Số lần đọc/download: 7574 / 93
Cập nhật: 2016-08-01 22:05:00 +0700
Chương 18
M
i-rô-nốp và Lu-ga-nốp chưa kịp báo cáo cặn kẽ cho đại tá Xcơ-vô-re-xki về kết quả cuộc hỏi cung Trê-nhi-a-ép thì đã có điện Mát-xcơ--va gọi. Mi-rô-nốp vội cầm ống nghe. Anh nhận ngay ra tiếng của thiếu tướng Va-xi-li-ép.
Cuộc nói chuyện kéo dài bất thường. Không những thiếu tướng chỉ chăm chú nghe báo cáo về thái độ mới đây của Trê-nhi-a-ép mà còn hỏi tỷ mỉ về các biện pháp đã được áp dụng trong quá trình điều tra. Ông căn vặn về các chứng cớ và hiện tượng, thậm chí cả những chi tiết cụ thể. Về thái độ của Trê-nhi-a-ép, ông đã nhận rõ hết tính chất nghiêm trọng của nó, tuy nhiên, cũng như Mi-rô-nốp, ông cho rằng chưa thể tin hoàn toàn vào lời khai của tội phạm được.
-- Cô-nhi-lê-va, -- Xê-men Pha-đê-ê-vích lẩm bẩm. -- Cô-nhi-lê-va... Vai trò cô này, các anh chưa xác định rõ được. Quả là nhiều mâu thuẫn trong đời tư của cô gái xấu số ấy: một mặt, đó là những nét bình thường về tư cách qua lời nhận xét của Xa-đốp-xki và của những người khác kể cả bà Na-vơ-rô-xcai-a, những lời nhận xét rất tốt đẹp trong thời gian ở đội du kích, nhưng mặt khác còn có nhiều điều khó hiểu như việc tại sao cô ta lại bí mật đổi họ thành Vê-lít-cô, mẩu giấy bí hiểm dấu trong lần lót áo và bây giờ lại là những hoạt động gián điệp. Không phải chỉ là hoạt động gián điệp đơn thuần mà còn cả âm mưu cưỡng bức chồng là Trê-nhi-a-ép nữa. Việc này những loại gián điệp thường không thể làm được. Mà cô ta lôi kéo Trê-nhi-a-ép vào tròng thật khéo léo và rất có tài nghệ đấy. Không, bộ mặt thật của Cô-nhi-lê-va còn phức tạp lắm, còn mất nhiều công sức mới làm sáng tỏ được. Hơn thế nữa, -- thiếu tướng đề ra câu hỏi khác, -- trong bản báo cáo, anh có viết rằng: Lu-ga-nốp sau khi đến gặp bà Na-vơ-rô-xcai-a đã xác nhận hình như Cô-nhi-lê-va còn có người anh thì phải. Các anh đã cho tìm kiếm người này chưa? Hiện nay anh ta ở đâu?
-- Chúng tôi đã tìm rồi, -- Mi-rô-nốp trả lời. -- Anh ta hiện ở An-ma-A-ta. Tuy biết vậy nhưng chưa gặp anh ta được. Tại sao lại như vậy? Vì rằng xét về toàn bộ mối quan hệ chúng tôi thấy là đã lâu lắm anh ta không hề gặp Cô-nhi-lê-va. Họ xa nhau từ bé. Hiện nay, họ cũng chả có liên lạc gì với nhau... Quan hệ của họ từ lâu đã rất lạnh nhạt...
-- Sao lại thế được. -- Thiếu tướng cắt ngang lời Mi-rô-nốp. -- Anh em bao giờ chả là anh em. Anh ta hiện là người thân thiết nhất trong số những người ruột thịt còn lại. Các anh có thể bảo đảm với tôi là sau khi anh ruột Cô-nhi-lê-va bỏ đi khỏi Vô-rô-ne-giơ thì họ không gặp hoặc không viết thư từ gì cho nhau cả không? Ít ra cũng mấy năm gần đây. Chả có lẽ như vậy được. Tức là, giờ đây các anh phải khẳng định cho bằng được rằng, anh ta có biết cô em gái ở đây. Phải tận dụng mọi mắt xích, không được bỏ qua hay xem thường bất cứ một khâu nào, phải kiên nhẫn tìm tòi và lùng sục để xác minh và tìm cho ra tông tích của Cô-nhi-lê-va.
Còn Trê-nhi-a-ép, -- thiếu tướng tiếp tục. -- Tôi hoàn toàn không thể tin là ông ta đã nói hết những gì có thể nói được. Tôi nghĩ, các anh đã nhận định đúng. Riêng ý kiến tôi: tôi cho là vai trò của ông ta ở đây không phải tầm thường. Tôi nghĩ không những Cô-nhi-lê-va định lôi cuốn, mà cô ả đã lôi cuốn được ông ta vào hoạt động gián điệp; và Trê-nhi-a-ép không những đã tự giác hành động mà còn có vẻ tích cực hơn nữa cơ đấy. Mặc dầu điều này ông ta còn dấu chưa nói ra. Hơn thế, tôi cho rằng không thể loại trừ khả năng: Cô-nhi-lê-va đã giới thiệu Trê-nhi-a-ép với "sếp" hoặc với một đại diện nào đó của cấp trên. Có thể, sau khi thủ tiêu xong Cô-nhi-lê-va, ông ta vẫn còn tiếp tục hoạt động một mình. Điều chính yếu bây giờ là: phải đứng vững trên một quan điểm kiên định và nghiêm chỉnh để suy nghĩ phân tích thì vấn đề sẽ rất dễ hiểu. Các sự kiện như: bản thông báo, ống máng nước, âm mưu ám hại Xa-vê-li-ép và tấm thảm mới, chả phải là tự nhiên từ đâu đến mà chính là có liên quan với nhau cả. Việc giết Cô-nhi-lê-va chưa chắc đã phải do ý định cá nhân mà cũng có thể là để thực hiện một nhiệm vụ được giao. Ta đã rõ, Cô-nhi-lê-va đã mua được Trê-nhi-a-ép cho chúng và tác dụng của cô ta đã hết nên chúng đã loại cô ta ra ngoài cuộc chơi. Cô ta chỉ là một mắt xích thừa. Đối với bọn gián điệp Mỹ, Anh và bất cứ bọn gián điệp đế quốc nào khác, đấy là một việc rất bình thường trong quan niệm sự dụng tay sai. Đối với chúng, con người chả có giá trị gì cả. Tất cả những điều này mặc dầu hiện giờ mới chỉ là giả thuyết nhưng cũng có thể là sự thật. Từ đó ta có thể rút ra kết luận là: cần phải làm việc nhiều hơn nữa, phải suy nghĩ, phải hỏi cung thật kiên trì và thông minh đối với Trê-nhi-a-ép cho đến khi đạt được sự thú nhận đầy đủ. Đừng có ngồi mà chờ ở lòng tự giác, thành khẩn của hắn ta. Chà, còn một việc nữa tôi suýt quên: các anh đã nghiên cứu kỹ quá khứ Trê-nhi-a-ép chưa? Đã phân tích đầy đủ về thực chất của ông ta chưa? Có thể trong khi phân tích, nghiên cứu quá khứ của ông ta, các anh sẽ phát hiện thêm những điều gì đó có thể làm cơ sở để hỏi xem: tại sao Trê-nhi-a-ép lại là mục tiêu, là điểm được chọn của chúng nếu như đúng là ông ta đã bị mua chuộc thực sự?
-- Thưa đồng chí thiếu tướng, -- Mi-rô-nốp đáp, vẻ bối rối, -- chúng tôi đã xem và tìm hiểu kỹ về quá khứ Trê-nhi-a-ép rồi. Đã đọc lý lịch, bản khai tiểu sử, hỏi các cơ quan an ninh về tư cách, đạo đức Trê-nhi-a-ép. Tất cả những nơi mà Trê-nhi-a-ép làm việc trước đây đều trả lời đầy đủ và đều nhận xét tốt về ông ta. Những chi tiết, những điều đáng nghi vấn theo như đồng chí gợi ý đều không có...
-- Hỏi với lại đáp, "lý lịch cá nhân", "tiểu sử"! -- Thiếu tướng xẵng giọng ngắt lời và Mi-rô-nốp như hình dung được những ngón tay của Xê-men Pha-đê-ê-vích run run, gõ liên hồi xuống mặt bàn. -- Thế còn những người, những người quen biết Trê-nhi-a-ép năm mươi năm trước đây, trong và trước thời gian chiến tranh thì các anh đã tìm đến chưa? Đã gặp để hỏi chuyện họ chưa?
-- Chưa, đồng chí Xê-men Pha-đê-ê-vích ạ, -- An-đrây thành thực và xấu hổ nhận lỗi, -- việc này chúng tôi chưa làm được! Chưa kịp làm ạ.
-- Đấy, nhiệm vụ các anh là ở đấy, -- thiếu tướng dịu giọng. -- Phải tìm cho được những người này, hỏi chuyện họ về tư cách và quá trình của Trê-nhi-a-ép, phải nghiên cứu toàn diện và liên tục bước đường đã đi của Trê-nhi-a-ép. Để giải quyết nhiệm vụ này, chúng tôi sẽ giúp các anh một phần. Chúng tôi sẽ tìm hộ các anh một số người có quen biết với ông ta, đã từng sống và làm việc với ông ta ở Mát-xcơ-va. Chúng tôi làm việc này dễ hơn. Vậy Trê-nhi-a-ép đã ở Crai-xcơ bao lâu? Hai năm, hả?
-- Khoảng như vậy, -- Mi-rô-nốp khẳng định. -- Hơn một ít. Trước khi về Crai-xcơ ông ta đã ở Xa-ra-tốp. Cũng khoảng trên dưới hai năm. Trước đó nữa thì ở U-ran, Trung Á và U-crai-na. Từ sau chiến tranh đến nay, ông ta cứ luôn lang thang như vậy. Nghề nghiệp ông ta nó thế, nghề xây dựng mà lại.
-- Nghề xây dựng à? Đúng, nhà xây dựng, kiến trúc sư... -- Thiếu tướng im lặng một lát, rồi tiếp. -- Thế anh thấy điều gì đáng chú ý trong này không: di chuyển và lại di chuyển. Kỹ sư xây dựng, đúng, nhưng làm gì đến nỗi cứ hai năm phải di chuyển một lần? Đáng chú ý đấy chứ hả? Thế sau chiến tranh Trê-nhi-a-ép đã đến Xi-bi-ri chưa? Hình như anh đã biết rằng, quê ông ta ở đâu vùng ấy phải không?
-- Sau chiến tranh Trê-nhi-a-ép không làm việc ở Xi-bi-ri, -- Mi-rô-nốp trả lời, -- nhưng cũng có thể là đã về đấy, trong những chuyến đi phép hoặc đi công tác. Báo cáo thiếu tướng, quả là chúng tôi chưa để ý kiểm tra chi tiết này.
-- Đấy, các anh thấy chưa, -- thiếu tướng sôi nổi nói, -- các anh phải kiểm tra ngay các vấn đề này. Chúng ta quyết định thế này nhé: tôi sẽ cho tìm những người quen biết cũ của Trê-nhi-a-ép, đã làm việc với ông ta vào những năm trước và trong chiến tranh. Khi đã có những hồ sơ cần thiết, chúng ta sẽ gặp họ để nói chuyện... và bây giờ, -- thiếu tướng im lặng một lát rồi tiếp, -- đến lượt Vôi-xê-khốp-xcai-a. Cần phải điều tra và bám cô này lập tức. Có thể đây cũng chưa phải là mắt xích cuối cùng trong chuỗi dây xích đâu. Cần phải làm gì? Phải bắt đầu từ đâu -- đấy là vấn đề cần phải đặt ra ngay. Có nên bố trí để anh tự làm quen với cô ta chăng? Tất nhiên là phải tìm cách tạo ra một cái cớ có vẻ hợp lý và tự nhiên nào đó để tiếp xúc với cô ta. Anh suy nghĩ xem và báo cáo cho tôi biết ý kiến. Hết đấy. Chúc các anh hoàn thành nhiệm vụ thật tốt.
-- Đồng chí Xê-men Pha-đê-ê-vích, chúng tôi xin chấp hành, -- Mi-rô-nốp đáp và sau khi chào từ biệt thiếu tướng, anh bỏ ống nghe xuống.
Xcơ-vô-re-xki và Lu-ga-nốp từ nãy đến giờ vẫn im lặng theo dõi câu chuyện qua thái độ, lời nói của Mi-rô-nốp. Họ đã đoán và hiểu phần nào nhưng nhất định là không hoàn toàn đầy đủ. An-đrây báo cáo lại cho hai người nghe những ý kiến và chỉ thị của thiếu tướng, rồi nói sơ qua kế hoạch hành động của mình.
-- Cô-nhi-lê-va, -- Xcơ-vô-re-xki thở dài, lẩm bẩm nói sau khi nghe báo cáo của Mi-rô-nốp. -- Đúng, vấn đề Cô-nhi-lê-va còn mờ mịt lắm. Ở đây anh xác định thế nào? Về ông anh của cô ta ra sao? Tôi thì vẫn cho rằng, anh ta chắc chả biết gì nhiều về cô em gái. Nhưng ý kiến thiếu tướng cũng có phần đúng: dầu sao anh ta cũng là người thân thích duy nhất của cô ấy. Hiện nay anh ta đang ở đâu? Hình như là ở An-ma A-ta phải không?
-- Vâng, ở An-ma-A-ta. -- Lu-ga-nốp đáp. -- Khi đến Vô-rô-ne-giơ tôi đã biết về người này. Chúng tôi đã hỏi cơ quan an ninh ở An-ma-A-ta. Họ đã xác nhận. Anh ta hiện là cán bộ khoa học của Viện hàn lâm khoa học Ca-dắc-xtan. Anh ta sống ở đấy đã lâu.
-- Có thể anh cần phải đến tận đó xem sao. -- Xcơ-vô-re-xki bỗng quyết định. -- Phải trực tiếp nói chuyện với anh ta. Như vậy tốt hơn. Để khỏi mất thì giờ, anh phải đáp máy bay đi ngay.
-- Xin tuân lệnh, thưa đại tá, -- Lu-ga-nốp đáp. -- Bao giờ tôi đi được?
-- Còn anh, -- Xcơ-vô-re-xki quay lại hỏi Mi-rô-nốp, -- anh có thể vắng Va-xi-li vài ba hôm được không? Tôi thấy không nên dềnh dàng. Sáng mai đi ngay thì hơn.
-- Tôi không phản đối, -- sau một lát suy nghĩ, Mi-rô-nốp đồng ý, -- nhưng còn Trê-nhi-a-ép thì sao? Cần phải liên tục hỏi cung ông ta, nhưng một mình tôi sợ rằng không làm nổi...
-- Hai ba ngày cũng chả ảnh hưởng gì lắm. -- Xcơ-vô-re-xki nói. -- Vả lại Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích không nên ở đó lâu làm gì. Được, cứ việc tiến hành hỏi cung Trê-nhi-a-ép, tôi sẽ cùng tham gia với anh. Về quá khứ ông ta ra sao, chúng ta chưa cần hỏi vội. Phải chờ đến lúc Mát-xcơ-va tìm được bạn bè, người quen cũ của ông ta đã, lúc đó ta sẽ hành động. Tôi hiểu ý thiếu tướng như vậy đấy, có đúng không?
-- Rất đúng, thưa đồng chí Ki-rin Pê-tơ-rô-vích ạ.
-- Vậy chúng ta hãy bàn đến cô bạn mới -- Vôi-xê-khốp-xcai-a. -- Đại tá tiếp. -- Cần phải nói rằng, khi các anh đang làm việc về Trê-nhi-a-ép thì tôi cũng đã chú ý đến cô gái này rồi. -- Đại tá Xcơ-vô-re-xki vừa nói vừa mở cặp tài liệu lấy ra một tập giấy. -- Chưa có gì mới. Vẫn là những hồ sơ thông thường. Tôi muốn hỏi anh một điều là: anh đã nghiên cứu hồ sơ cô này chưa?
Mi-rô-nốp vẻ ngạc nhiên:
-- Tất nhiên là đọc rồi. Lẽ nào tôi lại bỏ lỡ cô ta như vậy?
-- Thế, thế đấy. Thế anh có kết luận và đề nghị gì không? Nói thẳng ra, tiểu sử cô này có nhiều điều đáng chú ý lắm.
-- Tôi đồng ý, tiểu sử rất đáng chú ý. Nhưng kết luận và đề nghị thì tôi chưa kịp...Lắm việc quá...
-- Thôi được. Anh hãy đọc lại lần nữa, đọc kỹ vào. Ta cùng nghiên cứu xem, có thể nó sẽ bổ ích.
Mi-rô-nốp cầm tập tiểu sử do đại tá đưa cho và lầm rầm đọc. Lần trước anh chỉ mới đọc qua, do đó chưa thể kết luận hay đề xuất gì được nên lần này anh đọc chậm và đọc kỹ từng đoạn.
Đại tá đã nói đúng: Vôi-xê-khốp-xcai-a viết bản tiểu sử mình có vẻ rườm rà, dài dòng. Càng đọc càng thấy nhiều điểm đáng phải chú ý hơn. Cô sinh năm 1926 ở Ba-lan, tại một thành phố nhỏ tên là I-a-vô-rốp gần Lơ-vốp, nơi bố cô -- một người Ba-lan lai U-crai-na, làm giáo viên. Mẹ người U-crai-na và cũng là một nhà giáo. Gia đình thuộc loại nghèo, đời sống vất vả thiếu thốn, lương tháng nào cào tháng ấy. Ông bố là người có quan điểm tiến bộ, vì không phải là dân Ba-lan "chính cống" nên đã bị thải hồi nhiều lần. Gia đình đã vất vả lại càng gian nan do đó phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác để kiếm sống. Họ hết ở Xăm-bô lại đến Ra-va Rút-xcai-a là những thị trấn quanh Lơ-vốp rồi sau đó lại chuyển về Pô-bi-a-ních, gần Lốt-gia. Nói tóm lại họ cứ bị "du cư" luôn. Chiến tranh bùng nổ khi Vôi-xê-khốp-xcai-a và gia đình đang ở thị trấn Dơ-bô-xin thuộc thành phố Pô-dơ-nan gần biên giới Ba-lan -- Đức. Bọn Đức, Vôi-xê-khốp-xcai-a viết, ùa đến Pô-dơ-nan ngay những ngày đầu tiên của cuộc tiến công ăn cướp vào Ba-lan. Gia đình Vôi-xê-khốp-xcai-a không kịp chạy và cũng chả biết chạy đi đâu. Thế là họ phải sống những năm cay đắng trong vùng phát-xít chiếm đóng.
Năm 1942 cả gia đình đến Plôn-xcơ gần Vác-sa-va. Bố tham gia phong trào kháng chiến. Vôi-xê-khốp-xcai-a khi đó còn là một thiếu nữ, đã tích cực giúp đỡ ông trong hoạt động bí mật.
Năm 1943 bố hy sinh. Chẳng bao lâu sau mẹ cũng mất. Còn lại một mình, không nơi nương tựa, Vôi-xê-khốp-xcai-a đi Vác-sa-va để tìm đến những bạn bè cùng hoạt động trong tổ chức bí mật chống phát-xít của bố. Cuối năm 1943 cô đã tích cực tham gia đấu tranh chống phát-xít. Tháng Tám 1944 cô đã cùng với các đồng chí của mình trong tổ chức thanh niên cộng sản Vác-sa-va tham gia vào cuộc khởi nghĩa Vác-sa-va do các phần tử quá khích trong cái gọi là "quân đội Crai-ô-va" tổ chức. Cũng như phần lớn các đồng chí của mình tham gia cuộc khởi nghĩa, Vôi-xê-khốp-xcai-a không hề hiểu biết gì về các nguyên nhân và lý do thực sự của cuộc phiêu lưu đó. Cô ta cũng như hàng ngàn người dân Vác-sa-va và hàng trăm đảng viên cộng sản và thanh niên cộng sản Vác-sa-va đã chiến đấu trên đường phố Vác-sa-va cho đến viên đạn cuối cùng. Ngày hai mươi tháng Chín, Vôi-xê-khốp-xcai-a đã theo một tốp chiến sĩ của quân đoàn Li-u-đô-va Ba-lan, bất chấp mệnh lệnh phản bội của tướng Bu-rơ Cô-mô-rốp-xki, người cầm đầu cuộc khởi nghĩa, đã rút khỏi Vác-sa-va để bắt liên lạc với các đơn vị của tập đoàn quân thứ nhất quân đội Ba-lan đang chiến đấu bên cạnh quân đội Liên-xô. Trong khi vượt sông Vi-xtuyn, cô bị thương và được đưa vào điều trị tại một bệnh viện của quân đội Liên-xô
Cần phải công bằng mà nói rằng, bản tiểu sử tuy dài dòng nhưng đã viết khá rõ và ghi rất đầy đủ ngày, tháng của những sự kiện cụ thể, tên, họ những người đã cùng cô chiến đấu và công tác trong từng thời gian.
Tại bệnh viện, mặc dầu vết thương chưa lành hẳn, Vôi-xê-khốp-xcai-a đã tự nguyện giúp việc các y tá chăm sóc thương binh. Vì trong thời kỳ hoạt động bí mật, cô đã được học qua về công tác y tế và đủ trình độ làm y tá.
Trong số thương binh được cô chăm sóc có đại tá Va-xi-u-cốp -- tư lệnh một trong những sư đoàn xe tăng Quân đội Liên-xô. Ông đã chú ý đến Vôi-xê-khốp-xcai-a, còn phần mình, cô cũng đã chú ý đến viên đại tá can đảm này, mặc dầu ông ta hơn cô đến trên hai chục tuổi. Còn gì vui sướng hơn đối với cô là đã được một sĩ quan cao cấp và anh dũng như đại tá Va-xi-u-cốp để ý đến. Câu chuyện tất nhiên đã tiến triển theo ý đồ của nó. Khi Va-xi-u-cốp khỏi bệnh ra viện thì Vôi-xê-khốp-xcai-a đã đi cùng với ông về đơn vị. Thực tế cô đã trở thành vợ đại tá mặc dầu Va-xi-u-cốp không làm lễ cưới chính thức.
Chiến tranh kết thúc. Mùa hè năm 1946, Va-xi-u-cốp lúc bấy giờ đang đóng ở Béc-lin, được thuyên chuyển về Mát-xcơ-va và Vôi-xê-khốp-xcai-a cũng theo ông về đấy. Họ sống với nhau như đôi vợ chồng. Năm 1947, đại tá xin cho Vôi-xê-khốp-xcai-a vào học Trường đại học ngoại ngữ.
Mọi sự có thể diễn biến tốt đẹp nếu như không đột ngột có một chuyện tai tiếng. Nhưng dù sớm hay muộn chuyện đó cũng sẽ phải xảy ra thôi. Chuyện là: đại tá đã có vợ và đã có ba con ở Viễn Đông, nơi ông ở lâu nhất trước chiến tranh. Ông không thể ly dị vợ được, nhưng ông đã dấu vợ con về mối tình với Vôi-xê-khốp-xcai-a. Đối với Vôi-xê-khốp-xcai-a cũng vậy, ông cũng dấu sự thật về gia đình mình. Dù cho ông cố che dấu, cố chạy chọt nhưng rồi câu chuyện cũng đã vỡ lở và Va-xi-u-cốp bị hạ tầng công tác, bị buộc chuyển từ Mát-xcơ-va về Viễn Đông. Trước khi xảy ra chuyện kỷ luật, Vôi-xê-khốp-xcai-a đã biết hết cả, cô rất đau đớn thấy rằng mấy năm qua Va-xi-u-cốp đã lừa dối cô. Cô bỏ ông và xin vào ở ký túc xá sinh viên. Cô vùi đầu vào học tập như để cho vợi nỗi đau khổ của mối tình đầu dang dở. Sau khi thi đặt kết quả tốt, cô được cử làm giáo viên tiếng Anh và nhận công tác tại Khác-cốp. Ở đấy mấy năm cô lại được đổi về Crai-xcơ.
-- Thế nào? -- Xcơ-vô-re-xki hỏi khi thấy Mi-rô-nốp đã đọc xong và đang trầm ngâm suy nghĩ. -- Hấp dẫn đấy chứ?
-- Vâng, rất hấp dẫn! -- Mi-rô-nốp trầm ngâm. -- Đọc và suy nghĩ kỹ thì đây quả thật là một cô gái "anh hùng" và "bất hạnh". Cái anh Va-xi-u-cốp nào đó đểu thật. Ông ta đã coi đời người con gái như cái tàn thuốc lá. Mấy hôm trước, khi đọc tiểu sử này tôi chỉ chú ý đến thời gian cô ta ở Ba-lan mà thôi. Tuy vậy, suy nghĩ kỹ về thời kỳ này tôi vẫn thấy có một chút gì đó chưa ổn. Tất nhiên nếu như tất cả những gì cô ấy viết đều đúng thì...
-- Đấy, vấn đề là ở chỗ ấy đấy, -- Xcơ-vô-re-xki nói ngay. -- Tôi cũng nghĩ vậy. Nếu như có một điểm chính nào đó trong tất cả những điều Vôi-xê-khốp-xcai-a đã viết như tham gia quân đoàn Li-u-đô-va, cuộc khởi nghĩa Vác-sa-va, tham gia cuộc rút lui của đảng viên cộng sản và thanh niên cộng sản, rồi bị thương và do đó đã trở về đất Liên-xô -- là không đúng sự thật thì sao!
Mi-rô-nốp đằng hắng, nét mặt đầy vẻ băn khoăn. Xcơ-vô-re-xki chăm chú nhìn anh và cười rất hài lòng.
-- Thế nào anh bạn, anh vẫn còn điều nghi ngờ chứ? Có lẽ anh cũng đang nghi ngờ cả tôi là: làm sao mà biết được điều gì đúng điều gì sai? -- Ki-rin Pê-tơ-rô-vích hỏi với giọng không kém nghiêm túc. -- Rất đơn giản thôi! Trong khi các anh đang bận với Trê-nhi-a-ép, tôi đã quyết định tự mình nghiên cứu Vôi-xê-khốp-xcai-a. Tôi đã liên lạc với một số người, gửi điện đi hỏi ở các nơiđể xác minh thêm những điều nghi vấn. Do đó đã biết được về cô ta rõ thêm.
Và Xcơ-vô-re-xki kể lại: ông đã liên lạc với Cục an ninh nhà nước thành phố Mát-xcơ-va, với thành phố hiện Va-xi-u-cốp đang phục vụ, gửi một số câu hỏi sang nước Cộng hòa nhân dân Ba-lan nhờ xác minh rõ hơn một số vấn đề. Không phải tất cả các câu hỏi đều đã có trả lời nhưng có nhiều vấn đề trở nên rõ hơn. Thí dụ như có một số người mà Vôi-xê-khốp-xcai-a khai là đã hoạt động cùng với cô trong cuộc khởi nghĩa Vác-sa-va, hai trong số đó hiện đang làm việc ở đại sứ quán Ba-lan tại Mát-xcơ-va. Họ đã xác nhận phần Vôi-xê-khốp-xcai-a nói về thời kỳ hoạt động ở Vác-sa-va trong những ngày khởi nghĩa, về cuộc rút lui khỏi Vác-sa-va bắt liên lạc với các đơn vị binh đoàn Ba-lan và rút qua sông Vi-xtuyn.
Đoạn Vôi-xê-khốp-xcai-a bị thương, được đưa vào bệnh viện Quân đội Liên-xô, được điều trị và mối tình với Va-xi-u-cốp cũng đã được xác minh là đúng. Cô ta đã viết rất đúng câu chuyện tình yêu của mình với Va-xi-u-cốp và những năm tiếp theo. Còn Cục an ninh nhà nước thành phố Mát-xcơ-va thì xác minh đúng những năm cô ta về Mát-xcơ-va có học Trường đại học ngoại ngữ. Đầu năm học thứ hai cô bỗng quyết định vào ký túc xá sinh viên và sau khi tốt nghiệp cô được cử về Khác-cốp dạy học.
-- Và đây là văn bản cuối cùng về tiểu sử cô ta, -- Xcơ-vô-re-xki chấm dứt câu chuyện rồi đưa cho Mi-rô-nốp một tập giấy. -- Tôi vừa nhận được.
Đọc kỹ bản nhận xét của Cục an ninh nhà nước thành phố Mát-xcơ-va, Mi-rô-nốp bỗng chau mày. Anh chú ý đọc đi đọc lại một câu trong đó.
-- Đồng chí Ki-rin Pê-tơ-rô-vích, xin đồng chí một phút. Đồng chí hãy nghe câu này, -- Mi-rô-nốp nói và đọc to, -- "Khi mới vào học, Vôi-xê-khốp-xcai-a có cho biết rằng cô ta đã biết chút ít tiếng Anh khi còn đi học ở trường trung học ở nước nhà và tự học ở gia đình. Nhưng, giáo viên có nhận xét là cô ta biết rất hoàn hảo tiếng Anh và phát âm hoàn toàn đúng giọng Luân-đôn".
-- Ồ, anh tưởng tôi ngốc lắm hay sao mà không chú ý tới câu này! -- Xcơ-vô-re-xki nói. -- Chả lẽ một chi tiết như vậy mà lại bỏ qua đi hay sao? Tôi đã suy nghĩ nhiều về điểm này. Có chỗ không ổn ở đấy. Khó có thể hình dung được rằng, một gia đình giáo viên nghèo như vậy mà lại rất giỏi tiếng Anh
Khó tin lắm. Tôi suy nghĩ rất lung. Thực tình, chúng ta chưa biết gì về Vôi-xê-khốp-xcai-a ngoài những điều ghi trong bản tiểu sử này, và cũng chưa có cách nào tìm hiểu thêm về cô ta... Tôi giao việc này cho anh, nhất là cái giọng phát âm gốc Luân-đôn ấy...
-- Điều này cũng dễ hiểu thôi, -- Mi-rô-nốp thở dài, -- nhưng có cái khó là nên bắt đầu từ cái gì và kết thúc ra sao đối với cô giáo này? Căn cứ theo bản tiểu sử thì cô ta đã trải qua thử thách của "lửa, nước và ống đồng"(*) rồi đấy. Chả phải là tay non nớt gì đâu. Nhưng, nói chung thì...
-- "Nói chung" thì sao? -- Đại tá hỏi.
-- Sao ạ? Con người này tuyệt diệu lắm.
-- Sao, anh nói rõ xem, tuyệt diệu chỗ nào? -- Lu-ga-nốp bỗng tò mò hỏi.
-- Tất cả đều tuyệt diệu! -- Mi-rô-nốp thở dài. -- Tất cả những điều cô ta khai đều tuyệt diệu nhưng lại chả rõ ràng một tý gì. Lúc đầu nếu cứ đọc lướt đi thì ta sẽ nghĩ ngay: ồ thật là một con người anh hùng, đầy vinh dự! Cô ta đúng là một con người chân chính. Chả lẽ con người như vậy lại liên lạc với bọn gián điệp. Không, không thể tin được!.. Giả sử cô ta hết sức căm thù cái anh chàng đểu cáng Va-xi-u-cốp thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể vì một con sâu đó mà cô ta lại có thể căm thù tất cả chúng ta, cả đất nước ta và vì vậy mà liên hệ với bọn gián điệp để gọi là... rửa hận. Khó tin như vậy lắm. Tất cả những điều cô ta khai đều có vẻ tuyệt diệu nhưng chưa chắc toàn bộ lịch sử cô ta là đáng tin...
-- Khoan đã, khoan đã, -- Xcơ-vô-re-xki bỗng ngắt lời. -- Thế còn Trê-nhi-a-ép?
-- Sao -- Trê-nhi-a-ép sao? -- An-đrây chưa hiểu ngay ý câu hỏi của thủ trưởng. -- Trê-nhi-a-ép dính gì vào đây? Đồng chí định kết hợp gì ở đây?
-- Ồ, rất đơn giản thôi. Tiểu sử Trê-nhi-a-ép thì có kém gì Vôi-xê-khốp-xcai-a. Theo ý tôi thì ông ta còn nhiều điều xuất sắc hơn, đáng tin hơn chứ: đảng viên cộng sản, sĩ quan Xô-viết đã vào sinh ra tử...Chúng ta còn đòi hỏi gì hơn nữa? Còn cần gì phải điều tra nữa? Tiểu sử thì như vậy đấy.
-- Không, đồng chí Ki-rin Pê-tơ-rô-vích ạ. Tôi không đồng ý lắm, -- Mi-rô-nốp lắc đầu. -- Trê-nhi-a-ép à? Đối với Trê-nhi-a-ép còn cần làm việc nhiều nữa. Phải xới thật kỹ các vấn đề trong quá khứ, trong lý lịch ông ta lên nữa. Chỗ này, ý kiến thiếu tướng rất đúng.
-- Thế về quá khứ Vôi-xê-khốp-xcai-a anh rõ rồi chứ? -- Xcơ-vô-re-xki hỏi, giọng có vẻ hơi bực. -- Anh đã nghiên cứu kỹ rồi chứ? Ồ, sao dễ dãi vậy! Cần phải nói rằng, những gì thuộc về Vôi-xê-khốp-xcai-a thì chúng ta chỉ là mới bắt tay vào mà thôi. Những vấn đề về cô ta còn mờ mịt lắm. Tất cả đang ở phía trước. Anh mới xem qua chỉ có vài lần, chưa có nghiên cứu, chưa kiểm tra thật kỹ, mà đã vội kết luận thì tôi sợ rằng chưa chính xác đâu. Không nên nóng vội như vậy! Nào, bây giờ ta bàn vào việc cụ thể. Tôi nghĩ rằng, con đường điều tra ngắn nhất là làm quen với cô ta, kết bạn với cô ta. Đồng chí Xê-men Pha-đê-ê-vích có ý kiến rất hay, rất đúng và mạnh dạn đấy. Anh phải đến làm quen cô ta, hãy chơi thân và quan sát cô ta ở mọi góc cạnh. Anh biết tiếng Anh đấy chứ?
-- Vâng, có biết, -- Mi-rô-nốp trả lời. -- Đọc thạo nhưng nói thì còn phải luyện thêm...
-- Khá lắm. Đây mới là tuyệt! Làm quen thì chả khó lắm, tôi sẽ tạo cách cho anh: anh sẽ đóng vai thanh tra đi kiểm tra việc giảng dạy và học tiếng Anh ở các trường phổ thông, trong đó có trường Vôi-xê-khốp-xcai-a dạy. Đấy, cái cớ vào trường của anh đã có. Còn sự việc về sau, vai kịch diễn biến khá hay kém, là do anh quyết định. Thế nào, được chứ?
An-đrây nhún vai không trả lời: việc gì còn phải hỏi nữa? Chả còn cách nào khác hay hơn được và kế hoạch hành động được phác ra như sau: Lu-ga-nốp sáng mai sẽ bay đi An-ma A-ta, Xcơ-vô-re-xki và Mi-rô-nốp tiếp tục hỏi cung Trê-nhi-a-ép. Và cũng ngày mai, Mi-rô-nốp sẽ đến Sở giáo dục thành phố bắt đầu đợt kiểm tra và làm quen với Vôi-xê-khốp-xcai-a. Đã gần về chiều, còn rất ít thời gian để hỏi cung, nhưng Xcơ-vô-re-xki và Mi-rô-nốp vẫn quyết định phải hỏi ngay.
Theo lệnh của Xcơ-vô-re-xki, Trê-nhi-a-ép đã được dẫn vào phòng hỏi cung. Mi-rô-nốp để ý quan sát ông ta, nhưng không thấy có những thay đổi gì lắm. Chỉ có khuôn mặt là ủ rũ hơn. Vẫn như lần trước, Trê-nhi-a-ép cúi gằm mặt, chậm chạp lặng lẽ bước lại chiếc ghế dành sẵn và nặng nề ngồi xuống, hai tay chống lên đầu gối. Ông ta ngồi im, đầu cúi gằm sát ngực, mắt lim dim không nhìn Xcơ-vô-re-xki lẫn Mi-rô-nốp. Ông ta ngồi đấy và rõ ràng là làm như không chú ý đến sự có mặt của hai người.
Đại tá hỏi ngay. Mi-rô-nốp ngồi bên chiếc bàn con cạnh Xcơ-vô-re-xki, dở sẵn mấy tờ biên bản khẩu cung in sẵn, sắp xếp lại bút mực cho thuận tiện và sẵn sàng ghi chép lời khai của Trê-nhi-a-ép. Nhưng việc chuẩn bị của anh đã vô ích. Anh đã không phải... hay nói đúng hơn... không viết được gì cả. Trê-nhi-a-ép... im lặng. Ông ta im lặng một cách bướng bỉnh, ngoan cố. Xcơ-vô-re-xki hỏi gì thì hỏi, Mi-rô-nốp nói gì thì nói, họ có cáu đi chăng nữa, cũng đều tỏ ra vô ích. Mười lăm, hai mươi phút rồi
..nửa giờ trôi qua, Trê-nhi-a-ép vẫn im lặng như người câm điếc vậy. Ông ta ngồi im lìm không cựa quậy, đầu cúi gằm xuống nền nhà hầu như không nghe thấy những câu hỏi, không để ý gì đến vẻ sốt ruột cáu kỉnh của các cán bộ Cục an ninh.
"Trò gì thế này? -- Mi-rô-nốp thầm nghĩ. -- Một thủ đoạn mới của Trê-nhi-a-ép vừa nghĩ ra chăng? Hay là do hỏi cung căng thẳng nên thần kinh ông ta bị choáng?"
Xcơ-vô-re-xki biết chắc cuộc hỏi cung chả có kết quả gì nữa nên kiên quyết khoát tay, nói:
-- Ông không muốn nói chuyện hả, ông Trê-nhi-a-ép? Được thôi, đây là việc của ông. Nhưng ông đừng tưởng rằng, tôi không biết về những tính toán của ông. Sớm muộn gì rồi ông cũng phải nói. Nói hết sự thật. Chả có trò quái quỷ gì giúp ông thoát được đâu. Chúng tôi chẳng bận tâm làm gì đến trò trẻ này cho nó mất thì giờ. Sẽ có tòa án làm việc với ông. Ông nhớ lấy điều này. Thôi, ông vào phòng giam và suy nghĩ kỹ đi...
Đại tá bấm chuông, một lát sau Trê-nhi-a-ép bị dẫn đi. Ông ta nặng nề đứng dậy, lê chân, mặt cúi gằm chả thèm nhìn gì những người chung quanh, dáng bộ vẫn thiểu não lặng lẽ đi ra.
-- Thế nào, ý kiến của anh ra sao? -- Xcơ-vô-re-xki hỏi Mi-rô-nốp khi cánh cửa phòng đã đóng chặt sau lưng họ. -- Anh hiểu thế nào về cái trò này?
-- Tôi không ngờ lại thế này, -- Mi-rô-nốp khoát tay, nói. -- Các lần hỏi cung trước ông ta có như thế này đâu. Trông cứ như vừa câm vừa điếc...
-- Hừ, khó hiểu thật, -- Ki-rin Pê-tơ-rô-vích đăm chiêu xoa xoa trán, miệng lẩm bẩm. -- Trê-nhi-a-ép có phải là con người như thế này đâu. Phải cắt đứt cái tiết mục mới này đi thôi. Thế quản lý phòng giam có báo cáo gì cho anh về thái độ ông ta trong phòng giam không?
-- Không có gì đặc biệt cả. Tôi đã hỏi kỹ. Như đồng chí biết đấy, ông ta ngồi im một mình trong phòng, không vi phạm nội quy, trật tự phòng giam gì cả. Các đồng chí gác cho biết là mấy ngày đầu ông ta còn hay đi đi, lại lại trong phòng hết từ góc này sang góc khác, còn bây giờ chỉ ngồi im trên ghế. Chả thấy đọc sách báo gì. Tối vẫn ngủ bình thường. Biết nói thế nào được? Im lặng suốt ngày vì ông ta chả còn biết nói chuyện với ai. Quỷ bắt nó đi...
-- Thôi được, -- đại tá nói. -- Ta cứ chờ vài ba hôm xem sao. Rồi sẽ gọi lên hỏi lần nữa xem có gì khác không.
-------------------------------------------------------------------------------
* Thành ngữ Nga, dùng chỉ những người từng trải nhiều hoặc có quá khứ phức tạp, không tốt.