Số lần đọc/download: 1745 / 23
Cập nhật: 2016-12-10 10:33:18 +0700
Chương 4
T
ôi không có ý tưởng rõ rệt làm thế nào để đi tới Mudon - tôi cứ cắm đầu đi về hướng Nam, vượt núi và băng thung lũng. Thế rồi tôi tới một vùng đồng bằng chi chít làng mạc.
Tôi có cảm tưởng như đang đi, đi mãi đi hoài, qua một cánh đồng lúa êm ả, thanh bình. Đây không còn là vùng đất của đám mọi man rợ nữa, mà là khu vực của một nền văn minh siêu việt và cổ kính. Đó đây nông dân đang dùng trâu cày ruộng. Lúc con trâu, bắt đầu nhích bước, những con chim sáo trắng bạch thường sà xuống đậu ngay trên lưng và sừng. Nhưng chúng lại sợ sệt mà bay đi cứ mỗi lần con trâu tới bờ ruộng bên kia và người nông phu quay cái cày.
Có lần, lúc tôi đang đi trên đường, một làn gió mát lạnh chợt thổi tới và bầu trời bỗng dưng phủ đầy mây đen kịt. Những con chim sáo đang tung cánh trong gió trông chẳng khác gì những chiếc lông tơ. Thế rồi mưa ập tới. Mưa ở Miến Điện khủng khiếp. Trước khi nhận ra tôi đã bị làn tia nước dày vây kín. Chẳng thể thở được - tôi cảm thấy dường như đang bơi trong nước.
Sau một lúc mưa ngừng rơi và bầu trời trở nên quang đãng. rồi trong nháy mắt quang cảnh hóa ra tươi sáng và một cái cầu vồng lớn bắc qua bầu trời. Sương mờ tan biến thật như thể một tấm màn đã được vén lên. Và ở đó dưới cây cầu vồng, nông dân đang ca hát và lại đang cày ruộng.
Tại những làng này, cứ mỗi khi tôi dừng lại niệm kinh ở trước cửa nhà họ, dân chúng thường hảo tâm đem cho tôi của bố thí. Đôi khi tôi nghỉ lại trong một ngôi chùa. Nhưng tại bất kỳ chùa nào, do tấm băng tay, tôi cũng được đón tiếp ân cần, niềm nở đến độ tôi đâm ra khó chịu, vì lẽ tôi chẳng hiểu gì tục lệ và tác phong của nhà chùa. Tuy nhiên, xứ này có đủ loại tu sĩ Phật giáo. Có người tu sám hối tịnh khẩu cả đời không nói một lời nào, hoặc treo thân trên cây hàng năm hoặc hành động điên rồ - bất kể cái gì dù cho có kỳ cục đến đâu, để hành hạ thể xác. Họ sẽ chấp nhận bất kỳ khổ hạnh nào để hoàn thành sự giải thoát. Có người lại còn trần truồng bò qua mặt tuyết trên núi Hy Mã Lạp Sơn. Thật là một điều kỳ lạ dân chúng miền Nam này mới hăng say phấn đấu để tự giải thoát khỏi dây ràng buộc trần thế và đạt tới sự siêu thoát ra làm sao. Phần lớn tôi vượt qua được tất cả bằng cách giữ im lặng như thể đang thực tập những sắc giới khổ hạnh. Lại nữa, người Miến Điện không dòm ngó việc của người lạ, và như thế một người cải trang làm tu sĩ có thể đi bất cứ nơi nào cũng không ai nghi ngờ gì cả.
Ấy thế mà tôi vẫn gặp chán lúc không may,
Có lần tôi vào một làng đang rền vang tiếng gồng, tiếng trống tiếng đàn.Trời vừa nhá nhem tối đám dân làng nóng lòng sốt ruột ấy đã thay quần áo và mặc những cái sà-rông đẹp nhất, rồi gài hoa lên tóc và ùa chạy ra khỏi nhà như nước chảy.
Đêm ấy người ta tổ chức một thứ vũ kịch gọi là pwè. Vào những dịp như thế này một đoàn thiếu nữ ăn mặc lộng lẫy thường nhảy múa cho đến tảng sáng, uốn éo, vặn vẹo thân hình một cách mềm mại theo nhịp tiếng đàn. Trong giờ nghỉ giữa các điệu vũ, người ta thường đóng kịch. Vũ kịch pwè đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ và là một môn giải trí ưa chuộng của dân Miến Điện.
"Bạch Thày, rước Thày ra xem vũ kịch của chúng con" một người trong đám dân làng nói với tôi.
Tôi từ chối phắt ngay: "Trong lúc sám hối... không có giải trí."
Liền sau đó một người khác đi lên và nói với tôi: "Bạch Thày, cũng có một đám tang nữa. Xin mời Thày tới."
Lần này tôi không thể làm sao mà từ chối cho được. Họ dẫn tôi tới một khoảng đất trống tại ven làng và tôi thấy, vũ kịch pwè đã bắt đầu rồi. Tiếng nhạc, tiếng cười vang lên vui vẻ. Các cô con gái trẻ măng đang hát và nhảy múa trong ánh hoàng hôn, lặp đi lặp lại những dáng điệu tương tự.
Tôi ngồi vào chỗ người ta chỉ cho tôi. Kể cũng kỳ cục ai đời làm lễ ma chay trong khung cảnh vui tươi ồn ào như thế bao giờ; tuy nhiên tôi không thể hỏi han gì về điều này. Các tu sĩ Miến Điện cũng đang ngồi đó. Tôi ngồi sau họ và bắt chước mỗi thứ họ làm.
Vũ kịch pwè càng lúc càng trở nên linh động và khán giả thưởng thức say mê. Thế rồi một chiếc xe trang hoàng rực rỡ xuất hiện, do một nhóm thanh niên nét mặt tươi cười hớn hở kéo lại gần chỗ những vũ công. Chiếc xe chở một cái nhà táng cao ngất trang hoàng từ trên xuống dưới bằng những bao hương lòe loẹt, những hình nhân và những con voi bằng giấy bản.
Thế rồi người ta phóng hỏa chiếc xe, những miếng giấy màu bốc lửa bay tứ tung lên các đám mây đang lóe rực trong ánh hoàng hôn. Trước cảnh ấy mọi người hoan hô một cách sung sướng.
Người ta bắt đầu diễn kịch bên dưới cái nhà táng đang bốc lửa. Một thần linh có cánh xuất hiện, kéo một nàng công chúa từ trong bông sen ra, dậy phép quỷ thuật cho chàng hoàng tử đang tìm kiếm nàng và vân vân. vở kịch khiến tôi liên tưởng tới một vở kịch câm của trẻ con.
Tôi đang phân vân tự hỏi không biết khi nào thì tang lễ bắt đầu. Có điều chắc là nếu nói điều gì thì tôi để lộ mất chân tướng của mình, vì thế tôi cứ tiếp tục bắt chước các tu sĩ ngồi phía trước, chắp hai tay mà niệm và khe khé lẩm bẩm trong miệng.
Đến lúc toàn thể cái nhà táng đã cháy hết, dân chúng múc tro than khỏi lòng chiếc xe, và bỏ vào đó đủ thứ vật trang sức xinh đẹp. Sau đó, một người đưa cho mỗi vị sư chúng tôi một cái gì giống đôi đũa dài.
"Rước các thày lại”, người ấy vừa nói vừa dẫn chúng tôi đi về phía trước. Tôi đi theo các vị sư kia.
Khi tro than đã được múc hết đi rồi, tôi nhìn thấy những phần cháy dỡ của một thứ hộp lớn, trong đó những cái xương của một xác người đã bị hỏa thiêu đang nằm chìm sâu dưới những vật trang sức bằng vàng, bằng bạc và các bông hoa thơm ngát. Chiếc xe tươi tắn thực ra là một giàn hỏa thiêu. Sau một vài thúc đẩy, tôi góp một tay dùng que cặp nhấc những cái-xương ra.
Không xa chỗ ấy, vũ kịch pwè đang diễn thật hào hứng. Tất cả các nữ vũ công đều vừa giơ tay lên, uốn éo thân hình vừa hát đi hát lại điệu nhạc đều đều vui vui của một bài tình dao bi thiết. Nhạc từ những nhạc cụ gõ, nhạc cụ gió và nhạc cụ dây hòa vào làn không khí chiều hôm và lan đi bất tận qua thôn làng. Vũ điệu và đám tang hình như thích thú như nhau.
Sau này tôi mới biết người Miến Điện không sợ chết. Con người cần phải chết, và sự chết là phương tiện vượt thoát những đam mê trần giới và quay trở về với nguồn gốc của cuộc đời. Khi một người chết ở xứ Miến Điện này dân chúng sẽ tụ tập xung quanh và kể cho người ấy biết tất cả những việc làm tốt đẹp của người ấy ở trong quá khứ, tin tưởng rằng đức Phật sẽ dẫn dắt người ấy tới một thế giới tốt đẹp hơn. Và vì thế, đám tang đã thực sự trở thành một bữa tiệc chia tay vui vẻ.
Lúc tôi đang nhấc các chiếc xương ra, có người nhìn thấy cái băng đeo tay của tôi. Vì rất hiếm khi nom thấy một ông sư chức sắc cao như thế tại một làng quê tôi liền được dẫn tới chỗ ngồi danh dự và được yêu cầu khai kinh.
Lại một điều trớ trêu khác! Tuy nhiên tôi đã xoay sở vượt qua được nhờ dùng một mưu kế trước đây đã có lần rất hiệu quả trong trường hợp tương tự. Bất thình lình, tôi khoanh chân bằng tròn lại trong tư thế trầm tư, hít một hơi thở và rồi ngồi bất động không thở nữa như thể đang đắm mình trầm tư mặc tưởng. Tôi ngồi trong tư thế ấy một lúc lâu, làm như điếc, như câm và như mù. Dân làng hẳn phải cho rằng vị sư thánh thiện ấy đã nhận ánh sáng thiên khải nào đó và đang đắm mình vào nguồn suy tư sâu sắc, tâm trí đã bay tới một thế giới xa xôi. Họ để mặc tôi làm theo ý mình.
Dù đi tới đâu mình cũng nhận thấy người Miến Điện hình như có vẻ sung sướng. Họ sống và chết tươi cười. Tất cả những lo âu của thế giới đều phó thác cho đức Phật trong lúc họ sống hàng ngày, làm ruộng cày sâu cuốc bẩm, ca hát khiêu vũ mà lòng không hề ích kỷ hoặc tham lam.
Miến Điện là một xứ thanh bình. Tuy yếu và nghèo, song xứ này có hoa, nhạc,nhẫn nhục, ánh nắng, hình ảnh đức Phật và những nụ cười.