mà không tìm ra một nơi an nghĩ cho họ không? Liệu anh có thể rời bỏ Miến Điện được không? Trở về quê hương! Lại cất bước ra đi! Hãy nghĩ đến những gì anh đã nhìn thấy trên đường đi ở đấy. Hay là anh cũng lại muốn rời bỏ ra đi? Thế anh thiếu can đảm trở lại miền Bắc hay sao?
Tôi không thể làm lơ không để ý tới tiếng nói ấy. Một bổn phận bất ngờ đã được trao phó cho tôi, và tôi phải ra đi để hoàn thành càng sớm càng hay. Thay vì tới trại giam, tôi đi ra khỏi thành phố.
Song lẽ, tôi lại muốn tìm mặt những người bạn đồng đội xưa kia của tôi, dù ở cách xa. Bước chân của tôi chậm lại. Sau khi quay lại mấy lần, cuối cùng tôi tới trại giam, nhưng không có ai ở đó cả. Tôi chờ đợi hàng giờ - tất cả các bạn đã đi ra ngoài làm công tác xây cất. Bực mình, nhưng không thể chờ đợi lâu hơn nữa, tôi lại ra đi một lần nữa như thể đang bị lôi kéo.
Tôi vội bước theo ven thành phố Mudon và đúng lúc đi qua cây cầu hẹp - dường như vừa mới được tu sửa lại - tôi nhìn thấy, các bạn đang đi về phía tôi. Cho đến tận lúc đi tới giữa cầu tôi không nhận ra người nào trong các bạn mặc quần áo tù binh lấm láp, lạ mắt. Lúc ấy khi chúng mình tới gần nhau hơn, tôi thấy toàn thân tôi run lên vì sung sướng, buồn rầu và lúng túng. Tôi không thể tả cho các bạn hay tất cả những gì tim tôi cảm thấy khi chúng ta đi ngang mặt nhau, nhường bước cho nhau trên cây cầu chật hẹp ấy. Cuối cùng tôi đã gặp tận mắt những người bạn cũ và những người anh em đồng đội xưa, nhưng vào lúc ấy tôi lại quyết định đi về hướng Bắc. Vì không thể trở về với các bạn. Tôi phải làm cho các bạn nghĩ rằng Mizushima đã chết.
Sau đó với con vẹt đậu trên vai, tôi cắm đầu đi nhanh về hướng Bắc.