Số lần đọc/download: 1794 / 19
Cập nhật: 2016-06-03 16:19:50 +0700
Chương 16: Bùi Giáng
Bữa nay ruộng nhớ lưng trời
Thông ngàn lũng tạ núi ngồi chiêm bao
Ra đi mang hận hội nào
Cổng xô còn vọng điệu chào bay ngang
Thơ Bùi Giáng 1
Người ta thường nói có hai lý do để con người khóc, tức là có hai loại nước mắt: một là khóc vì đồng cảm, hai là khóc để thư giãn sau cơn căng thẳng thần kinh. Tôi cũng đồng ý với nhận định đó, và thường thường có khóc thì cũng chỉ vì một trong hai lý do đó thôi. Song có một lần tôi khóc với "loại nước mắt thứ ba". Và chỉ có một lần: tôi được gặp Bùi Giáng.
Tôi từng rất thích thơ của cụ, và khi biết rằng tâm hồn của cụ có những uẩn khúc mà ngay bạn bè cũng không hiểu rõ, thì tôi càng muốn gặp.
Cuộc gặp gỡ diễn ra ở nhà riêng, hình như cụ ở đó một mình, và cả căn phòng cũng trống không. Tôi không hiểu cụ ở đâu, nằm trên cái gì, có những đồ dùng gì không... Một điều lạ, tôi không thể nói với cụ dù là một lời nào, xã giao cũng như tâm đắc, nhưng cụ chẳng lấy làm lạ trước điều đó, cụ nhìn tôi rất bình tĩnh, không một chút tò mò mà tôi thường thấy ở người lạ khi mới gặp nhau. Cái nhìn của cụ như xuyên thấu vào tâm hồn tôi, và tôi đã khóc. Cụ vẫn bình tĩnh trước dòng nước mắt mỗi phút một cuộn chảy kia. Phải chăng vì chính cụ đã từng cảm thông với những "Diogène thắp đuốc đi kiếm một cái gì giữa ban ngày" như trong cuốn Hy Lạp phương của cụ?
Còn tôi, lúc đó tôi cảm thấy cái gì? Đầu tiên là cảm giác trước một sự thanh cao kỳ diệu. Tự nhiên tôi cảm thấy rất rõ tính nhỏ nhặt trong những mối lo hàng ngày của chúng ta, thấy rõ sự đối lập giữa cái thiêng liêng và cái tầm thường. Và còn rất nhiều hình ảnh tương tự nữa, làm tôi cuống lên. Và cũng rất bất ngờ, như vậy tôi lại cảm thấy bình tĩnh và yên lòng tuyệt đối: với một sự cân bằng hài hòa lạ thường trong tâm hồn.
Cả quá trình này diễn ra như trong tình trạng thôi miên, không chậm, không lẹ, rất đều đặn và... cũng không có lời nào hết. Có lẽ cụ không hiểu ràng tôi biết tiếng Việt, và cụ không nói với tôi câu nào.
Sau đó, tôi nghe kể rằng cụ có một hành vi lạ: ra đường phố ngồi cầm tờ báo - nhưng không đọc mà chỉ để trước mắt... ở thế ngược! Nghe vậy tôi không muốn cười theo người kể. Tôi thừa hiểu: trước cái nhìn hài hòa của cụ, chính thế giới của chúng ta là một điều ngược tuyệt đối.
--------------------------------
1 Bùi Giáng là một thi sĩ lừng danh. Tự nhận mình là "Trung niên thi sĩ" dám bỏ cả cuộc đời để làm chàng tuổi trẻ trên chiếc đu bay của thi ca và hành động. Ông nổi danh về sự tài hoa làm thơ "xiêu đình đổ quán" trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ngoài ra ông còn dịch nhiều tác phẩm lớn của văn chương thế giới sang tiếng Việt. Cuộc đời của ông đầy ly kỳ và huyền thoại. Phải chăng đây là một Don Quichotte của thế kỷ XX? Và phải chăng sau Hàn Mặc Tử, nền thi ca VN hiện đại chỉ có Bùi Giáng mới xứng đáng được gọi là thi sĩ?