Số lần đọc/download: 3598 / 117
Cập nhật: 2016-03-10 08:46:13 +0700
Phần 5: Cái Tâm Của Tú Xương Là Đã Đánh Vào Chữ Quốc Ngữ.
C
àng về cuối, những khoa thi trường Nam Định càng bày ra những tàn tạ của chữ Hán, của đạo Nho. Chữ Hán rút lui dần, chữ ta La Mã hóa La tinh hóa lấn dần chữ Hán. Chữ quốc ngữ loang ra đến đâu thì những phán, những ký, những thông ngôn cũng ngày càng nhiều nhiều. Không cần thông báo với nhau, không cần có một tổ chức một nghiệp đoàn nhất định, mà tất cả phán thông ký ấy đã trở thành một đẳng cấp xã hội. Lúc giao thời này, Pháp đã căn bản "dẹp" xong phong trào Văn Thân khởi nghĩa, và bước đầu bóc lột kinh tế. Nhiều giá trị tinh thần trải qua một cuộc bể dâu đạo đức. Nho sĩ, đồ nho chẳng khác gì những váng nước thoái triều, mà Tây thì cứ như con nước lên. Ngấn nước ngoại xâm dâng vào đến đâu thì bọt bèo cũng được nâng theo mà tràn vào các ngóc ngách sự sống thị thành. Những cái bèo dập dờn ấy, sinh sôi nảy nở mau và đông hơn cả bèo Nhật Bản, chính là những cái mảng lớn phán ký thông.
Trong bài thơ vịnh lụt của Tú Xương có câu:
Trâu bò buộc cẳng coi buồn nhỉ
Tôm tép khoe mình đã sướng chưa!
"Trâu bò buộc cẳng" đây, không là cái số những nhà nho không biết chữ quốc ngữ La tinh hóa (hoặc không muốn học tập nó) thì còn là ai vào đấy nữa? "Tôm tép khoe mình" đây, không là cái đám thông ký phán, thì còn là ai vào đấy nữa?
Thơ lụt đây không hẳn là thơ ẩn dụ như những lúc cần nói bóng nói gió đến đế quốc thống trị. Nhưng nó vẫn ám chỉ bọn người cộng tác với Pháp, và đám tiểu nhân đắc chí này cũng khối anh hống hách có thể làm hại tới những người dám đương diện đụng tới họ - họ, những thứ tôm tép đắt hàng lên nước trong một trận lụt văn hóa! Nhìn họ và nhìn vào đạo Nho suy bại trông thấy nhỡn tiền, Tú Xương ngứa mắt, rậm mắt. Những hột bụi bặm ký phán ấy đã ít nhiều là căn nguyên của bệnh đau mắt ở Tú Xương. Thơ "Đau mắt" Tú Xương hình thành lên cũng là bởi tại cái bọn phán ký này.
Muốn mù giời chẳng cho mù nhỉ
Giương mắt coi chi buổi bạc tình.
Bạc tình với ai, với cái gì?
Bạc với nền học cũ đó. Bạc với chữ Hán đó?
Tú Xương vịnh cẩm Tây hay phạt, hết bài vịnh có nói đến cái việc:
Ngớ ngẩn đi xia may vớ được
Chuyến này ắt hẳn kiếm ăn to.
Ai bĩnh ra đường thì cứ phạt, thì cứ nộp phạt, đó là việc người bậy bạ, và nhất là việc rình mò của cút lít của cẩm cò nơi bóp. Nhưng trên những đống uế kia thảm mục thương tâm cho người cũ chữ cũ là phải trông thấy giấy bản chữ thánh hiền vo nát lại thành giấy vệ sinh. Đối với một ông đồ nho, đó là một cử chỉ vô nhân luân không thể nào tha bỏ được. Ngày xưa ra đường, cái điểm danh dự tối thiểu của bậc nho giả chân chính là, mỗi khi thấy chữ thánh hiền vương xuống đất, phải cúi mình xuống, nhặt lên, và để vào những cái bồ nhất định (nếu tôi không nhớ lầm danh từ, thì những bồ đó, các cụ gọi là kính tích tự chỉ). Nay họ sinh nhai bằng thứ chữ mới do Tây đưa vào, những con người thông ngôn thông phán bội bạc chữ Nho, miệt thị chữ Hán chưa đủ, họ lại còn đọa lạc họ vào những việc hôi bẩn hạ đẳng ấy, chao ôi?
Con tự không coi mù tịt mít
Giống người có lẽ sạch sành sanh
Thôi, sự nó đã bày ra như thế ấy, thì chữ Hán, và những nho sĩ chung thủy với nó, sẽ chỉ còn là hủy diệt "sạch sành sanh". Và cuối cùng, chỉ còn lại có cái đám ký phán thông ấy mà thôi!
Tây mở kinh tế, Tây củng cố và phát triển cuộc bình định Bắc Kỳ Trung Kỳ". Những đầu tay thuồng luồng vươn ra tới đâu, thì phán ký thông cũng tủa ra tới đó. Việc kín việc hở, tòa quan văn, dinh quan võ, sở hộ, sở hình, sở công, sở tư, nhà buôn, đồn, ga, trại, thành, tỉnh, đại lý, phân tỉnh, nhan nhản là thông ngôn ký phán. Thời ấy, trừ ra một số nào, còn thì ở thị thành, hình như con người ta cũng dễ biến thành một thứ ký kiếc gì của cái bộ máy lớn đó. Và từ đó, từ vựng tiếng ta tự nhiên rồi thêm ra không biết bao là tiếng gọi cho những cái chức vụ tiểu lại mới đó. Tiếng ký còn díu luôn với tên cúng cơm mỗi người làm việc Tây đó mà trở nên một thứ đại danh từ.
Trên hết là các thứ phán sự Toàn quyền, Thống sứ, Khâm sứ, Công sứ. Thứ đến là các thứ biện, thứ tham. Rồi là đến những binh đoàn các thứ ký.
Ký nhà thương, ký cẩm, ký đoàn, ký kiểm lâm kho bạc, ký muối, ký nông giang, ký rượu, ký kho, ký nhà băng, ký nhà tắm (nhà tắm ông Bảy, tức là quan Toàn quyền). Ký Bôđa. Ký thịt bò. Ký nhà xéc. Ký máy đèn (có bao nhiêu thứ nhà máy công nghiệp nhẹ, thì có bấy nhiêu thứ ký). Ký tải (vận tải). Ký (trạm) ét xăng. Ký (la) ga. Ký lục lộ. Ký nhà. Ký phà đo. Ký vân vân.
Đế quốc thực dân "làm văn" nơi thuộc địa vẫn có một thứ tổ chức quy mô của nó. Muốn cho được có đủ một đạo quân hành chánh cầm bút sắt cầm bút chì để thỏa mãn cái nhu cầu sai bảo và cai trị của nó, Tây bèn mở ngay trường Thông ngôn từ năm 1886. Đến 1887, mở trường Hậu bổ. Lại còn gọi là trường Sĩ hoạn cho nó xôm trò thêm. Lại còn phát triển các lớp gọi là trường Tân quy (?) Ở đấy, sách vở giấy bút, đã có Nhà nước lo cho. Quý vị chỉ cần mang đến đấy cái linh hồn tầm thường của các vị thôi. Học ba năm chữ quốc ngữ và ít tiếng Pháp "maxuen" bồi bồi chắp chữ một. Tập làm tờ bẩm, tờ trình, tập làm biên bản, dịch nó từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ, rồi dịch sang tiếng Pháp thống trị. Dịch lối thuận, rồi lại dịch lối nghịch, dịch ra, dịch vào. Có lớp dự bị, có lớp chính ngạch, xong ba năm rồi là xuất chính. Cái không khí chuẩn ký ấy (chuẩn bị thành phán ký thông) có được ghi lại trong thơ Tản Đà:
Cử, Tú, ấm sinh vài chục kẻ
Tây, ta, Quốc ngữ bốn năm kỳ.
Cái buồn của Tú Xương than đạo học ("thôi có ra gì cái chữ Nho - Ông nghè ông cống cũng nằm co"), cũng là sự bất bình của Tú Xương đối với những bệ rạc tinh thần ở đám phán ký ấy. Câu "Sao bằng đi học làm ông phán - Tối rượu sâm banh sáng sữa bò" đó, không khi nào là một sự thèm thuồng của Tú Xương, mà trái lại, là một câu chửi mát mẻ chì chiết, khinh khô đi? Người làm thơ tự mỉa mình rằng đau khổ tâm hồn để mà làm gì, trong khi có nhiều người đã giải quyết thảm kịch đời sống lúc ấy bằng cái cách tợp ngay vào cái cốc, và bú ngay vào cái vú của Tây chìa cho.
Ông có đi thi ký lục không
Nghe ông quốc ngữ học chưa thông
Ví rằng nhà nước cho ông đỗ
Thì hạng lương ông được mấy đồng
Tây chưa đến, thì chỉ gọi là ơn vua, phấn vua, lộc nước. Nay mất nước, thì lại gọi là lương tháng. Về cái lương phận một thời đó, người ngang tàng Cao Bá Quát cũng đã lấy thơ mình ra mà nghĩ về nó rằng "Đỉnh chung chiếc rưỡi cái lương vàng". Cho nó lên hết cái nghĩa rẻ rúng của lương tháng do Tây ban phát, lại phải mượn đến thơ của Yên Đổ: "Bẻ cò, tính lại cái lương vàng" hoặc câu "Ăn tiêu, nhờ được chiếc lương Tây" cũng của Yên Đổ gửi một ông bạn làm quan mới. Và xin dẫn thêm Tản Đà ra (bài Thuật bút):
Mười mấy năm xưa ngọn bút lông
Xác xơ chẳng bợn chút hơi đồng
Bây giờ anh đổi lông ra sắt
Cách kiếm ăn đời có nhọn không.
Về cái đẳng loại phán ký thông, mọc ra từ ngày lịch sử buộc ta phải chung sống một cách không bao giờ hòa bình với Tây thực dân, về cái thế giới ký phán đó, thảm hại nhất, thảm hại một cách kinh khủng, có lẽ chưa có câu nào vượt qua được hai câu dưới đây của Tú Xương:
Biết thân, thuở trước đi làm quách
Chẳng ký, không thông, cũng cậu bồi 9
Vẫn cái kiểu vờ vờ thèm cái địa vị "...làm ông phán, tối rượu...sớm sữa..." đó để lập tức tát trái ngay vào mặt cái địa vị đó. Vừa đánh tát, vừa rơm rớm một thứ nước mắt u hoài. Đọc lại một số thơ Tú Xương, thấy bút pháp hiện thực của Tú Xương đã đóng đinh ký phán vào một cái tủ triển lãm lịch sử. Và cái đám ấy, chắc không bao giờ họ nghe ra rằng chính họ đã là những kẻ phần nào đẩy Tú Xương vào cái thế của một người mắc cái bệnh ghét chữ quốc ngữ và cái bút chì đại biểu của chữ quốc ngữ. Cái mẫu người ký phán ấy đã sống một thế kỷ ở nước ta đấy. Cũng như tổng lý lệ lại ký phán đã khắc hằn nét lên sự sống của cái triện đồng có những chữ ký thay mặt thay lời và ủy thác ủy quyền. Nó đã thành một thứ cảm nghĩ ký phán, xử sự ký phán, khôn ngoan ký phán, vui buồn ký phán, vân vân...
Thực dân Pháp, chấm dứt toàn bộ ở trận lớn Điện Biên Phủ rồi, mà những râu ria chân rết đời cũ đó, cho đến hôm nay, vẫn còn phải coi chừng, những tàn dư của nó, chưa phải là không chút gì còn lưu lại. Tàn dư nọc ký phán ấy, có còn tí nào, nếu nó không dám đương diện hãm hại được con người mới đã lớn khỏe, nhưng nếu không tiếp tục tỉa nó, nó vẫn cứ làm vướng được bước đi đấy. Cái cỏ may trên lối rừng vẫn đủ làm cho ngựa anh vấp ngã, khi anh đang vội đi đang lao miết về mặt trước.
o O o
Thời kỳ quốc biến cuối thế kỷ XIX ăn lèo sang đầu thế kỷ XX, cũng là cái vận hội bở béo nhất của mẫu người phán ký hãnh tiến. Tách lẻ ra, thì từng người ký, người thông, người phán chưa thành ra một sự kiện xã hội, nhưng đem cộng lại, cả cái lượng xấu ấy đã hiển nhiên chuyển thành chất, một cái chất xấu nó hết sức hoành hành. Bên cạnh nó, bên cạnh họ, nhà nho thuần túy chỉ là những người thất thế.
Đỗ đâu hết cả nhà thông ký
Phần của nhà nho có một ly
Người thất thế Tú Xương không màng gì cái chân ký thông viết lách toàn bằng kiểu chữ mới ấy, nên cũng dễ hiểu tại sao Tú Xương đểnh đoảng với chữ quốc ngữ La tinh hóa.
Ông có đi thi ký lục không?
Nghe ông quốc ngữ học chưa thông.
Tú Xương mỉa mình, mỉa đời, và mát mẻ hờn hận mà đả luôn sang cả phía những anh nhà nho có vẻ bấp bênh về lập trường chữ Hán, và có vẻ chung chiêng sang phía chữ mới:
Nghe nói khoa này sắp đổi thi
Các thầy đồ cổng mau đi
Nếu không bia đá còn bia miệng
Vứt bút lông đi, giắt bút chì
Tú Xương mỉa mai những bạn đồng song nào đó, những ông đồ cổ nào đó, và kháy nhau hãy đi thi mau lên (như là chớp lấy bát cháo thí). Tú Xương còn dọa họ rằng ví có thế nào mà không được lưu tên vào sử xanh bia đá, thì chí ít, cũng được miệng thế nó réo lên cho. Chớ có lo rằng không ai nhìn thấy mình, không ai nói tới mình. Cứ đi thi chữ quốc ngữ đi, cứ đi theo Tây đi, nếu không "nghìn thuở còn giữ thơm" thì ít ra cũng được "bỏ cái thối lại sau cho trăm năm" chứ có làm sao. Còn riêng về phần mình, thì Tú Xương đã có biện pháp rồi:
Hán tự chẳng biết Hán
Tây tự chẳng biết Tây
Quốc ngữ cũng mù tịt
Thôi thì về đi cày
Thơ Tú Xương về trường thi giai đoạn sau, lởn vởn những từ ký phán, từ quốc ngữ, từ bút chì. Những từ và ảnh này đã trở thành một ám ảnh. Một ám ảnh chành chạnh đủ ba góc theo: phán ký - quốc ngữ - bút chì.
Muốn sống phải chăm mài bút sắt
Cho mau chớ chậm đổ hòn chì
Cái biểu tượng bút chìm ở Tú Xương có lúc đã thành một cơn mê sảng nặng.
Ba kỳ trọn vẹn thêm kỳ nữa
Ú, ớ, u ơ, ngọn bút chì.
Đọc lên nghe nó hãi hãi như phải nghe một ông dở người cắm đầu bút vào mồm thấm nước bọt cho đậm thêm nét bút chì, và lấy quá tay hóa ra hóc thỏi chì. Nghe nó còn ghê ghê như người cảm xúc quá khích vì bút chì, máu uất bốc lên, đâm cấm khẩu, giẫy đành đạch, và ú ớ be be, như có sự oan khiên càng cần nói ra lời thì lại càng thất thanh đi.
Nghe còn thảm thương một cách buồn cười như người hay chữ nằm mơ mơ, cuốn sách ấp vào ngực, bỗng bị ma dốt bóp cổ và bịt mồm không cho cầu cứu.
Nghe như truyện dị đoan nói về anh học trò đêm đầu hỏng thi bị bóng ma mộc đè nơi quán trọ.
Cái tài của câu thơ Tú Xương còn ở cái cách nó nhại được cả cái thứ văn tự mới mà nó không cảm tình một tí nào. Nó nhại, để nó trả thù cho thứ chữ Hán có lễ nhạc thánh hiền? Nó nhại vần trắc nó nhại vần bằng, ở đây nó nhại cả mẫu tự mẫu âm quốc ngữ và cho nó hiện lên như cái lối trẹo giọng của kẻ méo mồm méo miệng. Kẻ sĩ chân chất thì phải bình phải ngâm phải chi hồ giả dã, nó nền nã bổng trầm, chứ đâu lại đi ê a, uốn éo trẹo giọng, ú ớ ù ùy như cái đám bồi bếp phán ký ấy. Nói lên thì thế, viết ra thì lại không dùng bút thủy mà đi dùng ngòi chì, viết không dọc mà chỉ có ngang, lại đi bút từ trái sang phải. Ối cha sinh mẹ đẻ ơi? Thật là "cái mả nhà tôi thiếu bút chì! ".
Cái thời thi chữ Hán mà lại ghép các trò ngoại lai như cái kiểu "Toán pháp thêm bài hội Trí tri" đó, Tú Xương đứng giữa sân khấu trường thi mà dằn dỗi như thế. Thì từ trong hậu trường thi cử, sau này lại xa xa vẳng lên cái tiếng đồng vọng của Tản Đàn đề vào Khối tình con:
Chữ nghĩa Tây Tàu trót dở dang
Nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng
Nửa ngòi bút ngỗng ba sinh lụy
Một mối tơ tằm mấy đoạn vương
Có kẹo có câu là sách vở
Chẳng lề chẳng lối cũng văn chương...
Cũng là người một hội một phường với Tú Xương, cũng đi thi chữ Hán vào lúc trường thi ghép thêm quốc ngữ như Tú Xương, cũng bực bội với thi cử linh tinh, nhưng Tản Đà còn thích ứng được dần đần với văn tự mới - mặc dầu Tản Đà cũng đã mỉa sẵn mình rằng "nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng". Còn như Tú Xương thì cho đến lúc chết vẫn là không có điều đình nhượng bộ gì với quốc ngữ.
Quốc ngữ, ký phán, bồi bếp, bút chì đều là những biểu tượng liên hoàn cùng xuất xứ ở một nguồn duy nhất: Tây dương thực dân. Tất cả bốn cái món ấy (phán thông, bồi bếp, bút chì, quốc ngữ) là cùng nằm trong một hệ thống, cái hệ thống của địch. (Chao ôi phải được nhìn anh Tây chụp cái lũ thông ngôn Sè Goòng (ngồi xe nhà, ngậm ống đót, cầm ba toong) nịnh bợ quan thầy thực dân, hách dịch quát mắng hăm dọa người An Nam, thì mới thấy hết cái khả ố của bọn tay sai tân trào này)!
Không được như một ông Đề, ông Đốc, ông Lãnh đương thời nào đó dấy quân mà bình Tây, thì Tú Xương vận dụng thơ mà đánh, không đánh đầu sỏ thì đánh quân tá nó. Mà đã đánh thì cũng không cần phân biệt đối xử.
Chữ quốc ngữ bị nằm chung vào cái diện đánh mạnh đó.
Chữ quốc ngữ vì có mật thiết với đời sống ký phán thông mà đã trở thành một đối tượng oan uổng của thơ đả kích Tú Xương.
Tú Xương đánh phán thông và phong cách phán thông trong một thời, tôi tán đồng, vì tôi nghĩ rằng trong một số bài thơ về phán ký, Tú Xương đã cho chung quanh thấy thế nào là thanh nghị của sĩ phu một thời. Nhưng đến lúc Tú Xương lại đánh cả chữ quốc ngữ nữa thì, tôi phải nói thật, là Tú Xương đã làm cái điều không nên, đã làm cái điều không phải, đối với một thứ văn tự có liên quan chặt chẽ với tương lai ngôn tự văn hóa nước ta. Gọi nó là cái thành kiến, cái non cái hở, cái bậy, cái khuyết của Tú Xương, gọi là cái gì cũng được. Gọi bằng tiếng này hay chữ kia, đều thấy mình bực bực với Tú Xương. Bực hơn nữa là cái người mình quý mến đó, lại chết mất rồi.Vạch ra cái thiếu sót sai lầm của người nào, mà có người ta đối diện với mình thì vẫn thoải mái thỏa đáng hơn là nói vắng mặt chứ!
Ai ai ngày nay cũng đều biết thừa đi rằng chữ quốc ngữ là của cố đạo thực dân nặn ra. (Cuốn sách đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, sau cuốn tự vị La tinh - Việt, là một cuốn sách dạy người ta đi đạo. Ấy là cuốn Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội in tại La Mã năm 1651). Họ bày ra thứ chữ Nôm La Mã hóa đó, La tinh hóa đó, để làm cái việc truyền đạo của họ. Họ dùng chữ đó, không phải để đem ánh sáng tới, mà chính là vì cái mục đích làm tối tăm thêm sự sống ở nước ta. Âm mưu nguyên thủy của chữ quốc ngữ cố đạo là cốt làm mù óc người An Nam kể cả người đi đạo lẫn người không theo đạo. Nhưng, cái hình thức văn tự mới ấy có làm được hay không cái sứ mạng ngu dân mà cố đạo định giao cho nó, đó là một chuyện khác. Tất cả những gì do đối phương, do đối địch chế tạo ra, không phải là ta tuyệt đối từ chối hết.
Nếu cái họ chế ra đó mà tiện lợi cho phía ta, thì ta phải dùng. Ngay như chữ quốc ngữ cố đạo đưa ra, ta tỉnh táo mà dùng, và đã có biết bao nhiêu trang sách báo in ngay bằng chữ quốc ngữ để phê phán vai trò giáo hội, và lật mặt nạ những cha cố làm mật thám cho địch, làm Việt gian bán nước 10. Tôi không bao giờ nói Tú Xương là hủ nho, nhưng đứng trước sự thành kiến đối với quốc ngữ của Tú Xương, tôi phải thẳng thắn mà nói rằng ông Tú của tôi, không còn nghi ngờ gì nữa, đã là một con người thủ cựu, bảo thủ, và có phần nào là hủ nho thật đấy.
Cái đáng tiếc nữa cho Tú Xương là chưa nhận rõ được thế nào là tiếng nói và văn tự trong tiếng nói dân tộc. Nếu Tú Xương, ngoài tài thơ mà lại rộng có những kiến thức về khoa học tiếng nói, thì nhất định Tú Xương, lúc đánh đám thơ lại quốc ngữ xu thời theo Tây, đã không đánh hồi lùng cả sang văn tự quốc ngữ. Một nhà thơ lớn quốc ngữ Nôm lại đi đánh vào quốc ngữ La tinh!
Trước khi Tú Xương mất thì đã có nhiều nhà nho yêu nước dùng quốc ngữ mới để khai thông dân trí ta.
Tú Xương "rõ thực nôm hay" ấy, tưởng lầm rằng mất chữ Hán, mất chữ Nôm, Tây đưa quốc ngữ thay vào, là ta mất luôn cả hồn nước. Sự thực là thực dân đã làm hại được ta nhiều thứ, cái ấy rõ quá, nhưng tiếng ta vẫn vững như bàn thạch. Tiếng ta vẫn lớn khỏe, bất kể sự trải qua dâu bể của văn tự, và mặc dầu văn tự Nôm (cấu tạo trên cơ sở chữ Hán) phải rút đi trước sự lan tràn của văn tự ta La tinh hóa đi. Mới hay lịch sử tiếng nói dân tộc ta có lúc thay đổi hình thức văn tự, mà không ai và không bao giờ thay đổi được tiếng nói dân tộc. Hình như đó cũng là một quy luật khoa học về ngữ ngôn học.
Lúc Tú Xương chết, nhà thơ Yên Đổ Nguyễn Khuyến có phúng:
Kìa ai chín suối XƯƠNG không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn
Không rõ lúc phúng điếu, câu đối này viết bằng chữ Nôm gốc văn tự Hán hay là bằng thứ chữ gì khác. Nhưng đôi đối ấy đã đến với tôi bằng con đường của chữ quốc ngữ, và nay tôi đọc lại câu đối ấy là trên bản in bằng thứ chữ quốc ngữ La tinh hóa đó. Bằng cái thứ chữ quốc ngữ càng ngày càng lưu lại tên tuổi cho tuổi thơ Tú Xương, và ngày càng làm sáng thêm danh nhà thơ đấy. Nếu Tú Xương của chúng ta lại đỗ cao hơn? - không cần đỗ to đến mức trạng, đến mức tiến sĩ đại khoa, chỉ cần nhích lên một mức trên cái tú tài cố hữu đó thôi!
Nếu Tú Xương đỗ cử nhân?
Khi đã giả thử được một câu như vậy về đời Tú Xương, thì đồng thời cũng có thể có những câu giả thử khác quanh quanh thân thế một ông Tú riêng giữa làng thơ ngồi hẳn một chiếu điều hoa - nửa cạp hiện thực nửa cạp trữ tình.
Nếu Tú Xương đỗ cử nhân?
Nếu Tú Xương mà không chết năm 1907? Mà lại vẫn còn kéo dài tuổi thọ cho tới hôm nay? (Thì cũng chín mươi hai tuổi thôi mà! Tuổi thọ các cụ ta, nay vẫn có cụ sống lâu trên một trăm tuổi đó).
Nếu Tú Xương đỗ cử nhân mà lại làm quan, được triều đình An Nam cho đi làm kinh lịch, tri huyện tri hiếc, hoặc Tây bổ cho làm huấn đạo đốc điếc gì đó, nếu giả thử vạn nhất mà lại có những sự ấy xảy tới cho Tú tài Xương, thì có gì đổi thay vặn lệch hẳn thơ Tú Xương sang một dòng phái khác không?
Trước khi giải đáp cho câu giả thử này, tôi muốn được bàn về câu giả thử trên đã: "Nếu Tú Xương không chết năm 1907 đó?".
Năm 1907 là năm tử của một nhà thơ yêu nước bằng chữ Nôm, và cũng là năm binh lính khố đỏ ta rục rịch khởi nghĩa giữa Nam Định. Cũng trong cái năm 1907 mà thời nhân gọi là năm "cha con phế đế" ấy, Tây hạ bệ vua Thành Thái xuống, đặt lên bệ đó vua Duy Tân, để rồi sau cùng cho cả hai cha con gặp lại nhau ở một hòn đảo phát vãng Rê Uyniông xa lắc, mỗi năm chỉ còn có rừng mía là còn gợi lại ít nhiều phong cảnh cố quốc biệt tích. Phong trào khởi nghĩa văn thân lúc đó coi như là Tây "bình định" xong về căn bản. Và lá cờ khởi nghĩa đang rung phất ở tay nông dân Yên Thế. Và năm 1907 đó, cũng là năm Hoàng Hoa Thám phát triển căn cứ Phồn Xương.
Sửa chữa cái hẹp hòi đối với sĩ phu trí thức, lần đầu Đề Thám đã mở rộng căn cứ đón nho sĩ. Trong các trại nghĩa quân và tướng lĩnh tham tán quân cơ, mở thêm một trại mới. Trại lập riêng trên một quả đồi. Quả đồi không tên tuổi giữa rừng Yên Thế bao la ấy được có tên từ đó: đồi Tú Nghệ. Đồi Tú Nghệ gần ngay chỗ Đề Thám đóng ấy, là dành riêng cho tất cả nghĩa sĩ Trung Kỳ lưu vong mất đất hoặc ra Bắc bàn tính phối hợp chiến trường Trung Bắc lưỡng kỳ.
Về chính trị quân sự thì năm 1907 đại khái là như vậy. Nhưng năm 1907, về chính trị và văn hóa, có một sự kiện khá đặc biệt: ấy là sự ra đời của phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Nói rộng ra là cả một phong trào, nói cụ thể thu hẹp lại là một trường tư thục mở tại thủ đô Hà Nội, có thầy giáo, có học trò, có giáo trình. Các nơi tứ chiếng Đông Nam Đoài Bắc nhiều tỉnh xin chương trình, mở trường địa phương, tự coi như những chi nhánh của trường trung ương Hà Nội. Xu hướng của Đông Kinh nghĩa thục là muốn làm cách mạng nặng về văn hóa.
Trường Nghĩa Thục thọ được chín tháng, nhưng đã có một tác dụng và ấn tượng chính trị sâu đối với sĩ phu đương thời: thức tỉnh hồn nước, và đổi mới hơn lên cái lòng yêu nước cũ đó. Không rõ công việc chuẩn bị mở trường khởi công từ bao giờ, nhưng nhà trường chính thức khai giảng vào tháng 3-1907. Tức là sau "năm mươi ngày Tú Xương" chi đó (Tú Xương mất 20-l-1907). Tôi muốn người bạn đọc của tôi lưu ý giùm cho tôi hai niên hiệu khai sinh (nhà trường), khai tử (nhà thơ) cùng trong một năm đó.
Tôi vẫn còn nhớ dân gian ta trước đây lưu hành cái giai thoại: ai đánh vỡ chén ngọc nơi thiên cung, thì bị đày xuống hạ giới làm một anh học trò hay chữ, với điều kiện chỉ được thi đỗ đến tú tài. Lại còn buộc thêm điều kiện nữa là số phải đông con. Nếu giai thoại ấy là đúng như thế, thì ý ác đó cũng thật nghiêm khắc thay luật trời và cũng tinh vi thay hình phạt của nhà giời. Hay chữ mà cho hỏng tuột đi, thế nó lại đi một cái nhẽ rõ rệt về "học tài thi phận". Đằng này lại cho nếm một tí mùi bảng phấn, và bắt ngừng ngay ở nấc thang đó. Tú tài là gì, nếu không là me mé ghe ghé bể hoạn, mà lại chưa đủ tiêu chuẩn bằng cấp để vào quan chế vua. Tú tài chưa được là một chức năng hành chính phong kiến. Nó dở quan, dở dân, dở thầy đồ, dở thầy khóa, dở ông dở thằng. Tức là một hạng bất đẳng trong cái xã hội đã có một trật tự biên chế lâu đời như thế.
Với đủ các thứ dở dang đó, lại bồi thêm vào máu anh một chút vi trùng của thiên tài, vừa đủ cho anh hóa ra một nhà nho vô chính phủ, một nhà thơ ngông hoặc một người cuồng chữ. Nếu chỉ mới có thế thôi, anh tú ngông đó chưa thấy được cho kỳ hết mọi khóe khổ đau. Cho anh thêm một đàn con nữa để hoàn chỉnh hết hộ anh cái nhục lụy của sự sống: "Mấy khoa hương thí không đâu cả - Ba thước vườn hoang bán sạch rồi - Gạo cứ lệ ăn ba bữa một - Vợ quen dạ đẻ cách năm đôi".
Đời Tú Xương về tinh thần như thế, về vật chất như thế, còn xin cho Tú Xương kéo dài thêm tuổi thọ ra để làm gì? Để đi thi thêm vài ba khoa nữa, kỳ cho hết thi chữ Hán ư? Để làm gì? Để đỗ cử nhân ư? Ai tin tài phận Tú Xương sẽ phải đỗ cử nhân, nếu nhà nước còn mở mãi khoa thi, thì xin cứ mà tin. Không, chả bao giờ Tú Xương đỗ cử nhân đâu. Tôi cho rằng Trần Tế Xương đỗ đến tú tài đã là một sự lọt lưới rồi, đối với các quan chấm trường hồi đó. Nếu chấm trường nhận ra được văn bài đích là của cái anh làm thơ không nghiêm túc cợt nhả tỉnh Nam thành Nam Trần Tế Xương đó, e mà họ đã đánh hỏng luôn cả cái tú tài của Tú Xương nữa kia đó. Khéo không mà lại suốt đời ông Tú lại chỉ là một ông Tam trường, chung thân Tam trường? Thơ như thế, phú như thế, khẩu khí như thế, quan trường nào mà cho là hay được!
Nghĩ đến cuộc đời Tú Xương và nghĩ về cái lúc Tú Xương chết năm 1907 đó, tôi lấy làm tiếc cho Tú Xương sao không cố sống thêm ít năm nữa, hoặc mươi tháng nữa thôi. Để làm gì? Để cho Tú Xương được gặp phong trào Đông Kinh nghĩa thục chính thức ra đời sau hai tháng Tú Xương từ trần.
Tú Xương là người ghét chữ quốc ngữ. Trường Đông Kinh nghĩa thục làm cách mạng văn hóa, và chủ trương dùng chữ quốc ngữ làm thứ chữ phổ thông đắc lực nhất trong dân chúng để đẩy rộng mạnh công cuộc khai thông dân trí. Nay mong muốn một người ghét cay ghét đắng chữ quốc ngữ tìm đến chữ quốc ngữ của Đông Kinh nghĩa thục, liệu cuộc gặp có dẫn tới kết hợp tích cực gì không?
Tú Xương ghét chữ quốc ngữ vì chỉ thấy cái đám ký phán thông dùng nó để cho Tây sai khiến mình và làm hại mình. Nó là thứ chủ nghĩa của đám bất lương, đám bất lương từ bể ngoài đến, đám bất lương từ trong nước mọc lên, do Tây vừa đào tạo ra. Vua quan phong kiến giết đạo buộc con chiên họ dẫn qua thập tự mà chết như thế nào, thì Tú Xương ghét ký thông phán như thế. Tú Xương cho đám thơ lại tân thời đó, đám ký phán đó chẳng qua cũng lại là một thứ đi đạo nữa mà thôi. Chữ quốc ngữ họ viết ra, cũng vẫn là một thứ chữ mật mã gì đó của đám chỉ điểm cho giặc. Cho nên thơ Tú Xương giương cung giương nỏ lên mà bắn sả vào đám văn thư ký phán nhị tâm và, mỗi câu ngày nay xem lại, vẫn còn thấy rung lên như những mũi tên tre vừa mới cắm phập vào điểm đen.
Trong lúc bắn để lùi để cố thủ cho chữ Hán, Tú Xương bắn bừa cả vào chữ quốc ngữ. Chê trách Tú Xương thiếu nhỡn quan chính trị, không nhìn xa rộng về tiền đồ ngôn tự và văn hóa là đúng quá đi thôi.
Nhưng chữ quốc ngữ do Đông Kinh nghĩa thục đưa ra, do chính những nhà khoa bảng những bậc tiêu biểu cho sĩ phu yêu nước viết ra và đọc lên, để cảnh tỉnh hồn nước cũ, nhất định Tú Xương phải nhận định nó có khác đi, nếu Tú Xương còn được sống nốt cả cái năm 1907 đó.
Chữ quốc ngữ của Đông Kinh nghĩa thục vang vọng khắp các tỉnh miền Bắc, đâu đâu cũng xin giáo trình và tham gia công cuộc duy tân bằng văn tự quốc ngữ. Tỉnh Nam Định cũng nhận làm một phân hiệu của Đông Kinh nghĩa thục. Nếu mấy tháng sau đó mà Tú Xương còn sống ở thành Nam Định, tôi tin Tú Xương sẽ có những hoạt động như mọi nhà nho chân chính của phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Bỏ lối học từ chương sáo hủ, bỏ lối tứ thư ngữ kinh đúng như chủ trương của Đông Kinh nghĩa thục, Tú Xương ký cả mười ngón tay chứ còn gì nữa!
Trong những bài học của nhà trường, Đông Kinh nghĩa thục soạn ra bằng văn vần để giảng dạy, bài tụng chữ quốc ngữ có những đoạn rất cụ thể:
.. Chữ quốc ngữ là hồn trong nước.
Phải đem ra tỉnh trước dân ta
Sách các nước, sách China 11
Chữ nào nghĩa ấy dịch ra cho tường
Tôi nghĩ rằng nếu Tú Xương còn có mặt ở đời lúc Đông Kinh nghĩa thục ra đời, Tú Xương sẽ hưởng ứng văn tự mới, và một cách cũng rất biện chứng, Tú Xương cũng sẽ có thơ cổ động cho chữ quốc ngữ. Với những đức tính hiện thực và trữ tình sẵn có, thơ Tú Xương phục vụ tuyên truyền lúc đó có thể còn mạnh hơn, dẻo hơn, phong phú và réo rắt hơn những đoạn những câu như trên kia đó.