Số lần đọc/download: 0 / 22
Cập nhật: 2023-03-01 08:44:10 +0700
Chương 14 Cuộc Chiến Của Tống, Sở Ở Đất Hoằng
H
i công nhị thập niên (năm 640 trước công nguyên)
Tống Tương Công một lòng định triệu tập chư hầu tham gia vào liên minh do mình làm chủ. Đại phu nước Lỗ Trang Tôn Thìn nghe được việc này bèn nói: “Dục vọng của một con người phải nghe theo sự chỉ phối của một ý chí thì mới có thể được. Một con người không có ý chí, chỉ tuân theo một dục vọng là không thể được. Ý chí của một con người tuân theo dục vọng của một người thì rất khó làm được một việc gì”.
Hi công nhị thập nhất niên (năm 639 trước công nguyên)
Lỗ Hi Công năm thứ hai mươi mốt. Vào mùa xuân nước Tống triệu tập đồng minh tại Lộc Thượng (phía tây huyện Thái Hòa, tỉnh An Huy ngày nay). Bởi vì ba nước Tống, Tề, Sở cử đại phu tham gia hội nghị nên nước Tống yêu cầu các chư hầu tổ chức một lần hội nghị. Nước Sở giả bộ đồng ý. Công tử Mục Di nói: “Nước nhỏ giành làm minh chủ, đấy là họa chứ không phải. là phúc. Chỉ sợ nước Tống sắp mất nước, cũng không kéo dài thêm được bao lâu nữa”.
Mùa thu, Tống Tương Công cùng Sở Thành Vương, Trần Mục Công, Thái Trang Hầu, Trịnh Văn Công, Tào Cộng Công... họp hội nghị tại đất Vu (tây bắc huyện Tuy tỉnh Hà Nam ngày nay). Công tử Mục Di nói: “Lẽ nào họa lại xảy ra tại nơi đây? Dục vọng của quân chủ chúng ta quá lớn, người ta làm sao có thể chịu đựng nổi?”. Sau đó nước Sở giữ Tống Tương Công tại phòng họp và tiến hành đánh nước Tống.
Mùa đông nước Sở và nước Tống lại họp tại đất Bạc (tây bắc Thương Khâu tỉnh Hà Nam ngày nay) Trong cuộc họp, phóng thích Tống Tương Công. Công tử Mục Di nói: “Tai họa vẫn chưa chấm dứt, sự trừng phạt này vẫn chưa thể trừng trị quân chủ của chúng ta”.
Hi công nhị thập nhị niên (năm 638 trước công nguyên)
Mùa hạ, Tống Tương Công đem quân chinh phạt nước Trịnh. Công tử Mục Di nói: “Tai họa mà ta nói sẽ xảy ra tại nơi đây”. Mùa thu, để giải cứu cho nước Trịnh, nước Sở xuất quân đánh nước Tống. Tống Tương Công chuẩn bị đánh nhau với nước Sở. Quan đại ty Mã Cố can ngăn Tương Công rằng: “Ông Trời đã từ bỏ người Thương chúng ta (người Tống là hậu duệ của triều Thương cho nên mới xưng là người Thương) từ lâu rồi. Ta chủ yếu là phục hưng sự thịnh vượng của người Thương. Tội lỗi này là không thể tha thứ dược. Chúng ta xuất quân thì ông Trời không ủng hộ ta đâu” Tống Tương Công không chịu nghe lời khuyên răn của Mã Cố.
Ngày mùng một tháng 11 mùa đông năm đó, Tống Tương Công dẫn quân ra đối chọi với quân Sở tại Hoằng Thủy (phía bắc huyện Thạch Thành tỉnh Hà Nam ngày nay). Quân đội nước Tống đã bố trí sẵn thế trận. Quân Sở vượt Hoằng Thủy mới được một nửa, công tử Mục Di nói: “Họ quân nhiều, ta quân ít, khi họ chưa qua sông hết ta hạ lệnh công kích”. Tống Tương Công nói: “Không được”. Đợi quân Sở qua sông xong, chưa kịp lập thế trận, công tử Mục Di lại xin Tống Tương Công ra lệnh công kích. Tống Tương Công nói: “Vẫn chưa được". Đợi đến lúc quân Sở bày xong trận thế, Tống Tương Công mới hạ lệnh công kích. Kết quả quân Tống thất bại thảm hại. Quân Sở truy đuổi một mạch cho đến tận kinh thành nước Tống. Bắp đùi của Tống Tương Công bị thương. Tất cả quan bảo vệ thành đều bị giết sạch.
Dân nước Tống đều trách tội Tống Tương Công. Tống Tương Công nói: “Trên chiến trường một người quân tử không giết kẻ địch đã bị thương, không bắt làm tù binh những người lớn tuổi trên đầu đã có hai thứ tóc. Ngày xưa đánh nhau không cần phải dựa vào quan ải hiểm trở để mà giành thắng lợi. Quả nhân tuy là hậu duệ của người vong quốc (người Tống là hậu duệ của người Thương, do đó tự xưng là hậu duệ của vong quốc), nhưng cũng phải giành chiến thắng một cách đàng hoàng, cho nên không tiến công kẻ địch chưa kịp bày binh bố trận”.
Công tử Mục Di nói: “Chúa công ta không biết đánh giặc như thế nào. Kẻ địch hùng mạnh không bày nổi thế trận ở nơi đất hẹp đó là ông Trời phù hộ cho chúng ta. Sự tiến quân của kẻ địch hùng mạnh gặp trở ngại, chúng ta hạ lệnh công kích có gì là không phải? Cho dù như vậy đi nữa chưa chắc ta đã đánh thắng. Huống hồ kẻ địch bây giờ người nào người nấy cường tráng dũng cảm. Tuy rằng gặp một người già, bắt được thì cứ bắt làm tù binh, hơi đâu mà suy nghĩ đến những người trung niên tóc vừa chớm bạc? Chúng ta huấn luyện người dân chiến đấu, cần làm cho người dân hiểu rõ liêm sĩ, đánh trận quyết không thể đầu hàng, chăm chú lo việc dũng cảm giết giặc. Ta không giết giặc, giặc tất giết ta. Kẻ địch bị thương chưa chết, tại sao lại có thể không giết kẻ địch đang bị thương? Ví thử yêu mến kẻ địch bị thương, chỉ bằng thà đừng làm cho nó bị thương. Giả thử yêu mến bảo vệ kẻ địch đầu đã có chút tóc bạc, chi bằng đầu hàng, xưng làm thần cho xong chuyện. Ba quân đánh trận thế có lợi cho chúng ta thì phải hành động ngay. Tiếng kèn tiếng trống chính là để khích lệ sỹ khí của quân đội chúng ta. Hễ có lợi cho chúng ta là hành động ngay bất kể là kẻ địch đang gặp khó khăn trở ngại. Tiếng trống càng vang to, càng nâng cao ý chí chiến đấu, cho dù kẻ địch chưa bày xong thế trận, cũng có thể ra lệnh công kích trong tiếng trống trận vang rền”.
Hi công nhị thập tam niên (năm 637 trước công nguyên)
Mùa xuân năm Hi công thứ hai mươi ba, Tề Hiếu Công tấn công nước Tống, bao vây vùng đất Mân (đông bắc huyện Kim Hương tỉnh Sơn Đông ngày nay). Nước Tề tấn công nước Tống vì bốn năm trước không tham gia minh hội tại nước Tề. Mùa hè ngày 25 tháng 5 Tống Tương Công chết vì bệnh. Vết thương mà ông bị thương tại trận Hoằng Thủy là nguyên nhân gây ra cái chết của ông.