That is a good book which is opened with expectation and closed with profit.

Amos Bronson Alcott

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2006 / 47
Cập nhật: 2015-11-21 22:31:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
ọng nghĩ rằng Vũ đã về Thái Bình, đã chứng kiến lụt lội. Tiền Hải không có lụt lội bao giờ, không phải lo lắng khi nghe trống canh đê, không đau khổ khi đê vỡ.
Năm 1945, vun vút trôi mau. Vọng vẫn ở Tiền Hải, phụ tá cho Bẩy Phòng công tác cách mạng. Nó chưa nhận lệnh đi đâu, ngoài việc từ làng Đông Cao chuyển về huyện lỵ Tiền Hải. Vọng muốn về thị xã thăm bạn cũ và tâm sự đủ thứ chuyện. Việc làm án ngữ thời gian. Và lãnh đạo, cơ hồ ngọn lửa vô hình, luôn luôn theo rõi tâm hồn Vọng, quyết định cuộc đời Vọng. Vọng chẳng thể tự do bừa bãi như thuở làm học trò. Nam Anh và các đồng chí chưa trở lại Tiền Hải. Có lẽ gặp nhiều trường hợp khó khăn ở thị xã, Nam Anh phải hiện diện thường xuyên. Vọng bận nhiều với Ủy ban cách mạng Tiền Hải, không cần biết những gì đã xẩy ra bên ngoài.
Thế rồi, Tầu phù của Lư Hán, Tiêu Văn sang Thái Bình tước võ khí Nhật lùn. Đảng đã nhận xét thật đúng. Nam Anh phải đối phó với các đảng phái thân Tầu và quân Tầu ô hợp. Tướng Long Vân sợ Tưởng Giới Thạch khu trừ mình, đóng quân ở Trung Hoa kiềm chế Tưởng Giới Thạch, sai Lư Hán mộ lính Quảng Đông, Quảng Tây, kéo đám Tầu phù thũng qua Việt Nam. Người Mỹ đã nhận Tầu phù là đồng minh! Quân Tầu sang Việt Nam không muốn về. Đã chả tốn một giọt máu như Tôn Sĩ Nghị, xâm lăng có chính nghĩa tước võ khí của phát xít, được hầu hạ cơm nước, ăn uống thả giàn, Tầu phù không ham về nước chúng. Là phải. Người Mỹ đã đểu giả với dân tộc Việt Nam từ đó.
Cách mạng đã giải quyết thỏa đáng vấn đề. Cách mạng đúc người bằng vàng y cống hiến Lư Hán, Tiêu Văn. Những thằng tướng Tầu hèn mọn này rút quân về Tầu. Vọng mường tượng ra cảnh Tầu phù tước khí giới Nhật. Chắc bi thảm hơn cảnh Nhật đảo chính Pháp. Côn đã thương Pháp, tội nghiệp Pháp sa vào sự tàn nhẫn của Nhật. Nó lại thương Nhật, tội nghiệp Nhật sa vào sự bất nhân của Tầu cho mà xem. Thằng Côn tình cảm ấm ớ. Vọng đã chê Côn, không đồng ý với Côn vụ Nhật hành hạ Pháp năm ngoái. Vọng tiếc rẻ, giá nó có mặt ở thị xã ngắm quân Tầu ô nhỉ?
Vọng không được chứng kiến ngày Tầu phù lếch thếch kéo nhau về, Tầu buôn hết làm bộ làm tịch khi quân Tầu đóng ở thị xã. Vọng tin tưởng bọn thằng Vũ, thằng Côn sẽ không tha thứ cho bọn thằng Coóng, thằng Dzoòng.
Sau khi Tầu hồi hương, chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ tối cao của Đảng, cứu tinh của dân tộc, đã về Thái Bình thăm nhân dân. Vọng ấm ức không gặp bác Hồ, cơ hội ngàn năm một thuở.
Cuối năm 1946, Pháp ở Hà Nội khiêu khích. Hồ chủ tịch kêu gọi toàn dân đoàn kết chống Pháp xâm lăng và tản cư về hậu phương kháng chiến. Vọng hiểu rằng đất nước đã có chiến tranh. Căm thù thực dân chưa xong, đã căm thù xâm lăng Pháp. Vọng muốn vào bộ đội, đi tiêu diệt kẻ thù. Nó cứ ở Tiền Hải mãi, ở đến bao giờ, khi cơ thể nó rung lên, dòng máu trong huyết quản nó réo sôi.
Tháng 4, 1947, Nam Anh xuôi Tiền Hải gặp Vọng. Vọng vui mừng khôn tả:
- Đã hơn một năm rồi xa chú.
- Chú biết. Cháu làm việc ở Ủy ban huyện bận rộn làm sao, thì chú ở Ủy ban tỉnh bận rộn dường ấy. Hơn nữa là khác. Chú vẫn nhớ cháu, theo rõi cháu...
- Cám ơn chú.
- Cháu biết tại sao giữ cháu ở Tiền Hải không?
- Không.
Muốn cháu xa nhà, nhớ mãi rồi quên đi. Người làm cách mạng cứ nhớ nhà, nhớ kỷ niệm cũ, nhớ bạn bè xưa, phẩm chất không còn là cách mạng nữa. Bởi mong mỏi cháu thành người cách mạng nguyên vẹn, Đảng ta mới ghìm cháu ở Tiền Hải, không cho cháu về thị xã. Trong cách mạng, cháu lớn vọt lên từ hành động đến tư tưởng, cháu biết không?
- Cháu chỉ thấy mình lớn lên.
- Quên mình, nghĩ đến người, là nét đậm trong cách mạng.
- Vâng.
- Thầy Hoan nhớ cháu luôn.
Vọng thương thầy Hoan, nhớ thầy canh cánh bên lòng. Cần một câu, một câu thôi, đủ diễn tả tâm hồn Vọng: Không có thầy Hoan, nó đã chết đói!
- Bây giờ, thầy cháu ở đâu?
- Việt Bắc.
Nam Anh nhìn Vọng, mỉm cười khoan khoái:
- Nguyễn Công Hoan đã tìm ra người cống hiến cho cách mạng.
Vọng xấu hổ, cúi đầu.
- Cháu làm rạng rỡ tinh thần Ngô Duy Phớn. Ở Đông Cao. Ở huyện Tiền Hải. Cháu giầu sáng tạo. Cháu soi rõ niềm khoan hồng, đạo đức của cách mạng: Tha chết cho lính lệ và nha lại. Cháu nghiêm minh giữ lại cho cách mạng những thứ cách mạng chiếm được. Tài sản của huyện đường, huyện quan, súng đạn kiểm kê và canh giữ. Ở nhiều huyện khác, cách mạng dấy lên, vì lòng căm phẫn nhất thời của nhân dân, nhiều người đã bị giết chết, cả những người vô tội nữa. Có nỗi bất bình phản ánh. Cách mạng đành im, chịu đựng oan nghiệt. Cách mạng ở đâu cũng vậy, giống nhau chi tiết này. Cách mạng ở nước Pháp, người chết oan vô tả. Trong lịch sử Pháp ghi chép đầy đủ. Cháu đã làm đúng tinh thần cách mạng: Không giết người, không cướp của. Không ai dạy cháu, thầy Hoan không dạy cháu, chú không dạy cháu. Vậy ai dạy cháu?
Vọng nghĩ ngay đến thằng Vũ và những nét cao thượng của nó.
- Thưa chú, thằng Vũ.
- Là ai?
- Học cùng trường với cháu. Thầy Hoan khen ngợi nó hết lời.
- Thầy Hoan nói sao?
- Thầy bảo Vũ là kẻ có lòng, là anh hùng, dám bênh bạn, quý thầy mà chịu đuổi học.
- Vũ ở đâu?
- Cháu chỉ gặp nó ở thị xã. Hồi nó bị đuổi, lên Hà Nội học, cháu không còn gặp nữa.
Nam Anh nói:
- Chú sẽ tìm thằng Vũ.
Và vỗ vai Vọng:
- Cháu sửa soạn hành lý lên đường.
Vọng theo Nam Anh đi Quỳnh Côi. Ngay hôm sau, Vọng được kết nạp vào Đảng, thuộc Đảng ủy Thái Bình, căn cứ bản đề cử của Nguyễn Công Hoan và Nam Anh, những ngày tranh đấu với bản thân, cùng thành tích cách mạng của Vọng đã lập được. Vọng đã thành đảng viên Đảng cộng sản năm Vọng 19 tuổi. Vọng được vào Đảng, lý do chính Vọng thuộc thành phần công nhân nghèo khổ. Cha Vọng sống nghèo khổ, chết vì bệnh ho lao. Mẹ Vọng nghèo khổ, chết vì đói. Vọng nghèo khổ, bị áp bức từ nhỏ.
Vọng đã cảm động ứa nước mắt, lúc tuyên thệ trước bàn thờ treo Đảng kỳ và Quốc kỳ. Vọng quỳ xuống, thề rằng: Trung thành với Đảng, với Lãnh tụ, với Giai cấp, với Tổ quốc, với Nhân dân. Vọng phải bỏ tên cũ, lấy tên mới, quên hẳn tên cũ Nguyễn Hữu Vọng đi. Nam Anh cùng Vọng tham khảo chuyện đổi tên. Cuối cùng, Nguyễn Hữu Vọng thành Nguyễn Kỳ Bá, làm bất cứ việc gì phải tuân lệnh Đảng, đi bất cứ đâu phải do Đảng chỉ thị. Không phàn nàn, chẳng bất mãn. Vọng sung sướng lắm rồi.
- Từ nay, đồng chí là đồng chí của tôi.
Nam Anh bắt tay Kỳ Bá:
- Trong công tác và những nơi công cộng. Ngoài thời gian đó, ở nhà, hãy thân mật xưng hô chú, cháu.
- Thưa đồng chí, vâng.
- Không, rõ.
- Thưa đồng chí, rõ.
- Đồng chí còn trẻ, tôi có bổn phận cho đồng chí biết, còn nhiều cản trở, Đảng ta chưa nói rõ là Đảng cộng sản được. Mai này, lãnh tụ tối cao sẽ đặt tên lâm thời cho Đảng. Gặp gì chăng nữa, đồng chí chỉ nên vắn tắt: Đảng ta thôi.
- Thưa đồng chí, rõ.
- Vì đồng chí còn trẻ, Đảng ta chưa đặt đồng chí ngồi ở những cấp cao hơn, dù đồng chí tài giỏi, sáng tạo tốt. Đồng chí nắm cấp nhỏ rồi đi lên, theo tuổi tác của đồng chí.
- Thưa đồng chí, rõ.
- Đồng chí thắc mắc gì không?
- Thưa đồng chí, không.
- Hoàn toàn không?
- Thưa đồng chí, hoàn toàn.
- Mai tôi sẽ rời đồng chí về thị xã. Đồng chí ở lại Quỳnh Côi, trực thuộc Quỳnh Côi trong công tác.
Từ Tiền Hải, sang sông Trà Lý, qua Quỳnh côi, Kỳ Bá thấy cuộc đời mình xoay đổi chớp nhoáng. Bây giờ, anh đã thành đảng viên Đảng cộng sản, có tên mới, anh dùng làm cả bí danh: Kỳ Bá. Quỳnh Côi đẹp hơn Tiền Hải. Phố xá huyện lỵ nhiều nhà ngói khang trang. Ngày xưa, có thời thi hào Nguyễn Du đã sáng tác thi ca ở đây. Quỳnh Côi phi cơ Nhật đã hạ phi cơ Mỹ rụng rơi, sau lần không chiến, làm xôn xao huyện lỵ.
Ký Bá theo học Sử Đảng để hiểu lịch sử của Đảng cộng sản quốc tế, Đảng cộng sản Đông Dương, rồi Đảng cộng sản Việt Nam mà quan niệm về sử cho đúng đắn, chững chạc là đảng viên cộng sản. Lần lượt Kỳ Bá thuộc tên Karl Marx, Friedrick Engels, Vladimir Ilitch Lénine, Joseph Staline, Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Nguyễn thị Minh Khai... Kỳ Bá như sống với ngày Xô viết Nghệ An, Nam kỳ, Bắc Sơn khởi nghĩa... Những địa danh Bắc Sơn, Thái Nguyên... gần gũi Kỳ Bá, sưởi ấm lòng Kỳ Bá.
Kỳ Bá học sáu tháng mới chấm dứt khóa 1, Đảng đã đưa anh gia nhập bộ đội. Thời gian này, Pháp ở Nam Định vượt sông Hồng qua Tân Đệ, vào thị xã Thái Bình. Pháp hành quân chớp nhoáng. Rút lui vô sự. Không giết bất cứ ai. Thị xã không biết gì. Sáng sau mới rõ. Pháp đã về Nam Định rồi. Cách mạng quy mọi tội lỗi cho Hoàng Sĩ Tính, con cháu Hoàng Cao Khải, Hoàng Trọng Phu, là tiểu đoàn trưởng bộ đội trấn giữ thị xã mà không biết tin tức địch. Hoàng Sĩ Tính bị xử tử tại sân vận động Thái Bình. Anh ta vừa bị gục, điện tín của Hồ chủ tịch khoan hồng anh, cách mạng mới nhận được.
Hoàng Sĩ Tính chết vài ngày, lệnh tiêu thổ kháng chiến ban hành. Thị xã bị phá tan tành nhà cửa. Dân chúng kéo nhau về quê. Đầu năm, Kỳ Bá tốt nghiệp quân sự. Anh theo trung đoàn 84, xung phong đi diệt Pháp ở Hải Dương, Hưng Yên. Trung đoàn 84 nổi tiếng gan dạ. Giữa năm, Kỳ Bá lên chức chính trị viên tiểu đội. Kỳ Bá chuyển quân khắp nơi, đóng khắp các huyện lỵ. Trong năm 1949, Kỳ Bá là chính trị viên trung đội. Năm 1950, Đảng thay đổi nhiều chính sách. Giải tán Vệ quốc đoàn, thành lập Quân đội nhân dân, và chính trị viên là chính ủy.
Tháng 9 năm 1950, chính ủy Kỳ Bá đã cho trung đội 23, đại đội 6, tiểu đoàn 15, trung đoàn 84 sang sông Trà Lý, đóng ở ba làng đã vào Hội Tề: Tường An, Đồng Đức, Đại Đồng. Đêm nay, Kỳ Bá không ngủ được vì lãnh đạo và thần tượng, Vọng và Kỳ Bá ám ảnh chính ủy. Chính ủy phải vận dụng trí tưởng tượng của mình, leo lên chiếc tầu, ngược dòng thời gian, chạy về vùng dĩ vãng ngậm ngùi. Để tìm tuổi thơ của thằng Vọng...
Thằng Vọng Thằng Vọng - Duyên Anh Thằng Vọng