Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Chương 19
B
uổi sáng đem đến một khác biệt đáng kể trong quan niệm chung của
tôi về cuộc đời, và làm nó sáng sủa lên nhiều tới mức dường như không còn
như trước nữa. Điều làm tôi bận tâm hơn hết là sáu ngày nằm giữa tôi và
ngày lên đường; vì tôi không thể rũ bỏ được nỗi lo sợ có thể có chuyện gì xảy
ra trên London trong quãng thời gian đó và khi tôi tới nơi, vận hội của tôi
hoặc đã bị suy giảm đi nhiều, hoặc đã hoàn toàn biến mất.
Joe và Biddy luôn tỏ ra rất thông cảm và vui vẻ khi tôi nói tới cuộc
chia tay đã cận kề của chúng tôi; nhưng hai người chỉ nói khi tôi nhắc đến nó
trước. Sau bữa ăn sáng, Joe mang bản giao kèo của tôi cất trong tủ ở phòng
tiếp khách ra, rồi chúng tôi ném bản giao kèo vào lửa, và tôi cảm thấy mình
đã tự do. Trong tâm trạng được giải phóng mới mẻ này, tôi cùng Joe đi nhà
thờ và nghĩ có lẽ ông mục sư chắc đã không đọc lên những lời đó về người
giàu và Thiên đường* nếu ông ta biết tất cả.
Ta lại nói cùng các ngươi, lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào nước đức Chúa Trời
(Matthew, 19:24).
Sau bữa trưa ăn sớm, tôi một mình đi ra ngoài, định chia tay dứt khoát
một lần với đầm lầy và đoạn tuyệt với chúng. Khi đi ngang qua nhà thờ, tôi
cảm thấy (như đã cảm thấy trong buổi lễ lúc sáng) một nỗi cảm thông cao cả
dành cho những con người khốn khổ định mệnh đã bắt phải tới đó, từ Chủ
nhật này tới Chủ nhật khác, trong suốt cuộc đời họ, rồi cuối cùng nằm xuống
mất hút dưới những nấm đất thấp tè cỏ mọc xanh rì. Tôi hứa với bản thân đến
một ngày gần đây sẽ làm gì đó cho họ, rồi phác ra dự định tổ chức một bữa
tối với bít tết nướng và bánh pudding mận, một pint bia đen và một gallon*
chiếu cố cho mỗi người trong làng.
1 gallon = 4,54 lít.
Nếu trước đây tôi vẫn thường nghĩ với cảm giác gần giống như xấu hổ
về chuyện từng gặp gỡ kẻ đào tẩu tôi đã một lần thấy tập tễnh lê bước giữa
các nấm mộ, những ý nghĩ ấy lại trở về với tôi vào Chủ nhật này, khi địa
điểm gợi nhớ tới kẻ khốn khổ rách rưới tàn tạ rét run cầm cập ấy, với những
sợi xiềng trọng phạm của ông ta! Tôi cảm thấy an ủi rằng chuyện đó xảy ra
đã lâu rồi, và chắc ông ta đã bị đày đi xa lắm rồi, và với tôi ông ta đã chết, và
rất có thể trên thực tế ông ta đã chết rồi thật.
Không còn những khoảng đất trũng ẩm ướt, không còn những bờ kè
cửa cống, không còn những con bò cứ giương mắt lên nhìn chằm chặp này
nữa - cho dù trong bộ dạng đù đờ của mình, dường như lúc này nom chúng
có vẻ đáng tôn trọng hơn, chúng đang quay mặt lại sao cho có thể nhìn chằm
chặp càng lâu càng tốt vào người sẽ sở hữu gia tài lớn đến thế - vĩnh biệt nhé,
những người quen chán ngắt thời thơ ấu của tôi, từ giờ tôi sẽ thuộc về
London và sự cao sang; chứ không phải dành cho nghề thợ rèn và chúng mày
nữa! Tôi hào hứng tiếp tục bước đi tới chỗ pháo đài cũ, nằm xuống ở đó
ngẫm nghĩ về câu hỏi liệu có phải cô Havisham muốn dành Estella cho tôi
hay không, rồi ngủ thiếp đi.
Khi tỉnh giấc, tôi rất ngạc nhiên thấy Joe ngồi cạnh mình, hút tẩu thuốc.
Anh chào tôi bằng nụ cười vui vẻ khi thấy tôi mở mắt ra, rồi nói.
“Vì đây là lần cuối cùng, Pip, anh nghĩ anh nên đi theo cậu.”
“Joe, em rất vui vì anh làm thế.”
“Cảm ơn cậu, Pip.”
“Anh có thể tin chắc, Joe yêu quý,” tôi nói tiếp, sau khi chúng tôi bắt
tay nhau, “là em sẽ không bao giờ quên anh.”
“Không, không, Pip!” Joe nói, với giọng thoải mái, “Anh biết chắc là
thế. Phải, phải, anh bạn! Chúa ban phước cho cậu, chỉ cần làm quen với
chuyện này trong đầu để tin chắc về nó. Nhưng để làm quen trong đầu cũng
cần ít thời gian, thay đổi này đến bất ngờ quá, phải không nào?”
Không hiểu vì sao, tôi không thích lắm chuyện Joe tin chắc về tôi đến
vậy. Tôi những muốn anh để lộ ra chút cảm xúc, hay nói đại loại như, “Cậu
nghĩ thế thật quý quá, Pip.” Vì thế, tôi không nói gì về điểm thứ nhất Joe nói;
chỉ nói về điểm thứ hai rằng quả thực sự thay đổi đến rất đột ngột, nhưng tôi
vẫn luôn muốn trở thành một quý ông, và vẫn thường hình dung về những gì
tôi sẽ làm nếu tôi là một quý ông.
“Cậu đã nghĩ thế sao?” Joe hỏi. “Thật đáng kinh ngạc!”
“Joe,” tôi nói, “thật đáng tiếc khi anh không học được thêm ít nữa khi
anh em mình học với nhau ở đây, giờ anh có thấy thế không?”
“À, anh không biết nữa,” Joe đáp. “Anh tối dạ kinh khủng. Anh chỉ
giỏi nghề anh làm thôi. Anh vẫn luôn thấy tiếc vì mình tối dạ đến thế; nhưng
bây giờ điều đó cũng chẳng đáng tiếc hơn trước đây - hay sau một năm nữa -
cậu không thấy sao?”
Ý tôi muốn nói là khi tôi được hưởng gia tài và có thể làm gì đó cho
Joe, nếu anh có đủ phẩm chất thích hợp hơn để vươn cao về địa vị thì sẽ hay
hơn nhiều. Song anh lại hoàn toàn chẳng hề biết tới ngụ ý của tôi, đến mức
tôi nghĩ đáng ra nên nói chuyện này với Biddy thì hơn.
Thế nên khi hai chúng tôi đã về nhà và dùng trà xong, tôi kéo Biddy
vào mảnh vườn nhỏ của chúng tôi nằm bên con đường mòn, sau khi đã động
viên tinh thần cô một cách chung chung rằng tôi sẽ không bao giờ quên cô,
tôi nói có một điều muốn nhờ cậy cô.
“Chuyện là thế này, Biddy,” tôi nói, “anh mong em sẽ không bỏ qua
bất cứ cơ hội nào để giúp Joe tấn tới một chút.”
“Em phải giúp ông ấy thế nào?” Biddy hỏi, điềm tĩnh liếc mắt nhìn tôi.
“À! Joe là một người tử tế đáng mến - thực ra anh nghĩ anh ấy là người
đáng mến nhất từng sống trên đời - nhưng anh ấy có phần chậm tiến trong
một số thứ. Chẳng hạn như trong việc học hành hay cách ứng xử vậy,
Biddy.”
Cho dù tôi đang nhìn Biddy trong lúc nói, và cho dù cô mở mắt rất to
trong lúc tôi nói, cô lại chẳng hề nhìn tôi.
“Ồ, cách ứng xử của ông ấy! Cách ứng xử của ông ấy có gì không ổn
chứ?” Biddy hỏi, đưa tay ngắt một lá phúc bồn tử đen.
“Biddy yêu quý, nó rất ổn ở đây…”
“Ồ! Nó rất ổn ở đây sao?” Biddy ngắt lời tôi, mắt cô nhìn chăm chú
vào cái lá trên lòng bàn tay.
“Hãy nghe anh nói hết đã - nhưng nếu anh muốn đưa Joe tới một địa vị
cao sang hơn như anh hy vọng sẽ làm được khi anh hoàn toàn nắm gia tài
trong tay, khi ấy khó có thể nói chúng thích hợp với Joe.”
“Và anh không nghĩ là ông ấy biết điều đó sao?” Biddy hỏi.
Đó là một câu hỏi thật khiêu khích (vì ý nghĩ này chưa bao giờ đến với
tôi, cho dù chỉ một thoáng xa xăm), vậy là tôi cáu kỉnh nói, “Biddy, ý em là
sao?”
Biddy đáp, sau khi vò nát cái lá giữa hai bàn tay - và kể từ dạo đó mùi
hương từ những bụi phúc bồn tử đen luôn nhắc tôi nhớ lại buổi tối hôm ấy
trong mảnh vườn nhỏ nằm bên lối mòn… “Chắc anh chưa bao giờ nghĩ tới
chuyện ông ấy có thể tự hào về cách ứng xử của mình, đúng không?”
“Tự hào?” tôi nhắc lại, nhấn giọng đầy khinh miệt.
“Ồ! Có nhiều kiểu tự hào lắm,” Biddy nói, nhìn thẳng vào tôi và lắc
đầu, “không phải mọi niềm tự hào đều giống nhau…”
“Thế thì sao? Cái gì làm em dừng lại vậy?” tôi hỏi.
“Không phải tất cả đều giống nhau,” Biddy nói tiếp. “Ông ấy có thể
quá tự hào nên không thể cho phép bất cứ ai lôi kéo mình đi khỏi một công
việc ông ấy có năng lực để thực hiện, và thực hiện nó rất tốt, rất đáng tôn
trọng. Nói thực với anh, em nghĩ đúng là thế; cho dù với em nói vậy nghe có
vẻ hơi quá bạo gan, vì chắc hẳn anh phải biết ông ấy rõ hơn em nhiều.”
“Thế này nhé, Biddy,” tôi nói, “anh lấy làm tiếc phải thấy điều này ở
em. Anh không nghĩ sẽ phải thấy điều này ở em. Biddy, em đang ghen tị, và
em hằn học. Em không hài lòng về vận may đến với anh, và em không thể
không để lộ nó ra.”
“Nếu anh đủ nhẫn tâm mà nghĩ như thế,” Biddy đáp lại, “vậy hãy nói
thế đi. Cứ nói thế hết lần này tới lần khác, nếu anh nỡ lòng nào nghĩ như thế.”
“Nếu em nhẫn tâm như thế, Biddy, thật đáng xấu hổ cho em,” tôi nói
với giọng đầy vẻ bề trên và chính trực, “đừng có đổ tại anh. Anh lấy làm tiếc
phải chứng kiến nó, và đó là một… đó là một khía cạnh xấu xa trong bản chất
con người. Anh quả thực đã định nhờ em dùng bất cứ cơ hội nhỏ nhoi nào em
có thể có sau khi anh đi để hoàn thiện con người cho Joe yêu quý. Nhưng sau
chuyện này anh sẽ không nhờ em gì nữa. Anh vô cùng tiếc phải chứng kiến
điều này ở em, Biddy,” tôi nhắc lại. “Đó là một… đó là một khía cạnh xấu xa
trong bản chất con người.”
“Dù anh trách mắng em hay đồng tình với em,” Biddy tội nghiệp đáp
lại, “anh vẫn có thể yên tâm về chuyện em sẽ cố làm tất cả những gì có thể tại
đây vào mọi lúc. Và dù anh có nghĩ thế nào về em khi ra đi, điều đó cũng
không làm thay đổi những gì em nhớ về anh. Nhưng một quý ông cũng
không nên bất công,” Biddy vừa nói vừa quay mặt đi.
Tôi thêm một lần nữa hùng hồn nhắc lại rằng đó là một khía cạnh xấu
xa trong bản chất con người (về phát biểu này, sau khi loại trừ đi phần cảm
tính khi tôi nói ra, kể từ dạo ấy tôi vẫn thấy lý do để nghĩ mình có lý), và tôi
bước đi theo lối mòn rời xa khỏi Biddy, còn Biddy quay vào trong nhà, sau
đó tôi ra khỏi cổng vườn và chán nản đi lang thang tới tận giờ ăn tối; một lần
nữa tôi cảm thấy thật buồn bã và lạ lùng vì buổi tối thứ hai từ khi tôi bước
vào vận hội mới đầy hứa hẹn cũng lại cô độc và không vừa ý hệt như tối đầu
tiên.
Nhưng một lần nữa buổi sáng lại làm tâm trạng tôi sáng sủa hơn, và tôi
dành cho Biddy sự khoan dung, rồi chúng tôi bỏ hẳn chủ đề hôm trước. Diện
lên người những món quần áo đẹp nhất có trong tay, tôi đi vào thị trấn từ lúc
sớm nhất có thể hy vọng thấy các cửa hàng mở cửa và tới chỗ ông Trabb,
người thợ may, lúc ông này đang ăn sáng trong phòng tiếp khách đằng sau
cửa hiệu, và ông cảm thấy chẳng việc gì phải ra ngoài đón tôi, mà thay vì thế
gọi tôi vào gặp ông.
“Nào!” ông Trabb lên tiếng khá niềm nở. “Chào anh bạn trẻ, tôi có thể
làm gì cho cậu nhỉ?”
Ông Trabb đã cắt cái bánh mì còn nóng hổi thành ba lát mỏng như ba
tấm đệm lông chim, và đang phết bơ vào giữa mấy lớp rồi úp các lát bánh lên
nhau. Ông thợ may là một người đàn ông độc thân giàu có, khung cửa sổ để
mở của căn phòng nhìn ra khoảnh vườn nhỏ tươi tốt và một vườn cây ăn quả,
có một cái két sắt phong lưu gắn trong tường cạnh lò sưởi, và tôi tin chắc tất
cả của nả gia tài của ông ta đang được chất đống từng túi trong đó.
“Thưa ông Trabb,” tôi nói, “tự mình nói ra chuyện này kể cũng không
hay lắm vì nghe sẽ có vẻ như khoe khoang; nhưng cháu vừa có được một gia
tài đáng kể.”
Ông Trabb bỗng thay đổi hẳn. Ông ta bỏ quên món bơ phết trên bánh
mì, đứng dậy khỏi giường, chùi ngón tay lên khăn trải bàn và thốt lên, “Chúa
ban phước cho linh hồn con!”
“Cháu sắp lên chỗ người giám hộ của cháu trên London,” tôi vừa nói
vừa dửng dưng lấy mấy đồng guinea từ trong túi ra xem, “nên cháu muốn
may một bộ đồ thích hợp để đi đường. Cháu muốn trả công may đồ,” tôi nói
thêm - nếu không như vậy tôi nghĩ rất có thể ông ta sẽ chỉ giả vờ may, “bằng
tiền mặt.”
“Quý ông trẻ tuổi thân mến,” ông Trabb lên tiếng, trang trọng cúi
người xuống và dang rộng hai cánh tay ra, rồi tự cho phép mình chạm vào tôi
ở mé ngoài hai bên khuỷu tay, “đừng làm tôi tổn thương khi nhắc tới điều đó.
Cho phép tôi chúc mừng cậu được chứ? Cậu có thể làm ơn vào trong cửa
hàng không?”
Cậu phụ việc của ông Trabb là thiếu niên trơ tráo nhất trong vùng. Khi
tôi bước vào, cậu ta đang quét cửa hàng, và cố làm cho công việc của mình
ngọt ngào hơn bằng cách quét hắt vào tôi. Cậu ta vẫn đang cặm cụi quét khi
tôi đi vào cửa hàng cùng ông Trabb, và khua chổi vào mọi góc cạnh và
chướng ngại vật có thể gặp để thể hiện (theo như tôi hiểu) sự bình đẳng với
bất cứ anh chàng thợ rèn nào, dù còn sống hay đã chết.
“Thôi ngay tiếng ồn đó đi,” ông Trabb nói nghiêm giọng, “không ta
vặn cổ mày ra bây giờ! Mời cậu vui lòng ngồi xuống cho, quý ông trẻ tuổi.
Còn bây giờ,” ông Trabb nói, đồng thời lấy xuống một cuộn vải, trải ra trên
mặt quầy, sắp luồn bàn tay xuống đỡ bên dưới để khoe vẻ bóng bẩy của nó,
“đây là một loại vải rất tuyệt. Tôi có thể khuyên cậu may đồ bằng thứ vải
này, quý ông trẻ tuổi, vì nó quả là vô cùng tuyệt vời. Nhưng cậu có thể xem
qua những thứ hàng khác. Đưa cho ta số bốn, thằng kia!” (Câu này dành cho
cậu nhóc, và kèm theo một cái nhìn gườm gườm nghiêm khắc đến phát
khiếp; chắc ông ta đã lường trước nguy cơ cậu nhóc trâng tráo kia quẹt cuộn
vải vào tôi hay thể hiện vài cử chỉ quen thuộc khác.)
Ông Trabb không rời ánh mắt nghiêm khắc khỏi cậu ta cho tới khi cậu
phụ việc đã để cuộn vải số bốn lên quầy và lại lui ra xa một khoảng cách an
toàn. Sau đó, ông thợ may lại ra lệnh cho cậu ta mang tới loại vải số năm và
số tám. “Và đừng để ta phải trông thấy những trò hề láo khoét của mày ở
đây,” ông Trabb nói, “nếu không mày sẽ phải hối tiếc, đồ du đãng vừa nứt
mắt kia, và hôm nay sẽ là ngày dài nhất mày từng sống qua đấy.”
Nói xong, ông Trabb cúi người xuống cuộn vải số bốn và giới thiệu nó
với tôi bằng vẻ tự tin đầy lịch thiệp rằng đây là một loại vải nhẹ dùng may đồ
mặc hè, một thứ hàng đang rất được ưa chuộng trong giới quý tộc và thượng
lưu, một loại vải sẽ làm ông ta cảm thấy rất hân hạnh khi được khoác lên
người một đồng hương ưu tú (nếu ông được phép coi tôi là đồng hương).
“Mày có mang số năm và số tám lại ngay không hả, đồ ma cà bông,” tiếp
theo ông Trabb quay sang gọi cậu phụ việc, “hay ta sẽ phải tống cổ mày ra
khỏi cửa hàng rồi tự mình đi lấy vậy?”
Tôi chọn vải cho một bộ vest nhờ những lời đánh giá của ông Trabb,
rồi quay trở ra phòng tiếp khách để được lấy số đo. Vì cho dù ông Trabb đã
đo người tôi rồi, và rất hài lòng với số đo đó, lúc này ông nói như thể xin thứ
lỗi rằng những số đo trước “sẽ không thích hợp trong những hoàn cảnh hiện
tại, thưa quý ông trẻ tuổi - không hề thích hợp”. Vậy là ông Trabb đo và tính
toán số đo của tôi trong phòng tiếp khách như thể tôi là một miếng đất còn
ông ta là nhà đồ bản chu toàn nhất trên đời, và tự chuốc lấy cho mình vô vàn
phiền toái tới mức tôi cảm thấy chẳng có bộ đồ nào có thể đền đáp được công
sức ông đã lao tâm khổ tứ bỏ ra. Khi cuối cùng cũng đo xong và đã hẹn đưa
đồ tới nhà ông Pumblechook vào chiều thứ Năm, ông nói với bàn tay đặt lên
khóa cửa phòng khách, “Tôi biết, thưa cậu, là thông thường thì khó trông đợi
các quý ông trên London chiếu cố tới các thợ may bản địa; nhưng nếu thỉnh
thoảng cậu có thể dành cho tôi một cơ hội vì tình đồng hương, tôi sẽ vô cùng
trân trọng. Chúc cậu buổi sáng tốt lành, thưa quý ông, và rất hân hạnh. -
Cửa!”
Chữ cuối cùng được lẳng về phía cậu phụ việc, kẻ chẳng hề hiểu như
thế nghĩa là sao. Nhưng tôi thấy cậu ta khuỵu xuống trong khi ông chủ chu
đáo tận tay vỗ về tiễn tôi ra cửa, và trải nghiệm chắc chắn đầu tiên tôi có về
quyền lực ghê gớm của đồng tiền là việc nó đã giáng một đòn tinh thần
xuống lưng anh chàng phụ việc của ông Trabb.
Sau sự kiện đáng nhớ này, tôi đi tới hàng mũ, rồi hàng ủng, kế tiếp là
hàng bán tất, và có cảm giác khá giống con chó của Mẹ Hubbard mà bộ cánh
cho nó cần đến sự phục vụ của vô số ngành nghề*. Tôi cũng tới nhà trạm xe
ngựa đặt chỗ cho chuyến đi lúc bảy giờ sáng thứ Bảy. Không cần thiết phải
giải thích khắp nơi chuyện tôi có được một gia tài kha khá; nhưng mỗi khi tôi
đả động tới nó, tiếp theo ông chủ cửa hàng thế nào cũng thôi không còn để
tâm nhìn ra ngoài phố High nữa mà chuyển sang chăm chú vào tôi. Khi đã
đặt làm mọi thứ mình muốn, tôi đi tới nhà ông Pumblechook, và khi tới gần
cửa hàng của ông này, tôi trông thấy ông đứng trước cửa.
Ở đây tác giả nhắc tới bài đồng dao “Cuộc phiêu lưu hài hước của Mẹ già Hubbard và con chó của
bà”, lần đầu tiên được xuất bản năm 1805 tại Anh. Bà Hubbard phải ra ngoài đi hết nơi nọ tới nơi kia
mua đồ ăn, áo quần cho con chó.
Ông đang chờ tôi với dáng vẻ cực kỳ sốt ruột. Ông đã đánh xe ra ngoài
từ sớm, tạt vào chỗ lò rèn và biết tin. Ông Pumblechook đã chuẩn bị một bữa
ăn nhẹ cho tôi trong căn phòng tiếp khách từng được dành cho Barnwell, và
cũng ra lệnh cho người trông cửa hàng của mình “biến đi chỗ khác” ngay khi
con người thiêng liêng tôi đây đi qua.
“Bạn thân mến của tôi,” ông Pumblechook nói, nắm lấy cả hai bàn tay
tôi khi chỉ còn lại ông, tôi và bữa ăn nhẹ, “tôi rất mừng vì vận may của cậu.
Rất xứng đáng, rất xứng đáng!”
Những lời nói thật trúng đích, và tôi nghĩ đó quả là một cách bày tỏ
biết điều.
“Cứ nghĩ tôi chính là công cụ khiêm nhường đã dẫn tới điều này,” ông
Pumblechook nói, sau một hồi xuýt xoa bày tỏ sự ngưỡng mộ với tôi, “quả là
một phần thưởng đáng tự hào.”
Tôi khẩn khoản xin ông Pumblechook nhớ cho không được phép nói ra
hoặc bóng gió ám chỉ bất cứ điều gì liên quan tới chuyện này.
“Bạn thân mến của tôi,” ông Pumblechook nói, “nếu cậu cho phép tôi
gọi cậu như thế…”
Tôi lẩm bẩm “Chắc chắn rồi ạ,” thế là ông Pumblechook lại nắm lấy cả
hai bàn tay tôi, rồi chỉnh sửa lại áo gi lê, một cử chỉ bề ngoài có vẻ xuất phát
từ cảm xúc cho dù nom hơi thấp hèn, “Bạn thân mến của tôi, hãy yên tâm về
việc tôi sẽ làm phần bổn phận nhỏ bé của mình khi cậu vắng mặt, bằng cách
luôn nhắc nhở sự thật trước mặt Joseph. - Joseph!” ông Pumblechook nói, với
giọng điệu của một lời tuyên thệ đầy trắc ẩn. “Joseph!! Joseph!!!” Nói tới đó,
ông vừa lắc đầu vừa gõ gõ ngón tay lên đó, thể hiện cảm nhận về sự khiếm
khuyết ở Joseph.
“Nhưng bạn thân mến của tôi,” ông Pumblechook nói, “chắc cậu đói
rồi, hẳn là cậu mệt bở hơi tai rồi. Ngồi xuống đi. Đây là một con gà đã được
mua ở Boar, đây là một cái lưỡi đã được mua ở Boar, đây là một hai thứ nhỏ
nhoi đã được mua ở Boar, tôi hy vọng cậu không coi thường chúng. Nhưng
liệu có phải,” ông Pumblechook vừa nói vừa đứng bật dậy khi vừa ngồi
xuống, “tôi đang thấy trước mắt mình vẫn cậu bé tôi từng chơi cùng thời thơ
ấu hạnh phúc của cậu ấy không nhỉ? Và cho phép tôi - cho phép tôi…?”
Liệu cái “cho phép tôi” này có nghĩa là ông ấy có được phép bắt tay tôi
không? Tôi đồng ý, thế là ông ta mừng quýnh lên rồi lại ngồi xuống.
“Đây là vang,” ông Pumblechook nói. “Chúng ta hãy uống nào, cảm ơn
vận may, và mong nó luôn lựa chọn người để ban phát ân huệ dựa trên phán
xét công bằng! Dẫu vậy tôi không thể,” ông Pumblechook nói tiếp, và lại
đứng lên, “nhìn thấy trước mắt con người này - và cũng như thế uống mừng
con người này - mà không một lần nữa bày tỏ - Cho phép tôi - cho phép
tôi…?”
Tôi đáp ông có thể, và ông lại bắt tay tôi lần nữa, rồi uống cạn ly của
mình và dốc ngược nó xuống. Tôi cũng làm tương tự; và nếu tôi chổng ngược
mình lên trước khi uống, chắc rượu vang cũng không thể chạy thẳng tới đầu
tôi trực tiếp hơn thế.
Ông Pumblechook lấy cho tôi cánh gà và lát lưỡi ngon nhất (giờ thì
không có những miếng thịt lợn bạc nhạc đầu thừa đuôi thẹo nữa), và chẳng
buồn để ý tới bản thân mình nữa, nếu nói một cách tương đối. “A! Lũ gà, lũ
gà! Cậu khó có thể biết được gì nhiều” ông Pumblechook thốt lên đầy cảm
hứng nhắm vào món thịt gà trên đĩa, “về những gì sẽ đến với cậu khi còn là
một chú gà nhiếp. Cậu khó có thể biết được sẽ có lúc cậu trở thành đồ ăn
dưới mái nhà khiêm tốn này cho một người như… Hãy gọi đó là một sự yếu
đuối, nếu cậu muốn,” ông Pumblechook nói, rồi lại đứng dậy, “nhưng cho
phép tôi? Cho phép tôi?”
Tôi bắt đầu thấy không còn cần thiết cứ trả lời là ông ta có thể, vậy là
ông ngay lập tức bắt tay tôi lần nữa. Bằng cách nào ông ta có thể làm vậy liên
tục mà không làm mình bị thương vì con dao ăn của tôi thì tôi cũng chịu.
“Còn về chị cậu,” ông chủ nhà nói tiếp, sau một lát ăn thật lực, “người
đã có vinh dự nuôi cậu lớn khôn bằng tay! Thật đáng buồn khi nhớ ra chị cậu
không còn khả năng hiểu trọn vẹn vinh hạnh đó nữa. Cho phép…”
Tôi thấy ông ta lại sắp sửa sà tới tôi, vậy là tôi ngăn ông lại.
“Chúng ta sẽ uống vì sức khỏe chị ấy,” tôi nói.
“Ôi!” ông Pumblechook thốt lên, ngả lưng ra sau trên ghế, trở nên
ngưỡng mộ một cách khá ủy mị, “đó là cách ngài hiểu điều đó, thưa ngài!”
(tôi chẳng biết ngài là ai nữa, nhưng ngài đó chắc chắn không phải tôi, và ở
đó không có mặt người thứ ba nào), “đó là cách ngài hiểu những tâm hồn cao
cả, thưa ngài! Luôn sẵn lòng tha thứ và luôn nhã nhặn. Có thể,” ông
Pumblechook hạ mình nói, lật đật đặt ly rượu chưa động đến xuống rồi lại
đứng lên, “với một người tầm thường, cử chỉ này sẽ có vẻ lặp lại - nhưng cho
phép tôi…?”
Khi đạt được nguyện vọng, ông ta quay về chỗ ngồi và uống vì sức
khỏe chị tôi. “Chúng ta hãy không hề bị che mắt,” ông Pumblechook nói,
“trước những khiếm khuyết trong tính khí chị cậu, nhưng hãy hy vọng chị
cậu có ý tốt!”
Đến khoảng lúc này, tôi bắt đầu thấy khuôn mặt ông chủ nhà đỏ lựng;
còn về phần tôi, tôi có thể cảm thấy cả khuôn mặt mình ngấm đẫm vang và tê
rần.
Tôi ngỏ ý với ông Pumblechook về việc muốn quần áo mới của mình
được đưa tới nhà ông, và ông chủ nhà ngây ngất khi được tôi ban vinh dự đến
thế. Tôi đề cập tới lý do khiến tôi muốn tránh người làng nhòm ngó, và ông ta
lập tức tâng bốc nó lên tít tận trời xanh. Ông thân tình thì thầm rằng chẳng có
ai ngoài ông xứng đáng với lòng tin của tôi, và - nói ngắn gọn lại, cho phép
ông? Rồi ông chủ nhà dịu giọng hỏi liệu tôi còn nhớ trò chơi tính cộng trẻ
con hồi trước của chúng tôi, rồi chuyện chúng tôi đã đi cùng nhau tới chỗ lập
giao kèo học việc cho tôi, hoặc chuyện trên thực tế ông luôn là người tôi
ngưỡng mộ nhất, là người bạn tôi thân thiết nhất hay không? Dù hôm ấy tôi
có uống gấp mười lần số ly rượu vang đã uống, hẳn tôi vẫn biết ông chẳng
bao giờ có những địa vị ấy với tôi, và trong tim tôi vẫn phủ nhận ý tưởng đó.
Ấy thế nhưng bất chấp tất cả, tôi nhớ lúc ấy cảm thấy rất tin tưởng rằng tôi đã
hiểu lầm ông ta, và kỳ thực ông ta là một con người giàu tình cảm, thực tế và
tốt bụng hiếm có.
Vậy là dần dà ông đặt nhiều niềm tin vào tôi tới mức xin tôi cho lời
khuyên trong cả việc riêng của mình. Ông đề cập tới chuyện đang có cơ hội
thâu tóm và độc quyền buôn bán lương thực trong vùng nếu mở rộng làm ăn,
với quy mô lớn chưa từng có ở thị trấn đó hay bất cứ đâu quanh vùng. Điều
duy nhất còn thiếu để kiếm lấy một món phát tài to, theo ý ông, là Thêm Vốn.
Chỉ hai chữ nhỏ bé đó thôi, thêm vốn. Và lúc này ông (Pumblechook) thấy
rằng nếu khoản vốn này được rót vào cuộc kinh doanh, qua một cổ đông,
thưa ngài - vị thành viên góp vốn này sẽ chẳng phải làm gì hết ngoài bước
vào cửa hàng, tự mình hay nhờ người đại diện, bất cứ khi nào ông ta muốn,
và kiểm tra sổ sách - và bước vào cửa hàng hai lần mỗi năm rồi bỏ túi lợi tức,
ở mức năm mươi phần trăm - với ông chủ nhà có vẻ đây là một hướng đi hứa
hẹn cho một quý ông trẻ tuổi lại có gia sản trong tay, và quả là đáng lưu tâm.
Nhưng tôi nghĩ sao? Ông Pumblechook rất tin tưởng vào quan điểm của tôi,
và tôi nghĩ sao? Tôi liền đưa ra quan điểm như sau. “Đợi ít lâu đã!” Tầm nhìn
kết hợp cả nhìn xa trông rộng lẫn sự rành mạch này khiến ông chủ nhà ấn
tượng tới mức không còn hỏi liệu ông có thể bắt tay tôi hay không, mà nói
quả thực nhất định ông phải làm thế - và rồi cứ vậy mà bắt tay tôi.
Chúng tôi uống hết vang, và ông Pumblechook hết lần này tới lần khác
tự hứa với mình sẽ giữ để Joseph luôn đạt tiêu chuẩn (tôi chẳng biết là tiêu
chuẩn nào nữa) và phụng sự tôi một cách hữu ích và trung thành (tôi cũng
chẳng biết là phụng sự gì). Ông cũng nói với tôi lần đầu tiên trong đời tôi, tất
nhiên là sau khi đã giữ kín bí mật của mình chu đáo một cách thần kỳ, rằng
ông vẫn luôn nói về tôi, “Cậu bé đó không phải là một cậu bé tầm thường
đâu, và hãy nhớ lấy lời tôi, vận hội của cậu ấy rồi cũng không tầm thường
đâu.” Ông chủ nhà nói trong nụ cười đầy nước mắt rằng nghĩ lại câu nói ấy
lúc này quả là một cảm xúc độc nhất vô nhị, và tôi cũng đồng ý là vậy. Cuối
cùng, tôi ra khỏi nhà, với một chút nhận thức mơ hồ rằng có gì đó không bình
thường trong cách những tia nắng chiếu xuống, rồi nhận ra tôi đã nửa thức
nửa ngủ tới chỗ trạm thu phí mà chẳng để ý gì tới đường đi.
Tại đó, tôi chợt bừng tỉnh vì tiếng ông Pumblechook gọi theo tôi. Ông
đang ở cách một quãng xa về cuối con phố ngập nắng, và rối rít vẫy tay ra
hiệu bảo tôi dừng lại. Tôi dừng bước, và ông hổn hển đi tới, thở không ra hơi.
“Không, bạn thân mến của tôi,” ông nói, sau khi đã lấy lại hơi để lên
tiếng. “Không, nếu tôi có thể. Dịp này sẽ không hoàn toàn có được nếu không
có sự nhã nhặn của cậu. Cho phép tôi, như một người bạn cũ luôn muốn điều
tốt, được không? Cho phép tôi?”
Chúng tôi bắt tay, ít nhất cũng phải là lần thứ một trăm, rồi ông
Pumblechook ra lệnh cho một anh chàng phu khuân vác trẻ tuổi tránh đường
cho tôi với vẻ phẫn nộ tột bậc. Sau đó, ông cầu Chúa ban phước cho tôi và
đứng vẫy tay theo cho tới khi tôi đã đi quá khúc ngoặt trên đường; sau đó, tôi
rẽ vào một cánh đồng, ngủ một giấc dài dưới một bờ giậu trước khi tiếp tục
quay về nhà.
Tôi chẳng có mấy hành lý để mang theo lên London, vì trong những
thứ ít ỏi tôi sở hữu có rất ít thứ phù hợp với vị thế mới của tôi. Nhưng tôi bắt
đầu gói ghém đồ đạc ngay chiều hôm ấy, và hối hả sắp xếp mọi thứ tôi biết
mình sẽ cần tới sáng hôm sau trong tâm trạng giả tưởng là tôi không còn một
giây nào để lãng phí.
Cứ như thế, thứ Ba, thứ Tư và thứ Năm trôi qua; và đến sáng thứ Sáu,
tôi tới nhà ông Pumblechook để mặc quần áo mới rồi tới thăm cô Havisham.
Căn phòng riêng của ông Pumblechook được dành cho tôi thay đồ, và trong
phòng bày sẵn những tấm khăn tắm sạch tinh dành riêng cho dịp này. Tất
nhiên là những món quần áo mới này nói chung đều gây thất vọng. Chắc hẳn
mọi món trang phục mới được háo hức chờ đợi từng được thử qua kể từ khi
quần áo xuất hiện đều ít nhiều không được như kỳ vọng của người mặc.
Nhưng sau khi mặc lên người bộ vest mới được chừng nửa giờ đồng hồ, và
đã ngắm qua ngắm lại ở vô vàn tư thế góc độ trước cái gương bàn nhỏ xíu
của ông Pumblechook trong nỗ lực vô vọng để cố trông thấy hai chân mình,
bộ đồ có vẻ đã vừa vặn với tôi hơn. Vì hôm ấy là sáng chợ phiên ở thị trấn
bên cạnh cách đó chừng mười dặm, ông Pumblechook không có nhà. Tôi
không nói chính xác với ông tôi định khi nào sẽ về, và rất có thể sẽ không bắt
tay ông thêm lần nữa trước khi ra đi. Tất cả đều đúng như nên thế, và tôi rời
khỏi ngôi nhà trong bộ đồ mới, vừa sợ sệt vừa xấu hổ khi phải đi qua trước
mặt người coi cửa hàng, không khỏi ngờ vực rằng tôi đang ở vào tình thế
không mấy thuận lợi, tương tự như Joe trong bộ đồ ngày Chủ nhật.
Tôi đi vòng vèo tới nhà cô Havisham theo đủ mọi đường hẻm ngách
hẹp, và rung chuông khá gượng gạo vì những ngón tay dài cứng đơ của đôi
găng tôi đang đi. Sarah Pocket ra cổng, và thực sự ngỡ ngàng lùi lại khi bà ta
thấy tôi thay đổi nhiều đến thế; khuôn mặt như vỏ quả óc chó của bà ta cũng
thay đổi tương tự từ màu nâu sang xanh lục rồi vàng.
“Là mày sao?” bà ta thốt lên. “Là mày? Lạy Chúa lòng lành! Mày
muốn gì hả?”
“Cháu sắp lên London, cô Pocket ạ,” tôi nói, “nên muốn chào tạm biệt
cô Havisham.”
Rõ ràng tôi không được trông đợi, vì bà ta bỏ mặc tôi ngoài sân trước
cánh cổng khóa trái trong khi đi hỏi xem liệu tôi có được cho vào không. Sau
một lát chờ đợi, bà ta quay lại và dẫn tôi vào, không ngừng nhìn tôi chằm
chằm suốt dọc đường.
Cô Havisham đang tập đi trong căn phòng có cái bàn dài, tì người lên
cây can chống. Căn phòng vẫn được thắp sáng như dạo trước, và khi nghe
thấy tiếng chúng tôi bước vào, bà dừng chân rồi quay lại. Lúc ấy bà vừa đến
ngang chỗ cái bánh cưới đã vữa nát.
“Đừng đi, Sarah,” bà nói. “Thế nào, Pip?”
“Cháu sắp lên London, cô Havisham, vào ngày mai,” tôi rất thận trọng
với từng lời nói ra, “và cháu nghĩ cô sẽ không phiền việc cháu tới chào tạm
biệt.”
“Trông cháu thật sáng sủa, Pip,” phu nhân nói, vung vẩy cây can khắp
quanh người tôi, như thể bà là bà tiên đỡ đầu đã biến hóa tôi, đang phất đũa
một lần cuối là hoàn tất.
“Cháu đã gặp được vận hội may mắn này kể từ sau lần cuối cùng gặp
bà, thưa cô Havisham,” tôi lí nhí. “Và cháu rất biết ơn vì điều đó, thưa cô
Havisham!”
“À, à!” bà nói, thích thú đưa mắt nhìn Sarah đang chưng hửng đầy
ghen tị. “Ta đã gặp ông Jaggers. Ta đã nghe nói tới chuyện này, Pip. Vậy là
mai cháu đi à?”
“Vâng, thưa cô Havisham.”
“Và cháu được một người giàu có nhận nuôi?”
“Vâng, thưa cô Havisham.”
“Không biết tên?”
“Không, thưa cô Havisham.”
“Và ông Jaggers được cử làm người giám hộ cho cháu?”
“Vâng, thưa cô Havisham.”
Phu nhân có vẻ rất khoái những câu hỏi đáp này, vô cùng hứng khởi
trước vẻ phiền muộn đầy ghen tức của Sarah Pocket. “Được!” bà nói tiếp,
“cháu có một tương lai đầy hứa hẹn trước mắt đấy. Hãy đàng hoàng - xứng
đáng với nó - và nghe theo những lời chỉ bảo của ông Jaggers.” Bà nhìn tôi,
rồi nhìn Sarah, và bộ dạng Sarah làm bừng nở trên khuôn mặt đang quan sát
kỹ lưỡng của bà một nụ cười tàn nhẫn. “Tạm biệt, Pip! - cháu sẽ luôn giữ cái
tên Pip, cháu biết đấy.”
“Vâng, thưa cô Havisham.”
“Tạm biệt, Pip!”
Bà chìa bàn tay ra, còn tôi quỳ gối xuống đưa nó lên môi. Tôi đã không
nghĩ tới việc nên từ biệt bà thế nào; và hành động này đến với tôi thật tự
nhiên vào lúc ấy. Phu nhân nhìn Sarah Pocket với vẻ đắc thắng sáng lên trong
đôi mắt kỳ lạ, và tôi đã từ biệt bà tiên đỡ đầu của mình như thế, trong khi cả
hai tay bà nắm lấy cây can chống, đứng giữa căn phòng chiếu sáng tù mù
cạnh cái bánh cưới đã vữa nát bị phủ kín dưới lớp mạng nhện.
Sarah Pocket dẫn tôi xuống nhà, như thể tôi là một hồn ma cần được
đưa ra ngoài. Bà ta vẫn chưa làm quen được với vẻ bề ngoài của tôi, và có vẻ
bối rối cực độ. Tôi nói, “Tạm biệt, thưa cô Pocket”; nhưng bà ta chỉ đứng đó
nhìn trừng trừng, và dường như chưa đủ định thần để biết tôi vừa nói. Rời
khỏi ngôi nhà, tôi cố đi thật nhanh về nhà ông Pumblechook, cởi bộ đồ mới
ra, dồn thành một đống, rồi mặc bộ đồ cũ quay về nhà, và phải thú thật là tôi
thấy thoải mái hơn nhiều khi mặc nó trên người, dù phải vác thêm một bọc
quần áo nữa.
Và giờ đây, sáu ngày tưởng chừng phải trôi qua chậm lắm đã qua đi
thật nhanh và kết thúc, ngày mai đang chào đón tôi sẵn sàng hơn nhiều so với
mức tôi có thể chào đón nó. Khi sáu buổi tối cuối cùng dần giảm xuống còn
năm, rồi bốn, rồi ba, rồi hai, tôi ngày càng thấy trân trọng sự bầu bạn với Joe
và Biddy hơn. Vào buổi tối cuối cùng này, tôi diện lên mình bộ đồ mới trong
sự hân hoan của hai người họ, rồi giữ nguyên bộ dạng huy hoàng ấy cho tới
tận giờ lên giường đi ngủ. Vào tối hôm ấy, chúng tôi ăn một bữa tối toàn món
nóng, có món gà nướng không thể thiếu, và để kết thúc bữa, chúng tôi uống
món bia trộn rượu pha đường hâm nóng. Tất cả chúng tôi đều rất trầm lắng,
và việc giả bộ đang phấn khởi cũng chẳng làm ai hồ hởi lên được.
Tôi sẽ rời khỏi ngôi làng của chúng tôi vào lúc năm giờ sáng, mang
theo cái va li xách tay nhỏ của mình, và tôi đã nói với Joe là tôi muốn ra đi
một mình. Tôi sợ - một cách đau khổ - rằng ý tưởng này xuất phát từ cảm
nhận về sự tương phản giữa tôi và Joe, nếu chúng tôi đi cùng nhau tới chỗ xe
trạm. Tôi đã giả bộ với chính mình rằng trong quyết định đó hoàn toàn vắng
bóng vết nhơ này; nhưng khi tôi leo lên căn phòng nhỏ xíu của mình vào buổi
tối cuối cùng này, tôi cảm thấy buộc phải thừa nhận rất có thể đúng là như
thế, và bị thôi thúc muốn quay xuống dưới nhà nài nỉ Joe đi cùng tôi sáng
hôm sau. Tôi đã không làm thế.
Suốt đêm, những cỗ xe ngựa trạm liên tục xuất hiện trong giấc ngủ
chập chờn của tôi, chạy tới sai chỗ thay vì đến London, và thắng vào những
cỗ xe ấy lúc là chó, lúc lại là mèo, có lúc lại là lợn, thậm chí người - nhưng
không bao giờ là ngựa. Những tai họa tưởng tượng xảy đến cho chuyến đi ám
ảnh tôi cho tới tận lúc rạng ngày và lũ chim bắt đầu hót. Lúc đó, tôi đứng dậy,
quần áo vẫn đang mặc dở dang, tới ngồi xuống chỗ cửa sổ để nhìn ra ngoài
lần cuối, và rồi ngủ thiếp đi.
Biddy dậy rất sớm để chuẩn bị bữa sáng cho tôi, thế nên, cho dù tôi chỉ
ngủ thiếp đi bên cửa sổ chưa đến một giờ đồng hồ, tôi lập tức ngửi thấy mùi
khói bếp khi giật mình choàng tỉnh với ý nghĩ kinh hoàng hẳn lúc ấy đã là
cuối buổi chiều. Nhưng thật lâu sau đó, rất lâu sau khi tôi nghe thấy tiếng
những cái cốc uống trà va chạm lách cách và đã chuẩn bị khá sẵn sàng, tôi
vẫn trù trừ chưa thể quả quyết đi xuống nhà. Nói tóm lại, tôi vẫn ở trên đó,
không ngớt mở ra đóng vào cái va li của mình, cho tới khi Biddy gọi tôi báo
tôi đã muộn giờ.
Bữa sáng diễn ra cuống cuồng vội vã chẳng đem đến mùi vị gì. Tôi
đứng dậy khỏi bàn ăn, nói với vẻ khẩn trương như thể điều đó tôi mới vừa
chợt nghĩ tới, “Thế đấy! Em nghĩ chắc em phải đi thôi!” rồi tôi hôn chị tôi,
lúc ấy chị ngồi trên cái ghế quen thuộc của chị, vừa cười vừa gật đầu vừa lắc
đầu, rồi hôn Biddy, sau đó đưa hai cánh tay ôm choàng lấy quanh cổ Joe. Sau
đó, tôi xách cái va li nhỏ lên và bước ra khỏi nhà. Lần cuối cùng tôi nhìn họ,
đó là khi tôi nghe thấy tiếng lịch bịch sau lưng và ngoái đầu lại nhìn, tôi thấy
Joe đang ném một chiếc giày cũ theo sau tôi, và Biddy cũng ném một chiếc
giày cũ khác. Lúc ấy tôi dừng bước, cầm mũ lên vẫy vẫy, và Joe thân yêu vẫy
cánh tay phải mạnh mẽ lên thật cao quá đầu, hét lên khàn khàn, “Huuraaa!”,
còn Biddy kéo tạp dề lên mặt.
Tôi rảo bước đi khá nhanh, thầm nghĩ việc ra đi kỳ thực dễ dàng hơn
những gì tôi hình dung, và cảm thấy sẽ thật không ổn chút nào nếu để diễn ra
cảnh một chiếc giày cũ được ném theo xe trạm trước mắt cả phố High. Tôi
huýt sáo và làm như thể không có gì xảy ra. Nhưng ngôi làng thật bình lặng
và yên tĩnh, và màn sương mù nhẹ đang nghiêm trang tan dần, như thể để cho
tôi nhìn thấy thế giới, và tôi đã thật ngây thơ nhỏ bé ở đó, trong khi mọi thứ
nằm phía trước thật xa lạ và lớn lao, đến mức trong một khoảnh khắc, tôi nấc
lên rồi trào nước mắt. Chuyện đó xảy ra ở ngay chỗ bàn tay chỉ đường nằm
ngoài rìa làng, và tôi áp bàn tay lên nó, thì thầm, “Tạm biệt, bạn của tôi, bạn
thân mến của tôi!”
Chúa biết chúng ta chẳng bao giờ phải cảm thấy xấu hổ vì những giọt
nước mắt của mình, vì chúng là mưa rơi xuống lớp bụi mù trên mặt đất, phủ
lên những trái tim nặng nề của chúng ta. Khóc rồi tôi cảm thấy dễ chịu hơn -
phiền muộn hơn, cảm nhận được rõ hơn sự vô ơn của chính mình, trở nên
hiền hòa hơn. Nếu tôi khóc từ trước, chắc lúc ấy tôi đã có Joe bên cạnh mình.
Những giọt nước mắt ấy, cũng như sự trở lại của chúng trong chuyến đi
bộ lặng lẽ, đã làm tôi ân hận tới mức khi đã lên xe trạm và cỗ xe cũng đã rời
khỏi thị trấn, tôi bồn chồn tự hỏi với trái tim đau nhói liệu tôi có nên xuống
xe khi người ta thay ngựa và đi bộ trở lại, trải qua thêm một buổi tối nữa ở
nhà, rồi chia tay tử tế hơn trước khi ra đi hay không. Chúng tôi dừng lại thay
ngựa, và tôi vẫn chưa thể quyết định, vẫn còn lý luận để tự dỗ dành mình
rằng hoàn toàn có thể xuống xe đi bộ trở lại vào lần thay ngựa tiếp theo. Và
trong thời gian bận bịu với cuộc tranh luận ấy, có lúc tôi đã tưởng tượng một
người đàn ông nào đó đi dọc đường về phía chúng tôi hình như chính là Joe,
và tim tôi chợt đập rộn lên. - Cứ như thể anh có thể thực sự có mặt ở đó!
Chúng tôi lại thay ngựa, rồi thêm lần nữa, nhưng vẫn chưa quá muộn
và quá xa để quay trở lại, và tôi cứ thế đi tiếp. Và màn sương mù đến giờ đã
nghiêm trang tan hết hoàn toàn, còn thế giới nằm trải rộng trước mắt tôi.
KẾT THÚC PHẦN THỨ NHẤT
NHỮNG TRIỂN VỌNG HƯỞNG GIA TÀI CỦA PIP.