Số lần đọc/download: 3614 / 73
Cập nhật: 2016-02-18 21:13:13 +0700
Chương 15
R
ất nhiều năm sau, mỗi khi nhắc đến bố dượng Tống Phàm Bình, Lý Trọc chỉ có một câu, dơ ngón tay cái lên, bảo:
Một người đàn ông tuyệt vời.
Trong nhà kho thật ra là một nhà tù, Tống Phàm Bình đã bị đánh đập hành hạ đủ kiểu, sau khi bị sai khớp, cánh tay trái anh dần dần sưng vù, anh vẫn không hé răng kêu một tiếng. Anh luôn luôn viết thư cho Lý Lan, bức thư đầu tiên anh viết hôm phất cờ đỏ trên cầu, là lúc anh rạng rỡ nhất, cho nên thư anh viết cũng say mê nóng bỏng. Trên giường bệnh viện Thượng Hải, lần đầu tiên Lý Lan được đọc thư của một người đàn ông, mà lại là một bức thư phấn chấn lòng người, như ăn phải chất kích thích, Lý Lan đọc một mạch hết lá thư. Bố đẻ Lý Trọc chưa bao giờ viết thư cho Lý Lan, người đàn ông bị chết chìm trong nhà xí, khi lãng mạn nhất, cũng chỉ là gõ cửa sổ của Lý Lan vào lúc nửa đêm, định rủ chị ra ruộng lúa chơi một quắn giữa cánh đồng. Cho nên khi nhận lá thư đầu tiên của Tống Phàm Bình, Lý Lan tự dưng đỏ bừng mặt. Sau đó, khi nhận được thư của Tống Phàm Bình hết bức này đến bức khác, Lý Lan vẫn hồi hộp và đỏ mặt.
Lúc này, Tống Phàm Bình đã bị đánh đổ, để Lý Lan yên tâm chữa bệnh ở Thượng Hải, thư anh viết vẫn say mê hừng hực, anh không nói với Lý Lan tình hình thực tế, trong thư anh nói mình càng ngày càng tốt đẹp, làm cho Lý Lan cảm thấy anh đang phất lên như diều trong dòng thác của đại cách mạng văn hoá. Khi Tống Phàm Bình bị giam trong nhà kho, cánh tay trái bị đánh trật khớp thõng xuống, tay phải anh vẫn tiếp tục bịa ra sự phô trương giả tạo của mình. Những bức thư về sau được Lý Trọc và Tống Cương gửi thay bố, hai cậu bé đi đến cổng nhà kho, bố Tôn Vĩ tóc dài trao thư cho hai cậu, đem ra bưu điện gửi. Khi gửi thư, Tống Phàm Bình quen dán tem ở góc trên bên phải phong bì. Khi Lý Trọc và Tống Cương gửi thư, không biết tem nên dán ở chỗ nào? Chúng trông thấy một người gửi thư, dán tem ở sau phong bì, thế là lần ấy Lý Trọc cũng dán y như vậy gửi đi. Lần sau đến lân Tống Cương dán tem, cậu nhìn thấy người ta dán tem ở miệng thư, cậu cũng dán y như thế.
Lúc bấy giờ Lý Lan không thể an tâm chữa bệnh ở Thượng Hải, trong bệnh viện ngày nào cũng có những cuộc phê đấu, những bác sĩ chị quen biết đã lần lượt bị đánh đổ. Chị lo ngay ngáy, muốn về nhà. Nhưng thư của Tống Phàm Bình gửi đến không đồng ý chị về, hy vọng chị ở Thượng Hải điều trị khỏi hẳn bệnh đau nửa đầu. Trên giường của bệnh viện, Lý Lan sống một ngày dài đằng đẵng như một năm, chị đọc thư của Tống Phàm Bình không biết bao nhiêu lượt, bức nào chị cũng đọc thuộc lòng, đây là toàn bộ sự an ủi khi chị sống cô đơn tại Thượng Hải.
Lý Lan cũng xem những phong bì hết lần này đến lần khác, chị nhận ra, bắt đầu từ một ngày nào đó, vị trí dán tem đã thay đổi, đầu tiên dán ở sau phong bì, sau đó lại dán ở miệng phong bì. Khi chị nhận được bức thư tem dán ở mặt sau phong bì, chị lẳng lặng nói một mình, tem của bức thư tới nhất định dán ở miệng phong bì.
Lý Trọc và Tống Cương luân phiên nhau dán tem, luân phiên nhau bỏ thư vào thùng, không để lỡ một lần nào, khiến Lý Lan loáng thoáng cảm thấy không yên, hơn nữa nỗi lo này mỗi ngày một tăng. Chị bắt đầu suy nghĩ miên man, bắt đầu lo lắng mất ngủ, tự nhiên bệnh đau đầu của chị lại quá ra. Lý Lan vốn ngoan ngoãn tuân theo Tống Phàm Bình, lần đầu tiên viết thư cho chồng bằng giọng dứt khoát như đinh đóng cột. Chị nói với anh, bởi vì đại cách mạng văn hoá, đã không còn bác sĩ nào đến buồng của người bệnh, chị đã quyết định ra về.
Khi Lý Lan đi ô tô đến Thượng Hải chữa bệnh, Tống Phàm Bình đã từng nói, khi nào chị chữa khỏi bệnh, anh sẽ đích thân đến Thượng hải đón chị. Để xoá nỗi lo canh cánh trong lòng, trong thư gửi cho chồng, Lý Lan đã thử hỏi dò Tống Phàm Bình, liệu anh có đến Thượng Hải đón chị về được không?
Lần này, phải chờ suốt nửa tháng, Lý Lan mới nhận được thư trả lời của chồng. Khi viết bức thư này, Tống Phàm Bình vừa bị người ta lấy thắt lưng da quật túi bụi hơn một tiếng đồng hồ, người đàn ông kiên cường này khi bị giam cầm, vẫn muốn giữ lời hứa, đã viết trong thư đồng ý đến Thượng Hải đón vợ, lại còn định sẵn ngày giờ, hẹn Lý Lan đứng ở cổng bệnh viện chờ anh vào lúc mười hai giờ trưa.
Đây là bức thư cuối cùng Tống Phàm Bình viết cho vợ, bức thư này khiến Lý Lan đã khóc những giọt lệ an tâm, chị xoá hết mọi nỗi lo, sau khi trời tối, chị đã đi vào một giấc ngủ ngon lành.
Tối hôm ấy, Tống Phàm Bình trốn ra khỏi nhà kho, nhân lúc bố Tôn Vĩ đi ra nhà vệ sinh, anh len lén mở hé cửa nhà kho, chuồn ra ngoài. Khi anh về đến nhà đã hơn một giờ sáng, Lý Trọc và Tống Cương đã ngủ say từ bao dỡ bao giờ, có một bàn tay đang vuốt ve âu yếm chúng, ánh đèn cũng đang soi vào chúng, Tống Cương dụi mắt thức dạy đầu tiên, trông thấy bố ngồi cạnh giường, cậu kêu lên mừng rỡ, sau đó Lý Trọc cũng dụi mắt thức dạy. Tống Phàm Bình bảo con, Lý Lan sắp về. Vợ anh, mẹ của hai con sắp sửa về. Anh bảo các con, sáng sớm nay anh đi ô tô đến Thượng Hải đón Lý Lan, hai bố mẹ sẽ đi chuyến xe buổi chiều về nhà.Tống Phàm Bình chỉ ra ngoài cửa sổ đen ngòm, nói:
Ngày mai, lúc mặt trời lặn, bố mẹ sẽ đến nhà.
Lý Trọc và Tống Cương nhẩy tâng tâng trên giường reo ầm ĩ, như hai con khỉ hí hửng. Tống Phàm Bình vẫy tay phải, ra hiệu cho hai con im lặng, chỉ sang nhà hàng xóm hai bên, anh khẽ bảo, đừng đánh thức người ta dạy. Lý Trọc và Tống Cương lập tức bịt chặt mồm, lẳng lặng bò khỏi giường. Tống Phàm Bình nhìn cái tủ đổ ra đất và quần áo vứt bừa phứa trên nền nhà, nhăn nhó nói với hai con:
- Sau khi về, trông thấy nhà cửa còn bẩn hơn đống rác, mẹ các con bực lên, lại trở về Thượng hải thì biết làm thế nào?
Bây giờ đến lượt Lý Trọc và Tống Cương nhăn nhó. Tống Phàm Bình hỏi hai con:
Làm thế nào mới không để mẹ trở lại Thượng Hải?
Nghĩ một lát, Tống Cương và Lý Trọc cùng trả lời:
Quét dọn vệ sinh.
Đúng! – Tống Phàm Bình cũng nói một tiếng.
Tống Phàm Bình đi đến trước cái tủ đổ, ngồi xuống lấy tay phải nhấc tủ lên, rồi ghé vai đỡ, khi anh đứng lên, cái tủ cũng đã được dựng lại. Lý Trọc và Tống Cương há mồm trợn mắt, chỉ một cánh tay, bố chúng đã dựng cái tủ to tổ bố đứng thẳng lên như cũ., mà không cần đến cánh tay trái. Cánh tay trái bố đang buông thõng cho nó nghỉ. Hai đứa con theo sau bố, phải nói là theo đằng sau tay phải bố mới đúng, sửa sang lại ngôi nhà. Chúng giúp tay phải bố thu dọn quần áo trên nền nhà, khi tay phải bố quét nhà, thì hai con đổ rác, khi tay phải bố lau nền nhà, thì hai con lấy dẻ lau bụi bậm trên bàn ghế. Khi ba bố con thu dọn sạch sẽ trong nhà, thì có tiếng gà gáy sáng, bầu trời ở bên ngoài đã trắng nhợt màu bụng cá. Sau đó hai cậu bé ngồi trên ngưỡng cửa quay mặt ra ngoài, nhìn tay phải bố múc nước giếng, dùng tay phải xát xà phòng tắm rửa. Khi Tống Phàm Bình quay vào nhà, hai đứa con quay người ngồi trên ngưỡng cửa nhìn vào trong, trông bố dùng tay phải thay quần áo sạch sẽ. Anh mặc chiếc áo lót màu đỏ, có dòng chữ vàng trước ngực, hai đứa con không biết những chữ gì, Tống Phàm Bình bảo các con, đây là chiếc áo lót đội bóng rổ nhà trường phát cho anh khi đang học đại học. Tống Phàm Bình còn đi một đôi dép rọ bằng nhựa màu vàng nhạt. Đây là đôi dép Lý Lan tặng trước khi cưới. Hôm cưới anh đi lần đầu tiên, đây là lần thứ hai anh đi đôi dép rọ.
Lúc này, hai đứa con nhận ra, cánh tay trái toòng teng của bố to ra, tay trái bố cũng béo ra, béo sù lên, như đi găng tay bông. Chúng đâu biết đó là sưng, chúng hỏi bố,tại sao tay trái béo hơn tay phải? Tống Phàm Bình trả lời, tại vì tay trái luôn luôn nghỉ. Anh bảo:
Nó chỉ ăn, không làm việc, nên béo ra.
LýTrọc và Tống Cương cảm thấy bố đúng là một Thần Tiên, bố có thể cho một cánh tay làm việc, cho một cánh tay khác luôn nghỉ ngơi, lại còn làm cho cánh tay nghỉ ngơi béo ra. Chúng hỏi bố:
Khi nào tay phải bố cũng béo ra?
Tống Phàm Bình cười hề hề, trả lời:
Nó sẽ béo ra.
Khi mặt trời mọc, Tống Phàm Bình suốt một đêm không chợp mắt, ngáp liền mấy cái, anh giục hai con lên giường ngủ, Lý Trọc và Tống Cương lắc lắc đầu, vẫn ngồi trên ngưỡng cửa, thế là anh bước qua giữa hai con, ra bến đi chuyến ô tô sáng, đến Thượng Hải đón Lý Lan.Sau khi thân thể cao to của anh vượt qua đầu hai đứa con, thì ráng sớm đã ửng đỏ ngôi nhà, hai cậu bé mới phát hiện nhà mình đã quét dọn sạch sẽ sáng sửa, như chiếc gương đã lau bụi. Cả Tống Cương lẫn Lý Trọc cùng reo lên:
Ôi, sạch sẽ quá!
Tống Cương quay người gọi bố đã đi qua:
Bố ơi, quay lại!
Bước chân dòn tan của Tống Phàm Bình đã quay lại, Tống Cương hỏi bố:
Trông thấy sạch sẽ như thế này, mẹ sẽ bảo sao?
Tống Phàm Bình trả lời:
Mẹ sẽ bảo, ‘ không về Thượng Hải nữa’.
Lý Trọc và Tống Cương cười khúc khích. Tống Phàm Bình cũng cười sang sảng. Anh đi về phía ánh sáng ban mai, hai chân anh dẫm trên đất, y như búa sắt nện xuống đường, kêu chan chát.. Đi được hơn chục mét, Lý Trọc và Tống Cương thấy bố đứng lại, tay phải bố đưa sang bên trái, cẩn thận nhấc cánh tay trái thõng xuống, đút vào túi quần. Bố đi tiếp, cánh tay trái không còn toòng teng nữa, khi Tống Phàm Bình đi, một tay đút túi, một tay vung lên, trông rất hiên ngang, cái bóng cao to đi về phía mặt trời, giống như một nhân vật anh hùng trong phim.