Số lần đọc/download: 787 / 4
Cập nhật: 2017-09-25 01:59:04 +0700
Phần I - Chương 14 Phần 2
S
au khi gia nhập phường may Tạp Môn, Hạ Đông Trữ nghe theo ý Hàn Nhạn Thanh mở một cửa hông tại viện Đan Tâm mà hai mẹ con nàng ta ở để khi ra vào không phải giáp mặt với những người khác trong Hạ phủ. Thật ra theo ý Hàn Nhạn Thanh thì tốt nhất là xây lên một bức tường triệt để ngăn cách viện Đan Tâm và Hạ phủ nhưng mẫu thân của Hạ Đông Trữ không chịu, nói như vậy sẽ làm xấu đi tình cảm giữa người một nhà.
Tình cảm, Hàn Nhạn Thanh cười khinh miệt, bọn họ đã không coi các người là người một nhà rồi, các người còn bận tâm về cái tình cảm đó làm gì chứ? Tới nơi, nàng bảo phu xe chờ ở bên cửa hông viện Đan Tâm còn mình thì nâng váy đi vào.
Cửa hàng mở hé một nửa không có ai trông chừng. Hàn Nhạn Thanh bước vào, trong lòng tràn ngập cảm giác kỳ quái, đi ngang vườn thì đột nhiên nghe thấy sâu trong rừng đào có tiếng người tranh cãi, trong đó có một giọng trong trẻo chính là Hạ Đông Trữ.
Nàng nghiêng mình đi tới, từ đằng xa đã thấy Hạ Đông Trữ mặc y phục màu lam dịu dàng tươi tắn đứng dưới một cây hoa đào và đối diện với nàng ta, Hàn Nhạn Thanh cau mày, lại là Liễu Ngôn Hạ.
“Đông Trữ, nàng phải tin tưởng ta, lúc đó thật sự ta bất đắc dĩ mà thôi.”
“Ngươi còn chưa nói đã vào đây bằng cách nào?”, Hạ Đông Trữ không hề bộc lộ chút tình cảm, hỏi trống không một câu.
“Năm xưa là cái tên ác ôn họ Hàn kia”, Liễu Ngôn Hạ nói bừa, “Hắn bức ép ta, ta vạn bất đắc dĩ mới phải nói cho hắn biết tin tức về nàng.”
Ở đằng xa, Hàn Nhạn Thanh nheo mắt, hay cho họ Liễu, đồ ăn cháo đá bát, bán đứng người khác như ngươi mà còn dám gắp lửa bỏ tay người.
“Đông Trữ, tuổi nàng cũng lớn rồi”, Liễu Ngôn Hạ tiếp tục huyên thuyên, dường như không nhìn thấy vẻ mặt thiếu kiên nhẫn của Hạ Đông Trữ, “Ta cũng không chê nàng bị tên họ Hàn giày xéo, cam tâm tình nguyện lấy nàng. Nàng cũng đừng lăn lộn ở phường may Tạp Môn đó nữa, nhà nhạc phụ có sản nghiệp lớn như thế mà lại để nàng và nhạc mẫu đói khát sao?”
Hàn Nhạn Thanh đột nhiên nghe thấy tin tức động trời như vậy thì quá kinh ngạc bước hụt một cái khiến Hạ Đông Trữ lập tức cảnh giác, “Ai?”
Hàn Nhạn Thanh bước ra ngoài. Đang tiết xuân nên hoa đào nở rộ, một cơn gió thổi qua khiến mấy cánh hoa rụng xuống vai nàng, khẽ lay động rồi trượt theo y phục xuống đất.
Hạ Đông Trữ liếc qua thì thấy một cô gái xa lạ đang đi tới. Cô gái này mặc chiếc váy dài có kiểu dáng bình thường nhưng cách cắt may lại là thượng phẩm để lộ ra vòng eo không hơn một chét tay[3]. Nàng nhìn qua cũng có thể nhận ra đây là tay nghề của phường may Tạp Môn, dùng chỉ thêu cùng màu thêu lên đủ các hình hoa mẫu đơn phức tạp. Bộ y phục này dành riêng ột người con gái đang ở xa tận vùng biên cương mặc. Đôi mắt linh động của cô gái khiến Hạ Đông Trữ có một cảm giác quen thuộc tới kỳ lạ.
[3] Chét tay: Một lượng vừa nắm gọn trong hai lòng bàn tay.
“Tỷ tỷ?”, Hạ Đông Trữ hô lên thất thanh.
“Đông Trữ”, Hàn Nhạn Thanh vén cành đào, mỉm cười đi tới, “Nhiều năm không gặp muội”, nàng cố ý nhấn giọng, nhìn sâu vào mắt Hạ Đông Trữ, “vẫn khỏe chứ?”
“Muội vẫn khỏe.” Hạ Đông Trữ dường như nhớ lại điều gì, lạnh mặt quay sang Liễu Ngôn Hạ, “Ngươi có thể đi rồi.”
“Ngươi”, Liễu Ngôn Hạ tái mặt, “Ngươi đừng tưởng rằng mình là tiểu thư khuê các con nhà đại gia gì, nếu không phải cha ngươi trả tiền thuê ta tới thì ta sẽ không bao giờ thèm cái thứ hoa tàn liễu rủ như ngươi.”
Hạ Đông Trữ tức giận đến lạnh toát tay chân, nước mắt trào ra, “Cút.” Nàng ta chỉ về hướng cánh cửa trống không, lạnh lùng quát lên.
“Sao lúc đầu muội lại mù mắt coi trọng hắn như thế chứ?”, Hạ Đông Trữ dùng khăn lau nước mắt, nói vẻ oán hận.
“Cho nên tỷ nói con mắt chọn đàn ông của muội không ra gì mà”, Hàn Nhạn Thanh không muốn nàng ta thương tâm nên trêu đùa, tiếp đó nghiêm nghị hỏi, “Viện Đan Tâm lớn như thế này mà sao lại không có người canh cửa?”
Hạ Đông Trữ tỏ vẻ rầu rĩ, thấp giọng nói, “Chắc chắn là cha muội dã điều đi để cho Liễu Ngôn Hạ vào.” Nàng khổ sở: “Tốt xấu gì thì cũng là cha con với nhau, làm gì mà phải dùng tới cách này.”
“Bá mẫu!”, Hàn Nhạn Thanh bước vào phòng, thấy Hạ phu nhân nằm ở trên giường, sắc mặt tái nhợt, hốc mắt lõm sâu, thân thể quả thật suy nhược tới cực điểm. Trong hơn nửa năm nàng ở Trường An, Hạ phu nhân đối xử với nàng rất tốt nên nàng vội bước tới bắt mạch cho bà.
“Đại phu trong thành Trường An đều nói là ho lao, không cứu được nữa rồi”, Hạ Đông Trữ rầu rĩ, giọng nói ảm đạm dường như mất hết hy vọng.
“Ha ha, ai nói vậy”, Hàn Nhạn Thanh cười khẩy, “Đông Trữ quên sư phụ của tỷ là ai sao?”
“Tiêu tiên sinh!”, Hạ Đông Trữ sáng mắt lên. Nàng vốn rất kính trọng và ngưỡng mộ Tiêu Phương, cũng loáng thoáng biết y thuật của hắn như thần, “Tỷ tỷ có biện pháp trị bệnh sao?”
“Để tỷ thử xem.” Hàn Nhạn Thanh mặc dù có học dược lý, đọc qua một số sách trung y nổi danh đời sau nhưng rất ít thực hành nên không dám bảo đảm, trầm ngâm nói, “Muội lấy giấy bút ra đây.”
“Được rồi.” Hạ Đông Trữ quay đi lấy giấy bút tới. Hàn Nhạn Thanh cúi đầu suy nghĩ một chút rồi viết ra một đơn thuốc mang tính ôn hòa để ổn định lại thân thể.
“Nói đến bút mực…”, Hạ Đông Trữ vì có hy vọng mẫu thân sẽ bình phục nên tâm trạng cũng khá hơn, “nghe nói Tang tiên sinh tính toán mở một cửa hiệu chuyên bán giấy bút tên là Tức Lam các, chuẩn bị khai trương rồi!”
“Cái gì?”, Hàn Nhạn Thanh ngẩng đầu, thoáng giật mình.
Năm đó, Hàn Nhạn Thanh, Tang Hoằng Dương và Liễu Duệ gặp lại nhau, cả ba người đều nhận thấy không thích ứng được với trúc giản, còn dùng tơ lụa thì cao quý nhưng lại không quen. Cho nên sau khi kinh doanh phường may và lầu Thanh Hoan có lợi nhuận thì họ quyết định nghiên cứu kỹ thuật làm giấy.
Tang Hoằng Dương biết rõ đạo lý khéo quá hóa hỏng. Nếu nói về kiếm cơm gạo thì phường may và lầu Thanh Hoan đã chiếm hai vị trí hàng đầu. Nếu bọn họ muốn nhúng tay vào tất cả mọi việc thì sẽ khiến mọi người chú ý. Trong ba người, ngoài Tang Hoằng Dương thì Liễu Duệ là xuyên không thân thể, còn thân phận của Hàn Nhạn Thanh lại không thể để cho người ngoài biết. Mặc dù người nào cũng bố trí che đậy nhưng nếu có người truy xét đến cùng thì cũng có thể điều tra ra. Vì thế ba người cùng nỗ lực giữ công nghệ làm giấy ở phạm vi nhỏ nhất, chỉ sử dụng trong đám nhân sĩ thân cận thôi. Trước mắt, ngoài ba người thì chỉ Triêu Thiên môn ở Đường Cổ Lạp Sơn và Hạ Đông Trữ là có loại đồ dùng hiếm lạ này. Thân đại nương không biết chữ nên không cần.
Theo ý Hạ Đông Trữ thì Tang Hoằng Dương lại đang tính toán dùng thân phận của mình đưa giấy mực ra kinh doanh như một nghề làm ăn mới. Hàn Nhạn Thanh ngồi trên xe ngựa, nhíu mày không giải thích được. Lẽ ra Tang Hoằng Dương không được tự tiện quyết định như vậy cho dù thời cuộc có biến hóa nhưng cũng nên thương lượng trước với nàng và Liễu Duệ mới phải.
Rời khỏi viện Đan Tâm, Hàn Nhạn Thanh thấy lầu Thanh Hoan ngay gần bèn chuyển hướng đi tới đó, hy vọng có thể gặp được Tang Hoằng Dương.
Lúc nàng đến lầu Thanh Hoan thì Tang Hoằng Dương không có mặt nhưng thư đồng Chiêu Tài của hắn đang ở đó, trông thấy Hàn Nhạn Thanh vội vàng tới nghênh đón, tỏ vẻ ngạc nhiên, “Tiểu thư, người đã về Trường An rồi?”
“Thì sao? Không hoan nghênh ta hả?”, Hàn Nhạn Thanh mỉm cười hỏi. Tang Hoằng Dương quản lý đầu bếp của lầu Thanh Hoan vô cùng tốt cho nên đến nay lầu Thanh Hoan là số một ở thành Trường An, hàng ngày quan lại quyền quý, dân chúng phố phường ra vào không ngớt.
Trên sàn diễn giữa hai lầu, người thuyết thư[4] kể chuyện Tam Quốc Diễn Nghĩa lúc này đang sôi trào nhiệt huyết diễn giải việc Gia Cát Lượng bố trí “Không thành kế”[5], Tư Mã Ý đa nghi lui binh, lầu trên lầu dưới rầm rầm ủng hộ.
[4] Thuyết thư: Thuyết thư là cách gọi khác của nghệ thuật Hát nói Trung Quốc, bao gồm các thể loại như Bình sách, Đàn từ, Bình thoại… Người thuyết thư là người biểu diễn các tiết mục Hát nói trước đám đông.
[5] “Không thành kế”là kế sách thứ tư trong nhóm kế sách “Nghi binh”. Khổng Minh cuối thời Tam quốc đã sử dụng kế này khi chống lại sự tấn công vào thành Bình Dương của đội quân Tư Mã Ý. Biết rằng mình đang ở thế yếu hơn, ông đã cố tình bố trí quang cảnh thành Bình Dương càng tiêu điều xơ xác để quân địch cảm thấy hoang mang, không dám tin vào tình cảnh quá sức bi đát đó của mình, còn sợ sa bẫy nên luống cuống đào thoát. Nhờ vậy mà Khổng Minh đã có đủ thời gian tập trung binh lực, trở lại với thế mạnh thường có của mình.
Đột nhiên người thuyết thư gõ thẻ gỗ một cái, chắp tay nói, muốn biết tiếp theo thế nào, xin nghe hồi sau sẽ rõ. Tấm màn che từ từ buông xuống, mấy thiếu nữ ôm đàn tỳ bà bước lên, hát bài Phiến vĩ khúc:
“Trường giang lớp lớp chảy về đông
Sóng dâng cuộn hết anh hùng
…”
“Hay!” Một giọng nữ thanh nhã từ phía sau truyền đến. Hàn Nhạn Thanh quay đầu nhìn lại, thấy một đôi nam nữ từ trên lầu đi xuống, nam thì nho nhã lịch sự, tuấn tú phong độ, nữ thì thanh tao quyến rũ, khí chất cao sang.
“Khúc hát thật thay. Trường Khanh[6] này, chàng có biết nữ ca sĩ chơi nhạc cụ gì không?”
[6] Trường Khanh: Tên tự của Tư Mã Tương Như.
“Nhạc cụ này gọi là đàn ‘ô đặc’ từ Tây Vực truyền đến, người Trung Nguyên thấy khó đọc mới gọi là đàn ‘tỳ bà’”, Hàn Nhạn Thanh nói, mắt nàng sáng lên, mơ hồ đoán được thân phận của hai người này, mỉm cười bước ra nghênh đón.
“Nghe ý tứ như vậy thì chắc hẳn phu nhân rất giỏi môn này?”, Trác Văn Quân hơi kinh ngạc, nhưng nhanh chóng thừa nhận thân mật hỏi.
“À, cũng hơi biết một chút”, Hàn Nhạn Thanh vã mồ hôi, đây chính là cách nói khiêm nhường mà người cổ đại thường xuyên sử dụng. Nàng từng học đàn tỳ bà nhưng chỉ học sơ qua, có thể gảy được một khúc nhưng đến chỗ cao siêu thì không bàn được. Hồi mới chơi, nàng khoác lác là người giỏi nhất cả nước, bây giờ thì e rằng một nữ ca kỹ tầm thường nhất trong lầu Thanh Hoan cũng hơn nàng.
“Nếu Tư Mã đại nhân và phu nhân có hứng thú, chúng ta hãy vào trong nói chuyện.” Nói gì thì nói Hàn Nhạn Thanh cũng không chịu để cho hai người đi, “Tôi sẽ bảo người ca cơ này đàn vài khúc mới cho hai người nghe.”
“Ồ!” Ngay cả Tư Mã Tương Như cũng cảm thấy có hứng thú. Hai vợ chồng họ rất giỏi âm nhạc, vừa mới tới kinh thành đã được nghe ở lầu Thanh Hoan này một khúc hát hay, theo lời Hàn Nhạn Thanh thì hẳn là còn không ít bài mới khác, “Phu nhân là chủ nhân lầu Thanh Hoan à?”
“Coi như là một nửa thôi.” Hàn Nhạn Thanh đưa tay duyên dáng nói, “Xin mời”, rồi đưa bọn họ vào phòng, quay lại bảo Chiêu Tài, “Hãy mời Mai cô nương đến đây.”
Một cô gái mặc y phục trắng như tuyết vén rèm bước vào, bàn tay nõn nà như ngọc, “Ký Giang ra mắt phu nhân, ra mắt Tư Mã đại nhân, Tư Mã phu nhân.”
Mai Ký Giang quỳ gối thi lễ, đàn tỳ bà che khuất nửa khuôn mặt, chỉ hé ra nửa bên trái được ánh mặt trời từ cửa sổ phía bắc mờ mờ chiếu vào, tuy không phải nghiêng thành tuyệt sắc nhưng cũng khá tươi tắn quyến rũ, không hề gợn chút phong trần.
“Ký Giang, tên rất hay”, Trác Văn Quân cười khanh khách nhìn sang, khen, “Quả thật là một cô nương thanh khiết như băng tuyết.”
“Đa tạ Tư Mã phu nhân khích lệ”, Mai Ký Giang dịu dàng trả lời, “Đây là nghệ danh phu nhân chọn cho tôi.”
“Ồ, có thể biểu diễn luôn không?” Tư Mã Tương Như mỉm cười hỏi. Hắn bỗng kinh ngạc thốt lên khi trông thấy nước trà mà người hầu dâng tới, là trà màu xanh biếc mát mắt, nở xòe trong nước như một đóa hoa. “Trà này chắc là có tên chứ?”
“Tiểu nữ bất tài nhưng cũng đã đặt tên. Tư mã đại nhân nổi tiếng thiên hạ, xin hãy giúp bình phẩm. Trà tên là ‘Minh Tiền Vũ Hậu’.”
“Minh Tiền Vũ Hậu”, hai vợ chồng nhấp thử một ngụm, liền cảm thấy như hoa thêu trên gấm, hương tan trong miệng, bèn khen, “Tên rất hay!”
“Đến phần Ký Giang biểu diễn rồi. Ký Giang”, Hàn Nhạn Thanh khẽ đưa mắt, “Tỷ hãy hát cho Tư Mã đại nhân và Tư mã phu nhân nghe bài Tây Châu khúc đi.”
“Được!” Mai Ký Giang ngồi ở chiếu dưới, chỉnh dây đàn rồi khoan thai đàn hát:
“Nhớ Mai ở Tây Châu,
Chặt gửi ra miền Bắc.
Cánh đơn nhụy đỏ hồng,
Hai nhành nâu một sắc
Tây Châu ở chốn nào?
Sông sâu cầu kết nối
Hoàng hôn chim khách kêu
Cành phong theo gió thổi.
Dưới cây là cổng trước
Vào trong đến vườn xanh
Mở cửa chàng không tới
Đành đi hái sen hồng
Hái sen ao phía Nam
Đài sen vượt quá đầu
Cúi đầu tách mấy hạt
Hạt sen ngọt nước Thu
Sen giấu trong tay áo
Tâm sen đỏ rực nồng
Nhớ chàng chàng chẳng đến
Ngẩng đầu hỏi chim Hồng
Chim bay khắp Tây Châu
Thấy chàng đến lầu xanh
Lầu cao lạc mất bóng
Ngày đậu hành lang trống
Hành lang mười hai khúc
Tay ai muốt như ngọc
Vén rèm cuốn trời cao
Biển trời màu xanh lục
Biển trời mộng phiêu diêu
Chàng sầu thiếp cũng sầu
Gió Nam hiểu lòng thiếp
Chuyển mộng đến Tây Châu.”
Bài Tây Châu khúc này vốn là một trong những bài dân ca nổi tiếng nhất Nam Triều, ca từ mộc mạc trong sáng, hoàn toàn tự nhiên. Giọng hát Mai Kỳ Giang cực kỳ êm ái, lại cố ý dùng phong cách đàn hát của Tô Châu như Hàn Nhạn Thanh bày dạy, thổ âm nước Ngô nhẹ nhàng ngân nga, lan tỏa khắp phòng như hơi thở vùng sông nước Giang Nam đang vỗ dồn.
Khúc hát đã hết mà Tư Mã Tương Như và Trác Văn Quân còn ngây ngất mãi. “Đây là lời bài hát Tây Châu khúc”, Hàn Nhạn Thanh không thay đổi sắc mặt, đưa cho hai người khúc phổ.
Có trí nhớ của A Kiều làm cơ sở, cộng thêm mấy năm tự khổ luyện, có thể nói Hàn Nhạn Thanh hôm nay đã có thể viết đủ bốn kiểu chữ Thượng Thanh Lệ Điền, nhưng điều hai vợ chồng chú ý tới trước tiên không phải là chữ của nàng, thậm chí không phải là lời bài hát Tây Châu khúc, mà là trang giấy mềm mại trắng nõn ghi chép bài hát.
“Đây là loại giấy mà chính miệng Hoàng thượng từng tán dương, gần đây truyền tụng huyên náo cả thành Trường An đó ư?” Tư Mã Tương như than lên, “Quả nhiên là tuyệt phẩm.”
Hàn Nhạn Thanh buồn bực, loại giấy giá cả bình thường của đời sau như thế này mà cũng được các người sùng bái vậy sao? Nhưng nàng lại có được một thông tin, chính miệng Hoàng thượng khen? Tang Hoằng Dương hiến tặng giấy bút cho Hán Vũ Đế sử dụng rồi sao? Nói đi cũng phải nói lại, nếu quả thật quyết định kinh doanh giấy mực thì lấy Lưu Triệt làm hình ảnh ngươi phát ngôn cũng không tệ, ít nhất là có sức hấp dẫn rất lớn.
“Tức Lam viên phải tới cuối tháng mới được khai trương, phu nhân lại có loại giấy này, vậy phu nhân và Tang Hoằng Dương đại nhân…?”, Tư Mã Tương Như trầm tư hỏi.
“Tang đại nhân là nghĩa huynh của tôi.”
“Nhạn Thanh muội trở về mà không thèm báo cho ta một tiếng nhé.” Tang Hoằng Dương mặc một bộ y phục màu xanh cười dài từ bên ngoài rèm rồi bước vào, không nhìn sang Mai Kỳ Giang đang đứng dậy hành lễ mà phất tay cho nàng ta lui, nói với Hàn Nhạn Thanh vẻ giận dỗi, “Muội còn biết trở về cơ đấy.”
“Hì”, Hàn Nhạn Thanh cười lúng túng, biết Tang Hoằng Dương đang oán trách nàng bỏ hắn một mình ở lại Trường An, vội vàng lảng sang chuyên khác, “Đây là Tư Mã Tương Như đại nhân và phu nhân, còn đây chính là Trị túc đô úy Tang Hoằng Dương đại nhân.”
Tang Hoằng Dương thu lại vẻ phóng túng, tôn kính cúi chào, “Nghe tiếng tăm Tư Mã đại nhân đã lâu, hôm nay mới được gặp, quả nhiên nghe danh không bằng gặp mặt. Về phần giấy của Tức Lam viên, nếu Tư Mã đại nhân thích thì đến ngày khai trương, ta sẽ cho người mang đến quý phủ.”
“Làm sao dám nhận”, Tư Mã Tương Như đáp lễ, “Vẫn nói là vô công bất thụ lộc, nhưng đến ngày khai trương Tức Lam viên, vợ chồng ta nhất định sẽ tới dự. Hôm nay huynh muội gặp lại nhau thì chắc chắn có nhiều chuyện muốn nói, phu thê chúng ta xin cáo từ trước.”
Dân Tây Hán cởi mở phóng khoáng không phân biệt nam nữ nặng nề như triều Tống đời sau, hơn nữa không phải ai cũng “biến thái” giống như cha của Hạ Đông Trữ cho nên Tang Hoằng Dương có thể đi thẳng vào phòng có khách nữ, còn Trác Văn Quân cũng có thể thoải mái từ biệt.
Hàn Nhạn Thanh cầm tay Trác Văn Quân mỉm cười nói, “Trác tỷ tỷ, khi nào rảnh rỗi thì đến chơi với muội, muội nhất định sẽ mở tiệc tiếp đãi.”
Trác Văn Quân theo Tư Mã Tương Như rời đi, Hàn Nhạn Thanh nhìn bóng lưng của nàng bỗng thấy trống trải. Đây là một trong những cô gái mà nàng ngưỡng mộ, có thể dũng cảm yêu, dũng cảm nói lời cự tuyệt. Còn Tư Mã Tương Như từng vì nàng ta viết bài Trường Môn phú. Hàn Nhạn Thanh hừ lạnh một tiếng, cũng chỉ là một người đàn ông phụ tình vô ơn bạc nghĩa.
“Đủ rồi!”, Tang Hoằng Dương cầm quạt cốc vào đầu của nàng, “Tỉnh lại đi.”
“Không được cốc đầu muội”, Hàn Nhạn Thanh tức giận quát lên. Hai người đã quen lúc nào cũng phải tính toán, thủ đoạn trong cuộc sống, giờ chỉ còn mỗi bạn bè liền trở lại tính trẻ con.
“Huynh muốn mở Tức Lam viên thật sao?” Hàn Nhạn Thanh tìm chỗ ngồi xuống.
“Còn chưa…”, Tang Hoằng Dương có vẻ hơi phiền muộn, “Hôm đó ta đang viết chữ trong thư phòng thì Hoàng thượng cải trang dẫn Dương Đắc Ý và thị vệ đi vi hành, ngang qua Tang phủ nhất thời cao hứng rẽ vào thăm nhưng không cho người thông báo mà cứ thế đến thẳng thư phòng nên bắt được quả tang.”
Thì ra là vậy, Hàn Nhạn Thanh im lặng, “Thế huynh đối phó như thế nào?”
“Ta đổ cho A Duệ”, Tang Hoằng Dương đắc ý, “Dù sao thì hắn cũng đã có hai phát minh rồi, thêm một nữa thì cũng chẳng sao. Ta chỉ nói rằng trong khi chế tạo binh khí đã bất ngờ phát minh, vì thấy không quan trọng cho nên chỉ nói cho ta biết.”
“Phải thống nhất lời khai đấy”, nàng nhắc nhở.
“Ta biết”, Tang Hoằng Dương chỉ tay nói tiếp, “Y vừa thấy nó thì rất vui mừng, nói cái này còn quan trọng hơn cả binh khí, nhất định phải phát triển rộng ra, lập tức phất tay phê chuẩn cho ta lấy thân phận quan lại để kinh doanh.”
“Ừm”, Hàn Nhạn Thanh đang thầm suy tính, chỉ lơ đãng nói, “Thế thì tốt rồi.”
“Tốt cái gì chứ”, Tang Hoằng Dương chán nản, “Hoàng thượng nói một nửa thu nhập của Tức Lam viên phải nộp vào quốc khố.”
…
Hàn Nhạn Thanh choáng váng, “Như thế cũng vẫn còn tốt….” Nàng miễn cưỡng, “Ít nhất huynh còn được cái tư cách quan thương nghiệp.”
“Dẹp cái trò an ủi đi”, Tang Hoằng Dương gạt đi, “Không nói nữa, Mạch nhi và Sơ nhi đâu?”
“Ở chỗ sư phụ.”
“Năm Nguyên Sóc nguyên niên, Vệ Tử Phu sinh hạ Lưu Cứ, trên danh nghĩa là hoàng tử trưởng, được tấn phong hoàng hậu”, Tang Hoằng Dương nhìn nàng đầy ẩn ý, “Nhạn nhi, muội thấy rồi đó.”
Hàn Nhạn Thanh nhìn đi chỗ khác. Nàng cố không chú ý đến nỗi đau bị Tang Hoằng Dương khơi dậy làm chảy máu đầm đìa, nhất thời không biết nên căm hận hay giận dữ.
Người người ca tụng Giang Nam
Khách du chỉ muốn ở thăm trọn đời
Nước xuân xanh biếc chân trời
Thuyền hoa nghe tiếng mưa rơi rộn ràng
Bê vò em ngước khuôn trăng
Đôi tay trắng muốt như ngừng tuyết sương
Chưa già chớ kể hồi hương
Bởi chưng mang nỗi đoạn trường về theo
(Bồ tát man – Kỳ 3 – Vi Trang)