Love is always bestowed as a gift – freely, willingly and without expectation. We don’t love to be loved; we love to love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Tác giả: Charles Dickens
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Đình Chi
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 59 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
iờ đây tôi trở nên quen với nhịp điệu đều đều của cuộc đời học việc,
chỉ có chút thay đổi ra ngoài giới hạn của ngôi làng và các đầm lầy khi đến
sinh nhật tôi và tôi tới thăm cô Havisham một lần nữa. Tôi thấy cô Sarah
Pocket vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ ra mở cổng; tôi gặp lại cô Havisham hệt
như khi tôi cáo từ lần trước, và bà nói về Estella vẫn theo cùng một điệu, nếu
không phải bằng cùng từ ngữ. Cuộc hội kiến chỉ kéo dài có vài phút, và bà
cho tôi một guinea khi tôi về, đồng thời dặn tôi lại đến vào lần sinh nhật tiếp
theo. Tôi có thể nói luôn chuyện này đã trở thành một thói quen hằng năm.
Tôi cố từ chối nhận đồng guinea vào dịp đầu tiên, nhưng chẳng đem lại hiệu
quả nào hay ho hơn ngoài khiến vị phu nhân hỏi tôi rất bực dọc liệu có phải
tôi trông đợi nhận được nhiều hơn hay không? Thế là sau đó tôi đành nhận
tiền.
Căn nhà cũ kỹ ảm đạm đó, cùng thứ ánh sáng vàng vọt trong căn phòng
tối tăm, bóng ma đang nhợt nhạt dần ngồi trên ghế cạnh tấm gương bàn trang
điểm, tất cả đều chẳng thay đổi gì tới mức tôi cảm thấy việc những cái đồng
hồ ngừng chạy đã làm thời gian dừng lại ở nơi bí hiểm đó, và trong khi tôi và
mọi thứ bên ngoài đều thay đổi, nó vẫn im lìm. Ánh sáng ban ngày chẳng bao
giờ lọt vào trong ngôi nhà ấy, cả trên thực tế lẫn trong những ý nghĩ và ký ức
của tôi. Điều đó khiến tôi hoang mang, và dưới ảnh hưởng của nó, tận đáy
lòng tôi tiếp tục căm ghét nghề thợ rèn đang học và cảm thấy xấu hổ về ngôi
nhà nơi tôi sống.
Tuy vậy, dần dà tôi trở nên ý thức được một thay đổi ở Biddy, dù
không thực sự cảm nhận được nó. Những chiếc giày cô đi có gót cao dần, mái
tóc cô trở nên óng ả, suôn mềm, hai bàn tay cô luôn sạch sẽ. Cô không xinh
đẹp - một cô gái rất bình thường, và không thể giống như Estella - nhưng cô
rất dễ mến, khỏe mạnh với tính tình dịu dàng. Cô chỉ mới đến sống cùng
chúng tôi chưa quá một năm (tôi nhớ cô mới vừa đoạn tang khi tôi bắt đầu
nhận ra sự thay đổi này) thì vào một buổi tối tôi thầm nhận thấy cô có đôi mắt
đầy suy tư và chăm chú thật lạ; đôi mắt thật đẹp, thật tử tế.
Lúc ấy tôi ngước mắt lên khỏi mối bận tâm dở dang của mình - chép lại
vài đoạn từ một cuốn sách để tự trau dồi đồng thời bằng hai cách theo một
thứ chiến lược - và thấy Biddy quan sát điều tôi đang làm. Tôi đặt bút xuống,
và Biddy ngừng tay khâu vá nhưng vẫn không để món đồ xuống.
“Biddy,” tôi nói, “làm sao em có thể làm thế được? Hoặc là anh quá
ngốc, hoặc em quá thông minh.”
“Em làm được gì cơ? Em không biết,” Biddy mỉm cười đáp lại.
Cô đã thu vén toàn bộ công việc nội trợ trong nhà, và làm việc này thật
tuyệt; nhưng tôi không có ý nói tới nó, cho dù điều này làm cho việc tôi
muốn nói tới càng thêm đáng kinh ngạc.
“Biddy, làm thế nào em có thể,” tôi nói, “học được mọi thứ anh đã học,
và luôn bắt kịp với anh?” Tôi đang bắt đầu khá tự phụ về học vấn của mình,
vì tôi đã dùng hết những đồng guinea có được ngày sinh nhật vào việc đó,
chưa kể phần lớn tiền túi của tôi cũng được dùng cho cuộc đầu tư này; cho dù
giờ đây tôi không còn chút nghi ngờ nào về chuyện với ngần ấy đã bỏ ra thì
chút ít ỏi tôi biết khi đó thật quá đắt đỏ.
“Em cũng có thể hỏi anh hệt như vậy,” Biddy nói, “làm sao anh có
thể?”
“Không; vì khi anh từ lò rèn về nhà mỗi tối, ai cũng có thể thấy anh
quay sang học. Nhưng em thì chẳng bao giờ làm thế cả, Biddy.”
“Em đoán là chuyện học hành cứ nhiễm vào em thôi như bệnh ho vậy,”
Biddy khẽ nói; rồi lại tiếp tục khâu.
Vẫn tiếp tục theo đuổi dòng suy nghĩ trong lúc ngả người ra sau trên
cái ghế gỗ, đồng thời quan sát Biddy ngả đầu sang một bên miệt mài khâu, tôi
bắt đầu nghĩ cô quả thực là một cô gái phi thường. Vì giờ tôi nhớ ra cô cũng
rất hiểu biết về nghề rèn, biết rõ tên của những công việc khác nhau chúng tôi
hay làm, và các món dụng cụ khác nhau chúng tôi sử dụng. Nói tóm lại, bất
cứ điều gì tôi biết Biddy cũng biết, về mặt lý thuyết, cô đã là một thợ rèn lành
nghề chẳng kém gì tôi, thậm chí còn hơn.
“Biddy này, em là một trong những người tận dụng tốt nhất mọi cơ
hội,” tôi nói. “Trước khi tới đây em chưa bao giờ có cơ hội, và nhìn xem em
đã tiến bộ tới mức nào!”
Biddy nhìn tôi một lát, rồi tiếp tục khâu. “Dù sao em cũng là cô giáo
đầu tiên của anh mà, đúng không nào?” cô vừa khâu vừa lên tiếng.
“Biddy!” tôi thốt lên kinh ngạc. “Sao thế, em đang khóc kìa!”
“Không, em đâu có khóc,” Biddy ngước lên và bật cười. “Cái gì làm
anh nghĩ thế chứ?”
Điều gì có thể làm tôi nghĩ thế ngoài một giọt lệ lấp lánh khi nó rơi
xuống món đồ cô đang khâu? Tôi ngồi im lặng, nhớ lại cô từng chẳng khác gì
nô lệ cho tới khi bà cô ông Wopsle vượt qua được thói xấu sống dai của bà,
một người vốn được vài người cực kỳ mong thoát khỏi. Tôi nhớ lại tình cảnh
vô vọng cô từng lâm vào trong cửa hiệu tồi tàn nhỏ xíu với lớp học ban đêm
nhốn nháo cũng nhỏ xíu tồi tàn đó, với bà lão già nua khốn khổ vô tích sự
luôn phải để tâm chăm sóc. Tôi ngẫm lại ngay cả trong quãng thời gian vô
vọng đó hẳn bên trong Biddy cũng đã ẩn chứa những điều giờ đây đang phát
triển, vì ngay từ lần đầu tiên cảm thấy bất an không hài lòng tôi đã tìm đến cô
nhờ giúp đỡ như lẽ tự nhiên. Biddy ngồi khâu thoăn thoắt, không nhỏ thêm
giọt nước mắt nào nữa, và trong khi nhìn cô đồng thời nghĩ về mọi chuyện,
tôi chợt nghĩ có lẽ tôi đã không biết ơn Biddy đúng mức. Có thế tôi đã quá dè
dặt, và đáng ra phải chiếu cố tới cô nhiều hơn (cho dù tôi không dùng chính
xác từ này trong dòng suy nghĩ của mình) bằng cách chia sẻ tâm sự.
“Đúng vậy, Biddy,” tôi nhận xét sau khi đã nghĩ xong xuôi, “em là cô
giáo đầu tiên của anh, và vào một thời kỳ cả anh và em đều không nghĩ sẽ có
lúc ngồi với nhau như lúc này, trong căn bếp này.”
“A phải, tội nghiệp!” Biddy đáp. Con người quên mình của cô luôn có
thói quen chuyển câu nhận xét sang chị tôi, rồi đứng dậy bận bịu chăm sóc
chị, làm chị thoải mái hơn, “thật buồn đúng là như thế!”
“Thế này!” tôi nói, “chúng mình cần nói chuyện với nhau nhiều hơn
một chút, giống như trước đây. Và anh cần hỏi ý kiến em nhiều hơn một chút,
như anh từng làm. Mình cùng nhau đi dạo ven đầm lầy vào Chủ nhật tới đi,
Biddy, và nói chuyện thật lâu.”
Bây giờ chị tôi không bao giờ bị để một mình, nhưng Joe lập tức sẵn
sàng đảm nhận việc chăm sóc chị vào chiều Chủ nhật đó, vậy là Biddy cùng
tôi cùng nhau ra ngoài đi chơi. Hồi ấy đang vào hè, thời tiết thật đẹp. Khi
chúng tôi đã đi quá làng, nhà thờ và khu nghĩa địa nhà thờ ra ngoài đầm lầy
và bắt đầu thấy những cánh buồm trên những con tàu qua lại, tôi bắt đầu gộp
cô Havisham và Estella vào cảnh vật như vẫn hay làm. Khi chúng tôi ra tới
bên sông và ngồi xuống ven bờ với làn nước lăn tăn ngay dưới chân làm cho
toàn bộ khung cảnh còn yên lặng hơn cả khi không có thứ âm thanh của nước
đó, tôi quyết định đây là thời điểm và nơi chốn thích hợp để thổ lộ tâm sự kín
đáo của tôi với Biddy.
“Biddy này,” tôi nói, sau khi đã yêu cầu cô giữ bí mật, “anh muốn trở
thành một quý ông.”
“Ồ, nếu em là anh em sẽ không muốn vậy đâu!” cô đáp. “Em không
nghĩ anh có thể thành công.”
“Biddy,” tôi nói, có phần nghiêm khắc, “anh có lý do đặc biệt để muốn
trở thành một quý ông.”
“Pip, anh phải là người biết rõ nhất; nhưng chẳng lẽ anh không nghĩ cứ
như hiện tại anh sẽ hạnh phúc hơn sao?”
“Biddy,” tôi sốt ruột thốt lên, “anh chẳng hề thấy hạnh phúc với mình
lúc này. Anh ghê tởm nghề nghiệp và cuộc sống của mình. Mà thực ra anh
chẳng bao giờ thích gì cả hai thứ, từ khi anh bị trói buộc vào chúng. Đừng có
ngớ ngẩn thế.”
“Em ngớ ngẩn sao?” Biddy nói, lặng lẽ nhướng mày, “em xin lỗi vì
điều đó; em không cố ý. Em chỉ muốn anh thành công và thấy thoải mái.”
“Được, nếu thế em hãy hiểu cho một lần này thôi là anh sẽ không bao
giờ và không thể thấy thoải mái - hay cảm thấy gì khác ngoài khổ sở - vậy
đấy, Biddy! - trừ phi anh có thể sống một cuộc sống khác hẳn với hiện tại.”
“Thật tiếc!” Biddy nói, lắc đầu đầy phiền muộn.
Giờ đây cả tôi nữa cũng thường nghĩ đúng là đáng tiếc, khi trong cuộc
tranh cãi kỳ cục với bản thân luôn đeo đẳng mình, tôi thiếu chút nữa đã bật
khóc vì phật ý và phiền muộn khi Biddy nhận xét thẳng thắn về cảm xúc của
cô và của tôi. Tôi nói với Biddy là cô có lý, và tôi biết suy nghĩ của mình thật
đáng hối hận, song tôi vẫn không thể đừng được.
“Giá anh chịu an cư lạc nghiệp,” tôi vừa nói với Biddy vừa bứt túm cỏ
ngắn trong tầm tay với, hệt như tôi từng có lúc bứt cảm xúc của mình ra theo
mái tóc và đá chúng vào bức tường xưởng ủ bia, “giá anh biết an cư lạc
nghiệp và thích nghề thợ rèn dù chỉ bằng một nửa hồi bé thôi, anh biết như
thế sẽ tốt hơn nhiều cho mình. Em, anh và Joe khi đó chắc sẽ chẳng phải
muốn gì hơn nữa, và Joe cùng anh có khi sẽ trở thành đồng nghiệp khi anh
hết thời gian học việc, và anh sẽ lớn lên để làm bạn cùng em, rồi chúng mình
có thể ngồi ngay ở bờ sông này một Chủ nhật đẹp trời, nhưng là hai người
khác hẳn. Chắc anh sẽ đủ tốt với em, phải không nào, Biddy?”
Biddy thở dài trong lúc ngắm nhìn những con tàu căng buồm lướt qua,
rồi quay lại trả lời, “Vâng; em cũng không quá khó tính.” Nghe chẳng mấy
tâng bốc, nhưng tôi biết cô có ý tốt.
“Thay vì thế,” tôi nói, tiếp tục bứt cỏ, rồi nhai một hai lá, “hãy thử nhìn
xem anh đang ra sao. Không hài lòng, không thoải mái, và - là người thô kệch
và tầm thường đâu có gì quan trọng với anh, nếu không ai nói với anh như
thế!”
Biddy đột nhiên quay sang nhìn tôi, và quan sát tôi chăm chú hơn
nhiều so với những con tàu.
“Nói thế chẳng hề đúng mà cũng không lịch sự chút nào,” cô nhận xét,
ánh mắt lại hướng về phía những con tàu đang căng buồm. “Ai đã nói thế?”
Tôi bối rối, vì tôi đã mở đầu mà không hề lường trước liệu mình sẽ đi
tới đâu. Song giờ thì không thể ngừng được nữa, và tôi trả lời, “Cô tiểu thư
xinh đẹp ở nhà cô Havisham, cô ấy xinh đẹp hơn bất cứ ai khác, anh ngưỡng
mộ cô ấy kinh khủng, và anh muốn trở thành một quý ông vì cô ấy.” Sau khi
nói ra lời tự thú rồ dại, tôi ném túm cỏ vò nát xuống sông, như thể ít nhiều
nghĩ đến chuyện đi theo nó.
“Anh muốn trở thành một quý ông để chọc tức cô ấy hay để lấy thiện
cảm của cô ấy?” Biddy khẽ hỏi tôi sau hồi lâu im lặng.
“Anh không biết,” tôi ủ rũ trả lời.
“Bởi vì nếu là để chọc tức cô ấy,” Biddy nói tiếp, “em nghĩ - nhưng
anh biết rõ nhất - có thể có một cách tốt hơn và độc lập hơn là mặc kệ những
gì cô ấy nói. Còn nếu để lấy thiện cảm của cô ấy, em nghĩ - nhưng anh biết rõ
nhất - cô ấy không đáng để giành lấy thiện cảm.”
Đúng những gì chính tôi đã nghĩ vô số lần. Đúng những gì đang hiện ra
rõ rệt với tôi vào khoảnh khắc đó. Nhưng làm sao tôi, một cậu nhóc quê mùa
đã bị làm cho lóa mắt, có thể tránh nổi sự mâu thuẫn kỳ lạ mà những người
tốt nhất, thông thái nhất vẫn rơi vào hằng ngày?
“Tất cả có lẽ đều đúng,” tôi nói với Biddy, “nhưng anh ngưỡng mộ cô
ấy kinh khủng.”
Nói ngắn gọn lại, tôi ngửa mặt lên trời khi nói đến đó, túm chặt lấy tóc
ở hai bên đầu, và xoắn thật mạnh. Tôi biết rõ sự điên rồ của trái tim mình thật
cuồng dại và không đúng chỗ, đến mức ý thức được sẽ thật đáng đời cho
khuôn mặt của tôi nếu tôi giật ngửa nó ra bằng cách túm tóc rồi nện thật
mạnh xuống sỏi như sự trừng phạt vì đã thuộc về một kẻ ngốc nghếch đến
thế.
Biddy là cô gái thông minh nhất trên đời, và cô không cố nói lý với tôi
nữa. Cô đưa bàn tay, một bàn tay thật dễ chịu dù chai sạn vì lao động, áp lên
từng bàn tay tôi, nhẹ nhàng gỡ chúng xuống khỏi mái tóc tôi. Sau đó, cô dịu
dàng vỗ vai tôi an ủi, trong khi tôi gục mặt xuống tay áo khóc một lát - đúng
như tôi từng làm trong sân xưởng ủ bia - và cảm thấy mơ hồ tin rằng có ai đó,
hay tất cả mọi người, đã đối xử rất tệ với mình; khả năng nào đúng tôi cũng
không rõ nữa.
“Em thấy mừng vì một điều,” Biddy nói, “và điều đó là anh cảm thấy
có thể chia sẻ tâm sự với em, Pip. Và em cũng thấy mừng vì một điều khác,
tất nhiên đó là việc anh biết anh có thể trông cậy em giữ bí mật và luôn xứng
đáng được tin cẩn. Nếu cô giáo đầu tiên của anh (và than ôi! Một cô giáo thật
tội nghiệp, bản thân cô ấy cũng còn quá nhiều thứ cần được dạy!) cũng là cô
giáo của anh lúc này, cô ấy nghĩ mình biết cần đưa ra bài học nào. Nhưng đó
sẽ là một bài học thật khó học, và anh đã vượt xa cô ấy rồi, nên bây giờ nó
không ích gì nữa.” Vậy là Biddy dành cho tôi một tiếng thở dài lặng lẽ rồi
đứng lên khỏi bờ sông và nói với một thay đổi thật tươi mới vui vẻ trong
giọng nói, “Chúng mình đi dạo thêm một chút nữa nhé, hay về nhà?”
“Biddy,” tôi reo lên, đứng dậy, quàng cánh tay quanh cổ cô, và dành
cho cô một cái hôn, “anh sẽ luôn kể với em mọi chuyện.”
“Cho tới khi anh trở thành một quý ông,” Biddy nói.
“Em biết anh sẽ chẳng bao giờ là quý ông cả, nên như thế sẽ là luôn
luôn. Mà cũng không phải anh có cơ hội để nói gì với em nữa, vì em biết mọi
thứ anh biết rồi - như anh đã nói với em ở nhà hôm nọ.”
“A!” Biddy thốt lên, gần như thì thầm, trong khi nhìn về phía những
con tàu. Rồi lặp lại, với giọng nói thay đổi vui tươi lúc trước, “Chúng mình đi
dạo thêm một chút nữa nhé, hay về nhà?”
Tôi nói với cô chúng tôi sẽ đi dạo thêm chút nữa, và chúng tôi tiếp tục,
trong khi buổi chiều mùa hè chuyển dần thành buổi tối mùa hè, và cảnh
tượng quả là đẹp vô cùng. Tôi bắt đầu tự hỏi liệu nói cho cùng chẳng phải tôi
không thấy mình tự nhiên và thoải mái hơn trong hoàn cảnh này hay sao, so
với chơi tước sạch hàng xóm dưới ánh nến trong căn phòng có những chiếc
đồng hồ chết cứng, và bị Estella miệt thị. Tôi nghĩ sẽ thật tốt cho tôi nếu có
thể rũ bỏ cô gái khỏi đầu mình cùng mọi hồi ức và tưởng tượng khác, và có
thể lao vào công việc với quyết tâm ưa thích điều tôi cần phải làm, gắn bó với
nó, và làm tốt nhất có thể. Tôi tự hỏi có phải tôi thực sự không biết chắc nếu
Estella đang ở bên tôi vào khoảnh khắc ấy thay vì Biddy, cô sẽ làm tôi đau
khổ hay không? Tôi buộc phải thừa nhận mình biết rõ điều đó một cách chắc
chắn, và tự nhủ, “Pip, mày mới ngốc làm sao!”
Chúng tôi trò chuyện rất nhiều trong lúc đi dạo, và tất cả những gì
Biddy nói dường như đều đúng. Biddy không bao giờ nhục mạ hay đỏng
đảnh, hay thay đổi chóng mặt từ hôm nay sang ngày mai; cô sẽ chỉ cảm thấy
đau khổ chứ không phải thích thú khi làm tôi đau khổ; cô hẳn thà làm tổn
thương chính mình còn hơn làm tôi bị tổn thương. Vậy thì làm sao tôi không
thể thích cô nhiều hơn trong hai cô gái chứ?
“Biddy,” tôi nói khi hai chúng tôi rảo bước quay về nhà, “anh ước gì
em có thể giúp anh cư xử đúng đắn.”
“Em ước gì em có thể!” Biddy nói.
“Giá như anh có thể làm mình yêu em - em không phật ý khi anh nói
năng thẳng thắn quá như vậy với một người quen lâu năm chứ?”
“Ồ không, không đâu!” Biddy nói. “Đừng bận tâm vì em.”
“Giá như anh có thể làm được điều đó, đấy sẽ là chuyện tốt nhất cho
anh.”
“Nhưng anh sẽ không bao giờ có thể, anh biết mà,” Biddy nói.
Điều này không đến mức khó thành hiện thực đến vậy với tôi vào tối
hôm đó, nhưng hẳn đã là một viễn cảnh mờ mịt hơn nhiều nếu được bàn đến
sớm hơn vài giờ. Do đó tôi thấy mình không mấy chắc chắn về chủ đề này.
Nhưng Biddy lại quả quyết là cô biết chắc, và nói về điều đó một cách khẳng
định. Trong tim mình, tôi tin cô có lý; dẫu vậy tôi cũng thấy khá phiền lòng
khi cô chắc chắn đến thế về chuyện này.
Khi về tới gần nghĩa địa nhà thờ, chúng tôi phải đi qua một bờ đập và
leo lên những bậc lên xuống gần một cửa cống. Và ở đó, có thể từ cửa cống,
từ dưới nước hay từ đám bùn ngoài cửa biển (kể cũng khá giống với vẻ trì
độn uể oải của anh ta), Orlick Già xuất hiện.
“Xin chào!” anh ta hét to, “cô cậu đang đi đâu thế?”
“Bọn em về nhà chứ còn đi đâu nữa?”
“À, nếu thế,” anh ta nói, “tôi sẽ là đồ khỉ gió nếu không tự đưa cô cậu
về nhà!”
Hình phạt bị biến thành đồ khỉ gió là một thứ lựa chọn mê tín ưa thích
của anh ta. Theo như tôi biết, anh ta chẳng hề gắn nó với một ý nghĩa cụ thể
nào, mà sử dụng nó, cũng như cái tên thánh anh ta giả bộ coi là của mình, chỉ
để sỉ nhục nhân loại và thể hiện ý tưởng về một thứ hủy hoại tàn tệ. Khi còn
nhỏ hơn, tôi từng tin là nếu anh ta mà có thể biến tôi thành đồ khỉ gió, chắc
anh ta đã làm vậy bằng một cái móc nhọn hoắt uốn xoắn.
Biddy rất bực bội về chuyện anh ta đi theo chúng tôi, và thì thầm với
tôi, “Đừng có để anh ta lại đây; em không thích anh ta.” Và vì tôi cũng chẳng
thích gì anh này, tôi tự cho mình lên tiếng đáp rằng chúng tôi cảm ơn anh ta,
nhưng không muốn được ai đưa về nhà. Anh ta ré lên cười đón nhận câu trả
lời, rồi lùi lại, nhưng vẫn thõng vai bám theo sau cách chúng tôi một quãng.
Tò mò muốn biết liệu Biddy có nghi ngờ anh ta can dự vào vụ hành
hung mà chị tôi không bao giờ có khả năng thuật lại nội tình, tôi hỏi vì sao cô
không ưa anh ta.
“Ô!” cô đáp, ngoái nhìn lại trong khi anh ta vẫn thõng vai bám theo sau
chúng tôi, “vì em… em sợ là anh ta thích em.”
“Anh ta đã bao giờ nói với em là thích em chưa?” tôi phẫn nộ hỏi.
“Chưa” Biddy nói, lại ngoái nhìn đằng sau, “anh ta chưa bao giờ nói
vậy với em; nhưng anh ta cứ tán tỉnh em mỗi khi bắt gặp ánh mắt em.”
Cho dù hình thức biểu hiện sự gắn bó này có mới mẻ lạ thường thế nào
chăng nữa, tôi vẫn không nghi ngờ mảy may độ chính xác của phần giải
nghĩa. Thực sự tôi đã nổi nóng về chuyện Orlick Già dám ngưỡng mộ cô; nổi
nóng như thể chính tôi bị xúc phạm vậy.
“Nhưng điều đó cũng chẳng có gì khác với anh cả, anh biết mà,” Biddy
bình thản nói.
“Không, Biddy, với anh không có gì khác cả; có điều anh không thích
chuyện đó; anh không thể tán thành chuyện đó.”
“Cả em cũng vậy,” Biddy nói. “Cho dù chuyện đó với anh cũng chẳng
có gì khác biệt.”
“Phải,” tôi nói, “nhưng anh phải nói với em anh sẽ không có ý kiến gì
hết, Biddy, nếu anh ta bày tỏ tình cảm với em và được em ưng thuận.”
Đến hết buổi tối đó tôi luôn để mắt tới Orlick, và mỗi khi hoàn cảnh
thuận lợi cho anh ta thể hiện tình cảm với Biddy, tôi lại đứng ra trước anh ta
để che khuất màn trình diễn. Orlick đã bám rễ tại lò rèn của Joe vì chị tôi đột
nhiên lại quan tâm tới anh ta, nếu không ắt hẳn tôi đã cố làm anh ta bị thôi
việc. Orlick biết quá rõ và cũng đáp lại ý định tốt lành của tôi, như sau này tôi
có lý do để thấy rõ.
Và đến lúc này, vì trước đó tâm trí tôi vẫn còn chưa đủ bối rối, tôi đã
làm cho nó rối tung lên thêm năm mươi nghìn lần vào những thời điểm khi
tôi thấy rõ Biddy tốt đẹp hơn không biết bao nhiêu lần so với Estella, và cuộc
sống lao động chân chất trung thực nơi tôi được sinh ra chẳng có gì đáng để
phải xấu hổ, ngược lại còn đem tới cho tôi đủ cơ hội để được tự trọng và hạnh
phúc. Vào những lúc như thế, tôi luôn quyết định dứt khoát rằng sự bất mãn
của tôi với Joe thân mến và lò rèn đã biến mất, và tôi đang dần trưởng thành
một cách đàng hoàng để trở thành đồng nghiệp với Joe và làm bạn cùng
Biddy - thế rồi chỉ trong khoảnh khắc một hồi ức lẫn lộn về những ngày tại
nhà cô Havisham lại ập xuống tôi như một tảng đá khổng lồ hủy diệt, làm lý
trí tôi tan tành thêm một lần nữa. Lý trí bị đập tan tành cần khá nhiều thời
gian để hồi phục; và thường thì trước khi tôi ghép được đủ các mảnh vỡ lại
với nhau, chúng sẽ thêm một lần nữa bị đánh văng đi tứ tán bởi một ý nghĩ
lạc loài rằng có lẽ cuối cùng cô Havisham sẽ tạo dựng vận hội cho tôi khi thời
gian học việc của tôi kết thúc.
Nếu thời gian thử việc của tôi đi đến hồi kết, hẳn nó sẽ để tôi lại vẫn
trong tình trạng bối rối tột độ, tôi tin chắc là vậy. Thế nhưng quãng thời gian
học việc này đã chẳng bao giờ hoàn tất mà bị kết thúc dở dang theo cách tôi
sắp sửa thuật lại sau đây.
Great Expectations (Tiếng Việt) Great Expectations (Tiếng Việt) - Charles Dickens Great Expectations (Tiếng Việt)